NHÀ VĂN và “NHỮNG CÁI KHÓ”

NHÀ VĂN và NHỮNG CÁI KHÓ

Bùi Công Thuấn

 

 

Năm 2014 có lẽ là một năm yên ả của văn chương Việt Nam (*). Các trại sáng tác được tổ chức khắp các Hội Văn nghệ và gặt hái được nhiều tác phẩm theo yêu cầu của trại. Các diễn đàn văn nghệ không còn ồn ào xô bồ. Các giải thưởng văn chương không gây được mấy sự chú ý. Những bài điểm sách xuất hiệu đều trên các tạp chí, đơn thuần là giới thiệu sản phẩm. Có một chút khí sắc bừng lên trên trang văn khi Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt nam, nhưng sau đó lại trở về trạng thái yên ả. Nhà phê bình thì giữ sự im lặng (do tính cẩn trọng hay không có gì hay để viết?)

 

1.Thua ngay trên sân nhà

 

Hãy nhìn vào thị trường âm nhạc, Kpop làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình và trên thị trường âm nhạc Việt. Họ sử dụng các nhóm ca sĩ trẻ đẹp, khoe những cặp đùi gợi cảm, phô bày những model đầu tóc, quần áo đủ kiểu, khai thác đủ mọi động tác nhảy nhót và sử dụng những ca khúc sinh động trữ tình. Nhìn họ trình diễn, người ta thấy một vẻ đẹp trẻ trung, yêu đời, tràn đầy sinh lực và có sức thu hút. Điều mà họ đã tạo ra là họ chiếm lĩnh thị trường, khiến cho các ca sĩ Việt Nam cả nam và nữ phải chạy theo họ và trở thành nô lệ của họ, tiếp tay truyền bá văn hóa Hàn. Ca sĩ Việt Nam cũng trang điểm những kiểu đầu tóc, quần áo, khoe đùi khoe mông, cũng nhảy nhót chóng mặt và rập khuôn giai điệu Hàn. Những vụ án “đạo” nhạc rùm beng vừa qua là hậu quả tất yếu của cuộc “xâm lăng văn hóa” này. Phim ảnh Hàn cũng tạo ra những model lấn sân điện ảnh Việt Nam. Một dàn sao đẹp, một chuyện tình lãng mạn, những góc quay gợi cảm, đủ thu hút người xem. Và rồi phim Việt Nam cũng theo motip ấy. Người ta đã nói đến “quyền lực mềm”. Văn hóa văn nghệ trở thành thứ quyền lực vô hình tạo ra ảnh hưởng trong nhận thức thẩm mỹ, tư tưởng, lối sống và tiền bạc. Ca nhạc, phim ảnh Hàn đi trước và hàng hóa Hàn đi sau. Người Hàn đã cạnh tranh quyết liệt và chiếm lĩnh thị trường một cách ngoạn mục. Họ tạo ra một lớp công chúng (Fan) mê cuồng Kpop và model Hàn, đến độ có cô gái nọ đã quỳ hôn trên chiếc ghế Bi Rain ngồi!!!

 

Nhiều người đã bị choáng khi nhìn vào bảng sách bán chạy ở hội chợ sách Tp HCM 2014.

 

TOP 10 TỰA SÁCH BÁN CHẠY NHẤT TẠI HỘI CHỢ SÁCH TP HCM

Lần thứ 8, năm 2014

 

1.Buồn Làm Sao Buông– Anh Khang

2.Hỏa Ngục – Dan Brown

3.Chúc Một Ngày Tốt Lành– Nguyễn Nhật Ánh

4.Người Yêu Cũ Có Người Yêu Mới– Iris Cao

5.Thám Tử Conan tập 80-Gosho Aoyama

6.Đảo– Nguyễn Ngọc Tư

7.Cho Tôi Xin Một vé Đi Tuổi Thơ-Nguyễn Nhật Ánh

8.Đắc Nhân Tâm– Dale Carnegie

9.Thương Nhau Để Đó-Hamlet Trương

10.Nếu Như Không Thể Nói Nếu Như-Jun Phạm

 

Người ta bị “choáng” bởi vì trong danh sách Top Ten sách bán chạy ấy, ngoại trừ Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, không có sách của các nhà văn “cây đa cây đề”của làng văn Việt Nam, cũng không có cuốn nào được giải thưởng văn chương của các Hội VHNT, trái lại xuất hiện trong Top này là những tên tuổi còn rất lạ. Họ sáng tác không vì văn chương, nói như Anh Khang :” Sau khi tình yêu tan vỡ tôi rơi vào trạng thái rất buồn và hụt hẫng. Thế là tôi viết  những cảm xúc này lên facebook. Nhiều người đọc được và đồng cảm nên khuyên tôi tổng hợp lại thành một quyển sách. Thế là Ngày trôi về phía cũ được in và phát hành. Lúc đó, tôi vẫn còn chút gì đó trẻ con, giận dỗi và muốn người yêu cũ thấy rằng ai là người có lỗi trong cuộc chia tay này. Nói một cách nào đó, tác phẩm đầu tiên ra đời như một cách để “dằn mặt” người ấy”(1) Và người ta nói đến “Hiện tượng văn học rẻ tiền lên ngôi”.(2)

 

Trên thị trường sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít cho những linh kiện điện tử, tất phải nhường sân cho thiên hạ. Cũng vậy, khi các nhà văn Việt Nam không đáp ứng “thị trường văn chương” của ngày hôm nay, thì việc “người viết văn không vì mục đích văn chương” chiếm lĩnh thị trường là điều tất yếu. Bởi bây giờ là kinh tế thị trường. Văn chương cũng là một loại hàng hóa, chịu quy luật của thị trường.

 

Nhà văn thua ngay trên sân nhà. Thua đau mà không kêu được tiếng nào! Đây đó cũng có vài tiếng nói “gay gắt” của người cầm bút, còn nhà phê bình thì “im lặng”.

 

  1. Văn chương thị trường (3)

 

Dường như các nhà văn rất ngại khi nói đến “văn chương thị trường”, bởi có người cói đó là thứ “văn chương rẻ tiền”, hoặc nó là loại văn chương không chính danh, vì không được nói đến trong “kế hoạch” của các Hội Văn nghệ, của các trại sáng tác.

 

Nhưng nhìn vào những năm qua, đã có lúc văn đàn Việt Nam ồn ào về văn chương sex, về vụ án, về đồng tính, về lối sống thác loạn… thì đó chính là văn chương thị trường (xin cho phép tôi không nêu tên tác phẩm, tác giả ở đây, vì sự ồn ào đã quá đủ)… Nhà văn viết loại tác phẩm này rõ ràng là chạy theo thị hiếu của công chúng (?) (Có cả nhà văn nữ lớn tuổi cũng viết về sex, nhưng là viết cho bạn trẻ đọc, còn nhà văn lại cấm con gái mình đọc!). Và gần như hình thành một công thức. Tác phẩm phải có sex (sex trần trụi), có bạo lực, có ăn chơi, có tình huống lâm li, thì mới hợp “khẩu vị” của người đọc trẻ hiện nay? Nhưng khi người đọc trẻ đã “ngấy” văn chương sex thì họ bỏ rơi ngay loại “tác phẩm” này. (Thực ra, trên net, những phim sex đồi trụy đầy dẫy, người trẻ chỉ cần một cái chạm tay là lưu vào điện thoại di động, và xem bất cứ lúc nào, sướng hơn là đọc sách)

 

Hãy bỏ qua những thứ “rác” văn nghệ ấy (thơ rác, nhạc rác…) và bình tâm để nhìn vào “văn chương thị trường”xem vấn đề của văn chương Việt Nam hôm nay là gì?

 

Kinh tế thị trường là một hệ thống mở, nó cho phép mọi người đưa hàng hóa của mình đến với công chúng một cách bình đẳng (mọi người cầm bút đều có thể in và công bố tác phẩm). Tất nhiên kinh tế thị trường vận hành theo luật pháp, đồng thời theo luật cung cầu. Động lực của nó là sự cạnh tranh. Mục tiêu của nó là thương hiệu và lợi nhuận. Yếu tố quyết định của một sản phẩm được thị trường chấp nhận là yếu tố chất lượng và giá thành. Kinh tế thị trường đem đến sự dồi dào các sản phẩm đủ loại, đáp ứng cho nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp khách hàng. Do cạnh tranh, hàng hóa ngày càng được nâng chất lượng, giá thành ngày càng hạ xuống, phục vụ được đông đảo công chúng (thị trường Smart phone là một thí dụ). Nói cách khác, cả những đối tượng có thu nhập thấp cũng được hưởng thụ những giá trị của khoa học công nghệ, của văn hóa nghệ thuật.

 

Văn chương thị trường” cũng vận hành theo những quy luật ấy. Do chịu ảnh hưởng các trào lưu thị trường, người cầm bút không thể thoát ly sự trói buộc của thị trường. Đối tượng của người cầm bút là công chúng, nhất là công chúng trẻ, thích giải trí. Vì thế những chương trình hài luôn đắt show. Những Game show như “ơn giời, cậu đây rồi!”(Thank God! You’re here) nhanh chóng thu hút lượng người xem đông đảo. Điều này có thể hiểu, bởi người trẻ hôm nay sống thực dụng. Họ quay quắt trong công việc. Họ cần xả tress, cần cái gì đó vui vui, giải trí, không phải nặng đầu nghĩ ngợi, để sau một ngày làm việc, họ lấy lại sức ngày mai đi làm. Tất cả chỉ là để giải trí, rồi bỏ vào quên lãng. Văn chương nghệ thuật trở thành thứ thực phẩm ăn nhanh. Thử qua, cái nào hợp khẩu vị thì chọn, không thích thì không quan tâm. Chẳng ai bắt họ phải ăn món này, món kia. Vì thế đừng ái ngại khi những tác phẩm đạt giải Văn chương Nobel trên kệ sách chịu đóng bụi với thời gian, trong khi những sách ngôn tình Trung quốc, truyện tình cảm lãng mạn lại được đón nhận. Ta có thể hiểu Buồn Làm Sao Buông, Thương Nhau Để Đó, Người Yêu Cũ Có Người Yêu Mới, Nếu Như Không Thể Nói Nếu Như lọt vào Top ten là điều bình thường, và “hiện tượng ca sĩ Lệ Rơi” là một đỉnh điểm giải trí.

 

  1. Cái khó của nhà văn

 

Xin đừng nghĩ rằng “văn chương thị trường” là bình dân,“rẻ tiền”, và đơn thuần là giải trí, là thứ hàng hóa dùng xong thì bỏ vào sọt rác. Hãy nhìn vào sự thành công của Harry Potter, Mật Mã Da Vinci để suy gẫm. Hãy nhìn vào ảnh hưởng của Kpop, của phim ảnh Hàn, của văn hóa Mỹ đối với giới trẻ hôm nay (cuộc thi The Voice-Giọng Hát Việt, nhưng thí sinh toàn hát nhạc Mỹ).. Nhà văn Việt Nam đã bỏ trống sân chơi của mình cho người khác chiếm lĩnh và làm mưa làm gió! Cũng lại nhìn vào một thực tại khác của văn nghệ là, những ca khúc bình dân viết bằng điệu Boléro trước 1975 mà người ta quen gọi là nhạc “sến”, đến nay vẫn sống rất mạnh. Những ca sĩ có tên tuổi hôm nay đều hát lại các ca khúc này để tự khẳng định mình (xin thử nghe Lệ Quyên). Văn chương thị trường có giá trị của nó, đã đến lúc cần được nhận thức sâu sắc hơn.

 

Cái khó của nhà văn Việt Nam là, những ai đã quen viết theo kế hoạch, viết theo chủ đề của các trại sáng tác, viết bằng trải nghiệm bản thân trong quá khứ mấy chục năm trước, thì không thể viết theo thị trường. Bởi nhà văn không có “vốn sống” của đời sống thị trường, không có khả năng “nghiên cứu thị trường”, càng không thể thích ứng với sự vận động rất nhanh của thị trường do sự tác động của nhiều yếu tố văn hoa khác (Phim ảnh và các phương tiên truyền thông). Thị trường có sự cạnh tranh và sàng lọc gay gắt. Trong muôn vàn cái xô bồ, nhảm nhí, rác rưởi thì rồi cũng sẽ xuất hiện những giá trị. Văn chương thị trường không cần đến nhà phê bình. Công chúng mới là người đánh giá. Họ sẽ cổ vũ hay “ném đá” ngay lập tức những gì trái với cảm nghĩ của họ. Rất cảm tính, bởi thưởng thức nghệ thuật luôn là cảm tính. Bây giờ, các cuộc thi Game show đều lấy phiếu của khán giả bình chọn làm một tiêu chí trao giải. Nhà xuất bản sẽ chỉ in những cuốn sách nào bán được nhiều ấn bản. Tất nhiên viết theo thị trường thì người cầm bút chỉ nhắm tới danh tiếng và lợi nhuận. Để đạt điều này thì việc tiếp thị sản phẩm (PR) là điều quan trọng.

 

Nhà văn Việt Nam viết tác phẩm, vừa muốn được nổi tiếng và có thu nhập, đồng thời lại là “tác phẩm để đời”, thì điều này là không tưởng trong văn chương thị trường. Nhà văn thị trường đừng mơ tưởng tác phẩm của mình được ghi vào văn học sử như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp…

 

Tuy nhiên, nếu nhà văn có thực tài, thì vẫn có thể tạo ra những giá trị riêng cho mình. Nguyễn Nhật Ánh là một ngòi bút gặt hái được nhiều thành công là vậy.

 

4.Một nền văn học “có ý thức”

 

Nói văn chương thị trường không có nghĩa là một cái chợ người cầm bút muốn viết gì thì viết mà cần góp phần “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân”, “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ”.

 

Một nền văn chương đích thực là nền văn chương có ý thức sáng tạo tiến bộ. Tôi kính trọng những nhà văn có lý tưởng cao đẹp và dấn thân cho lý tưởng ấy. Thế hệ nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những người “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”(những Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân…), vừa chiến đấu vừa viết, đã để lại những giá trị cho dân tộc. Họ xứng đáng được tôn vinh và ghi vào lịch sử văn học. Nhà văn thị trường không bao giờ có thể đạt tới những giá trị này.

 

Mỗi thời có bối cảnh riêng, có công chúng riêng, có thị hiếu thẩm mỹ riêng. Người trẻ hôm nay có thể biết Tự Lực Văn Đoàn, nhưng sẽ chẳng còn ai đọc Nhất linh, Khái Hưng như những tác giả có sách “gối đầu giường” như những năm 1930 của thế kỷ trước. Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới trước 1945; thế hệ nhà văn-chiến sĩ trong kháng chiến và cả thế hệ nhà văn thời Đổi Mới (1986) đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Giờ đây trách nhiệm “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ” đang đặt trên vai thế hệ những người cầm bút trẻ. Tôi đã thấy xuất hiện nhiều tài năng, song tác phẩm của họ chưa ngang tầm với yêu cầu của thời đại. Tôi hiểu những khó khăn của họ. Nhưng tôi có quyền hy vọng.

 

Tháng 12. 2014

 

 

 

 

 

 

 

(*) Tiểu Quyên http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-chuong-im-ang-20140305214440676.htm

 

  1. http://motthegioi.vn/ireport/tiet-lo-gay-soc-cua-nha-van-tre-anh-khang-toi-in-sach-de-dan-mat-nguoi-yeu-cu-57148.html
  2. Nhật Minh-Thể Thao Văn Hóa : http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=19866
  3. Lam Thu-  http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=19629 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok