40 NĂM VỚI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
Bùi Công Thuấn
(Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn)
Tôi được kết nạp vào Hội VHNT Đồng Nai năm 1988, đến nay đã là hội viên thuộc diện “cổ lai hy” của Hội (*). Nhưng trong tôi vẫn dào dạt những cảm xúc ngày đầu của một hội viên tuổi “thanh xuân”. Nhìn lại hành trình của mình, từ Hội VHNT Đồng Nai, tôi đã trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in được 8 cuốn sách trong đó có 2 cuốn viết riêng về nhà văn Đồng Nai là Hoa đỏ bên sông (2014) và Nhà văn Đồng Nai (2018). Tôi cũng đã được giải thưởng Trịnh Hoài Đức 4 lần, hai lần giải âm nhạc, 2 lần giải văn chương. Nói vậy để các hội viên trẻ hôm nay có thể nhận ra rằng Hội VHNT Đồng Nai là cái nôi rất thân thương, từ đó mỗi hội viên đều có cơ hội thăng tiến tài năng của mình đóng góp vào đời sống văn hóa của Đồng Nai.
Các lão nghệ sĩ: nhà văn-anh hùng Nguyễn Bá Ước, Họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, nhà văn Huyền Tùng…)
NGÔI NHÀ ẤM ÁP NGHĨA TÌNH
Tôi gọi Hội VHNT Đồng Nai là ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, bởi ngôi nhà ấy mở rộng vòng tay đón vào lòng mình mọi cây bút có ý thức và nhiệt tình sáng tạo nghệ thuật để làm giàu đẹp Đồng Nai.
Nơi đây quy tụ nhiều thế hệ nhà thơ nhà văn từ nhiều miền đất nước. Những nhà văn lão thành như Xuân Bảo (1935), Phan Huyền Tùng (1936), Trần Thúc Hà (1937), các nhà văn trẻ như Trần Thu Hằng (1975), Phạm Thị Thanh Vân (1980), Nguyễn Huyền Quy (1986)…Nhiều nhà văn bước ra từ khỏi lửa cuộc kháng chiến chống Mỹ tiếp tục cảm hứng sáng tác về văn học cách mạng và kháng chiến. Nhiều nhà văn trăn trở vật lộn với thời bao cấp và sự xuống cấp đạo đức giao thời kinh tế thị trường (Nhà văn Hoàng Văn Bổn viết tập truyện ngắn Người điên kể chuyện người điên và tiểu thuyết Tình đời đen bạc…). Nhưng những ngòi bút chủ lực của văn nghệ Đồng Nai lại khai phá những chân trời mới của văn chương (Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Nguyễn Trí…). Những nhà văn trẻ hôm nay có ưu thế của thời 4G và họ không vướng mắc gì với những vấn đề mà nhà văn thế hệ trước gặp phải. Mỗi thế hệ đều có ưu thế riêng, có bầu trời sáng tạo riêng.
Những lần hội họp, những lần hội thảo, những trại sáng tác luôn là dịp để hội viên cọ sát ngòi bút và hâm nóng cảm hứng sáng tác. Ban chấp hành các khóa đều làm việc cật lực và phải đối mặt với sóng gió và không ít gai góc (Chuyện lùm xùm về bài thơ Lời cây dầu cổ thụ ở trụ sở Ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn (2012) và trang web Văn Biên Hòa dùng những lời lẽ vô văn hóa mạt sát tất cả hội viên hội VHNT Đồng Nai). Dù vậy, các hoạt động của hội luôn sôi nổi, văn chương Đồng Nai sum suê giải thưởng. Việc tổ chức thường xuyên các trại sáng tác là một nỗ lực mang đến nhiều giá trị cho hội viên.
Tôi đã đi trại sáng tác Chiến khu Đ và ở lại đêm sinh hoạt với anh chị em địa phương, lúc ấy tôi gặp được cố nhạc sĩ Nguyễn Bính, một người nhiệt tình và rất thương người trẻ. Tôi đã dự trại sáng tác Đà Lạt, viết liền mạch 4 ca khúc. Dịp này tôi được nghe nhạc sĩ Nguyễn Thọ kể rất nhiều chuyện cười lên cơn ghiền. Tôi lấy làm tiếc sao nhạc sĩ Nguyễn Thọ không viết văn, vì ông kể chuyện rất hấp dẫn và có duyên. Trại sáng tác Phú Yên tôi có nhiều kỷ niệm của một lần đi xa. Trại sáng tác Vũng Tàu, tôi viết được một bài tâm huyết về nhà văn Hoàng Văn Bổn, thấy nhẹ lòng vì lời đã hứa với ông. Chỉ tiếc là tôi không tham dự được nhiều trại sáng tác của Hội, đơn giản ở mảng lý luận phê bình văn chương, khó viết ở trại sáng tác…Nhưng nhờ được đọc nhiều bài ở các trại sáng tác, tôi gần gũi với đồng nghiệp hơn, hiểu văn chương Đồng Nai hơn.
Tôi gọi Hội VHNT Đồng Nai là ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, bởi ngôi nhà ấy ươm mầm những giấc mơ văn chương.
Có lẽ cái khát vọng mãnh liệt của hội viên viết văn địa phương là trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều người phải hàng chục năm “rèn luyện” ngòi bút chờ đợi. Bởi mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam chỉ kết nạp khoảng trên dưới 20 người, mà trong cả nước có tới mấy trăm hồ sơ xếp hàng, trừ khi tác phẩm của mình gây được ấn tượng với công luận. Bản thân tôi được nhiều nhà văn Đồng Nai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đi trước quan tâm động viên, được Chi hội Hội Nhà văn miền Đông đồng thuận giới thiệu, được nhà thơ Lê Thanh Xuân giúp làm hồ sơ và được nhà thơ Lê Quang Trang (Sài Gòn) và nhà văn-TS Phạm Quang Trung (Đại học Đà Lạt) bảo trợ. Đơn tôi gửi từ 2009 và đến 2015 mới được Hội Nhà văn VN kết nạp. Đấy là khoảng thời gian tôi phải chứng tỏ được năng lực viết của mình có đạt chuẩn một người viết chuyên nghiệp không. Thực ra trứớc hay sau khi trở thành Hội viên Hội Nhà văn, tôi vẫn viết như mình đã từng say mê viết, và điều quan trọng là được Văn nghệ Đồng Nai cưu mang nên có thêm động lực để “chờ”. Và cũng nhờ thế tôi đã viết được hai cuốn sách về văn chương Đồng Nai.
Văn chương Đồng Nai hôm nay có nhiều nhà văn nhà thơ viết hay và chuyên nghiệp Đó là các nhà văn nhà thơ Hoàng Ngọc Điệp, Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân…và tôi nghĩ rằng, các bạn cần khẳng định mình bằng tác phẩm trước công luận, điều đó mới quan trọng.
KHUÔN MẶT VĂN CHƯƠNG ĐỒNG NAI
Trong 40 năm qua, nhiều nhà văn nhà thơ của Văn nghệ Đồng Nai để lại trong tôi những cảm tình sâu sắc và ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và sáng tác của tôi.
Sinh thời, có lần nhà văn Hoàng Văn Bổn nói với tôi, lúc nào cần tư liệu để viết, Thuấn cứ đến nhà tôi, tôi có thể giúp. Lúc ấy tôi đã hứa với ông là sẽ viết về sự nghiệp văn chương của ông. Lời hứa ấy làm tôi nặng lòng mãi, đến nay vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Nét trầm tư trên khuôn mặt ông theo tôi mãi. Nhà văn Hoàng Văn Bổn cho tôi bài học về sự cần cù sáng tạo, bài học về mối quan hệ với nhân dân, với đất nước và con người quê hương, và đặc biệt là bài học về mục đích viết văn. Ở Đồng Nai chưa có nhà văn trẻ nào theo được bước chân sáng tạo của Hoàng Văn Bổn.
Tôi đã đọc được nhiều tác phẩm của nhà văn Lý Văn Sâm và định viết một công trình về văn chương của ông, nhưng đến nay công trình ấy vẫn chưa thực hiện được, thành ra những ấp ủ vẫn canh cánh bên lòng. Lý Văn Sâm là nhà văn tài hoa với đúng nghĩa của từ này, dù ông là chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lằn tên mũi đạn của kẻ thù. Tôi cũng chưa gặp được chất tài hoa Lý Văn Sâm ở những cây bút trẻ văn chương Đồng Nai hiện nay.
Nhà văn Khôi Vũ năm nay đã bước vào tuổi 70, vào Hội VHNT Đồng Nai 1983. Ông đã in hơn 60 cuốn và vẫn đang nỗ lực viết những tác phẩm tâm huyết của đời mình (*). Đàn Ống Tre Bên Kia Sông (2013) và Khí Phách Biên Hùng (2019) của Khôi Vũ là những cuốn sách đặc sắc viết về con người Đồng Nai. Thực ra, bối cảnh, nhân vật và chất liệu văn chương của Khôi Vũ là đất nước, con người Đồng Nai đương đại. Khôi Vũ là nhà văn thời sự, và thế sự, ông bám sát hiện thực đời sống sau 1975. Khôi Vũ cũng hoạt động văn học sôi nổi. Ông từng thực hiện tập san Dưới mái trường, tự mình đến từng trường học giới thiệu, và có lúc in đến 10 ngàn bản mỗi số. Ông cũng gắn bó với các Trại sáng tác Thơ Văn Tuổi học trò do Nhà Thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Ông tỏ ra rất hạnh phúc trước mỗi nụ hoa văn thơ tuổi học trò chớm nở, niềm hạnh phúc ấy tiếp thêm lửa cho ông, và tôi có cảm giác ông vẫn đang viết rất sung sức.
Nhà thơ Lê Thanh Xuân cũng đã vào tuổi 72. Ông vào Hội VHNT Đồng Nai năm 1982 và đã in nhiều tập thơ. Thơ của ông đặc sắc ở tứ thơ mới lạ, phóng khoáng và giàu sáng tạo, dù rằng ông vẫn làm thơ “truyền thống”. Ông bộc trực, thẳng thắn và sống nghĩa tình (nhưng không tránh được những va chạm, có khi gay gắt). Ông có một tập thơ riêng viết về người thân và bạn bè, nhiều bài có những tứ thơ rất đẹp và rất sâu sắc. Nói chuyện với Lê Thanh Xuân, tôi kinh ngạc về sự tinh tế trong cách đọc văn chương của ông và vốn hiểu biết rất sâu rộng về đời sống văn chương Việt đương đại. Nói về một tác giả nào đó, dù chỉ nói ngắn gọn, nhưng ông nắm được cái hồn cốt và thực lực ngòi bút của người ấy. Có lúc tôi lấy làm tiếc sao ông không viết cái “vốn sống” văn chương của ông để làm tư liệu cho đời sau?
Những nhà văn lão thành khác như Trần Thúc Hà, Huyền Tùng, Trương Thanh Phận…đều để lại trong tôi nhiều thiện cảm văn chương bởi sự say mê và nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo âm thầm. Năm 2018, truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi của Trần Thúc Hà được chọn trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Điều ấy là một điểm son của văn chương Đồng Nai. Văn chương Đồng Nai đã có nhiều điểm son như thế, đó là những tác phẩm đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đạt giải của Hội Nhà Văn Việt Nam.
Một điểm son khác là trong những năm gần đây, nhà văn Đồng Nai in tác phẩm liên tục. Văn chương Đồng Nai vẫn đang hồi sung sức. Sôi nổi ra sách là các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Trí, Hoàng Ngọc Điệp, Phạm Thanh Quang, Bùi Quang Tú, Dương Đức Khánh, Đào sỹ Quang, Hoàng Đình Nguyễn, Dương Thị Thu Hường, Trâm Oanh, các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Nguyễn Đức Phước, Đỗ Minh Dương, Đào Trọng Thử, Minh Hạ, …
NHỮNG NỖI LO VẪN CÒN ĐÓ
Nỗi lo lớn nhất của văn chương Đồng Nai vẫn là thiếu một đội ngũ kế thừa vừa tâm huyết, vừa tài năng. Những khuôn mặt trẻ đã xuất hiện song họ chưa tự định vị được một cá tính sáng tạo giàu chất thẩm mỹ trước công chúng văn chương. Ngòi bút của họ chưa vượt qua được sân chơi của văn chương phong trào. Và như thế, còn lâu nữa văn chương Đồng Nai mới lại có một mùa hoa trái như những mùa vàng đã qua.
Và có lẽ điều nặng lòng với mỗi nhà văn là làm sao viết được tác phẩm đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật. Sau những tác phẩm sử thi đồ sộ của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, chưa tác giả đồng Nai nào dồn hết tâm sức mình cho những tác phẩm lớn như thế (như thể M. Sôlôkhốp viết Sông Đông êm đềm). Điều này là nỗi thao thức chung của cả nền văn học. Và người ta thường tự an ủi rằng, trong lãnh vực sáng tạo, tài năng là của hiếm. Rằng còn cần phải kiên nhẫn chờ. Vì rằng, đã qua thời của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, cũng đã qua thời của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường…Những cây bút trẻ nay đã không còn trẻ nữa (Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng…). Cũng đã qua thời quyết liệt cách tân thơ Việt đầu thế kỳ XXI (Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Trọng Quang, Trần Quang Quý, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh…). Tìm ra được con đường mới cho văn chương, khám phá ra được một kiểu tư duy nghệ thuật mới để cách tân văn chương là điều không dễ dàng. Có lẽ có một quy luật này, chỉ trong những hoàn cảnh khốc liệt của cuộc sống, tài năng mới được khẳng định (?).
Hội VHNT đã có rất nhiều nỗ lực chăm lo thế hệ trẻ, đã tạo nhiều điều kiện (trong khả năng) để nhà văn Đồng Nai phát huy tài năng, và Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai đã trao giải Trịnh Hoài Đức để vinh danh văn nghệ sĩ Đồng Nai,…điều còn lại là nỗ lực sáng tạo của người cầm bút. Tương lai của văn chương Đồng Nai thế nào? Câu hỏi ấy do chính nhà văn Đồng Nai tự trả lời. Khi nhiệt tình và tâm huyết với văn chương vẫn sung sức như nhà văn Đồng Nai hôm nay, chúng ta có quyền hy vọng.
Tháng 11. 2019
____________________
(*) Ghi chú:
Nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải cho biết: Ngoài tập Đàn ống tre bên kia sông, tôi đã in Bên kia dãy điệp vàng gồm các truyện về công nhân ĐN, Nhớ Biên Hòa là hồi ức vế BH. Gần đây là Theo dòng chảy Đồng Nai hơn 400 trang, Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (Thiếu nhi 4 tập), Khí phách Biên Hùng (vừa xong). Hiện nay tôi còn bộ Sông Luộc ở phương Nam 900 trang đang chờ in, một tập truyện về công nhân cũng đang chờ in. Tôi đã viết được nửa quyển TT về nhà văn Lý Văn Sâm. Nửa quyển tiểu thuyết về người Chơ Ro…