ĐỌC BÀI THƠ BẮT NẠT
Bùi Công Thuấn
***
Khi một tác phẩm đã được công bố, nó thuộc về công chúng, và “Tác giả đã chết” (Roland Barthes). Vì thế tôi không nói gì về bài thơ và tác giả với tư cách một tác phẩm đứng riêng lẽ giữa trời.
Điều tôi quan tâm là việc Nhà xuất bản Giáo Dục chọn thơ đưa vào Sách Giáo khoa ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Tiêu chí đánh giá bài thơ để đưa vào Sách giáo khoa là tính giáo dục, tính tư tưởng và nghệ thuật thơ.
1. Nội dung bài thơ rất đơn giản, khuyên học lớp 6 “đừng bắt nạt/ đừng bắt nạt/ đừng bắt nạt…”(tác giả lặp lại 7 lần), và nếu bị bắt nạt thì hãy bắt chước tác giả, cam chịu.
Trong những lời khuyên, thì lời khuyên “Đừng bắt nạt nước khác” là lời khuyên nhảm và lạc đề. Đang từ vấn đề đạo đức tác giả nhảy sang vấn đề chính trị. Học sinh lớp 6 sao có thể đi bắt nạt một quốc gia! Hay tác giả ngầm bảo Nhà Nước Việt Nam đừng bắt nạt nước khác? Điều này cũng không đúng vì Việt Nam có bắt nạt ai bao giờ! Tôi ngờ rằng tác giả muốn dạy chủ tịch Tập Cận Bình “đừng bắt nạt” các nước nhỏ? Nếu nội dung câu thơ hàm những ý nghĩa ấy thì hoàn toàn lạc đề và trở nên vớ vẩn. Bài thơ bị gẫy ngang xương sống, sụp đổ hoàn toàn
Với lời khuyên học trò nên học nhảy Hip Hop, khuyên ăn mù tạt, tôi không hiểu thầy cô sẽ dạy học sinh thế nào, vì nó nằm ngoài giáo dục.
Khuyên cam chịu khi bị bắt nạt, trong giai đoạn hiện nay, sẽ gợi ra những ý nghĩa hết sức “nhạy cảm”. Hiện đang có tình trạng nước lớn “bắt nạt”(chữ của công luận thế giới) nước nhỏ ở Biển Đông. Bài thơ nhồi vào đầu óc non nớt của học sinh lớp 6 tư tưởng “cam chịu” khi bị bắt nạt thì còn đâu là tinH thần bất khuất của một dân tộc anh hùng? Điều này hoàn toàn trái ngược với truyền thống giáo dục Việt Nam. Như vậy, xét về nội dung, bài thơ không đáp ứng yêu cầu giáo dục
2. Về tư tưởng. Tôi đồng ý nên giáo dục học sinh về thói xấu bắt nạt bạn, nhưng cũng phải giáo dục các em tư tưởng tích cực khi bị bắt nạt, các em phải hành xử thế nào. Nhân vật “Tớ” trong bài như một kiểu đại ca giang hồ: “Bạn nào bắt nạt bạn…/ Thì đến gặp tớ ngay”. Tệ hại nhất là tư tưởng “cam chịu khi bị bắt nạt”(“Bị bắt nạt quen rồi”). Trong tình hình thực tế các nước nhỏ ở Biển Đông (trong đó có Việt Nam) đang bị nước lớn bắt nạt, mà tác giả khuyên cam chịu, để rồi mất nước, phải chăng đó là tuyên truyền “nối giáo cho giặc”? Kẻ thù của dân tộc rất thâm hiểm và nhiều thủ đoạn (xin cứ đọc truyện An Dương Vương và lời Khuyên của Trần Quốc Tuấn trong bài Hịch Tướng Sĩ). Đó là cách đọc theo “Cộng đồng diễn dịch” và “tầm đón đợi” của Thuyết Người đọc. Nếu tác giả muốn tuyên truyền cho học sinh tư tưởng này, tôi nghĩ, việc đưa bài thơ này vào SGK không còn là một vấn đề nhỏ.
3.Về nghệ thuật. Bài thơ có vài nét nghệ thuật riêng. Thí dụ, giọng điệu thơ là giọng trẻ, có tính hài, có cập nhật đời sống hiện đại (Hip hop, mù tạt), và nếu lướt qua những chỗ vớ vẩn ngô nghê thì có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, “bài thơ” thiếu chất thơ. Đó là bài dạy đạo đức đơn thuần. Ngôn ngữ thơ là những lời giáo huấn trực tiếp: “Đừng bắt nạt/ Đừng bắt nạt…”. Ý tứ được diễn đạt theo kiểu câu văn nghị luận: nêu vấn đề rồi lý giải nguyên nhân (“Đừng bắt nạt ai cả/ Vì bắt nạt dễ lây…; Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi”). Thơ chỉ có nghĩa tường minh, không có nghĩa nghệ thuật. Một bài thơ mà lặp lại 17 lần chữ “bắt nạt”, chứng tỏ vốn từ làm thơ nghèo nàn thế nào. Dùng từ “thì là”(văn nói) làm hỏng ngôn ngữ thơ: “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non”. Có những câu, ý tứ rất ngô nghê. Chẳng hạn: “Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt”; hoặc câu trên là “Sao không ăn mù tạt”, câu dưới là “sao không trêu mù tạt”, cả hai câu cùng một kiểu cấu trúc, ý nghĩa vớ vẩn. Câu “bắt nạt là xấu lắm” có thể chấp nhận, nhưng câu “Vì bắt nạt rất hôi” thì thơ bốc mùi thật!..
Như vậy cả về dùng từ, dùng các kiểu câu, diễn ý, và cấu trúc bài thơ đều rất ít nghệ thuật, nếu không nói là nhiều yếu tố gây phản cảm. Vậy khi phân tích nghệ thuật của bài thơ, chẳng lẽ thầy cô lại dạy những điều tôi vừa phân tích?
Dạy thơ biến thành dạy đạo đức thô thiển, với những lời lẽ vớ vẩn và tư tưởng có nhiều hàm ý chính trị, điều này sẽ làm cho học sinh chán ngán môn Ngữ Văn. Ai sẽ chịu trách nhiệm này?
Tôi đề nghị Nhà xuất bản Giáo Dục không đưa bài thơ này vào Sách giáo khoa Ngữ văn Phổ thông.
***