TRÁI TIM HỒNG
Tập thơ của Nguyễn Duy Đồng. Nxb Hội Nhà Văn 2013
Bùi Công Thuấn
Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng tặng tôi tập thơ Trái Tim Hồng với lời chia sẻ :” Tôi cũng tập tễnh viết nhưng mục đích là tạo thú chơi tuổi già và muốn nói ra những gì mà mình tích chứa trong lòng”. Anh dặn thêm : “tập thơ ra đời vì kỷ vật chứ chưa phải vì nghệ thuật. Tuy nhiên nếu có nguyện vọng ‘chơi văn’ thì phải thực sự đi vào nghệ thuật”. Nhà thơ Lê Thanh Xuân, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam trong lời giới thiệu đã nhận xét về tập thơ :”Tôi tin sau tập thơ này, Nguyễn Duy Đồng sẽ đột phá, sẽ khẳng định mình bằng bản lĩnh người làm thơ đích thực.” Tức là nhà thơ Lê Thanh Xuân căn cứ vào những thành tựu của Nguyễn Duy Đồng trong tập thơ này để khẳng định mạnh mẽ con đường thơ của tác giả Trái Tim Hồng như vậy.
Tôi biết mình đang đứng trước những “thách thức trí tuệ” mà hai nhà thơ đã đặt ra. Và Tôi không biết mình có thể vượt qua được.
1.Những nhịp đập của Trái Tim Hồng.
Tên tác phẩm đã nói tất cả nội dung, nhận thức, tình cảm của nhà thơ qua hình tượng “trái tim hồng”. Đó là trái tim dạt dào sức sống, là tấm lòng nhiệt thành tha thiết với đời cùng với những khát vọng cháy bỏng muốn làm được điều gì đó cho cuộc sống này, cho từng con người thân thương, để cuộc sống tốt hơn (Mắt mẹ, Bóng cha, Thương anh, Lời tâm tình của lão quê, Tuổi thơ buồn, Muốn, Nếu…). Chất thơ xuất phát từ ngọn lửa cháy bỏng của trái tim rộng mở với cuộc đời. Cháy bỏng yêu thương ôm ấp nâng niu cái đẹp, cái thiện, cái yêu thương (Thương em, Trưa hè, Mùa đông, Màu áo vàng thời Bác, Tiếng học trò, Gặp trẻ sống lang, Quê hương, Nhớ làng…), và căm phẫn trước cái xấu, cái ác, cái bất lương (Cái Nghèo gặp cái Đói, Lời của loài sâu, Tham nhũng, Chuyện quan Tiên Lãng…).
Những bải thơ hay trong tập là những bài khám phá về quê hương, về người thân của quê nghèo, đời nghèo nhưng cuộc sống lại trong veo niềm vui và đầy ắp tiếng cười. Tôi hiểu nhà thơ đã sống sâu sắc lắm với quê hương mình thì mới có thể viết được những bài thơ cảm động đến thế. Mắt mẹ một đời ám ảnh tác giả về con người tuy lam lũ, giàu đức hy sinh và đằm thắm nghĩa tình. Bóng Cha in rất đậm trong tâm hồn và ký ức tác giả về một lẽ sống đẹp của cha trong cộng đồng làng xóm. Những Lời tâm tình của lão quê thật chân thành, thấm thía. Những lời yêu dành cho anh, cho em, cho con gái đi học xa rất đỗi bình thường nhưng lại có sức khơi gợi những tình cảm gia đình mà ngày thường tất bật đã che lấp (Thương em, Sinh nhật thầm, Thương tiếc người anh..) Đọc những bài thơ này mới thấm thía cái bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam ở những con người ”chân quê”. Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của một nền văn hóa lấy nghĩa tình làm trọng, vượt lên tất cả khó khăn, mất mát.
Nhà nhỏ sau vườn nở đầy hoa
Bạc, vàng không lắm vẫn thơ ca
Ra ngõ lời chào vui mọi hướng
Trở về mái ấm chẳng buồn xa
(Ngôi nhà nhỏ)
Mùa đông cho má em hồng
Cho chăn chung đắp, cho nồng bếp than
Cho nhiều hơi ấm chuyền sang
Cho đời xích lại bớt hàn ngày đông
(Mùa đông)
Giữa đường hoang nắng lửa
Trẻ thất thểu đầu trần
Mây vội vàng lấy thân
Che em không nhà cửa
Bên vỉa hè muỗi hát
Trẻ mỏi mệt nằm lang
Gió vội vàng ngồi quạt
Thương ngủ không chiếu màn
Mây gió còn như thế
Xin hỏi hết tình người
Trái tim vì trẻ nhỏ
Biết bao lòng trao thương?
(Gặp trẻ sống lang)
…Nhớ mùa đông đến lại dày vò
Cụ già đầu xóm nặng tiếng ho
Gió rít rèm thưa nghe não nuột
Đêm dài thấu lạnh cứ nằm lo
Nhớ mùa hè gió Lào nắng lửa
Thương đầu trần mót lúa đồng trưa
Tay lấm bùn nắm chùm gié lúa
Tưởng cầm vàng dãi nắng dầm mưa
Làng nghèo xơ mà chẳng thấy nghèo
Gió lùa nhà trống, ruột đói veo
Áo vá, chân trần, thân lấm đất
Sân đình trăng lạnh vẫn vui reo…
(Nhớ làng)
Tôi vừa trích một vài đoạn thơ, lẽ ra nên đọc cả bài, người đọc mới cảm được trọn vẹn cái đẹp, cái tình của nhà thơ đối với cuộc sống. Sáng tạo ghệ thuật là khám phá ra cái đẹp trong đời thường xô bồ khuất lấp và thể hiện cái đẹp ấy bằng những tứ thơ, những lời đẹp, thứ ngôn ngữ vàng mười của một dân tộc đã trường tồn với lịch sử và làm nên những áng thơ văn bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư…Nhưng nói cho cạn nhẽ, cái đẹp ngự trị trong lòng nhà thơ và nhà thơ là người khơi gợi được cái đẹp ấy trong lòng người đọc, để những lời, những ý, những tình cùng rung lên cung bậc tri kỷ. Tôi nghĩ, Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng trong nhiều bài thơ đạt được căn cốt của sự sáng tạo ấy.
Tuy nhiên, ở những bài thơ “phê phán mặt trái hiện thực”(Cái Nghèo gặp cái Đói, Sợ, Lời của loài sâu, Truyện dài giáo dục, Tham nhũng, Chuyện trên trời, kẹt xe, Cái bình vôi, Quan Tiên Lãng…), nhiệt tình nhà thơ vẫn hừng hực, nhà thơ đứng về phía nhân dân để lên tiếng, và trái tim nhà thơ đủ bao dung trong cái nhìn lạc quan, nhưng chất thơ lại rất ít và thơ không cất cánh được.
Thuở trước “hai không” có học sinh
Bảy năm tiên tiến thật rùng mình
Chữ Việt rành rành câm miệng hến
Hoảng hồn thời sự phải đưa tin
Sau mốc “hai không” có Tiến sĩ
Tiếng Anh không biết huống nói gì
Ra thế hai thời hai công tích
Ơn ngành giáo dục biết chê chi (?!)
(Chuyện dài giáo dục)
Bài thơ không chuyển tải được hết những chuyện tiêu cực của ngành giáo dục và không đề ra được hướng giải quyết vấn đề, ngoài cái cười châm biếm đánh vỗ vào mặt ngành giáo dục. Chỗ yếu nhất của bài thơ là tác giả không khám phá hiện thực, có chăng chỉ phản ánh tin đã đăng trên báo chí. Thơ không còn là sự khám phá sáng tạo “cái đẹp” từ cuộc sống. Nếu chỉ lập lại những hiện tượng báo chí đã đưa tin và công luận đã lên tiếng, thì báo chí làm tốt hơn thơ ca rất nhiều. Nhà thơ đã không vượt qua được cái “ngưỡng nghệ thuật” này.
Thơ phong trào quần chúng hay thơ chuyên nghiệp?
Trong tập thơ Trái Tim Hồng có cả hai loại thơ này. Và cả hai đều có những bài hay (thơ quần chúng như : Tết về với mẹ, Sinh nhật thầm, Lời tâm tình của lão quê, Chuyện trên trời…). Cần nói rõ rằng, tôi không có ý đánh giá thấp “thơ quần chúng”, hay coi trọng “thơ nghệ thuật”. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể:” –Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.” Phải thấy rằng thơ ca bình dân là nền tảng quan trọng cho văn chương bác học.Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu… đều đã học tập và kế thừa thơ ca bình dân (tức là thơ ca quần chúng), làm nên những tác phẩm để đời.
Tuy nhiên, nói “thơ ca quần chúng” không có nghĩa là loại thơ không có nghệ thuật, chỉ là hò vè cho vui. Trái lại là khác. Những bài ca dao như “Trâu ơi ta bảo trâu này…”, Hôm qua tát nước đầu đình…”. Trèo lên cây bưởi hái hoa…”, “Thằng bờm”, đều là những tuyệt tác dân gian. Nếu người làm thơ nghĩ rằng, làm thơ quần chúng là nói năng bỗ bã cho vui, ngôn ngữ thô mộc thế nào cũng được, thì đó là ngộ nhận dẫn đến thất bại.
“Có phải đời là bể dâu cực nhọc
Từ khi sinh đến giây phút chầu Diêm
Mỗi độ tuổi mỗi nỗi lo trằn trọc
Về hư vô vẫn mang nặng ưu phiền
Có phải đời là lắm quỷ, ít tiên
Kiều tài sắc nổi chìm theo sóng
Khuyển đạo tặc nghênh ngang hiển hiện
Bậc hiền tài Nguyễn Trãi cũng đi tong…”
(Tiếng đời)
Hai từ “chầu Diêm “ và “đi tong” là văn nói thông tục. Cái chết của Nguyễn Trãi là bi kịch lớn nhất trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam, đặt ra bao vấn đề triết lý tư tưởng để suy gẫm. Cái chết ấy không phải là cái chết tầm phào “hư vô” mà nhà thơ dùng chữ “đi tong” để diễn tả. Dù là dùng cách nói quần chúng, nhưng thơ trước hết là ngôn ngữ nghệ thuật. Ấy là chưa kể đặt Nguyễn Trãi đứng sau Kiều trong lịch sử và văn học là không thể chấp nhận được. Truyện Kiều được Nguyễn Du viết sau khi đi sứ (1814), có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều trước 1802, trong khi Nguyễn Trãi bị tru di 1442, trước hơn 400 năm.
Trong tập thơ này, nhiều bài thơ châm biếm có hơi thơ Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến (Lời tâm tình của lão quê, Chuyện quan Tiên Lãng…) nhưng tác giả không kế thừa được nghệ thuật thơ trào phúng của tiền nhân. Trần Tế Xương đánh vỗ vào mặt thời đại, còn Nguyễn Khuyền lại thâm trầm sâu cay. Trần tế Xương đem ngôn ngữ hiện đại (thời ông) vào thơ và đánh trực tiếp, đích danh bọn xấu (Bác Cử Nhu, Bỡn ông ấm Điềm, Bỡn ông Phó Bảng, Bỡn Tri phủ Xuân trường…). Còn Nguyễn Khuyến lại đặt những vấn đề thời sự của thời đại để suy tư và phê phán (Hội Tây, Khuyên Từ Hải ra hàng…). Nhà thơ Nguyễn Duy Đồng chỉ dùng hình ảnh ẩn dụ để nói bóng nói gió về đối tượng, thành ra sự phê phán không thuyết phục và đôi khi tác giả kêu gọi đối tượng tự phục thiện, tôi e rằng nhà thơ để đùa vui tuổi già, không có ý dùng thơ văn để “vừa tố cáo thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sách và phong phú hơn “(Thạch Lam)
Tham nhũng bởi lòng xót thuế dân
Kẽ hở thì nhiều lại tuênh huênh
Còn quyền cố lượm vào tư túi
Sao nỡ ngồi trông của trôi dần
(Tham nhũng)
Bài thơ không hướng cụ thể vào đối tượng nào, ý tứ rất tối nghĩa. Kêu gọi bọn tham nhũng động lòng “xót thuế dân” mà có trách nhiệm, đừng để “của dân trôi dần” là lời kêu gọi lòng thương thiện của kẻ cướp. Bao nhiêu công ty làm hại hàng trăm ngàn tỷ của dân, bao kẻ quyền cao chức trọng nhà cao cửa rộng kể không xiết, những tập đoàn thao túng lũng loạn vốn ODA đã bị pháp luật phơi bày, thì lời kêu gọi của nhà thơ thật yếu ớt, lạc điệu đến thảm hại.
Về những bài thơ “chuyên nghiệp”, thơ nghệ thuật, Nguyễn Duy Đồng có nhiều bài hay (Tiếng đồng hồ, Thương em, Trưa hè, Quê hương, Nhớ làng, Cánh phượng, Tuổi thơ buồn …) Ở những bài thơ này, nghệ thuật thơ điêu luyện, cảm nhận tinh tế, tình thơ sâu nặng đằm thắm. Thơ dệt được nhiều tứ đẹp
Trưa hè như chợ trên đồng
Chiêm mùa thu hoạch nhà nông bộn bề
Diều vi vu- trẻ hả hê
Tiếng gà cục tác, tiếng ve dậy làng
Gió nồm tre hát mênh mang
Cụ già đưa võng tình tang bên thềm
Trâu nằm nhai lại êm đềm
Chuồn chuồn chao lượn càng thêm đẹp trời
Dịu dàng trong tiếng à ơi
Mẹ ru con ngủ bao lời ước mong
(Trưa hè)
Cũng ghi nhận thêm, tập thơ có một vài bài hướng về suy tư triết lý (Tiếng đời, Nếu, Muốn, ) nhưng đây không phải là thế mạnh của Nguyễn Duy Đồng. Thơ anh thiếu hẳn một nền tảng tư tưởng. Các nhà thơ xưa dựa trên tư tưởng Thiên Mệnh của Nho giáo (Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ), tư tưởng Đạo của Lão Trang (thơ thiên nhiên, thơ nhàn) và thơ Thiền Phật giáo (thơ Thiền Lý Trần, Nguyễn Du…). Ngày nay nhiều nhà thơ cũng đi vào con đường thơ tư tưởng, và đã có những thành công. Thí dụ, thơ Thiền của Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trần Ngọc Tuấn. Thơ Hiện sinh của Nguyễn Quang Thiều…
Về nghệ thuật thơ, Nguyễn Duy Đồng chưa vượt ra ngoài thi pháp “thơ truyền thống”. Nhiều bài có ảnh hưởng thơ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, có bài ảnh hưởng thơ Tố Hữu (Nếu). Nhà thơ chưa tiếp cận được với các kiểu thi pháp của Chủ nghĩa lãng mạn (Xuân Diệu, Nguyễn Bính…), chủ nghĩa Siêu Thực (Hàn Mặc Tử, Bích Khê, nhóm Dạ Đài, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều…), thơ Tân Hình Thức (Khế Yêm…), thơ Trình Diễn (Ly Hoàng Ly), thi pháp hậu Hiện Đại (Văn Cầm Hải…). Tôi nghĩ, muốn cách tân thơ, nhà thơ cần đổi mới tư duy nghệ thuật và tìm tòi những kiểu thi pháp mới lạ để làm giàu có màu sắc thẩm mỹ trong thơ của mình. Có vậy những sáng tạo nghệ thuật mới có cơ may đứng được giữa hàng chục ngàn nhà thơ, và hàng ngàn tập thơ được in hàng năm. Nếu chỉ lặp lại đề tài cũ, cảm hứng cũ, thi pháp cũ thì thơ khó neo vào long người đọc…
Sáng tạo thơ khó lắm thay.
Nhưng tôi tin nhận xét của nhà thơ Lê Thanh Xuân về tập thơ Trái Tim Hồng là có cơ sở :”Tôi tin sau tập thơ này, Nguyễn Duy Đồng sẽ đột phá, sẽ khẳng định mình bằng bản lĩnh người làm thơ đích thực.”
Kính chúc anh vui và đạt được ước nguyện nghệ thuật
Tháng 04.2015