HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ.
“Chúng tôi không cần nhiều người vào hội mà chúng tôi cần những nhà văn tên tuổi, có đóng góp cho văn học, những người sáng tác nghiêm cẩn, có tác động xã hội”
***
(Trích)
Hãy ngồi xuống, với cảm xúc thật lớn
Pv:-Vậy chức chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với ông là gì? Một trọng trách xã hội?
NQT: Đó là trọng trách cùng với những người khác, với những hội viên cùng nhau làm điều gì đó tốt lên, một trọng trách đáng yêu, xúc động. Hội Nhà văn không thò tay, bước chân được vào phòng viết của bất cứ nhà văn nào, không giúp ai viết được một tác phẩm hay.
Hội chỉ có thể nói với họ hãy ngồi xuống, với lòng kiên nhẫn và kiêu hãnh, với một cảm xúc thật lớn để viết một tác phẩm hay. Và hội phải biết phát hiện ra giá trị thật và tôn vinh nó, công bằng với nó, bảo vệ nó.
Pv: Giai đoạn trước đây Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được những nhiệm vụ này chưa, theo ông?
NQT: Hội cũng đã nỗ lực làm. Nhưng cái gì trước mắt cũng đẹp đẽ hơn cái hiện tại. Chúng tôi thấy ngày mai sẽ khác đi, tốt hơn ngày hôm nay. Xưa hội cũng đã làm được rất nhiều điều quan trọng nhưng có những điều chưa làm được, hoặc có khả năng làm được mà chưa làm thì bây giờ những người kế tiếp phải làm những việc đó.
Tôi vẫn nói với các nhà văn tôi không làm thơ giỏi hơn các bạn nhưng tôi có khả năng “kích động” các bạn để làm việc một cách mê đắm.
Tất nhiên Hội Nhà văn cũng chỉ là một cơn cớ, thúc đẩy nhà văn viết. Có những người không vào hội nhưng họ vẫn viết tuyệt vời, nhưng nếu vào hội để cùng nhau làm điều gì đó thì cũng rất cần thiết.
PV: Mục tiêu lớn nhất của ông trong vai trò chủ tịch Hội Nhà văn là gì?
NQT: Là kích thích sáng tạo của nhà văn, phát hiện, bảo vệ, làm lan tỏa những giá trị thật trong văn chương, bởi vì lâu nay chúng ta chưa làm đầy đủ.
Chúng tôi đặt rất nhiều vào thế hệ trẻ, chúng tôi tìm mọi cách để làm cho thế hệ trẻ thấy rằng khi họ hạ bút xuống là có thể liên can đến số phận bên cạnh họ, hay làm một cái gì đó tốt hơn.
Có những hội viên không xứng đáng
Pv: Lâu nay có ý kiến rằng các giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam chưa tạo được uy tín lớn trong xã hội, bỏ sót nhiều tác phẩm xứng đáng và tôn vinh những giá trị đôi lúc có phần xoàng xĩnh. Ông sẽ làm gì để nâng uy tín các giải thưởng của hội?
NQT: Trước đây giải thưởng có thể bỏ sót tác phẩm hay là vì tác giả không tham gia dự giải hoặc không ai đề cử cho họ. Còn hội đồng chấm giải chỉ tới cuối tháng 10 mới làm việc, tháng 12 công bố giải thưởng, họ không có thời gian rà soát các tác phẩm tốt để không bỏ sót.
Từ bây giờ tôi sẽ tạo cho hội đồng có cách thức làm việc trong cả năm, phải thăm dò các tác phẩm. Hội đồng phải thường xuyên làm việc với các nhà xuất bản để chính các nhà xuất bản đề cử cho hội đồng những cuốn sách hay.
Hội đồng cũng phải tiếp cận những người đọc có khả năng đọc tốt, quan sát tốt, để họ nói cho biết những cuốn sách hay để tìm đến chúng chứ không phải chỉ ngồi đợi chúng đến với mình.
Tóm lại, chúng tôi sẽ giám sát, theo dõi các phong trào sáng tác, tìm hiểu, lắng nghe dư luận, lắng nghe báo chí, lắng nghe các nhà xuất bản, dám trao giải cho những cuốn sách gai góc xứng đáng.
Pv: Ông có tự tin là trong nhiệm kỳ của mình, ông có thể tổ chức những giải thưởng uy tín?
NQT: Tôi tự tin sẽ không bỏ sót những tác phẩm đáng được tôn vinh, trao giải thưởng. Nhưng tôi phải đặt câu hỏi ngược lại với các nhà văn rằng: Các anh đã làm ra những gì thực sự xứng đáng để chúng tôi tôn vinh chưa?
Có những tác phẩm hay nhưng chúng tôi bỏ qua, chúng tôi không bảo vệ được để trao giải thì đó là sai lầm, khiếm khuyết của chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi tìm mọi cách trọng thị nhất mà không có tác phẩm hay để trao giải thì đành chịu.
Những thay đổi
Pv: Còn việc kết nạp hội viên có lẽ cũng cần thay đổi, thưa ông?
NQT: Kết nạp hội viên cũng sẽ phải thay đổi. Các nhà văn có tên tuổi, đóng góp cho văn học nhưng không vào hội như Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành trong thơ, Trần Tiễn Cao Đăng trong dịch thuật, Trần Ngọc Vương trong nghiên cứu văn học, Huỳnh Như Phương trong lý luận phê bình văn học…
Họ là những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ nhưng tại sao họ lại không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam để cùng xây dựng hội tốt hơn? Bây giờ chúng tôi phải tìm đến họ, mời họ tham gia với chúng tôi. Tất nhiên thuyết phục họ không dễ, nhưng với sự thịnh tình, thiện chí, tôi tin chúng tôi sẽ thuyết phục được họ.
Đồng thời, chúng tôi phải ngăn cản tất cả những thứ không đáng “tràn” vào hội. Mấy năm vừa rồi Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp nhiều hội viên và trong đó có những trường hợp không xứng đáng. Tất nhiên điều này là lỗi của tất cả những người liên quan như các thành viên hội đồng xét kết nạp hội viên, thành viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chứ không phải của riêng ai.
Chúng tôi không cần nhiều người vào hội mà chúng tôi cần những nhà văn tên tuổi, có đóng góp cho văn học, những người sáng tác nghiêm cẩn, có tác động xã hội. Chúng tôi không bắt họ viết đơn vào hội nữa. Chúng tôi trân trọng mời họ vào hội. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai trong ban chấp hành hội và tôi đã gặp ít nhất ba người để mời vào hội.
Pv: Gần đây xã hội bắt đầu nói đến yêu cầu phải xã hội hóa các hội nghề nghiệp giống như Hội Nhà văn hay các hội văn học nghệ thuật khác, ông nghĩ sao về điều này?
NQT: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều dạng hội, câu lạc bộ. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam rất đông. Ngay Hội Nhà văn, chúng tôi đang bàn tới thành lập câu lạc bộ những nhà văn trẻ. Các khuynh hướng, quan điểm sáng tác giống nhau có thể tập hợp lại, ngồi cùng với nhau, và Hội Nhà văn sẽ tìm cách giúp đỡ họ.
Những câu lạc bộ như thế là việc bình thường, nhưng thành lập hội thì khác, phải tuân theo quy định của luật pháp. Tính đa dạng của xã hội, của nghề nghiệp và tính đa dạng của hoạt động văn học nghệ thuật nói riêng lâu nay đã được mở rộng rất nhiều.
…
Pv: Hội Nhà văn đã có nhiều nỗ lực hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua văn chương như xuất bản các tác phẩm có giá trị trước 1975 ở miền Nam và có nhiều gặp gỡ, làm việc với các tác giả hải ngoại… Trong nhiệm kỳ mới của ông, ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ này như thế nào?
NQT: Trong lời phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương, tại Đại hội Hội Nhà văn khóa X có nhấn mạnh sứ mệnh hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua văn học.
Từ lâu văn học đã làm điều đó cho dù còn mờ nhạt. Mấy năm gần đây tác phẩm của các nhà văn ở miền Nam trước 1975 và các nhà văn sinh sống ở nước ngoài đã xuất hiện nhiều hơn trên những ấn phẩm của Hội Nhà văn như báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà Văn & Tác Phẩm, đặc biệt trên ấn phẩm Viết & Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Ban chấp hành khóa X sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này một cách cụ thể trên một chiến lược lâu dài.
Văn học nghệ thuật đúng bản chất của nó là phi biên giới, là dân chủ, bình đẳng, là kêu gọi tình yêu thương của con người và tôn trọng mọi sự khác biệt của con người. Chính thế mà văn học nghệ thuật phải là người tiên phong để từng bước xóa bỏ đi những khác biệt và cách biệt.
https://tuoitre.vn/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-nguyen-quang-thieu-cac-nha-van-hay-viet-that-me-dam-20210114092132869.htm
THIÊN ĐIỂU thực hiện