BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
ĐẶC SẮC TRUYỆN NGẮN TRẦN THU HẰNG
Bùi Công Thuấn
Nhà văn Trần Thu Hằng thành công với các tiểu thuyết Đàn đáy (2005), Rừng thiêng vẫn gọi (2007), Người đàn bà Lưu vong (2008) và Chuyện tình ở Hầm Hinh (2015-tác phẩm đạt giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV). Về truyện ngắn, tôi không tìm được tập Chà gạc xanh (Nxb HNV 2020)của Trần Thu Hằng nên đành phải góp nhặt. May mà tìm được khoảng 20 truyện ngắn: Áo dài của mẹ, Còn mãi tình anh, Gió xuân, Huyết yến, Nhịp song lan giãn cách, Hai cô gái, Cầu ván ghép, Cựa gà thuốc, Trăng khuyết, Cánh đồng bình yên, Con trai người mê bóng đá, Đôi mắt bạc, Hóa thân, Tóc dài ở quán cà phê thơ, Một kiếp hoa quỳnh [[1]] và một vài truyện thiếu nhi. Đó là một thế giới nghệ thuật mới lạ, và tôi thực sự ngạc nhiên trước thế giới tinh anh ấy.
NHỮNG TRUYỆN HIỆN THỰC
Áo dài của mẹ, Còn mãi tình anh, Gió xuân, Huyết yến, Nhịp song lan giãn cách, Hai cô gái, Cầu ván ghép là những truyện viết bằng bút pháp hiện thực về những vấn đề đời thường; nhưng câu chuyện, cách viết, cách đặt vấn đề rất mới, khiến cho người đọc không nhận ra mình đang đọc một truyện đã quen.
Chẳng hạn, viết về đại dịch Covid có 2 truyện: Còn mãi tình anh và Nhịp song lan giãn cách. Đó là một chuyện tình yêu và một chuyện tình nghệ sĩ. Người đọc mải mê dõi theo cuộc tình của một đôi bạn từ thời học sinh, đến nay đã 70 (Còn mãi tình anh). Họ mong gặp nhau, nhưng rồi một người ra đi. Họ cách trở mãi mãi chỉ vì Covid. Trong Nhịp song lan giãn cáchlà một cuộc mua bán đất vườn của hai ông gia đam mê nghệ thuật. Câu chuyện bắt đầu từ một đêm đờn ca tài tử. Ông Vĩnh hợp đồng mua khu vườn của ông Tam. Một tháng sau, dịch lan mạnh. Ông Vĩnh trở tay không kịp bèn phải xin thôi hợp đồng. Gia đình ông Tam cũng khốn đốn vì chỗ ở cho thằng con nên đồng ý. Hai ông kết nghĩa anh em. Một đêm thanh vắng, ông Tam “phát trực tiếp” cho ông Vĩnh đang nằm chèo queo một mình xem buổi đờn ca tài tử “giãn cách” ở nhà…
Tôi nghĩ, đặt đại dịch Covid vào những tình huống cụ thể như thế, với những tình tiết “hiện đại” được update (thí dụ, buổi live stream đêm đờn ca tài tử), thì đó là điều sáng tạo mới mẻ. Người đọc không nghĩ rằng mình đọc một “truyện phong trào”. Covid tô đậm thêm sự mất mát nhưng cũng làm sâu sắc hơn tình người.
Gió xuân là một nhan đề đầy lãng mạn, nhưng lại kể chuyện những con người “dưới đáy”(chữ của M. Gorky), chuyện lão Bảy Nhão với một “con điếm” 17, 18 tuổi ở dưới tán cây bàng lơ xơ. Cả hai cứ thản nhiên giở trò khỉ ra giữa thanh thiên bạch nhật suốt buổi chiều. Khi xe cộ trong thành phố đã lên đèn, Bảy cúi xuống bế xốc thân xác mỏng như một con dao của nó lên, lần vào bên trong cánh cổng công viên còn mở. Đứa con gái không khóc không rằng, nhưng mà Bảy khóc– Em ơi! Anh đâu còn gì dành cho em…! Bảy đã già rồi. Khi Bảy tỉnh dậy thì đứa con gái đã bỏ đi. Hai ba chục năm trước, Bảy Nhão là Bảy Quỷ, nổi tiếng giang hồ. Bảy vá xe ở góc đường hơn 10 năm rồi, kiếm ăn như một con cu ly hiền lành, nhẫn nhục. Bảy ra bến xe miền Đông, bị bọn trai trẻ kiếm cớ đánh một trận đòn thừa sống thiếu chết. Bảy về chợ Cầu Muối, đột lốt một lão ăn xin dơ bẩn, hôi hám. Lần này lão phải chui rúc dưới gầm cầu, mặc dù hình con đại bàng xăm trên ngực nhăn nhúm vẫn còn. Tết sắp đến, Công an chuẩn bị gom hết bọn cô hồn, Bảy cũng vội vàng đi, suýt nữa thì bị hốt. Đêm giao thừa, lạnh buốt, Bảy đi cho đến lúc bàn chân tướp máu, mà không biết đi đâu…
Truyện tưởng như quen. Tôi cố lục lọi bộ nhớ xem có truyện nào của Nam Cao, Nguyên Hồng, của Kim Lân mà nhân vật có hoàn cảnh như Bảy Nhão và “con điếm” không, nhưng tuyệt nhiên không. Bảy Nhão giang hồ nhưng lương thiện. Bảy sống “dưới đáy”, không biết rồi sẽ dạt về đâu khi “đâu còn gì” cho em, nhưng lão vẫn khao khát hạnh phúc gia đình. Lão không căm thù như Chí Phèo tìm giết Bá kiến. Kết truyện, tác giả giành cho lão một cành huệ. Thật mới lạ!
Cầu ván ghép viết về số phận bi thảm của những người đàn bà “đứng đường”. Trong buổi sáng ấy, người ở cảng Đồng Nai đến báo cho Sư Nhật Tâm cái tin một cô gái điếm chết vì tự tử được vớt lên, cô gái ấy không có thân nhân, không ai nhận làm giấy chứng tử, nên xác nằm ở bờ sông đã đưa về nghĩa trang nằm phía đối diện chùa. Những người đàn bà (“đứng đường”) cầu xin sư rủ lòng thương. Người ta bảo người đàn bà đã gieo mình xuống sông Đồng Nai sau khi ném đứa con mới sinh vào cổng nghĩa địa. Đứa con ấy là của thằng Sang với người đàn bà. Sang là một kẻ tâm thần, cũng chết vô gia cư. Sư Nhật Tâm đã làm lễ tang cho họ và nhiều người không thân nhân khi nghĩa địa bị giải tỏa. Người sống đã khổ mà kẻ chết cũng khổ. Chỉ có tấm lòng từ bi của sư Nhật Tâm an ủi họ, và nhà văn viết về họ. Truyện có cấu trúc rất lạ (khi kể lại truyện này, tôi đã làm hỏng cấu trúc đặc sắc của truyện).
Trần Thu Hằng viết về những chuyện xảy ra hôm nay với một tấm lòng yêu thương con người. Cái lạ là, hiện thực không được viết dưới góc nhìn của “Hiện thực phê phán”, không than trách, không truy nguyên cái khổ của những phận người. Nhà văn lên tiếng vì những con người “dưới đáy” ấy, dù họ là ai, cũng cần được tôn trọng, vì họ là con người; và trong cuộc sống này, tình người vẫn còn đủ ấm cho những linh hồn bơ vơ lạc loài.
TRUYỆN LỊCH SỬ
Đọc nhan đề Cựa gà thuốc, Trăng khuyết, bạn đọc không thể đoán ra được đây là truyện lịch sử. Thực ra nói “truyện lịch sử” chỉ là một cách để nói sự khác biệt về bút pháp của Trần Thu Hằng. Nhà văn không kể lại lịch sử, không đặt những vấn đề thuộc về lịch sử, cũng không rút ra bài học lịch sử cho hôm nay. Ai đó đã nói, lịch sử trong truyện Trần Thu Hằng chỉ là cái khung mà nhà văn dùng để treo bức tranh nghệ thuật của mình.
Cựa gà thuốc mở đầu (ở hiện tại) bằng chuyện “Hồ cá của thằng Thanh với gà của thằng An bị mất!”. Rồi An mơ mình bị một bọn người như trong kiếm hiệp bắt đem đi. Chúng dẫn An đến gặp chúa đất. Chúa đất nói đến một cuộc đấu gà và cần đến An. Trong cuộc đấu gà, bọn Chúa đất bị quân của thủ lĩnh Lê Lộc đánh tan.
Thì ra, tác giả muốn giới thiệu một chuyện tích về Cù Lao phố: “cuối thế kỷ thứ 17, có một thủ lĩnh nông dân tên là Lê Lộc đã khởi nghĩa đánh đuổi chúa đất, xóa bỏ đặc quyền buôn bán chuyên chở hàng hóa của người Hoa kiều trên khúc sông này. Từ đó tên đất là Cù lao Sông Phố”. Trần Thu Hằng kết hợp những chuyện thật với giấc mơ, kết hợp cõi dương với cõi âm, để tái hiện một sự kiện lịch sử. Truyện kể như thật và hấp dẫn. Tính phiêu lưu, những điều kỳ lạ xuất hiện như trong kiểu truyện “chí quái chí dị” (thí dụ: Liêu trai chí dị) kết hợp với sinh hoạt đời thực, tạo nên một thế giới huyền thoại khả tín.
Trăng khuyết là một truyện lịch sử rất giàu chất thơ. Con thuyền, đêm trăng, khách thơ, Cầm nương đánh đàn, cuộc tình, người đi tìm nhau, thấp thoáng Tỳ Bà hành (Bạch cư dị):
Vua Gia Long mất, Tố Như (Nguyễn Du) với chức tòng tam phẩm, đứng chầu bên tử cung. Trở về công quán, Tố Như tắm rửa. Viết xong bài thơ, ông dán lên vách rồi lặng lẽ đẩy cửa đi ra. Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên Đán rồi. Nhưng khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi đâu cũng lặng tờ. Năm nay không có tết. Tố Như gọi đò và đi ngược dòng. Ông thở dài: -Chao ôi vắng vẻ! “Tố Như chợt thiếp đi… thấy mình đi xa lắm, len lỏi trong các thạch động ở Phong Nha (Quảng Bình), rồi phút chốc con đò quay mũi về sông Cài, cửa Trẹm, dừng lại ở bến Giang Đình quê nhà ông”. Ông bừng mở mắt, thấy mình vẫn ngồi trong lòng một con đò nhẹ tênh. Trước mặt ông là một người đàn bà, hai tay nâng cây đàn nguyệt lên ngang mày thì thầm, mời ông nghe khúc Tỳ Bà. Ông từ chối. Con đò trở về bến Kim Long trước khi trời sáng. Mùng năm, trăng hiện lên như cái lá lúa nơi hói Phú Cam. Tố Như lại đi đò ngược dòng sông. Lần này, ông thấy mình đi trên sông Hán, sông Hoài ở Trung hoa. Đêm nguyên tiêu, trăng hiện một phần ba qua đám mây chì. Người ta thả những búp hoa sen bằng giấy có gắn bấc đèn đang cháy xuống sông. Lão đưa đò nói lễ thả đèn này là để cầu cho những vong linh siêu thoát. Tố Như nhòa hai hàng lệ nhìn những ánh lửa thắp lên ngọn đèn trời.
Cơn sốt dai dẳng bám lấy cơ thể Tố Như, ông thường không ngủ những đêm dài. Sau khi thi hài vua Gia Long được đưa ra khỏi Hoàng cung, Vua Minh Mạng lệnh cho Cần Chính học sĩ Nguyễn Du chuẩn bị đi sứ cầu phong vua Thanh. Nhưng ông đang ốm, mắt nhắm nghiền nằm trên giường. Trên vách có dán một bài thơ. Đến đêm, Tố Như lại mặc áo rồi đi ra.Ông gặp Cầm nương, người đánh bài Tỳ Bà đi tìm ông đã 30 năm. Nhưng nàng chết rồi, giờ đây chỉ còn hồn nàng đi tìm ông khắp nơi. Nàng bảo, ông bây giờ có xác mà chẳng có hồn, còn đang lênh đênh như chiếc bách giữa dòng. Nàng lại nói, -Vậy Người làm thơ để làm gì? Người hay chữ để làm gì?…Chưa đầy tháng sau, Tố Như qua đời. Người chết bó chiếu nằm đó, thân thể lở lói dơ bẩn. Vợ con ông không kịp ra, mà cũng không thể đưa ông về làng Tiên Điền được. Trên vách quán không còn bài thơ nào nữa. Có lẽ trước khi chết, Tố Như đã kịp gỡ bỏ đi rồi.
Có thể nói ngắn gọn thế này, Trăng khuyết là tâm trạng và thái độ im lặng của Nguyễn Du sau khi vua Gia Long qua đời. Truyện được lồng trong đêm trăng thả thuyền trên sông và mối tình với Cầm nương [[2]]. Tác giả không lý giải vì sao Nguyễn Du lặng lẽ. Có lẽ vì thương cảm những vong linh khi ông nhìn những búp hoa sen bằng giấy có gắn bấc đèn đang cháy xuống sông mà Lão đưa đò nói lễ thả đèn này là để cầu cho những vong linh siêu thoát. “Tố Như nhòa hai hàng lệ nhìn những ánh lửa thắp lên ngọn đèn trời”.
Kể chuyện Nguyễn Du, Trần Thu Hằng không có phát kiến lịch sử mới nào khác với những gì giới viết văn học sử đã về Nguyễn Du. Trần Thu Hằng chỉ tập trung miêu tả tâm trạng của ông, tâm trạng về thân phận kẻ sĩ dưới triều đại phong kiến. Nguyễn du quyết liệt đến nỗi ông từ bỏ tất cả. -Vậy Người làm thơ để làm gì? Người hay chữ để làm gì?…câu hỏi của Cầm Nương cũng là sự tra vấn của chính Nguyễn Du. Ông đã chết trong đơn độc. Trên vách quán không còn bài thơ nào nữa. Có lẽ trước khi chết, Tố Như đã kịp gỡ bỏ đi rồi.
Có thể nói truyện lịch sử của Trần Thu Hằng đầy sáng tạo. Trước hết nhà văn dẫn người đọc vào một bầu khí lịch sử để sống với nhân vật. Trong thế giới ấy, nhân vật lịch sử trăn trở, sống và hành động nhưng đang ở trong bối cảnh hiện tại (không phải là khộng gian cổ kính của quá khứ); và, nhà văn đem vấn đề của lịch sử để hỏi người đọc. Tại sao Nguyễn Du lại im lặng trước thực tại? Tại sao Nguyễn du chỉ nhìn thấy xung quanh mình vắng lặng, ông một mình trơ trọi; và tại sao nhà văn để Nguyễn Du chết đơn độc, ngay cả người thân cũng không có ai? Tại sao Nguyễn Du lại phủ nhận sự nghiệp thơ văn? (Cầm Nương hỏi Nguyễn Du: -Vậy Người làm thơ để làm gì? Người hay chữ để làm gì?…). Sự khác biệt là ở chỗ, nhiều nhà văn đương đại viết truyện lịch sử với mục đích dùng cái xưa để nói cái hôm nay. Tác phẩm lịch sử chỉ là cái mặt nạ tác giả ẩn mình để phê phán hiện tại.
TRUYỆN HƯ CẤU (FICTION)
Truyện hư cấu (fiction) là truyện tưởng tượng, không phải là chuyện thật, mặc dù nó có thể dựa trên một câu chuyện hoặc tình huống có thật [[3]]. Những truyện Cánh đồng bình yên, Con trai người mê bóng đá, Đôi mắt bạc, Hóa thân, Tóc dài ở quán cà phê thơ, Một kiếp hoa quỳnh là truyện hư cấu.
Có thể khẳng định rằng những truyện này làm nên một khuôn mặt truyện ngắn đăc sắc nhà văn Trần Thu Hằng, có tính vượt trội, so với những tác giả trẻ cùng thời với tác giả. Bởi vì, những truyện hư cấu của Trần Thu Hằng là kiểu truyện tư tưởng (không phải truyện giải trí), tức là những truyện được kể, không phải để phản ánh hiện thực, hướng đến giải quyết những vấn đề đời sống, mà để thể hiện những suy tư có phẩm chất triết học. Người đọc có thể nhận ra trong truyện, Trần Thu Hằng tra hỏi về hiện sinh, các nhân vật thấp thoáng mang bóng dáng những phạm trù triết học Hiện sinh; nhưng Trần Thu Hằng không viết truyện để trình bày triết thuyết như J.P.Sartre (1905-1980) viết Buồn Nôn (La Nausée), A. Camus (1913 – 1960) viết Người xa lạ (L’Étranger).
Thú thực là nhưng truyện này không dễ đọc chút nào. Sức hấp dẫn của truyện có thể cuốn người đọc lướt đi rất nhanh, những tình huống bất ngờ, những miêu tả táo bạo, những khám phá tinh tế và những diễn đạt trí tuệ đem đến thật nhiều thú vị cho người đọc. Nhưng đọc xong, ta ngẩn người ra, đắn đo, tự hỏi, thông điệp tác giả muốn nói là gì? (không dễ xác định), và có cái cảm giác này, rằng những gì mình nhận thức được chưa chắc đã đúng với những tư tưởng tác giả gửi trong truyện, bởi tư tưởng được gói rất kín trong nhiều lớp hiện thực được kể, ẩn rất sâu trong một cấu trúc truyệt khá phức tạp, và đôi khi, tác giả không để cho người đọc một chút gì để bám víu mà lần tìm ánh sáng. Tôi ngộ ra hai điều. Hãy cứ thưởng thức cái hay của một tác phẩm nghệ thuật, còn những tư tưởng triết học, hãy để đó mà nghiền ngẫm.
Nhưng nếu đã nghiền ngẫm mà không ngộ ra được, thì truyện sẽ theo ta mãi. Xin đọc:
Truyện Cánh đồng bình yên: Nàng vấp cửa té, bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì đau đầu. Nàng tìm một cái khăn buộc chặt quanh đầu. Nàng thay áo quần. Nàng tắt đèn và nhẹ nhàng quay người đi. Người cha hỏi đi đâu?– Đến chỗ nào bình yên, cha ạ. Nàng sang nhà hàng xóm nhờ một anh sinh viên chở mình tới bệnh viện. Bác sĩ mở hộp sọ của nàng, múc hết máu xuất huyết ra, rồi đóng hộp sọ lại cho nàng. Cuộc phẫu thuật thành công. Anh sinh viên chờ ngoài cổng đưa nàng về. Họ lại về qua cánh đồng. Anh ta đặt nàng xuống cánh đồng xanh. Chàng cởi quần áo nàng. Chàng muốn đặt nàng lên cánh đồng ban chiều ngọt lịm. Còn nàng, nàng thả rơi mình vào không gian bao la, vì nghe những nhịp đập tim mình càng lúc càng hòa vào với tiếng nói của Mẹ đất dịu hiền, …và nàng nghe thấy tiếng bước chân dẫm trên mặt đất cách xa hàng nghìn dặm. Chàng trai tung người ngã vào trong bùn, mang trên ngực lỗ thủng của một viên đạn xuyên qua. Người thợ săn xách khẩu súng vội chạy đến. Con vật mà ông thấy còn đang nhoai mình lóp ngóp trên những ngọn lúa non, lại chẳng ra hình thù gì. Ông không hiểu. Vì tò mò, ông chạm vào thì nó tan biến đi.
Một câu chuyện hoàn toàn hư cấu. Phải chăng nhà văn trình bày điều suy tư này: con người đi tìm sự bình yên thì lại gặp cái chết, chết vì bị ngộ nhận.
Các nhân vật đều không được đặt tên (chỉ có đại từ phiếm chỉ: Nàng; anh sinh viên, bác sĩ, nữ y tá, người thợ săn) vì thế mang tính đại diện. Thời gian, không gian (cánh đồng chiều) không rõ là ở đâu. Vì thế mọi chi tiết có sự chuyển nghĩa, từ nghĩa miêu tả sang nghĩa ẩn dụ. Chẳng hạn, anh thanh niên bị trúng đạn ngã vào trong bùn (nghĩa miêu tả), nhưng khi người thợ săn chạy đến, ông lại thấy một con vật, chẳng ra hình thù gì, và khi ông chạm tay vào thì nó tan biến đi (nghĩa ẩn dụ). Người thợ săn đã ngộ nhận anh thanh niên với một con thú hoang, và anh thanh niên lại ngộ nhận cánh đồng là nơi bình yên để yêu thương. Cái bi đát của con người là từ ngộ nhận này nối tiếp ngộ nhận khác. Sự ngộ nhận xuất phát từ trong nhận thức của tha nhân đối với ta.
Truyện Hóa thân là truyện của Hạnh. Hạnh nhận lời đóng thế vai Thiên Kim trong bộ phim “Người Nữ” của đạo diễn Quốc Chính. Cô giấu tên mình với đạo diễn. Cô cũng giấu công việc với Trung, một người bạn, khiến anh ta không đủ kiên nhẫn mà bỏ rơi cô. Và Hạnh từ chối làm vợ Quốc Chính. Khi đến thăm Thiên Kim, biết Kim bị ung thư, Hạnh bỏ chạy khỏi bệnh viện. Thời gian trôi, một lần xem bộ phim mình đóng, “Cô nhận ra chính mình đang sống, đang thở, đang hạnh phúc khổ đau trong hình hài không có tiếng nói, không có bộ mặt của mình”. Cô nói với người đàn ông của mình: “Em yêu anh”.
Câu văn người đọc có thể bám vào để hiểu tư tưởng nhà văn muốn chia sẻ là, khi Hạnh xem phim mình đã đóng: “Cô nhận ra chính mình đang sống, đang thở, đang hạnh phúc khổ đau trong hình hài không có tiếng nói, không có bộ mặt của mình”.
Có nhiều điều cần phải giải cấu trúc truyện mới có thể hiểu. Tại sao Hạnh phải che giấu mọi người tên tuổi, công việc của mình? Việc che giấu ấy khiến cô đánh mất nhiều thứ nhưng cô vẫn đánh đổi (tình bạn với Trung, làm vợ đạo diễn Quốc Chính). Tại sao cô bỏ chạy khi biết Thiên Kim sẽ chết vì ung thư? Và lời cô nói với người đàn ông của mình “Em yêu anh” có ý nghĩa gì? Ý nghĩa tư tưởng của “Hóa thân” là gì?
Tôi đọc được điều này. Khi Hạnh “hóa thân” vào Thiên Kim, Hạnh không tồn tại là Hạnh. Khi nàng nói với người đàn ông của mình rằng “Em yêu anh” thì nàng mới thực sự là mình. Nàng chọn lựa sự tồn tại là chính mình (Tồn tại là một phạm trù của triết học Hiện sinh).
Truyện Một kiếp hoa quỳnh cũng có cấu trúc phức tạp. “Anh có trồng một khóm hoa quỳnh ở công viên Kỷ Niệm. Anh đi rồi em thỉnh thoảng ghé về chăm sóc hoa thay anh…”. Đó là lời dặn dò cuối cùng của anh. Đêm ấy anh chết, trong vòng tay người vợ yêu của mình. Mạc Hương theo lời dặn ấy đi tìm công viên kỷ niệm. Cô gặp một ông già trong biển người đi hội mùa xuân. Cô hỏi ông, Ông già chỉ lên trời. Thực ra ông già là người chăm sóc khóm hoa quỳnh cô gặp mỗi ngày.
Mạc Hương ghi nhật ký: “Tro của anh vùi ngay trong khuôn viên vườn nhà anh. Vậy là vợ của anh lại giam cầm anh kể cả sau khi anh chết… Em chưa bao giờ nghe tên công viên ấy”. Đêm mùa xuân ấy, cô đã khóc giữa nỗi cô đơn cùng cực. Cô nhớ đến anh – một bình tro lạnh. Lần đầu gặp anh, anh trở thành thần tượng của cô. Nhưng tử thần trong chớp mắt đã cướp anh đi. Di chứng của chiến tranh. Năm ấy, đơn vị anh đi qua Quảng Trị, nơi giặc rải chất độc màu da cam…Anh đã ra đi trong một đêm xuân ấy. Đêm, có những lúc anh từ cõi hư không trở về. Cô đã từng nhìn thấy anh ngồi đó, lật những trang sách và trò chuyện cùng cô.
Rồi một buổi sớm kia, Mạc Hương không nhìn thấy ông già trên bao lơn nữa. Buổi chiều mưa khủng khiếp, cô đã nhìn thấy Gã trai mình trần đang vặt gãy những gốc hoa quỳnh. Mạc Hương chạy vào nhà và cầu xin hắn đừng giết khóm hoa quỳnh. Hắn nói: – Không muốn tao nhổ nó đi à? Trừ khi mày hãy hiến thân cho tao. Như người mộng du, cô gật đầu. Gã xấn vào bế bổng cô lên, như một con thú hoang vồ được miếng mồi ngon. Cô bừng tỉnh: – Anh ơi! Hãy cứu em, hãy cứu em. Anh vẫn im lặng. Trong trái tim Mạc Hương, tất cả sụp đổ hoang tàn..
Nhật ký Mạc Hương: “Cuộc đời là như thế sao, tình yêu là như thế sao? Em không thể bình tâm được nữa. Em đã phải đánh đổi – một trò đổi chác khốn nạn mà chính em không sao hiểu được.”
Mùa xuân lại đến. Một đêm, khuya lắm rồi, gã trai trẻ ấy tìm đến. Hắn yêu cầu cô một điều: đêm mai đến nhà hắn. Gã nói: Hoa quỳnh nở, tôi muốn chị thấy nó, đoá hoa đầu tiên, kể từ hôm ấy. Rồi gã ngồi kể chuyện ông già. Ông ấy là bác ruột, người nuôi gã ăn học. Lúc trẻ hình như ông đã vướng vào một chuyện tình không lối thoát, để suốt cả cuộc đời lúc nào cũng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Ông ấy yêu hoa quỳnh mê muội. Đột nhiên ông về quê, để lại lá thư dặn gã hãy nhổ hết hoa quỳnh đi giúp ông. Ông mất.
Gã cầu xin Mạc Hương tha thứ. Hắn nói: Tôi xin nói thật, chị đẹp lắm. Khi nhìn thấy chị nằm trong căn phòng cũ của bác tôi, tôi cảm thấy như gặp lại người yêu của mình. Tôi có cảm giác đó không phải là một con người xác thịt, mà là một đoá hoa quỳnh trắng muốt, ngọc ngà, bất tử… Có phải hoa quỳnh đối với chị là một điều gì đó thật thiêng liêng…? Gã ướm hỏi, – Chị đến chứ? Tôi làm tất cả, vì tôi tin chị sẽ vui lòng… nhưng Mạc Hương không đáp lời. Gã nhẹ nhàng đi ra, không nói lời từ biệt, trông thật cô đơn và cổ lỗ.
Thú thực là văn của Trần Thu Hằng cô đặc lượng thông tin thẩm mỹ đến nỗi tôi không thể tóm tắt ngắn gọn hơn được. Bỏ bớt câu văn nào cũng tiếc, bởi nó sẽ làm mất đi cái hay của câu truyện. Hãy cứ để cái hay ấy thấm sâu trong cảm thức của ta, giờ cần giải mã cho được những tư tưởng nhà văn gửi trong tác phẩm.
Đúng là có quá nhiều điều bí ẩn trong truyện. Nhân vật Anh là ai, mối quan hệ Anh và vợ thế nào? Mối tình giữa Anh và Mạc Hương chỉ được tác giả nói đến thấp thoáng? Tại sao Mạc Hương chấp nhận hiến thân cho gã trai trẻ, cháu ông già để giữ lại khóm hoa quỳnh, mà chính cô cũng không hiểu? Hắn đến mời Mạc Hương xem hoa quỳnh nở và xin tha thứ nhưng tại sao Mạc Hương lại im lặng?
Những câu hỏi ấy không cần trả lời, bởi truyện là hư cấu, không đặt vấn đề hiện thực. Mọi yếu tố của truyện là những tín hiệu chuyển tải tư tưởng. Trong truyện có 3 cuộc tình bi kịch: Tình của Mạc Hương với anh, tử thần đã cướp anh đi đột ngột. Cuộc tình của ông già, một chuyện tình không lối thoát, để suốt cả cuộc đời lúc nào cũng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn; và cuộc tình của gã trai trẻ cháu ông già. Gã thú nhận với Mạc Hương: “Vâng. Cũng vì tình yêu, một cơn mê cuồng của tình yêu, biến con người thành thú vật… Bây giờ thì tôi đã tỉnh ngộ”.
Cả ba con người, cũng vì tình yêu, mà đánh mất mình. Tình yêu như khóm hoa quỳnh kia, rất đẹp nhưng bắt họ phải chịu vùi giập phũ phàng. Họ không biết rằng, tình yêu là không có thật. Cái công viên kỷ niệm mà Mạc Hương đi tìm, cô ghi trong nhật ký: “Em chưa bao giờ nghe tên công viên ấy”. Khi cô hỏi thì ông già chỉ tay lên trời (hãy hỏi trời, mà “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”-Nguyễn Du). Sau cùng khi đã “ngộ” ra, họ từ bỏ. Ông già cho nhổ khóm hoa Quỳnh, gã thanh niên bị tình yêu “biến con người thành thú vật” sẽ “cố gắng, sống lại con người thánh thiện của mình”. Và Mạc Hương, khi được gã mời đến nhà xem hoa quỳnh nở, nàng đã im lặng. Đây là câu trả lời của lời nàng: “Cuộc đời là như thế sao, tình yêu là như thế sao? Em không thể bình tâm được nữa. Em đã phải đánh đổi – một trò đổi chác khốn nạn mà chính em không sao hiểu được.”
Vâng, “Cuộc đời là như thế sao, tình yêu là như thế sao?”, những câu hỏi hoài nghi, soi vào bản thể. Những tra vấn như thế, người đời sẽ còn khắc khoải mãi.
Nhưng anh thanh niên doanh nhân bị phá sản trong truyện Tóc dài ở quán cà phê thơ đã tìm được câu trả lời sau khi nghe diễn giả (nhân vật được chủ quán gọi là thầy) nói về thơ. Anh ta nói với thầy: – Con nghe thầy nói về Truyện Kiều hay quá. Chỉ với một câu thơ “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” mà con hiểu được lý lẽ của cuộc đời này, và hiểu được bản thân con nữa”. Và anh ta đã hàn gắn với vợ mà trước đó anh đã làm thủ tục li dị vợ.
Tôi thích cái ý tưởng dấn thân của nhà văn Trần Thu Hằng khi để cho Tóc dài nói với anh thanh niên rằng: “nhưng sống thế nào, định đoạt cuộc đời thế nào là do anh chứ”. Lời nhắc nhở ấy của Tóc dài là ý thức Hiện sinh. Triết học Hiện sinh suy tư về thân phận con người. Con người tại thế là một nhân vị độc đáo và tự do, một mình gánh vác định mệnh của mình [[4]], nó phải dấn thân (M. Heidegger) chống lại những gì là “phi lý”, “buồnnôn”(J.P. Sartre). Anh ta kể lại một trải nghiệm: “-Một tháng qua anh lên núi Chứa Chan, giam mình trong chùa đọc sách, đàm đạo với sư trụ trì. Nhưng không hiểu sao trong lòng anh vẫn thôi thúc giấc mơ nhập thế,…”
Triết học Hiện sinh nói nhiều đến cô đơn, xao xuyến, bi đát và cái chết. Nhưng nhà văn Trần Thu Hằng nói với độc giả: “Đứng dậy, hãy đứng dậy. Hãy khóc lên. Hãy hát lên. Hãy mở toang cánh cửa kia ra, bởi vì anh đang sống.” Đấy là tư tưởng hiện sinh trong truyện Đôi mắt bạc. Truyện chia làm 4 phân đọan:
1.Đã hơn 10 năm rồi, anh mơ thấy hình ảnh đứa con lúc nó vừa lọt lòng mẹ. Đứa bé sinh ra không có màng mắt, cũng không có mi mắt. Và nó không ngừng khóc. Mắt lúc nào cũng mở trừng trừng, và lấp lánh ánh bạc.
Anh ngồi trong bóng tối, đợi cho cảm giác hãi hùng, đau đớn tan đi, rồi gọi Liên ra ban công chơi. Anh lại bảo Liên đi vào. Trong một khoảnh khắc, cuộc sống vụt trở nên trống rỗng.
2. Anh bật đèn lên. Anh sáng xanh. Anh ngồi xuống, lặng lẽ ngắm những tấm ảnh trên tường. Anh vẫn chưa có con. Ngày ấy, Liên nói rằng cô ấy có thai với anh, và anh đã cưới cô ấy, nhưng anh chờ đợi mãi mà không có gì máy động. Nhưng mà đứa con ấy?! Là của Liên, người vợ xấu xí gớm ghiếc, vừa đáng thương, vừa đáng ghét của anh? Hay của Nga, người con gái anh yêu nhưng đã đi xa mãi mãi?
3. Vợ của anh lúc nào cũng kè kè bên cạnh, chẳng thể nào cảm thấy thoải mái để tưởng nhớ đến Nga. Anh bần thần mang mấy tấm ảnh của Nga ra ngắm. Chúng đã nhạt nhòa hết cả. Con người ấy đã chết. Nếu anh phải lòng ai đó, có lẽ cuộc đời anh giờ đã khác đi. Nhưng vì sao tất cả lại không hề thay đổi nhỉ?
4. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ cần nhấn công tắc nó sẽ truyền một dòng điện đến thẳng ghế ngồi của anh. Sau ba phút, nó sẽ tự động ngắt điện, nhưng chừng đó là đủ để trái tim anh bị cháy thành than. Anh nghĩ đến Hemingway.
Anh định gọi cho Tường Vân để nói rằng anh chết sau bao nỗi chán chường. Cảm ơn cô đã lắng nghe anh tâm sự bấy lâu nay. Nhưng Tường Vân đã chết cách đây 3 ngày, cô để lại một cuốn băng ghi âm gửi cho khách hàng. Anh nghe Tường Vân nói: Tính tuổi đời, tôi chưa đầy 45 tuổi. Nhưng tôi đã mang bệnh gần 10 năm rồi. Tôi đã tìm nhiều cách chữa bệnh khác nhau nhưng cuối cùng tôi đã phải đầu hàng. Nhưng tôi đầu hàng vì cơ thể tôi đã cạn kiệt sức lực, chứ không phải vì chán chường, thất vọng… Tôi chỉ xin mọi người hãy lắng nghe trong lòng mình, những tiếng nói lương thiện, từ tâm nhất, để mang đến những niềm an ủi và hạnh phúc cho người thân của mình, cũng là cho bản thân mình.”
Bên tai anh vẫn vang lên những câu nói của cô Tường Vân, … Đứng dậy, hãy đứng dậy. Hãy khóc lên. Hãy hát lên. Hãy mở toang cánh cửa kia ra, bởi vì anh đang sống.
Truyện Đôi mắt bạc miêu tả cặn kẽ tình trạng “buồn nôn”(J.P.Sarte) của nhân vật Anh, để đến nỗi anh phải chủ động tìm cái chết bằng cách chuẩn bị ấn công tắc điện. Bởi những bi đát đời anh, anh không thể giải quyết được, rằng anh luôn bị ám ảnh bởi đứa con trong mơ có đôi mắt bạc. Nhưng anh vẫn chưa có con, và ngay cả đưa bé trong mơ ấy, anh cũng không biết là con ai, con của vợ hay Nga (người yêu). Cái chết của Tường Vân đã thức tỉnh Anh. Hơn thế, mang lại cho anh ý nghĩa của tồn tại: “Tôi chỉ xin mọi người hãy lắng nghe trong lòng mình, những tiếng nói lương thiện, từ tâm nhất, để mang đến những niềm an ủi và hạnh phúc cho người thân của mình, cũng là cho bản thân mình”. Chính cái chết (theo nghĩa bi đát nhất của Hiện sinh) lại đem đến sự thức tỉnh về sự sống. Thực ra đứa con có đôi mắt bạc vẫn là sự sống tiềm ẩn trong nhân vật Anh. Với Sartre, “tha nhân ấy là địa ngục”(L’enfer c’est les autres)[[5] ], nhưng chính Tường Vân (tha nhân) đã giúp Anh tìm lại sự sống. Trần Thu Hằng đã vượt qua hiện sinh, thật thú vị!
CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Kiểu truyện tư tưởng, truyện hư cấu vẫn là một bộ phận còn rất mỏng của văn chương Việt đương đại. Trần Thu Hằng đã có những bước vượt lên trước so với những nhà văn trẻ cùng thời.
Khi thể hiện tư tưởng Hiện sinh, ngòi bút Trần Thu Hằng đã khám phá được phần ý nghĩa tích cực của những tư tưởng triết học này và để nhân vật vượt qua hiện sinh. Điều ấy là phù hợp và cần thiết đối với người trẻ hôm nay.
Kiểu truyện tư tưởng của Trần Thu Hằng có thể là một kiểu mẫu về năng lực sáng tạo: cốt truyện phức tạp, dày đặc tình huống bất ngờ, nhân vật góc cạnh, cấu trúc truyện rất lạ. Ngôn ngữ hết sức cô đặc. Lời văn được nén lại để chứa tối đa những tín hiệu thẩm mỹ. Vì thế đọc truyện Trần Thu Hằng rất thú vị, niềm vui của sự sáng tạo và đặc biệt là niềm vui khám phá tư tưởng của tác phẩm.
Trần Thu Hằng không chỉ có truyện tư tưởng mà cón có truyện lịch sử, truyện đời thường và truyện thiếu nhi. Đó là một tài năng còn nhiều hứa hẹn.
Xin mạo muội chia sẻ với nhà văn và bạn đọc (những gì đã viết ở trên), bởi đối diện với kiểu truyện tư tưởng, là bị một tòa lâu đài ẩn dụ chận ngang trước mặt. Ý nghĩa của tác phẩm mà người đọc tìm thấy trong ẩn dụ chưa hẳn là thông điệp của tác giả và càng không là ý nghĩa mà bạn đọc khác đọc được. Dù vậy, Lý thuyết Người đọc (Reader Theory) chấp nhận những cách giải mã khác nhau. Điều ấy làm phong phú thêm ý nghĩa tác phẩm, và làm tăng sức sống của trang văn.
Với những gì nhà văn Trần Thu Hằng đã đạt được, người đọc có quyền hy vọng…
Tháng 7/ 2023
***
[1] Xin đọc truyện ngắn Trần Thu Hằng trên trang Văn học Sài gòn:
https://vanhocsaigon.com/tag/tran-thu-hang/
[2] Xin đọc Long thành cầm giả ca, phần tiểu dẫn của Nguyễn Du về người ca nương nảy:
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Du/Long-th%C3%A0nh-c%E1%BA%A7m-gi%E1%BA%A3-ca/poem-XvKjFm4rQBZLHSgDqU2gVA
[3] fiction, literature created from the imagination, not presented as fact, though it may be based on a true story or situation. https://www.britannica.com/art/fiction-literature
[4] Trần Thài Đỉnh-Triết học Hiện sinh-Nxb Văn học 2015. Tr.41
[5] L’enfer, c’est les autres est une citation extraite de la pièce de théâtre Huis clos de Jean-Paul Sartre, qui a eu un grand retentissement, a largement dépassé le cadre de la philosophie pour passer dans le langage courant et la culture populaire. https://fr.wikipedia.org/wiki/L%27enfer,_c%27est_les_autres