BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:
buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
THẦY CẢ PHILIPPHÊ BỈNH-Tư liệu
(tổng hợp)
Bùi CôngThuấn
***
Thầy Cả Philipphê Bỉnh sống lưu vong ở Lisbonne hơn 30 năm. Ông đã để lại những tác phẩm quốc ngữ (chép tay) được lưu trữ trong thư viện Vatican. Các học giả nghiên cứu về Philipphê Bỉnh đánh giá đó là một kho tàng văn học Công giáo hết sức quý báu liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa Việt. Dù vậy, cho đến nay, mới chỉ có 2 tác phẩm của Philipphê Bỉnh là Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo (1797) và Sách sổ sang chép các việc (1822) được sao chép lại và phổ biến. Điều rất lạ là, đã có nhiều Linh mục, du học sinh Việt Nam học ở Rome, nhưng tuyệt nhiên, không ai quan tâm đến việc sao chép, chuyển dịch những tác phẩm của Thầy Cả Philipphê Bỉnh để giới thiệu với độc giả Việt Nam đương đại. Món nợ tinh thần này đòi hỏi những nhà nghiên cứu văn học Công giáo phải trả lời. Bởi khi viết những tác phẩm này, Thầy Cả Philipphê Bỉnh hướng đến đối thọai với thế hệ bạn đọc Việt trong tương lai.
THẦY CẢ PHILIPHÊ BỈNH (1759-1833)
(trang viết tay bằng chữ Quốc ngữ của Philipphe Bỉnh trong Sách sổ sang chép các việc)
Trong Sách sổ sang chép các việc, Philipphê Bỉnh viết tiểu sử của mình như sau:
“Tôi là Thầy Cả Philipphê Bỉnh, quê ở Hải Dương xứ, Hạ Haõu (Hoàng) phủ, Vĩnh Lại Huện, Ngải Am xã, Địa Linh tôn (thôn), sinh ra năm 1759 là năm vua Jose nước Portugal phá Dàõ (Dòng) Đ.C.J. ở traõ (trong) địa phận mh. Đến năm 17 tuổi là năm 1775 vào ở nhà Thầy, thì đã mất Dàõ ở th (thành) Roma được 2 năm vì Đức th’ Phapha Clemte thứ 14 phá Dàõ Đ.C.J.ngày 22 tháng 7 năm 1773…” (tr.1-2)
Gs-Lm Thanh Lãng trong bài giới thiệu Sách sổ sang chép các việc cho biết: Năm 1775 Bỉnh đi tu, học ở Kẻ Vĩnh, tu tập 20 năm, mãi năm 1793 mới thụ phong Linh mục. Ông được trao giữ chức quan trọng, gọi là chức Giữ Việc trong Giáo hội, tức là chức quản lý các tài sản, tiền bạc của Giáo hội. Chính chức vụ này cho ông cơ hội đi lại giữa Việt Nam-Macao-Goa.
Lúc ấy, ở Việt Nam bộc phát sự tranh chấp giửa hai phe truyền giáo: Dòng Tên và dòng Đa minh. Dưới sức ép của vua Pháp và Tây Ban Nha, ngày 21.7. 1773, Giáo hoàng Clêmentê XIV ra chiếu thư Dominus ac redemptor đóng cửa dòng Tên: “Ta muốn có sự hòa thuận lâu dài trong Hội thánh và ta cũng nghĩ rằng: Dòng Tên không còn giúp Hội thánh được như xưa, và còn nhiều lý do khác không cần kể ra đây, ta tuyên bố giải thể Dòng Tên, các hoạt động, các luật lệ và hiến pháp dòng này“[wiki].
Vì thế dòng Tên lập một phái đòan do Lm Bỉnh dẫn đầu, sang tận Bồ Đào Nha yết kiến nhà vua, xin vua can thiệp với tòa thánh. Phái đoàn lên đường năm 1796, vượt biển 6 tháng tới châu Âu ngày 24 tháng 7 năm 1796, nhưng việc không thành. Bỉnh và các thành viên trong đoàn phải lưu vong ở Lisbonne hơn 30 năm và mất ở đó. Ông thọ 74 tuổi.
Thời gian ở Lisbonne Linh mục Bỉnh đã viết 21 bộ sách.
Theo GS Thanh Lãng, Sách Sổ sang chép các việc trang 600-601 Bỉnh ghi 21 bộ sách sau: (chữ trong ngoặc ( ) là chú thích:
1.Truyện các đời Đ. Th’ Phapha (Đức thánh Phapha)
2. Lề luật Dàõ (dòng) Đ. C. J. cũ (cùng) Bulla.
(Lề luật Dòng Đức Chúa Giêsu cùng Bulla).
3.Truyện Thầy Cả Alexandre cũ (cùng) các thầy.
4. Truyện quỷ vương ra đời cũ (cùng) nhiều sự khác.
5. Cuyển sách cắt nghĩa các kinh.
6. Cuyển Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo (1797).
7. Sách tự vị tiếng nc’(nước) ta cũ tiếng nc’ ng.
8. Sách giảng 8 ng.(ngày) cho cho kẻ chịu ph’(phép) rửa tội.
9. 2 Cuyển gương truyện
10. Sách các kinh doạc (đọc) chiều hôm ban sáng
12. Sách chép nhiều sự trão (trong) nc’ Đạimh (Đại Minh)
13. Sách cắt nghĩa các kinh lễ Misa
14. Sách chép lễ ph’ cũ các thầy từ và đạo
(Sách chép lễ phép cùng các thầy tử vì đạo)
15. Truyện Oũ th’ Ignacio lập Dàõ Đ. C. J.
(Truyện ông thánh Ignacio lập Dòng Đức Chúa Giêsu, tức dòng Tên)
16.Truyện Oũ th’ Phanchico de Borja
17.Truyện Oũ th’ Phanchico Xavie
18. Sách sổ sang chép các việc (1822)
19. Truyện An Nam Đàng Ngoài cuyển nhất (1882)
20. Truyện An Nam Đàng Traõ (Trong) cuyển nhị (1882)
21. Sách suy ngắm sự địa ngục cũ (cùng) chuyện khác.
Thanh Lãng cho biết ông còn viết thêm:
1.Dictionarium Annamiticum Lusitanum (1797)
(Tự điển tiếng Bồ Đào Nha-An Nam)
2.Truyện nhật trình cũ Fernad Mendes Pinto (1817)
3.Truyện bà thánh Anna (1830)
4.Dictionarium Annamiticum Lusitanum (bản khác, không có năm)
NHỮNG GHI NHẬN CỦA CÁC HỌC GIẢ
Giáo sư-Lm Thanh Lãng.
Trong bài viết giới thiệu Sách sổ sang chép các việc (Viện Đại học Đà Lạt xuất bản tại Sàigòn năm1968), Giáo sư-Lm Thanh Lãng nhận định:
1. Các cuốn sách sau đây của Philipphê Bỉnh có giá trị cực kỳ quan trọng:
Cuyển Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo (1797).
Truyện nhật trình cũ Fernad Mendes Pinto (1817)
Truyện An Nam Đàng Ngoài cuyển nhất (1882)
Truyện An Nam Đàng Traõ (Trong) cuyển nhị (1882)
Sách sổ sang chép các việc (1822)
2. Phân tích Sách sổ sang chép các việc, GS Thanh Lãng nhận xét:
“Đọc Sách sổ sang chép các việc, ta có dịp khám phá ở Philipphê Bỉnh một nhà văn hóa, một nhà thông thái, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ học, ta có dịp làm quen với lối văn của Philipphê Bỉnh, chứng nhân của một lối văn mới, lối văn xuội tiếng nói hàng ngày của tồ tiên chúng ta, ta có dịp va chạm với một xã hội linh động, đau đớn là xã hội Việt Nam về thế kỷ XVIII, hơn thế ta còn có dịp may mắn chứng kiến, qua ngòi bút của ông, cái xã hội Tây phương xa lạ.”(tr. XIX).
Sau đó Thanh Lãng triển khai phân tích các nội dung:
Philipphê Bỉnh là nhà văn hóa, nhà thông thái.
Philipphê Bỉnh nhà văn nói và viết tiếng nhân dân. “Sách của Philipphê Bỉnh chỉ là sử dụng cái tiếng nói thông thường như trong câu chuyện hàng ngày của dân gian…Đọc cả một cuốn sách của Philipphê Bỉnh dài hàng ngàn trang, người dân quê sống dưới thế kỷ XX hiểu ngay, hiểu hết, không cần phải có chú thích gì cả”(tr.XXIII).
Philipphê Bỉnh nhà văn Việt Nam thứ nhứt viết hồi ký. “Về loại hồi ký tư riêng, có tính cách tâm tình này, “Sách sổ sang chép các việc” là loại sáng kiến đầu tiên; độc đáo, chưa ai làm trước đấy. Philipphê Bỉnh không viết một thứ hồi ký kiểu cách, vô vị. Trái lại, ông đã viết về đời ông, về bạn hữu ông, về thù địch ông, về xã hội ông, về thời đại ông, nghĩa là qua tập hồi ký này, ông đã vị trí hiện hữu ông trong tương quan cảnh trí xã hội. Như vậy, trong địa hạt hồi ký, Philipphê Bỉnh đã làm công việc phát minh, khởi xướng, mở đường sáng tạo…” (tr. XXIV).
Philipphê Bỉnh nhà Ngôn ngữ học Việt Nam đầu tiên. “Về công trình sáng lập, sửa chữa, kiện toàn… chữ quốc ngữ từ xưa cho đến giờ người ta chỉ nói đến toàn là người ngoại quốc, những là Đờ-Rốt, những là Pigneau de Béhaine, những là Taberd. Có ai nói đến tên tuổi Việt Nam nào!…
Thực ra, ngay từ cuối thế kỷ XVIII, Philipphê Bỉnh đã đưa ra những cải cách chữ quốc ngữ. Năm 1797, khi mới đến Lisbonne được một năm, ông đã biên soạn một bộ tự điển vừa Việt-Bồ, vừa Bồ-Việt.. Phần Bồ-Việt- là phần không có trong tự điển của Đờ-Rốt-thì hẳn nhiên là sáng kiến của Philipphê Bỉnh rồi…Philipphê Bỉnh đã có những cải cách lớn lao, nghĩa là trừ cuốn tự điển Việt-Bồ ra, tất cả cách sách vở khác của Philipphê Bỉnh đều đã áp dụng theo những cải cách mới.”(tr. XXVII).
Philipphê Bỉnh nhà Sử học đầu tiên theo Tây phương. “Ông là nhà sử thực sự trong hai bộ sử lớn: “Truyện Annam Đàng Ngòai” và “Truyện Annam Đàng Traõ”theo phương pháp chép sử của phương Tây. Ông không chỉ chép truyện vua chúa…Ông chú trọng nhất đến đời sống của nhân dân, của quảng đại quần chúng. Ngay khi chép sử Việt Nam, ông cũng không tách nó ra khỏi lịch sử chung của nhân loại: lịch sử của Philipphê Bỉnh thường bao giờ cũng là lịch sử Đông Tây đối chiếu…”(tr. XXIX).
Philipphê Bỉnh nhà họa sĩ vẽ xã hội Việt Nam. “Ngoài phần nói những nỗi bi thảm của nhân dân ta vào thời loạn về đời Lê mạt, Philipphê Bỉnh còn ghi nhận một ít phong tục đặc thù…
Nhưng bức tranh linh động nhất mà Philipphê Bỉnh vẽ thời đại ông là bức tranh tôn giáo. Sự tranh chấp của các phe truyền giáo cũng làm nát bấy giáo hội Việt Nam hồi ấy. Hai phe một bên là dòng Đa Minh, một bên là dòng Tên, chẳng những cấp lãnh đạo tranh giành chia rẽ nhau mà còn tìm cách thanh toán lẫn nhau. Philipphê Bỉnh đã vẽ lại những sự tranh chấp đó bằng màu sắc cực kỳ đen tối…”
Philipphê Bỉnh, người mạc khải Tây phương xa lạ. “Trong các bộ sử của ông, nhất là trong hai cuốn hồi ký: “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo” và “Sách sổ sang chép các việc”, Philipphê Bỉnh đã mạc khải cho chúng ta một Tây-phương giàu hơn, mạnh hơn, văn minh hơn, sung sướng hạnh phúc hơn”…
Thanh Lãng bày tỏ ước muốn của mình:
“Qua những nhận định trên đây, chúng ta thấy Philipphê Bỉnh quả là con người tò mò, xoi bói, muốn nhìn, muốn biết, muốn hiểu mọi sự xảy ra chung quanh ông. Ông thực là con người đam mê, tham lam muốn cho sách của ông không thiếu cái gì, nhất là luôn luôn mới lạ. Chính vì những mối đam mê, tham lam của ông mà ngày nay sự nghiệp của ông trở nên sự đam mê cám dỗ những nhà khảo cứu. Đọc Philipphê Bỉnh chúng tôi thấy bị lây cái đam mê, cái tham lam, cái cám dỗ của ông. Chúng tôi mong rằng cái lối đam mê ấy của ông sẽ lây ra nhiều người nhất là các tổ chức văn hóa, đặc biệt là những bậc có trách nhiệm với nền văn hóa của đất nước, dân tộc này.”(Sài gòn ngày 07 tháng 4 năm 1968)[tr. XXXVI đd]
PTS Võ Xuân Quế
(Viện Ngôn ngữ học-Trung tâm KHXH&NV quốc gia)
Võ Xuân Quế có bài viết giới thiệu tác phẩm thứ hai của Philipphê Bỉnh: Philipphê Bỉnh và sách quốc ngữ viết tay: “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3. 1998 (tr.52-58). Ông cho biết, khi thực hiện đề tài khoa học “Bước đầu sưu tầm và nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ” của Viện Ngôn ngữ học, thuộc Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, ông được một nhà nghiên cứu người Pháp là Roland Jacques (cán bộ Viện quốc gia các ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông-INALCO) cung cấp cho một bản photocoppy tài liệu viết tay bằng chữ Quốc ngữ của Philipphê Bỉnh, đó là cuốn sách: “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo”. Cuốn sách dày 573 trang viết tay, khổ 13cm x18cm, trong đó phần văn xuối chiếm tới 533 trang, phần thơ chiếm 40 trang gồm 40 bài thơ làm theo thể Thất ngôn bát cú, và phần ghi âm tiếng Hán bằng chữ Quốc ngữ gồm 21 trang. Cuối sách có phần mục lục xếp theo chủ đề.
Bài viết gồm 2 nội dung sau:
1. Vài nét về “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo”.
2. Đôi điều trao đổi thêm về Philipphê Bỉnh và sách “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo”.
Võ Xuân Quế giới thiệu khá chi tiết nội dung cuốn sách.
“Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo”(NTKTKCCG) là tập nhật ký ghi lại những sự việc chính xảy ra từ khi Philipphê Bỉnh và các cộng sự của ông bắt đầu cuộc hành trình sang Bồ Đào Nha và những năm tháng họ sống lưu vong ở đây. Ngoài phần ghi chép của Philipphê Bỉnh về cuộc hành trình, trong cuốn sách còn có 11 bức thư ông gửi đi và 7 bức thư ông nhận được của một số Linh mục và Thầy giảng khác gửi cho ông cùng cộng sự thời gian ông sống nơi đất khách quê người.
Mở đầu (phần “Tự sách”), Philipphê Bỉnh dành một trang trình bày vắn tắt nội dung, mục đích viết sách của ông và phân trần lý do vì sao ông ghi tên mình vào sách.
Tiếp theo phần “Tự sách”, Philipphê Bỉnh nêu lý do vì sao ông viết sách này là “ghi lại nguồn cơn lúc này mà ta chịu khó, thì cũng như tổ tông ta đã chịu khó năm 1688”. “Nguồn cơn” mà bổn đạo dòng Tên (Jésuites) ở Việt Nam chịu khó lúc bấy giờ là sự tranh chấp giữa dòng Đa Minh (Dominican) và Dòng Sai (MEP).
Sau phần “Tự sách” là “Nhật trình”. Philipphê Bỉnh ghi chép lại những sự kiện chính xảy ra từng năm, kể từ 1793 đến 1814 (21 năm). Chuyến đi khá trắc trở, mất gần 2 năm. Lúc đi có 8 người thì chỉ 4 người đến được Lisbonne. Lúc đầu, phái đoàn được vua Bồ Đào Nha che chở và giúp đỡ nhiều. Đoàn đã 15 lần đệ khải lên vua Bồ Đào Nha. Nhưng khi quân Pháp đánh chiếm Lisbonne, vua Bồ Đào Nha phải lánh ra nước ngoài (1807), tình cảnh của phái đoàn Philipphê Bỉnh gặp hết sức khó khăn.
Ngoài ra Philipphê Bỉnh còn ghi lại những nét chính của cuộc chiến tranh giữa Pháp và các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy lúc bấy giờ.
Võ Xuân Quế cho rằng 40 bài thơ ở cuối sách của Philipphê Bỉnh là những tài liệu qúy cho việc nghiên cứu thơ ca của các tác giả Công giáo ở nước ta hồi cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ông nhận xét: “Nội dung của các bài thơ đã thể hiện ý chí quyết tâm ra đi vì việc đạo của Phái đoàn dòng Tên và nỗi niềm tâm sự của Philipphê Bỉnh trước những vui buồn mà con người và cảnh vật đã “gợi hứng” cho ông. Từ việc bị “Phalangsa ăn cướp”, “Kẻ thù ngăn trở, “Giúp kéo dây đi tầu”, “Gặp trận bão ở giữa biển khơi” đến việc “Tìm thấy Thánh câu rút”, “Mừng sinh nhật Hoàng Thái tử”, “Tạ Quan Bà cho thuốc cao”, “Mừng Dòng sống lại”…Philipphê Bỉnh đều làm thơ ghi lại.”
Sau khi ghi lại nội dung cuốn sách, Võ Xuân Quế trao đổi những vấn đề sau đây, chủ yếu là những vấn đề trong bài viết của GS Thanh Lãng trước đó:
1.Về thời điểm Philipphê Bỉnh viết Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo: GS Thanh Lãng cho rằng Philipphê Bỉnh viết cuốn sách này trước tiên, trước cả việc sao chép cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes, nghĩa là trước 1797. Võ Xuân Quế căn cứ vào nội dung sách khẳng định cuốn sách (NTKTKCCG) chưa được Bỉnh viết xong trước 1814.
2. Về chuyến đi của Philipphê Bỉnh, trong Tạp chí văn hóa Á châu và sách Biểu nhất lãm văn học cận đại; sau đó là bài giới thiệu sách Sách sổ sang chép các việc, GS Thanh Lãng chưa trình bày rõ ràng và thống nhất. Căn cứ vào sách NTKTKCCG, Võ Xuân Quế khẳng định chuyến đi của Philipphê Bỉnh là sang Bồ Đào Nha đề cầu xin đức vua cử các giáo sĩ Bồ Đào Nha sang trông coi các giáo phận thuộc dòng Tên ở Việt Nam, tránh sự chèn ép của các giáo sĩ dòng Đaminh và dòng Sai, chứ không phải là “để dàn xếp với Tòa thánh” như các ý kiến của Thanh Lãng.
Về thời gian xuất phát của phái đoàn, Võ Xuân Quế căn cứ vào những ghi chép của Bỉnh, xác định lại: Phái đoàn của Philipphê Bỉnh không xuất phát từ Việt Nam vào cùng một ngày. Philipphê Bỉnh không phải rời Việt Nam ngày “4 tháng Chạp năm 1794”, và cũng không phải vào “đầu năm 1796” như các tài liệu đã viết về ông. Philipphê Bỉnh rời Việt Nam lần đầu ngày 1/9/1794, lần hai là cuối tháng 9/1795.
Võ Xuân Quế kết luận: “chúng tôi nhận thấy Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo là một tài liệu có giá trị về nhiều lãnh vực khác như văn hóa, văn học, đặc biệt là về lịch sử và ngôn ngữ”.
George E. Dutton
George E. Dutton là tác giả cuốn A Vietnamese Moses: Philiphê Bỉnh and the geographies of early modern Catholicism, Published byOakland, California: University of California Press, [2017]. Ông là Giáo sư Lịch sử Việt Nam tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Á và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học California, Los Angles
Nội dung cuốn sách có các chương:
1. Introducing Philiphê Bỉnh and the Catholic geographies of Tonkin
2. A Catholic community in crisis
3. Journeys : Macao, Goa, and Lisbon
4. Arrival in Lisbon and first encounters
5. Invoking the Padroado : Bỉnh and Prince Dom João
6. Waiting for Bỉnh in Tonkin and Macao
7. Life in Lisbon and the Casa do Espirito Santo, 1807-1833
8. The tales of Philiphê Bỉnh.
Riêng chương 8: The tales of Philiphê Bỉnh (Những truyện của Philipphê Bỉnh), George E. Dutton có những nhận xét khá toàn diện về tác phẩm của Bỉnh. Ông có những kiến giải sâu sắc với một tầm nhìn rộng (xin lược trích).
Ở phần tổng quan, George E. Dutton nhận định: Philipphê Bỉnh viết phần lớn các tác phẩm trong khoảng từ năm 1812 đến 1830, đặc biệt từ năm 1815 đến năm 1822. Tiếp xúc với sách trong thư viện ở Lisbon, Bỉnh đã thay đổi quan niệm về sách, về viết sách, về sắp xếp, và về xuất bản. Những cuốn sách của ông về các vị thánh Công giáo có ý nghĩa đối với người Công giáo Việt Nam. Bộ lịch sử Công giáo (Truyện An Nam Đàng Ngoài &Truyện An Nam Đàng Trong) nổi bật vì cách nó liên kết lịch sử và địa lý của người Công giáo Việt Nam với người Công giáo ở Châu Âu. Trong lời kể của Bỉnh, chính người Việt Nam là nhân vật trung tâm, nhiều người trong số họ chịu tử đạo vì niềm tin mới. Bỉnh nâng họ lên như những tấm gương về niềm tin, sự cống hiến và sự tận tụy. Trước đây, những gương mẫu như vậy được rút ra từ lịch sử Công giáo Châu Âu, giờ đây người Việt Nam trở thành gương mẫu trên mảnh đất quê hương của họ.
Sau đây là những nhận xét cụ thể của George E. Dutton về từng thể loại tác phẩm của Bỉnh:
BỈNH’S NOTEBOOKS (Những cuốn sổ ghi chép của Bỉnh)
Để hiểu những sáng tác (writings) của Bỉnh, trước tiên chúng ta cần xem xét các cuốn sổ mà ông đã thu thập và sắp xếp các tài liệu, sau đó ông chuyển thành những truyện và những ghi chép dài hơn.
Bỉnh là nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất bằng chữ quốc ngữ. Những Sổ ghi chép của Bỉnh bao gồm cả sáng tác gốc và bản dịch tiếng Việt các tác phẩm ngôn ngữ khác. Chúng có thể được chia thành 4 loại, phần lớn là Phụng vụ và hướng dẫn:
1. Các bài bình luận về thánh lễ đến các mô tả về các thực hành sùng đạo, cho đến các phương pháp ghi nhớ dòng dõi của các giáo hoàng (Cuyển sách cắt nghĩa các kinh; Sách dạy xem lễ Misa; Sách cắt nghĩa các kinh lễ Misa; Truyện các đời Đ. Th’ Phapha …). Bỉnh cũng sao chép bằng tay hai tác phẩm đã xuất bản của Alexandre de Rhodes.
2. Đơn thỉnh cầu mà ông đã trình lên nhà cai trị Bồ Đào Nha từ năm 1796 đến năm 1807 để theo đuổi sứ mệnh cầu xin một giám mục cho Đàng Ngoài.
3. Thư từ ông trao đổi với đồng bào ở cả Macao và Bắc Kỳ.
4. “Những bài thơ du ký” (45 bài) làm từ năm 1793 đến 1815.
Từ 1815, Bỉnh chuyển sang nghiên cứu và sáng tác những bộ sưu tập dài mà ông gọi là “truyện”(Bỉnh began to research and compose lengthy collections of what he labeled “tales.”):
1.Ba tiểu sử dài về các bậc tiền bối Dòng Tên (Truyện ông thánh Ignacio ; Phanchico de Borja; Phanchico Xavie). Từ năm 1818 đến năm 1820, mỗi năm ông viết một cuốn.
2. Viết Lịch sử Công giáo La Mã ở Việt Nam (Truyện An Nam Đàng Ngoài , Truyện An Nam Đàng Trong).
3.Và tuyển tập truyện: Truyện bà thánh Anna (Tales of Saint Anne-1830), mẹ Đức Maria.
TẠI SAO VIẾT? MỤC ĐÍCH VIẾT CỦA BỈNH
George E. Dutton đưa ra những lý giải sau đây về lý do và mục đích viết của Bỉnh:
Bỉnh cảm thấy có nghĩa vụ và trách nhiệm với những người đã cử ông đi .
Bỉnh gợi ý rằng — ông giống Moses, và các Nhà truyền giáo đi trước, vừa là người bảo tồn các truyền thống và câu chuyện, vừa là một loại dây buộc giữa quá khứ và hiện tại. Ông mong muốn được giao tiếp với các thế hệ người Công giáo Việt Nam mai sau. Bỉnh cũng hướng về mục đích tâm linh. Trong lời tựa cho tập đầu tiên của bộ Truyện An Nam, ông viết:
“Tôi là linh mục Bỉnh viết cuốn sách này để kính Đức Chúa Giêsu Nhân Lành, và cũng là Đức Mẹ Maria rất thánh, và Thánh Giuse, Thánh Joaquim, Thánh Anna, Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô Xaviê, và tất cả của các thánh, bởi vì họ là những người đã giúp tôi viết tác phẩm này để anh em tôi có thể sử dụng nó”. —Tại thủ đô của Bồ Đào Nha vào năm 1822.
Giọng kể của Bỉnh mang nhiều nét của người kể chuyện truyền thống. Những “cuốn sổ” này cũng là một hình thức bầu bạn trong những khoảng thời gian ông cô đơn vì nó chứa đựng những tâm tư tuôn trào của ông.
Bỉnh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của truyền khẩu và vai trò của nó trong xã hội Việt Nam như một nguồn giải trí và giác ngộ...phần lớn sản phẩm văn học của ông có thể được hiểu là vượt qua ranh giới giữa thế giới viết và thế giới kể.
NHỮNG YẾU TỐ SÁNG TẠO TRONG TÁC PHẨM CỦA BỈNH
1.Bỉnh vừa là người sáng tạo trong việc sản xuất sách bằng tiếng Việt về Công giáo, vừa là người tiên phong trong cách tổ chức và trình bày chúng
2.Vào thời điểm Bỉnh viết nhật ký, chữ quốc ngữ đã được sử dụng phổ biến hơn bởi những người Công giáo Việt Nam biết chữ. Ít nhất là trong cộng đồng của ông, quốc ngữ đã trở thành chữ viết được ưa chuộng trên thực tế.
3. Những quan niệm mới về thời gian có ý nghĩa sâu sắc đối với người Công giáo Việt Nam. Họ sống trong không gian và thời gian mới, sinh hoạt theo lịch phụng vụ: Mùa Chay, Tuần Thánh và Lễ Phục sinh; đồng thời cùng tồn tại với thế giới do chính quyền thế tục áp đặt.
Bỉnh kết hợp và đan xen các yếu tố lịch sử Việt Nam, các sự kiện trong Kinh thánh và các mốc truyền giáo của Công giáo trong một khung thời gian chung. Những quan niệm mới này đã thay thế những câu chuyện gốc chịu ảnh hưởng Trung Quốc.
Giờ đây, các tiêu chuẩn chính theo trình tự thời gian có thể là sự ra đời của Chúa Giê-su và trước đó là sự thành lập thế giới, trận Đại hồng thủy hoặc việc tiếp nhận Mười Điều Răn.
Theo nghĩa tâm linh, người Việt Nam có thể hiểu mình là một phần của dòng dõi có thể bắt nguồn từ Áp-ra-ham.
PHẢ HỆ VÀ KHUNG THAM KHẢO MỚI
NEW GENEALOGIES AND FRAMES OF REFERENCE
Ở nhiều cấp độ, Công giáo La Mã đại diện cho một thế giới quan mới. Những câu chuyện trong Kinh thánh trở thành một phần trung tâm của bản sắc Công giáo Việt Nam. Bỉnh đã nói rõ điều này trong Sổ ghi chép các công việc. Ông viết: “Our first and foremost ancestor is Adam”(“Trước hết tổ tông ta là ông Adam”).
Theo quan điểm của Bỉnh, sự hội nhập của người Việt vào dòng Kinh thánh này không chỉ đơn thuần là thần học mà còn là sinh học và do đó là phả hệ. Bỉnh coi chính người dân Việt Nam là hậu duệ của những người sống sót sau trận Đại Hồng Thủy được mô tả trong Cựu Ước
Bỉnh đã dựa vào nhiều nhân vật và tình tiết trong Cựu Ước để minh họa cho các câu chuyện của mình và truyền tải thông điệp của mình, thường xuyên là Môi-se. Bỉnh thể hiện mình giống dân Israel khi phải đối mặt với những nguy hiểm. Bỉnh còn tìm thấy giá trị đáng kể trong các câu chuyện về Vua Đa-vít, Giacop, Tobias. Bỉnh so sánh Giám mục Galdino với Judas, so sánh Giáo hoàng Clêmentê XIV với Pontius Pilate; so sánh các cuộc đấu tranh và đàn áp các Kitô hữu ở Đàng Trong với việc vua Hêrôđê giết con đầu lòng…
Bằng cách viện dẫn những con người, những câu chuyện và địa điểm trong Kinh thánh, Bỉnh và những người Công giáo Việt Nam khác đang khẳng định rằng những sự kiện và kinh nghiệm của những nhân vật trong Cựu Ước giờ đây thích hợp để phản ánh những trải nghiệm của chính họ.
TRUYỆN CỦA BỈNH TRONG TRUYỀN THỐNG TRUYỆN VIỆT NAM VÀ TRUYỆN CÔNG GIÁO
(Bỉnh’ “Truyện” and the Vietnamese and Catholic tradition of tales)
George E. Dutton nhắc đến truyền thống văn xuôi cổ của Việt Nam với các tác phẩm như Việt đinh u linh tập, Lĩnh Nam chích quái (Truyện kỳ lạ từ bụi đất Lĩnh Nam), Truyện kỳ mạn lục (“những bản ghi chép tự do về những câu chuyện kỳ lạ”) đầu thế kỷ 16 của Nguyễn Dữ; Thiền uyển tập anh (Tuyển tập những tác phẩm nổi bật các nhân vật trong vườn Thiền), được in năm 1337 giống như những câu chuyện về các vị thánh Công giáo.
Người đầu tiên sử dụng hình thức cổ tích để phổ biến đức tin Công giáo trong người Việt Nam là Geronimo Maiorica. Phép lạ của các vị thánh Công giáo trong truyện của Maiorica hoàn toàn phù hợp với thể loại truyện cổ tích về “những câu chuyện kỳ lạ” đã phổ biến vào thế kỷ XVI.
Các tác phẩm phong phú của Bỉnh ở thể loại “truyện” khiến ông trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học tôn giáo Việt Nam. (xin lưu ý, George E. Dutton dùng chữ “Truyện” như một thuật ngữ cho riêng tác phẩm của Bỉnh. Ông viết: “ His “tales” are firmly situated within the longer trajectory of the truyện genre, one of the oldest recognized Vietnamese literary forms in prose. .” )
Sự cách tân của Bỉnh là ở việc mở rộng hình thức thể loại đến tầm cỡ gần như sử thi. Bốn tập truyện thánh sử của ông (Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Inhaxiô Loyola, Thánh Phanxicô Borgia, và Thánh Anne) mỗi cuốn trung bình hơn 650 trang.
Ông cũng giúp độc giả Việt Nam tiếp cận được một lượng lớn các tác phẩm văn học tôn giáo châu Âu. Bỉnh hiểu mình nằm trong một số phả hệ văn học. Đầu tiên, ông công nhận “chuyện kể” là một phần của tập tục Kinh thánh lâu đời, Bỉnh coi nhiệm vụ của mình là “viết những câu chuyện này bằng ngôn ngữ của chúng ta để mọi người có thể biết chúng.”
SÁCH GƯƠNG TRUYỆN:
(MORAL EXEMPLARS)
Bộ Sách gương truyện viết về các vị thánh Công giáo gồm hai tập. Bỉnh mô phỏng chặt chẽ cách tiếp cận của Maiorica.
Sách được cấu trúc theo hai nhóm nghĩa vụ tôn giáo: “Mười điều răn” và “Điều Răn của Giáo Hội”. Maiorica đã giới thiệu cho người Công giáo Việt Nam nhiều địa điểm đáng kinh ngạc trên khắp các vùng đất trong Kinh thánh và châu Âu. Truyện của Bỉnh cũng tập trung vào nhiều vùng địa lý ngoài Việt Nam.
THE HAGIOGRAPHIES
(Hạnh các thánh))
Bỉnh viết về cuộc đời ba nhân vật Dòng Tên: Phanxicô Xaviê, Inhaxiô thành Loyola và Phanxicô de Borgia. Đây là những tác phẩm thuộc thể loại thánh tích truyền thống của Công giáo mà Hippolyte Delehaye từng mô tả là “một hình thức văn học mới. . . một phần tiểu sử, một phần tán tụng, một phần bài học đạo đức”. Tales of Saint Francis Xavier (sách dày 589) trang là minh chứng cho phương pháp của ông. “tôi dám viết cuốn sách này để tôn kính Thánh Phanxicô Xaviê và xin mọi người cầu nguyện cho sự trợ giúp và sức mạnh để tôi có thể thực hiện nhiệm vụ này”(lời giới thiệu)
Hạnh các thánh (The Hagiographies) viết tiểu sử các thánh của Bỉnh là bài ca ngợi những anh hùng dòng Tên mà ông yêu quý. Bỉnh liên kết những nhân vật Công giáo châu Âu với lịch sử Cơ đốc giáo Việt Nam, khiến chúng trở thành một phần của truyền thống văn học Công giáo của Việt Nam, và bởi vì cách Bỉnh kể và thêm vào những giai thoại và quan sát của riêng mình.
TRUYỆN ANNAM
(TALES OF ANNAM )
Truyện An Nam Đàng Ngoài và Truyện An Nam Đàng Trong là đóng góp quan trọng nhất của Bỉnh đối với truyền thống truyện kể lịch sử Việt Nam nói chung. Hai tập sách này là những văn bản đầu tiên và quan trọng nhất do Việt Nam sản xuất kể lại lịch sử đức tin Kitô giáo ở Việt Nam. Hai tác phẩm này, mỗi cuốn hơn 600 trang, theo dõi lịch sử Công giáo Việt Nam từ những ngày đầu vào cuối những năm 1500 đến đầu thế kỷ 19.
Truyện An Nam Đàng Trong chủ yếu đề cập đến cuộc sống và cái chết của các vị tử đạo thế kỷ 17 trong vương quốc nhà Nguyễn
-“Tôi nói về những sự kiện từ thời tổ tiên của chúng ta biết về Đức Giêsu diễm phúc và tôn thờ Người, cũng như về tất cả các thánh đã chịu chết vì đức tin, và tất cả những con người nhân đức, cùng với nhiều vấn đề khác, và tôi đã chia thành hai cuốn sách, trong đó Đàng Ngoài là quyển 1, Đàng Trong là quyển 2… ” (Lời nói đầu).
Một phần đáng kể của những tập sách này dựa trên các bài viết và báo cáo của các nhà truyền giáo châu Âu. Bỉnh dựa vào những tài liệu thành văn của châu Âu và những tài liệu được truyền miệng của người Việt Nam để soạn thảo bản tóm tắt lịch sử Công giáo ở quê hương mình. Việc kết hợp 2 nguồn tư liệu này là một sự đổi mới đáng kể.
Hầu hết các tập truyện Công giáo viết bằng tiếng Việt trước đây, bao gồm toàn bộ truyện của Maiorica và thực tế là nhiều truyện của riêng Bỉnh, lấy bối cảnh ở các nơi khác trên thế giới, có các điển hình không phải người Việt.
Những câu chuyện của Bỉnh trong cả hai tập Truyện An Nam đều lấy bối cảnh ở quê hương ông và chủ yếu đề cập đến chính người dân Việt Nam bằng ngôn ngữ của họ. Về phương diện này, bằng cách viết về người Việt bằng tiếng Việt, Bỉnh đã trở về cội nguồn Việt của thể loại “truyện”.
Truyện An Nam Đàng Ngoài bắt đầu với câu chuyện Sáng tạo, sau đó chuyển nó qua sự ra đời của Chúa Giê-su và nguồn gốc của nhà nước Việt Nam tự trị. Bỉnh tua nhanh câu chuyện của mình đến thế kỷ XVI. Tại đây, ông giới thiệu sự ra đời của dòng Tên và sau đó là sự xuất hiện của de Rhodes ở An Nam. Chương thứ hai của tập sách, “Các Thầy Dòng Tên Đến Truyền Bá Đức Tin,” và 28 tám chương tiếp theo kể lại lịch sử phát triển và lan rộng của Công Giáo La Mã ở Bắc Kỳ. Phần lớn tài khoản này mô tả chi tiết nhiều cuộc cải đạo và tử đạo trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Tuy nhiên, nhìn chung, tập này chủ yếu tập trung vào lịch sử gần đây hơn.
Trong câu chuyện này, chính Bỉnh trở thành mắt xích mới nhất trong lịch sử lâu đời này của Công giáo Việt Nam, và Truyện An Nam trở thành Truyện Philiphê Bỉnh.
Truyện An Nam Đàng Trong tập trung mạnh mẽ vào những người đã tử vì đạo trong khoảng thời gian từ những năm 1620 đến những năm 1660.
Cuốn sách này không bắt đầu với nguồn gốc của Kitô giáo hay Công giáo La Mã. Thay vào đó, Bỉnh bắt đầu cuốn sách với phần giới thiệu về lịch sử và địa lý của vùng Đàng Trong, tập trung vào lịch sử của quá khứ tiền thân là vương quốc Champa và sự thôn tính dần dần của người Việt Nam. Cũng giống như cuốn sách nói về Đàng Ngoài, đỉnh điểm của cuộc đời này là quỹ đạo cuộc đời của chính Bỉnh vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, bốn chương kết thúc tập trung chủ yếu vào lịch sử chính trị.
NHỮNG NĂM CUỐI: TRUYỆN KẾT VÀ CUỘC CHIA TAY SAU CÙNG
BỈNH’S LAST YEARS: ONE CONCLUDING TALE AND A FINAL FAREWELL
Sau khi viết xong hai tập An Nam Truyện năm 1822, Bỉnh hầu như ngừng viết.
Năm 1830, Bỉnh lại viết Tales of Saint Anne (Truyện bà Thánh Anna), dày hơn 600 trang. Một đóng góp quan trọng cho truyền thống văn học Việt Nam.
Cuối tháng Giêng năm 1832, ông bị tai nạn suýt chết tại tư gia. Khi đang trèo ra khỏi giường, ộng bị ngã và đập vào đầu rất dữ dội khiến ông bất động. Ông viết: “Tôi phải nằm trên giường trong ba tháng, và mỗi ngày có hai bác sĩ đến thăm tôi, và do đó tôi đã phải tiêu tốn một số tiền lớn, bởi vì Mỗi lần bác sĩ đến tôi phải trả một quan ba tiền hai mươi đồng, còn thuốc thì phải có người nhà đi mua nên tôi cũng phải trả tiền ở nhà thuốc. ”
Bỉnh đã thêm lời từ biệt vào trang cuối của Truyện kể về Thánh Anne:
“Cuối cùng khi tôi đã hồi phục và có thể rời khỏi giường, ban đầu tôi không thể đứng vững, nhưng cuối cùng tôi đã có thể bước những bước đầu tiên, và vào cuối tháng, tôi có thể tự mình thực hiện một buổi lễ, và tôi đã ước để tôi quan tâm đến việc hoàn thành cuốn sách này để ca ngợi Thánh Anna. Nhưng tôi không thể viết được vì tay tôi vẫn còn run, và vì lý do này vào cuối tháng giêng năm 1833, tôi đã chấm dứt nó. Tôi, linh mục Bỉnh ký tên, tạ ơn Chúa Giêsu Nhân Lành, Đức Mẹ Maria Rất Đầy Ơn Phúc, và Thánh Anna. Amen.”
Linh hồn của Bỉnh đã được giải thoát không lâu sau cuộc chia tay cuối cùng này, có lẽ vào tháng Ba năm 1833. Ông thọ 77 tuổi.
NHỮNG ĐỀ XUẤT
1.Qua nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm của Thầy cả Philipphê Bỉnh, các học giả đều đánh giá cao những đóng góp của Philipphê Bỉnh đối với văn học Công giáo và văn học dân tộc thời kỳ đầu chữ Quốc ngữ.
Gs-Lm Thanh Lãng nhận định:
“Chín cuốn sách[1] trên đây là một bản thống kê hùng hồn cho ta thấy Linh mục Bỉnh là một học giả quảng bác đã biết nói một cách sở trường về rất nhiều vấn đề phức tạp: Ông là một thi sĩ với những vần thơ vừa có tính cách tự thuật vừa có tính cách tùy bút, vừa có tính cách ký sự; là một nhà chuyên viết hồi ký trong đó bộc lộ những tâm tình riêng tư với những cuốn như “Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo” hay cuốn “Sách Sổ sang chép các việc”; một nhà viết truyện ký làm việc không biết nhọc với những truyện như Truyện ông thánh Phanxicô. Truyện ông thánh Ignatio, Truyện bà thanh Anna và cuốn Gương truyện; là một sử gia tỉ mỉ của hơn 1000 trang, trang thủ bản bàn về lịch sử Việt Nam như bộ “Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trão”, một nhà thần học với nhiều bài khảo cứu về các ân xá về các giới răn đạo Thiên Chúa; một nhà biên tập như việc sao cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes; sau hết còn là một nhà dịch thuật như dịch cuốn “Nhật trình của ông Pernando mendes Pinto”. Tác phẩm của ông cho thấy ông là người đầu tiên chịu ảnh hưởng Tây phương một cách sâu xa, nhất là ảnh hưởng của giáo sĩ Alexandre de Rhodes”[2].
PTS Võ Xuân Quế kết luận: “chúng tôi nhận thấy Nhật trình kim thư khất chính Chúa giáo là một tài liệu có giá trị về nhiều lãnh vực khác như văn hóa, văn học, đặc biệt là về lịch sử và ngôn ngữ”.
George E.Dutton nghiên cứu toàn diện tác phẩm của Bỉnh và khám phá đặc điểm từng thể loại cả về nội dung và cách viết. Ông có những nhận định sâu rộng: Bỉnh là nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất bằng chữ quốc ngữ (ở thời điểm của ông), vừa là người sáng tạo trong việc sản xuất sách bằng tiếng Việt Công giáo, vừa là người tiên phong trong cách tổ chức và trình bày chúng. Bỉnh kết hợp và đan xen các yếu tố lịch sử Việt Nam, các sự kiện trong Kinh thánh và các mốc truyền giáo của Công giáo trong một khung thời gian chung. Những quan niệm mới này đã thay thế những câu chuyện gốc chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Bỉnh mở rộng hình thức thể loại truyện đến tầm cỡ gần như sử thi. Truyện An Nam Đàng Ngoài và Truyện An Nam Đàng Trong là đóng góp quan trọng nhất của Bỉnh đối với truyền thống truyện kể lịch sử Việt Nam: Bỉnh lấy bối cảnh ở quê hương ông và viết về người dân Việt Nam. Về phương diện này, Bỉnh đã trở về cội nguồn Việt của thể loại “truyện”…
2. Để có thể có cái nhìn toàn diện về tầm vóc những đóng góp của Linh mục Bỉnh đối với văn học chữ Quốc ngữ Việt Nam thời kỳ đầu, chúng ta cần nghiên cứu toàn diện các tác phẩm của ông. Điều này các nhà nghiên cứu ở Việt Nam không thể làm được vì số tác phẩm đồ sộ của Linh mục Bỉnh đang được lưu trữ ở thư viện Vatican. Ước mong các nhà nghiên cứu văn học Công giáo, các Linh mục, tu sĩ, sinh viên du học ở Roma xin phép sao chụp lại các tác phẩm của Linh mục Bỉnh và phổ biến cho độc giả Việt Nam. Công việc này đến nay đã quá chậm trễ.
Tháng 12/ 2020
_____________
Ghi chú
[1] Chín cuốn sách Thanh Lãng nghiên cứu là:Nhựt trình kim thư khất chính Chúa giáo (1797)
Dictionarium Annamiticum seu Tunkinense lusitana et latina declaration
Sách Gương truyện (1815)
Truyện nhật trình ông Fernad Mendes Pinto.
Truyện ông thánh Phanxicô Xavier (1818)
Truyện ông thánh Ignatio lập Dòng Đức Chúa Giêsu (1819)
Truyện Nước Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong gồm: Truyện Nước Nam Đàng Ngoài và Truyện Nước Nam Đàng Trong.
Truyện bà thánh Anna.
[2] ”Dẫn theo Lê Đình Bảng trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, Nxb Tự điển bách khoa, 2010, tr.145).
Pingback: HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NĂM 2022 CỦA BÙI CÔNG THUẤN – CHÚT TÌNH TRI ÂM