Ngẫm nghĩ 2
SỰ CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG
Năm 1905, nhà cách mạng Phan Bội Châu cùng ông Tăng Bạt Hổ xuất ngoại gặp gỡ cầu viện các nhà cách mạng Nhật Bản và Trung Quốc giúp đỡ phong trào Đông Du. Tại Trung Quốc, nhà cách mạng Lương Khải Siêu khuyên ông nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Sau đó Phan đã viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Phan dẫn lời người xưa nhận định rằng :”Văn chương quan thế đạo thịnh suy” và kêu gọi :”Vậy nên chúng ta phải cố học cho ra nghề văn chương “(1)
1922 khi vua Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo Thuộc địa Marseille, Nguyễn Ái Quốc đã viết Lời Than Vãn của Bà Trưng Trắc, Vi Hành, Sở Thích Đặc Biệt, kịch Con Rồng Tre đánh vào vị vua này.
Những nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX đã dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, các nhà văn Việt Nam thế hệ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã chọn lựa con đường viết văn phục vụ kháng chiến với phương châm: “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” (2), Nhà văn là chiến sĩ trong mặt trận văn hóa tư tưởng. Người làm văn hóa văn nghệ phải có “những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”(3)
Bên trời tây, J.P.Sartre đòi hỏi nhà văn phải dấn thân ;” Người ta sẽ hỏi: dấn thân vào cái gì? Đơn giản thôi, dấn thân bảo vệ tự do. Làm người canh giữ những giá trị tưởng tượng chăng, như người tăng lữ Benda trước vụ phản bội, hay là bảo vệ niềm tự do cụ thể và thường nhật, bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và xã hội? (4).
Xin lắng nghe những nhà thơ nhà văn quanh ta.
Chế Lan Viên:
AI TÔI ?
Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!…
(Di cảo của Chế Lan Viên)
Nguyễn Minh Châu:
“…Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái…”
Thanh Tâm Tuyền:
Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ …
( Tôi Không Còn Cô Độc )
Mỗi người viết văn đều có mục đích riêng và sự chọn lựa riêng con đường sáng tạo. Đâu là con đường dẫn đến những giá trị văn chương đích thực để lại cho đời? (Nhà văn nào cũng mong muốn có tác phẩm để đời)
Dường như trong ý kiến của J.P.Sartre, của Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Thanh Tâm Tuyền…còn ẩn dấu điều gì đó cho chúng ta ngẫm nghĩ.
________________________________
- Phan Bội Châu-Quan niệm của tôi đối với văn chương-Thơ văn Phan Bội Châu, Nxb Văn Học 1985, tr.270
- Hà Huy Giáp-Hồ chủ tịch với một vài vấn đề văn hóa văn nghệ. Nxb Sự Thật 1978, tr. 70
- Hồ Chí Minh, Thư gửi Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II, 1948
- P.Sartre-Viết để làm gì-Nguyên Ngọc dịch
- Nguyễn Minh Châu-Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa– Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)