10 KHUÔN MẶT “THI CA CẦU NGUYỆN”-Phần II

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

 

10 KHUÔN MẶT “THI CA CẦU NGUYỆN

PHẦN II. THƠ CỦA NT BÍCH NGỌC, TỪ THANH HÀ, THANH HƯƠNG,

HAI TÊ MIỆT VƯỜN, NGÒI BÚT NHỎ

Bùi Công Thuấn

***

Tôi đã đọc hơn 60 tác giả xuất hiện trên các số Thi Ca Cầu Nguyện, trong các tác giả ấy, thơ Sơn Ca Linh và thơ Cao Danh Viện tôi đã có bài viết riêng [[1]]. Trong bài viết này, tôi tập trung viết về 10 khuôn mặt thơ của Thi Ca Cầu Nguyện (chọn tình cờ) để khảo sát về các khuynh hướng của thơ ca Công giáo đương đại. Dù 10 khuôn mặt thơ được chọn không phản ánh đầy đủ phong trào làm thơ Công giáo trong cả nước, nhưng trong quá trình hơn 10 năm sáng tác của CLB Thi Ca Cầu Nguyện, người đọc có thể nhìn thấy những xu hướng thơ Công giáo đáng quan tâm.

6.THƠ CỦA Nt BÍCH NGỌC

Thơ Bích Ngọc chủ yếu là thơ suy niệm: Mỗi bài thơ đều chọn một câu Kinh Thánh làm đề từ  rồi từ đó tác giả suy diễn các ý nghĩa của câu kinh thánh ấy, có bài tổng hợp thêm ý nghĩa từ những nguồn Kinh thánh khác để phục vụ chủ đề. Sau khi suy niệm ý nghĩa, tác giả thường rút ra ý nghĩa hành động cho đời tu của mình. Thể thơ duy nhất được dùng để viết suy niệm là Song thất lục bát. Cấu trúc chính để trình bày suy nhiệm là dẫn Kinh thánh, sau đó trình bày ý nghĩa. Kết bài là rút ra bài học đức tin. Ngôn ngữ thơ có chọn lọc. Cách gieo vần, tính nhạc của thơ được bảo đảm.

Sự thuyết phục của thơ suy niệm là sự khám phá những ý nghĩa sâu sắc của Kinh thánh và lòng chân thành của tác giả. Thơ Bích Ngọc có nhiều bài, nội dung vẫn là những tín niệm cũ, ngôn ngữ cũ, suy niệm cũ, đôi khi những suy niệm chưa sâu sắc về thần học, có rất ít những khám phá mới mẽ về ý nghĩa Kinh thánh từ chiêm nghiệm của chính bản thân tác giả..

Đây là những chủ đề suy niệm (Tên bài thơ và câu Kinh thánh làm đề từ):

Thiên Chúa tình yêu

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16)

Thần lương no thỏa

Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 55)

Hiến dâng phụng sự

Chính anh em hãy cho họ ăn“(Lc 9, 13)

Bài này suy niệm từ phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá

Ngôi Ba Thiên Chúa Huyền siêu

                        Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20, 22)

Đến với muôn dân:“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)

Hiệp thông với Chúa: Để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22)

Tuân giữ lời Chúa:Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga,14,23)

Con đường Giê su:Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14, 6)

Cánh cửa Giê su: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9)

Đoàn chiên Chúa:“Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả.” (Ga 10,29a)

Vui mừng vì thấy Chúa:“Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”Ga 20, 20)

Xin đọc một bài tiêu biểu về cách triển khai suy niệm của Bích Ngọc trong một bài thơ:

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Tôi chính là Mục tử nhân lành”(Ga 10,11).

Đức Giêsu chính là Mục tử

Đưa đàn chiên lữ thứ đến nơi

Quê hương vĩnh cửu Nước Trời

Đồng xanh suối mát ngọt Lời Thánh ân

Chúa tự hiến ân cần chăm sóc

Từng con chiên bảo bọc dắt dìu

Chiên mang thương tích quạnh hiu

Máu Người thanh tẩy sớm chiều chở che

Chúa đã nói chiên nghe tiếng Chủ

Dặn lòng con quyến rũ xem thường

Chỉ nghe tiếng gọi yêu thương

Của người Mục tử trên đường tìm con

Chúa thấu suốt từng con chiên nhỏ

Như mẹ hiền biết rõ con thơ

Nhu cầu cuộc sống ước mơ

Linh hồn thể xác cậy nhờ Chúa ban

Chúa là cửa tuôn tràn sự sống

Mở chân trời hy vọng vô biên

Giêsu Mục tử dịu hiền

Phục sinh giải thoát đàn chiên của Người

Chúa là cửa cho con ẩn náu

Người bảo vệ chiến đấu vì con

Làm Chiên hy tế vẹn tròn                                   

Ý Cha vâng phục sắt son tấc lòng

Chiên tản mác cánh đồng nhân thế

Người kiếm tìm bồng bế trên tay

Yêu thương chăm sóc từng ngày

Đàn chiên hiệp nhất sum vầy mến thương.

Nt. Bích Ngọc

            Là một nữ tu, Bích Ngọc nói nhiều đến sự chọn lựa đời tu của mình:

MÔN ĐỆ CHÚA

“Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37).

