BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
Giới thiệu văn học Công giáo đương đại
NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN & Những sáng tạo nghệ thuật
Bùi Công Thuấn
Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên (viết tắt Khánh Liên) sinh năm 1982, giáo xứ Gò Đèn, Giáo phận Nha Trang. Khánh Liên là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã in: Mùa ảo ảnh (truyện dài. 2014); Charao mùa trăng (Truyện dài. 2014), Cô bé gọt bút chì và chú vẹt Cúc-cu (truyện dài thiếu nhi, 2014), Giải cứu ông già Noel (tập truyện ngắn thiếu nhi. 2017). Khánh Liên cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Kẹo bạc hà cho tình đầu (báo Áo Trắng 2013), Giải khuyến khích Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014), Giải Viết văn đường trường (2015, 2016, 2018), Giải VHNT Đất Mới (2016, 2020), Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn và giải nhất cuộc thi viết truyện dài ”50 năm giáo phận Ban Mê Thuột”(2018); Giải ba cuộc thi viết tản văn ”Thương nhớ miền trung” (Báo Thanh Niên 2020)…Những thông tin như vậy giúp người đọc nhận ra một cây bút đầy nội lực và đã được khẳng định tài năng qua nhiều giải thưởng.
MỘT TẤM LÒNG NHÂN ÁI
Yêu thương con người là phẩm chất hàng đầu của một nhà văn. Giá trị nhân đạo của tác phẩm luôn là giá trị vĩnh cửu của văn học. Nguyễn Du (1765-1820), Victor Hugo (1802-1885), Nam Cao (1915-1951)… được ca ngợi bởi vì tác phẩm của họ chan chứa lòng yêu thương con người. Nhà văn đặt ra những vấn đề tư tưởng lớn về kiếp nhân sinh.
Khánh Liên đang đi trên con đường ấy, nhà văn đến với mọi số phận đau khổ trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời và lên tiếng mạnh mẽ trước những vấn đề thách thức lương tâm Công giáo. Tập truyện “Sông chảy về đâu” là một câu hỏi lớn của nhiều số phận bi kịch và đau đáu tấm lòng của tác giả.
Đó là tình cảnh của bà Lapia (truyện Bài ca của chú ve nhỏ), chồng và con chết trong một trận lũ, sau đó bệnh cùi ập đến. Bà và nhiều người bịnh cùi khác vào rừng để sống. Họ chỉ còn niềm vui, niềm hy vọng nơi Chúa. Một câu hỏi thống thiết cất lên: “Chúa có biết nỗi buồn của những con chiên cùi khi chôn đi một phần cơ thể yêu dấu? Có. Chúa biết. Chúa nghe. Chúa vẫn an ủi những con chiên cùi đáng thương bằng cách này hay cách khác.”
Thảm cảnh khủng khiếp hơn khi cả một làng biển, 10 đứa trẻ sinh ra thì có đến 9 đứa bị dị dạng. Người ta nghĩ đến sự trừng phạt của Chúa. Những người phụ nữ sinh con dị dạng ấy phải sống cách ly với dân làng trong một ngôi làng tạm gần biển. Họ chỉ còn biết “hết lòng yêu thương đùm bọc nhau và không ngừng trông cậy vào Chúa”(truyện Lời nguyện cầu cho biển). Rồi một hôm, cá chết trôi dạt vào bờ. “Người làng ngồi thẫn thờ bên cá, khóc cho cá trong đêm”. Những người đàn ông không còn đi biển đánh cá, ngoài chợ không ai mua cá và những người chồng lại đi xa kiếm sống. Đây là truyện đẫm nước mắt. Tôi đếm được 10 lần nhà văn miêu tả nước mắt: Nước mắt ròng ròng của người mẹ khi nhìn thấy đứa con mới sinh bị dị dạng. “Những người thân đứng gần chị đều đã khóc thành tiếng cả rồi”. Những đứa trẻ: “Có đứa bị mù, không nhìn thấy ai, không thấy được gương mặt của mẹ. Nó khóc váng lên, ngày cũng khóc và đêm cũng khóc”; “ngôi làng của nước mắt. Tháng nào, năm nào cũng có nước mắt rơi. Nước mắt của những người còn sống sau những cơn bão…Nước mắt của những người đàn bà khóc chồng, khóc con trai ..Nước mắt của những người mất người thân …Nước biển mặn vì muối mà cũng vì quá nhiều nước mắt khóc cho biển rồi”; Những chiếc tàu đánh cá cập bến. Nhìn cá chết, tất cả những người đàn ông đều khóc. Anh chồng chị: “Anh khóc khi nhìn thấy bãi biển ngày nào cũng dạt vào cá chết. Khóc khi nhìn thấy hình hài đứa con trai duy nhất anh chờ đợi. Khóc khi đi vào chợ, hàng cá của má anh, vợ anh không một ai tới hỏi han.” Vâng, những con người khốn khổ ấy hoàn toàn bất lực, họ chỉ còn biết khóc thương cho chính mình, và nhà văn lên tiếng thay cho họ, chia sẻ nỗi bi thương của họ đồng thời nói lên nguyện vọng, ước mơ của họ, và điều quan trọng là khẳng định lòng tin vào Chúa: “Chị lần chuỗi xong thì thiếp đi. Trong giấc mơ chị thấy chồng chị và đứa con trai chị đứng trên một chiếc tàu lớn, đứa con trai chị lành lặn, xinh xắn, vẫy tay chào chị./ Chị còn nhìn thấy Chúa đứng trên vầng sáng đó, nhìn xuống gia đình nhỏ nhắn của chị, cười nhân hậu. Và chị nhoẻn cười trong giấc mơ…”
Khánh Liên đặc biệt quan tâm đến nạn bạo hành trong gia đình mà người vợ, những đứa con là nạn nhân (truyện Người yêu dấu ơi), lên tiếng về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (truyện Trên cánh đồng cỏ dại), chia sẻ nỗi niềm của những phận người cô độc bất hạnh (Những con chiên của Chúa), những nạn nhân chết thảm trong cuộc vượt biên (Sông chảy về đâu); những con người sống âm thầm (Người gác chuông nhà thờ) và nghịch cảnh của người sống hai giới tính (Tiếng chuông mùa xuân). Tất cả những tình cảnh ấy đều được nhà văn ghi nhận với một lòng thương yêu sâu nặng và rất nhiều trăn trở trước những bi kịch nhức nhối lương tâm.
Truyện Cát bụi là bi kịch một gia đình nề nếp, đạo hạnh. Người chồng là một thầy giáo, một giáo lý viên. Họ sống theo luật Chúa, hạnh phúc, và có hai đứa con. Rồi người chồng đi mở trại nuôi bò ở một làng dân tộc để kiếm thêm thu nhập lo các con ăn học. Anh bén duyên với một phụ nữ dân tộc chăn bò cho trang trại và có một cháu gái. Bà mẹ và người vợ hết sức giận nhưng vẫn âm thầm cầu cho anh trở về. Nhưng nếu anh trở về thì“Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?- Tôi hỏi”.
Nhà văn đặt vấn đề: “Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi khổ ải. Nhưng con người khổ ải vì điều gì? Bệnh tật, miếng cơm manh áo, hay những rối ren đau buồn vì chuyện tình cảm tréo ngoe? Rồi Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai? Kẻ thù của ta là ai? Là người chống ta, ghét ta, làm điều xấu cho ta hay là người ta thương, ta yêu, từng yêu ta nhưng rồi làm ta đau khổ? Xác định kẻ thù thật không dễ. Sao kẻ thù lại là người ta yêu được?
Câu hỏi được lặp lại: “Tha thứ làm sao đặng khi bên này có hai đứa con mà bên kia cũng có một đứa bé. Chúa kêu tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng tha thứ trong trường hợp nào? Có tha thứ được khi người này làm con tim người kia tan nát hay không? Vàcâu hỏi không có câu trả lời: “Tôi còn nhỏ nên không hiểu cuộc đời, cứ hỏi Chúa tại sao con có ba mà không được sống cùng ba? Sao Chúa không cho con có ba luôn, ở cùng ba luôn? Nhưng Chúa không trả lời.”
Truyện đặt ra nhiều vấn đề: vấn đề xã hội (ngoại tình), vấn đề tôn giáo (luật một vợ một chồng), vấn đề triết lý (con người khổ là vì điều gì), vấn đề Thần học (sao Chúa im lặng) và vấn đề lương tâm (làm sao có thể bỏ rơi đứa con gái một cách vô trách nhiệm?). Nhân vật Tôi (đứa con) nhận xét: “Đã lạc đường rồi nên ba lạc luôn, cứ theo con đường mới mà đi, trúc trắc trở ngại thì ba chịu, ba biết, sinh bệnh tật ba cũng nhận luôn”. Thực ra người đàn ông ấy đã hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình, dù trái với lẽ đạo, trái với pháp luật. Nhà văn đã chọn giải pháp cho người chồng ấy “trở về” với Chúa khi anh qua đời. Bi kịch được hóa giải. Dù vậy lương tâm người đọc vẫn trăn trở tìm câu trả lời.
Truyện Sông chảy về đâu cũng đặt ra vấn đề rất khó có một chọn lựa đúng trong thực tiễn. Nhân vật Tôi (người kể chuyện) do hoàn cảnh đã không đi cùng chuyến tàu vượt biên với với người yêu tên là Ngân. Ngân dẫn theo một đứa con nhỏ. Chồng và cha Ngân đều chết trận. Nửa tháng sau xác những người đi chuyến tàu đó trôi dạt vào bờ. Tôi tìm và chôn cất cho Ngân, nhưng không tìm thấy xác cháu nhỏ. Sau nhiều năm, một hôm đứa con trai của Tôi báo có một chị đẹp ở chỗ nhà thờ Đức Bà rất giống với người trong tấm ảnh mà Tôi cất giấu. Đó là ảnh của Ngân. Tôi tìm đến khu nhà thờ Đức Bà và gặp cô gái ấy, kể cho nghe về người mẹ và cho cô gái xem hình của Ngân. Cô gái ấy theo đạo Tin Lành vì có cha mẹ nuôi theo đạo tin Lành và có bạn trai muốn trở thành Mục sư. Làm thế nào để cô gái ấy trở về với đạo Công giáo? “Thằng con tôi nói: “Ba à, đừng buồn nữa. Đạo nào cũng tốt mà ba, hơn nữa đạo Tin Lành cũng tin Chúa mà”. Tôi cũng đành an ủi như vậy”.
Có điều gì đó không ổn với lập luận “Đạo nào cũng tốt” và “đạo Tin Lành cũng tin Chúa”. Các nhà Thần học sẽ không chấp nhận kiều lý luận “đánh đồng” như thế, bởi có “đạo thật” và đạo không “thật”. Đạo Phật phủ định thượng đế, phủ định sự tồn tại của linh hồn. Đó là một tôn giáo “vô thần”. Tin Lành và Công giáo đều thờ một Chúa, song Tin Lành và Công giáo có sự khác biệt đức tin về các Bí tích, về Đức Maria, về Giáo hội tông truyền, về luật độc thân của Linh mục, về ảnh tượng thánh….vì thế cho đến nay, mặc dù có những nỗ lực “Đại kết” song hai bên không thể nào san bằng được sự khác biệt. Đức tin của người Công giáo (Kinh Tin kính) là không thay đổi cho nên nhân vật Tôi trong Sông chảy về đâu mới buồn vì đứng trước một thực tế hết sức cách biệt. Còn nhà văn? Thái độ lương tâm của người cầm bút thế nào?
Đây là suy nghĩ của nhân vật Tôi (và cũng là của nhà văn):
“Theo quy luật của dòng chảy, tất cả mọi dòng sông đều đổ về biển. Đạo Công giáo và đạo Tin Lành giống như hai nhánh sông cùng chảy về biển Tình Yêu Chúa. Chúa đứng đó, bao dung và nhân ái chờ đợi những nhánh sông chảy về. Tôi buồn vui điều gì khi tôi cũng chỉ là một mạch nước nhỏ trong nhánh sông kia. Tôi khát khao chảy về biển rộng, dù trải qua bao sóng ngầm nhưng tôi không phải rẽ ngang”.
Đây chỉ là giải pháp tư tưởng. Trong cách kiến tạo tác phẩm, nhà văn đã dẫn cô gái Tin Lành con của Ngân tìm đến tượng đài Đức Mẹ để cầu nguyện. Và nhân vật Tôi mừng đến phát khóc. Đó là một cách kết rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng.
Truyện Trên cánh đồng cỏ dại là một sự tra vấn lương tâm quyết liệt hơn nhiều. Bên dưới những gì tưởng là tốt đẹp, tưởng là đạo hạnh, tưởng là tình thương yệu, thật ra, lại là những điều rất xấu. Bi kịch là ở chỗ những người tốt lại phải ra sức bảo vệ kẻ xấu (vô tình hay cố ý), nhưng lương tâm không tha thứ cho sự dối trá. Nhân vật Tôi (Quỳnh-Người kể chuyện ) tự hỏi: “Tôi hay quan sát người xấu khi hắn đi nhà thờ. Hắn lạy Chúa, hắn cầu nguyện, hắn lên rước Chúa. Hắn có thú tội với Chúa mình đã hãm hiếp một cô bé câm bằng tuổi con riêng của vợ mình? Và ngoài cô bé câm tội nghiệp, còn thêm nạn nhân nào nữa? Hắn có cảm thấy tội lỗi không? Có ăn năn không? Chúa có phạt hắn không? Những câu hỏi ấy không có câu trả lời. Bản thân nhân vật Tôi, dù biết rõ Dượng là kẻ xấu, người đã hãm hại Thắm, nhưng Tôi không dám tố giác hắn, đành để lương tâm dằn vặt mãi, đành nhận lỗi với Chúa và lỗi với Thắm.
Nhà văn cũng không thể giải quyết được bi kịch giữa thực tiễn và đức tin. Lương tâm, sự sám hối và sự tha thứ là không thể thỏa hiệp. Đúng sai phải rõ ràng (lương tâm), kẻ làm điều ác, điều xấu phải sám hối, phải đền tội (đức tin), và người có đức tin phải bao dung tha thứ, không chỉ tha bảy lần mà bảy mươi lần bảy (Mt 18, 21-22). Nhưng tội Dượng xâm hại Thắm, một cô bé câm, thì không thể tha thứ. “Dượng tôi không chắc Thắm có tha thứ cho dượng không? Mẹ tôi cũng không dám nghĩ Thắm sẽ tha thứ. Nhưng tôi tin Thắm có một trái tim nhân ái và thứ tha”;“Thắm chọn đau đớn, tổn thương và không nói. Thắm cũng để cho người xấu được tốt, để những người thân của người xấu được bình yên?”.
Kết thúc truyện, Dượng đột quỵ và ra đi, để lại lá thư xin lỗi (sám hối). Mọi việc sáng tỏ (lương tâm). Nhân vật Tôi (Quỳnh) biết chắc Thắm đã không viết tên Dượng để tố cáo dượng (đó là một sự tha thứ). Quả thực, ngòi bút của Nguyễn Thị Khánh Liên đã hết sức bản lĩnh và đầy nhân ái khi đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm” như vậy.
Một nhà văn trẻ như Nguyễn Thị Khánh Liên, người dám đối mặt với những vấn đề gai góc của đời sống đức tin, ngòi bút lại có thể miêu tả trực diện những bi kịch trong đời thực, và có thể kết thúc những bi kịch bằng những trang văn hết sức cảm động, đầy ắp sự bao dung và lòng tin vào Chúa, vào lẽ thiện của con người. Nguyễn Thị Khánh Liên là một nhà văn trẻ, tâm huyết và giàu tài năng.
TÀI NĂNG SÁNG TẠO
Để xác định một cây bút có phải là một nhà văn nhà thơ hay không thì hãy xem anh ta có khả năng sáng tạo hay không. Nói sáng tạo trong văn học là xem xét những “Cái Mới” ở mọi yếu tố làm nên tác phẩm. Đó là giọng điệu, vốn ngôn ngữ, sự chọn lựa đề tài, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật, sử dụng bút pháp và đặc điểm phong cách. Mỗi nhà văn thường chỉ độc đáo ở một yếu tố nào đó. Nguyễn Tuân kể những chuyện “Vang bóng một thời”, ông có vốn ngôn ngữ cổ kính trang trọng và kết cấu truyện kịch tính. Thạch Lam viết loại “truyện không có cốt truyện”, “mỗi truyện như một bài thơ trữ tình”. Truyện ngắn Nam Cao đặc biệt ở cấu trúc phát triển theo tâm lý của nhân vật. Nguyễn Quang Sáng giữ bí mật cốt truyện đến phút cuối với những tình huống bất ngờ. Nguyễn Huy Thiệp kể truyện lịch sử nhưng lại hư cấu những người những việc không có trong lịch sử. Văn của ông là sự tổng hợp cách trình thuật của Kinh Thánh và tiểu thuyết chương hồi.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Khánh Liên có những sáng tạo gì mới? Tôi không có ý so sánh Nguyễn Thị Khánh Liên với những nhà văn tài danh ở trên, bởi mọi so sánh đều khập khiễng, và nhà văn đích thực là người đi bằng lối đi dưới chân mình và tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình, tạo ra sự độc đáo không giống ai. Nguyễn Thị Khánh Liên có tài xây dựng và hóa giải những bi kịch.
Để xây dựng bi kịch, Khánh Liên biết khai thác nhiều tình huống và đặt những tình huống ấy trong nhiều hệ quy chiếu đối lập nhau. Ngoại tình là một hiện tượng có nhiều trong đời sống nhưng để tạo ra một bi kịch như trong Cát bụi, Nguyễn Thị Khánh Liên đã đặt người đàn ông trong thế giằng co giữa mẹ, vợ, con với đứa con và người vợ sau; đặt anh ta giữa đạo lý nghiêm nhặt với tình thương yêu và trách nhiệm lương tâm; đặt linh hồn anh ta giữa thế gian và trước mặt Chúa. Những giằng xé như thế đẩy các nhân vật đến chỗ bế tắc, rất muốn thoát ra nhưng không được, đó là khát vọng bi kịch.
Truyện Trên cánh đồng cỏ dại Khánh Liên đặt nhân vật Tôi (Quỳnh-người kể chuyện) vào tình thế bi kịch. Quỳnh biết Dượng (chồng của mẹ) xâm hại bạn mình là Thắm nhưng lại không dám tố cáo Dượng. Quỳnh rất ghét kẻ xấu (Dượng), rất thương Thắm nhưng không biết phải làm sao, nàng chỉ biết đặt câu hỏi với Đức Mẹ: “Tôi hỏi Mẹ tôi có nên nói ra dượng là người đã làm điều xấu với Thắm không? Nếu nói ra thì dượng bị gì? Mẹ tôi và Du cảm thấy thế nào? Và Thắm được gì khi tôi nói?”; Tôi hỏi Chúa nhưng Chúa im lặng: “Tôi hay quan sát người xấu khi hắn đi nhà thờ. Hắn lạy Chúa, hắn cầu nguyện, hắn lên rước Chúa. Hắn có thú tội với Chúa mình đã hãm hiếp một cô bé câm bằng tuổi con riêng của vợ mình? Và ngoài cô bé câm tội nghiệp, còn thêm nạn nhân nào nữa? Hắn có cảm thấy tội lỗi không? Có ăn năn không? Chúa có phạt hắn không?” Để rồi sau cùng tôi bị dày vò trong mặc cảm phạm tội: “Tôi phạm tội nói nối, tôi che dấu người xấu. Vì sợ? Vì muốn bảo vệ mẹ, em trai tôi? Hay tôi muốn người xấu đó vẫn còn hình ảnh đẹp trong mắt những người yêu thương hắn? Những miêu tả giằng xé nội tâm như thế tạo nên tình trạng bi kịch trong tâm hồn Quỳnh, cũng đồng thời đặt người đọc vào thái độ lương tâm, người đọc sẽ xử trí thế nào khi phải dung chứa cái xấu để bảo vệ cái tốt.
Để miêu tả giằng xé nội tâm, tạo bi kịch của nhân vật, Khánh Liên luôn nhập vai vào nhân vật xưng Tôi tự kể truyện. Là nhân vật Tôi, Khánh Kiên có điều kiện “lộn trái” tâm hồn nhân vật, cùng với người đọc thâm nhập rất sâu vào những vùng bị che dấu, đem ra ánh sáng những khuất lấp mà trong đời sống, những góc khuất ấy bị đạo đức, tôn giáo bưng bít đi. Những giằng xé nội tâm của nhân vật Tôi (Quỳnh) trong Trên cánh đồng cỏ dạ, hoặc Tôi trong Sông chảy về đâu là tiêu biểu.
Nếu bạn đọc để ý một chút sẽ phát hiện ra điều này, những “nhân vật trẻ con” trong truyện của Khánh Liên cũng góp phần vào việc tạo ra bi kịch.
Trong truyện Cát bụi,
“Những ngày chủ nhật, nội dắt hai anh em tôi đi lễ. Trong nhà thờ nội nói nhỏ với tôi:
– Con và nội cùng cầu nguyện cho ba con trở về nghe.
– Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?- Tôi hỏi.
Nội im lặng, mắt nhìn thánh giá Chúa, thở dài”.
Câu hỏi của Tôi (một đứa trẻ) dựng một bức tường thành cao vời vợi chặn đứng mọi nẻo về của người cha, và khiến cho bà nội hoàn toàn bế tắc, bế tắc ngay trong cả đức tin của mình.
Trong truyện Sông chảy về đâu, nhân vật “thằng con trai” của Tôi vừa đẩy bi kịch của Tôi lên, vừa mở ra một giải pháp tạm chấp nhận được. Khi Tôi buồn vì tình trạng khác đạo của cô gái đẹp (cô theo Tin Lành, mẹ cô là Ngân theo Công giáo), thì thằng con trai nói: “Đạo nào cũng tốt mà ba, hơn nữa đạo Tin Lành cũng tin Chúa mà. Tôi cũng đành an ủi như vậy”. Nhưng an ủi sao được khi Tôi biết rõ sự khác biệt tôn giáo. Bi kịch tăng lên.
Đây là đoạn đối thoại của Tôi (Quỳnh) với em, con của Dượng trong truyện Trên cánh đồng cỏ dại:
– Em yêu cha em lắm à?
– Em yêu cả gia đình mình. Cha, mẹ, chị và chị Thắm nữa.
– Em thấy cha em có tốt không?
– Có chứ. Cha làm bảo vệ để nuôi em ăn học. Cha là người tốt mà.
– Nếu cha em là người xấu thì sao?
– Chị nghĩ cha em là người xấu à?- Du hỏi.
– Chị chỉ hỏi thế thôi.
Du im lặng một hồi rồi trầm ngâm đáp:
– Em tin cha là người tốt.
Đoạn đối thoại này làm tăng bi kịch của Tôi (Quỳnh) lên. Tôi biết rõ Dượng là người xấu, nhưng trong mắt người khác, Dượng là người tốt. Trẻ con thường thật thà, nó nói cái điều thật bụng của nó. Làm sao Tôi có thể làm vỡ lòng tin của Du đối với cha mình (Dượng), làm sao Tôi có thể gieo vào lòng trẻ thơ sự đổ vỡ lòng tin vào cái Thiện. Nếu làm thế, Tôi sẽ thành kẻ xấu. Bi kịch của Quỳnh được đầy cao thêm một bậc. Đó là sự sáng tạo và là nghệ thuật.
Xây dựng bi kịch đã khó nhưng giải quyết bi kịch thế nào? Ở thể loại bi kịch như Hamlet, Romeo và Juliet của Shakespear, kết thúc bi kịch, các nhân vật chính đều chết. Nam Cao đã giải quyết bi kịch Chí Phèo một cách bế tắc. Chí phèo giết được kẻ thù, nhưng không thể sống lương thiện, phải tự sát, miệng vẫn ngáp ngáp. Khánh Liên giải quyết những bi kịch thời đại thế nào trong các truyện Cát bụi, Lời nguyện cầu cho biển, Sông chảy về đâu, Trên cánh đồng cỏ dại?
Khánh Liên cũng giải quyết bi kịch bằng cái chết thăng hoa của nhân vật chính: Người chồng ngoại tình trong Cát bụi đã ra đi đột ngột, nhưng linh hồn anh ta đã “trở về” với Chúa, và chắc chắn được Chúa thứ tha. Bi kịch được hóa giải. Trong truyện Trên cánh đồng cỏ dại, nhân vật Dượng bị đột quỵ và ra đi, để lại lá thư xin lỗi, mọi việc được sáng tỏ và bi kịch được hóa giải trong sự tha thứ. Điều này khác với những cái chết trong thù hận của nhân vật bi kịch Shakespear và nhân vật truyện ngắn Nam Cao.
Khánh Liên cũng mở ra con đường cho những bế tắc bi kịch bằng lòng tin yêu và phó thác vào Chúa. Những bế tắc, đau buồn của dân làng biển sinh con dị dạng và cá chết vẫn còn đó nhưng “Trong giấc mơ chị thấy chồng chị và đứa con trai chị đứng trên một chiếc tàu lớn, đứa con trai chị lành lặn, xinh xắn, vẫy tay chào chị./ Chị còn nhìn thấy Chúa đứng trên vầng sáng đó, nhìn xuống gia đình nhỏ nhắn của chị, cười nhân hậu. Và chị nhoẻn cười trong giấc mơ…”. Không gian truyện sáng bừng lên, nụ cười thay cho nước mắt.
Kết truyện Sông chảy về đâu, nhân vật Tôi tìm thấy con của người yêu (Ngân) và thực hiện được ý nguyện của mình là đưa cô gái Tin Lành trẻ ấy trở về bên tượng Đức Mẹ. Nhân vật Tôi cười mà giàn giụa nước mắt vui.
Những cách kết như thế đem đến niềm tin yêu cho người đọc. Nó thấp thoáng cách kết “có hậu” của truyện truyền thống. Nó cũng là giải pháp nghệ thuật mới mẻ (so với những truyện bi kịch trước đây). Khánh Liên đã đem vào truyện ánh sáng Mỹ học Kitô giáo cùng với một lòng tin nhiệt thành vào Chúa và vào “tính bản thiện” của con người.
DƯ ÂM
Gấp trang văn của Khánh Liên lại, tôi thấy lòng mình dội lên nhiều âm thanh. Tôi gọi đó là dư âm.
Nhiều truyện của Khánh Liên làm tôi day dứt về những phận người, nhưng Khánh Liên cũng đem đến niềm tin yêu cho người đọc ở những truyện mà lòng yêu thương con người làm sáng lên những hoàn cảnh tăm tối (Bài ca chú ve nhỏ, Mảnh đất tình yêu, Người gác chuông nhà thờ, Người gieo hạt, Những con chiên của Chúa, Tiếng chuông mùa xuân).
Khánh Liên cũng tạo thêm chất thẩm mỹ cho trang văn bằng những dòng miêu tả thiên nhiên đẹp. Thiên nhiên ấy làm dịu đi bao đau thương của kiếp người, làm sáng lên không gian tăm tối của tâm hồn.
Đây là khung cảnh ngày hè mở đầu truyện Trên cánh đồng cỏ dại: “Một ngày mùa hè, tôi đứng trong sân trường vắng, vu vơ nhìn những ánh nắng cuối ngày. Ánh nắng chiều thật đẹp, vàng cam dịu nhẹ, lốm đốm trên tàn cây, nhảy nhót trên vai áo tôi. Du- đứa em trai cùng mẹ khác cha của tôi đang say mê bắt ve”.
Đây là cảnh đuồng làng quê, có sức gợi sâu xa tình yêu quê hương: “Trời chạng vạng tối, hai anh em tôi nắm tay nhau chạy ra khỏi con đường làng, hai bên bụi tre chằng chịt, vừa sợ ma vừa sợ bóng tối nhưng không ngăn nổi sự nôn nao, hạnh phúc khi gặp ba mình. Qua hết bụi tre là ra cồn cát. Cát mênh mông, từng ụn, từng ụn kéo nhau tít tắp phía chân trời”(Cát bụi)
Khánh Liên còn dùng kỹ thuật của những lớp sóng bồi, lớp sau tràn lên lớp sóng trước dào dạt, tô đậm chủ đề, bồi đắp thêm cảm xúc và tạo ra một bè trầm trong một đại giao hưởng. Chẳng hạn trong truyện Lời nguyện cầu cho biển, Khánh Liên miêu tả đến 10 lần những cảnh khóc thương của mọi thân phận dân làng khi chịu tai họa sinh con bị dị hình và đại nạn cá biển chết phải đối mặt với nghèo đói, thất nghiệp. Ở nhiều truyện khác, một số tình tiết cũng được lặp lại như vậy, nhẹ nhàng, tư nhiên và tinh tế. Những yếu tố nghệ thuật ấy tạo ra dư âm trong lòng người đọc. Đó là sự sáng tạo.
Dù Khánh Liên có viết nhiều truyện bi kịch nhưng tôi thích những “bi kịch lãng mạn” của Khánh Liên hơn, thí dụ như truyện Bài ca của chú ve nhỏ, bởi “Bài ca Chúa dạy con là bài ca về tình yêu cuộc sống”.
Vâng, trên tất cả, truyện của Khánh Liên là “bài ca về tình yêu cuộc sống”, bài ca ánh sáng của tư tưởng Mỹ học và tư tưởng Nhân văn Ki tô giáo, của tài năng và một lòng tin yêu rạng rỡ.
Tháng thánh Giuse 03/2022