LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC- DIỆN MẠO CỦA MỘT THỜI
INRASARA-NHÀ “PHÊ BÌNH LẬP BIÊN BẢN”
Bùi Công Thuấn
Nhà phê bình Inrasara-ảnh Internet
Inrasara là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Ông cũng là nhà phê bình văn học chiếm lĩnh một khoảng trời riêng. Trong hoạt động văn học nghệ thuật, ông được khá nhiều giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam (1997- 2003). Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Lễ Tẩy trần tháng Tư) năm 2005 tại Thái Lan; Giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) 1995 với công trình nghiên cứu Văn Học Chăm (tập 1); Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh (2009). Giải thưởng của Văn Việt về Nghiên cứu – phê bình (2015).
NHÀ PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG ”HẬU HIỆN ĐẠI”
Ở lĩnh vực phê bình văn học, Inrasara viết nhiều về phê bình, về Hậu hiện đại và Thơ Hậu hiện đại Việt Nam. Ông rất quan tâm đến thơ trẻ Sài gòn đầu thế kỷ XXI. Ngòi bút của ông xông xáo trong nhiều vấn đề, chẳng hạn: Hậu hiện đại &Thơ hậu hiện đại Việt: Một phác họa; Nhập lưu Hậu hiện đại (10 kỳ); Giải minh hậu hiện đại… Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu? Năm 2014, 2015, Inrasara in: Nhập cuộc về hướng mở (Nxb Văn học); Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (Nxb Thanh niên); Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ (Nxb Hội nhà văn). Đương thời, những bài viết của ông làm dậy sóng văn đàn vì ông đứng về phía Thơ Trẻ, đứng về phía những người nỗ lực cách tân thơ Việt sau “đổi mới”, và có thể ông tự hào về mình đi trước thời đại trong “hợp lưu” với thơ ca của người Việt hải ngoại.
Ngày nay (2017) đọc lại những gì ông viết về Hậu hiện đại và thơ Hậu hiện đại Việt đầu thế kỷ XXI, người đọc có thể tìm được tư liệu tham khảo do ông “lập biên bản” các hiện tượng văn học. Những bài viết của ông về Hậu hiện đại chỉ là lặp lại ý kiến của người khác, ông không phải là nhà phê bình lý thuyết nghiên cứu lĩnh vực này như Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Đức Hiệp, Thụy Khuê, Lê Huy Bắc, Bùi Văn Nam Sơn…
Điều người ta nghi ngại Inrasara là, trong xu thế “cách tân” thơ Việt, Inrasara hướng ra bên ngoài (vọng ngoại). Ông hiện diện trên các trang web văn chương hải ngoại như Talawas, Tiền vệ, Hợp Lưu, Da Màu…Ông coi Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, (các tác giả viết về lý thuyết phê bình và văn chương Hậu hiện Đại ở Úc) là bậc thầy của mình. Ông thần tượng các tác giả người Việt hải ngoại như Đinh Linh, Đỗ Kh, Nguyễn Thị Hoàng Bắc…Ông là nhà thơ thuộc dòng chính, ở vị trí trung tâm của văn học chính thống, nhưng lại tự coi mình chung chiếu ngồi với người bên Lề, hăng hái hoạt động ở ngoại vi, đặt mình ở vị trí “tiên phong” trong xu cách tân, xu hướng “hợp lưu” văn chương trong nước và văn chương của người Việt hải ngoại. Ông có thái độ coi thường những người sáng tác, phê bình mà ông cho rằng họ thuộc hệ mỹ học cũ…(thí dụ ông gọi nhà phê bình Nguyễn Hòa là nhà phê bình mù!).
Thời gian là thước đo giá trị của những phong trào. Tuy Inrasara cổ vũ mạnh mẽ thơ Hậu hiện đại Việt đầu thế kỷ XXI, song ông phải công nhận thực tế này: “Có thể các sáng tác hậu hiện đại được sơ khởi bày ra ở trên, tạo cảm giác cho người đọc rằng chúng chỉ là những thử nghiệm dị hợm, một thái độ phá phách không hơn không kém. Cũng có thể lắm thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay chưa nẩy nòi ra “tác giả” tài năng để tạo ra “tác phẩm” hậu hiện đại lớn. Thực tế, thơ hậu hiện đại Việt có đó, không thể chối bỏ. Nó đã khởi động. Nó đang xảy ra. Như một sinh thể vừa tự ý thức, thơ hậu hiện đại Việt đa phần chỉ như là một phản ứng lại lề thói thơ, nếp nhà xã hội đang gò bó nó. “Chủ nghĩa hậu hiện đại đúng hơn là một tiến trình đang tiếp diễn của sự kháng cự lại ý thức hệ chủ lưu”. Nó chưa là thành tựu, và “chưa đi đến đâu”, như vài phán định dễ dãi về nó như thế. Nên, chưa thực sự xâm nhập vào dòng chính lưu để chính nó trở thành chính lưu. Nhưng sự xuất hiện của nó buộc chúng ta nhìn lại quan điểm về thơ ca.”[1]
Rõ ràng là ông phải công nhận sự thất bại của thơ Hậu hiện đại, nhưng Inrasara vẫn còn hy vọng. Người ta thấy có hơi hướng thuyết ngoại vi-trung tâm trong tham vọng phê bình của Inrasara. Ấy là, ông tiên liệu và mong muốn thơ Hậu hiện đại (thuộc dòng ngoại vi) sẽ trở thành dòng chính lưu của văn học Việt Nam. Và nếu được như thế, hẳn ông sẽ là người có công đầu, và biết đâu lại không trở thành thủ lĩnh của một trường phái thơ (?).
Và đây là một thí dụ về thơ hậu hiện đại mà Inrasara ca ngợi. Tôi không thể tưởng tượng được rằng, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu, một nhà văn hoá như Inrasara lại say mê nhìn ngắm, lắng nghe ca ngợi “tiếng nước đái” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Ông đánh giá việc Nguyễn Thị Hoàng Bắc miêu tả mình ngồi đái trên bồn cấu là “giải phóng thân phận tòng thuộc phụ nữ”: Tôi buộc phải hoài nghi năng lực nhận thức về “cái đẹp” thi ca của ông, bởi thi ca là văn hóa; Tôi cũng buộc phải hoài nghi sự hiểu biết của ông về giải phóng phụ nữ.
Inrasara viết:
“Không cần tuyên bố to chuyện mà, chỉ bằng một nhát dao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã cắt đứt cái đuôi hậu tố “nữ”, rất tuyệt.
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc đinh ninh sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy nó biểu hiện ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ bỗng chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã!
Ví vắng bóng “ngọn cỏ gió đùa”, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền luận hiện đại: nghiêm trọng và quyết liệt. Nhưng chỉ cần một làn gió, tất cả đã lột xác, bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại. Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ” thời lãng mạn được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.”[1b]
Nếu tài năng văn chương, năng lực phê bình thơ của Inrasara chỉ có thể ngang tầm với cái sự đái của Nguyễn Thị Hoàng Bắc (tức là cao hơn ngọn cỏ một chút) thì có thể hiểu chính cái gọi là “Hậu hiện đại” đã làm làm suy đồi một “nhà thơ” từng đạt nhiều giải thưởng của dòng chính lưu như thế nào. Đáng tiếc thay!
NHÀ PHÊ BÌNH “LẬP BIÊN BẢN”
Về phê bình văn học, Inrasara có tham vọng “lập thuyết”. Ông đề ra cái gọi là “Phê bình lập biên bản”[2]: “Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh… Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế” (báo Văn nghệ, 24-5-2008)… Phê bình lập biên bản bao gồm ba loại, nói khác đi, nó được tiến hành theo ba hình thức khác nhau: Bàn tròn văn chương, Biên bản lập chậm và Phê bình [như là] lập biên bản.”
Inrasara cho rằng: “nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình phổ biến hơn cả, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.”[3].”Phê bình lập biên bản” ra đời nhằm bổ khuyết cho hai loại phê bình kia.
Inrasara cho biết đã lập biên bản được: “Hơn trăm tác giả – tác phẩm đủ loại, từ thơ truyền thống đến hậu hiện đại, từ thơ đổi mới đến thơ hậu đổi mới,… Không thuần nghiên cứu, cũng không hẳn phê bình mà cư trú lấp lửng giữa hai món này. Tạm gọi nó là Phê bình [như là] lập biên bản.
Và sau thất bại của phê bình lập biên bản, Inrasara xoay sang một kiểu phê bình khác. Ông gọi là “phê bình mở”. Ông lý giải: “Phê bình lập biên bản không còn có thể đáp ứng được sự phát triển trương nở đến vô cùng loại thơ này, cùng tốc độ cập nhật và tương tác đa dạng và nhanh nhạy của nó. Phê bình cần đến thái độ khác, phương cách khác, tại đó “kiểu tập thể phê bình” như Bàn tròn văn chương chỉ là một gợi ý ở phạm vi hẹp. Tôi gọi đó là Phê bình mở.”
Ông cũng điểm danh 9 căn bệnh của phê bình văn học Việt Nam đương thời là: phê bình độn giai thoại, Phê bình bình và tán, phê bình chung chung, vô thưởng vô phạt; phê bình hũ nút; phê bình núp bóng; phê bình bè phái; phê bình quan phương; phê bình hàng hai.
Và Inrasara tự nhận: “Vài năm qua khi dấn vào cõi miền phê bình, tôi cũng không tránh khỏi lây nhiễm mấy thứ vi rút trên. Một/ một vài hoặc tất cả chúng nữa không chừng!/ Nên, viết là để cảnh giác chính mình trước hết.”[4]
Những nỗ lực của Inrasara là đáng trân trọng, song những gì ông đề xuất về phê bình, không có giá trị gì. Bởi ông không có trình độ để lập thuyết như Bakhtin, J.Sartre, Derrida…Cái mà ông gọi là “phê bình lập biên bản” chỉ là một thao tác nghiệp vụ của bất cứ một người làm công việc nghiên cứu nào. Đó không phải là một phương pháp phê bình văn học, càng không thể nâng lên thành một kiểu “lý thuyết” phê bình văn học có ý nghĩa dẫn đạo như Trường phái Hình thức Nga, Phê bình mới, phê bình Phân tâm học, Giải Cấu Trúc. Tất cả các mục điểm sách trên báo chí chính là “lập biên bản” tại chỗ sự ra đời của văn chương một thời. Còn cái ông gọi là “phê bình mở”, có lẽ ông bắt chước Umberto Eco tác giả của Tác phẩm mở (L’œuvre ouverte- 1962). Rất tiếc Inrasara không luận giải về “phê bình mở”, ông chỉ cho biết rằng, đó là kiểu “Phê bình cần đến thái độ khác, phương cách khác”.
Do đâu Inrasara thất bại trong “lập thuyết” về phê bình? Tôi ngờ rằng, ông chưa đọc lịch sử phê bình trong nước và trên thế giới. Ông chưa nghiên cứu xem những nhà “lập thuyết” đi trước ông đã khám phá những gì, họ có những thành tựu nào, có những khiếm khuyết nào. Trên cơ sở đó, ông đào sâu thêm hoặc đề xuất một lý thuyết mới.
Nhiều người đã có ý kiến về “văn phê bình” của ông. Bài Đối thoại cùng Inrasara của Phạm Quang Trung phản biện bài viết Lặn sâu vào dân tộc để sáng tạo cái mới của Inrasara (Tạp chí Nhà văn số 5/2011) có những kiến giải cặn kẽ và chí tình: “tôi đã đọc và nghĩ khá kỹ về bài viết của nhà thơ Inrasara… ngẫm đi ngẫm lại thì lại thấy thật ra không có gì mới mẻ cả… vì nhiều người trước Inrasara đã bàn rồi, sâu sắc và thuyết phục hơn nhiều kia”; “Inrasara đang đo tài sản tinh thần của người khác bằng vốn hiểu biết quá nghèo nàn của chính mình thì phải?”; “Cái “tôi” của người viết từ đây bắt đầu lộ diện, ngày một lớn hơn, rõ hơn để rồi dường như lấn lướt tất cả cùng với truyền thống đáng tự hào của dân tộc Chăm mà anh tự xem là một đại diện, hơn thế một kết tinh.”[5]
Trong cuộc trao đổi trên báo Nhân Dân 2013, Anh Chi có Ðôi lời về văn lý luận phê bình của Inrasara[6]: “Inrasara viết lý luận phê bình theo cách rất hay kết luận mà không cần chứng minh gì cả…”; “Xin thật lòng nói với Inrasara rằng, cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường.”; “chúng tôi thật tình phải nói với Inrasara rằng, văn lý luận phê bình của anh rất không bình thường.”
NHÀ PHÊ BÌNH PHONG TRÀO
Inrasara được coi là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, và ông đã được giải thưởng về lĩnh vực này. Nhưng BBT trang Champaka đã chỉ ra nhiều sai lầm của Inrasara phải đính chính trong bài viết “Người Chăm và văn hoá Chăm ở Việt Nam” đăng trên web của đài BBC ngày 4-8-2015. Xin trích dẫn vài sai sót cụ thể là:
“Inrasara viết:
Ở Campuchia, vào năm 1692, 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga di cư qua, ở vùng đất tốt dọc sông Mekong, sau đó còn mấy đợt di dân khác nữa.
Đính chính lại 5:
Đây cũng là cách viết lịch sử theo suy đoán. Theo tư liệu lịch sử cho biết, người Chăm đã có mặt ở Campuchia kể từ thời Angkor vào thế kỷ thứ IX. Năm 1692, nhà Nguyễn xua quân chiếm đóng Champa, thay đổi tên gọi Chiêm Thành trở thành Trấn Thuận Thành. Đây là cuộc chiến đẩm máu giữ Champa và nhà Nguyễn, nhưng không có sử liệu nào nói đến 5.000 gia đình Chăm chạy sang Campuchia.
Inrasara viết:
[Tại Campuchia] hiện nay, ngoài 22 làng còn theo tôn giáo Bà-ni, tất cả đều là Muslim. Cuối thế kỉ XX, người Cham ở Campuchia thay đổi họ tên thành Khmer Islam.Đính chính lại 6:
Người Chăm ở Campuchia có tên họ riệng, chứ không có ai lấy “họ tên Khmer Islam” như Inrasara bịa ra. Chăm jahet (Bani) thường lấy tên Ong Mat, Nai Pala, v.v. Chăm Muslim lấy tên họ theo Hồi Giáo, như Mohamad, Abdullah, v,v, Khmer Islam chỉ là thuật ngữ ám chỉ cho những người nào theo đạo Hồi sinh sống ở Campuchia sau ngày độc lập của vương quốc này vào năm 1953, trong đó có người Chăm, Jvâ (Mã Lai), Ấn Độ hay người Á Rập đi nữa.
Inrasara viết:
Tôn giáo Cham là tôn giáo mở. Nhập địa Champa vài thế kỉ và khẳng định vị thế của mình vào thế kỉ 14,
Đính chính lại 10:
Đọc câu này chúng tôi không hiểu Inrasara muốn nói gì. Tôn giáo mở là tôn giáo giáo gì? khẳng định vị thế của mình vào thế kỉ 14 là nghĩa gì?
Inrasara viết:
Cộng đồng Cham sản sinh rất nhiều lễ hội, trong đó Rija Nưgar là lớn hơn cả. Đây là lễ được tổ chức vào đầu năm Cham lịch (khoảng tháng 4 Dương lịch), mang ý nghĩa tống khỏi làng cái xấu xa nhơ nhớp của năm cũ, đón cái tốt lành vào làng nhân năm mới.
Đính chính lại 14:
Đa số lễ Chăm đều mang ý nghĩa tống cái xấu xa để đón cái tốt lành. Nhưng mục tiêu chính của Rija Nagar là lễ cầu mưa, thường diễn ra vào ngày đầu năm (tháng 4 dương lịch). Theo phong tục, sau ngày lễ Rija Nagar, sẽ có mưa trổ xuống để cày ruộng và trồng trọt hoa quả…”
Sau đó tác giả bài viết kết luận: “Phải nói rằng, Inrasara là nhà thơ tiếng Việt có tiếng tăm ở trong nước. Nói về công trình nghiên cứu về Champa, thì ông có công lớn lao để truyền bá văn thơ Chăm. Nhưng nói về nội dung của những công trình nghiên cứu về văn hoá, ngôn ngữ và lich sử Chăm, thì Inrasara là sư phụ của ngành bịa đặt và chế biến theo ngẫu hứng và quan điểm riêng tư của mình”[7]
Tôi xin không bình luận vì hoàn toàn mù tịt về lịch sử và văn hóa Chăm. Nhưng trong tôi vẫn có lòng kính trọng và ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa của dân tộc này. Ngày nay dân tộc Chăm đang góp phần làm phong phú văn hóa Đại Việt, họ được sinh sống và được tôn trọng như các dân tộc anh em khác. Sự hội nhập của Inrasara vào văn chương Việt là một minh chứng cụ thể.
Tôi đã đọc bài phê bình của Inrasara về tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ [8] và lời bình bài thơ Chia của Nguyễn Trọng Tạo [9] mà ông đặt nhan đề là: “Bài thơ Chia của Nguyễn Trọng Tạo-cú hích cho lục bát Việt”. Ở cả hai bài viết này, tôi không thấy bóng dáng cùa lý thuyết phê bình nào được Inrasara vận dụng để đọc tác phẩm, kể cả cái ông gọi là “phê bình lập biên bản” hay “phê bình mở”. Cả hai bài đều được viết như kiểu phân tích tác phẩm trong nhà trường phổ thông. Và ông mắc vào chính những căn bệnh phê bình do ông chỉ ra. Xin đọc:
Bài thơ CHIA của Nguyễn Trọng Tạo – cú hích cho lục bát Việt
Chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
Chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chia cho em một đời thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn có mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
Lời bình (xin trích):
“…Đâu phải thể thơ cũ hay vần vè là không thể mới. Mới với hình ảnh mới, lối nói mới: Tôi còn vỏ chai, không phải tôi sở hữu những vỏ chai trống trơn, khô khốc! Tôi về héo khô, là héo khô của một đời cây thu phối không gì khác ngoài mầu mỡ của đất, mưa nắng của trời để tận hiến cho người đời hoa trái.
Mới, bằng xếp đặt ngôn từ mới. Nhà thơ thoải mái vi phạm quy tắc văn phạm thông dụng: sau số từ (“một”) không chỉ là danh từ mà còn là một tính từ, động từ, thậm chí một đại danh từ. Và mới, nhất là nhịp điệu mới: nhịp điệu tạo nên bài thơ, nhịp điệu mới lạ làm nên bài thơ mới và lạ. Lạ, ở đây Nguyễn Trọng Tạo vận dụng nhịp điệu lạ ấy vào trong chính thể thơ truyền thống, thể lục bát – một thể thơ rất khó tạo được cái lạ – bằng ngắt nhịp và tách dòng. Và anh đã thành công!”
Từ lâu rồi, nhiều người đã làm Thơ Lục bát vắt dòng. Nguyễn Trọng Tạo không mới. Nhưng Inrasara cố chứng minh rằng Nguyễn Trọng Tạo “mới” ở hình ảnh, ở xếp đặt ngôn từ, ở nhịp điệu (đây là cách phân tích thơ trong nhà trường). Nếu muốn nói về cái mới trong thơ, căn cốt phải là tư duy nghệ thuật mới. Những ý tưởng, từ ngữ như: “Một đời cay đắng, vui buồn; say sưa, cây bồ đề, cây si, lênh đênh, dại khờ, chang nắng, héo khô, mưa dầm…” là những từ ngữ, ý tứ sáo mòn bao đời rồi, làm gì là mới! vậy mà Inrasara bốc thơm rằng: “Bài thơ CHIA CỦA Nguyễn Trọng Tạo-cú hích cho lục bát Việt”. Tôi không hiểu đó là cú hích gì? Hay chỉ cách Inrasara nói lấy lòng Nguyễn Trọng Tạo? Với Inrasara, “mới” phải là Hậu hiện đại, không thể là thơ cũ, vần vè. Mới phải như bài “Tiếng nước đái” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc ở trên.
Tôi thử lý giải xem tại sao một nhà phê bình viết rất nhiều về phê bình lại mắc những sai lầm do chính mình chỉ ra.
Chỉ có thể lý hiểu ngầm thế này: Năm 1977, ông học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh được một năm thì bỏ học, làm nông, đi, nghiên cứu và làm thơ. Tất cả vốn tri thức ông có là vốn học phổ thông kết hợp với tự học sau này. Ông không được đào tạo bài bản về Lý luận văn học, thành ra Phạm Quang Trung mới đánh giá ông có “vốn hiểu biết quá nghèo nàn” và Anh Chi nhận xét “văn lý luận phê bình của anh rất không bình thường.”
Và tôi nhận ra, những giải thưởng ông đạt được do những công trình nghiên cứu của ông, một phần là do chính sách của Nhà Nước dành cho người con của dân tộc Chăm. Inrasara đã “tự thức” như thế này:
“Khi tôi nhận biết ra tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ hai mươi và thế kỉ hai mốt, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại và phát triển, công bằng và lành mạnh. Dù vô nghĩa, và vô ích – trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức nhận trắng phớ như thế, nhưng tôi vẫn nỗ lực hết mình. Và vui thú. Cuối cùng thế nào rồi hơn nửa đời hư, tôi cũng có trong tay lưng vốn sự nghiệp. Tuy nhiên…
Một ngày kia tôi hốt nhiên quay lại nhìn mớ sách vở đứng chình ình nơi phòng trưng bày: Chúng có phải công trình của tôi, hay đó chỉ là thứ văn bản được chắp vá nên bởi vô vàn tiền văn bản để chính chúng trở thành tiền văn bản mới, trùng trùng duyên khởi sẵn sàng tạo tác thành các văn bản khác, như thể tuồng ảo hóa vô tận của phận chữ và kiếp người? Tôi là ai? Tôi biết gì? Tôi làm được gì? Không gì cả! Nhưng tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian, nơi vùng đất tôi sinh ra và sống…”[10]
Với tôi, Inrasara chỉ là nhà phê bình phong trào với tất cả ưu điểm và hạn chế của kiểu nhà phê bình này. Bởi vì, là một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, ông tạt ngang sang phê bình văn học. Chính ông cũng nhận rõ những hạn chế của mình. Dù có nhiều tham vọng, dù ngọn gió đổi mới có ào ạt một lúc, dù ông cố nương cánh gió bay lên, nhưng so với những nhà phê bình lý thuyết, ông cách họ một khoảng rất xa không thể vượt qua được. Và khi gió “cách tân” không còn thổi nữa, ông trở về chỗ cũ của mình, trơ trọi…
Hình như ông chưa thôi ảo tưởng về mình. Ông phê phán Nguyễn Hòa là một “nhà phê bình mù”[11] và gọi Hoài Nam là nhà phê bình nhai lại [12]. Thế nhưng ngay đến chữ “nhà phê bình mù” ông cũng phải học Nguyễn Hưng Quốc!
Tri thức của nhân loại mênh mông, thực tại cuộc sống lại rất phức tạp, góc nhìn của một người khó có thể bao quát được. Triết gia Socrates (470-399 trc CN) từng thú nhận: “Tôi chỉ biết có một điều, đó là tôi không biết gì hết”. Inrasara thường nhắc đến Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger, hẳn ông có biết Socrates!
Tôi chợt nghĩ, giá như Inrasara cứ làm thơ, cứ tạo cho mình một thế giới nghệ thuật riêng kết hợp nghệ thuật Chăm với nghệ thuật Hậu hiện đại, có lẽ ông có nhiều thành tựu hơn.
Tháng 5 năm 2017
____________________
[1] Inrasara-Hậu hiện đại & Thơ hậu hiện đại Việt: Một phác họahttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=7299
[2] Inrasara- Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở.http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16944
[3] Inrasara – Hành trình phê bình lập biên bản, [4] Inrasara-Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nayhttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8635
[5] Phạm Quang Trung- Đối thoại cùng Inrasarawww.pqtrung.com/tac-pham-moi/i-thoi-cng-inrasara
[6] Tạm khép lại một cuộc trao đổi– http://nhandan.com.vn/cuoituan/item/20532402-bao-n%C4%83m-%E1%BA%A5y,-b%E1%BA%A5y-nhi%C3%AAu-ng%C3%A0y-gian-kh%C3%B3.html [7] Sai lầm của Inrasara trong bài viết “Người Chăm và văn hoá Chăm” [8] Inrasara đọc Lời nguyền 200 năm của Khôi Vũhttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=6448
[9] Bài thơ CHIA của Nguyễn Trọng Tạo – cú hích cho lục bát Việthttp://nguyentrongtao.info/2013/08/12/inrasara-binh-bai-tho-chia/
[10] Inrasara-Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay hay Thơ như là con đườnghttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13421
[11] Nguyễn Hòa, “nhà phê bình mù”vanviet.info/tren-facebook/nguyen-ha-nh-ph-bnh-m/
[12] Đụng chạm đến Hậu hiện đại, Inrasara chửi Hoài Nam là… đồ nhai lại!https://nguyendinhbon.blogspot.com/2014/12/ung-cham-en-hau-hien-ai-inrasara-chui.html
Pingback: Phê bình văn học-Diện mạo của một thời – CHÚT TÌNH TRI ÂM