45 NĂM TRUYỆN NGẮN ĐỒNG NAI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

45 NĂM TRUYỆN NGẮN ĐỒNG NAI

(Tổng quan)

Bùi Công Thuấn

***

                 Truyện ngắn là thế mạnh của văn học Đồng Nai. Tuy vậy, viết truyện ngắn không dễ, bởi đã có nhiều nhà văn lớn chiếm ngự văn đàn về thể loại này. Thạch Lam kể những truyện lãng mạn không có cốt truyện. Nguyễn Tuân độc đáo với Vang bóng một thời. Nam Cao đặc biệt về những bi kịch của người trí thức “sống mòn” và người nông dân tha hóa. Nguyễn Công Hoan đứng một mình với truyện hài. Lý Văn Sâm ghi tên mình trên văn đàn là một nhà văn viết truyện đường rừng. Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, mỗi người một phong cách độc đáo, một cách kiến tạo tác phẩm riêng, một thế giới nghệ thuật riêng. Họ là những đỉnh cao bất hủ của truyện ngắn Việt Nam.

MỘT VÀI ĐƯỜNG NÉT

                 Ở Đồng Nai cũng đã có những tập truyện ngắc đặc sắc của Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, …

       45 năm qua, các tác giả Đồng Nai đã để lại những trang văn qúy giá về hiện thực đất nước. Văn học hoan ca đất nước hòa bình thống nhất sau 1975. Văn học trăn trở về những khó khăn của thập niên 1980. Văn học đón vận hội mới khi đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới. Bước vào thế kỷ XXI, đất nước phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam vươn ra biển lớn, văn học cũng hướng đến những chân trời mới.

       45 năm qua, truyện ngắn Đồng Nai vẫn nằm trong thi pháp chung của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Cảm thức anh hùng ca, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm công dân là những nét đặc trưng. Xin đọc Chuyện Ầy Đã Qua Rồi (1979) và Chuyện Người Thổi Sáo Ở Bến Xuân (1991) của Lý Văn Sâm, Muối đỏViên gạch lạ của Tấn Hoài, Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ, Một thời rừng Sác của Đại tá AHLLVTND Lê Bá Ước, Đàn ống tre bên kia sông  của Khôi Vũ, Mẹ Nghiệp của Đào Sỹ Quang, Người chợ Kệ của Dương Đức Khánh, Một thời khói lửa của Phạm Văn Đảng…

                 Trong tiến trình phát triển, truyện ngắn Đồng Nai có sự vận động về bút pháp.

                 Từ khói lửa chiến trường bước ra, các nhà văn Đồng Nai giữ nguyên cách viết của văn học kháng chiến là Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa[[1]]: ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng hóa nhân vật, văn học trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị.                 

                 Đất nước “đổi mới”(1986), Nghị quyết Trung ương 5 (1998) xác định nhiệm vụ: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người./ Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Truyện ngắn Đồng Nai chuyển dần từ bút pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa sang Hiện thực Nhân văn Dân chủ (chữ của NQ TW 5), tập trung vào việc “xây dựng con người Việt Nam” với tinh thần “nhân văn dân chủ”.

                 Nét đặc trưng của những tác phẩm văn chương Nhân văn Dân chủ là sự lên tiếng trước những cái tiêu cực của cuộc sống, nhà văn bày tỏ trách nhiệm công dân, thức tỉnh mọi người về những hiểm họa của toàn xã hội, để mọi người cùng giữ gìn lấy cái tốt, cái đẹp trong đạo đức, lối sống, quan hệ của dân tộc. Đồng thời ngòi bút bày tỏ lòng tin vào lẽ thiện, vào cái đẹp, tiếp nhận những điều mới mẻ tiến bộ khi hội nhập toàn cầu hóa.

                 Xin đọc: Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, Hồi ức làng Che của Nguyễn Đức Thọ, Tri thiên mệnh của Khôi Vũ…

                 Tuy vậy, cũng có nhà văn lúng túng trong cách thể hiện phần “hiện thực không cách mạng”. Xin đọc Nhật ký Cô Cô của Dương Thu Hường (VNĐN số 34 – tháng 11 & 12 năm 2019), Lênh đênh qua cửa Thần Phù của Nguyễn Trí (VNĐN số Xuân Tân Sửu 2021)…

                 Khi Đảng khuyến khích tìm tòi sáng tạo: Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.Văn học Việt Nam đã có những thử nghiệm cách tân mạnh mẽ đầu thế kỷ XXI như phong trào Thơ Trẻ, tiểu thuyết Hiện Sinh, tiểu thuyết Hậu Hiện đại…Nhà văn Đồng Nai cũng đã có những nỗ lực cách tân: Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng…

                 Nhìn chung, nhà văn Đồng Nai vẫn giữ cách viết “truyền thống”, tuân thủ những quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong sáng tạo nghệ thuật và nỗ lực “đổi mới” ngòi bút của mình. Và vì thế văn chương Đồng Nai tránh được những va vấp trong lúc giao thời [[2]].

Về nội dung, truyện ngắn Đồng Nai có nhiều mảng đề tài và đa dạng về những kiểu truyện kể. Điều này là do nhà văn Đồng Nai đến từ nhiều nguồn: từ quê hương chôn nhau cắt rốn, đến chiến trường sinh tử trở về mà trên ba lô còn đầy lửa đạn, cùng muôn vàn khó khăn buổi giao thời (1975-1990), rồi  thị trường “bung ra” làm đảo lộn mọi giá trị. Hiện thực ấy đầy ắp trong truyện ngắn Đồng Nai.

Xin đọc tập truyện ngắn Hồi ức làng Che (1999) của Nguyễn Đức Thọ: “Nguyễn Đức Thọ đã dẫn người đọc đi từ những ngày khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học (tr.117) qua Cách Mạng Tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, Điện Biên Phủ (tr.113), cải cách ruộng đất (tr.156), những ngày vào ra vào hợp tác xã (tr.183) rồi 21 năm ngày Bắc đêm Nam (tr.18) kháng chiến chống Mỹ, những ngày giúp bạn bên Cambuchia  và những ngày ta đang sống đây khi đất nước bắt đầu mở cửa (tr.278), cái thời của mỗi người phải “đóng một vai kịch cho hợp lệ với màn kịch “(tr.92)[[3]].

                 Riêng những tập truyện ngắn viết về đất nước, con người Đồng Nai, là không có nhiều (Lý Văn Sâm, Khôi Vũ).

                 Thay vào đó là những miền quê hương khác: nhà văn Bùi Quang Tú (1948-2023) viết về Hà Nội (Lời cám ơn Hà Nội), Tấn Hòai viết về Huế (Muối đỏ, Hoa Quý Lan), Dương Đức Khánh viết về Người Chợ Kệ (làng nằm trên một nhánh sông Hương, Huế), Nguyễn Một viết về Quảng Nam (Truyện ngắn Nguyễn Một, 2021),

                 Truyện ngắn đi dần vào những  sinh hoạt đời thường, đi sâu vào những số phận bất thường mà cái đời thường che lấp, từ ngợi ca-anh hùng ca, chuyển sang “tinh thần nhân văn dân chủ” hướng đến việc “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”(Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014).  

                 Xin đọc Ngày biển ấm của Hoàng Ngọc Địệp, Sương sớm của Lê Đăng Kháng, Bến hồng nhan của Đào Sỹ Quang, Người trầm lặng (các truyện: Chuyện nhà tôi, Hai anh em, Nén Nhang Ngoài Khuôn Viên, Tôi kể chuyện tôi, Người trầm lặng…)của Trần Thúc Hà…

                 Nguyễn Trí viết về chuyện hàng ngày của những người “dưới đáy” ở khắp nơi: giang hồ gặp tứ chiếng”, chuyện của những đứa “bụi đời”, “rượi chè, trai gái, hút sách” cờ bạc; chuyện đâm chém, ngồi tù, bán thân; chuyện lấy chồng ngoại lên đời. Đó là một thế giới xô bồ, nhếch nhác, và “vô chính phủ”(xin đọc: Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Trong trường gà, Về đâu hỡi người, Cạn chén đời, Bể khổ…)

                 Có thể nói, truyện ngắn Đồng Nai là những chắt lọc, những chưng cất, những nâng niu giữ gìn của nhà văn về những giá trị cách mạng và bản sắc dân tộc trong đời sống nhân dân suốt mất chục năm qua.

NHỮNG KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU

 Những ghi nhận dưới đây về các tập truyện ngắn Đồng Nai là chưa đầy đủ, và vì thế chưa thể bao quát được “sự nghiệp” truyện ngắn của mỗi tác giả, chưa thể vẽ chân dung nhà văn, càng chưa thể xác lập được những đặc điểm phong cách nghệ thuật của từng cây bút. Có chăng là, bước đầu nhận dạng khuôn mặt truyện ngắn của những nhà văn quá cố, vì sự nghiệp cầm bút của họ đã kết thúc.

   Lý Văn Sâm với những “truyện đường rừng”, những “huyền thoại”, ghi lại được hình đất nước Đồng Nai đẹp và thể hiện khát vọng độc lập tự do. Các tập truyện: Kòn Trô (1949), Rồng bay trên núi Gia Nhang (1949), Nắng bên kia làng (1949), Sương gió biên thuỳ (1950), Bến xuân (in chung, 1980)…

Hoàng Văn Bổn chủ yếu viết tiểu thuyết. Ông có ít tập truyện ngắn: Người điên kể chuyện người điên (truyện ngắn, 1992), Con nai vàng (truyện ngắn, 1996). Trong tập Người điên kể chuyện người điên, tình yêu đất nước, con người Đồng Nai, cụ thể hơn là cái làng Bình Long của tác giả, cháy bỏng nồng nàn. Ông ghi lại hình ảnh những con người, những sự tích anh hùng, những mất mát hy sinh của Đồng Nai với tất cả sự nâng niu, trân trọng từ tấm lòng của một người trong cuộc. Trang văn của Hòang Văn Bổn ướt đẫm mồ hôi, thấm từng giọt máu, từng nỗi nhục nhằn của quá khứ để lưu truyền đời đời cho con cháu một chân lý: mất nước là mất tất cả[[4]].

            Nguyễn Đức Thọ (1955-2001) đặc sắc ở những “bi kịch khốc liệt” của một thời, được viết bằng tấm lòng nhân ái. Các tập truyện: Đêm Dưới Núi Đá Chồng (1985), Ốc mượn hồn (1992),Dấu Chân Tiên (1993), Hồi ức làng Che (1999).

  Khôi Vũ có phong cách riêng về truyện ngắn [[5]]. Truyện của ông là “truyện thời sự-thế sự”. Các tập truyện ngắn chính là Già lửa (1986), Tri thiên mệnh (2001), Phù phiếm bên biển (2010). Tập truyện Đàn ống tre bên kia sông (2015) đặc biệt viết về con người Đồng Nai [[6]].

Lê Đăng Kháng có các tập: Kẻ đánh thuế đời mình (1997); Vùng sáng trước mặt (2002), Sương sớm (2014),… “Có thể nói triết lý người hiền là cốt lõi tư tưởng của tất cả các truyện trong tập Sương Sớm của Lê Đăng Kháng. Nhà văn quan tâm đến những vấn đề nhân sinh có tầm  bao quát hiện thực rất rộng. Đó là những vấn đề từ thời Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa (Sương Sớm), vấn đề anh em ở hai chiến tuyến trong Di Cư 1954, trong kháng chiến chống Mỹ trước 1975, rồi cải tạo, rồi chuyện người di tản H.O (Những Điều Chưa Hóa Giải); đến những vấn đề của đời sống đương đại”[[7]].

Phạm Thanh Quang có các tập truyện: Tình yêu thuở ấy (1993), Địa linh (2001), Tìm lại mỹ nhân (2004),..Nhiều truyện của Phạm Thanh Quang nói về người lính hôm nay: “Bây giờ, thời mở cửa, mọi chuyện đã thay đổi. Người lính phải đối đầu với một cuộc sống phức tạp, bị vây quanh bởi bao thứ tiêu cực. Một cuộc chiến đấu khác, cũng quyết liệt như xưa, cuộc chiến bảo vệ nhân cách, bảo vệ cái đẹp đẽ hào hùng của một thời”[[8]].

Nguyễn Một có các tập truyện: Tha Hương (1996), Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô (2001), Như là cổ tích (2005), Truyện ngắn Nguyễn Một (2020), và các tập truyện ngắn thiếu nhi. Ông viết nhiều về quê hương Quảng Nam. Lê Trâm nhận xét ông là người “mắc nợ ký ức”: Quê nhà Nguyễn Một thời chiến tranh là vùng đất “xôi đậu”, nơi ngày nào cũng xảy ra chiến sự, các bên giành nhau từng mét đất. Cha bị bắn chết khi ông còn trong bụng mẹ. Chưa được bốn tuổi, mẹ bị viên đạn lạc bắn ra từ một lô cốt của lính Mỹ, trút hơi thở cuối cùng khi đang ôm con ngủ… Những ám ảnh ấy chừng như khiến anh trở thành người mắc nợ ký ức, được bày biện với chính mình trong tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” (2020) [[9]].

Bùi Quang Tú (1948-2023) có tập Truyện kể của thầy hiệu trưởng (2017) gồm 10 truyện viết về cuộc sống thường ngày mà tác giả chứng kiến, ghi lại. Đó cũng là những câu chuyện cuộc sống mang tính giáo dục cao, những bài học cuộc sống đắt giá [[10]]. Xin đọc: Hơi thở mùa xuân (VNĐN số 57/tháng 11/ 2022). Cốt truyện rất đơn giản. Tác giả kể lại chuyện Phụng đến thăm Hoàng. Hai người là đồng nghiệp cũ thời 1982. Họ nhắc lại những việc của ngày xưa, thời bao cấp khó khăn, xin lỗi vì những sai lầm đối với nhau, rồi Phụng chào ra về. Vì nghiêng về Ký, truyện của Bùi Quang Tú ít tính truyện và hạn chế về chất văn chương.

            Dương Đức Khánh có các tập Người Chợ Kệ (2018), Nghệ sĩ vườn (2018), Nửa ngày chiến tranh (2019). Anh kể những “sự tích” trong dân gian, bằng ngôn ngữ dân gian, vì thế truyện của Dương Đức khánh có giọng rất riêng [[11]]. Chất giọng này chỉ phù hợp với những truyện trong Người Chợ Kệ khi anh kể những sự tích anh hùng. Ở những tập truyện khác (Nghệ sĩ vườn) truyện của anh không thành công. Dường như anh chỉ viết lại những gì đã trải nghiệm. Anh không có những truyện sáng tạo (fiction), con đường văn chương của anh ít có cách tân nghệ thuật.

Hoàng Ngọc Điệp có các tập Ngày biển ấm (2019),Xóm sông (2020). “Miêu tả

những cuộc tình và hôn nhân đổ vỡ, dưới góc nhìn của người phụ nữ về tình yêu và hôn nhân, nhà văn đã thâm nhập rất sâu vào nhiều tình cảnh gia đình, chia sẻ những đau thương bất hạnh và nói lên khát vọng tình yêu hạnh phúc của người đàn bà, bởi vì: “Chúng tôi là đàn bà, tạo vật mong manh và bất ổn”[[12]]. Truyện của Hoàng Ngọc Điệp là những truyện “hiền lành”, nhà văn nói vậy, vì không kể những sự việc dữ dội, không kể cxhuye65n ác. Truyện có khi phức tạp, xô bồ, vượt ra ngoài ranh giới của đạo đức, nhưng không miêu tả những cảnh “nóng” trần trụi, những tình tiết “nhạy cảm”…để câu view, mà hướng đến mục đích chân-thiện. Và, dù có khi nhiều lời, song truyện kết thúc “có hậu”. Thực ra đó là chất hồn hậu trong văn chương Hoàng Ngọc Điệp xuất phát từ tấm lòng nhân ái đối với cuộc đời (xin đọc Hai người đàn bà, Vợ chồng Ka Líu, Chung cư…).

Trần Thu Hằng có các truyện ngắn: Áo dài của mẹ, Cánh đồng bình yên, Cánh đồng tuổi thơ, Cầu ván ghép, Còn mãi tình anh, Con trai người mê bóng đá, Cựa gà thuốc, Đôi mắt bạc, Gió xuân, Hóa thân, Huyết yến, Nhịp song lan giãn cách, Phiện tòa, Trăng khuyết, Trăng ngự bến xuân…Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng là những truyện lịch sử và truyện tư tưởng (fiction) [[13]]. Ở hai loại truyện này, năng lực sáng tạo của Trần Thu Hằng có tính vượt trội. Hứa hẹn một ngòi bút truyện ngắn đặc sắc của văn chương Việt Nam, bởi kiểu truyện tư tưởng còn rất mỏng trên văn đàn đương đại. Trước 1975 ở Sài Gòn có các tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Xin đọc Cũng đành). Sau 1975, Nguyễn Huy Thiệp có thử bút loại truyện này nhưng không thành công (xin đọc: Muối của rừng, Sang sông…).

Nguyễn Trí viết về những người “dưới đáy” xã hội. Ông chia sẻ: “Tôi tìm thấy được lòng nhân ái, nét nhân văn trong những người ở đáy xã hội. Tôi yêu họ và viết, dù chưa hay lắm nhưng cố gắng đem tình yêu, tình thương, niềm đau và sự cô đơn của họ vào trang viết của mình.”[[14]]. Ông đã in: Bãi vàng, đá quý, trầm hương (2012), Đồ Tể (2014), Bay cao thì mặc bay cao (2016), Ảo và sợ (2016). Mặt cưa, rượu trắng, đường vàng (2018), Bên kia của ánh sáng (2019), Ma bùn, lưu manh và những câu chuyện khác (2020)…Nguyễn Trí kể chuyện “một cách tự nhiên chủ nghĩa”[[15]]. Truyện của ông chỉ có một giọng kể (là khẩu ngữ của người bình dân), một kiểu nhân vật (những người sống dưới đáy xã hội), một motip là kiểu “truyện giang hồ”. Có rất ít những yếu tố sáng tạo.  Ông viết bằng vốn trải nghiệm. Ông ít quan tâm đến chất thẩm mỹ của văn chương.

Đào Sỹ Quang đã in: Sự đời (2013); Viên đạn cuối cùng (2016), Mùa tôm sú (2017), Điều như không thể (2018), Trời đang vào thu (2019), Đối mặt (2019), Bến hồng nhan (2022). “Truyện của nhà văn Đào Sỹ Quang gửi gắm rất nhiều tâm huyết. Những năm tháng ông dầm mình trong mưa bom bão đạn ở mặt trận Quảng Trị để lại sức nóng trên từng trang văn. Cùng với sức nóng của một trái tim yêu thương con người sâu nặng, văn của ông có thể chạm đến trái tim người đọc”[[16]].

Trần Thúc Hà kể nhiều truyện thế sự [[17]]. Ông cũng tâm huyết với truyện lịch sử. Ông đã in: Trăng sáng như băng (1992), Mỹ nhân cổ (1998), Bức ảnh (2003), Nẻo khuất (2009), Người trầm lặng (2011), Ánh mắt (2015), Một tiếng chim rừng (2020). Đằng giang tự cổ (2021). Năm 2018, truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi của Trần Thúc Hà được chọn trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Ông có nhiều cốt truyện hay, song cách kể mộc mạc (cách cấu trúc truyện, lời văn chưa mới…), ít cách tân nghệ thuật, chất văn chương trong truyện của ông chưa phát huy được; trái lại, trang văn của ông đọng lại một tấm lòng với đời.

Phạm Văn Đảng viết rất hấp dẫn về người lính hôm nay trong công tác dân vận: Các truyện:

Chuyên gia bất đắc dĩ, Nấm mồ không tên, Hương ngọc lan, Hữu duyên thiên lý, Một quyết định khó khăn, Một thời khói lửa, Phải sống, Thiên lương, Trung đội phó đặc biệt…[[18]]. Truyện của Phạm Văn Đảng phản ánh được sự khốc liệt của cuộc chiến bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Cambuchia, ghi được tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc. Phạm Văn Đảng cũng có những truyện hay về người lính hôm nay trong công tác dân vận. Anh khéo lồng vào nhiệm vụ của người lính một câu chuyện tình yêu khá bất ngờ, éo le nhưng kết thúc rất đẹp. Truyện của anh tràn đầy không khí trẻ trung, vui tươi. Phạm Văn Đảng là tác giả trẻ, một ngòi bút văn chương quân đội đầy hứa hẹn.

      Dương Thu Hường mới xuất bản Bông hồng đen (tập truyện ngắn đầu tiên) gồm 18 truyện, do Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành. Hầu hết các truyện viết về hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống công nhân tại các khu nhà trọ. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp nhận xét: “Đây là sách “hiếm” về đề tài công nhân, và nó chân thực đến mức có cảm giác như truyện nào Dương Thu Hường cũng kể về… chính mìnhCó vẻ  như tác giả không để ý đến kỹ thuật viết truyện ngắn, thậm chí dấu chấm câu nhiều chỗ chưa chuẩn, nhưng Bông hồng đen lôi cuốn người đọc bởi hiện thực đời sống hết sức phong phú và cái nhìn vừa độc đáo, vừa nhân văn của tác giả [[19]].

Dương Thu Hường cho rằng viết về người công nhân trong các tông ty FDI theo khuôn mẫu “ta nhất định thắng” là rất khó. Tôi hiểu là viết theo phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa: xây dựng hình tượng người công nhân tiên tiến, đi đầu trong lao động sản xuất, dũng cảm kiên cường trong đấu tranh chống thống trị bóc lột; và có tư tưởng, tình cảm của giai cấp vô sản trong quan hệ.

Người công nhân hôm nay đã hoàn toàn khác với người công nhân thời của K.Marx. Nhà văn tâm sự: Viết về công nhân, công nghiệp trong đầu tư trực tiếp nước ngoài theo mô -tip trên không ổn. Với tôi, không thể viết. Cuộc sống công nhân đã trả rất nhiều giá đắng chát, ngậm ngùi bên tiền lương, đôi khi được cho là đắt với loại lao động phổ thông. Nhưng đích cuối cùng của công nhân khi được hỏi chỉ là về quê, vì không sống nổi ở thành phố”[[20]].

Truyện Chiếc hộp bí mật, nhà văn lên tiếng về thái độ đối với công nhân: “Chăm lo người lao động thì phải nhớ là họ đang tự do, sáng tạo chứ không phải loại gì đó với bữa ăn như có ma vầy trước, mặc dù mồng hai nào cũng cúng cô hồn long trọng như tết”[[21]].

      Trong truyện Những “kẻ cắp” thời gian, Dương Thu Hường đặt ra nhiều vấn đề về người công nhân, song tiếng nói của nhà văn không có phản hồi: “…nhà thầu muốn loại bỏ những chiến binh lâu năm, lương cao, sức khỏe giảm dần. Một loạt mâu thuẫn lớn. Nhưng chẳng lẽ cần thiết phải làm như thế sao? Người ta đã chôn vùi cả thanh xuân trong nhà máy không lẽ chỉ vì xót lợi nhuận mà đẩy họ ra đường?”; Trong xưởng có những người làm suốt ngày chỉ khoe sơn phết móng, đi dép cao gót ngất ngưởng, đeo vòng vàng trĩu tay, lông mi dán dài như mi bò”…thời gian đâu tập trung làm công việc.[21].

    Trâm Oanh viết những “Câu chuyện cuộc sống” đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần online. Đó là cuộc sống có nhiều nhếch nhác, mọi nề nếp truyền thống trở nên chệch choạc.  Con người quay quắt trong một xã hội đảo lộn. Văn của Trâm Oanh có chất hài của Nam Cao, có cách đánh vỗ mặt vào những thoái hóa đạo đức của Vũ Trọng Phụng, nhưng cũng có một tấm lòng rất giàu tình nhân ái. Năm 2023, Trâm Oanh đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân – Công đoàn với truyện ngắn “Hệ sinh thái và cánh diều của cha“. Xin đọc: Rổ ra thì phải cạp, à thương, Xương sườn thứ bảy, Lỗi của tờ tiền Polimer, Hoài không chết cho, Mẹ biết không, nơi lạnh nhất là nơi không có tình thương, Lâu lâu ngoảnh lại, Một chuyện có thật (mùa Covid)

            Hạnh Vân đạt giải thưởng Trịnh Hoài Đức với tập truyện Quán ven sông (2014). Tác giả khai thác những bi kịch và những đổ vỡ gia đình. Truyện Tổ ấm là tình cảnh người chồng đi nhậu, bị Vợ bỏ. Chồng hối hận. Anh đã đánh mất nàng từ lúc nào! Giờ không biết phải bắt đầu từ đâu cho cuộc hành trình tìm lại những gì đã mất.TruyệnTrọn nghĩa vẹn tình là một tình cảnh khó xử. Hai chị em cùng yêu một người, và em nhường chị.Tình An nhiên là một chuyện tình tay ba: An, Nhiên là hai chị em, cùng dạy một trường. Cả hai cùng yêu Thành, nhưng Thành chỉ yên An. Còn An đã thành vô cảm vì chứng kiến thảm cảnh gia đình khiến mẹ phải uống thuốc rầy tự tử. Hạnh vân có những truyện viết khéo (Quán ven sông, Trọn nghĩa vẹn tình).

            Nguyễn Duy Đồng in Ma chữ, tập truyện ngắn đầu tay năm 2023. Ma chữ có những truyện ngắn viết về hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Một số truyện phong trào, ca ngợi người tốt việc tốt [[22]] của ông đạt giải các cuộc thi: Miệt vườn quyến rũ kể chuyện những người làm kinh tế vườn ở Đồng Nai. Đời hoang kể chuyện “vua trồng bưởi”. Truyện Vương hương màu áo ca ngợi nữ công an xinh đẹp, dũng cảm cứu người mà hy sinh. Chậu mai tết ca ngợi trung úy Hoàng, phòng cháy chữa cháy, nhiểu lần cứu nạn mà bị thương.Tập truyện Ma Chữ đạt giải Văn học nghệ thuật 2023 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

NHÌN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN

          1.Nỗ lực và hiệu quả sáng tác ở từng nhà văn Đồng Nai là không đồng đều. Có người bút lực dồi dào, in nhiều tập truyện, nhưng cũng có tác giả in rất ít tác phẩm. Tính chất “truyện phong trào” lấn át tính nghệ thuật chuyên nghiệp. Có người có khả năng đổi mới cách viết nhưng cũng có tác giả giậm chân tại chỗ một cách viết đơn điệu.

            2. Truyện ngắn Đồng Nai ngày càng khai thác những đề tài đời thường, nhỏ nhặt, những chuyện trong gia đình, trong khu xóm. Đề tài Cách mạng và kháng chiến vơi dần, rất ít tác phẩm chạm tới những vấn đề lớn, vấn đề “nóng” của hiện thực.

            3. Lực lượng viết truyện ngắn nồng cốt của Đồng Nai là Chi Hội Nhà văn Đồng Nai cùng những tác giả kỳ cựu. “Thế hệ phong trào” chưa có đóng góp gì nhiều. “Văn Trẻ đồng Nai” có nhiều hứa hẹn ở tương lai. Xin đọc: Lã Hoài Mai, Đào Nguyên Thảo, Tống Thanh Tâm, Lý Thăng Long…

            4. Giá trị đặc sắc của truyện ngắn Đồng Nai là những đổi mới đóng góp vào sự phát triển chung của truyện ngắn Việt đương đại. Những “truyện đường rừng” giàu huyền thoai của Lý Văn Sâm là một “khuôn mẫu” không dễ có người kế tục. Nguyễn Đức Thọ viết những bi kịch khốc liệt của một thời, đó là những truyện bi kịch nằm trong số những truyện ngắn hay nhất của văn chương Việt đương đại. Kiểu truyện “thời sự-thế sự” của Khôi Vũ là một cách khai thác chất liệu hiện thực, cho nhà văn một khả năng vô hạn của sự sáng tạo. Kiểu chuyện tình lãng mạn đầy bi kịch của Nguyễn Một đem đến sự mới mẻ cho kiểu truyện tình “truyền thống” Việt Nam (Tự Lực Văn Đoàn, những chuyện tình kháng chiến…). Kiểu truyện tư tưởng của Trần Thu Hằng là một hướng phát triển góp phần lấp đầy khoảng trống tư tưởng (chữ của Nguyễn Huy Thiệp [[1]]) trong văn học Việt…

Những đổi mới thi pháp truyện ngắn này vừa khẳng định tài năng khám phá sáng tạo của nhà văn, vừa làm nên một diện mạo riêng cho truyện ngắn Đồng Nai.

Tháng 7/2023


[1] Nguyễn Huy Thiệp-Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn

    http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c369/n25390/Khoang-trong-ai-lap-duoc-trong-tu-tuong-nha-van.html

***


[1] Trường Chinh-Về Văn hóa nghệ thuật-Tập 1-Nxb Văn học 1985. Tr.115  (Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.1948)

[2] Những yếu kém: “Đời sống văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.” (Nghị quyết Trung ương 5.)

[3] Bùi Công Thuấn-Hồi ức làng Che: sự thăng hoa của những nỗi đau bi kịch

https://buicongthuan.wordpress.com/2023/07/26/nguyen-duc-tho-hoi-uc-lang-che/__

http://buicongthuan.vn102.space/?p=6332121&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[4] Nguồn: Bùi Công Thuấn-Nhà văn Đồng Nai. Nxb HNV. 2018

 http://buicongthuan.blogtiengviet.net/2021/07/30/nha_v_n_hoang_v_n_b_n_ng_i_ien_k_chuy_n_

[5] Truyện ngắn Khôi Vũ. Nguồn: Bùi Công Thuấn-Nhà Đồng Nai-Nxb HNV 2018

http://buicongthuan.vn102.space/?title=nha_v_n_khoi_v_truy_n_ng_n&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[6] Bùi Công Thuấn-Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ    https://buicongthuan.wordpress.com/?s=%C4%90%C3%A0n+%E1%BB%91ng+tre+b%C3%AAn+kia+s%C3%B4ng

[7] Bùi Công Thuấn-Triết lý người hiền (Đọc Sương sớm của Lê Đăng Kháng)

    Nguồn: Hoa đỏ bên sông-Nxb HNv 2014:

    http://nvledangkhang.blogspot.com/2012/12/bui-cong-thuan-oc-suong-som-cua-le-ang.html

[8] Bùi Công Thuấn-“Phạm Thanh Quang-Một tấm lòng người lính”:

    http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_thanh_quang_m_t_t_m_long_ng_i_&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[9] Lê Trâm-Nhà văn Nguyễn Một, người mắc nợ ký ức

https://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/nha-van-nguyen-mot-nguoi-mac-no-ky-uc-109773.html

[10] Chuyện kể của thầy hiệu trưởng

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/print.aspx?NewsId=1654

[11] Bùi Công Thuấn: Người Chợ Kệ và Cá tình sáng tạo:

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=1914&CatId=83

[12] Bùi Công Thuấn-Ngày biển ấm, tình yêu và khát vọng.

https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/ngay-bien-am-tinh-yeu-va-khat-vong-2981260/

[13] Bùi Công thuấn-Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng:

https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/dac-sac-truyen-ngan-tran-thu-han

Đặc sắc truyện ngắn Trần Thu Hằng

[14] Nguyễn Trí-Ngoi lên từ đáy: https://www.khaitam.com/van-hoc/van-hoc-viet-nam/ngoi-len-tu-day

[15] Chủ nghĩa tự nhiên-lytuong.net: https://lytuong.net/chu-nghia-tu-nhien/ : “chủ nghĩa tự nhiên lạm dụng các chi tiết đời sống, coi chi tiết là mục đích của nghệ thuật. Chính Zola cũng đã từng thừa nhận rằng “bức tranh mà tôi miêu tả, đơn giản chỉ là phân tích một mẩu hiện thực như vốn nó đã tồn tại. Tôi chỉ việc xác nhận”. Chủ nghĩa tự nhiên quan niệm rằng, không cần phải chọn lọc các chi tiết của đời sống, các chi tiết bản thân nó đã là bản chất, người viết chỉ cần lắp ghép các chi tiết đó một cách trần trụi tự nhiên như nó vốn có đã là nghệ thuật rồi”(Phạm Phú Phong-Giáo trình tiến trình văn học)

[16] Bùi Công Thuấn-Đào Sỹ Quang một cốt cách văn chương.

https://buicongthuan.wordpress.com/2023/06/07/nha-van-dao-sy-quang-nhung-net-dep-cua-mot-cot-cach-van-chuong/

[17] Bùi Công Thuấn-Nhà văn Trần Thúc Hà-“Một tiếng chim rừng”

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2437&CatId=87

[18] Bùi Công Thuấn-Nhà văn Phạm Văn Đảng và người lính hôm nay:

    http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_ph_m_v_n_ng_va_ng_i_linh_hom_nay&more=1&c=1&tb=1&pb=1

[19] Hoàng Ngọc Điệp-Dương Thu Hường, Bông hồng đen đáng trọng

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2137&CatId=87

[20] Dương Thu Hường- “Công nhân viết văn và văn học viết về công nhân

    http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2400&CatId=83

[21] Tuyển tập Đồng Nai hành trình ra biển lớn. Nxb Đồng Nai. 2018.tr.194; tr.201).

[22] Bùi Công Thuấn-Nguyễn Duy Đồng-Ma chữ

    http://buicongthuan.vn102.space/?title=vh_n_nguy_n_duy_ng_ma_ch&more=1&c=1&tb=1&pb=1

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok