Những khuôn mặt thơ Công giáo đương đại
NHÀ THƠ TRĂNG THẬP TỰ
Bùi Công Thuấn
***
Khi tôi viết những dòng này thì nhà thơ đã “ném thơ” của mình đi để theo Chúa, bởi làm thơ, kéo lùi nhà thơ lại.
Lên dốc theo Ngài không kịp thở,
Mồ hôi nhễ nhại bước bơ thờ.
Những phút đứng làm thơ nhiếp ảnh
Kéo ghì tôi tụt lại thật xa.
Thì ném liều cả ảnh lẫn thơ
(Leo núi-Trăng Thập Tự)
Nhà thơ Trăng Thập Tự có thể bỏ thơ mà đi, nhưng thơ của người thì vẫn còn đó. Một cõi thơ đẹp, đầy sáng tạo, hào sảng và giàu phẩm chất tư tưởng
MỘT NGƯỜI SAY MÊ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT
Trăng Thập Tự là bút danh của Linh mục Võ Tá Khánh. Trong bài “Dùng văn chương để loan báo Tin Mừng”[1], tác giả Thiên Lý đã viết khá đầy đủ về hoạt động văn chương của ngài. Điều đặc biệt là ngài không chỉ làm thơ để loan báo Tin Mừng. Văn học Công giáo từ khởi nguồn đến nay đã có truyền thống rao giảng Tin Mừng. Linh mục Võ Tá Khánh còn có khát vọng quy tụ những tác giả Công giáo, quy tụ đội ngũ viết văn trẻ, sưu tập các tác phẩm văn chương Công giáo để ghi khắc cho được được diện mạo văn chương Công giáo đương đại và ươm mầm một nền văn học Công giáo tươi tốt trong tương lai. [2]
Đây là một sự nghiệp to lớn của cả Giáo hội, của nhiều thế hệ những người có tâm huyết và cần nhiều công sức mới có thể làm được, bởi mục tiêu của Mục vụ văn hóa là: “…Con đường của những nhà rao giảng Tin Mừng là làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc”[3]. Văn học Công giáo trong lòng dân tộc chưa làm được nhiệm vụ này.
Lm Võ Tá Khánh nhận rõ một thực tại: “ Đại chúng Dân Chúa sở dĩ lãnh đạm với công việc mục vụ Văn hóa chỉ là do không ai nói cho họ hiểu tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong việc loan báo và bồi dưỡng đức tin. Nếu các linh mục và tu sĩ quan tâm hơn và giải thích cho giáo dân biết, chắc chắn mọi sự sẽ khác hẳn.”[4]
Trong lời giới thiệu tập thơ Kinh Trong Sương (28/3/2008), Lm Võ Tá Khánh đã lên tiếng kêu gọi khẩn thiết:
“Chao ôi! Kinh trong sương, sách đạo chết đắm trong sương mù!
Chao ôi! Hội Thánh Việt Nam này sẽ đi về đâu khi các tầng lớp Dân Chúa không còn đọc sách?
Con tha thiết kính xin tất cả quý vị có mặt ở đây từ Đức Tổng, quý Đức cha, quý Cha, quý Khách cho đến những anh chị em nhỏ nhất, hãy gào thét lên cho mọi người đọc sách, cho mọi giáo xứ đều tổ chức hội thi đọc sách, cho mọi bậc cha mẹ đều sắm tủ sách gia đình…
Với lời kêu cứu khẩn cấp ấy, con xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Kinh trong sương”.
Sau Hàn Mặc Tử công chúng không thể nhận ra một khuôn mặt nào của Văn chương Công giáo đương đại.
Có hai nguyên nhân chính là: các tác giả Công giáo chỉ sáng tác để loan báo Tin Mừng trong phạm vi Giáo hội (ngay cả trong phạm vi này cũng có mấy người đọc! Bởi họ đã nghe rao giảng Tin Mừng hàng ngày trong nhà thờ rồi), và Giáo hội không có bất cứ hoạt động văn chương nào có tầm vóc quốc gia để nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá tác giả và tác phẩm văn chương Công giáo. Và vì thế những nhà nghiên cứu có muốn viết về văn chương Công giáo đương đại, cũng khó tìm đâu ra tác giả tác phẩm thực sự có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
Nhìn ở góc độ này, bạn đọc mới thấy được những nỗ lực hoạt động văn chương của linh mục Võ Tá Khánh (sáng kiến tổ chức các hình thức sinh hoạt để tập họp các cây viết, in ấn tác phẩm…) là rất đáng quý,…
…tuy rằng ngài vẫn một mình đơn độc trên con đường vạn dặm.
Bùi Công Thuấn – Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh (Song Nguyễn) -Lm Trăng Thập Tự
PHẨM CHẤT TÀI HOA THI SĨ
Trong bài tựa cho tập thơ Có ai về Cát Minh (tuyển tập thơ 1963-2004), Lm nhà thơ Trăng Thập Tự đã kể lại hành trình tâm linh và cội nguồn thi ca của mình. Tôi xin không nhắc lại. Tuy nhiên, tất cả những gì đã viết về thơ Trăng Thập Tự mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một tác giả.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh viết: Trăng Thập Tự “tác giả Tâm Tình Tu Viện (1969), Điệu Buồn Học Trò (1971), Có Ai Về Cát Minh (tuyển tập Thơ 1963-2004), v.v… Qua thơ, Trăng Thập Tự đã để hồn mình nhập vào Thánh Kinh, cầu nguyện với lời thánh thiện, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm cảm qua lăng kính của Đức Tin.”
Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng trong Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường (2010), viết về Trăng Thập tự vỏn vẹn như sau: “Trăng Thập Tự: Trường ca Anrê Phú Yên, Tiên tri, Quỳ hoa, Khúc linh ca (2003), Có ai về Cát Minh (2005.)
Nếu chỉ giới thiệu như vậy thì đâu là phẩm chất thi sĩ của Trăng Thập Tự, khuôn mặt thơ Trăng Thập Tự có những đường nét góc cạnh gì, và thơ Trăng thập Tự có những đóng góp gì cho sự phát triển của thơ Công giáo từ truyền thống đến đương đại?
Tôi thử tìm hiểu những phẩm chất thi sĩ của Lm Trăng Thập Tự trong Nẻo Quỳ Hoa (tuyển tập thơ 2005-2015).
Tuyển tập này gồm các tập thơ nhỏ Nẻo Quỳ hoa (24 bài), Diễm Ca (8 chương), Những khúc ai ca (5 khúc ca), 20 Mầu nhiệm Mân Côi, Đây lòng Chúa xót thương (14 bài), Nhật ký cho Mẹ (21 bài), và Ghetsêmani (68 bài).
Nội dung thơ khá phong phú. Nhà thơ quan tâm đến các Linh Mục, ngợi ca Đức Mẹ, suy nghiệm về Lòng Chúa thương xót, diễn ca Kinh thánh, khám phá về phẩm hạnh các thánh (Thánh Vinh Sơn Phao lô, thánh Phan xi cô nghèo, thánh nữ Anna). Trong Nẻo Quỳ hoa có cả thơ tự tình (bài Hương cũ) và thơ viết về những chuyện đời thường như sự việc tượng Đức Mẹ Sài gòn khóc, về Đức Tổng Ngô Quang Kiệt (bài Kính chào Môsê, Đêm Giuse), về dân oan khiếu kiện, những ngư dân bị tàn hại trên biển Đông (Dụ ngôn Mẹ), về một Linh mục bị bắt đi (Ghetsêmani 16). Tác giả cũng đối thoại với Thiền sinh trên đường pháp nạn, với anh em Tin Lành và tiễn biệt những người bạn được Chúa gọi về (Lm Trần Cao Tường, một nữ tu già)…Dù viết về đề tài nào, tiếng nói của nhà thơ luôn là tiếng nói thuộc về chân lý đầy tính thuyết phục. Tiếng nói ấy trở thành thơ vì được viết bằng Mỹ học Thiên Chúa giáo, tư tưởng Nhân văn Công giáo, ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần và phẩm tính tài hoa của thi sĩ.
Mỹ học Thiên Chúa giáo là ý thức về Cái Đẹp mang thuộc tính Thiên Chúa. Trong Sáng Thế Ký, sau khi sáng tạo vũ trụ và muôn loài, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Và “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”. Mỹ học Thiên Chúa giáo nhìn ra cái đẹp trong vạn vật, trong con người, cái đẹp ấy xuất phát từ Thiên Chúa. Cái đẹp ấy có chiều kích cao rộng chói lòa trên núi Taborê, cái đẹp hiện sinh sâu thẳm của Đức Giêsu trong vườn cây dầu, cái đẹp hùng tráng bậc nhất của Ơn Cứu Độ trên đỉnh Núi Sọ và cái đẹp huy hoàng chiến thắng sự chết của Chúa Phục sinh. Thơ Trăng Thập Tự được chiếu rọi bởi ánh sáng Mỹ học ấy. Những bài hùng tráng nhất, sáng tạo nhất, tứ thơ đẹp nhất, ngôn ngữ gân guốc, khí thơ mạnh mẽ và hào sảng nhất của Trăng Thập Tự đều thấm đẫm ánh sáng Mỹ học ấy (Xin đọc: Khải huyền ca chiếc thuyền thúng, Đêm Giuse, Biển Khơi, Ra Khơi, Thiếu phụ hoa vàng, Ngày chinh phu trở về, Lời bão nổi, Cội và mầm, Trang kinh của Mẹ, Bản hòa âm Ba Ngôi, Kính chào Môsê… Rất tiếc trong phạm vi một bài viết nhỏ tôi không có điều kiện đọc riêng từng bài. Xin dành cho bạn đọc yêu mến thơ Trăng Thập Tự)
Cái đẹp của thơ là cái đẹp cổ điển nhưng rất mới lạ
Mười lăm năm thấy chàng về,
Nàng dâng nửa mảnh gương thề trong khăn.
Mười lăm năm vết xe lăn,
Khôn nguôi cầm sắt, khôn ngăn cầm kỳ.
Mười lăm năm ấy nói gì ?
– Mười lăm năm lại hái quỳ tặng nhau.
(15 năm ấy)
Vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa lãng mạn:
Dõi tìm theo dấu hừng đông,
Kìa ai giặt áo ven sông nở vàng.
Vàng trôi vàng rủ nhau sang,
Ngước lên sáng rực trường giang một màu.
(Thiếu phụ hoa vàng)
Một tầm nhìn vượt thời gian, vượt không gian
Bỗng dưng trên bước đường lịch sử
Người biến về đâu, chẳng ai hay.
Sử gia ngơ ngác tìm muôn nẻo,
Hạc vàng chẳng thấy, thấy mây bay.
(Kính mừng thánh Vinhsơn Phaolô)
Vượt lên trên cái đẹp ngôn từ, cái đẹp của tứ thơ là sự sáng tạo những câu chuyện, những hình tượng thơ mà trước đó chưa có trong thơ Hàn Mặc Tử. Những hình tượng này mang nét đẹp của Cựu Ướcc và Tân Ước, cũng đồng thời chứa đựng những tố chất của thơ Việt. Năng lực sáng tạo của thi nhân thật dồi dào. Nghệ thuật kể chuyện thật sinh động hấp dẫn, tứ thơ mới lạ và giọng thơ thật hùng tráng. Xin đọc: Trang kinh của Mẹ, Khải huyền ca chiếc thuyền thúng, Ra khơi…
Lý Sơn, ô kìa mặt trời lên
Giữa mênh mông Thái Bình
Mặt trời đã phục sinh
Mặt trời đang thức dậy
Nhuộm biển sáng lung linh
Cho những thuyền lướt sóng
Cũng theo mặt trời lên
Thuyền đã vượt qua đêm
Thuyền hòa trong ánh sáng
Thuyền mơ.
Lý Sơn, đang khi ta không ngờ
Em vượt khơi từ bao giờ
Để sáng ngày rộn rã
Em giong thuyền về
Cho ta đón cá vào bờ.
Lý Sơn đoàn thuyền thơ
Hòa lẫn với mặt trời
Đang chói chang trở lại ..”
(Ra khơi)
“…
Với chiếc gậy chăn chiên
Người biến Pharaô thành trò cười cho thiên hạ
Ếch nhái chết ngập cung đình
Để toàn dân biết cung đình thối tha bẩn thỉu
Lửa cháy dinh Pharaô
Cho lòi mặt chuột nhắt chuột chù chuột cống.
Gậy nhúng xuống Ninh giang cuồn cuộn
Tố cáo máu dân lành căm hờn đỏ quạch sông Hồng
Với chiếc gậy chăn chiên
Người truyền giết chiên lấy máu bôi lên cửa
Làm nên đêm lẫy lừng khắp Ai Cập thất thanh
Và Dân Chúa xuất hành theo nhịp trống
Đêm rực lửa toàn châu Phi chấn động
Giương mắt nhìn Dân Chúa ra đi
Giã biệt cảnh đời nô lệ.
Với chiếc gậy chăn chiên
Người xẻ đôi lòng biển
Kiến tạo trong phút chốc một xa lộ mười mấy làn đường
Cho Đại Hội Dân Chúa băng qua như vũ bão …”
(Kính chào Môsê)
NHÀ THƠ TƯ TƯỞNG
Đặc sắc của thơ Trăng Thập Tự là tư tưởng. Nhà thơ không làm thơ để phản ánh hiện thực hay bày tỏ thái độ trước cuộc sống, dù rằng phản ánh hiện thực là thuộc tình của văn chương và tác phẩm luôn là diễn ngôn của tác giả. Trăng Thập Tự kết hợp tư tưởng Thần học với suy nghiệm hiện sinh của chính mình, từ đó vươn lên cõi cao rộng của ánh sáng, vượt qua bóng tối và sự chết, vượt qua những bộn bề nhiễu nhương oan khiên của hiện thực.
Từ góc nhìn này, thơ Trăng Thập Tự đã vượt qua tư tưởng Phật, Nho, Lão trong Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du), trong Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiêu) cả trong quằn quại đau thương tuyệt vọng trong thơ Hàn Mặc Tử.
Xin đọc:
Thơ Hàn Mặc Tử nói về cái chết thương tâm và tuyệt vọng:
Một mai ở bên kia khe nước ngọc,
Với sao sương, anh nằm chết như trăng.
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc,
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.(Duyên kỳ ngộ)
Tiễn biệt Linh Mục Trần Cao Tường, Trăng Thập Tự viết những câu thơ mà tư tưởng thật mới lạ so với thơ cổ điển viết về cái chết. Cái chết là hoan ca phục sinh. Cái chết cũng là cánh hạc mênh mông trời cao
Vẫy tay vời cánh hạc
Hẹn bên hồ Phục Sinh
Nghe câu hò Dũng Lạc
Hát khúc ca biến hình.
(Tiễn biệt cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường)
So sánh với tư tưởng hư vô trong Cung Oán ngâm khúc:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”
Cũng vậy, trong Chinh Phụ ngâm (Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm), hình ảnh người chinh phu nằm phơi xác giữa chiến trường trong đêm trăng thê lương, bi đát biết bao nhiêu:
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi”
Đây là hình ảnh tuyệt đẹp của chinh phu trong thơ Trăng Thập Tự
“…Chàng đi từ độ hè sang,
Hẹn ngày lấp lánh vinh quang lại về.
Chàng đem theo một lời thề,
Cho em ở lại một bề sắt son.
Đăm đăm mắt dõi chưa mòn,
Thoắt đâu đã thấy nước non rộn ràng.
Quỳ hoa đã rộ ven đàng,
Hoàng oanh báo tiệp tin chàng về xuôi.
Vàng tươi ai dệt vàng tươi,…”
(Ngày chinh phu trở về)
Và đây là đối thoại trực diện với Thiền:
Em đi, đi về đâu?
Khi vừa xanh mái đầu
Vội quy y xuống tóc
Dõi hành trình vô ưu.
Ai đưa em qua cầu
Cầu chỉ có một đầu
Bờ kia xa tít tắp
Trước mặt là vực sâu.
(Em về đâu? -Mến tặng các Thiền sinh Bát Nhã trên đường pháp nạn)
Tứ thơ: Ai đưa em qua cầu/ Cầu chỉ có một đầu / Bờ kia xa tít tắp/ Trước mặt là vực Sâu vừa là cái nhìn tư tưởng về con đường giải thoát vừa là tình cảm yêu thương trân trọng, xẻ chia những bi kịch của kiếp người. Con đường của Thiền sinh là con đường tu tập Bát chánh đạo, để đạt tới Tánh Không là sự giải thoát. Con đường ấy như cây cầu chỉ có một đầu và bờ kia xa tít tắp. Nhà thơ gợi ý một con đường cũng là cầu đưa ta qua vực sâu.
Và đây là tư tưởng của Trăng Thập Tự: Tư tưởng thần học Thiên Chúa giáo kết hợp với trải nghiệm hiện sinh của riêng mình:
Đưa tay chạm phím tơ lòng,
Mà nghe réo rắt suối trong đầu nguồn.
Lần tay theo mạch trào tuôn,
Sông dào dạt nhạc, sóng cuồn cuộn thơ
…
Con nương theo phím tơ đồng,
Mà rung theo nhịp tiếng lòng Ngôi Con,
Thánh Thần hoà khúc véo von,
Hội chung trời đất vuông tròn trong Cha.
(Bản hòa âm Ba Ngôi)
Có nhiều bài thơ Trăng Thập Tự gần với Kinh Hoa Nghiêm (Phật giáo) nhưng khác về chất. Hoa Nghiêm nhìn vạn vật dù trong vô thường vẫn có Phật tính (Tánh Không). Trăng Thập Tự nhìn thấy cái đẹp của vạn vật trong tầm vóc cao rộng, sống động vĩnh cửu của Đấng sáng tạo.
Đưa con trên cánh đại bàng,
Tuôn mây dệt sóng, mênh mang nắng chiều.
Dìu con trên đỉnh cô liêu,
Bao la biển trắng, phiêu diêu đóa hồng.
Này không này có bềnh bồng,
Mà chan ơn phúc mênh mông đất trời.
“Không” và “có” ở đây không phải là vô thường mà “chan ơn phúc mênh mông đất
trời”. Tư tưởng này đẹp hùng vĩ biết bao.
Một hình ảnh tư tưởng khác:
Quỳ muộn hay quỳ sớm quá đây?
Cho lòng bỡ ngỡ, mắt ngây say!
Giữa ngàn lá biếc xanh xưa ấy,
Lạc một đóa vàng rực sáng nay.
(Quỳ lạ)
Nhà thơ ngạc nhiên trước một đóa quỳ lạ nở trong ngàn lá biếc xanh. Cái nhìn ấy không khác gì cái nhìn của Thiền sư Mãn Giác trong bài Thị Kệ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”(Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết; Đêm qua, sân trước một nhành mai.) Nhành mai của Mãn Giác là nhành mai giác ngộ của Ana Ca Diếp (Niêm hoa vi tiếu-Thiền thoại), còn đóa quỳ trong ngàn lá biếc xanh lại là “vô ngôn” của Chúa nói trong tâm thức nhà thơ:
Tôi bước tình cờ đâu biết hẹn,
Hoa chờ bất chợt có ai hay.
Ai hay trong vẻ vô tình ấy
Chúa nhắc riêng tôi chuyện những ngày.
Những tứ thơ tư tưởng như thế đọc thật thú vị. Thú vị hơn nữa là trong thơ Trăng Thập Tự có rất nhiều những tứ thơ tư tưởng mới lạ (xin dành cho bạn đọc tự thưởng thức)
Tôi đặc biệt chú ý đến những tứ thơ tư tưởng khi nhà thơ nói về TRĂNG, về ĐÊM, về sự thinh lặng và về Ghetsêmani (16 bài Ghetsêmani).
Trăng là nghệ thuật và cũng là Thập tự (Ghetsêmani 11; Biển khơi)
Trăng trút linh hồn, trăng rỉ máu,
Đọng xuống lòng đêm một chén sầu.
Đón lấy trao về Con Yêu Dấu,
Nhìn Con, Cha chẳng dám nhìn đâu (Ghetsêmani 11)
***
Thuyền ai đó, thuyền ai cuối bãi
Chở đầy trăng nhắm hướng mặt trời
Này thuyền có xuôi dòng sông chảy
Thì cho em về với biển khơi. (Biển khơi)
Đêm là hình ảnh ẩn dụ rất đa nghĩa chứa đựng tư tưởng, với Trăng Thập Tự, đêm không phải là bóng tối tuyệt vọng mà đêm dẫn về ánh sáng
Đêm lắng xuống, đêm dày chất chứa,
Đêm dương gian, đêm cả cõi lòng.
Đêm hẹn hò tiếng hát hừng đông,
Đêm khải thị, đêm chờ, đêm đợi.
Lạy Thánh Tử, xin Ngài mau tới
(Đêm Ma Lâm)
Đêm về chiếc thuyền nhỏ/
Lao đao ngoài biển khơi. /
Sóng gió dập tơi bời, /
Các môn đồ kiệt sức.
(Quỳ đằng sau)
Xin ngợi ca
Đêm thăm thẳm mịt mù
Đêm dẫn vào cõi sáng thiên thu
Như có Lời đã viết
(Đêm Giuse)
Ghetsêmani (16 bài) chứa đựng tư tưởng sâu xa nhất của Trăng Thập Tự. Kinh Thánh thuật lại Chúa cầu nguyện trong vườn Ghetsêmani. Đó là thời khắc hùng vĩ nhất của Đức Giêsu trong thân phận con người hiện sinh: cô đơn, bị phản bội, phải đối mặt với cái chết bi đát. “Người bắt đầu cảm thẩy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc 14, 34-35). Và Người đã vượt qua hiện sinh trong một tư thế lẫm liệt: “Đứng dậy, ta đi nào!” (Mc 14, 42). Người vượt qua hiện sinh tiến đến vinh quang: “Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.”(PI 2, 9). Không phải vô tình mà Trăng Thập Tự viết nhiếu bài suy tư về Ghetsêmani.
Dù con ngủ mệt nơi đây,
Lòng con vẫn ở bên Thầy đó thôi.
Sức con, Chúa đã biết rồi,
Tình con dù có nổi trôi theo dòng
***
Thì chén tình Cha con đón nhận,
Cho trăng vàng lại sáng đêm đêm.
Con xin uống trọn và hơn nữa
Cho trăng vòi vọi sáng tươi thêm
***
Ghetsêmani 16 ghi lại hình ảnh một Linh mục bị bắt đem đi như ngày xưa Chúa bị người Do Thái bắt đi đóng đinh.
Bỗng đâu đêm thức dậy ồn ào,
Bóng đen xô cửa đẩy nhau vào.
Đứng lên, Thầy hỏi lời đanh thép,
Cả bọn du côn suýt té nhào.
Chúng lùi một bước, tiến hai bước,
Trói tay, bịt mắt, dẫn Thầy đi.
Tôi muốn la lên nhưng khiếp nhược,
Rớt lại trong đêm, biết nói gì!
***
Xin thờ lạy nỗi cô đơn chí thánh
Giữa vườn khuya ướt lạnh vai gầy.
Con đến đây mong chia sẻ với Thầy
Một giọt báu, giọt trích từ chén đắng.
(Ghetsêmani 12)
TRĂNG THẬP TỰ, NHÀ THƠ – LINH MỤC (thay lời kết)
Tôi gọi Linh mục Võ Tá Khánh là “Nhà thơ-Linh mục” bởi vì chất thi sĩ có trước phẩm tính Linh mục. Chất thi sĩ là yếu tố định vị một tác giả thơ là thi nhân. Còn phẩm tính Linh mục làm nên giá trị thơ.
Trăng Thập Tự làm thơ tự nhiên như hơi thở sự sống, và thơ cũng chính là hơi thở sự sống tinh tuyền của người thơ. Dù là các thể thơ truyền thống (Lục bát, Song thất lục bát, Thất ngôn, tứ tuyệt, Tứ tuyệt lục bát, truyện thơ) hay thơ tự do, ngòi bút thi nhân bay bổng tự nhiên như vốn dĩ tư duy và ngôn ngữ của người thơ là vậy. Cái Ta hòa vào đời sống tan vào tha nhân và vươn tới Thập giá, mà Thập giá lại ở ngay trong lòng mình, nhờ thế Cái Ta trở nên siêu việt.
Hừng đông thức giấc chân trời lạ,
Nhạc lặng, niềm riêng réo rắt ca.
Hương cũ dậy từ lòng thập giá,
Tình xưa đã mới lại trong ta.
(Hương cũ)
Trăng Thập Tự đã làm mới thơ Công giáo và mở ra nhiều nguồn mạch cho thi ca Công giáo đương đại. Chẳng hạn sự kết hợp thi pháp thơ dân tộc (Thất ngôn, Lục bát, song thất lục bát, Tứ tuyệt…)[5] với Mỹ học Thiên Chúa giáo, việc soi rọi những hiện tượng xã hội dưới ánh sáng Kinh thánh (Kính chào Môsê, Đêm Giuse), việc sáng tạo những tứ thơ mới (Đức Mẹ khải huyền, Lời bão nổi), những hình tượng mới chiết xuất từ Cựu Ước và Tân ước (Thiếu phụ hoa vàng, Trang kinh của Mẹ), việc tái khám phác hình ảnh và đời sống Đức Giêsu (Người môn đệ được Chúa yêu, Xin đừng trốn nữa)… Điều ấy thật đáng quý.
Và Đây là Linh mục Trăng Thập Tự:
Tôi là Gioan Phêrô,
Môn đệ của Đấng đã chết mà vẫn sống,
Đấng có trái tim bằng lửa
Đấng đưa hai tay nắm hai đầu lịch sử,
Đấng bước trên sóng
Và thường bảo ra khơi thả lưới bên hữu thuyền…
(Khải huyền ca chiếc thuyền thúng)
Tháng 5/ 2020
______________
[1]https://www.vanthoconggiao.net/2018/01/dung-van-chuong-de-loan-bao-tin-mung.html [2]. 5 quyển Có Một Vườn Thơ Đạo đã tập hợp được 187 tác giả thơ, tổ chức giải Đặng Đức Tuấn, Giải Viết văn đường trường (2012-2018); thực hiện Tuyển tập Văn thơ “Mục Đồng”, mỗi năm ấn hành 4 kỳ, mỗi tập khoảng 120 trang. [3]Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á (ECCLESIA IN ASIA của ĐGH J.Paul II) [4]Thư chia sẻ ngày ngày 30-6-2017 của LM Võ Tá Khánh [5]. Song thất lục bát xin đọc Những khúc ai ca. Thất ngôn mới (Ngõ Quỳ hoa). Tứ tuyệt (Khuất bóng mặt trời). Kết hợp với Thiền thoại (Trăng thu). Đúng chất thơ Trăng Thập Tự (Khải huyền ca chiếc thuyền thúng)
Pingback: VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GIÁO PHẬN QUY NHƠN – CHÚT TÌNH TRI ÂM