Trên trần thế nghĩa tình cha mẹ

Thật thiêng liêng trời bể sánh tày

Nhưng yêu cha mẹ hơn Thầy

Thì không xứng đáng với Thầy Giêsu

Môn đệ Chúa khước từ toan tính

Phải yêu Người hơn chính bản thân

Giêsu Thánh Giá chọn phần

Vì yêu đinh đóng nhục nhằn cô liêu 

Môn đệ Chúa tim yêu mở rộng

Cho nhân gian cuộc sống chan hòa

Chân thành tình mến bao la

Yêu thương: đồng phục Nước Cha thế trần

Kẻ bé mọn hiện thân của Chúa

Hãy trao ban chan chứa tình thân

Như ly nước lã hồng ân

Sẽ mang phần thưởng muôn phần mai sau

Ai tiếp đón những người nhỏ bé

Bị cộng đồng khinh rẻ bỏ rơi

Chính là tiếp đón Ngôi Lời

Đấng luôn hiện diện trong người anh em

Môn đệ Chúa ca khen yêu mến

Đức Giêsu đã đến truyền ban

Yêu thương phủ khắp nhân gian

Ngày mai Thiên quốc vô vàn triều thiên

Môn đệ Chúa, con xin dâng hiến

Mạng sống này tận hiến dâng Cha

Yêu thương phụng sự thiết tha

Noi gương theo Chúa chính là Tình Yêu

Nt. Bích Ngọc

            Nhìn vào những bài thơ trên, người đọc nhận ra ngay thơ Bích Ngọc hoàn toàn vắng bóng đời sống hiện thực. Ngoài kia có bao nhiêu vấn đề người giáo dân đang phải đối mặt, có bao nhiêu thảm cảnh đáng xót thương. Sự dữ, cái ác và sự bất công thống trị một cách tàn bạo. Con người bị dìm trong hố sâu tội lỗi. Thơ Bích Ngọc không quan tâm đến những vấn đề ấy. Bích Ngọc mới tiếp cận điều luật thứ nhất là “Mến Chúa” mà chưa thực hiện điều luật thứ hai là “Yêu người”. (Lưu ý rằng, “làm thơ” không chỉ là cầu nguyện mà còn là hành động).

Ngày xưa, Đức Giêsu đến với mọi kiếp người, lắng nghe tiếng kêu đau khổ của muôn dân, và hành động cụ thể để cứu giúp họ, đem đến Tin Mừng cứu rỗi cho họ. Bởi vì, Người nói: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”(Mc 10, 45)

Tiếng thơ Công giáo phải là tấm lòng và hành động của người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37) mà Đức Giêsu đã dạy. Người còn nói rõ trong ngày cánh chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 45).Vì thế tác giả thơ Công giáo cần viết về những con người bất hạnh với tấm lòng “yêu người”, bởi họ là hiện thân của Chúa trong hoàn cảnh cụ thể. Điều này thơ ca Công giáo còn hạn chế.

7. THƠ CỦA TỪ THANH HÀ

            Từ Thanh Hà có cách nói bộc trực, miễn là diễn được ý. Ngôn ngữ thơ Từ Thanh Hà là ngôn ngữ thông tin, không phải ngôn ngữ nghệ thuật. Ý, tứ, lời, nội dung thể hiện cách cảm cách nghĩ của người bình dân: chân thành và thuần thục những gì mà một giáo dân đã được giáo huấn từ nhỏ. Không có khám phá sáng tạo gì về những đề tài mình viết, cũng không đem vào thơ những trải nghiệm đức tin của bản thân, thành ra thơ Từ Thanh Hà rất cũ, trăm bài cũng chỉ nhắc lại bấy nhiêu ý tứ đã thành công thức. Nhiều khi cách diễn đạt “nôm na”(dùng khẩu ngữ) làm nản lòng người đọc.

            Đây là khổ thơ viết về Thánh Thể

            Không men tấm bánh, rượu nho kia

Đã hóa nhục thân Chúa đầm đìa…

Hầu cứu muôn người xa ách tội

Vậy mời nhau đến để chung chia

                        (Ôi nhiệm mầu!-TCCN 318)

            Đây là cảnh đón tiếp Chúa xuân

Rắn hổ phun hơi gây tội ác

Ngựa ô tung vó trải Tin Mừng

Khắp nhân gian nhộn nhịp kết hoa trưng

Để chào đón Chúa Xuân đang ngự đến

            (Chúa xuân đang đết-TCCN 308)

            Đây là lời nhắc nhở mọi người

Tự tại an nhiên thế đủ rồi,

Chúa cho chừng nớ hưởng vầy thôi,

Bon chen càng lắm càng thêm rối,

Mêt sức, chưa xong hỏng cái tôi.

Tính kỷ đi nhe đừng để lỡ,

Cánh chung ập tới tất tiêu đời

Vậy nên tìm sống bằng Lời Chúa ,

Có đúng vậy không chư vị ơi ?

                                    (Đừng để lỡ-TCCN 309)

Và nay như thế đã Mồng Ba,

Cục tác mò ăn của mợ Gà,

Xin Chúa quan phòng và chúc phúc,

Hầu cho mọi sự được thăng hoa.

Mọi người vui vẻ bắt tay vào,

Công việc nhỏ to cũng chẳng sao

Tất cả lao công vì Đức Chúa

Để rồi Ngài thưởng cỗ mâm cao

(Kinh sáng-TCCN 309)

            Trong nhiều bài thơ, Từ Thanh Hà cũng suy niệm Kinh Thánh, nhưng không bám sát văn bản Kinh Thánh, mà chỉ nhắc lại thấp thoáng những gì minh nhớ. Có khi thoát ly hoàn toàn chủ đề đọan Kinh thánh. Xin đọc:

LÀ MỘT…

Mt 28, 16-20

Cha, Con và Thánh Thần là Một

Chung tạo dựng trái đất bầu trời

Cùng muôn sinh vật khắp nơi

Gồm luôn tất cả con người chúng ta.

Từ cảnh vật bao la hùng vĩ

Đến tinh cầu tỷ tỷ sáng soi

Thú, cầm phân loại rạch ròi

Rồi nào cây cỏ muôn loài tươi xinh

Hoa rực nở khoe hình dưới nắng

Tất cả, Người ban tặng cho ta

Thế nên cần phải nhận ra

Phải tri ân mãi, tụng ca đời đời

Trong ân sủng Ba Ngôi cực thánh

Ban cho ta sức mạnh dấn thân

Tin Mừng rao giảng cho dân

Đây là cùng đích, điềm cần chăm lo

Vậy phải sống sao cho thanh khiết

Những xấu xa nên biết từ ngày

Phù vân chớ để lấm tay

Thiên đàng hạnh phúc hăng say kiếm tìm.

         Từ Thanh Hà. 26-5-2015-(TCCN 221)

            Bài thơ tập trung nói về Chúa Ba Ngôi, không liên quan gì đến đọạn Kinh thánh (Mt 28, 16-20) được lấy làm cảm hứng. Đoạn Kinh thánh tập trung vào việc Chúa truyền cho môn đệ đi rao giảng Tin Mừng:

“Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 16-20).

Có lẽ trong đoạn Kinh thánh (Mt 28, 16-20) có nói đến Ba Ngôi: “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” nên tác giả làm thơ bám vào đấy để “tán” (suy niệm) chăng, nếu vậy, Từ Thanh Hà tỏ ra không hiểu rõ chủ đề đoạn Kinh thánh nói gì.

Bài thơ sau đây cũng suy niệm Kinh thánh (Ga 4, 5-42) nhưng người làm thơ trình thuật Kinh thánh không đầu không đuôi, chỉ ghi một câu: “Xin cho tôi nước ấy/ để được sống đời”:

NƯỚC HẰNG SỐNG

    (CN 3 MC – Ga 4, 5-42)

“Xin cho tôi nước ấy

Để được sống đời”

Như lời Ngài đã phán

Xin quảng đại Chúa ơi !

Cha ông tôi đã chết

Dù đã uống nước này

Vậy xin Ngài rộng tay

Cho chúng con được sống !

Chúng con đầy tội lỗi

Muốn được sống an hòa

Và được ơn thứ tha

Những chi đà trót phạm.

Nguồn nước thật cao siêu

Chảy đúng ba giờ chiều

Ấy là ngày thứ sáu

Chúa đã chết vì yêu

Vì yêu Chúa hiến mình

Thành của lễ hi sinh

Hiến tế trên thập giá

Chúc tụng Chúa quang vinh!

Từ Thanh Hà (TCCN 315, tr.29)

Trong đoạn Kinh thánh, Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”(Ga 4, 15 ). Không có câu nào là: “Xin cho tôi nước ấy/ Để được sống đời”. Vì câu thơ của Từ Thanh Hà để trong ngoặc kép (“…”), tức là trích dẫn nguyên văn, nên tôi phải đối chiếu với văn bản Kinh thánh để bảo đảm tính chân lý của Lời Chúa, và bảo đảm tính nguyên tắc khi trích dẫn Lời Chúa không được làm sai lệch. Về việc trình thuật Kinh thánh, Từ Thanh Hà đã không bảo đảm những nguyên tắc tối thiểu ấy. Với độc giả người Công giáo đã được học Kinh thánh, họ có thể thông cảm, nhưng với người đọc khác tôn giáo, họ sẽ hiểu sai lệch thế nào!

Hướng về công chúng để làm thơ loan báo Tin Mừng nhất thiết phảo bảo đảm tính chân lý của Tin Mừng, lòng nhiệt thành của người rao giảng và ngôn ngữ thơ phải được chọn lọc cho phù hợp với nội dung trình bày. Không phải thơ viết cho công chúng, người viết cứ “Nôm na” thế nào cũng được, vì như vậy là giết chết thơ và làm hỏng mục đích của thơ tôn giáo.

8. THƠ THANH HƯƠNG

            Giữa hàng vạn bài thơ phong trào làm theo công thức, tìm được một đóa hoa thơ sáng tạo như tìm được một dòng suối mát trong giữa khô hạn, và niềm tin rằng dù là thơ tôn giáo, thơ vẫn là thơ, vẫn đem đến cho người đọc niềm hy vọng. Đấy là điều tôi ghi nhận được ở thơ Thanh Hương.

            Xin đọc:

THƠ GỞI THÁNH THỂ CHÚA

Bài thơ con viết giữa mùa hè

vọng tiếng ve, nồng sắc phượng

ngọt ngào thêm hương tím bằng lăng

dậy muôn lòng yêu mến

con gởi về, kính Mình Máu tình yêu

bài thơ tháng sáu…

thơm hương ủ lâu của thóc trấu

đợi mưa, lên mầu ngọt đất

đợi nắng, hòa nước mắt hóa mạ non

đợi mồ hôi thành hạt cơm giòn

câu thơ ngát lũy tre chon von

có tiếng ầu ơ ngang tầm gió

là tiếng mẹ, ru quê còn gian khổ

con gởi về, nơi góc nhỏ thánh đường

màu sắc bốn mùa của quê hương

nước mắt, mồ hôi đang hóa ngọc

như xưa… sương sa mạc, mưa Manna

nuôi đất Hứa nở hoa

Hôm nay, trời tháng sáu!

hồng ân thời Cựu Ước, đang ngọt ngào trong tấm bánh

dấu tình yêu muôn thuở

mà con người vẫn cứ dang dở đi tìm…

nhọc nhằn gieo cấy quang vinh

Bài thơ con gởi lời nguyện xin

ngày mai, trên hành trình mới

mỗi bước tới, là gieo yêu thương

mỗi hy sinh, là niềm tin giữa đời thường

Thanh Hương 22-6-2014

                                    (TCCN 222. Đăng lại trên TCCN 328)

            Bài thơ có nhiều tứ thơ mới lạ, sáng tạo. Tâm tình thơ rất thật, không theo công thức của Thi Ca Cầu Nguyện, dù sử dụng lại nhiều từ đã quen song những cách diễn đạt mới có khả năng tạo ngạc nhiên, gây ấn tượng. Vâng, đó là thơ, là ngôn ngữ, là nhạc, là tâm hồn, tất cả phải mới mẻ, sáng tạo.

            Trong thơ Thanh Hương, có một tâm tình cũng rất mới so với tâm tình của Thi Ca Cầu Nguyện, đó là nỗi buồn trước thực tại lòng đạo bị phai nhạt, trong khi đó, Thi Ca Cầu Nguyện lại luôn ca hát véo von về những điều “giáo huấn” tốt đẹp. Xin đọc:

TÌM VỀ GIỮA MÙA CHAY

Về giữa chay…

có lắng yên của sa mạc dịu hiền

có nét duyên lời thánh ca vắng trống điệu

có mây tím vời vợi trong mắt kẻ tội khiên

Về giữa chay…

vẫn cây Thánh Giá treo mấy mùa lặng yên

vẫn lời kinh vừa bi thương, vừa bóng bẩy

dưới chân ấy! vẫn nguyên hồn xác tật nguyền

Về giữa chay…

niềm khô hạn như tháng nắng võ vàng

vì vắng niềm đau, phút tao phùng Con gặp Mẹ

vắng đời dâu bể, kết hợp theo Thánh Giá đi đàng

Về giữa chay

Xin làm nhân chứng, cho đời ai chứng nhân!

Xin vững tin dẫu chưa lần đơm trái ngọt

Xin gieo mình mục nát, mong nẩy lộc gian trần

Thanh Hương, 21-3-2015 (TCCN 212, tr.15)

Những tứ thơ mới lạ viết về mùa Chay có sức gây xốn xang tận đáy tim. Nếu đọc lại nhiều lần bài thơ và suy gẫm, người đọc sẽ thấy nỗi thấm thía đọng rất sâu.

Bài thơ sau đây là một “cảm nghiệm” Kinh thánh của Thanh Hương

HOA TRÁI SA MẠC

Hoa bỗng thắm giữa rêu phong vắng lặng 

Trái hóa ngọt từ mật đắng rừng sâu

Áo hoang địa chợt lộng lẫy sắc màu

Nước trào dâng thương đồng khô cằn cỗi

Bởi ai hát hùng vang lời mời gọi

Thổi lay lay rừng lau sậy xạc xào

Thấm hoang vu giọng tha thiết khát khao

“Hãy dọn đường, và sửa cho ngay thẳng”

Gồ ghề san bằng, cỏ xanh mượt nắng

Lối quanh co uốn thẳng lụa sông Vân

Thung lũng sâu đầy nhịp thở trong lành

Kìa! Thiều quang chân trời đang thấp thoáng

Mây gọi gió thôi ngừng bay lãng đãng

Gom về nguồn để lắng dịu bình yên

Dọn hồn hoang trong sa mạc tịch huyền

Mới nghe trọn bước Ngài đang ngự giá

Mới khắc khoải trong từ tâm bản ngã

Con đường được yêu, và biết yêu thương

Vì Gioan ẩn sau những vô thường

Để ta có cuộc giao duyên tuyền vẹn

Thảo mộc hương duyên điểm trang hò hẹn

Đường tìm Người không hoa gấm xôn xao

Bỏ lại sau những phù phiếm ồn ào

Sẽ gặp Đấng là đường Chân, Thiện, Mỹ

Người ở nơi những điều thật giản dị

Gạn bớt đi những ảo mộng xa xôi

Đi tìm nhau và tìm đến với Người

Học từ bỏ, yêu thương và chia sẻ

Trời sa mạc trải qua bao thế hệ

Ẩn dấu hồng ân Thiên Chúa chúc lành

Ban sức mạnh, ai tâm tịnh lòng thanh

Từng ngày sống dọn đường ngay nẻo chính

                        Hương Sion . TCCN 94             

            Thanh Hương dùng chữ “Cảm nghiệm” thơ mà không dùng chữ “suy niệm”. Bởi “Suy niệm” mới chỉ là bước nhận thức. Thanh Hương kết hợp “nhận thức” với những gì mình đã trải nghiệm tâm linh thành “Cảm nghiệm”. Cho nên thơ vừa có vẻ đẹp trí tuệ (suy niệm Kinh thánh) vừa có vẻ đẹp của đời bể dâu được thăng hoa trong chính bản thể người thơ. Điều này khác rất xa xa với kiều thơ “giáo huấn”, người làm thơ dạy dỗ người khác, chứ không tự dạy dỗ mình. Thanh Hương để cho tất cả những gi mà tâm hồn mình được tái sinh tự nở hoa, hồn thơ bay bổng tự do trong ánh sáng của Cái Đẹp, có khi kết hợp Cái Đẹp và Cái Bi thương (hai phạm trù của Mỹ học), tạo nên một sự quyến rũ rất lạ: Nỗi buồn chồng chất lên nỗi buồn ẩn sâu dưới Cái Đẹp. Tìm về giữa mùa Chay là một bài như thế (xin đọc thêm: Theo Chúa về đâu, Nếu một mai, Xuân vắng, Về mùa thương khó, Mỗi ngày là một chuyến đi…)

            Rất tiếc những bài thơ có sáng tạo độc đáo như thế không nhiều. Khi tiếp cận những đề tài Thần học (Tình yêu Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, Bước theo Thần Khí), Thanh Hương đã không dám mạnh tay phóng bút mà chỉ diễn đạt lại những gì giáo hội đã dạy. Đó là sự cẩn trọng cần thiết. Dù trình bày lại những tín niệm, thơ Thanh Hương vẫn bất chợt lấp lánh nét sáng tạo, nhờ thế Thanh Hương giữ cho thơ của mình một vẻ riêng, một cõi riêng.

Thanh Hương không đăng nhiều bài trên Thi Ca Cầu Nguyện, trái lại Thi Ca Cầu Nguyện đăng lại nhiều bài (TCCN 493 đăng lại TCCN 337; TCCN 397 đăng lại TCCN 324…). Tôi nghĩ Thanh Hương không chạy theo số lượng thơ mà tuân thủ những quy luật sáng tạo mình đã chọn lựa. Con đường tư duy đó là: Suy niệm Kinh thánh, kết hợp với trải nghiệm bể dâu, chờ đến khi cảm xúc lãng mạn thăng hoa, thì hồn thơ sẽ cất lời. Đó là những dấu hiệu của một hồn thơ  có màu sắc thẩm mỹ riêng có thể phát huy.

9.THƠ CỦA “HAI TÊ MIỆT VƯỜN”

            Trong CLB Thi Ca Cầu Nguyện, có những tác giả có bút danh gây ấn tượng, chẳng hạn các bút danh Gã Tuần Phiên, Hồ Giang A (ả giang hồ), Cao Bồi Già, Hai Tê Miệt Vườn, Viễn Dzu Tử. Tôi chọn thơ của “Hai Tê Miệt Vườn” để khảo sát, vì cái tên Hai Tê Miệt Vườn gợi ra  chất dân dã đồng quê, khác hẳn chất Cowboy Mỹ của Cao Bồi Già, hay chất “bụi” của ả giang hồ (tác giả không viết hoa bút danh, tức là hiểu theo nghĩa thực của từ). Tôi nghĩ khi chọn bút danh tác giả đều gửi gắm trong đó một thông điệp nào đó mà tác phẩm của họ là lời giải đáp. Chẳng hạn bút danh Tản Đà ghép từ hai chữ núi Tản Viên và Đà giang. Bút danh Nam Cao ghép từ tổng Cao Đà, huyện Nam Xang. Có khi cũng chẳng có thông điệp gì, chỉ là để gây sự chú ý. Tuy nhiên, trong văn học, nhan đề của tác phẩm lại chứa đựng nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm.

            Tôi thống kê 50 số Thi Ca Cấu Nguyện rải từ đầu đến số 511. Thời gian đầu Hai Tê Miệt Vườn chưa tham gia. Thời gian sau đó mỗi số thường đăng 2 bài. Từ số 400 trở đi bắt đầu đăng nhiều, mỗi số từ 6, 8 và 10 bài, có tuần 12 bài (số 473-474) đặc biệt số 510&11 đăng 26 bài. Trong một tuần mà viết được 12 bài thơ, có thể kể đó là một “kỷ lục” về sáng tác.

            Hai Tê Miệt Vườn làm thơ lục bát dễ như ta thở. Thơ lục bát của ông rất nhuần nhuyễn về phối âm Bằng/ Trắc, gieo vần, dùng từ và diễn đạt. Ông có thể làm thơ mọi đề tài như thể “xuất khẩu thành thơ” (lời nói ra khỏi miệng là thành thơ). Đó cũng là đặc điểm của người Việt Nam, bởi tiếng việt là ngôn ngữ giàu nhạc điệu, người Việt lại thích ca hát ví von. Ngày nay, một quan chức Hội Nhà văn VN gọi Việt Nam là cường quốc thơ. Các Câu lạc bộ thơ như Câu lạc bộ Thơ Việt Nam11.878 hội viên. Câu lạc bộ thơ Lục Bát, CLB thơ Đường có thành viên ở nhiều tỉnh khắp Bắc, Trung, Nam. Họ sinh hoạt có quy chế hẳn hoi, có xuất bản tuyển tập, có họp mặt, có kế hoạch quảng bá vv…). Danh phận “nhà thơ” có lẽ vì thế mà “lạm phát”. Tôi gọi người làm thơ là “tác giả” (composer), và chỉ goi tác giả nào đó là “nhà thơ” khi anh ta có phẩm chất thi sĩ và thực sự là “người sáng tạo”.

Nói như thế để thấy rằng, tác giả Hai Tê Miệt Vườn cũng là một tác giả trong xu thế chung của thơ ca Việt đương đại.

            Xin đọc vài bài trong cùng một số Thi Ca Cầu Nguyện để nhận dạng đặc điểm thơ Hai Tê Miệt Vườn:

            Thi Ca Cầu Nguyện số 498, ngày 20/9/2020, Chúa nhật 25 thường niên A, chủ đề Tin Mừng (Mt, 20, 1-16a), Hai Tê Miệt Vườn có 10 bài:

            Cách thức suy tôn, Tôn vinh thập giá, Cam kết lần cuối, Sống lời giao kết, Chớ có ghe tức, Được vào làm việc, Mát Thêu theo Chúa, Bài ca tử đạo, Trái tim sầu bi, Được mang thánh tích.

            Xin đọc 3 bài (xin lưu ý những chữ tôi in đậm)

                   CÁCH THỨC SUY TÔN

          (Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Ki-tô chính bằng cuộc sống bởi nhờ hy sinh hằng ngày của mỗi người).

                        Suy tôn thập giá của Ngài,

                   Chỉ trên môi miệng mau phai chóng tàn.

                        Vậy ta cần sống hiên ngang,

                   Bước theo Đức Chúa giữa ngàn đau thương.

                        Bởi đây mới thật là đường,

                   Giê-su Đức Chúa nêu gương suốt đời.

                        Khi Ngài hiến trọn con người,

                   Đúng theo ý định Cha Người đề ra.

                        Đây là bài học cho ta,

                   Để ta bắt chước mới là tôi trung.

                        Ngõ hầu ta sống đến cùng,

                   Con đường thập giá thủy chung nghĩa tình.

                        Bởi nhờ chấp nhận đóng đinh,

                   Bản thân cuộc sống vì tình mến thương.

                        Vậy là đi đúng con đường,

                   Chính Thầy Chí Thánh khai trương trên trần.

                                                            14/09/2020

                   ĐƯỢC VÀO LÀM VIỆC

                   “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho” (Mt 20, 7)

Được vào làm việc trong vườn,

Là ta được Chúa yêu thương kêu mời.

Vậy ta đem cả cuộc đời.

Tận tâm làm việc như người tôi trung.

Quyết tâm lao động đến cùng,

Giúp ta sống được thủy chung với Ngài.

Đời ta có một tương lai,

Thật là tốt đẹp ngày mai huy hoàng.

Tiền công được nhận đầy tràn,

Khiến cho cuộc sống an toàn sướng vui.

Bao nhiêu đói khổ chôn vùi,

Cuộc đời thất nghiệp đẩy lùi thật xa.

Chính nhờ tình Chúa bao la,

Ngài luôn đổi xuống chan hòa trên ta.

Bởi vì ta biết tỏ ra,

Tôi trung tài giỏi của Cha trên trời.

(Chúa nhật XXV Thường Niên năm A, 20/09/2020)

                        BÀI CA TỬ ĐẠO

Bài ca tử đạo vang lên,

Viết bằng mực máu trung kiên đến cùng.

Bởi nhờ ngài sống tín trung,

Con đường thập giá thủy chung nghĩa tình.

Thế nên hiến trọn đời mình,

Chết cho chân lý vì tình mến thương.

Trở thành như một tấm gương,

Thật là trong sáng con đường Phúc Âm

Giúp cho ai bị lỡ lầm,

Trở về chính lộ thoát vòng vong nô.

Cuộc đời lại được điểm tô,

Chính bằng phẩm chất Ki-tô Nước Trời.

Vậy là trở lại làm người,

Đúng theo tiêu chuẩn Chúa Trời đề ra.

Cuối đời tất cả gặp Cha,

Chính là Thiên Chúa bao la ân tình.

                         (Mừng lễ thánh Tô-ma Thiện, tử đạo Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng tại Nhan Biêu, Quảng Trị ngày 21/9/1838).

          Trong cả ba bài thơ trên, tác giả Hai Tê Miệt Vườn như một nhà Nho, nêu cao đạo đức phong kiến, dạy dỗ thần dân đạo đức của kẻ làm “tôi trung”. Tác giả đem chuẩn mực ấy áp dụng vào đời sống người Công giáo:  người Công giáo phải sống “tín trung”,” thủy chung, nghĩa tình” với Chúa. Tín hữu phảiđi đúng “con đường Phúc Âm, con đường Thập giá”, phải “hiên ngang” trước mọi thử thách hy sinh, luôn nêu gương. Bởi vì “Thiên Chúa bao la ân tình », bởi vì « Chính nhờ tình Chúa bao la”, nên ta “ trở lại làm người,/Đúng theo tiêu chuẩn Chúa Trời đề ra”.

           Tác giả luôn vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp ngày mai: no đầy ơn phúc, được gặp Cha trên trời (sau khi chết được lên Thiên đàng).

Đời ta có một tương lai,

Thật là tốt đẹp ngày mai huy hoàng.

Tiền công được nhận đầy tràn,

Khiến cho cuộc sống an toàn sướng vui.

Bao nhiêu đói khổ chôn vùi,

Cuộc đời thất nghiệp đẩy lùi thật xa

            (Được vào làm việc)

Cuối đời tất cả gặp Cha,

Chính là Thiên Chúa bao la ân tình.

            (Bài ca tử đạo)

          Tác giả như một người nắm chắc chân lý, xác tín quyết tâm về những điều mình kêu gọi người khác: “Vậy ta cần sống hiên ngang/ Bước theo Đức Chúa giữa ngàn đau thương./ Bởi đây mới thật là đường,”.

          Xin lưu ý rằng đạo đức Nho giáo là đạo đức chính trị để giai cấp thống trị cai trị dân, bảo vệ quyền thống trị “con vua thì lại làm vua”. Đạo đức ấy áp dụng vào đời sống Kitô hữu cách nào cũng bị “vênh” vì con đường của Đức Giêsu là con đường Cứu Độ nhân loại. Con đường đó là con đường Đức Tin, không phải con đường chính trị. Đức Giêsu đã nói rõ: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 36), và nhiều lần người khẳng định “Lòng tin của anh đã cứu anh”(Mc 10, 52). Đức Tin là một hồng ân Chúa ban, không phải là ý thức đạo đức chính trị. Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Để có được, đức tin này cần phải có ân sủng đi trước và trợ giúp của Thiên Chúa, cùng với những sự giúp đỡ bề trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn và hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho ‘tất cả mọi người niềm vui ngọt ngào để chấp nhận và tin vào chân lý’” (Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 5)

          Cho nên khi tác giả kêu gọi người khác: “Vậy ta cần sống hiên ngang”; ta “Quyết tâm lao động đến cùng”,”vì ta biết tỏ ra, Tôi trungtài giỏi … »…những điều như thế xa lạ với lời Chúa dạy: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường“(Mt 11,28). Xin cứ nhìn vào Chúa trong cuộc khổ nạn, đâu có chỗ nào Chúa “sống hiên ngang”, Chúa chỉ hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha, mà không theo ý riêng.

          Trong quan hệ với môn đệ, Đức Giê su nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.”(Ga 15,15), cho nên không có khái niệm tôi trung(phong kiến) trong đạo đức Công giáo.

          Một vài chi tiết dẫn từ Kinh thánh cho thấy những “công thức” mà Hai Tê Miệt Vườn sử dụng cần phải được nhận thức lại cho đúng với những gì giáo hội dạy.

          Thơ của Hai Tê Miệt Vườn đầy ắp nhiệt tình theo Chúa, nhiệt tình kêu gọi, giáo huấn. với một niềm tin đơn sơ và cách vận dụng Kinh thánh theo trí hiểu của Nho giáo. Đó là một ưu điểm. Chỉ có điều, nội dung thơ của Hai Tê Miệt Vườn, dù viết về đề tài nào, cũng đều theo những công thức đã có sẵn, tác giả chỉ rập khuôn nhắc lại, không có suy nghiệm sáng tạo. Vì thế thơ không đọng lại được trong lòng người đọc.

10. THƠ CỦA “NGÒI BÚT NHỎ”

          Trên Thi Ca Cầu nguyện , có ít thơ của Ngòi Bút Nhỏ. Nhiều số Thi Ca Cầu Nguyện đăng lại bài của Ngòi Bút Nhỏ ở những số trước. Thí dụ:  TCCN số 474 đăng lại bài số 318; TCCN số 475 đăng lại bài số 319; TCCN số 479 đăng lài bài của số 323. TCCN số 487 đăng lại bài của số 331.

          Tuy vậy, thơ cùa Ngòi Bút Nhỏ có những nét riêng và có sức hấp dẫn mà ít tác giả Thi Ca Cấu Nguyện khác có được.

          Mỗi bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ đều có câu Kinh thánh đề từ. Những câu này được chọn có ý thức và đặc biệt gây ấn tượng. Đọc một bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ, người đọc phải đọc đầy đủ câu Kinh thánh ấy thì ý tứ bài thơ mới trọn vẹn, nghĩa là câu đề từ cũng là một phần máu thịt của bài thơ, bởi ý thơ khởi đi từ câu Kinh thánh ấy. Ngòi Bút Nhỏ trích dẫn khá rộng. Đó là các sách Sáng Thế Ký,  Huấn ca, Thánh vịnh, Isaia; Giê-rê-mi-a; Tân ước của các thánh sử Matthêu, Macô, Luca, Gioan; trích thư Êphêsô,… Ngòi Bút Nhỏ không buộc mình vào bài Kinh thánh Chúa nhật hàng tuần của Thi Ca Cầu Nguyện.

          Thơ của Ngòi Bút Nhỏ hầu hết là “thơ cầu nguyện”, đúng với “tôn chỉ”của Thi Ca Cầu Nguyện. Nhân vật Tôi suy niệm Kinh thánh rồi trò chuyện với Chúa, cầu xin Chúa những ý nguyện của mình. Giọng thơ nhỏ nhẹ, rất gần gũi, rất thân tình, như hai người đang bên nhau. Thiên Chúa là Cha, gần gũi lắm. Đức Giêsu là bạn người đồng hành trong mùa gặt mới, cũng là người chia sẻ mọi niềm vui nỗi muồn, là người bao dung thứ tha mọi lỗi lầm, là nguồn hạnh phúc của Tôi. Tôi luôn hân hoan reo vui trên đường dấn thân loan báo Tin Mừng, vì đời Tôi đã có Chúa ở bên và tương lai có Chúa dìu dắt bảo vệ.

          Những lời cầu nguyện như thế vừa rất riêng tư vừa chứa đựng tâm nguyện chung của mọi tín hữu nên thơ chạm được đến chỗ sâu xa trong lòng người đọc. Điều đặc sắc là những suy niệm và những lời cầu nguyện quen thuộc ấy lại được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ mới lạ so với các tác giả Thi Ca Cầu Nguyện khác. Ngòi Bút Nhỏ không dùng lại ngôn ngữ đã được giáo huấn từ nhỏ (Ý, tình, lời đã cũ), không “lên mặt” đạo đức để dạy bảo, không cao rao kêu gọi cổ vũ thực hành đạo đức…Lời cầu nguyện của Ngòi Bút Nhỏ là riêng tư, xuất phát từ những gì mình “ngộ” ra khi được Lời Chúa soi sáng.

          Xin đọc:

NHÀNH LIỄU VEN SÔNG

“Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình, nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người.”(Hc: 1, 8-10)

Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ

Ngự trên ngai của Người

Đó chính là Đức Chúa

Người đã tác tạo nên con

Và đã ban cho con một tấm linh hồn thơm thảo

Trên mọi công trình

Nơi mọi phàm nhân

Con nhận ra sự hiện diện của Ngài

Đấng khôn ngoan vượt trên muôn vàn trí hiểu!

Như nhành liễu ven sông

Con thấy trời mênh mông bát ngát

Xin hát dâng Ngài muôn khúc hát ngợi ca

Và một lòng thiết tha yêu mến!

Chúa đến bên con, sóng nước ngập bờ

Con ngờ đâu được chính Ngài thương đoái

Trí hiểu con được Đức Chúa ngự vào

Và hồn con trào dâng niềm cảm tạ

Bởi vì Đấng khôn ngoan đã ở với con rồi!

                                    20/2/2017

                                    Ngòi bút nhỏ

          Thơ Ngòi Bút Nhỏ có nhiều cái lạ có tính thẩm mỹ và có sức hấp dẫn, trước hết là cách đặt nhan đề thơ. Nhan đề có sức gợi hình ảnh, cảm xúc (tức là tạo ra một thế giới nghệ thuật) và gợi trí tò mò của người đọc. Ngay ở yếu tố đầu tiên này của tác phẩm, Ngòi Bút Nhỏ đã có ý thức sáng tạo. Thí dụ: nhan đề các bài Chiên và ánh trăng, Nhành liễu ven sông, Con thuyền và dòng sông, Gió lộng tràn về, Gié lúa trổ bông, Lên đường đi gặt lúa, Lời của hoa mặt trời,  Hãy xỏ gươm vào bao, Giữa biển đời hung hãn…

          Đọc thơ Ngòi Bút Nhỏ, người đọc có cảm giác tác giả viết rất tự nhiên, không gò bó vào niêm luật hay vần gieo của các thể thơ. Nếu đối chiếu với thi luật, thơ Ngòi Bút Nhỏ có nhiều chỗ sai vần, nhưng người đọc vẫn nhận ra đó là “thơ” đích thực. Yếu tố nào tạo ra phẩm chất thẩm mỹ ấy? Nếu quan sát, người đọc sẽ nhận ra ngôn ngữ thơ của Ngòi Bút Nhỏ giàu hình ảnh, giàu tính nhạc, chất giọng rất trẻ thơ, tác giả nói ra những điều hồn nhiên, và đặc biệt là tâm hồn reo vui vì cảm nhận được Chúa đang ở bên, Chúa đang đồng hành với mình trên mọi bước đường đời

Ôi, Giêsu!

Người đã đến bên con

Người đã đến bên con khi biển động

Người đã đến bên con cho gió lộng tràn về

Con bàng hoàng sợ hãi tưởng trong mơ

Nhưng bây giờ con tin, Người đã đến!

                        (Gió lộng tràn về)

Hôm nay, Người dắt tôi về

Cho hưởng tràn trề nguồn ánh sáng hân hoan! 

Ôi, Đức Chúa! Đấng từ bi nhân hậu

Con chẳng có gì để dâng Chúa, Chúa ơi

Dám xin Ngài nhận nơi con lời hoan chúc

Cùng đất trời, con nhảy múa reo vui!

            (Vui ngày trở lại)

          Quan sát hai khổ thơ trên, bạn đọc sẽ thấy không có câu nào vần với câu nào, cũng không  theo một thể thơ nào quen thuộc. Thơ như một dòng chảy cuồn cuộn mạnh mẽ, hồn thơ bay lên, bay lên; cảm xúc thơ dào dạt như các lớp sóng tràn. Cả thân xác, linh hồn, trí khôn, cảm xúc của người làm thơ quyện vào nhau trong niềm hoan lạc, niềm say sưa tự do: “Cùng đất trời, con nhảy múa reo vui”. Vâng, đó là “thơ”, là “sáng tạo”.

          Tôi đã đọc  hơn 70 bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ. Nhiều bài được viết bằng “thi pháp” của Thánh Vịnh (xin đọc các bài: Cho lòng con no thỏa, Tế phẩm dâng Ngài, Xuyên bóng tối, Vui ngày trở lại…). Chúng ta biết rằng Thánh Vịnh ngập tràn mọi cung bậc cảm xúc. Lời văn của Thánh vịnh có rất nhiều hình ảnh đẹp. Nội dung của Thánh Vịnh bày tỏ bao nhiêu là nỗi niềm. Nhưng cô đọng vẫn là những lời cảm tạ, ngợi khen chúc tụng và tín thác vào Thiên Chúa. Thơ của Ngòi Bút Nhỏ cũng được viết bằng những tâm tình đó, ngôn ngữ giàu hình ảnh cảm xúc, khác với ngôn ngữ ý niệm, ngôn ngữ kinh sách của nhiều tác giả khác. Tôi nghĩ cách viết của Ngòi Bút Nhỏ cũng là một hướng tìm tòi làm mới Thi Ca Cầu Nguyện, góp phần làm mới thi ca Công giáo đương đại.

          Nếu được chia sẻ, tôi xin ghi nhận điều này. Thơ Ngòi Bút Nhỏ reo vui trong niềm hân hoan được sống bên Chúa (cảm xúc lãng mạn) nhưng thiếu sự sẻ chia với những phận người cùng khổ của đời dâu bể (chất hiện thực), nên thơ là tiếng nói của Cái Tôi “đời dâng hiến”, thơ chưa nói được tiếng lòng của vạn kiếp nhân sinh. Những bài thơ làm về sau đã bắt đầu lặp lại ý, tứ, lời của những bài trước đó gần như một công thức. Tính hồn nhiên trẻ thơ của Ngỏi Bút Nhỏ là một ưu điểm nhưng thiếu chiều sâu trải nghiệm khiến cho thơ của Ngòi Bút Nhỏ không vượt lên được thành thơ tư tưởng, con đường sáng tạo của Ngòi Bút Nhỏ chững lại. Điều này thật tiếc.

TẠM KẾT

          Các tác giả còn đang sáng tác, con đường phía trước còn dài nên chưa thể kết luận được điều gì. Tôi chỉ ghi nhận được đôi điều theo góc nhìn của riêng mình (góc nhìn sáng tạo, theo lý luận văn học).

          10 khuôn mặt thơ Thi Ca Cầu Nguyện phản ánh nội lực thật sung sức trong sáng tạo của thơ Công giáo đương đại. Chỉ riêng bộ Diễn ca ba năm A, B, C của Lm Giuse Trần Việt Hùng đã là 1095 bài thơ (17.520 câu thơ lục bát). Các tác giả của CLB Đồng Xanh ThơCLB Thi Ca Cầu Nguyện sau 10 năm, mỗi người đã có trên 500 bài…và cả hai Câu lạc bộ này đã có trên 5 vạn bài. Đó là một gia tài đồ sộ.

          10 khuôn mặt Thi Ca Cầu Nguyện cũng thể hiện nhiều khuynh hướng sáng tác. Có “Huấn ca”, “Diễn ca” truyền thống, nhưng còn có thơ “suy niệm”, thơ “cảm nghiệm”, “thơ cầu nguyện” và thơ trữ tình (thơ thể hiện những tâm tình, những cảm nghiệm riêng của Cái Tôi), nhiều tác giả còn sáng tác cả “thơ thế sự”.Trong mỗi khuynh hướng sáng tác ấy, đã có những tác giả thành công nhất định.

          Khuynh hướng lấy cảm hứng từ Kinh thánh là khuynh hướng chung, nhưng khám phá Kinh Thánh và dùng Kinh thánh để “suy niệm” hay “cảm nghiệm” hoặc “cầu nguyện”, mỗi tác giả có cách viết riêng. Có khi là “diễn ca” nội dung bài Kinh thánh (Chúa nhật và lễ trọng) rồi từ đó nhận thức và đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi, lời giáo huấn hay lời chia sẻ. Có tác giả chỉ mượn chủ đề đoạn Kinh thánh rồi nương theo mà khai bút. Ngòi Bút Nhỏ dùng đoạn Kinh thánh làm nội dung bài thơ, từ đó viết tiếp những nghĩ suy của chính lòng mình. Ở khuynh hướng này, có người hiểu sâu đoạn Kinh thánh và có khám phá mới mẽ, nhưng cũng có người chỉ viết lại những gì đã được Giáo hội dạy, viết như một công thức. Và có cả những tác giả, đôi khi hiểu chưa đúng nội dung đoạn Kinh thánh mà mình diễn giải.

          Về nghệ thuật. Những tác giả “thơ trữ tình” có lợi thế hơn về nghệ thuật thể hiện (Lm. Cao Gia An, Thanh Hương, Ngòi Bút Nhỏ…), ngòi bút thỏa sức vẫy vùng trong thế giới cảm xúc, khám phá vô hạn trong thế giới tưởng tượng, thâm nhập rất sâu đời dâu bể, và hoan ca trong Thiên đàng rực rỡ tráng lệ của Kinh thánh. Thể Diễn ca, Huấn ca, “thơ suy niệm” thường viết theo công thức. Nội dung, tình, ý, lời rất cũ, tức là dùng lại ý tứ đã được học trong kinh lễ mà không sáng tạo. Những bài thơ như thế không đọng lại được trong lòng người đọc.

          Và trên một nền thơ đầy nội lực như thế, tôi đã thấy xuất hiện những chân dung thi nhân, những người có khả năng đi tiếp con đường sáng tạo của Hàn Mạc Tử, Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng… để làm nên một thế hệ “nhà thơ Công giáo” mới, và kiến tạo một nền thơ Công giáo hội nhập được với thơ ca dân tộc đương đại. Mừng lắm thay. Xin tạ ơn Chúa.

Tháng thánh Giuse/ 2022

Bạn có thể tải bản full “Mười khuôn mặt Thi Ca Cầu Nguyện” theo link:

https://www.mediafire.com/file/kwvc5qednkz82wz/10+KHUÔN+MẶT+THƠ+TCCN-bài+viết+Offical.pdf/file


[1] Bùi Công Thuấn-Thơ Sơn Ca Linh:

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-tho-cong-giao-uong-ai-tho-son.html

Bùi Công Thuấn-Thơ Cao Danh Viện:

https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/nhung-khuon-mat-tho-ca-cong-giao-duong-dai-tho-mic-cao-danh-vien.html

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok