CÔNG TÁC VĂN HỌC 2019-HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

HÔI NGHỊ CÔNG TÁC VĂN HỌC 2019

PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ HỮU THỈNH

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam

Sáng 28/12/2019, tại Viện bảo tàng Văn học Hà Nội

(Time: 01:11:43)

Văn chương 2019

Kính thưa hội nghị,

Trước hết tôi xin thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các anh các chị, các Hội đồng (chuyên mộn) và các Ban văn học, từ mọi miền đật nước về dự Hội nghị công tác văn học 2019 của chúng ta.

CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC CỦA HỘI NGHỊ

Chương trình làm việc của chúng ta như Chánh văn phòng vừa nói. Buổi sáng hôm nay, chúng ta sẽ nghe báo cáo và thảo luận tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng năm 2020. Buổi chiều, các Ban và các Hội đồng họp rút kinh nghiệm công tác năm 2019 và bàn về phương hướng hoạt động năm 2020 theo hướng dẫn của Ban Chấp hành.

Việc quan trọng nhất đối với các Hội đồng chuyên môn và các Ban Văn học chiều hôm nay là xem xét, thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu kết nạp hội viên mới. Nếu các Ban có việc cần bàn thêm thì chúng ta tiến hành cả sáng ngày mai. Về cơ bản, hội nghị kết thúc vào buổi chiều hôm nay.

TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC 2019

Kính thưa các anh các chị,

Năm 2019, đất nước phát triển tương đối tốt. Kinh tế phát triển, an ninh chính trị, đối ngoại nhân dân, quốc phòng được giữ vững. Trong 12 chỉ tiêu của chính phủ Quốc hội đã thông qua đều vượt và đạt. Tăng trưởng kinh các anh chị biết là 6,8% (BCT: Báo đăng: 7,02%). Sự phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến tâm lý xã hội đời sống nhân dân và tâm trạng, cảm hứng sáng tạo của nhà văn.

Đối với Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như các hội VHNT địa phương, năm nay chúng ta có cuộc vận động lớn, 2 kết luận lớn, đó là Trung ương tổ chức rút kinh nghiệm sơ kết 5 năm nghị quyết 33 của Trung ương khóa 11 “Xây dựng văn hóa Việt Nam, xây dựng con người góp phần phát triển bền vững đất nước”. Đây là họat động tổng kết rất lớn, tiến hành từ trung ương đến các địa phương. Cuộc vận động thứ hai, hoạt động thứ hai là Trung ương tổ chức rút kinh nghiệm 5 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính Trị về tổ chức hội. Điều thứ hai có tác động rất lớn đối với giới VHNT của chúng ta là Chỉ thị 31 của Ban Bí thư về “Tổ chức đại hội nhiệm kỳ các hội chuyên ngành VHNT và Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam” trực tiếp tác động lên giới VHNT của chúng ta, trong đó có Hội Nhà Văn Việt Nam.

Quảng bá-khai mạc 2

(Khai mạc Hội nghị quảng bá văn học 2019)

TẬP TRUNG NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

Ban Chấp hành luôn luôn đặt nhiệm vụ đẩy mạnh sáng tác là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Hội chúng ta.

1.Trước hết là mở các trại sáng tác. Năm nay, được sự hỗ trợ của Bộ VH-TT, chúng ta tổ chức 2 trại sáng tác ở Tam Đảo, ở Nha Trang, Phú Quốc, hơn 30 nhà văn đến làm việc. Các trại sáng tác tổ chức ở hai đầu đất nước nên Ban Chấp hành tổ chức đi chéo vùng, tức là các nhà văn phía Bắc thì đi phía Nam, các nhà văn phía Nam thì đi phía Bắc. Như vậy, chúng ta vừa có điều kiện tham dự trại sáng tác, vừa có kết hợp đi thực tế.

Ngoài ra có một cái cải tiến của năm 2019 là Ban Chấp hành tổ chức một trại sáng tác riêng tại tại bảo tàng cho 8 nhà văn đã có dự kiến, dự án, đề cương viết tiểu thuyết dài hạn. Có thể nói đây là một cái cải tiến khác với nhiều năm là chúng ta tập trung về thể loại tiểu thuyết và giúp các anh các chị có đề cương chi tiết đã hoàn thành. Lần đầu tiên chúng ta có một tổ chức như vậy và trại kéo dài đến một tháng trời. Đồng thời với viết, có tổ chức hội thảo tại trại. Các anh các chị kết thúc trại sáng tác đều đã hoàn thành cái đề cương của mình, có bản thảo, những bản thảo rất là công phu.

2.Tổ chức đi thực tế. Chúng ta thấy là, hầu hết các nhà văn của chúng ta đều tập trung ở khu đô thị lớn, khu trung tâm hành chính do đó đi sáng tác, đi thực tế trở thành cái nhiệm vụ thường xuyên của Hội. Nhiệm vụ này  Ban Văn học Chuyên đề được Ban Chấp hành  giao nhiệm vụ tổ chức được 6 chuyến đi thực tế. Chủ yếu năm nay là đi thực tế các vùng chiến sự ở biên giớ phía bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai thu hút cả nhà văn phía Bắc và cả nhà văn phía Nam. Năm nay kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới cho nên nhà văn đi thực tế các tỉnh phía Bắc rất nhiều và đi về là có tác phẩm tốt. Ngoài ra chúng ta tổ chức một chuyến đi đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi này có kết quả. Chúng ta đã tiếp cận một cái vùng sôi động của đất nước, có thể nói là cái vựa thóc của đất nước, nhưng cũng đầy khó khăn. Trước hết là biến đổi khí hậu. Vấn đề biến đổi khí hậu tác động chung cả nước, nhưng  tập trung nhất vể đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà văn chúng ta đã có mặt.

3.Vấn đề đầu tư thứ 3 là đẩy mạnh sáng tác để có tác phẩm kết tinh. Ở đây có tác phẩm kết tinh có tính chất tổng kết một đời văn. Năm nay Hội Nhà văn tiếp tục hoạt động của các năm trước là không tập trung không đầu tư dàn trải, nhưng tập trung cho những tác giả đã có đề cương sáng tác cơ bản và có từng trải có ý nghĩa tổng kết. Đấy là một bước chuyển. Như vậy, chúng ta vừa chú ý đội hình chung của cả nước nhưng đồng thời chú ý các tác giả tiêu biểu để chúng ta sớm có những tác phẩm kết tinh một giai đoạn. Công tác này triển khai trong tất cả các hoạt động.

Về đầu tư, có thể nói rằng, chúng ta vẫn giữ chế độ đầu tư thường xuyên của Nhà nước. Hy vọng sử dụng cái đầu tư như thế nào thì có thể báo cáo với các anh chị đầu tư của chúng ta được đúng nghị trình: Có đề cương, có chuẩn bị. Nói chung, tất cả đều có bàn thảo hoàn thành được (cái) chương trình của mình, có lượng tiểu thuyết, các công trình lý luận phê bình khá cao, công phu. Ngoài các tổ chức đầu tư trực tiếp cho các nhà văn, thì Hội chúng ta, có lẽ là một Hội duy nhất đưa được nhiều nhà văn lên Liên hiệp (các Hội VHNT Việt Nam) hỗ trợ. Các Hội khác, kinh phí họ ít hơn ta nhưng mà cũng rất ít văn nghệ sĩ được đưa lên Liên hiệp. Hội Nhà văn Việt Nam có thuận lợi là tôi cũng làm việc ở đây nhiều cho nên chúng ta đã gưi gần 100 nhà văn lên Liên hiệp để đầu tư. Như thế, cái vốn hỗ trợ của ta vừa ở Hội, vừa xin giúp đỡ của Hiệp hội.

Lượng sách xuất bản của chúng ta năm nay giữ được cái mức như năm ngoái. Công bố tác phẩm, riêng ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn  là 1650 cuốn. Các anh hãy tưởng tượng, một nhà xuất bản của chúng ta thôi mà đã hơn 1650 cuốn thì phải nói là số lượng lớn. Còn các nhà xuất bản khác, địa phương và trung ương. Như vậy, đánh giá được cái nhịp độ sáng tác, tốc độ sáng tác, khối lượng sáng tác của chúng ta là rất dồi dào. Vấn đề đặt ra trong các tác phẩm ấy như thế nào, dòng chảy chung cùa văn học chúng ta như thế nào thì có thể nói một cách tóm tắt như thế này: văn học của chúng ta tiếp tục cái dòng chảy xuyên suốt đó là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, nhân văn, dân chủ, tích cực hội nhập. Trong đó rất đáng mừng là chúng ta có rất nhiều tiểu thuyết đi về đề tài lịch sử, đi về đề tài chiến tranh và tập trung đi vào các vấn đề đạo đức xã hội đang rất gay gắt đặt ra. Nhiều nhà văn rất dũng cảm đi vào vấn đề trung tâm của đời sống ngày nay. Đó là vấn đề xây dựng và kiến tạo con người, xây dựng và kiến tạo đạo đức xã hội, trong đó có rất nhiều cái xung đột. Đó là những trận địa, nhiều tác phẩm đã đi vào cái này. Không phải những nhà văn chuyên nghiệp, hội viên đâu mà các khu vực, các địa phương cũng đi vào vấn đề này, nhiều tác giả khai thác.

Tiếp tục cái việc thúc đẩy văn học, ở các Hội đồng, theo sự chỉ đạo của Hội Nhà văn Việt Nam. Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm sau khi kết thúc cuộc thi thơ thì các anh đã tiếp tục cuộc thi truyện ngắn. Tôi đọc các truyện ngắn của Nhà văn và tác phẩm, có nhiều truyện ngắn rất hứa hẹn. Cuộc thi còn đang tiếp tục nhưng mà tôi đã thấy những tác phẩm rất khá. Tôi làm thơ nhưng rất thích đọc truyện ngắn, đọc văn xuôi. Tôi thấy cuộc thi đang có nhiều hứa hẹn. Cuộc thi thứ hai cũng đầy hy vọng, đó là cuộc thi thơ của báo Văn nghệ mới phát động cách đây được hai, ba tháng thôi, thì nó cũng chưa báo hiệu cái gì là hứa hẹn lắm đâu, nhưng có cái mới là nhiều tên tuổi, cây bút mới tham gia.

Về giải thưởng, cũng là một biện pháp để thúc đẩy sáng tác, nhiệm vụ trung tâm của chúng ta, thì hiện nay chúng tôi đang tập trung xét giải thưởng của tiểu thuyết 5 năm của chúng ta. Năm nay, về số lượng, có lẽ là một trong những cuộc thi có số lượng nhiều nhất là 176 tác phẩm. Trong đó có những tác phẩm 5 tập hơn 2500 trang, 4 tập, 3 tập, 2 tập. Như vậy là có rất nhiều tác phẩm có quy mô lớn, do đó cho nên chúng tôi phải tổ chức một cái thời gian và ban giám khảo làm việc bước sơ khảo đang làm việc rất tích cực. Chúng ta phải làm một cách rất là nghiêm túc, đúng luật, đúng quy chế. Không để sót tài năng, do đó chúng tôi muốn trao giải thưởng và kết thúc cuộc thi tiểu thuyết này vào giữa quý I năm 2020. Mới đọc thôi, chưa kết thúc vòng 1, chúng tôi thấy là năm nay có tác phẩm hay để trao.

Giải thưởng hàng năm, các Hội đồng kết thúc bước sơ khảo, và trong tuần tới Ban Chấp hành sẽ chung khảo và quyết định trao giải thưởng cho những tác phẩm đã được các hội đồng đưa lên. Tôi thấy năm nay tình hình tốt hơn năm ngoái, có nghĩa là lĩnh vực nào, thể loại nào cũng có tác phẩm được trao giải thưởng. Các Hội đồng (chuyên môn) làm việc rất tích cực, chọn lọc rất là khắt khe, mà tôi thấy là những chọn lọc như vậy nó phản ánh được cách làm việc của các Hội đồng, trách nhiệm của các Hội đồng và đánh giá đúng chất lượng đời sống văn học của chúng ta.

Đấy là về sáng tác, có mấy họat động như vậy.

Về lý luận phê bình, năm nay Hội đồng LLPB cùng với sự chỉ đạo của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo. Không đi vào vấn đề chung. Nhiều cuộc hội thảo đã đánh giá tình hình chung rồi. Đầu năm, trong “Ngày thơ Việt Nam” có hội thảo vấn đề tiểu thuyết. BCH luôn có ý thức rằng coi trọng tiểu thuyết như đó là một thể loại bản lề, một thể loại nòng cốt của văn học, nên chúng ta tổ chức một cuộc hội thảo về tiểu thuyết chung. Sau đó rất nhiều cuộc hội thảo về từng tác giả nhân kỷ niệm 100 năm, như Hội thảo về Ngô Tất Tố, cuộc hội thảo về Nguyễn Bính, cuộc Hội thảo về nhà thơ Huy Cận, về nhà văn Bùi Hiển và cuộc kỷ niệm 50 năm, nhưng thực chất là cuộc hội thảo về Dương Thị Xuân Quý, cuộc ra mắt sách của nhà thơ Thanh Tùng cũng mang dáng vóc của một cuộc hội thảo khoa học và có chất lượng tốt. Đấy là cái hoạt động rất là sôi nổi của Hội đồng LLPB.

Ngoài ra, chúng ta hết sức chú ý đến trang LLPB trên tạp chí và các báo. Ở đây có 3 cơ quan, mỗi cơ quan đều hoạt động tốt. Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, báo Văn nghệ, tạp chí Hồn Việt, tạp chí Thơ chúng ta đều chú ý quan tâm đến mảng LLPB trên các cơ quan này.

Về công tác xây dựng Hội, năm nay chúng ta tiến hành một bước sắp xếp, quy hoạch tinh giản bộ máy. Thật ra bộ máy của chúng ta cũng không phải quá cồng kềnh vì biên chế của Hội xưa nay cũng chỉ có hơn 30 người thôi, bao gồm cả Hội Nhà văn, các cơ quan Hội Nhà văn, văn phòng HNV và Bảo tàng này. Chúng ta chỉ có 33 người thôi. Biên chế này là xít xao. Nếu bây giờ biên chế như vậy thì là quy hoạch, sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Bộ phận nào mà hoạt động êm, hiệu quả thì chúng ta để lại, còn bộ phận nào hoạt động ít hiệu quả thì chúng ta tổ chức sắp xếp bố trí lại cán bộ, nhân sự để hoạt động tốt hơn. Đương nhiên, sắp xếp lại bộ máy thì ở cơ quan nào cũng khó khăn đó là nó đụng chạm đến con người cụ thể, làm thế nào sắp xếp được nhưng mà vui vẻ, đầm ấm, cái ấy mới là khó. Làm được cái việc này, chúng ta vừa thực hiện được nghị quyết của trên, cơ quan của chúng ta vẫn sắp xếp được. Đấy là cái điều đáng mừng.

Ngoài ra thì phải nói rằng một công tác xây dựng Hội đầu năm nay và nhiều năm là thực hiện chính sách đối với các nhà văn, là thăm hỏ, đau ốm, tang lễ các nhà văn qua đời v.v.thì có thể nói mảng này chúng ta làm rất tốt. Tôi ở Liên hiệp, tôi theo dõi có lẽ Hội Nhà văn Việt Nam là một trong cái Hội thực hiện rất tốt cái công tác hội viên, nhất là chăm sóc khi ốm đau, khi tang lễ, kể cả nhà văn và kể cả gia đình. Có nhà văn ở rất xa, anh em văn phòng cũng đến viếng, thăm hỏi, làm rất tận tình. Công việc này rất thầm lặng, nhưng nó thể hiện cái tình nghĩa của những người đồng nghiệp đối với nhau, gắn bó Hội với hội viên và hội viên đối với Hội.

          Về giao lưu văn học, đối với nước ngoài và quảng bá văn học Việt Nam. Năm 2019 là một năm hoạt động sôi nổi vào loại nhất trong nhiều năm, rất có ấn tượng, rất có hiệu quả. Chúng ta tổ chức Hội nghị quảng bá văn học lần thứ 4 và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3, lần này số lượng là cao nhất. 51 quốc gia tham gia, gần 200 nhà văn. Trước kia chỉ có châu lục là Á, Phi, châu Âu. Năm nay có châu Mỹ La Tinh. Cùng một lúc tổ chức trên một quy mô rất rộng, rất lớn: Hà Nội-Quảng Ninh-Bắc Giang. Cùng một lúc, chúng ta vừa thảo luận, hội thảo về những vấn đề mà các bạn quan tâm với văn học Việt Nam, vừa tổ chức cho các nhà thơ đi giao lưu văn hóa: Đọc thơ với Đại học Sư Phạm, Đại học Văn hóa. Diện hoạt động rất rộng. Nhiều sự kiện, nhiều cuộc tiếp xúc cùng một lúc đón tiếp một khối lượng rất lớn các bạn bè quốc tế. Chúng ta có cải tiến. Thứ nhất: Mọi lần đến quảng bá văn học Việt Nam, chúng ta đều tặng các bạn sách tiếng Việt thôi. Lần này, chúng tôi, trong thời gian rất ngắn chỉ có 2 tháng chuẩn bị. Sự kiện lớn này phải xin phép Ban Bí thư. Trong khoảng thời gian 2 tháng, chúng ta đã dịch 3 tác phẩm: (một là) Khái quát 10 thế kỷ văn học Việt Nam. (2 là) Tuyển tập truyện ngắn và (3 là) tuyển tập thơ bằng tiếng Anh. Các đại biểu ra về đều có sản phẩm dịch văn học Việt Nam bằng tiếng Anh rồi. Cái cải tiến rất lớn. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, thì nhiều nước, bằng tác phẩm của chúng ta, đã dịch ngay ra cái tiếng của họ. Hàn quốc, Đài Loan, Ý, Hunggary đều giới thiệu tập thơ của Việt Nam. Đặc biệt là một số giáo sư, một số nhà văn ở Thái Lan, Indonesia, Philippines v.v, bằng cái tài liệu của chúng ta, họ đưa luôn vào giáo trình giảng dạy văn học của nước họ về lịch sử 10 thế kỷ phát triển văn học ở Việt Nam. Cái hiệu quả của năm nay là rất tốt. Sắp tới chúng ta duy trì cái hiệu quả này, cho nên cái nhịp độ chưa bao giờ chúng ta đón các khách nước ngoài và tham gia các sự kiện văn hóa, tham gia các sự kiện vào quốc tế được như năm nay. Có thể nói tháng nào cũng có đoàn ra, tháng nảo cũng có đoàn vào. Nhiều đoàn ngoài dự kiến. Nhiều người ta nghe thấy vậy, các đại biểu đi dự hội nghị về quảng bá cho nên người ta đến ngoài dự kiến. Cho nên liên tục phải báo cáo cấp trên để đón tiếp. Chúng ta mở rộng được cái đội hình tiếp xúc hội nhập tốt như thế.

Một trong những nhiệm vụ quảng bá nữa là, chúng ta cử các nhà văn đi tham gia sự kiện quốc tế. Năm nay Trung Quốc có 2 hội nghị. Một cái hội nghị thứ nhất, họ tổ chức rất lớn tại Bắc Kinh. Thực chất của cuộc hội thảo này là họ triển khai chiến lược “vành đai và con đường”. Chúng ta đã cử đại diện, đồng chí Nguyễn Trí Huân Phó chủ tịch sang dự. Một hội nghị thứ hai là cuộc đối thoại văn học giữa Trung Quốc và khối sông Mê Kông, tổ chức tại Côn Minh. Chúng ta cũng cử nhà văn Tô Nhuận Vĩ tham gia. Ờ Trung Quốc chúng ta cử hai đoàn. Có một (cái) đoàn ở một nước rất xa, rất khó đi lại, đó là Kazakhstan. Kazakhstan năm nay họ tổ chức một (cái) hội nghị gọi là “Những người được giải thưởng cao nhất của các quốc gia”, ngòai những người đã được giới thiệu giải thưởng Nobel, ứng cử giải thưởng Nobel. Họ làm rất lớn. Họ muốn kéo trung tâm về phía Trung Á. Chúng ta cũng đã cử nhà văn tham gia. Chúng ta đã cử các nhà văn, lâu lắm rồi, cũng không phải lâu lắm, nhưng đến cái vùng rất ít chúng ta có điều kiện tham dự , đó là Pakistan. Anh Bùi Việt Thắng đã tham dự hội nghị này. Cái hội nghị này bây giớ nó không còn là tổ chức văn học Á Phi nữa, mà là văn học Á-Phi và Mỹ La tinh. Họ rất là cảm động phía Việt Nam đã tham gia hội nghị này. Sắp tới (thì) nhiều nước biết đến (cái) “Ngày Thơ Việt Nam”. Họ đăng ký vào (cái) “Ngày Thơ Việt Nam” rất đông. Tất nhiên là khả năng đón của chúng ta rất có hạn. Cái ấy sang năm 2020 để tôi báo cáo sau.

Các cơ quan của Hội hoạt động trên 3 phương diện: một là đẩy mạnh sáng tác, hai là xây dựng Hội, ba là quảng bá văn học Việt Nam. Việc nào văn phòng cũng phải làm việc. Văn phòng cùa chúng ta không đông đâu. Việc nào, người nào làm việc cũng rất tích cực, bô phận nào cũng hoàn thành nhiệm vụ âm thầm. Ngoài ra, chúng tôi xác định văn phòng là cái bộ mặt của Ban Chấp hành, đón tiếp các nhà văn, làm việc với các nhà văn niềm nở đúng mực, trân trọng, tình cảm đầm ấm. Văn phòng đã hoàn thành rất là xuất sắc.

Các Hội đồng của chúng ta đều có nhiều cải tiến. Cải tiến là chúng ta thay thế cái nhiệm kỳ của Hội đồng 5 năm bằng cái nhiệm kỳ 2 năm. Tinh thần của cái thay đổi này là muốn cho hội đồng năng động thêm. Không nên có một cái hội đồng ngồi cả 5 năm, sau khi bàn bạc, nó có một cái lối mòn nào đó chăng do đó cho nên chúng tôi quyết định là hội đồng là 2 năm. Tổ chức 2 năm có cái hay của nó là việc đổi mới nhân sự ở các Hội đồng. Vậy cái khả năng tiếp nhận nhiều kênh, nhiều phong cách sáng tạo của văn nghệ sĩ tốt hơn. Tuy vậy, 2 năm cũng có cái mặt khó khăn của nó. Khó khăn vì có 2 năm thôi, làm thế nào để có thể bao quát được cả nước, bao quát được tình hình văn học ở các khu vực mà mỗi hội viên ở Hội đồng thì ở một chỗ địa phương thôi, làm thế nào để có một Hội đồng quan sát được, nắm được cái tình hình chung, thì đấy là một vấn đề đòi hỏi phải cung cấp thông tin, cả về con người và tác phẩm. Hội đồng chúng ta mới thay đổi, ê kíp mới năm nay là năm vào đầu tiên. Tuy mới thành lập nhưng các anh các chị thích nghi, tiếp cận công việc rất nhanh, làm việc rất là tốt.

Về các cơ quan báo chí của hội,

Trước hết là báo Văn Nghệ. Tình hình là, báo Văn nghệ hiện nay là có khó khăn. Báo viết nói chung là khó khăn. Hoạt động của Ban Chấp hành năm nay tiến hành quy hoạch lại đội hình báo chí của Hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình báo chí của chúng ta bây giờ là như thế này. Một Hội là có cái nhà xuất bản. Chúng ta có rồi. Có một tạp chí, đó là tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, chỉ có một cơ quan báo chí thôi. Tôi chọn cơ quan báo chí của chúng ta là báo Văn Nghệ, vì truyền thống là hơn 70 năm rồi. Tờ báo chính của chúng ta là tờ báo Văn Nghệ. 2 ấn phẩm kèm theo là tạp chí Thơ và tạp chí Hồn Việt. Trước kia, tạp chí Thơ và tạp chí Hồn Việt hoạt động như một tạp chí riêng, nhưng bây giờ nó trở thành ấn phẩm của báo Văn Nghệ, theo quyết định của trên như vậy. chúng ta duy trì 2 tạp chí này nhưng với tư cách nó là ấn phẩm của báo Văn Nghệ. Thế thì cái cách làm việc khi mà ghép vào đội hình như vậy như thế nào? Hôm nay trên hội nghị này chúng tôi cũng nói thêm là khi chúng ta đã đưa các tạp chí về ấn phẩm của báo Văn Nghệ, thì Ban Chấp hành sẽ thành lập một cái Hội đồng Biên tập. Hội đồng Biên tập phân công các thành viên của Hội đồng, người thì làm Tổng biên tập, người thì làm tạp chí Thơ, người thì làm tạp chí Hồn Việt. Chủ tịch chỉ đạo chung của cơ quan chủ quản đảm nhiệm công việc chủ tịch Hội đồng Biên tập. Cái này chúng ta kiên quyết làm trong tháng 12 cho nó xong. Như vậy có thay đổi gì không? (thì) thưa các anh các chị (là) không có gì thay đổi cả. Mà cũng thưa nói thật với các anh chị là, phải làm việc rất kỹ với lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông. Các cơ quan khác (thì) đội hình thu hẹp lại chỉ có mỗi tạp chí nghề nghiệp thôi. Chúng tôi trình bày với các đồng chí lãnh đạo, cơ quan của Hội Văn nghệ ở Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có chữ thôi. Công bố tác phẩm của mình bằng báo và nhà xuất bản. Nếu bây giờ co hẹp, không có tạp chí Thơ nữa, không có tạp chí Hồn Việt, việc công bố tác phẩm của chúng ta sẽ rất khó khăn. Do đó cho nên là, trên suy tính nhiều lần chấp nhận để chúng ta tồn tại tạp chí Hồn Việt và tạp chí Thơ dưới cái dạng đó là ấn phẩm của báo Văn Nghệ.

Báo Văn Nghệ cũng có những lúc rất khó khăn, khó khăn lắm, nhất là vào cuối mùa hè đầu mùa thu năm vừa qua. Khó khăn nhất của báo Văn Nghệ về 2 phương diện: Một là tài chính, hai là nhân sự. Đội ngũ biên tập còn rất mỏng. Do đó cho nên Ban chấp hành phải tập trung chỉ đạo giúp báo Văn Nghệ khắc phục khó khăn. Thành lập một Ban chỉ đạo. Thực chất của Ban Chỉ đạo là tăng cường đội quân biên tập cho báo Văn Nghệ. Cho nên từ cái lúc cuối mùa hè thì cái tirage (lượng phát hành) xuống cái mức thấp nhất. Sau khi có cái Ban chỉ đạo 28 rồi, sắp xếp lại các chương mục, người phụ trách phân công đi vào những vấn đề cụ thể nên báo Văn nghệ lấy lại được cái đà của nó. Tirage tăng lên. Cái sự hỗ trợ báo Văn nghệ của Ban Chấp hành là như vậy.

Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, sau khi kết thúc cuộc thi thơ năm ngoái, năm nay các anh tổ chức cuộc thi tryện ngắn. Tôi hy vọng sẽ phát hiện nhiều cây bút mới và nhiều tác phẩm hay. Về trình bày, tổ chức đã có tiến bộ hơn so với nhiều năm trước.

Tạp chí Thơ cũng có nhiều cải tiến. Nó giữ được cái mực thước, cái đẳng cấp của một tờ tạp chí. Công bằng mà nói rằng, thơ ở trên tạp chí Thơ có chất lượng hơn so với thơ ở trên các báo, phải nói thật như vậy, vì các anh có điều kiện, thời gian, để chọn bài kỹ lưỡng hơn vì 2 tháng mới có một tờ tạp chí. Mà chúng tôi cũng muốn có một tờ tạp chí nó có đẳng cấp như vậy. Người rất ít. Không ai là người trong biên chế cả, không có biên chế nào, chỉ có ba, bốn người thôi. Đứng đầu là anh Ngô Thế Oanh làm việc rất tốt.

Về Trung tâm Quốc học và tạp chí Hồn Việt, phải nói rằng, nhiều lần, nếu  chúng ta có một (cái) cuộc triển lãm, sách và những công trình nghiên cứu của Trung tâm Quốc học thì chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên  là với một số người rất ít, hình như chỉ có mình Giáo sư Mai Quốc Liên, nhưng bằng nhiều hình thức, anh đã liên kết với các chuyên gia hàng đầu cả trong nước và nước ngoài, thì cái khối lượng sau 10 năm, 20 năm trở về Hội Nhà văn, lượng sách nghiên cứu đồ sộ, phải nói như vậy. Đặc biệt là sách về vốn văn hóa cổ của Việt Nam. Tạp chí Hồn Việt cũng ra đều có số rất hấp dẫn, nó mang tính báo chí, đặc biệt là những trang tư liệu. Tạp chí Hồn Việt và Trung tâm Quốc học rất cố gắng.

Về Bảo tàng Văn học Việt Nam, chỗ chúng ta đang ngồi đây, năm vừa qua đã có những cái cải tiến là đã xây quần thể tượng (như các anh các chị đã biết). Bao nhiêu năm chuẩn bị, chúng ta mới tranh thủ một cái dự án bước một đã hoàn thành. Đó là dựng tượng danh nhân văn học 10 thế kỷ. 20 vị. Hai mươi vị này ai xứng đáng dựng tượng. Thưa các anh các chị, chúng tôi phải đón các chuyên gia văn học hàng đầu, các vị giáo sư hàng đầu, làm việc rất cản thận nhiều năm chuẩn bị rồi mới chốt được 20 vị. Từ đó mới triển khai, bây giờ làm thế nào để dựng tượng được? Lúc đầu chính phủ duyệt cho phương án dựng tượng bán thân thôi. Nhưng mà nếu dựng tượng 20 vị toàn tượng bán thân, thì giống nhau lắm và trông nó rất buồn tẻ. Cho nên chúng tôi mạnh dạn báo cáo Thủ tướng xin phép dựng tượng toàn thân. Dựng tượng toàn thân tức là khối lượng tăng gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi về lượng đồng, về công, về đủ mọi thứ, nhưng mà Chính phủ không cho thêm một đồng vốn nào. Dựng tượng bán thân từng ấy tiền, bây giờ anh toàn thân cũng chỉ có từng ấy vốn thôi. Không tăng thêm, không đội vốn gì hết. Anh em phải tiến hành xã hội hóa và chúng ta có 10 tượng thế này. Bộ Văn hóa Thể thao-Du lịch đã đi nghiệm thu nhiều vườn tượng và được đánh giá là vườn tượng danh nhân ở Bảo tàng Văn học Việt Nam là một trong những vườn tượng đẹp nhất trong nước của chúng ta. Đấy là giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2 là dựng tượng tiếp các danh nhân văn hóa thế kỷ thứ XX. Đây cũng là vấn đề rất cần thiết để tôn vinh giá trị của quá khứ, anh em đang tiếp tục.

Về Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của anh Phan Trọng Thưởng, anh Phan Trọng Thưởng vừa là Phó chủ tịch thường trực của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, vừa là Chủ tịch Hội đồng LLPB của ta, vừa là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của ta. Trung tâm đã mở đến khóa thứ 13, mùa hè vừa rồi, lên đến 170 người dự lớp. Lãnh đạo (cái) khóa từ nam chí bắc người ta cất công đi học rất là tốt. Phải thấy là Trung tâm hoạt động có kết quả cho nên (cái) người đăng ký tham dự ngày càng đông. Năm nay có chất lượng giảng dạy tốt hơn. Chọn được những người đến giảng bài, đặc biệt là cái khâu trả bài học viên nó cụ thể hơn dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo.

Về Hãng phim của Nhà Văn Việt Nam, sau nhiều năm làm dự án, báo cáo với cấp trên, hãng phim đã hoàn thành bộ phim dài nhiều tập về Bác, về các đồng chì lãnh dạo tiền bối của Đảng với một cái tên chung là Ý chí độc lập, dài 19 tập. Mới quay xong, đang thời gian hậu kỳ tiếp tục sửa chữa.

Các Ban, các Hội đồng, như tôi đã nói, các Hội đồng hoạt động rất tốt. Tuy chúng ta có đổi mới nhân sự nhưng các anh các chị tiếp cận công việc sớm và hoạt động có hiệu quả, thực sự là cánh tay nối dài của Ban Chấp hành, giúp đỡ Ban Chấp hành triển khai công việc, phải nói rằng Ban Văn học Chuyên đề (Ông Mậu) tổ chức đi thực tế, hội thảo, thì Ban Văn học Chuyên đề làm rất nhiều việc. Ban Nhà văn nữ có rất nhiều sáng kiến. Có lẽ trong các Ban, chỉ Ban Nhà văn nữ hoạt động sôi nổi. Hai ngày: ngày 08/3 và ngày 26/10 năm nào cũng có hoạt động. Các chị hội thảo ở Hà Nội. Nhưng mà 2 năm nay cả hai đầu Nam-Bắc đều có hoạt động rất tốt. Ở phía Namj hoạt động cũng sôi nổi, cũng tốt, có hiệu quả. Ở miền Bắc cũng như vậy. Ban Nhà văn nữ hoạt động rất tốt, rất cám ơn. Ban Văn học Công nhân, sau khi đại hội chi hội xong thì chúng tôi đã làm việc và đã triển khai cuộc hội thảo về văn học công nhân trong giai đoạn mới, và tiến tới giải thưởng văn học công nhân với sự phối hợp của Hội Nhà văn và Tổng Công đoàn.

Cần phải nói đến một (cái) hoạt động hàng năm rất là hay, đó là Câu lạc bộ Văn chương do nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch. Anh Vũ Quần Phương làm rất dân chủ . Thật ra Câu lạc bộ này là chỉ định thôi, nhân sự là chỉ định, chứ không phải bầu. Nhưng anh Vũ Quần Phương là muốn đổi mới. Cho nên tại hội trường anh tổ chức đại hội, rồi bầu Chủ nhiệm, bầu các Phó chủ nhiệm, như là Đại hội Nhà văn. Anh làm rất là tốt, anh em rất vui. Người ta cảm thấy đến Hội Nhà văn không phải chỉ là mời khách mà họ tham gia vào đội hình của chúng ta. Có rất nhiều hoạt động, tháng nào cũng có hoạt động. Câu lạc bộ thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương thực sự là một nhịp cầu nối giữa Hội Nhà văn Việt Nam với công chúng văn học thủ đô. Tôi nói thủ đô thôi, vì các nơi khác việc đi lại có khó khăn.

Về tham gia vào các họat động của Hội, (về nội bộ) tôi cũng xin nói để chia sẻ. Có những cuộc kỷ niệm  các nhà văn lớn tuổi, giấy mời rất là đông, nhưng mà hội viên đến rất ít. Nếu mà không có Câu lạc bộ của anh Vũ Quần phương thì rất trống vắng. (Cho nên là,) Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Không chỉ tham gia vào Ngày Thơ Việt Nam đâu, mà là một Câu lạc bộ thường xuyên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Có chuyên môn, đi vào những vấn đề nghề nghiệp.

Các tổ chức khác như Ban Nhà văn trẻ do anh Nguyễn Bình Phương phụ trách, có sự kết hợp giữa Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức trại sáng tác ở phía nam, phát hiện lực lượng viết trẻ của toàn quân và của cả nước nữa. Năm nay các anh ấy rất cố gắng. các anh tham gia tổ chức sân thơ trẻ có nhiều sáng tạo. Ban chấp hành đặt vấn đề là để cho Ban Nhà văn trẻ thí nghiệm giới thiệu các cây bút trẻ, chúng ta mở thêm một cái kênh nữa là Ban Nhà văn trẻ được phép giới thiệu các cây bút mới để kết nạp hội viên. Đương nhiên là những cây bút mới ấy phải được có ý kiến của các Hội đồng. Nhà thơ trẻ, nhà văn trẻ được giới thiệu các Hội đồng phải có ý kiến, không phải Ban Nhà văn trẻ đưa thẳng lên Ban Chấp hành.

Các Ban tài chính hội viên làm việc rất âm thầm. Ban sáng tác làm việc rất âm thầm, thực sự đã hoàn thành nhiệm vụ là một trung tâm tác nghiệp của Hội Nhà Văn Việt Nam. Ban Công tác Hội viên, Ban sáng tác , Ban tài chính hoạt động, các anh các chị có thể tưởng tượng, có ngày có người 12 giờ đêm còn đến Hội để còn làm nốt công việc. Có người âm thầm 12 giờ đêm mới rời nhiệm sở. (thì cái) Hoạt động của các Ban rất tốt.

Đặc biệt là Ban đối ngoại, năm nay có đổi mới nhân sự. Ban Đối ngoại năm 2019 (là) đáng khen. Bởi vì cái tốc độ đón, đưa đoàn đi rất bận rộn, nhưng mà hoạt động rất là tốt , rất có hiệu quả và được các bạn đánh giá rất thiện cảm đối với công tác đối ngoại của chúng ta, được Ban Đối ngoại Trung ương tặng bằng khen.

Ở trên tôi nói đến những ưu điểm của hoạt động sáng tác, bây giờ tôi nói hai cái hạn chế, cũng là hai cái khó khăn.

NHỮNG HẠN CHẾ

            Cái hạn chế thứ nhất, chúng ta phải công bằng mà nói rằng số lượng tác phẩm của chúng ta ngày càng nhiều, số lượng hàng năm tăng. Nguyên một nhà xuất bản đã 1650 đầu sách, chưa kể các nhà xuất bản khác. Nếu chúng ta thống kê, sắp tới chúng ta thống kê 5 năm, thì phải nói số lượng sách khổng lồ. Thế nhưng mà chất lượng không tương xứng hay là chưa tương xứng với số lượng. Đáng lẽ trên một khối lượng sách lớn như vậy, thì thế nào cũng phải có nhiều sách hay. Nhưng mà sách năm nay, các anh các chị có ở đây, là cuốn tiểu thuyết hay nhất thì người ta lại đầu tư gửi vào cuộc thi tiểu thuyết, do đó đến xét giải thưởng hàng năm nó lại mỏng đi, ít đi. Năm nay Hội đồng văn xuôi làm việc rất là nghiêm túc cố gắng, nhưng mà chọn được có một cuốn sách vào chung khảo ở văn xuôi. Cái tầm bao quát của Hội đồng tuy rất là tốt, nhưng cũng đánh giá là số lượng thì rất đông, số lượng rất lớn, nhưng mà những cuốn sách thực sự có dư luận thì chưa tương xứng.

Cái ý thứ hai tôi muốn nói, cái khó khăn của chúng ta là đầu sách thì nhiều nhưng mà số lượng in thì ít. Bây giờ cuốn tiểu thuyết nào in 1000 cuốn đã là nhiều. Thơ thì tôi chưa thấy ái nói, ít người in đến 1000 tập thơ. 500 cuốn là nhiều. và một điều là, tất cả chúng ta ở đây đều phải suy nghĩ, thực sự đáng suy nghĩ là sách của chúng ta lưu hành chủ yếu trong những người sáng tác. Thơ in là tặng nhau là chính. Lưu hành ra thị trường thì hạn chế . Có nhiều nguyên nhân. Thị trường sách của chúng ta là nó có rào. Đây là một (cái) thực tế mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Vì sao vậy? Đối với thị trường (thì) tôi thấy là nhiều năm nay chúng ta đã đưa ra, đã thảo luận, nhưng mà thị trướng nó có (cái) quy luật của thị trường. Chúng ta phải theo thôi. Chúng ta không thương mại hóa, nhưng chúng ta cũng không thể coi nhẹ cái quy luật của thị trường là, cái nào hay, cái nào có tiếng thì người ta đọc. Thí dụ, tôi thấy có một cuốn tiểu thuyết 2 tập của Trần Thùy Mai, Từ Dụ Thái hậu. Thì chỉ ra tháng trước, tháng sau là người ta phải tái bản rồi. Tìm mua tặng bạn bè không có. Có những cuốn sách lại ăn khách như thế, một cuốn sách nghiêm túc, cuốn sách viết về lịch sử rất hay, theo tôi. Bán được, mà 2 tập.

Nhưng mà nói chung, những cuốn sách như vậy không nhiều. Đấy là một vấn đề tôi xin nêu để các anh các chị cùng suy nghĩ. Có 2 cái ý mà chúng tôi muốn nói như vậy.

Về cải tiến, tôi nói một ý thôi là, làm thế nào Hội Nhà văn của chúng ta có tầm bao quát toàn diện hơn nữa. Chúng ta nắm được tình hình văn học, nắm được lực lượng, nắm được xu hướng, khuynh hướng. Không để sót một tài năng nào, dù họ mới tham gia vào đời sống văn học. Cái tầm bao quát ấy trông vào đâu? Trông vào các chi Hội, trông vào các Hội đồng, xin nói thật với các anh các chị, các Ban như vậy.

Tôi muốn nói một cái Ban mà chúng ta mới khôi phục, nhưng mà hoạt động nó tốt, đó là Ban Văn học Thiếu nhi. Văn học thiếu nhi vận động năm ngoái năm kia đấy, chúng ta đã làm một việc là truy tầm giải thưởng sự nghiệp cho nhà văn Vũ Hùng. Đây là cái cải tiến, và cũng do đề xuất của Ban Văn học Thiếu nhi , chúng ta đã khôi phục lại danh hiệu cho nhà văn Vũ Hùng, anh có công trình 22 đầu sách do nhà xuất bản Kim Đồng, anh rất xứng đáng. Nhưng mà cái kết nạp hội viên đối với các hội viên mảng văn học thiếu nhi còn ít quá. Đó có phải là tầm bao quát của chúng ta còn thiếu sót hay không? Trong hội nghị hôm nay chúng tôi đề nghị Ban Văn học Thiếu nhi sinh hoạt riêng. Chiều hôm nay, các anh giới thiệu kết nạp, vì tôi thấy có rất nhiều người 10 đầu sách 12 đầu sách, 20 đầu sách không có kết nạp gì cả. Tôi thấy rất thiệt thòi. Cái mảng văn học thiếu nhi chúng ta đã xác định là mảng văn học rất quan trọng đối với việc kiến tạo đạo đức cho con người. Tôi đề nghị hôm nay là 4 Hội đồng chiều hôm nay họp kết nạp, Ban Văn học Thiếu nhi, Ban Nhà văn trẻ họp và giới thiệu để kết nạp đợt này. Tôi xin có một kinh nghiệm như vậy.

Hai cái khó khăn và một cái cải tiến.

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2020

            Chúng ta tiếp tực thực hiện nghị quyết Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 tức là: “Tất cả cho hội viên”. Khẩu hiệu “Tất cả cho hội viên” là phương châm hành động của Đại Hội nhà văn lần thứ 9. Năm nay là năm cuối nhiệm kỳ, sang năm 2020, chúng ta phải cải tiến hơn nữa. Mọi hoạt động của chúng ta đến tay hội viên, nhằm vào hội viên, “tất cả vì hội viên”. Cả văn phòng, tất cả các cơ quan, đều thực hiện như vậy; từ cơ chế chính sách, từ mọi điều kiện để đẩy mạnh sáng tác, bởi vì sáng tác là từ từng hội viên. Chúng ta có Chi Hội, có Liên Chi, nhưng mà người tác nghiệp chủ yếu đó là từng nhà văn một. Liên Chi với Chi Hội chỉ là cầu nối giữa Ban Chấp hành với hội viên thôi. Chúng ta phải coi trọng từng hội viên một. Tôi thấy đây là một phương châm tác nghiệp của chúng ta. Năm 2020, chúng ta tiếp tục phương châm ”Tất cả vì hội viên”.

Triển khai một số hoạt động sau đây:

Chúng ta vẫn phải mở 2 trại sáng tác, chúng ta vẫn xét giải thưởng và kết nạp hội viên như mọi năm. Nhưng ngoài ra có một số việc khác. Chúng tôi xin nêu trọng tâm như sau:

          Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 18. Năm nay ít nhất có 10 đoàn nước ngoài xin đăng ký dự Ngày Thơ Việt Nam , trong đó riêng Hàn Quốc đã có 2  đoàn. Chúng ta phải tố chức hình ảnh Ngày Thơ Việt Nam , là truyền thống thơ ca của chúng ta giới thiệu với nước ngòai. Cách tổ chức như thế nào, anh em chúng tôi đã bàn. Trước hết chúng ta sẽ tổ chức tập trung mọi cố gắng của Hội để tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 18 thành công tốt đẹp trên một quy mô và không gian rộng: Từ Hà Nội đến Thừa Thiên-Huế, đến Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An. Chúng tôi muốn tạo một cái không gian như vậy để các nhà văn quốc tế tham dự cùng với chúng ta, có một dịp để tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Việc thứ 2, ngay trong quý 1 như tôi vừa nói (54:48) là tổng kết trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết. Chúng tôi đang chủ trì ban sơ khảo đọc thật kỹ. Tất cả mọi tác phẩm đến đều có người đọc, đều có giám định, đều có đánh giá. Chính vì thế cho nên, các anh tưởng tượng, hội đồng có từ 9 đến 11 người, mỗi người đều phải biết đến 176 tác phẩm, thì công tác đọc, tổ chức đọc như thế nào. Thưa các anh các chị, thù lao của chúng ta rất ít. Các anh Hội đồng cũng thế thôi. Làm việc vì trách nhiệm xây dựng Hội, còn sự đãi ngộ thì không có bao nhiêu. Dù khó khăn mấy, chúng ta cũng phải trao giải thưởng vào mùa xuân năm 2020. Tôi đánh giá rằng cuộc thi này có khởi sắc.

Việc thứ ba, năm nay chúng ta phải xét rất nhiều giải thưởng. Giải thưởng thứ nhất: là giải thưởng hàng năm của chúng ta, giải thưởng tiểu thuyết là đương nhiên rồi. Nhưng chúng ta phải xét giải thưởng Asean năm 2020. Việc xét giải thưởng rất khó khăn, ai cũng mong đợi, đó là Giải thưởng Nhà nướcGiải thưởng Hồ Chí Minh. Năm nay các hội đồng cơ sở Quốc hội đã phải làm rồi. Ban Giám khảo tổ chức như thế nào, thông báo đến hội viên như thế nào. Các Hội đồng cơ sở năm nay phải xong để sang năm tổ chức sự việc. Như vậy năm nay chúng ta phải tham gia cả giải thưởng quốc tế khu vực và xét giải thưởng này. Công tác quan trọng nhất đó là Ban giám khảo. Chọn người có đủ năng lực, có đủ trình độ, có đủ sự công bằng để đánh giá, cân nhắc chọn chính xác những tác phẩm. Bởi vì, tác phẩm là sản phẩm của nhà văn, nhưng giải thưởng lại là sản phẩm của Ban giám khảo. Một Ban giám khảo này, làm việc tốt như thế này thì có thể có sản phẩm như thế này. Một Ban giám khảo khác có một sản phẩm khác. Chúng ta chỉ có một Ban giám khảo duy nhất của Hội Nhà văn, thế thì ai vào Giám khảo? cái sự cầm cân nảy mực nó như thế nào để thực hiện được sự công bằng, chính xác, đấy là một (cái) điều khó khăn.  Ban Chấp hành sẽ cùng làm, và rất mong các anh các chị được mời tham gia thì cố gắng giúp Ban Chấp hành để làm cái trọng trách và sự gửi gắm của hội viên đối với Hội. Không có gì mong mỏi một nhà văn trông đợi Hội đấy là sự đánh giá tác phẩm của mình như thế nào. Tâm trạng chung là như vậy. Thế thì, tôn trọng hội viên, tất cả vì hội viên, chính là cái Ban giám khảo ấy đáp ứng sự đóng góp của từng người một. Trọng trách là như vậy.

Chúng ta có mấy (cái) cuộc kỷ niệm cũng lớn: Kỷ niệm 100 năm Tố Hữu, 100 năm Chế Lan Viên, 100 năm Nguyễn Xuân Sanh và một số nhà văn khác. Chúng ta cũng xuất bản hai cuốn: Một là cuốn Biên niên sử (Hội Nhà Văn). Biên niên sử thì cơ bản đã hoàn thành. Cuốn thứ 2 là “Các Nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”. Quyển sách rất dày, phải gần 1500 trang. Đây là một (cái) công trình tập thể, để chúng ta đến Đại hội nhà văn, chúng ta tặng cuốn sách này. Chúng ta hãy hình dung ra 70 năm Hội Nhà văn Việt Nam, đấy là tập sách lớn, cố gắng hoàn thành cái cuốn chính sử của Hội Nhà văn Việt Nam. Các Hội khác, 50 năm, 60 năm người ta có lịch sử phát triển Hội: Lịch sử phát triển mỹ thuật, lịch sử phát triển Âm nhạc Việt Nam, vì sao như vậy? Là vì người ta ít vấn đề, ít có vấn đề gai góc khó khăn như là Hội Nhà văn. Viết một cuốn sử Hội Nhà văn Việt Nam khó lắm các anh chị, khó vô cùng. Khó ở chỗ này: có nhiều sự kiện diễn ra trong quá khứ bây giờ nhìn lại như thế nào với tinh thần đổi mới, đánh giá như thế nào. Đấy là điều khó. Một tổ chức như chúng ta không thể không có một cuốn sử. Mà cuốn sử ấy chúng ta có quá nhiều các sự kiện phải được nhìn lại, phải được đánh giá một cách công bằng, chính xác, khoa học. Đấy là một cuốn sách cũng rất là công phu.

Việc lớn, việc rất lớn của năm nay là tổ chức Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 10. Trung ương, Ban Bí thư đã có chỉ thị 31 về “Tổ chức đại hội các Hội VHNT chuyên ngành trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam”. Chúng ta có 2 hội đã hoàn thành đó là Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cố gắng từ giờ đến tết có từ 1 đến 2 đại hội khác là Hội Sân khấu Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Còn 6 hội khác thì sang năm 2020, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10.

Phương hướng tổ chức đại hội như thế này là, Đảng đoàn sẽ họp vào tuần tới, Ban Chấp hành sẽ họp và quán triệt đầy đủ Chỉ thị 31của Ban Bí thư về tổ chức đại hội các Hội chuyên ngành và Liên hiệp, quán triệt (cái) “hướng dẫn” của Ban Tuyên giáo Trung ương, quán triệt (cái chỉ) thị, (cái) kết luận của Ban Bí thư. Ba cái văn bản đó ta phải làm. Xây dựng một cái lộ trình chi tiết để tiến tới Đại hội Nhà văn lần thứ 10.

Tinh thần là như thế này là, Đại hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ có 2 cấp. Cấp thứ nhất là cấp cơ sở, để thống nhất trong đội hình của cả nước là Đại hội cơ sởĐại hội đại biểu toàn quốc. Chúng ta đã có con số hơn 1000 hội viên thì không thể tiến hành đại hội toàn thể. Chúng ta phải chấp hành cái chỉ thị chung thôi. Đại hội cơ sở sẽ được tiến hành cho đến hết quý 2. Chúng ta có 8 khu vực và khu vực Liên chi, ta tổ chức Đại hội khu vực.

Đại hội khu vực làm mấy cái nhiệm vụ sau đây:

  1. Thảo luận các văn kiện, báo cáo trình Đại hội lần thứ 10 do Ban tổ chức gửi xuống

thảo luận. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Phương hướng phát triển văn học nhiệm kỳ mới, Báo cáo của Ban Chấp hành, Báo cáo của Ban Kiểm tra, Báo cáo  về mọi hoạt động lớn trong Hội.

  1. Cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên.
  2. Kiện toàn Chi hội. Nhiệm kỳ Chi hội cùng nhiệm kỳ với Ban Chấp hành, bầu Chi

hội nhân sự mới.

  1. Góp ý kiến, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành mới.

Đại hội cơ sở chúng ta làm 4 nhiệm vụ như vậy.

Còn Đại hội toàn quốc thì chỉ có dộ 500 đại biểu thôi. Nếu năm nay mà chúng ta kết nạp thêm nữa thì số lượng hội viên của hội ta xấp xỉ 1100 hội viên. Năm 2019 chúng ta mất 30 nhà văn. Năm nay kết nạp nhiều nhất cũng chỉ trên/ dưới 40. Kết nạp nhiều quá thì e có ảnh hưởng đến chất lượng. Như vậy, cộng với số còn lại, chúng ta có khoảng một nghìn mốt. Một nghìn mốt mà đại biểu là 500 thì tương đương 2 chọn 1. Xấp xỉ 2 chọn 1. Thế thì ai đi? Cái đó chúng tôi có tiêu chuẩn, có hướng dẫn đến các Đại hội cơ sở.

Thời gian, dự kiến như thế này: cuối tháng 9 đầu tháng 10  cho nó mát mẻ một chút. Tháng 7 tháng 8 nóng lắm. Mà các nhà văn đang ngồi thế này ra ngoài sốc cái nguy hiểm lắm. Cuối mùa thu anh em chúng ta gặp nhau. Ban Chấp hành trong tuần tới chúng tôi sẽ họp  để thông qua rất nhiều công việc, trong đó có việc tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10.

 

***

Sau đây xin các anh các chị cho ý kiến đánh giá về hoạt động của Hội năm 2019, năm 2020.

 

***

Về buổi chiều, kết nạp. Trong kết nạp hội viên, có tiêu chuẩn rồi. Phân công: đồng chí Thỉnh sẽ họp với Hội đồng văn xuôi. Đồng chí Trần Đăng Khoa sẽ họp với Hội đồng Thơ. Đồng chí Nguyễn Trí Huân sẽ họp với Hội đồng Lý luận phê bình. Đồng chí Nguyễn Quang Thiều sẽ họp với Hội đồng văn học dịch. Nhà văn Nguyễn Bình phương chủ trì cuộc họp với Ban Nhà văn trẻ. Anh Trần Văn Tuấn họp với các nhà văn nữ vì số nhà văn nữ rất đông.

Tôi nhắc lại nội dung là, rút kinh nghiệm năm 2019, phương hướng năm 2020, sau đó mới bầu kết nạp bằng bỏ phiếu kín. Ban Chấp hành đã cử các tổ thư ký xuống giúp việc các anh các chị rồi.

Trong kết nạp, tôi muốn xin ý kiến các anh các chị về một số trường hợp mà gọi là “truy nạp”, hay là phong tặng danh hiệu. Về Hội đồng Thơ, chúng tôi có đề nghị xem xét 02 trường hợp:

  1. Ông Trần Quang Long, hy sinh trong chống Mỹ, một nhà thơ rất nổi tiếng trong chiến tranh
  2. Ông Phan Duy Nhân, anh Phan Duy Nhân là một cán bộ địch vận, hết sức năng

nổ, một trí thức tiêu biểu của phong trào yêu nước ở Huề và Đà Nẵng, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Cách đây 5 năm, trước khi anh mất, tôi có trị trì một cuộc hội thảo về thơ Phan Duy Nhân. Thơ đầy tâm huyết. Một cán bộ dân vận, trí thức vận Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời là một nhà thơ. Ảnh hưởng của Phan Duy Nhân đối với trí thức rất lớn trong những năm chống Mỹ. Hội đồng xem xét hai trường hợp truy tặng danh hiệu Nhà văn Việt Nam với anh Trần Quang Long và anh Phan Duy Nhân. Xin ý kiến hội đồng.

Về trường hợp văn xuôi, tôi muốn nêu một trường hợp đề nghị các anh cũng xem xét cho. Đó là trường hợp anh Đặng Quang Tình. Đặng Quang Tình có đến 40 đầu sách, được giải nhất các cuộc thi của báo Văn nghệ, nhiều năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, và vừa rồi, trước khi mất, anh có một quyển sách rất hay về một kíp tình báo hoạt động trên 3 nước ở Việt Nam, Lào, Cambuchia rất hay. Chúng tôi phân vân vì chưa có một (cái) chỉ thị kỷ niệm 40 năm chiến thắng biên giới, cho nên cái tác phẩm của anh Đặng Quang Tình nó đụng đến cái vấn đề tế nhị, đành phải để lại chiếu cố đến tình hình đối ngoại cách đây ba, bốn năm. Lúc bấy giờ có ý mở ra rồi. Cho nên tôi đề nghị Hội đồng văn xuôi suy nghĩ và truy tặng danh hiệu Nhà văn cho anh Đặng Quang Tình. Có tình có nghĩa. Anh ấy mất rồi, nhưng mà gia đình chắc sẽ cảm động cám ơn Hội Nhà văn, cám ơn chúng ta ở đây nếu nhận được quyết định truy nạp danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đối với anh Đặng Quang Tình. Chúng ta đã từng làm cái việc đó rồi với nhiều nhà văn. Thí dụ, đó là nhà băn Vũ Bằng . Chúng ta đã tuy tặng danh hiệu nhà văn Vũ Bằng. Sau chúng ta còn truy tặng Giải thưởng Nhà nước.

Mấy trường hợp nêu vừa qua về kết nạp xin các anh các chị ủng hộ cái sáng kiến của Ban Chấp hành. Chúng ta, nhân danh một tổ chức nghề nghiệp rất hiểu người hiểu đời và đầy tình nghĩa. Nếu các anh, các Hội đồng chấp nhận cho thì chúng tôi rất là cám ơn.

***

Xin thay mặt Ban Chấp hành trình bày báo cáo tổng kết năm 2019 và phương hướng hoạy động của năm 2020. Sau đây, xin hội nghị, các anh chị cho ý kiến bổ sung. Rất cám ơn.

 

Bùi Công Thuấn

Ghi theo nguồn: Live Stream trên FB của nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp)

https://www.facebook.com/huunhan.nguyen.169?__tn__=%2CdlC-R-R&eid=ARCZ3_5FGHo0PtilIWv1txE7ypJZqgviNeLcIrrPnJKX55PMRLosRFp8kokHfIBuk_5z-7r2XdMypi3T&hc_ref=ARRRcWVNFQ3CdEE4E49YoLu-GEMhvJG9qWnPWl7rc40nKKBt7ujrIs6y1oWrjLz7Rk0

Quần thể tượng

Tượng tổng hợp-1

Tượng tổng hợp-2

tượng-quần thể

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok