ẢNH NGHỆ THUẬT CỦA PHẠM VĂN HOÀNG
Những khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân” và Thơ
(Tập ảnh của Phạm Văn Hoàng (Hoàng Long), thơ Đàm Chu Văn và Phạm Sỹ Duyên)
Bùi Công Thuấn
Kết hợp ảnh nghệ thuật và thơ là một cách làm mới để tôn vinh gía trị của ảnh và của thơ, làm cho hồn thơ của ảnh hiển lộ bằng ngôn ngữ. Đó là nét riêng của tập ảnh Những khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân” của Nhà nhiếp ảnh Hoàng Long.
Từ trước đến nay, các nhạc sĩ thường phổ nhạc những bài thơ hay, giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu. Thơ được chắp cánh bay xa và nhạc trở thành ngôn ngữ mật ngọt.
Khi xem ảnh đề thơ, người thưởng ngọan được thưởng thức cùng một lúc hai tác phẩm nghệ thuật. Ảnh là nghệ thuật thị giác, đem đến màu sắc, bố cục, đường nét, góc nhìn và hiện thực được phản ánh; còn thơ là nghệ thuật ngôn từ, tạo nên trong tâm thức người đọc một bức tranh khác giàu tư tưởng và cảm xúc thẩm mỹ mà bình thường người xem ảnh không nhận ra.
Tác giả Hoàng Long chọn thơ Đàm Chu Văn (nhà thơ-Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam) và thơ Phạm Sỹ Duyên làm đề từ cũng là một sự chọn lựa tinh tế, vì thơ Đàm Chu Văn có chất tài hoa, lãng mạn, còn thơ Phạm Sỹ Duyên vừa chân chất, mộc mạc vừa có vẻ đẹp mực thước, cổ điển.
Bức ảnh “Trên hồ Trị An” ghi lại không gian trời, mây, nước một màu ánh bạc. Một chiếc thuyền câu nhỏ giữa mênh mông. Trên thuyền có hai người, một người ngồi, một người đứng chống sào. Cây cỏ lơ thơ nhô lên trên mặt hồ điểm thêm sự sống động vào không gian yên tĩnh. Điểm nhìn của người xem ảnh là từ gần đến xa, từ vạt nước trước mặt đến con thuyền ở giữa hồ, và đến bờ xa ở chân trời. Từ đây tầm mắt hướng lên ánh quang mặt trời trong mây. Góc nhìn mở rộng ra mãi. Giữa trời nước mênh mông, con thuyền truyền cho bức ảnh sự sống và làm hiển lộ thần thái cảnh vật. Những vất vả của cuộc sống lao động trở thành thơ. Thiên nhiên vắng lặng cất thành lời. Vì người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp được cái đẹp hòa điệu giữa con người và thiên nhiên, đồng thời hòa lòng mình vào “nguồn sáng thanh tân” để gợi mở, lan truyền những tình cảm sâu xa về vẻ đẹp thanh bình, trù phú của thiên nhiên, đất nước.
Bức ảnh được nhà thơ Đàm Chu Văn đề thơ, và thơ đưa người đọc đến gần với cảnh vật hơn, con người an nhiên giữa đất trời và thắm thiết duyên tình.
Ta về thả lưới giăng câu
Trị An bát ngát một màu nước xanh
Lơ thơ cây cỏ giăng mành
Mắt ai như sóng long lanh ánh hồ”
(Đàm Chu Văn)
Bức ảnh “Những cánh cò” là một hình ảnh quen thuộc của đồng quê Việt Nam. Rất nhiều cánh cò trắng bay giăng ngang, đang chuẩn bị đáp xuống cánh đồng lúa xanh. Bờ ruộng bên kia là làng quê, vườn cây xanh um, thấp thoáng một tháp ngói đỏ nhô lên cao. Mấy đống rơm ở bờ ruộng có hình thù, màu sắc lạ. Màu rơm vàng, đống rơm tròn nổi giữa màu xanh cây trái, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Lúa đã gặt, rơm rạ được chất thành nhiều đống, người nhà quê dùng để đun nấu, tạo nên “khói hoàng hôn” no ấm. Toàn cảnh là màu xanh lá cây. Không gian làng quê chiếm 2/3 bức tranh. Bầu trời trắng chiếm 1/3. Nhà nhiếp ảnh muốn nhấn mạnh đến sự thành bình, trù phú và nên thơ của miền quê.
Nhà thơ Phạm Sỹ Duyên đề thơ như sau:
Cánh cò ấm áp hương đồng
Cánh cò điềm báo ấm nồng làng quê
Đồng nào có cánh cò về
Nông dân ngày mới tư bề bỗi thu”
Tôi hiểu nhà thơ cảm nhận được cái “ấm nồng” trong “khói hoàng hôn” từ những đống rơm, cảm nhận được hương đồng trên ruộng lúa xanh , và nhìn thấy niềm hạnh phúc của người quê trên những cánh cò trong những mùa bội thu. Quả là, thơ đã đội vương miện tình yêu cho ảnh, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, yêu đời dân dã…
Ảnh của Hoàng Long là vậy. Trong hơn 50 bức ảnh của tập sách, có đến 43 bức ảnh lấy đề tài thiên nhiên miền quê trong những khoảnh khắc mà hồn thơ đậm nhất trên mỗi bức ảnh. 13 ảnh về hoàng hôn: Hoàng hôn trên núi Chứa Chan, Lời hẹn với hoàng hôn, Chiều tà ở Bảo Vinh, Chiều ở bến tàu Đảo Ó- Đồng Trường, Cuối chiều ở Suối Tre, Cuối chiều, Hoàng hôn xóm núi, Hoàng hôn Núi Thị, Hoàng hôn, Góc phố về chiều, Hòn lửa, hoàng hôn phố thị, chiều muộn thôn quê; 6 ảnh về bình minh: Nắng sớm ở nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh, Sớm mai ở rừng, Bình minh trên miền sơn cước, Hừng đông ở hồ nước Suối Tre, Chuyến tàu sớm, Tinh mơ; 19 ảnh bức tranh quê: Trên hồ Trị An, Tuổi thần tiên, Đồi mây, Pha sắc, Khúc ca sông nước, Hoa khế, Một góc hồ Đa Tôn, Rạ rơm, Nguồn sáng, Xanh, Soi bóng, Bức hoạ thiên nhiên, Làng quê thanh bình, Huyền hoặc, Rừng cao su lá vàng, Cảnh thiên nhiên, Những cánh cò, Sau vuông tôm, Cảnh làng quê.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Long đã đặt ống kính của mình khắp miền quê Long Khánh, và “mật phục” để chụp cho được cái khoảnh khắc “nguồn sáng thanh tân” của đất trời. Đó là Chiều tà Bảo Vinh, Cuối chiều ở Suối Tre, Hoàng hôn ở Núi Thị, Nắng sớm ở nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh. Xa hơn và cao rộng hơn là Hoàng hôn trên núi Chứa Chan, Trên hồ Trị An, hồ Đa Tôn, gần hơn là Rừng cao su rực rỡ sắc vàng mùa đông, Sau vuông tôm ở Nhơn Trạch, Những cánh cò trắng trên vạt ruộng xanh, một nhành Hoa khế, Chuyến tàu sớm qua phố thị.
Tất cả các bức ảnh đều ghi nhận một miền quê hương đẹp, trù phú, thanh bình với bao mơ ước, bao triển vọng. Có những ảnh ghi cận cảnh đời sống người dân quê (Vãn mùa, Mùa thu hoạch, Rạ rơm, bức ảnh Làm đất là hình ảnh hai chiếc máy cày đang tung bụi trên cánh đồng, phía sau là vườn cây, cau vươn cao trên nền trời…).
Ảnh thiên nhiên của Hoàng Long có màu sắc thẩm mỹ phong phú. Nhiều ảnh như tranh thủy mặc, thoáng một tứ thơ Đường, vừa trí tuệ, vùa lãng mạn, vừa cụ thể lại vừa gợi mở xa xăm về cái đẹp (Tinh mơ, Trên hồ Trị An, Lời hẹn với hoàng hôn, Bình minh trên miền sơn cước). Lại có bức ảnh mà đường nét kỷ hà học gợi ra một bức tranh Lập thể, kích thích thị giác người xem (Góc phố về chiều), có ảnh như một bức tranh Ấn tượng mà mỗi người xem ảnh có thể có những cảm nhận khác nhau (Bức họa thiên nhiên, Huyền hoặc) và đặc biệt là bức ảnh Vệt nắng, kỹ thuật ánh sáng của loại hình đen trắng tạo ra một bức tranh Siêu thực.
Ống kính của Hoàng Long là con mắt của một họa sĩ tài năng ở nhiều thể loại tranh nghệ thuật. Nếu là một họa sĩ, ông ta sẽ chủ động chọn lựa bút pháp. Trái lại, người nghệ sĩ nhiếp ảnh, bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là cái “khoảng khắc” 1/1000 giây bấm máy, nếu không kịp, cảnh sẽ qua đi. Ngoài ra, chất lượng ảnh còn tùy thuộc góc nhìn, tùy thuộc kiểu loại camera, và quan trọng nhất là hồn người nghệ sĩ ở đâu trong cái “khoảnh khắc” ấy. Cho nên, mỗi bức ảnh có thể là một kỳ công, có cả sự may mắn nữa, đó là chưa kể đến sự xoay trở để tìm một góc đặt máy, ghi cho được cái “thần” của cảnh, có được một bố cục lạ, mà mọi đường nét của cảnh tụ về, viễn cảnh và cận cảnh. Đồng thời chọn lựa và phối hợp màu thế nào để chủ đề bật ra. Tất cả những yếu tố ấy là ngôn ngữ của ảnh. Một bức ảnh chứa đựng bao công phu và tâm huyết.
Người xem ảnh của Hoàng Long bị ấn tượng ngay ở màu sắc ảnh. Đó là những màu nóng, màu đậm, tạo ấn tượng về sự mạnh mẽ, nồng nàn. Màu nâu đỏ của hoàng hôn (Hòn lửa, Lời hẹn với hoàng hôn, Chiều ở Suối Tre, Bình minh trên sơn cước, Trên đường công tác, Bức họa thiên nhiên...), họăc màu xanh đậm, (Những cánh cò, Xanh, Soi bóng,…); hoặc sự phối màu tương hợp (Xanh lá cây, vàng , trắng), phối màu tương phản quyết liệt (xanh- đỏ- đen) như bức ảnh Hừng đông: phố vẫn còn sẫm đen. Nhiều nhà vẫn còn sáng đèn. Cột điện vươn cao tỏa sáng. Bầu trời đã có màu xanh đậm, nhưng vạt nắng đỏ ửng vàng đã hắt lên bầu trời mạnh mẽ.
(Hừng đông)
Tôi nghĩ đó là cá tính nghệ sĩ, cũng là cá tính con người xã hội sôi nổi của Hoàng Long. Đời sống xã hội của anh phải đạt đến những điều tốt đẹp nào đó, một sự say mê nào đó mới có thể làm nên những bức ảnh có phẩm chất nghệ thuật như vậy. Ở đâu anh cũng đem đến sức sống, sự sôi nổi vui tươi và tình người ấm áp. Ảnh của anh được truyền cho cái cá tính đó, và chuyển hóa thành cá tính sáng tạo.
Đặc điểm cá tính sáng tạo ảnh nghệ thuật của Hoàng Long thể hiện ở bố cục cân đối (chuẩn mực), chủ đề tư tưởng là cái đẹp, ngôn ngữ trong sáng và sự truyền cảm nồng nàn. Xem ảnh của anh, người xem ảnh thấy yêu hơn quê hương mình, thấy vui hơn với cuộc đời đáng sống, và thấy cái đẹp tỏa ra từ mỗi khoảnh khắc.
Nếu được phép chia sẻ, tôi nghĩ Hoàng Long nên mở rộng đề tài hơn. Anh đã thành công với nhiều ảnh đẹp về thiên nhiên, anh soi thêm ống kính vào vẻ đẹp con người quê hương trong nhiều môi trường sống, nhiều cảnh đời, và nhiều phận người khác nhau. Biết đâu anh sẽ làm giàu thêm chất nhân văn trong thế giới mỹ thuật của anh. Tôi lại nghĩ, nếu anh để ảnh tự nhiên nói lên tiếng nói mà không bận tâm đến kỹ thuật màu sắc, biết đâu ảnh của anh sinh động hơn, thật hơn (?). Bố cục ảnh của anh quá cân đối, trở nên gò bó, anh thử phá cách xem sao, như nhiều nghệ sĩ đã tìm tòi sáng tạo, chắc chắn anh sẽ có được nhiều bức ảnh độc đáo…
Ấy là những nghĩ suy của một người “ngoại đạo” mỹ thuật mà khi được xem ảnh nghệ thuật của Hoàng Long, bất chợt tôi thấy lòng mình xao động. Bởi chỉ một “vệt nắng” qua ống kính Hoàng Long cũng trở thành một bức ảnh Siêu thực độc đáo, hoặc chỉ vài ngọn cỏ trong buổi sáng Tinh mơ với bầu trời trắng đục như sữa, ống kính Hoàng Long đã vẽ thành một bức tranh thủy mặc, gợi một tứ thơ Đường mà chỉ Lý Bạch mới có thể nói hết được cái đẹp. Vâng, ảnh nghệ thuật của Nhiếp ảnh gia Hoàng Long là vậy, không xao động làm sao được!
Xin chúc mừng và xin được chia sẻ niềm vui với người bạn thân thương của tôi, Nhiếp ảnh gia Hoàng Long.
Tháng 01. 2018
Cám ơn các tác giả!