BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
HỒI ỨC LÀNG CHE,
SỰ THĂNG HOA CỦA NHỮNG NỖI ĐAU BI KỊCH
( Đọc Hồi ức làng Che – Nguyễn Đức Thọ, Nxb Thanh Niên 1999 )
Bùi Công Thuấn
***
Mỗi khi Nguyễn Đức Thọ kết thúc câu truyện của mình, tôi lắng nghe anh kể, lắng nghe lòng mình, cảm nhận một nỗi bâng khuâng rất lạ. Tôi tự nhủ “câu chuyện thật cảm động. Câu chuyện kết thúc, nhưng dư âm của nó cứ vang vọng mãi. Đó là những câu chuyện của một thời, những bài học lớn của một thời. Mai sau, mỗi khi nhắc lại, những ai đã sống qua cái thời ấy, không khỏi ngậm ngùi thương tâm. Anh đau đớn thốt lên: “thương tâm lắm”(tr.189).
HỒI ỨC LÀNG CHE
Nguyễn Đức Thọ dẫn người đọc cùng đi với anh, chiêm nghiệm, suy gẫm về những bài học đau thưong của những kiếp người trong những biến động lớn lao của thời đai. Anh ngậm ngùi xót thương khi nhe tin lão Câm oan tử: “xong một kiếp người”. Than ôi, nếu ông Câm sống lại . . . .?(tr.126). Có lúc anh lại nói trong u mê như đang quay quắt trong sáu cõi thế gian: “Thế đó, trên mặt đất này ân oán còn nhiều tơ vương lắm”(tr.295). Rồi anh cố kềm giữ lòng mình để khỏi bật khóc thành tiếng trước vong linh người mẹ “Chiến tranh mà! Chiến tranh mà”(tr.57). Nhưng khi phải chứng kiến cái chết đứng của anh Đạt, một người mà anh rất thương yêu gắn bó suốt một đời lính, anh đã “khóc lã người, khóc hết nước mắt một đời lính góp lại”.(tr 240). Rồi Bảy Công sợ hãi, làm cho người đọc cùng sợ hãi, một nỗi sợ hãi vô hình treo lơ lửng trên đầu. Anh giật mình thon thót: Làm thế nào để tồn tại? Anh nghe Cụ Nguyễn tâm sự cay đắng: “Tôi tồn tại được là nhờ biết sợ”(tr. 98).
Thế đấy, Nguyễn Đức Thọ đã dẫn người đọc đi từ những ngày khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học (tr.117) qua Cách Mạng Tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, Điện Biên Phủ (tr.113), cải cách ruộng đất (tr.156), những ngày vào ra vào hợp tác xã (tr.183) rồi 21 năm ngày Bắc đêm Nam (tr.18) kháng chiến chống Mỹ, những ngày giúp bạn bên CamBuChia và những ngày ta đang sống đây khi đất nước bắt đầu mở cửa (tr.278), cái thời của mỗi người phải “đóng một vai kịch cho hợp lệ với màn kịch “(tr.92).
Nguyễn Đức Thọ không viết sử thi, nhưng anh suy gẫm trong khoảng dài rộng sử thi ấy đâu là chân lý của mỗi số phận con người. Trên cái nền đỏ rực hào hùng của lịch sử dân tộc, trong thanh âm hùng tráng của một thời, anh tìm thấy những bông hoa tím tái của những số phận bị vùi dập, anh lắng nghe những tiếng khóc mà âm thanh và nước mắt chảy hết vào tim. Anh chia xẻ, xót thương cùng đau đớn với nhân vật, như anh đang vật vã nỗi đau của chính mình. Anh đã vuốt mắt cho cậu Miền, khi cậũ chết không thể nhắm mắt “Tôi vuốt mắt cho cậu. Vuốt đến ba lần, đôi bờ mi tím bầm mới chịu nhắm lại vĩnh viễn”(tr.95); và anh van xin người yêu, bi kịch của những người yêu nhau “Em ạ, anh xin quỳ hoá đá dưới chân em… xin em…ngàn vạn lần xin em…” (tr.178). Truyện của Nguyễn đức Thọ là truyện ngắn nhưng lại mang dung lượng những vấn đề sử thi của tâm linh thời đại. Anh đã vượt qua những luân lý thông thường, những giáo điều chính trị, những cách nhìn khuynh tả khuynh hữu, những ấu trĩ nhất thời, những cực đoan máy móc, mà vươn tới những giá trị nhân bản sâu thẳm ân tình,..trong không gian tâm linh chan hoà ánh sáng, thứ ánh sáng trong ngần vĩnh hằng của những kiếp nhân sinh chân chất, thanh khiết thẳng thắn ân tình ân nghĩa, yêu vô vàn cuộc sống này.
Người Của Người không còn là nỗi oan nghiệt truyền kiếp con hoang lại đẻ con hoang. Đó là bi kịch của ông Thuộc, một cán bộ tập kết, tan nát gia đình trong chiến tranh. Đó là lòng nhân ái vô bờ với số phận của Rớt. Không có định mệnh nghiệt nga, nhưng có những thành kiến ác tâm. Nhưng bây giờ, cuộc đời này thuộc về những con người yêu thương “Vẫn còn mái nhà tranh ấm áp tình người muôn thuở…vẫn còn người cha nuôi miền Nam tập kết giàu lòng nhân hậu …vẫn còn những người dân làng sống chan hoà mộc mạc…người là của người… người là của người”.
Người Của Ngày Xưa sống đẹp đến thế! Cuộc tình của người lính trong veo thánh thiện giữa trần tục và bom đạn, giữa sống chết từng ngày và giữ gìn mãi mãi. Chính và Ngàn sao có thể yêu nhau, giữ gìn cho nhau, thầm lặng, thuỷ chung và đep đẽ đến thế. Dư vị cuộc tình thật ngậm ngùi, yêu quá đi thôi, thương quá đi thôi, nhưng cũng tiếc quá đi thôi, nhưng làm sao có thể sống khác đi được! Chiến tranh đã cướp mất bao nhiêu hạnh phúc của tuổi tre, rồi vì cuộc sống, tuổi tre lại hy sinh tất cả trái tim mình để giữ gìn, chẳng thể nói được một lời yêu nhau, để khi về già vẫn ân hận, tiếc mãi những gì có thể cho nhau được mà vẫn không thực hiện được. “Về sau anh cứ ân hận mãi, tại sao mình không dám hôn em” (tr.41). Người lính yêu thanh khiết như thế. Nguyễn Đức Thọ nửa thật nửa đùa, vừa thành ý ngậm ngùi vừa hài hước xuê xoa nói với nhân vật: “người như lão Chính chỉ cần rửa ráy qua loa rồi đem đặt lên bàn thờ là thành Phật “(tr.37).
Người Trong Cổ Tích là một tình yêu hồn nhiên với bao kỷ niệm từ tuổi thơ thiên thần giữa Thư và Tộ. Chiến tranh ập đến. Tộ ra chiến trường. Khi trở về người yêu đã có chồng. Không còn tình yêu, Tộ sống cằn cỗi, cô lạnh. Ngậm ngùi biết bao nhiêù khi hai người yêu gặp lại nhau. Nên trách hay nên thưong tấm lòng người mẹ. Thư đi lấy chồng vì ngỡ là Tộ đã hy sinh. Mẹ Tộ nói với Thư vậy. Thư nói trong nước mắt: ”mẹ đã báo tin cho em là anh đã hy sinh”. Chiến tranh mà! Mẹ đã khổ vì mất chồng trong chiến tranh, mẹ không muốn em khổ vì mất anh. Nhưng có biết đâu mẹ lại làm khổ cả hai con. “Chiến tranh mà!” Thương quá những cuộc tình trong chiến tranh!
Ngươi ở miệt vườn là má Hai Phấn, hai Tín, ba Nghĩa. Trong cuộc chiến tranh quyết liệt với kẻ thù, số phận nghiệt ngã đã đẩy hai người bạn về hai phía thù nghịch, Má Phấn bằng tấm lòng bao dung của mình đã giữ được những người con, những tình bạn thiêng liêng , những giá trị vượt lên trên những ân oán thù nghịch.“Bà Hai Phấn là sợi giây buộc chặt tình bạn của hai người lính hai bên chiến tuyến”(tr.66). Nguyễn Đức Thọ đã miêu tả được một thực tại bi kịch của cuộc chiến tranh vưa qua. Do hoàn cảnh, anh em, bạn bè trở thành thù nghịch. Người mẹ không bao giờ muốn mất người con, dù bên này hay bên kia chiến tuyến . Nhưng làm thế nào để vượt qua ranh giới của sự thù nghịch, vượt qua những mặc cảm tự tôn của người chiến thắng, mặc cản tự ty của người chiến bại. Làm thế nào để trở về với bản chất đích thực của dân tộc, để gắn bó những chia lìa dân tộc mà cuộc chiến tranh hơn 20 năm đã gây ra? Làm gì bây giờ dây để báo đáp những người mẹ suốt một đời hy sinh, làm gì giờ dây để nghững người ở miệt vườn không còn thiếu đói, không còn phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền mua gạo từng bữa, làm gì để con trẻ có cơm ăn, áo mặc đến trường (tr.72). Làm gì cho những con người ở miệt vườn?
Bóng Dáng Người Yêu Nhau là bi kịch tình yêu cay đắng quá, bi kịch ẩn dấu trong suốt những năm tháng dài của nhiều thế hệ. Cụ cố Tiệu có người yêu là một bà đầm người Pháp. Bất ngờ bà đầm đến thăm và tặng một chiếc áo. Cụ khổ biết bao nhiêu chỉ vì cái áo ba-đơ-xuy ấy. Nhưng lúc chia tay với bà đầm “cố Tiệu đứng như trời trồng ngỡ mình chiêm bao”(tr.82). Trung tá nghỉ hưu Miền lâm vào một bi kịch làm ông chết đau đớn đến nỗi không thể nhắm mắt. Hai đứa con cùng cha khác mẹ của ông là Thản và Xuân lấy nhau. Thản là con vợ. Xuân là con người yêu.Trong chiến tranh, ông đã giữ gìn thánh thiện để bi kịch không xảy ra. Nhưng lối sống thực dụng chủ nghĩa hiện tại của con ông gây ra bi kịch. Nỗi đau thương ập đến đến bất ngờ và khốc liệt, làm tan nát tất cả là. Trong thời đại mà cuộc sống làm chao đảo tất cả thì làm sao nhận ra đâu là chân lý. Suốt một cuộc đời cậu Miền đã sống, chiến đấu, ăn ở chân thành, giữ gìn rất mực, vậy mà trước những bi kịch khốc liệt không thể lý giải nổi, cậu Miền đau đớn thốt lên trước lúc lìa đời “Suốt một đời… tôi không nhận ra tôi làm sao nhận ra ai được nữa”(tr.95). Làm thế nào để nhận ra chính mình, nhận ra chân lý trong cuộc sóng đầy biến động này để khỏi lâm và những bi kịch đau đớn?
Nỗi Buồn Giao Chỉ là nỗi buồn gì? Nỗi buồn của thân phận con người trong một thời mà người ta tồn tại được là nhờ biết sợ (lời của nhà văn Nguyễn) … Làm sao sống cho đúng đây khi cuộc sống cứ thay đổi đến tráo trở, khi sự phán xét cứ ngả nghiêng khôn lường.Vũ vẽ nhà văn Nguyễn, bị ông nội chê là Tây trong khi nhà văn Nguyễn là dân Giao Chỉ. Bố Vũ lại chê Vũ vẽ văn nhân giống quan võ. Cũng giống như bảy Công, suốt đời theo cách mạng nhưng cứ giật mình thon thót, đổ mổ hôi hột, bởi lúc nào Bảy Công cũng sống trong nỗi sợ hãi bị nghi ngờ về phẩm chất, bị đánh giá là kẻ phản bội, là thành phần giai cấp địa chủ. Bảy sợ hãi đến nỗi lúc đã về hưu, đứng xếp hàng mua gạo, nghe “con nhỏ bán hàng chưa đến hai mươi tuổi, nghĩa là nó nhỏ hơn cháu nội, thế mà nghe giọng tôi cũng rụng rời tay chân”( tr.104). Bảy Công dặn cháu khi ông chet nhớ mời sư thầy đến tụng kinh. Có lẽ nhờ lời tụng kinh của sư thầy mà ông bớt sợ khi về cõi vĩnh hằng? Đúng là nỗi buồn không chỉ của nhà văn Nguyễn, của Bảy Công mà là của dân Giao Chỉ. Ngòi bút của Nguyễn Đức Thọ thật thấm thía khi anh đã khứa một lát dao thật ngọt vào tâm can người đọc về những nỗi sợ hãi cứ treo lơ lửng trên đầu, làm cho con người sống hèn đi, sống mà như con rối bị giật giây bởi chính nỗi sợ hãi của mình. Làm sao Vũ có thể vẻ đưỡc nổi buồn của ông nội! vì đó là nỗi buồn của dân Giao Chỉ, nỗi buồn có trong suốt trường kỳ lịch sử từ thời An Dương Vương kia mà!
Thung Lũng Xưa khai quật ngôi mộ một người bị chôn sống giữa cuộc đời, giữa mọi người: lão Câm. Lão bị quy là Quốc Dân Đảng phản động, bị đi tù. Ra tù, bị quy thành phần giai cấp “người làng lặng lẽ xa lánh anh, tên phản động mới ra tù” (tr.118 ). Lão sống cay đắng, câm luôn trước cuộc đời. Vậy mà khi lên tiếng nói trở lại, lão chết thảm vì bị đá vùi lấp. Người ta đã chôn sống lão, thời đại đã chôn sống bao người. Lão làm sao sống được trong cái thời của “ thung lũng Trận Đồ hùng vĩ và bi tráng”. Một con người bé nhỏ như lão làm sao tránh được gươm đao giữa “chiến trường của các vị thần linh” ( tr.126). Lão phải chết, dù lão tự nguyện câm giữa cuộc đời cũng không được tha. Người ta phong thần cho lão để làm gì? “Xong một kiếp người “! Thời gian đã qua đi nhưng nỗi oan khiên những số kiếp như lão Câm vẫn còn đó. Gạch đá có thể vùi lấp thân xác lão Câm nhưng làm sao gạch đá vùi lấp được lưong tâm! Phải trả lại lương tâm trong sạch và nhân ái cho một thời .
Mùá Trái Cây “là nỗi buồn của những người phụ nữ có cái thời xuân xanh đi qua chiến tranh”(tr.150). Không, hơn cả nỗi buồn, đó là những bi kịch thánh thiện. Tất cả đã thăng hoa trên nỗi đau đớn đã tím tái thân phận. Bà Ba Cỏn có 5 con là liệt sĩ trong đó có người con nuôi là bộ đội miền Bắc. Nỗi đau không chỉ ở lòng người mẹ mất mát những người con mang nặng đẻ đau. Đó còn là nỗi đau câm nín không thể nói ra thành lời khi hai người phụ nữ tre tuổi gặp nhau bên mộ người thân yêu. Chất đi tìm mộ chồng lại gặp Mai người yêu có con với chồng: liệt sĩ Hùng. Hùng hy sinh khi Chất chưa có được một đứa con với chồng. Chất khát khao hạnh phúc có con, vì đó chính là máu thịt sự sống và tình yêu thuỷ chung của hai người. Chị giữ mình hết sức cho niềm khát khao thuỷ chung ấy. Hùng ở nhà bà Ba Cỏn, được bà yêu thưong như con. Cuộc tình âm thầm của Út Mai và Hùng may mắn để lại một đứa con. Mai chịu tiếng có con hoang. Bà Ba Cỏn nuôi cháu nhưng cứ phải giấu hoài. Chất nhìn đứa bé “thằng bé có một khuôn mặt quen thuộc, từng theo đuổi trong những giâc mơ suốt đời chị…phải chăng đó là… chị thở dài “ (tr.149).
Biết xử sự làm sao đây. Bất cứ một đụng chạm nhẹ nào cũng sẽ rất thưong tâm . Thương lắm. Hãy để cho nỗi đau ấy thăng hoa. Nguyễn Đức Tho kết truyện bằng một sự thăng hoa. “Mùa trái cây năm nay đang chin rộ”. Cảm thông, chia xẻ và nhân ái biết bao với những người phụ nữ đi qua chiến tranh như Mai, Chất .
Hồi Ức Làng Che là nỗi đau đớn hoá đá của một cuộc tình. Nhưng thưc ra đó là thân phận hoá đá của những kiếp oan khiên từ thời Cải cách ruộng đất. Lão Trạch bị kết thành phần địa chủ theo mức khoán áp đặt 5% địa chủ. Lão bị xử ở toà án nhân dân (tr.157) bị đi tù, bị tịch thu ruộng đất, nhà cửa. Người làng Che thương lão nhưng biết làm sao. Ra tù, lão không chịu vào hợp tác xã, sống “lạc hậu, sống ngoài đoàn thể nên mất nết” (tr.159). Lão quyết liệt phản đối tập thể, người ta cũng đối xử với lão quyết liệt. Cuộc tình của Nhọi Đức và Nhàn không thành vì những oan khiên quyết liệt ấy. Bài học của một thời sao mà đau đớn dường vậy. Thân phận con người trong cuộc bể dâu ấy, dù có vùng vẫy quyết liệt vẫn bị trói cứng mà chịu đòn. Chẳng lấy gì bù đắp được, dù lão Trạch có hai con hy sinh trong chiến tranh. Nhận tin hai con báo tử cùng một lúc “bà trạch và Nhàn rũ rượi như hai cái xác chết” (tr.175). Không chỉ có nỗi oan khiên hoá đá, Hồi ức làng Che còn ghi lại bao điều dối trá khác mà hôm nay và mai sau. Chúng ta còn phải chịu đựng, còn phải suy gẫm!
Dấu Chân Tiên là câu chuyện thế sự thăng trầm của một giòng họ, có kẻ lên voi có kẻ cùng đinh làm thằng mõ. Những kẻ lên voi chẳng phải vì được đặt chân mình vào dấu chân tiên. Bởi vì “đàn bà duyên phận lỡ làng vô tình đạp lên dấu chân tiên về nhà dễ bị có mang” (tr.180), đẻ ra con giống lý trưởng, trương tuần, chủ nhiệm hợp tác xã, giống anh cán bộ huyện về chỉ đạo cấy giống lúa cao sản, giống anh chỉ huy đoàn xe quá cảnh sang Lào (tr.181). Những người lên voi được là nhờ “theo cửa sau, cửa của những kẻ cơ hội chủ nghĩa“ (tr.206) có tài “dóng trống, dong cờ, trương khẩu hiệu “(tr208 ) va tham quyền cố vị “Ông Khởi định kiên nhẫn làm bí thư đến hết thời kỳ quá độ”(tr.211). Những anh dốt nát lại phất như diều ban phát ân huệ cho mọi người (trần Thành). Kẻ trí thức (Trần Thanh trì, đỗ tiến sỹ) lại là kẻ “sinh bất phùng thời không tìm được người tri âm từ trong họ mạc lẫn ngoài xã hội “(tr220). Đó là câu chuyện của một thời hay của mọi thời? Vì cuộc đời có những kẻ như thế nên bao nhiêu giá trị đã bị phá huỷ (phá đền thờ thần nông (tr.191), bao nhiêu chân lý bị vùi lấp.(“bây giờ người ta dạy trẻ con hô khẩu hiệu hơn là dạy cái hay cái đẹp “ (tr.199) “Chưa có nơi nào học đại học dễ như ở Việt nam. . .các sinh viên giám đốc lo tiền phong bì, tiền bia và xe đưa đón. Các giáo sư lo chấm bài theo tinh thần đào tạo chuẩn hoá cán bộ đương chức của cấp uỷ địa phương” (tr.213 ). Một thời mà những người như “bà Duân từ mặc váy lên bà phu nhân đại sứ. Chắt Khởi từ anh câu ếch lên ông bí thư. Còn anh từ. . .từ lên địa chủ, à quan lên giám đốc”(tr.217). Cái thời như thế Nguyễn Thanh trì tìm đâu được tri âm tri Kỷ! Đó cũng là cái thời chúng ta đang sống.
Ốc Mượn Hồn gửi lại người đọc một “bản di chúc lạ lùng nhất trên cõi đời“, không phải di chúc của đại tá Đạt người chọn cái chết để tìm sự sống, mà là di chúc của người lính, dù dày dạn chiến trường nhưng lại “khó thích ứng với hoàn cảnh dân sự “ (tr.236) nơi mà ở đâu “Máu cục bộ địa phương thì nơi nào cũng có, nên rất khó hào nhập thoải mái“ (tr.236). Anh Đạt đã cay đắng thốt ra: “Mình đi khắp xứ Đông Dương, bây giờ mới thấm thía thê nào là dân ngụ cư”.
Nhưng anh chết không phải vì không hoà hợp được với địa phương mà vi chuyện hoá giá căn nhà đang ở. Những lòng vòng về giá nhà đất, về thủ tục hoá giá khiến cho Đạt không thể nào có tiền trả đủ cho hội đồng hoá giá, dù anh đã “lôi cả ông bố thời Nam tiến” là liệt sĩ dậy cũng không đủ tiền. Luật quy định: người thừa kế được giảm thuế. Thế là anh chọn cái chết để người thừa kế là Lân được hưởng miễn giảm thuế (thực sự Lân là đồng đội, không phải con, nhưng trong di chúc anh gọi Lân là con nuôi). Quả thực cái cơ chế thị trường ác nghiệt, cái cách tính thuế quái gở, cái cách đối xử lạnh lùng tàn nhẫn đã giết chết anh Đạt. Anh không chết vì súng đạn kẻ thù ở mọi chiến trường khắp Đông Dương nhưng phải chết đứng trong căm uất. Chết để giữ lấy những giá trị đẹp đẽ của người lính. Người ta tính toán ù xương máu của người lính với cái giá thật đau lòng. Anh Đạt đã nỗi khùng: “Người ta liệt sĩ 12 triệu, bố tao liệt sĩ có một triệu thôi à?’(tr.238) phải chăng đó là cái “lẽ đời” như di chúc anh Đạt viết “các con. Bố là lính, coi như bố hy sinh ở chiến trường. Đừng nhận tiền phúng điếu. Lẽ đời có lúc phải biết từ chối . . .” (tr.240). Biết nói gì khác hơn với cuộc đời! Sẽ chẳng ai trong chúng ta đồng ý với anh về một lẽ đời như thế. Nhức nhối tim gan lắm! “Cầu chúc anh yên giấc ngàn thu “(tr.240).
Cây sầu riêng tứ thời cũng là cái chết đứng nhưng là cái chết âm thầm, câm lặng. Nước mắt dấu hết vào tim. Chồng chị Tư Trang hy sinh lúc chị đang mang thai. Để che dấu nỗi đau mất chồng chị phải chịu đựng nỗi oan nghiệt chửa hoang với lính nguỵ. Chị bí mật nuôi dấu cán bộ ngay dưới giường đẻ của mình. Hoà bình lặp lại, chị có con với người cán bộ năm xưa (anh Bảy) bây giờ là bí thư huyện uỷ. Để bảo vệ uy tín cho người cán bộ sắp bước vào kỳ bầu cử, chị xin thôi việc về làm vườn. Chị còn đưa thêm cho ngưới cán bộ ấy hai cây vàng để cứu danh dự của anh khi vợ anh chơi hụi bị bể. Trong chiến tranh chị đã hy sinh, giờ đây, chị lại tiếp tục hy sinh để bảo vệ Đảng. “Đảng cần Anh. . .Nghĩ mãi, chị quyết định bỏ hết về nhà để cho anh được ven toàn. . .ngày trước chị đã chịu một lần rồi, giờ thêm một lần nữa cũng ráng thôi “(tr.249). Đã đành là tình nghĩa là hy sinh như chị Tư nói “Chồng người ta nhưng là cha của con mình. Đời chị thấy người mình thương cực, mình không đành”(tr.250). Nhưng vấn đề không chỉ mãi mãi là chịu đựng và hy sinh . . .
Nhị Độ Mai là sự chọn lựa một thái độ sống, cuộc sống thời mở cửa. Ba người bạn, Đức vượt biên đi tìm thiên đường trên đất Mỹ, Phước đi buôn làm giàu, người làm thầy giáo nghèo đầy dẫy những mặc cảm thua kém về vật chất. Chân lý của mỗi người là gì? Đức đi Mỹ mất tất cả. Tuy làm giám đốc một hãng điện tử chuyên chế tạo phần mềm vi tính nhưng anh đã trở nên như một robot, anh “tập nhịn nói, càng nhịn càng thấy khoẻ” (tr.257 ) đến nỗi gần như không còn giao tiếp dược với người. Phước buôn bán, làm đại diện cho một công ty dược phẩm lại mắc bệnh nói nhiều, bệnh nhậu và thèm gái, khách sạn nào anh cũng có bà xã đang chờ. Anh nhà giáo được cho là may mắn “vì mày còn có hai đứa con. Phải lo cho chúng. Chúng là thế hệ tương lai, còn thế hệ ta coi như đồ bỏ”(tr.260 ). Mỗi người sẽ phải chọn lựa thế nào đây trước cuộc đời trăm ngả, đâu là chân lý? Có thể những lý giải của Nguyễn Đức Thọ chưa thật thuyết phục nhưng vấn đề anh đặt ra làm người đọc phải suy nghĩ về thái độ chọn lựa của mình. Nguyễn đức Thọ đã chọn lựa đứng về phía dân tộc, về phía thanh cao về phía ánh sáng của sự thanh khiết và lòng nhân ái.
Nhưng “Người Cùng Làng” vượt biên , anh cu Chày, khi trở về nước không phải là một robot. Anh ta là việt kiều yêu nước hẳn hoi, chi tiền cho xã làm bữa chén đón việt kiều về nước đề xuất kế hoạch xây dựng lại quê hương, xây trạm xá để thực hiện kế hoạch hoá. Nhưng anh việt kiều ấy là ai? Anh cu Chày, vừa là việt kiều, vừa là liệt sĩ. Thời nào cũng được tôn vinh, thực chất anh thuộc dòng họ Dương, dòng họ nổi tiếng vì có cái “chày” thuộc loại đặc biệt. Anh đi bộ đội vì bị đẩy đi. Bởi vì, để anh ở nhà “Nó như con trâu đực đến kỳ xỏ ú rồi. Để ở nhà không yen tâm…Không khéo nó làm chị em vợ bộ đội chửa hoang thì nguy“ (tr.272 .) Tin báo Chày hy sinh làm người ta thở dài lẩm bẩm “thằng này chết vì gái”(tr.273). Cuộc đời đưa đẩy. Nhóm người cướp tàu vượt biên bắt được Cu Chày định ném xuống biển. Anh được một phụ nữ cô đơn giàu có cứu . Vì anh là “ tên Việt Cộng hiền lành đẹp trai có vóc dáng thật lý tưởng“. Anh trở thành Việt kiều, giàu có, sòng phẳng. Về nước Cu Chày xin trả lại số tiền chế độ trợ cấp liệt sĩ bấy lâu, việc đã rồi cho qua. “Liệt sĩ là liệt sĩ, Việt kiều là Việt kiều”(tr.277). Phải chăng đó là “chuyện cổ tích cá chép rùng mình vượt Vũ môn để hoá rồng”(tr.278)? Người ta bất cẩn lầm lẫn đến như vậy sao? Phải chăng một thời đại mà những kẻ nhố nhăng như chuyện anh Cu Chày lại được tôn vinh. Hay thời đại đã phong tước cho những kẻ như vậy ?
“Đền thờ An Dương Vương” được Nguyễn Đức Thọ gọi là Đền Thờ Nước Mắt. Nơi ấy không chỉ an nghỉ những cuộc tình oan nghiệt nhưng truyện còn là số phận những con người thấp cổ bé miệng bị lưu đày bị làm nhục. Những quyền lợi vị kỷ, những hư danh, những nguỵ biện những phân biệt giai cấp và những thành kiến muôn thuở đã đẩy những lứa đôi yêu nhau đến bờ vực nước mắt. “Côi có mẹ theo trai, cha nó là tên đào ngũ vượt tuyến vào Nam. Ngày xưa bà ngoại nó cũng theo trai. Nòi nhà nó không đàng hoàng”(tr.283). Vì thế Côi không có quyền yêu Nương. Còn Nương, dù yêu Côi nhưng Nương bị ép gả cho con bác chủ tịch. Chồng cô tốt nghiệp kỹ sư ở Liên xô nhưng chạy theo mốt bỏ vợ quê tìm vợ Hà Nội, đang tâm bỏ Nương chỉ vì cô không sinh con trai. Kết thúc truyện “đúng là một ngày tệ hại nhất cuộc đời”(tr.295). Sau lần gặp lại Côi, Nương cùng với hai con uống thuốc ngủ rồi đổ xăng tự thiêu. Nước mắt hết một đời bà ngoại Côi, nước mắt một đời mẹ Côi, tủi nhục thân phận Côi và oan nghiệt một đời của Nương. Những điều ấy bởi đâu? chẳng lẽ “do ma quỷ xui khiến, do tiền oan nghiệp chướng”(tr.295) hay do sự linh thiêng của ngôi đền? (tr.283) Không, do con người tất cả, do cái giòng đời xô đẩy. Nguyễn Đức Thọ gọi đó là “cuộc sống xoay vần con người theo ý muốn của số phận”(tr.276) hoặc có lúc anh bàng hoàng “thì ra con người có số mệnh. Chẳng ai chống lại được số mệnh”(tr.177). Đấy chỉ là một cách Nguyễn Đức Thọ tránh không nói thẳng ra những cái ác đang tồn tại trong cuộc đời.
NHÀ VĂN CỦA LÒNG NHÂN ÁI
Nguyễn Đức Thọ là nhà văn của lòng nhân ái. Anh không nói trực diện đến cái ác. Trong các truyện của anh không có nhân vật kẻ thù. Anh không viết truyện theo mô típ ta-địch, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Anh cũng không xây dưng truyện theo mô tip đấu tranh nông dân-địa chủ áp bức, bóc lột. Anh cũng không phơi bày những mưu mô tiêu diệt được điều khiển bởi ác tâm. Trên cái nền của những bi kịch thương tâm, truyện của Nguyễn Đức Thọ là lòng yêu thương con người sâu thẳm. Lòng yêu thưong đạt đến chiều sâu tâm linh, chiều dài thời gian của nhiều giai đoạn lịch sử và bề rộng vượt qua những định kiến máy móc những giả trá bao biện, những thủ đoạn đa đoan và những nỗi sợ hãi vô hình. Anh nhắc lại nhiều lần trong nước mắt “Người của người! người của người”, yêu thưong và nhân ái. Dân tộc này là vậy. Thời gian sẽ qua đi, sự vật sẽ qua đi, những biến động của thời đại sẽ qua đi. Những cuộc bể dâu rồi cũng qua đi. Cái chân lý ở đời là tình nghĩa, là gìn giữ những giá trị làm người nhân nghĩa. Làm khác đi là ác, là tiêu diệt con người. Thương làm sao những Người của ngày xưa, Người trong cổ tích , Người ở miệt vườn. Thương làm sao Bóng dáng những người yêu nhau , những người phụ nữ đi qua chiến tranh như Chất, Út mai, chị Tư Trang. Thương làm sao những người lính mà cuộc sống của họ trong veo, chân chất nhiệt thành như cậu Miền, Trung tá Đạt, Chính, và biết bao ngườiđã hy sinh. Thương tâm lắm những con người bị chôn sống như lão Câm, những người chết đứng như Đạt, chị Tư Trang những oan nghiệt của Nương. . .
Nguyễn Đức Thọ kể những câu chuyện bi kịch nhưng anh không khai thác tính bi kịch, cũng không khai thác tính phê phán, mặc dù anh có dư tài năng để đạt tới nhữ giá trị đặc sắc, điều ấy nhiều người đã viết. Truyện của anh có cả bi lẫn hài. Cái bi là bản chất của số phận nhân vật, là cốt lõi lòng nhân ái trong tác phẫm cùa anh. Còn cái hài là cách anh chỉ ra những lố bịch của cuộc sống, là cách anh ném những cái thối tha vào mặt cái ác, nhưng cũng là những nục cười bao dung, nụ cười vượt lên cái bi thương, nụ cười giúp cho cái bi kịch thăng hoa, để rồi người đọc chiêm nghiệm nhận ra những gì là giá trị ben vững của cuộc đời . Điều mà anh cố đạt đến là tìm ra đâu là chân lý để tồn tại, đâu là nguyên nhân mọi nỗi oan khiên, đâu là lối ra cho mọi kiếp đau thương, đâu là cái lẽ đời nhân ái. Những điều ấy được khai phá trên cái nền hiện thực rộng lớn, phức tạp, biến động, xoay trở, nghiệt ngã, suốt từ thời Nguyễn Thái Học đến thời cơ chế thị trường. Quả thực Nguyễn Đức Thọ đã hướng tâm thức của mình vào những vấn đề lớn của thới đại. Truyện của anh sẽ còn lay động tâm thức của nhiều thời đại. Đọc văn anh, người đọc như được nhắc nhở “Người của người” “thương tâm lắm” “ trên mặt đất này ân oán còn nhiều tơ vương lắm”, sẽ còn nhiều hy sinh ngay trong cuộc sống bình yên như anh Đạt, chị Tư Trang. Sẽ còn nhiều chao đảo như kiểu liệt sĩ biến thành việt kiều yêu nước. Sẽ còn nhiều tính toán như đã tính toán liệt sĩ một triệu đồng, sẽ còn nhiều tan nát, đập phá những cảnh lên voi xuống chó, những kiếp người bị chôn sống và những nổi buồn như nỗi buồn Giao Chỉ. . . .
Bản lĩnh của ngòi bút Nguyễn Đức Thọ là ở sự thăng hoa của những bi kịch. Nếu không có bản lĩnh, khi viết những bi kịch, ngòi bút nhà văn dễ nghiêng về phê phán, mai mỉa, uất ức. Đã có lúc người ta cho rằng những trang văn của giai đoạn vừa qua là những trang văn của sự sám hối, thậm chí có cả khuynh hướng phủ định quá khứ. Tôi nghĩ đó là sự trầm luân của tâm thức và là sự non yếu về bản lĩnh cửa người cầm bút. Nguyễn Đức Thọ viết về những nỗi bi thương, những thân phận bị vùi dập những cái lố bịch của cuộc sống, kể cả những cái ác những nhẫn tâm, những nỗi sợ hãi vô hình. Nhưng âm hưởng toàn bộ các sáng tác của anh là sự thăng hoa của những nỗi đau. Anh không trách cứ ai, không đổ lỗi cho ai. Anh chiêm nghiệm, suy gẫm, thoát khỏi khỏi trầm luân, thanh thản, nhẹ nhàng. Nhân vật của anh hiểu sâu sắc bản chất của cuộc sống, vượt qua bi kịch và sống chính cái sự sống quý giá nhất là lòng nhân ái.
Chị Tư Trang không ù phiền trách anh Bảy, vẫn tiếp tục hy sinh giữ gìn cho anh. Anh Đạt để lại những dòng di chúc thật thấm thía “Giờ chết đi tôi hoàn toàn thanh thản. Không băn khoăn oán trách một điều gì và với bất cứ ai “ (tr.240). Ông Thuộc 21 năm ngày Bắc đêm Nam, lâm phải bi kịch, ông ngồi thiền trong một cái cốc nhỏ. “Ông oà khóc thành tiếng. Một ông lão tu hành vướng duyên nghiệp trần thế còn quá nặng mà khóc thì đó là điều kinh hoàng nhất của kiếp người”(tr19). Phải chăng sự thăng hoa đã đạt đến cõi thiện hảo khi Chính được coi là ông Phật sống? (tr.37). Mẹ của Tộ đã viết cho Thư “Người ra trận xưa nay không về cũng là chuyện thường tình. Bác đã từng một đời dang dở . Chắc cháu hiểu lòng bác” (tr.57) bà mẹ goá phụ tử sĩ ấy đâu có muốn một người con gái, dẫu là con dâu phải chịu cảnh goá phụ tử sĩ như mẹ. Cậu Miền xin ra Đảng vì không tài nào chịu đựng nổi lối sống cường hào của đám cán bộ địa phương (tr.90) nhưng cậu quyết giữ lại tấm huy hiệu Bác Hồ đã gắn cho cậu. Cậu kiên định: “trên đời này nhớ mời sư thầy đến tụng kinh nghe Vũ “(tr.108). Lão câm bị chôn sông vì bị nổ mìn đá đè, vậy mà lại rất linh thiêng độ trì cho thợ đá. Lão có oán thù, trả thù gì đâu! Bà ba Cỏn nói lời thật cảm động khi Mai xin má thương cháu, con không cha, và đừng hỏi cha đứa bé là ai: “Mày nói cái gì nghe kỳ cục! cá đìa người nhảy vô đìa ta là cá ta, con à”. Lão Trạch nói những lời thương quá khi tiễn chân Nhọi Đức “Tao thương mày, thôi mày đi con ạ. Chân cứng đá mềm, vạn sự bình an. Nhà người ta có vài ba thằng, nhà mày có một, đi nhớ giữ gìn, thủ thân vi đại. Tội nghiệp mày, mày đi. . .”.
Cứ như vậy bao nỗi oan khiên, bao bi kịch, bao nước mắt bay lên cõi sáng láng của lòng nhân ái, một lòng nhân ái thanh khiết của những con người thanh khiết, chẳng cần phải thành Phật, cũng không cần ngồi Thiền hay cầu kinh. Đây chính là chỗ đặc sắc nhất của ngòi bút Nguyễn Đức Thọ mà ít ngòi bút có được. Ngòi bút của anh như thanh gươm sắc bén tung hoành giữa Trận Đồ hùng vĩ và bi tráng (tr.111), nhưng thanh gươm ấy lại không hề gây thương tích cho ai, cũng không hướng đến một đối thủ nào, mà thanh gươm ấy toả hào quang ngọc bích, vang lên những khúc ca thiên thần và chữa lành những nỗi bi thương của một thời. Tôi yêu những giá trị ấy.
MỘT PHONG CÁCH RIÊNG
Trong những tác giả truyện ngắn hiện nay, Nguyễn Đức Thọ đạt đến những đặc điểm nghệ thuật có phong cách riêng. Truyện của anh phát triển nhanh, đọc với tốc độ nhanh, tốc độ của nhịp sống hiện đại. Anh dẫn truyện rất có duyên. Đôi khi chỉ là một cuộc gặp gỡ, với vài ba câu nói vui, anh cũng dựng được một truyện ý vị (Nhị độ Mai). Có khi hiện thực cuộc sống cực kỳ phức tạp, anh lại viết rất mạch lạc. Trên cái nền khô khan của những tranh chấp đời thường, anh xây dựng một chuyện tình thấm thía (Hồi ức làng Che). Có những chuyện thật khó nói thành lời nhưng anh lại nói được bằng sự im lặng, như tiếng đàn tỳ bà “thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Mùa Trái cây – Cây Sầu Riêng tứ Thời). Lại có những chuyện như những thông điệp ngụ ngôn gưi cho những ai tri kỷ (Nỗi Buồn Giao Chỉ – Đền Thờ Nước Mắt ) .
Màu sắc thẩm mỹ các truyện của anh cũng thật phong phú. Có lúc người đọc phải cười to lên mới cảm nhận hết những ý vị của câu chuyện, nhưng lại giật mình về điều mình vừa cười (Người cùng quê, Hồi ức làng Che – Ốc mượn hồn . . .). Đọc văn anh, có lúc người đọc cứ lo cho anh, lỡ anh nói quá đà, không kịp giữ gìn thì.. . (Nỗi Buồn Giao Chỉ – Người Cùng Làng). Truyện của anh vừa có cái không khí ồn ào sôi nổi bi tráng của hiện thực, lại có cái thi vị của những tâm hồn thanh khiết yêu nhau. Có cái mộc mạc trần tục rất đỗi trần tục (anh Cu Chày) lại có cái hư ảo linh thiêng sững người (Đền thờ nước mắt ). Có cái thâm thuý chết người lại có cái hồn nhiên thánh thiện (Nỗi buồn Giao Chỉ- Người của người- Người của ngày xưa).
Ngôn ngữ truyện của Nguyễn Đức Thọ vừa mộc, khoẻ, chân chất như chính nhân vật của anh lại vừa sáng trong thanh tú như chính sự thăng hoa của những bi kịch cuộc đời. Có lúc tôi đã săm soi xem trong từng câu chữ của anh có những gì mà bút lực mạnh mẽ như vậy, lôi cuốn như vậy. Tôi thấy sự mộc mạc, chân chất của câu chữ, nhưng đàng sau đó là một lối tư duy hết sức sắc xảo. Trong truyện của anh có hai giọng nói thật mạnh mẽ, thật ấn tượng. Tôi cho rằng đó là tiếng nói tiêu biểu của thời đại. Tiếng nói mộc, khoẻ, chân thành, thấm thía của những con người chân chất như Lão Trạch, Lão Câm, bà Ba Cỏn, Má hai Phấn, cụ cố Tiệu, Học Trị. Đó là tiếng nói chân lý của nhân dân trên những biến động lớn lao của thời đại.Và tiếng nói thâm thuý, sắc bén như những miếng võ rất hiền nhưng công lực của nó lại có thể chết người.
Tiếng nói của ông nội Vũ, của Cụ Tú Trần Viên… là tiếng nói thẳm sâu của tâm thức thời đại, của kẻ sĩ đất nghìn năm văn vật. Anh cũng đặc biệt thành công ở kỹ thuật viết những đoạn đối thoại. Nhân vật của anh nói năng tự nhiên như được ghi âm trực diện, hết sức bất ngờ, thú vị. Anh không sở trường về miêu tả tâm lý nhưng nghệ thuật miêu tả ngoại diện vẫn giúp anh thể hiện được nội tâm nhân vật. Tôi thích những các ăn nói bỗ bã của người lính, cách nói bộc trực nam Bộ, cả cách nói băm bổ của lão Trạch.
Nhân vật của anh có cá tính quyết liệt có hành đông quyết liệt. Ngưởi đọc sững sờ khi lão Câm chém một nhát đứt đôi hai kẻ gian phu dâm phụ. Người đọc cũng kinh hoàng khi Nương cùng ba đứa con uống thuốc ngủ rồi tự thiêu. Đúng là một ngày kinh hoàng đối với những người phụ nữ hiền lành ấy. Oan nghiệt thay. Cái chết của anh Đạt củng quyết liệt, bi tráng như vậy. Nguyễn Đức Thọ thường kết thúc truyện với những tình tiết bất ngờ, khiến cho truyện trở nên thực sự hấp dẫn hấp dẫn, tư tưởng, chủ đề phát toả những năng lượng làm cân não và tâm can người đọc bỗng cồn cào không nguôi. Nỗi bâng khuâng day dứt tâm hồn người đọc mãi. Những ý tứ còn đọng lại thật thâm trầm, nó gợi cho người đọc về những bài học nhân thế trong một thời đại mà “chiến tranh cũng đã làm đảo lộn tất cả mọi sự đời”(tr.53).
Nhân vật nữ trong truyện của anh cũng thật đẵc sắc. Họ đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn, như anh nói: đẹp như tiên sa. Họ giàu sức sống, giàu tình nghĩa nhưng tất cả đều lâm vào những bi kịch. Có khi đó là bi kịch thánh thiện (Ngàn, Rớt), có khi đó là bi kịch oan nghiệt (Nương, Xuân, Nhài ). Cũng có khi đó là những bông hoa tím ngát trên cái nền đỏ thắm (Mai, Chất, Tư Trang). Tất cả đều khao khát được sống hạnh phúc, đều hết sức giữ gìn những giá trị quý giá của cuộc sống, nhưng tất cả đều không với tới được những mong ước rất đỗi bình thường (Chất mong có con với chồng. Nhàn mong được nghe Chính nói một lời yêu thương, Chị Tư Trang mong con mình có cha như mọi đứa tre khác. . .). Dẫu vậy, họ không hề than thân trách phận hay oán trách bất cứ ai. Họ chắt chiu giữ gìn tất cả những gì có được vì đó chính thật là giá trị nhân bản. Bà Ba Cỏn nói với con khi bồng cháu ngoại không cha: “cá người nhảy vô đìa ta là cá ta, con à!” ( tr.146). Những nhân vật ấy đều rất đậm những phẩm chất truyền thống nhưng cũng rất mới mẻ mà những nhân vật trước đây như Chị Sứ (Hòn Đất) Chị Út Tịch (Người mẹ Cầm Súng ) chưa hề có. Chị Sứ, chị Út tịch không lâm vào bi kịch đau thương, Các chị chỉ phải đối mặt với kẻ thù tàn bạo, từ đó thể hiện hết các phẩm chất “anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Những nhân vật nữ của Nguyễn Đức Thọ được xây dựng không phải để thể hiện những phẩm chất ấy, nhưng họ phải đối mặt với bi kịch của chính mình (Tư Trang tự chọn thái độ đối với anh Bảy – Chất đối diện với Mai cả hai đều không có cái mà người kia có nhưng không thể hoà hợp hay trao đổi. . .)
Tôi nghĩ Nguyễn Đức Thọ không phải “hồi hộp lo âu trước các bậc khả kính”. Những nhân vật của anh như chị Tư Trang, cô Út Mai, má hai Phấn, ông Bảy Công, ông Đậu Trạch. . . dù có bị những nguyên mẫu này “đòi hỏi, trách móc, la lối khi anh làm lech lac, méo mó, biến đổi hình hài gương mặt họ” (Đàm Chu Văn – Đồng nai 11/12/99). Sáng tạo là hư cấu. Nhà văn chỉ mượn hình hài vóc dáng, câu chuyện của nguyên mẫu, rồi nhào nặn lại theo lý tưởng thẩm mỹ của mình để thể hiện tư tưởng của mình. Vì thế nhân vật văn học không bao giờ là bản sao tự nhiên chủ nghĩa của hiện thực.
Nhân vật của Nguyễn Đức Thọ chuyên chở được những chiêm nghiệm của anh trước những bi tráng của lịch sử, những đau đớn vật vả giàn giụa nước mắt của anh khi phải chứng kiến bao cảnh thương tâm, để từ đó thông điệp anh nói với thời đại là những thông điệp lớn về lòng nhân ái, về những giá trị nhân bản, về những lẽ đời giàu nặng ân nghĩa, từ đó mà đời sống vượt lên trên cái bi kịch, để những đau thương mất mát hy sinh thăng hoa thành những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống hôm nay. Nhân vật của anh lớn hơn nguyên mẫu vì những giá trị đó. Thực hiện được những giá trị đó chính là tài năng vủa Nguyễn Đức Thọ. Tôi không bao giờ nghĩ Nguyễn đức Thọ làm méo mó hình hài gương mặt nguyên mẫu của mình để đến nỗi bị trách móc la lối như Đàm Chu Văn đã chia xẻ với anh.
Tôi cũng không nghĩ những nhân vật, những vấn đề anh viết, là của ngày hôm qua. Bạn đọc và những người của ngày hôm nay có quyền đòi hỏi đâu là những nhân vật của ngày hôm nay, đâu là những vấn đề của ngày hôm nay mà nhà văn quan tâm (Đàm Chu Văn). Sự thực nhân vật và những vấn đề trong tuyển tập Hồi ức làng Che anh viết là để cho ngày hôm nay. Nó vẫn đang thực sự day dứt trong lòng người đọc hôm nay. Tôi nghĩ sẽ còn phải mất nhiều chục năm nữa những vấn đề Nguyễn Đức Thọ nói đến trong tập truyện này mới có thể trở nên sáng tỏ trước công luận, và ngay cả đến lúc đó, thì những chiêm nghiệm thế sự Nguyễn Đức Thọ đặt ra vẫn lấp lánh những sắc màu riêng của anh . Chẳng hạn về những nỗi sợ hãi vô hình cứ treo lơ lửng trên đầu, hoc nỗi buồn mà anh gọi là Nỗi buồn Giao Chỉ chắc ai trong chúng ta cũng hiểu nhưng không dễ gì nói ra, cũng không cần nói ra vì nó ở tận đáy sâu tâm hồn mỗi người, hoạc những ấu trĩ của một thời và nhiều ấu trĩ khác giờ đọc lại cứ ngỡ như là đùa nhưng thực sự đau đớn thấm thía. Hồi ức Làng Che là của ngày hôm nay, cho người đọc hôm nay, và cả mai sau. Tôi nghĩ nhà văn chỉ cần viết thật hay những gì mình tâm đắc, những gì là chính máu thịt xương tuỷ của mình. Nhà văn không cứ phải ù chạy theo những gióng trống mở cờ, ồn ào hời hợt, để rồi nhìn lại chỉ thấy nhạt nhẽo vô vị. Văn Nguyễn Đức Thọ không phải như thế .
Văn anh là tâm huyết của anh, một phong cách đậm chất dân gian. Không chỉ những câu chuyện anh kể được chắt lọc từ chính đời sống của nhân dân, mà người đọc như tìm thấy lại cái không khí của nhiều chuyện dân gian trong cách kể, trong tính cách nhân vật, trong cái cười vừa tục vừa hồn nhiên lại vừa thâm thuý. Đó là chỗ độc đáo riêng anh, là cái giọng của riêng anh, cái chất của riêng anh, không khác đi được, dẫu anh có “muốn vượt lên chính mình”. Tôi nghĩ anh nên tô đậm cái chất độc đáo ấy thêm lên, sâu hơn, sắc hơn, thâm thuý hơn, hồn nhiên hơn, bỗ bã hơn, thanh khiết hơn, duyên hơn, tri kỷ hơn, dù biết rằng “kẻ sỹ bất phùng thời không tìm được người tri âm . . .” (tr.220). Thân phận nghệ sỹ là vậy. 15 truyện ngắn anh chọn trong tuyển tập này mà anh gọi đùa là 15 cái vé của một xuất Kiều. Tôi hiểu anh đã phải sống hết một thời trai trẻ với bao thăng trầm thế sự, lăn lộn trong những biến động lớn lao của thời đại, đau đớn với bao nhiêu kiếp trầm luân vắt cạn kiệt hết máu và nước mắt từ trái tim mình, anh mới có thể viết được như vậy. Làm sao anh có thể sống một thời như thế nữa để lại làm nen 15 cái vé của một xuất Kiều thứ hai. Tôi nghĩ những truyện trong tuyển tập này đã đủ tạc nên một Nguyện Đức Thọ độc đáo trong văn chương Việt Nam đương đại
PHÁC THẢO MỘT CHÂN DUNG
Trước đây, đã có lần tôi thử phác thảo chân dung Nguyễn Đức Thọ qua tác phẩm của anh, tôi thấy anh lạ lắm. Bên ngoài anh nói cười oang oang hồn nhiên, có khi băm bổ, đùa nghịch không ai bằng (Hai Tín đè người Ba Nghĩa lòn tay sờ háng bạn (tr.68), anh cu Chày cho bọn con nít treo giỏ cua lên “của quy” của mình (tr.271). Học Trị tát yêu “thằng em” thò ra ngoài quần (tr.187)…) nhưng rồi, trước những bi kịch trước những đớn đau số phận anh đẫm nước mắt có lúc khóc oà lên (nước mắt tôi trào ra, tôi khóc lặng người tr.23.), khuôn mặt anh cười như mếu.
Trong tuyển tập này, tôi thấy chân dung Nguyễn Đức Thọ đã sáng hơn nhiều, khuôn mặt anh thanh thản hơn, giọng nói của anh trầm hơn, sâu hơn, hiền hậu hơn thăng hoa hơn . Anh đã đạt đến sự trọn hảo của một phong cách độc đáo – một cây bút kế tục được những thâm thuý của ngàn năm văn vật nhưng lại có được tốc độ nhanh của cuộc sống công nghiệp hiện đại. Có lúc anh nhìn về phía trước mà ái ngại: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”(tạp bút đăng trên báo Tuổi Trẻ).
Tôi hiểu anh đã đi đến chỗ tận cùng cái nghiệp văn chương. Anh khao khát sáng tạo những cái mới hơn, hay hơn, lớn lao hơn, độc đáo hơn, nhưng đường càng đi, càng thăm thẳm, thời gian càng ngắn lại mà lực lại bất tòng tâm. Tôi nghĩ người nghệ sĩ khi đã góp được cho đời những bông hoa hương sắc thì đó là cái gì rất quý giá rồi. Cuộc đời sẽ là một vườn hoa lớn đầy màu sắc. Tuyển tập Hồi ức Làng Che đủ đóng góp cho đời một chùm hoa mà hương sắc của nó sẽ còn thơm mãi.
Tháng 12/1999
***