NHÌN LẠI MÌNH ĐỂ THẤY TÓC ĐÃ BẠC THÊM
Thời gian cứ trôi đi vô tình, nhưng đời người lại hữu hạn. Những gì làm được chính là sự tồn tại của ta trên đời này. Không biết thế nào là đúng thế nào là sai, bởi chân lý ở giữa đúng và sai, tốt và xấu, vinh và nhục, sống và chết. Ta đi qua cuộc đời này như một cơn gió thoảng, một ánh sao rơi, rồi biến mất vào hố đen vũ trụ, nhân sinh…
Tháng 6. 2016 phát hành cuốn Văn chương Việt Nam, những gì còn với mai sau. Cuốn này đưa in từ tháng 12. 2015 và bị “ngâm” 6 tháng. Nhà xuất bản đã cắt hai bài viết về Nguyễn Huy Thiệp, cắt một chương viết về Hội Nhà văn… Tuy vậy, Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT trung ương đánh giá cao cuốn này (TS Nguyễn Hồng Vinh)
Mời bạn xem video buổi họp mặt các nhà thơ nhà văn Đờng Nai ra mắt sách Văn chương Việt Nasm, những gì còn với mai sau:
https://www.youtube.com/watch?v=Enpz2uC0UT4&t=39s
Tháng 7. 2016 đi dự Hội nghị Lý luận Phê Bình lần thứ 4 do Hội Nhà văn tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Từ Hà Nội đi lên mất 2 giờ xe đò). Nghe danh Tam Đảo đã lâu, háo hức muốn đặt chân tới nơi đã từng tổ chức Hội nghị LLPB lần trước. Nhưng thất vọng. Thực ra, Tam Đảo rất nhỏ so với Đà Lạt. Đời sống, sinh hoạt tù đọng và nghèo nàn. Hai ngày theo dõi các tham luận của nhiều tiến sĩ và các nhà Lý luận phê bình có tên tuổi, BCT chỉ thấy những lời tụng ca. Còn những vấn đề lý luận văn chương Việt Nam được nói đến thì đã bị thực tiễn sáng tác bỏ xa.
Không có một tổng kết nào về 40 năm văn học (1975-2015). Lý luận phê bình hoàn toàn thua cuộc khi GS Trần Đình Sử tự nhận mình là kẻ tội đồ gieo rắc những lầm lạc về lý luận văn chương suốt mấy chục năm qua. Không ai nhìn thấy thực tiễn rằng, Văn chương Việt Nam hiện đã chia làm 3 dòng: Văn chương Nhà nước, Văn chương Nhân văn và Dân chủ và Văn chương thị trường.
Dòng Văn chương Nhà Nước tuy là “chính thống” với hơn 1000 nhà văn được Nhà nước chăm sóc, tạo điều kiện và trao Giải thưởng Nhà nước, song tìm mãi bao năm rồi không có tác phẩm đỉnh cao, kể từ Nghị quyết TW 5, đến Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và cho đến nay. Giải thưởng chủ yếu là chia chác lợi lộc và tâng bốc nhau. Có người chỉ có 1 tập thơ cũng được giải. Có người ẵm cả hai giải: Giảu Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Văn chương Nhà nước chủ yếu là “Ăn mày quá khứ“(tên tác phẩm của nhà văn Chu Lai) in không có người đọc, học sinh trong trường bị bắt buộc phải học thì ngán ngẩm.
Dòng văn chương Nhân Văn và Dân chủ là văn chương “phản kháng” lại cái gọi là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nhiều tác phẩm của dòng văn chương này đã để dấu ấn sâu đậm: Thời xa vắng , Cù Lao Chàm, Thuên Sứ, Tướng Về Hưu, Thời của thánh thần, Ba người khác, Bóng anh hùng, Chuyện kể năm 2000, Nỗi buồn chiến tranh, Đi tìm cái tôi đã mất…Nhưng khi những sự việc như Cải cách ruộng đất , Nhân Văn giai phẩm, Cải tạo Xã hội chủ nghĩa qua đi, thì dòng văn chương này cũng cạn nguồn.
Văn chương thị trường mặc sức phát triển ngoài vòng kiểm soát. Dòng văn chương này chủ yếu là giải trí, là sex, là “cái tôi” nhỏ nhoi đến tội nghiệp, chẳng đọng lại gì. Cũng đã có vài tác giả đọc được như Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên… Một loạt các tác giả có sách in loại “best seller” những năm qua, tác phẩm của họ mới chỉ là những trang viết “cận văn chương”, chưa phải là văn chương. Ấy là chưa kể có người lợi dụng văn chương, viết sex bẩn để “nổi tiếng”. Đại hội Nhà văn Trẻ 2016 không giới thiệu được khuôn mặt trẻ xuất sắc nào như Nguyễn Ngọc Tư trước đây.
Tháng 8 2016 tham gia Ban giám khảo Giải Viết Văn Đường Trường của Giáo Phận Quy Nhơn. Giải này nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhà văn Công giáo trẻ để kế tục dòng chẳn văn chương Công giáo trong lịch sử. Giải lấy ngày 21.09 kỷ niệm Hàn Mặc Tử làm ngày trao giải. Ban tổ chức họp mặt các tác giả, tham quan Quy Nhơn, chia sẻ thao thức về sáng tác và in ấn những tác phẩm đạt giải. Dự định giải kéo dài từ 2012 đến 2018, dịp kỷ niệm 400 năm truyền giáo vào Quy Nhơn
Tháng 8 BCT gửi 2 tác phẩm dự giải Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai). Đó là cuốn Những Dòng Sông Vẫn Chảy (đã được giải VHNT 2011 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) và cuốn Hoa Đỏ Bên Sông (Chuyên đề văn chương Đồng Nai). Giải này 5 năm trao một lần, đây là lần thứ 4 (2011-2015). Giải trao cho các tác phẩm viết về Đất nước, con người Đồng Nai. Mỗi tác phẩm phải có trên 50% nội dung viết về Đồng Nai. Giải bao gồm nhiều thể loại: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Ca khúc, Ảnh nghệ thuật, Tranh mỹ thuật sân khấu, Văn học dân gian, Múa, …Những tiêu chí đặt ra đã gây khó cho Ban giám khảo vòng sơ khảo. Bởi cứ theo tiêu chí này thì hầu hết nhà văn tên tuổi của Đồng Nai, tác phảm của họ bị loại, vì không viết về đất nước, con người Đồng Nai đủ 50%.
Tháng 9,10,11 tham gia Ban tổ chức và Ban giám khảo giải VHNT Đất Mới của Giáo phận Xuân Lộc. Giải này hướng về xây dựng đời sống Mục vụ Công giáo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như lời dạy của mẹ Giáo hội. Giải này đã được tổ chức từ 2011 đến nay. Giải bao gồm Thơ, truyện ngắn, truyện dài và kịch. Năm 2017 có thêm thể loại ảnh nghệ thuật.
Tháng 10 và 11 tập cho học sinh PTTH Long Khánh bài hợp ca: PTTH LK-Mái trường mến yêu, dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Thời gian tập là hơn 1 tháng. Vì là học trò nên phần hát bè tập rất vất vả. Lúc trình diễn các em hát cũng tròn trịa và có hồn. Đây là ca khúc của BCT phổ thơ thầy Hồ Sỹ Mạnh (hiện là Hiệu trưởng của trường). Nhạc nền , hòa âm, phối khí do nhạc sĩ Thế Thông thực hiện.
Bạn có thể nghe theo link:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ptth-long-khanh-mai-truong-than-yeu-va.fEr5fYr3zAed.html )
BCT đã dạy tại trường này từ 1978 đến 1990. Đó là thời gian khổ ải nhất trong đời cầm phấn. Thầy cô phải ăn bobo, cơm độn khoai, bắp. Hàng tuần dẫn học trò đi lao động. Khi phát cỏ trong lô cao su, khi trồng lúa, khi trồng cafe trên đồi Thái Lan, khi trồng chuối ở ngã ba Tân Phong, khi vào Sông Rât cưa cây, trồng bắp. Thầy Ngạn phụ trách nuôi heo, heo không lớn, Thầy Sáng phá thế độc canh ở Xuân phú, cho học trò trồng đậu mùa khô, đầu tư hai tạ đậu thu về 50 ký. Thầy trò còn bị một tên cường hào chặn đánh. Những buổi họp hội đồng từ trưa cho đến đêm, họp thi đua qua đêm, thầy cô được bồi dưỡng một ổ bánh mỳ… Vừa dạy học vừa nơm nớp lo sợ, bởi đó là cái buổi “giao thời”. Nhớ thầy Khai dạy Văn, giọng Huế học sinh không nghe, thầy hay đi uống cafe, thế nên năm nào cũng bị xếp loại yếu. …Nhớ thầy Kiệt đào hoa nhưng mệnh đoản… Lại nhớ lúc thầy cô trẻ chia tay đi Xuân lộc để xây dựng ngôi trường mới (PTTH Xuân Lộc bây giờ), ra đi như vào chiến trường B, K, ngậm ngùi lo lắng không sao thành lời…Tất cả đến giờ có người đã về hưu…Nhưng nhờ những gian khổ ấy mà tình đồng nghiệp, tình thầy trò rất sâu đậm.
Ngôi trường này đã đào tạo nhiều Hiệu trưởng vùng Long Khánh: Thầy Hoàng Văn Trọng (trường Hồng Bàn), thầy Đoàn Khắc Lúc (trường Nguyễn Huệ) Thầy Nguyễn Đình Cường, Trần Đình Vinh và cô Lê Thị Ngọc Tân (PTTH Xuân Lộc), cô Lương Thị Hạnh (trường Văn Hiến, thầy Nguyễn Thiện (Trần Phú), thầy Đặng Dương Huệ, Hồ Sỹ Mạnh (PTTH Long Khánh). Cũng từ ngôi trường này, nhiều nhân tài đã bay cao bay xa. Nhiều Tiến sĩ, Bác sĩ, …và các ca sĩ như Đoan Trang, Trần Tâm, Diệu Hiền, Khánh Duy…Hôm kỹ niệm 40 năm, một cựu học sinh hiện là nữ PGS Tiến sỹ rất trẻ lên chia sẻ thật cảm động…
Năm 2016 có bài đăng trên Tạp chí Thơ và tạp chí Nhà văn và Tác phẩm là hai tạp chí của Hội Nhà Văn. (và một vài nơi không đăng)
Ước gì sang năm 2017 cũng làm được chút gì góp thêm vào sự ảm đạm của đời sống văn học nghệ thuật những năm gần đây.
Do đâu có sự ảm đạm này? Đầu thế kỷ XXI, những nhà văn “phản kháng” đăng tác phẩm ở các trang web của người Việt Hải ngoại. Đến nay, văn chương hải ngoại chỉ còn thoi thóp. Những trang web cực tả trước đây như Talawas của Phạm Thị Hoài, Tiền Vệ, Hợp lưu…nay hầu hết đang “chờ chết”. Các nhà văn Việt Nam di tản ra nước ngoài đến nay đã quá già không còn sáng tác được, thế hệ người Việt thứ 2 không còn đọc văn chương Việt, các nghệ sĩ hải ngoại hầu hết tìm cách quay về Việt Nam tìm đất sống. Trong nước, Các trang web cá nhân một thời mọc như nấm sau mưa giờ cũng tàn lụi…thành ra diễn đàn trở nên im ắng, nhất là từ khi Nhà nước quản lý bằng pháp luật các trang mạng xã hội. Trang Lê Thiếu Nhơn một thời ồn ào cũng im bặt. Văn chương trở nên bình lặng như mặt nước ao tù không một gợn sóng.
Rồi thời đại sẽ sinh ra nhân tài. Phải kiên nhẫn chờ thôi, như đã chờ Quang Dũng, Hoàng Cầm… Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…rồi Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh…
Tháng 12. 2016