DẠO QUA CHỢ SÁCH 2014 CỦA NGƯỜI VIẾT TRẺ

DẠO QUA CHỢ SÁCH 2014 CỦA NGƯỜI VIẾT TRẺ

Bùi Công Thuấn

Năm 2014 đã đi vào quá vãng, nhưng đời sống văn chương trẻ vẫn ào ạt như sóng tràn tới. Tôi đã dạo qua chợ sách của người viết trẻ và thực sự ngạc nhiên về sự hùng hậu của một lực lượng viết sung sức, tự tin khẳng định trang văn của mình. Hiển nhiên chính họ đã đáp ứng một phần nhu cầu tinh thần của người trẻ hôm nay, và chính họ đang tác động vào nhận thức, lối sống của người trẻ cả mặt tốt và mặt xấu. Cũng chính họ tạo nên sân chơi riêng, Tác phẩm của họ tạo nên dòng văn chương thị trường song song với “văn chương chính thống”. Chẳng hạn September Rain là admin mảng thơ của trang Facebook mạng xã hội Văn học có gần 800.000 người ái mộ. Tuy nhiên, tác phẩm của họ được đánh giá là : tác phẩm văn nghệ thị trường câu khách, rẻ tiền so với “…những tác phẩm theo dòng chủ lưu, chính thống ít được tuyên truyền, phổ biển rộng rãi”(1). Sự xuất hiện của họ đặt ra nhiều vấn đề thú vị đáng để những người có trách nhiệm quan tâm.

1.Chợ sách

Tôi gọi là “chợ sách” vì ở đây lẫn lộn sách văn chương và không văn chương. Sách được tiếp thị như một sản phẩm hàng hóa bằng rất nhiều hình thức và nhiều phương tiện, trong đó có cả hội sách. Trước tiên, tác giả phổ biến tác phẩm và thông tin trên mạng xã hội để tìm fans (người ái mộ), sau đó in thành sách. Sách in xong, tác giả hoặc nhà xuất bản tổ chức một buổi ra mắt sách ở một điểm nào đó, hoặc ở một quán cafe có đông bạn bè và các fan tham dự. Chẳng hạn, buổi ra mắt tập thơ Nỗi nhớ không may tìm đến của Nguyễn Bảo Giang được tổ chức tại hội trường Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học của Việt Nam tham dự và phát biểu ý kiến. Sau đó, những cuốn sách đã ra mắt được giới thiệu khá nhiều trên các trang mạng xã hội, kể cả các trang rao bán sách trực tuyến. Trước đây, tác giả Gào ra mắt tiểu thuyết Tự Sát (2011) cùng với trailer của bộ phim chuyển thể cùng tên, có sự góp mặt của 2 mỹ nam thành viên boyband 365. Tác giả này phát biểu về chiến lược quảng bá sách của mình:Thay vì bị động đợi chờ, tại sao không chủ động làm mới mẻ văn chương bằng việc đi thêm nhiều con đường khác nữa cho một tác phẩm. Làm độc giả thích thú, đó là nhiệm vụ của tôi. Khiến cho họ yêu thích, cũng làm cho tôi hạnh phúc.

Trên các trang mạng, sách được giới thiệu bằng những lời mời gọi có sức lôi cuốn sự chú ý của người đọc. Đại thể như thế này :

Tác phẩm mới ra mắt đã cháy hàng tại Hội sách tại TP.HCM thời gian qua; sách nằm trong top 12 cuốn sách Việt Nam bán chạy nhất năm; Tập tản văn đầu tay… với lượng tái bản lên tới 20.000 bản, tác giả tiếp tục trình làng tập truyện ngắn thứ hai. Cuốn này khi mới nằm ở dạng bản thảo đã trở thành sách best-seller vì có đơn đặt hàng trước gần chục nghìn bản; Tập sách như những cuốn cẩm nang dành cho lứa tuổi ô mai ngốc nghếch; Tác giả là một blogger đình đám và được cộng đồng mạng phong danh là “nhà văn hotgirl”. Trước khi tiểu thuyết phát hành, 6 chương đầu được tung lên mạng đã thu hút hơn 2 triệu lượt view chỉ trong vòng 1 tháng.

Đây là lời PR cho một tác giả trẻ làm thơ :” Nếu được quyền chọn một trong những gương mặt thơ trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất đầu thế kỷ 21, tôi không thể quên … Nhà thơ trẻ tài hoa … này đang làm sôi sục giới trẻ yêu thơ trong cộng đồng mạng, mang lại cho thơ một lượng độc giả giàu tiềm năng, và hơn hết, anh đang góp phần chứng minh rằng thơ vẫn có sức sống mãnh liệt bằng tâm thế và vẻ đẹp riêng mình giữa thời đại bùng nổ nhiều loại hình công nghệ giải trí”. Giới thiệu một tác giả truyện ngắn :”…(tác giả) đã làm một chuyến hành trình táo bạo khám phá những địa hạt mới của nghệ thuật viết truyện ngắn và thổi một làn gió mới vào đời sống văn học Việt Nam đương đại”, và không thiếu những lời quảng cáo đầy kích thích :” Trong 10 năm qua, câu chuyện về nàng công chúa chiến thần Anastasia của Huyền thoại Porasitus đã trở thành một trong những truyện mạng Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với hơn 100 website đăng tải, hàng chục nghìn kết quả tìm kiếm trên Google và có xấp xỉ 2 triệu lượt xem, từng gây ra một cuộc chiến đòi bản quyền và lên án nạn sao chép đầy “nóng bỏng” vào năm 2008 giữa diễn đàn Vnfiction với các trang mạng ăn theo khác”; Cuốn sách sẽ mang đến cho độc giả những giây phút thư giãn thoải mái và những mới mẻ trong từng lời dẫn truyện

Đã là chợ, nơi mua bán theo nhu cầu và thị hiếu, có trả giá, có giảm giá, có người khen, kẻ chê. Đa phần comments của các fan là khen, nhưng cũng có những lời nhận xét như thế này : Một bạn đọc có Nick là Một Nhành Hoa (Hải Phòng) gửi comment cho Blog của May – 16/10/2014 : “Đọc rồi. Thấy nản. Chả biết bịa hay thật. Những chuyện tương tự đã đăng đầy trên các báo lá cải, có thể xào lại. Còn nếu là chuyện thật thì tác giả dũng cảm đấy, chả biết chồng hoặc người yêu nghĩ gì khi kể một lô một lốc chuyện giường chiếu của quá khứ ra”. Hamlet Trương và Iris Cao được giới thiệu : Là hai cây bút ăn khách của làng sách trẻ hiện nay, các tác phẩm của Hamlet Trương và Iris Cao được làng xuất bản săn đón. Trong ba năm qua, Hamlet Trương đã có tới 150.000 bản sách (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay), còn Iris Cao cũng chạm con số 100.000 bản sách được bán ra. Bởi thế, con số 20.000 bản Ai rồi cũng khác phát hành trong lần in đầu tiên là lớn, nhưng không phải là sự bất ngờ với sách của Hamlet Trương”. Bài giới thiệu trên (http://giaitri.vnexpress.net ngày 19.09.2014) có 3 độc giả gửi comment như sau : Comt của Văn Long :”Người nước nào vậy ta”. Comt của Trí Vũ :”Cứ nhàm nhàm thế nào ấy”, và comt của btlong 10119 :”Đọc văn của Iris Cao, tôi nhận ra một thứ cảm xúc mông lung, kết cấu lỏng lẻo, bút pháp nhạt nhẽo, sự nghèo nàn về câu cú còn ngôn từ quá nhàm chán. Ưu điểm lớn nhất và hình như cũng là khuyết điểm là những dòng suy nghĩ…”

Bỏ qua những ồn ào quảng cáo, tôi ghi nhận được đôi điều.

Cửa hàng Thơ:

  1. September Rain (Phạm Thư), Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu.
  2. Lương Đình Khoa, Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người.
  3. Nguyễn Bảo Giang, Nỗi nhớ không may tìm đến.
  4. Nguyễn Phong Việt, Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn.
  5. Sang Ngô, Điểm tựa, tập thơ đầu tay
  6. Nồng Nàn Phố, Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chng.

7.Trần Huy Minh Phương, Gió mặn.

  1. Nhóm tác giả “nổi tiếng” trên mạng : Du Phong, Bích Nga, Lai Ka, Ngọc Anh, Nguyễn Hải Nhân, Đỗ Thành Nam, Cô Độc Quỷ Vương, Lan Anh…Nguyễn Thu Thủy, Vân Jenny, Trần Thành Vinh : Yêu đi thôi, muộn lắm rồi” tuyển tập thơ.

 

Cửa hàng Truyện ngắn-tạp văn

  1. Hamlet Trương, Tay tìm tay níu tay (2013), gồm 30 tản văn.
  2. Iris Cao, Người yêu cũ có người yêu mới, 30 tản văn, hình thức nhật ký online.

Đã in : Thương nhau để đó (2012)

  1. Hoàng Yến Anh, Chỉ cần thôi một cái nắm tay, tản văn.
  2. May (Nguyễn Thị Hồng Phượng), Blog của May Đừng chỉ hôn lên môi. 50 bài viết

“gây bão” trên mạng.

  1. Khúc Cẩm Huyên, Ai cho em nằm trên? tản văn.
  2. Hot blogger Gia Đoàn, Yêu người yêu người ta, gồm 60 bài viết, tác phẩm đầu tay.
  3. Hạ Chi, Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình, tản văn-truyện ngắn.

8.Trung Nghĩa, Yêu nhau để cưới, gồm cả truyện, tùy bút, tạp văn và thơ. Top 12 cuốn sách

Việt Nam bán chạy nhất năm 2013

  1. Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn), Yêu là yêu, thế thôi! Tạp văn, cẩm nang yêu cho tuổi

ô mai. Đã in : Bởi Sài Gòn nhiều nắng. Hết hôm nay là đến hôm qua, Mắc kẹt ở thiên

   đường, Thành phố của những linh hồn lạc.

  1. Anh Khang, Đường hai ngả – Người thương thành lạ, tập truyện ngắn.

11.Trần Việt Anh, Thư ngày gió ấm, Bùa Yêu, tập truyện ngắn.

  1. Cấn Vân Khánh, Hoa hồng và rượu vang, tập truyện ngắn. Đã in : Lỗi tại đàn ông, Chàng hề của em” (1998) “Vết son trên môi anh”.
  2. Đinh Phương, Những đứa con của Chúa trời, tập truyện ngắn.
  3. Hân Như, Chi Chan, Shino, Bùi Cẩm Linh, Born, Võ Anh… truyển tập Giữa chúng

     mình từng có một tình yêu.

15.Nguyễn Thu Thủy, Mắt híp và môi cuốn lô, tập truyện ngắn.

  1. An Nhiên, Cho anh thêm một ngày nữa để yêu thương, tập truyện ngắn đầu tay.
  2. Trần Lê Ngọc Bích, Phía sau một cô gái, tập truyện ngắn.
  3. Phan Ý Yên, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi , tản văn và truyện ngắn. Top 12 cuốn

sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2013

  1. Dương Thùy, Đến lượt em tỏ tình, tập truyện ngắn.
  2. Dương Thùy và Phương Nhung, Giá quay ngược được chiều năm tháng,tập truyện

ngắn

  1. Hà Mạnh Luân, Vũ điệu yêu, tập truyện ngắn.
  2. Hạnh Nguyên, Những thiếu thời lơ lửng, tập truyện ngắn.
  3. Mayy, Bầu trời nhìn ngược, tập truyện ngắn, đã in :Miss Mèo, Mail lạ, Chàng trai bí

     ẩn, Quý cô Horoscope.

  1. Lưu Quang Minh, Em, Facebook và tôi. Tập truyện ngắn.
  2. Minh Moon, Thực ra, em đã rất nhớ anh, tập truyện ngắn. Đã in : Nụ hôn bánh mì, Có

     ai yêu em như anhHạt hòa bình.

  1. Minh Nhật, Lạc lối giữa cô đơn, tập truyện ngắn. Đã in : Sự lựa chọn của bầu trời,

     Bỗng một ngày đẹp trời, Hà Nội chờ, Một chút mỗi ngày, Nơi cơn gió ngừng chân,

     Những quân cờ Domino, Café yêu.

  1. Phạm Tử Văn, Cát nổi, gió bay, tập truyện ngắn.
  2. Ray Đoàn Huy, Im lặng để yêu tập, truyện ngắn.
  3. Tuệ An, Soirée trắng không dành cho búp bê hư, tập truyện ngắn.
  4. Khiêm Nhu, Ngôi nhà không cửa sổ, tập truyện ngắn.
  5. Đào Phạm Thùy Trang, Ví dầu cầu ván, tập truyện ngắn.
  6. Phương Rong , Thỏa hiệp với dịu dàng, tập truyện ngắn.
  7. Lạc Hi, CaDe, Hạc Xanh (bộ ba tác giả), Chúng ta đã đi qua nhau như thế. 60 tản văn.
  8. Trần Trà My, Yêu trên từng ngón tay,2013, tập truyện ngắn đánh dấu 10 năm viết sách.

Đã in: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân.

  1. Tiểu Quyên (Bùi Thị Thanh Quyên), Cỏ đồi phương Đông(2014).Tập truyện ngắn.

Đã in: Đi ngược chiều thương (2008), Con tàu đi tìm sân ga (2012).

  1. Ploy (Trần Lê Ngọc Bích), Cố chấp yêu, là những bức thư tình lãng mạn. Đã in : Phía sau một cô gái; – Dạ khúc; – Các tập truyện Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi (Đồng tác giả)

Cửa hàng Tiểu thuyết-Truyện dài

  1. Gào (Vũ Phương Thanh), Hoa Linh Lan, tiểu thuyết. Đã in : Cho em gần anh thêm chút

   nữa, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho, Ký ức

   Northumbria, Tự sát, Nhật ký son môi.

  1. Dung Keil, Yêu như một cái cây, truyện dài.
  2. Trang Neko, Nắng về phía ấy, tiểu thuyết đầu tay
  3. Linh Lê, Không khóc ở Kuala Lumpur, tiểu thuyết. Đã in : Mùa mưa ở Singapore,

Người tình Sài Gòn.

  1. Annie Vũ (Vũ Thái An), Ngoại tình, tiểu thuyết 16+ Tự sự của một gái hư.
  2. Chúy (Trần Diệu Thúy), Hãy để anh vào tầm mắt của em, tiểu thuyết.
  3. Đặng Thiều Quang, Săn cá thần (2013) tiểu thuyết hiện thực huyền ảo. Đã in: Hoen gỉ

   (1996), Chờ tuyết rơi (1997), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhận (2009), cùng các

   tập truyện Tôi và D’ Artagnan (2007), Phải lòng (2009).

  1. Hạc Xanh (Trần Thị Tuyết Trinh), Ai sẽ mang giày cao gót cho em, tiểu thuyết.
  2. Hàn Băng Vũ, Chỉ là yêu thôi mà, Không gì ngăn cách nổi tình yêu , tiểu thuyết.
  3. Hân Như, Điều bí mật, tiểu thuyết. Đã in : Chỉ có thể là yêu (2011), Yêu không hối

       tiếc(2012), Giấu anh vào trong nỗi nhớ của em đi(2012).

  1. Hồng Linh, Anh vẫn ở đây, tiểu thuyết.
  2. Hồng Trân, Dương cầm câm lặng, truyện dài đầu tay.
  3. La Nguyễn Quốc Vinh, Ê-Đen xa vời, tiểu thuyết hư cấu.
  4. Mèo Xù (Nguyễn Thị Thắm), Đừng chết vì yêu, tiểu thuyết.
  5. Minh Mẫn (Nguyễn Huyền Trang), Trái đất tròn, lòng người góc cạnh“. Tiểu thuyết
  6. Nhật Phi (Đỗ Minh Quân), Người ngủ thuê, truyện dài, giải nhất Văn học tuổi

20 lần thứ 5 (2014).

  1. Phạm Bá Diệp , Urem – Người đang mơ, tiểu thuyết Fantasy.
  2. Nguyễn À Nguyễn, Trước khi chết phải biết tình yêu là gì . Tiểu thuyết đầu tay.
  3. Nguyễn Ngọc Thạch, Khóc giữa Sài Gòn, tiểu thuyết. Đã in : Đời callboy, Chuyển

     giới, Chênh vênh hai lăm hay Một giọt đàn bà.

  1. Nguyễn Phước Huy, Hai nửa chông chênh, truyện dài. Đã in: Xin cho tôi một nửa cuộc

     đời.

  1. Phan An ( Phạm Trí Hùng), Tình yêu, tình yêu, tiểu thuyết.
  2. Phan Quỳnh Chi, Yêu lại nhau, như thể lần đầu, tập truyện ngắn. Đã in: Đường yêu gấp

     khúc.

  1. Quỳnh Scarlet ( Ngô Như Quỳnh), Tất cả em cần là tình yêu, tiểu thuyết.
  2. Quỳnh Thy ( Phùng Thị Như Quỳnh) , Cô nàng hoàn hảo, 2013 tiểu thuyết . Đã in

tiểu thuyết Thiên sứ, đừng đi, anh còn chưa nói yêu em.

  1. Sâu, Cáo sa bẫy cáo, truyện dài.
  2. Sơn Paris ( Nguyễn Ngọc Sơn), Muốn khóc thật to, tiểu thuyết, Trót lỡ chạm môi

     nhau, tản văn.

  1. Tâm An, Tiểu Thần , ngôn tình Việt Nam (600 trang).
  2. Thủy Anna, Nếu như chưa từng gặp anh, ngôn tình.
  3. Nguyễn Thị Thanh Bình, Anh đã đợi em từng ngày. Truyện dài. Đã in các truyện dài

Hành trình về phía mặt trời, Quê ngoại, tập truyện ngắn Vĩnh biệt tiểu thư.

  1. Nguyễn Hoàng Vũ, ở trọ Sài gòn, truyện dài.
  2. Võ Huỳnh Tấn Tài, Người thứ hai ở phim trường f , truyện dài đầu tay.
  3. Thảo Dương. Huyền thoại Porasitus – thể loại fantasy, hơn 1.000 trang.
  4. Thùy Dung (16 tuổi), Kim Cương, tiểu thuyết fantasy.
  1. Ghi nhận ban đầu

 

Sự xuất hiện của khoảng 80 tác giả trong năm 2014 (vài tác giả cuối 2013 và đầu 2015) quả là một đợt sóng ào ạt trên văn đàn trẻ hiện nay. Nhiều người trong số họ là những tài năng. Đợt kết nạp Hội Nhà Văn tp Hồ Chí Minh năm 2014 có tên các tác giả Trần Huy Minh Phương, Anh Khang, Nguyễn Phong Việt.. đó là hình thức xã hội công nhận tài năng trẻ.. Trong số họ, tôi chú ý đến những tác giả viết truyện dài, tiểu thuyết, bởi ở thể loại này, rồi đây sẽ có người còn đi rất xa. Quá trình sáng tác của họ khẳng định họ có năng lực sáng tạo, có niềm đam mê văn chương và họ thuộc về thế hệ toàn cầu hóa, có tầm nhìn và tri thức của thời đại. Họ không bị ràng buộc bởi những quan điểm văn chương cũ.

Thảo Dương, cô gái 26 tuổi, bỏ ngang Đại học Ngân hàng, dành 10 năm để viết bộ sách Huyền thoại Porasitus – hơn 1.000 trang, truyện giả tưởng cho thanh thiếu niên (fantasy).

Tác giả Phạm Bá Diệp 24 tuổi, hiện là sinh viên năm 4, chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP. HCM đã viết truyện dài “UREM – Người đang mơ”, gần 550 trang, được giải khuyến khích Cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2012-2014). Anh kể về quá trình lao động của mình :” Mình nghĩ tâm lý tiếp nhận văn học fantasy của bạn đọc Việt vẫn còn dè dặt. Hiếm nhà văn Việt Nam thử sức dòng văn học này. Ngay từ thời phổ thông, mình đã mong muốn có một tác phẩm fantasy do chính mình viết để thỏa đam mê. Vào đại học, để hoàn tất tác phẩm đam mê này, mình dành ra 1,5 năm để đầu tư vẽ chuỗi diễn biến đầy phức tạp của truyện và tròn 1 năm bắt tay viết liên tục, lao động nghiêm túc. Một ngày mình dành ra 3 – 4 tiếng để lăn lộn cùng những chi tiết của truyện”(2).

Đặng Thiều Quang theo đuổi nghiệp văn hơn 10 năm. Anh đã in đã in 07 cuốn: Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (1997), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhận (2009), cùng các tập truyện Tôi và D’ Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Săn cá thần (11/2013) .

 

Tác giả Gào (Vũ Phương Thanh) đã in 07 cuốn: Cho em gần anh thêm chút nữa (tập truyện ngắn 2009), Nhật ký son môi(2010). Yêu anh bằng tất cả những gì em có& Mất anh bởi tất cả những thứ em cho (dạng nhật ký-thư tình), Tự sát (tiểu thuyết dựng thành phim 2011), Ký ức Northumbria (tiểu thuyết 2012), Cô bắt đầu viết Hoa Linh Lan từ 2008. Mất 6 năm mới hoàn thành (2014).

Tác giả Mayy đã in 05 cuốn : Miss Mèo, Mail lạ, Chàng trai bí ẩn, Quý cô Horoscope. Bầu trời nhìn ngược. Nguyễn Ngọc Thạch in 05 cuốn : Đời callboy, Chuyển giới, Chênh vênh hai lăm hay Một giọt đàn bà, Khóc giữa Sài Gòn. Phan An đã in : Tình yêu, tình yêu (tiểu thuyết) và 6 tập truyện ngắn & tản văn : Giường, Phong độ đàn ông, Những câu chuyện biển, Những câu chuyện Sài Gòn, Nếu còn có tình yêu, Tình không như là mơ

Sự xuất hiện của các tác giả viết tiểu thuyết fantasy cũng là điều hứa hẹn. Phạm Bá Diệp  với Urem – Người đang mơ. Thảo Dương viết Huyền thoại Porasitus  hơn 1.000 trang. Thùy Dung (16 tuổi), viết tiểu thuyết Kim Cương từ khi 12 tuổi. Đặng Thiều Quang với Săn cá thần (2013) tiểu thuyết có yếu tố huyền ảo. Loại truyện này định vị hẳn kiểu văn chương giải trí. Tác giả Thảo Dương nói rõ : Thật ra nói một cách công tâm, Huyền thoại Porasitus với tôi là một tác phẩm giải trí. Nó khác xa những gì tôi vẫn hay đọc! Ðó là một cuộc phiêu lưu thật sự với trí tưởng tượng của bản thân.

 

Nói cho đúng, văn chương thị trường chủ yếu là văn chương giải trí.

3.”Tình yêu, tình yêu”

 

Nhìn vào danh mục sách ở trên, bạn đọc nhận ra ngay rằng sách viết về tình yêu chiếm đa phần (khoảng 60/80 cuốn). Nhan đề sách đủ gợi ra nội dung những gì tác giả muốn nói. Có những nhan đề làm bạn đọc sững người, vì liên tưởng đến sách loại ngôn tình “ba xu”. Xin điểm qua: Trước khi chết phải biết tình yêu là gì; Bùa Yêu; Yêu đi thôi, muộn lắm rồi” ; Tất cả em cần là tình yêu; Đến lượt em tỏ tình; ai yêu em như anh; Ai cho em nằm trên? Yêu anh bằng tất cả những gì em có; Im lặng để yêu; Yêu trên từng ngón tay; Yêu không hối tiếc; Chỉ là yêu thôi mà, Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu. Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người. Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng. Người yêu cũ có người yêu mới, Yêu người yêu người ta; Yêu lại nhau, như thể lần đầu; Ngoại tình; Tình yêu là không ai muốn bỏ đi; Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình; Yêu nhau để cưới; Đừng chết vì yêu..

 

Không khó để nhận ra cách khai thác đề tài tình yêu của người viết trẻ. Họ vẽ ra đủ mọi tâm trạng yêu (dù đã xưa như trái đất!) như nhớ nhung, cô đơn, buồn chán, thất tình, hờn ghen Muốn khóc thật to… Từ tình đơn phương đến tình yêu tuổi học trò. Những chặng đường tìm kiếm khám phá tình yêu của người trẻ cô đơn, những cuộc tình nối tiếp cuộc tình…, và…Trước khi chết phải biết tình yêu là gì.

Xin lắng nghe tâm trạng của Anh Khang:

”… không chỉ bạn bè tôi, đầy rẫy ngoài kia vẫn đang có nhiều lắm những cặp tình nhân gạch đầu dòng. Yêu cho qua ngày, cặp kè cho có tụ. Thấy người này hội tụ đủ những điều mình cần cho một mối quan hệ thì… cứ yêu. Rồi nếu thấy một vài người khác nữa cũng có những chỉ tiêu vừa khít với những gạch đầu dòng mình đề ra, thì lại… yêu tiếp. Cứ thế, họ đi yêu những gạch đầu dòng – chứ không phải yêu một tấm lòng…

 

…Ngơ ngác nhất là khi tất cả yêu thương cuối cùng khép lại với kết cục “Chẳng-để-làm-gì”… Anh biết em đi hay ở, cũng chẳng để làm gì!

Em biết anh nhớ hay quên, cũng chẳng để làm gì!

Và nếu chúng ta có thể trở lại như ngày xưa chăng nữa, cũng chẳng để làm gì…

Ừ thì, biết là chẳng-ĐỂ-làm-gì, nhưng cũng chẳng-THỂ-làm-gì khác hơn ngoài việc đau đến sau cuối…

..Bởi thế mới thấy, muốn hủy hoại một đứa con nít, hãy cứ chăm bẵm nuông chiều. Còn muốn hủy hoại một kẻ trưởng thành, hãy cho họ trải qua một lần thương yêu

.

Thật đấy, tình yêu là thứ hủy hoại con người nhanh nhất, dù là tình yêu viên mãn hay chỉ là một phút xao lòng “(Buồn làm sao buông)

Thật tội nghiệp cho những người trẻ bi lụy vì tình như thế, vô vọng như thế, quay quắt trong một thứ triết lý vặt như thế. Để làm gì ? để tự dụ dỗ mình và lừa mị người khác!?

Nhưng không phải vậy. Khi đã có tình yêu, người ta cổ vũ cho một thứ chủ nghĩa thực dụng thứ thiệt: phải yêu hết mình, yêu không hối tiếc, yêu là yêu thế thôi, yêu là sex, rồi chia tay đi tìm người yêu mới, rồi yêu lại như thể lần đầu.

Tác giả May đã viết những dòng như thế này :Tôi thực sự ái ngại với việc các cô gái đồng ý “have sex” với người mình yêu, nhưng lại đi kèm điều kiện anh ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình sau này. Chẳng ai có thể chịu trách nhiệm về đời bạn, ngoài chính bạn, cô gái ạ…

Đừng tin nếu báo chí vẫn ra rả rằng chỉ cần trung bình 15 – 20 phút cho một cuộc “yêu”. Trời đất, sex cho đàng hoàng cần nhiều thời gian gấp 4 lần chỗ đó. Dĩ nhiên, khi ấy nó không chỉ nhàm chán mỗi chuyện “vào, ra”, bạn cần phải go down, finger, blowjob… (Cứ tra Google nếu bạn không biết đó là gì). Làm cho hết quy trình ấy thì cũng đủ khiến bạn mệt nhoài quên cả bấm giờ rồi nghen…

Một khi đã “have sex”, chẳng có kiểu nào bớt “hư hỏng” hơn kiểu nào. Không có chuyện vì tôi chỉ làm theo tư thế cổ điển, tôi không go down, blowjob…nên tôi vẫn “ngoan”. Bạn ngoan thật, vì bạn… dại. Nếu sex một cách nhàm chán, cứng nhắc và sợ sệt, tốt nhất đừng làm.”

Tôi không hiểu các bạn trẻ, nhất là bạn gái, khi đọc những dòng như thế sẽ nghĩ gì, nhưng tôi tin chắc các bạn sẽ chịu ảnh hưởng lệch lạc về tình yêu, về sex và về những giá trị nhân bản.

Không thể chịu đựng nổi mùi bệnh hoạn nồng nặc của cái gọi là nữ quyền tỏa ra trong những phát ngôn gây sốc như vậy. Thật không ? chỉ để tạo scandal, để nổi tiếng. Dù có mượn màu son phấn, tác giả cũng chẳng lừa được ai.

Con người sống trong cõi đời này, dù là con người bản năng, con người tâm lý, con người tâm linh thì trước hết là con xã hội. Mọi quan hệ xã hội đều được xác lập bằng trách nhiệm giữa người với người. Trách nhiệm vợ chồng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ. Trách nhiệm của thầy thuốc với bệnh nhân, trách nhiệm người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc, trách nhiệm công dân trước mọi vấn đề xã hội… Vậy mà, theo May, với một cô gái khi đã trao thân cho người mình yêu, trao cả trái tim và số phận của mình cho người mình yêu, lại không đòi buộc người yêu phải có trách nhiệm với mình, vậy đó là mối quan hệ gì ? chẳng lẽ đó chỉ là hành vi giao cấu của một con vật đực và một con vật cái, chỉ để thỏa mãn bản năng tính dục?

Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ thế nào nếu tất cả các bạn gái nghe theo lời May, như thế này:“bạn sẽ trải qua rất nhiều mối tình, rất nhiều người đàn ông đến và đi trong cuộc đời bạn.”, và rồi “Một khi đã “have sex”, chẳng có kiểu nào bớt “hư hỏng” hơn kiểu nào. Không có chuyện vì tôi chỉ làm theo tư thế cổ điển, tôi không go down, blowjob…nên tôi vẫn “ngoan”. Bạn ngoan thật, vì bạn… dại.”

 

Một cô gái có thể sex với nhiều người đàn ông với đủ mọi tư thế, cô gái ấy là loại người gì trong xã hội này, người ta chỉ thể chỉ tìm thấy loại gái ấy trong trại phục hồi nhân phẩm (!). Cũng may là còn có tác giả cảnh báo người trẻ rằng Đừng chết vì yêu..

Xin nhớ rằng ở bất cứ xã hội nào, cũng có những chuẩn mực văn hóa, và người sống trong cộng đồng văn hóa ấy buộc phải tuân thủ. Vô văn hóa thì không thể tồn tại trong cộng đồng. Tác giả Mèo Xù khẳng định :” Người phụ nữ quá buông thả bản thân mình, luôn ngụy biện đòi bình đẳng giới bằng việc cho mình có cái quyền lên giường với thật nhiều đàn ông, với bất kì người đàn ông nào, thì tôi cho rằng đó là một người phụ nữ ngu dốt, và thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng giá trị của bản thân cũng như giá trị của phụ nữ nói chung… bạn đòi bình đẳng giới ở việc bạn buông thả bản thân mình sẵn sàng lên giường với bất kì ai, thì là bạn tự ha thấp mình rồi… Cô nói tiếng nói trách nhiệm :” những người chưa kết hôn họ có xu hướng sex tự do thoải mái hơn những người đã kết hôn, vì thế rủi ro bệnh tật là khá cao, điều tôi sợ nhất là việc có thai ngoài ý muốn, nếu có thai ngoài ý muốn thì đó là điều tệ hại nhất, nếu ta bỏ đi đứa trẻ thì đó là việc làm thất đức và độc ác vô cùng, tôi sợ việc đó, còn nếu như thương mà để sinh đứa trẻ ra trong khi điều kiện sống của bản thân chưa cho phép, kinh tế chưa đầy đủ, tự nhiên ta sẽ làm khổ cả đứa trẻ làm khổ cả những người thân của chúng ta , tự nhiên đày đọa cả bản thân mình nữa.”Cô khuyên các bạn gái :” Một cô gái thông minh xinh đẹp có điều kiện tốt, hãy tìm cho mình một chàng trai tương xứng.”

Văn chương, dù là văn chương giải trí cũng không được chứa đựng những yếu tố độc hại, trái với đạo đức, trái với truyền thống văn hóa của dân tộc. Rất may nhiều tác giả có tiếng nói trách nhiệm trong tác phẩm của mình.

Tác giả Trần Trà my, dù bị liệt hai chân, vẫn nỗ lực hoạt động và viết. Cuốn sách Yêu trên từng ngón tay viết về những phụ nữ trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân … “các nhân vật dù có phải chịu bao nhiêu nỗi đau, thì trong họ vẫn luôn tồn tại niềm tin và khao khát sống một cách ý nghĩa, trọn vẹn. Mầm sống được nảy sinh chính từ nỗi đau, niềm tin được nảy sinh từ chính nỗi sợ hãi hay thất vọng về cuộc sống. Đó có lẽ cũng luôn là tâm niệm cuộc đời của Trà My” (3.) Một bạn đọc khác nhận xét :” văn phong chị mang đến cho độc giả cũng thật nhẹ nhàng và trong sáng. Đến mức tôi tưởng như qua con mắt và suy nghĩ của Trà My, kể cả những điều đau đớn nhất cũng trở nên thanh thoát và dễ chịu. Như một dòng suối nhỏ mát lành, Trà My mang trái tim mình đến với độc giả trọn vẹn và không hoa mỹ. Chị mang đến một cái nhìn cuộc sống giản đơn nhưng đậm đà niềm tin và hy vọng”(4).

Tác giả Hàn Băng Vũ (Vương Thị Bích Việt) thi đỗ khoa Quan hệ công chúng tại một trường đại học danh tiếng ở Inđônêxia. Trong một dịp về nghỉ hè, cô theo bố từ Vân Đồn lên Hà Nội chơi. Lúc về, cô bị tai nạn giao thông thảm khốc. Bố mất ngay tại chỗ, còn cô thì thập tử nhất sinh, sau đó cô bị liệt hai chân. Được hỏi vì sao lại thích nghề viết, Hàn Băng Vũ trả lời: “Bởi cháu muốn dùng văn học để tác động vào tâm lý con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn! Cháu muốn qua những trang viết của mình, gửi tới mọi người một thông điệp, rằng cho dù cuộc sống có bất hạnh, có khổ đau thì vẫn cần vươn tới cái tốt đẹp…”.(5) 4. Về văn chương thị trường

Tôi đã có dịp lướt qua về văn chương thị trường trong bài viết “Nhà văn và những cái khó” (6). Xin chia sẻ thêm vài suy nghĩ riêng.

Hầu hết các tác giả trẻ đều viết từ vốn trải nghiệm, viết ra để chia sẻ, để cho nhẹ lòng, vì nghĩ rằng biết đâu cũng có người giống với hoàn cảnh tâm trạng của mình. Họ viết về cái tôi. Thậm chí có người lấy cái tôi để dạy dỗ người khác những bài học yêu!…Và nếu chỉ dựa vào trải nghiệm của cái tôi mà viết, sẽ đến lúc tác giả không còn gì chia sẻ. Nhà văn là người sáng tạo. Năng lực sáng tạo là phẩm chất hàng đầu của một nhà văn lớn. Nhà văn đích thực cần phải hướng về tha nhân (không phải săm soi vuốt ve chính mình), đau nỗi đau của tha nhân, lên tiếng nói cho họ, và góp phần xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp người, phải biết “đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy” như Nguyễn Du.

Iris Cao viết lời ngỏ trong Người yêu cũ có người yêu mới như thế này :” Tôi viết sách để giữ lại tuổi trẻ cho riêng mình, cho những người từng bước qua một thời tuổi trẻ như tôi.Tôi giữ lại niềm hạnh phúc của tuổi trẻ, khi tôi lần đầu tiên biết yêu thương một người xa lạ. Tôi giữ lại nỗi đau của tuổi trẻ, khi những rạn vỡ khiến tôi xót xa đến gục ngã. Tôi giữ lại những yêu thương dành cho gia đình, anh em, bạn bè, những người đã nhẫn nại bước đi cùng tôi trong quãng đời này.”

Đây là lời của Hoàng Anh Tú trong “Yêu là yêu, thế thôi “:

Đừng hoang tưởng nữa! Tỉnh lại đi em – cô gái nhỏ!

Rõ ràng họ nói yêu em mà! Sao anh lại bảo em hoang tưởng?

Họ bảo yêu em nhưng hãy nhìn lại xem họ đã làm gì để chứng tỏ?

Họ nói họ yêu em nhưng cha mẹ họ không thích em nên họ phải chia tay em! Là họ chỉ yêu cha mẹ họ mà thôi! Loại đàn ông ấy nếu lấy về cũng sẽ ly dị em nếu em lỡ không đạt chuẩn dâu ngoan của bố mẹ!…

Họ nói họ yêu em nhưng họ không bỏ vợ được vì con cái, vì xã hội, vì cha mẹ họ! Xin lỗi chứ tình yêu kiểu đó chỉ là thứ tình cơi nới không hơn! Em chỉ là phần phụ gia cho đời họ! Là cơm thêm, là phở, là hương hoa đời họ!..

…Tỉnh lại đi!

Luôn là chưa muộn khi em bắt đầu!…

Lại nói về truyện tình.

Tự Lực Văn Đoàn vào những năm 1930 đã có khá nhiều tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, ghi dấu ấn một thời, như Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Trống Mái, Đời Mưa Gió, Lạnh lùng…Tiểu thuyết tình của Tự Lực Văn Đoàn đứng được vì có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật, ít ra nó cũng đặt ra được một vài vấn đề xã hội và đó là những tác phẩm văn chương được viết theo những tôn chỉ tiến bộ (7) Ngày nay người ta còn nhắc đến Thạch Lam bởi những truyện của ông được viết dưới ánh sáng một lý tưởng văn chương tiến bộ. Văn chương đối với ông là một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực để vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn (lời tựa Gió Đầu Mùa 1937). Trong khi hầu hết người viết trẻ hôm nay coi văn chương là một cuộc chơi. Tác giả Gào nói thẳng suy nghĩ của mình về văn chương :” Văn chương không phải là công việc của tôi. Nó chỉ là sở thích. Có cũng được, không có cũng hơi buồn chán, nhưng mà chẳng sao”. Tác giả Linh Lê cũng một ý như vậy :” Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện có trở thành một nhà văn thực sự hay không? Chỉ đơn giản là thích viết, luôn viết…”.

Tất cả những người cầm bút đều biết rất rõ con đường sáng tạo là con đường gian khổ, đơn độc và không ít những oan nghiệt, đến nỗi Nguyễn Du phải thốt lên “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư”.(Độc Tiểu Thanh ký). Số phận của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Hữu Loan, Bùi Ngọc Tấn và nhiều nhà văn khác… đã minh chứng cho tiếng kêu khôn hỏi trời của Nguyễn Du! Và trước mắt người viết trẻ hôm nay là Nguyễn Ngọc Tư, đáng để người viết trẻ suy gẫm về con đường văn chương. Tác giả Gào đã thú nhận điều này :” Tôi chưa từng đọc một tác phẩm văn học Việt nam đương đại nào ngoài Cánh đồng bất tận. Tôi thực sự yêu thích giọng văn tuyệt vời của chị Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói rằng khi người viết sáng tạo ra một tác phẩm. Điều cần chú trọng đó là tác phẩm giúp gì cho đời sống chứ không phải chỉ viết để thỏa mãn cái tôi. Tôi tin rằng Nguyễn Xuân Khánh nói đúng. Các cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (dày 804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang), Đội gạo lên chùa (866 trang) của ông làm sửng sốt văn đàn. Chắc chắn số lượng sách bán được của ông không bằng của một vài tác giả trẻ, song về lâu về dài, không biết đến bao giờ mới có được một tác giả trẻ mà sách của họ có giá trị sánh được với tác phẩm của ông. Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hiện là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm đáng đọc nhất”. (8)

  1. Tại sao nhà phê bình im lặng?

Thậm chí có nhà phê bình còn công khai tuyên bố không quan tâm loại sáng tác đó”.(9) Có đúng vậy không ? Có một sự thật là rất nhiều trong những cuốn sách ấy in ở nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tức là những nhà xuất bản có uy tín. Trong buổi ra mắt tập thơ Nỗi nhớ không may tìm đến của Nguyễn Bảo Giang, có sự hiện diện của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Hồng Thanh Quang. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét :” “Hiếm có tác giả trẻ nào ở tập thơ đầu tay lại bộc lộ một phảm chất thi sĩ với những câu thơ khá tài hoa như Nguyễn Bảo Giang. Người thơ trẻ bây giờ ít làm thể thơ lục bát, mà có làm thì cũng ít người làm hay. Vậy mà thơ lục bát của Nguyễn Bảo Giang lại đọng được trong ta không ít câu thơ hay thật thú vị. Điều quan trọng, dưới tầng câu chữ ấy lại là một hồn thơ thanh lọc hướng mình về miền nhân triết của cõi nhân gian.”(10) Sự hiện diện của ba nhân vật nổi tiếng trong làng văn Việt hẳn nhiên là sự đánh giá cao một tác giả trẻ (?).

Văn chương giải trí, cũng giống như ca nhạc trẻ, ai thích thì đọc, vậy thôi. Người trẻ thích nhạc rock, Hip hop, Rap…, người bình dân thích Boléro, nhiều người lại thích nhạc trữ tình, nhạc Pháp, nhạc hòa tấu Yanny, Paul Mauria…Các cơ quan chức năng chỉ tuýt còi khi sách in ra có vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục. Còn lại, có càng nhiều sân chơi bổ ích càng tốt. Các sân chơi này đáp ứng cho nhiều đối tượng công chúng, làm phong phú sinh hoạt tinh thần, làm bầu khí xã hội vui tươi lành mạnh thì không có hại gì.

Nhà phê bình là người tìm kiếm những gía trị tư tưởng nghệ thuật ở tác phẩm văn chương. Nếu tác phẩm không có gì mới, hoặc na ná như nhau (thí thụ thơ tình, truyện tình, tản văn tình yêu) đã xưa như trái đất(!) thì chẳng nhà phê bình nào mất thì giờ vào những chuyện vô bổ. Đời sống văn chương nghệ thuật có nhiều vấn đề thú vị hơn, quan trọng hơn để quan tâm. Với lại, có một tâm lý này, hãy cứ để cho những ồn ào xô bồ qua đi, cái gì lắng đọng được, lúc ấy hãy quan tâm. Một tác giả, đời sáng tác còn rất dài, nếu là một tài năng thực sự, họ sẽ sáng tạo những tác phẩm để đời, lúc ấy nhà phê bình viết về họ cũng chưa muộn. Đối tượng của nhà phê bình là những tài năng, những sáng tạo mới lạ. Nói như thế không có nghĩa họ không để tâm quan sát phong trào…Đọc thơ của các tác giả ở trên, kể cả Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Phong Việt, tôi thấy thơ họ nhàn nhạt nhạt, không mới. Họ không gây cho tôi ấn tượng gì. Dù vậy, thơ họ có duyên, giọng của họ có sức quyến rũ. Tập thơ Gió Mặn của Trần Huy Minh Phương một số bài có chất riêng (Tự khúc ngày châu thổ, Ký ức cánh đồng…).

Có thể nhận thấy điều này, lứa nhà thơ nhà văn trẻ hiện nay chưa sánh được với lớp trẻ trước đây như Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Uông Triều…. Thơ văn của lớp trẻ trước đây để lại dấu ấn ngay khi tiếp xúc lần đầu. Họ mới mẻ cả về tư tưởng và thi pháp.

Văn chương thị trường, văn chương giải trí, viết để phô diễn cái tôi, thỏa mãn sở thích, để nổi tiếng, hay vì những lý do ngoài văn chương, thì lớp sóng tràn dù có mạnh mẽ cũng sẽ tan đi rất nhanh. Xin cứ nhìn vào các đợt sóng văn chương trẻ từ 2000 trở lại đây cũng có thể thấy được. Tôi không hình dung được sau đề tài tình yêu, đồng tính, sex được khai thác đến nhàm chán, và khi vốn trải nghiệm đã cạn kiệt thì người viết trẻ sẽ viết thêm được những gì? Có người nói rằng năm 2015 sẽ là năm đầy triển vọng của người viết trẻ (11). Vâng, cứ hy vọng như vậy. Trong số mấy chục người viết tôi ghi nhận ở trên, chắc chắn sẽ kết tinh được những hạt châu ngọc. Mong lắm thay!

Tháng 01 năm 2015

_________________________________

(1). Hội nghị tổng kết công tác văn học nghệ thuậtt… http://vanvn.net/news/1/5366-tong-ket-cong-tac-van-hoc-nghe-thuat-2014.html

(2). http://svvn.vn/tag/nguoi-dang-mo

(3). Hà Phương, http://news.zing.vn/Yeu-tren-tung-ngon-tay-cua-Tra-My-post310014.html

(4). http://lovebooks.vn/threads/yeu-tren-tung-ngon-tay-tran-tra-my.704/

(5). http://megafun.vn/cuoc-song/201207/nha-van-tre-han-bang-vu-va-nhung-trang-viet-tren-xe-lan-215198/?mode=mobile

(6). http://vanvn.net/news/16/5245-nha-van-va-nhung-cai-kho.html

(7). Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn:

  1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
  2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
  3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
  4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
  5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
  6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả qúi phái.
  7. Trọng tự do cá nhân.
  8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
  9. Đem phương pháp khoa học thái tây[13] ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
  10. Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

(8) http://news.zing.vn/Viet-van-nao-phai-cuoc-choi-post500637.html

(9) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20232

(10) http://news.zing.vn/Ra-mat-tap-tho-Noi-nho-khong-may-tim-den-post458313.htmlNguồn Zing News

(11) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20232

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok