NHÀ VĂN ĐÀO SỸ QUANG-Những nét đẹp của một cốt cách văn chương

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

NHÀ VĂN ĐÀO SỸ QUANG

Những nét đẹp của một cốt cách văn chương

(Đọc tập truyện ngắn Bến hồng nhan của Đào Sỹ Quang. Nxb HNV quý I/ 2023)

Bùi Công Thuấn

***

 

Nhà văn Đào Sỹ Quang sinh năm 1954 tại Thái Nguyên. Ông hiện sống tại Tp. Biên Hòa. Ông từng là bộ đội Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ngoài vết thương do đạn pháo, ông còn trải qua hai lần mổ và thay van tim. Trở về miền Bắc ông theo nghề sư phạm, giảng dạy Vật lý THPT.

Ông theo đuổi tư tưởng – nghệ thuật: “Nhân văn, nghệ thuật phải chạm đến trái tim con người”. Ông mong muốn “ độc giả bị cuốn hút vào những điều hư cấu, hạnh phúc trong nụ cười hay nước mắt”.

Tác phẩm đã xuất bản:

  1. Sự đời (tập truyện ngắn. Nxb HNV 2013).
  2. Đất và người (tập bút ký. Nxb HNV 2015).
  3. Viên đạn cuối cùng (tập truyện ngắn. Nxb Văn học 2016).
  4. Mùa tôm sú (tập truyện ngắn. Nxb Văn hóa – Văn nghệ  2017).
  5. Điều như không thể (tập truyện ngắn. Nxb HNV 2018).
  6. Trời đang vào thu (tập truyện ngắn. Nxb HNV 2019).
  7. Đối mặt (tập truyện ngắn. Nxb HNV 2019).
  8. Bến hồng nhan (tập truyện ngắn. Nxb HNV 2023).
  9. Tiểu thuyết “Ngày của những tháng năm”, bắt đầu viết năm 2019 đang hoàn chỉnh.

9 tập truyện đã xuất bản cùng với 12 giải thưởng ông đã đạt [[1]]  đủ khẳng định Đào Sỹ Quang là một cốt cách văn chương có nhiều nét đẹp, và ghi nhận sự đóng góp của ông vào sự phong phú của văn chương Đồng Nai. Tập truyện Bến hồng nhan khắc họa những đường nét của cốt cách ấy.

MỘT NGHỆ THUẬT KỂ TRUYỆN HẤP DẪN

            Đào Sỹ Quang Kể nhiều truyện hay, cái hay tinh tế, nhẹ nhàng và giàu màu sắc thẩm mỹ. Ông hướng đến nhiều vùng miền hiện thực với sự hiểu biết sâu sắc và một tấm lòng rộng mở, yêu thương. Ông đặc biệt  quan tâm đến nhân dân trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của đời sống (chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói). Đây là một giá trị rất đáng quý của ngòi bút Đào Sỹ Quang, bởi đó chính là cái Tâm của nhà văn. Nguyên Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đào Sỹ Quang chủ trương: “nghệ thuật phải chạm đến trái tim con người”. Muốn vậy, trái tim nhà văn phải lan tỏa những nhịp đập yêu thương. Nguyễn Du đã trải nghiệm điều này: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Không có tấm lòng cùng đau với nỗi đau nhân sinh để từ đó nói tiếng nói của nhân sinh thì không thể là một nhà văn chân chính.

            Truyện Bến hồng nhan không chỉ nói về sự hy sinh của người lính ngoài chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ (anh Phú và đồng đội) mà còn nói tiếng nói cảm thông sâu sắc với chị Tính có người yêu chết trận cùng với bao nỗi niềm giấu kín trong hòa bình.

Truyện Mẹ Nghiệp là hình ảnh vừa cảm động vừa đau thương ở trạm cứu thương của Mẹ Nghiệp Quảng Bình. Mẹ có chồng hy sinh ở Khe Sanh 1968. Mẹ có 4 người con thì người con đầu cũng chết trận. Con trai thứ hai đi bộ đội B dài, hai o sau đang ở thanh niên xung phong. Thương binh chuyển đến trạm của mẹ liên tục. Bom đạn cũng dội trên đầu. Mẹ Nghiệp nấu cháo cá chăm sóc từng người. Mẹ rất khổ với anh thương binh tâm thần đạp đổ nồi cháo cá. Mẹ kiện nhẫn chiều anh thương binh bị thương vào cổ. Anh hạch sách đòi mẹ đủ điều. Hỏi mẹ đã nấu bao nhiêu nồi cháo cho bộ đội, mẹ nói: “Trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì tau nấu bấy nhiêu nồi cháo” (tr.169). Khi những người thương binh rời khỏi trạm mẹ Nghiệp, có tin nhà bếp của mẹ Nghiệp trúng bom. Anh thương binh (người kể chuyện) kêu lên: “Trời ơi…Thế là mẹ Nghiệp đi rồi, mẹ ơi”(tr. 1789). Đau đớn quá! Nhưng yêu thương và dũng cảm phi thường.

Đào Sỹ Quang còn dẫn người đọc theo chân một gia đình người dân tộc Tày bản địa sống ở nông trường Tân Việt Hoa, bên dãy núi Tam ở Tây Bắc, vì chiến tranh biên giới (1979) phải ly tán (Chuyện nhà tôi). Người mẹ dẫn các con chạy vào Sài gòn. Lưu lạc bơ vơ, khổ nhục, có lúc người mẹ định nhảy cầu nhưng được bà Bảy, ông Chín là người dân Đồng Nai cưu mang (Bà Bảy bán bún riêu, có chồng là công nhân hỏa xa ở ga Biên Hòa. Ông Chín là dân tập kết 1954). Các con được đi học, rồi dựng vợ gả chồng và gia đình đoàn tụ.

“Một cú nhảy” là những chuyện rất vui của tân binh Đỗ Thành Thật ở quân trường. Thật có tính lề mề và luộm thuộm. Vì hai tính này mà Thật nhiều lần bị phạt hít đất, nhảy cóc, đứng vác tăm. Đời sống quân ngũ đã rèn luyện cho anh. Sau nghĩa vụ, Đỗ Thành Thật trở về quyết tâm học Đại học để trở thành sĩ quan như bố (liệt sĩ).

Đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế phát triển nhưng đời sống đạo đức có nhiều mặt tha hóa. Ngòi bút Đào Sỹ Quang dẫn người đọc đi vào nhiều ngõ ngách tâm hồn con người (tác giả tập trung miêu tả nội tâm nhân vật). Ông đặc biệt khơi tung cái sự thật đằng sau mặt nạ của quan tham (truyện “Hiền cái con khỉ”), ông cũng lật tẩy cái nhơ nhớp, bẩn thỉu đằng sau sự mĩ miều, háo nhoáng của giới nghệ sĩ khi kết hợp với bọn lưu manh (truyện Lên sàn, Bố thí). Và điều đặc biệt là ông khám phá ra cái phần tốt ẩn dưới những cái xô bồ nhiễu nhương trong đời thường (Mít tơ Thọi, Quan tòa cuối cùng, Người phố tôi). Tất cả những điều ấy đề xuất phát từ tấm lòng yệu thương con người. Viết về cái xấu, kẻ xấu, ông không nặng lời phê phán. Viết về cái tốt, người tốt bị che lấp, ông xem xét nhiều mặt, tìm nhiều nhân chứng để khẳng định điều mình khám phá.

Ở vùng miền hiện thực nào, Đào Sỹ Quang cũng đứng trong nhân dân, nhận thức bằng con mắt, trí tuệ của nhân dân và nói tiếng nói của nhân dân. Ông thường viết: “Người ta nói, người ta vẫn kể (tr.70, 71, 93,). Truyện Người phố tôi gồm đủ mặt dân phố quanh cái bàn trà của vợ chồng Tâm Hoàng: Ông Phành-tổ trưởng dân phố, Tỉnh ủy viên Rụng xây cái biệt thự to tổ bố. Bà Bỉnh hâm, lão Vụ đại úy lúc nào cũng quân phục chỉnh tề. Bà Ninh gang thép chửi bọn trẻ nhố nhăng, lão giáo Tạnh lắc đầu về lối dạy học mới. Cụ Yên lưng còng góp vui bằng mấy câu Kiều, lão Canh nói nhanh như đập ruồi, thằng “cụt” kể chuyện hồi đánh Ban Mê Thuột. Lão Mị “chuyên châm chọc”, Cụ Rặc “râu dài” nói: đám ăn không ngồi rồi (tr.154).

NHỮNG ĐƯỜNG NÉT CHÂN DUNG

Nội dung những truyện được trình bày ở trên đã ít nhiều làm hiện lên những đường nét của một chân dung văn học có nhiều nét đẹp của Đào Sỹ Quang.

Ở chiều rất sâu của chân dung ấy là tấm lòng yêu thương con người. Cụ thể là yêu thương nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng đội, chia sẻ những cảnh ngộ đau buồn trong chiến tranh, hoạn nạn, hòa chung niềm vui, hạnh phúc của tình người trong đoàn tụ, trong thành đạt, trong ân tình ân nghĩa (Mẹ Nghiệp, Bến hồng nhan, Chuyện nhà tôi, Một cú nhảy, Quan tòa cuối cùng). Chẳng hạn: “có người chết vì đốn cây giữa lưng chừng núi cao. Có người mang tật suốt đời”(Quan tòa cuối cùng, tr.126); “Ông thấy thương đám cửu vạn kiệt sức và bệnh” (Lên sàn. 141); “Thương lắm những người lính vận tải cáng thương binh đi trong rừng. Lúc bị bom và pháo kích của địch, họ đã quên thân mình để che chở cho thương binh” (Mẹ Nghiệp, tr.164)…những câu văn ấy chính là tấm lòng của nhà văn, cũng là những trải nghiệm của tác giả trong chiến tranh, tác giả từng là thương binh. Không có tấm lòng và trải nghiệm ấy, Đào Sỹ Quang không thể viết được những dòng văn máu thịt như vậy.

Chân dung ấy hiển hiện nét dung dị đằm thắm và trải đời. Giọng văn điềm đạm. Thấp thoáng Cái Hài, đôi khi là tiếng cười rất lạ: “Hịc hịc hịch (tiếng cười nghe tưởng âm thanh thoát ra từ ống xả chiếc xe bị nghẹt xăng”(tr.115), Truyện Mit tơ Thọi chứa nụ cười của Nam Cao khi tả Trạch Văn Đoành (truyện Đôi móng giò). Nhưng tiếng cười của Đào Sỹ Quang là tiếng cười hiền, tiếng cười của lòng bao dung. Cũng vậy, đứng trước đau khổ cùng cực, nhà văn đã khóc, và rất nhiều nước mắt đã chảy vào tim (ý của Sôlôkhôp trong Số phận con người). Nghe mẹ Nghiệp nói: “Trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì tau nấu bấy nhiêu nồi cháo”. Câu nói của mẹ làm cho tôi òa khóc. Tôi không còn đủ can đảm nuốt nước mắt vào trong nữa “(tr.169). Nhưng đau khổ ấy không dẫn ngòi bút đến bi kịch. Truyện của Đào Sỹ Quang có nhiều hy sinh, mất mát, đau thương nhưng không kết ở bi kịch, trái lại đau khổ thăng hoa (Chuyện nhà tôi, Robin Hood đã trở về, Thưa cô con đã hiểu, Quan tòa cuối cùng…). Cả tiếng cười (Cái Hài) và tiếng khóc (Cái Bi) của Đào Sỹ Quang đều được giữ rất chừng mực, và chỉ vừa đủ chạm vào trái tim người đọc.

Trong cốt cách văn chương của Đào Sỹ Quang, nét văn hóa Bắc bộ hiện lên rất rõ. Người Bắc nói chuyện hay triết lý vặt. Đào Sỹ Quang cũng điểm những câu triết lý như vậy. Chẳng hạn, ông viết: “Kể ra tạo hóa cũng lắm trò tiêu khiển.” (tr 109); “Phàm ở đời chẳng hết tiếu lâm, mà ông nào để ý” (tr.138); “Thật, không cái dại nào giống cái dại nào” (tr. 36); Vốn từ “Bắc rặt” cũng giúp người đọc nhận ra quê miền Bắc của ông. Thí dụ: “Tôi làm vù cái thôi” (tr.11); “Rồi đêm đó tôi nằm mê thấy hai mụ đàn bà…”(tr. 28); “Thời gian đâu mà học, họa hoằn lướt mấy trang thôi” (tr. 59); Mit tơ Thọi nói: “Thôi thôi, không thèm, giờ nó có chào tớ cũng không thèm giả nhời. Tớ không chơi với loại vô học! Loại lỗng! loại mất lịch sự!(tr 113); Đào Sỹ Quang cũng dùng nhiều thành ngữ Bắc bộ: “ăn no ấm cật dậm dật mọi nơi”(tr. 9); “Của biếu là của lo, của cho là cùa nợ” (tr.37); “Đời thuở nhà ai mà…”(tr.109); “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” (tr.126); “chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao”(tr.129). Những chi tiết ngôn ngữ riêng này của Đào Sỹ Quang làm nên cái nét riêng của ông.

Đào Sỹ Quang cũng có cách kiến tạo truyện ngắn riêng. Nhiều người viết truyện ngắn thường “thuật lại” cốt truyện thành đoạn: mở đầu là sự việc đang diễn ra ở hiện tại. Sau đó nhân vật chính (hồi tưởng) kể lại sự việc trong quá khứ (có thể là để lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tại). Truyện trở về hiện tại và kết thúc. Đào Sỹ Quang cấu trúc truyện của ông bằng cách dựng nhiều cảnh (theo tuyến thời gian) ở những không gian khác nhau. Mỗi cảnh miêu tả sự việc đang diễn ra ở hiện tại, đây là cách dựng truyện của tiểu thuyết. Nhà văn không “thuật lại” một truyện trong quá khứ. Nhờ thế truyện sống động và tác giả không gặp khó khi xử lý thời gian. Thí dụ truyện Mít tơ Thọi: mở đầu, tác giả giới thiệu nhân vật Thọi. Cảnh 2: chuyện Thọi đố kỵ với Sáng. Cảnh 3: Sáng giúp mua xăng cho xe của con Thọi và chào mời Thọi ở quán café. Cảnh 4: Thọi bị chó cắn phải nằm viện, Sáng đi thăm đầu tiên. Cảnh 5: Bính “Trâu điên “ đánh vợ, Thọi vào can. Cảnh 6: Thọi đến nhà Tôi chơi, nói chuyện (Giải mã những vấn đề như tại sao Thọi can Bính đánh vợ, tại sao Thọi có tên Mr, tại sao Thọi không tiếp tục đóng phim). Từ đây bộc lộ chủ đề khám phá cái tốt ẩn dưới cái xấu.

Thực hiện cách kiến tạo này, Đào Sỹ Quang thường dùng nhân vật Tôi làm ngôi kể. Tôi không phải là tác giả. Nhà văn nhập thân vào một nhân vật để kể chuyện của mình. Sự việc được nhìn từ người trong cuộc và Tôi là nhân chứng đủ để tạo được lòng tin của người đọc, rằng những gì được kể là thật. Thí dụ truyện Mẹ Nghiệp: “Tính đến hôm nay là ngày thứ 10 kể từ lúc tôi bị thương. Mảnh pháo nhỏ trúng phần mềm phía sau đùi trái, may không vào sườn…”. Nhân vật Tôi là một thương binh (cũng có thể là tác giả, vì tác giả từng bị thương ở mặt trận Quảng Trị). Ngôi kể (xưng Tôi) trong Chuyện nhà tôi là nhân vật Chu Ái Trân. Nhân vật Tớ, người kể truyện trong Một cú nhảy là tân binh Đỗ Thành Thật. Nhân vật Còm kể chuyện Mit tơ Thọi có thể là tác giả (“Còm”là bút danh khác của tác giả). Nhân vật Tôi (ngôi kể) trong Người  phố tôi là một nhân vật không tên (có lẽ là một người trong phố).

Ở một vài truyện khác, Đào Sỹ Quang cấu trúc truyện bằng sự vận động của tâm lý nhân vật (kiểu cấu trúc truyện của Nam Cao). Nội dung truyện chủ yếu là tâm trạng nhân vật. Nhân vật có thể là nhớ lại quá khứ, cũng có thể là suy nghĩ về những gì đang xảy ra ở hiện tại. Xin đọc các truyện: Lên sàn (tâm trạng của một nghệ sĩ tha hóa), Hiền cái con khỉ (tâm trạng của một quan tham), Quan tòa cuối cùng (tâm trạng của cụ Tình day dứt 60 năm vì nghi oan cho thằng Coong ăn cắp tiền). Sử dụng cách kiến tạo tác phẩm bằng cách miêu tả sự vận động tâm lý nhân vật, nhà văn “đỡ mất công” dựng lại nhiều cảnh thực như cách dựng cảnh đã trình bày ở trên.

Ở truyện Lên sàn, Đào Sỹ Quang phối hợp cả việc dựng cảnh và việc miêu tả sự vận động tâm lý nhân vật để kiến tạo tác phẩm. Nhưng do tác giả non tay hư cấu (mặc dù ông mong muốn “ độc giả bị cuốn hút vào những điều hư cấu”), việc ráp nối các cảnh thiếu logic, khiến cho kết cấu truyện trở nên lỏng lẻo, truyện không thuyết phục. Truyện Robin Hood trở về cũng gặp hạn chế này. Tác giả không dựng cảnh để giải thích lý do tại sao Chị và anh Tân chia tay, và do đâu anh Tân trở về. Đọc xong truyện, người đọc không tiếp nhận được thông điệp gì. Truyện Thưa cô con đã hiểu, lẽ ra nên kết thúc ở cảnh Trung úy cảnh sát Huỳnh Đông Trung truy bắt tội phạm mà hy sinh (ca ngợi hành động anh hùng), tác giả lại viết thêm cảnh  “Hai đứa trẻ tên Bin và Bôn tranh cãi về chú Trung và chú Vinh, ai anh hùng hơn ai. Rồi cô chủ nhiệm giải thích. Chúng nói: lớn lên sẽ làm công an”, tôi nghĩ cảnh này là thừa.

TÂM HUYẾT CỦA NHÀ VĂN

Truyện của nhà văn Đào Sỹ Quang gửi gắm rất nhiều tâm huyết. Những năm tháng ông dầm mình trong mưa bom bão đạn ở mặt trận Quảng Trị để lại sức nóng trên từng trang văn. Cùng với sức nóng của một trái tim yêu thương con người sâu nặng, văn của ông có thể chạm đến trái tim người đọc.

Dù khi đối mặt với sự khốc liệt, đau thương trong chiến tranh, hay phải chứng kiến những tha hóa của đời sống hôm nay thì ngòi bút của Đào Sỹ Quang luôn đằm thắm. Ông không viết anh hùng ca, cũng không viết bi kịch, càng không viết “hài kịch của văn học Hiện thực phê phán”. Truyện của ông luôn được kết thúc bằng sự thăng hoa, bằng tình yêu thương, sự bao dung và cái đẹp. Khi tên tham quan bị bắt đi (Hiền cái con khỉ), lẽ ra truyện đã kết thúc, song Đào Sỹ Quang khắc họa lại hình ảnh ở ngoài đường, người đàn bà còng lưng đạp chiếc xe cũ mòn cất tiếng rao: “Ai sắt vụn đồng nhôm máy hư máy cũ giấy cũ ắc quy bình điện bán mua đây”(tr.408), hình ảnh ấy giàu ý nghĩa và chứa đựng yêu thương nhiều lắm.

Đọc truyện Đào Sỹ Quang vừa thú vị vừa thấy tâm hồn mình mở ra những điếu tốt đẹp.

Tháng 6/ 2023


[1] Các giải thưởng:

1.Giải Nhì (không có Nhất) truyện ngắn của Chương trình phát huy sáng kiến sáng, tạo trong học tập và lao động tỉnh Đồng Nai năm 2001.

                2.Giải Nhì (không có Nhất) truyện ngắn của Chương trình phát huy sáng kiến sáng, tạo trong học tập và lao động tỉnh Đồng Nai năm 2005.

3.Giải C Bút ký cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật và sưu tầm về “Học tập và làm gương tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.

4.Giải Nhất văn xuôi cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011.

5.Giải KK tập truyện ngắn “Sự đời” của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2013.

6.Giải C Hội thi sáng tác thơ, văn Nhà giáo và Nhà trường lần 1 năm 2014 – 2015.

7.Giải C truyện ngắn cuộc thi văn học nghệ thuật chào mừng 30 năm Đồng Nai đổi mới 1986 – 2016.

8.Giải C Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức năm 2017.

9.Giải C văn xuôi viết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Đồng Nai năm 2018.

10.Giải khuyến khích về cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai trên đường hội nhập và phát triển 2020.

11.Giải B cuộc thi viết về “Hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân” do Bộ công an tổ chức năm 2022.

12.Giải C cuộc thi truyên ngắn Đông Nam bộ lần II, năm 2022.

Loading

Đánh giá bài viết

1 những suy nghĩ trên “NHÀ VĂN ĐÀO SỸ QUANG-Những nét đẹp của một cốt cách văn chương

  1. Pingback: 45 NĂM TRUYỆN NGẮN ĐỒNG NAI – CHÚT TÌNH TRI ÂM

Bình luận đã được đóng lại.

call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok