LỜI CỦA THÁC *HAY LỜI CỦA NGƯỜI ĐỒNG NAI
đọc Đàn Ống Tre Bên Kia Sông của Khôi Vũ, Nxb Đồng Nai 2013
Bùi Công Thuấn
Nhà văn Khôi Vũ
- Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy
Đàn Ống Tre Bên Kia Sông là một tập truyện ngắn có sức hấp dẫn riêng. Với tập truyện này, nhà văn Khôi Vũ đã nói được đôi điều về quê hương Đồng Nai và để lại ấn tượng sâu sắc nơi bạn đọc. Cả tập chỉ có 8 truyện ngắn, 150 trang viết khổ nhỏ, nhưng tôi đã mất khá nhiều thời gian để đọc, bởi tôi không thể đọc nhanh được. Câu chữ cứ níu tôi lại. Khôi Vũ viết rất giản dị, nhưng câu chuyện lại có sức vang những điều được chia sẻ.
Đọc văn Khôi Vũ, tôi luôn tìm cái bí mật thi pháp đã tạo nên cái hay trong văn của anh. Tập truyện còn chứa đựng những mảng hiện thực mà tôi chưa hề biết, điều ấy làm tôi thán phục công sức anh lặn lội tìm tư liệu. Điều quan trọng là anh có khả năng hóa thân thành nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật, từ đó lên tiếng về những vấn đề của cuộc sống. Viết về đất nước, con người Đồng Nai, chắc chắn ngòi bút của anh phải hết sức thận trọng. Nếu anh hư cấu một chi tiết nào đó không đúng, thì người Đồng Nai sẽ không còn tin anh. Tôi chúc mừng anh đã có một tập truyện khá đặc sắc. Đàn Ống Tre Bên Kia Sông là cuốn sách thứ 41 của anh được in. Anh đã có thể tự hào về một sự nghiệp văn chương của mình. Trên dòng chảy của văn chương Đồng Nai, tôi đã nhìn thấy Khôi Vũ kế tục được con đường sáng tạo của những nhà văn lớp trước như Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Sức viết của anh thật đáng nể.
- Khôi Vũ khám phá được gì về con người Đồng Nai?
Trong tập truyện này, Khôi Vũ tiếp cận với nhiều kiểu người ở miền Đồng Nai. Nhưng hình ảnh được tô đậm và tạo ấn tượng sâu sắc về con người Đồng Nai là những người “đồng chí”, cán bộ hưu trí, những người đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khôi Vũ không tụng ca kỳ tích của họ mà khẳng định sức mạnh cách mạng của họ qua cuộc đối mặt với kẻ thù. Họ bám trụ, gan dạ, dũng cảm và nghĩa tình. Bảy Năng (Quán xe thồ) ở sát nách địch, đối mặt với kẻ thù suốt 21 năm . Sau cùng địch phải thú nhận chịu thua Cách mạng, bởi “Cách mạng còn giỏi hơn” chúng. Câu chuyện của Bảy Năng vừa có bi vừa có hài nhưng cái âm vang chung là chất hùng ca của một dân tộc chiến thắng. Hình ảnh “Chú Tư” (Ba của nhân vật Tôi – truyện Lời Của Thác) trong ngày dẫn quân về giải phóng Biên Hòa cũng có vui có hài, và chất anh hùng ca. Ông đi làm Cách mạng từ 1945, lúc 15 tuổi. Ba chục năm sau trở về, Biên Hòa thay đổi nhiều quá khiến ông không còn nhận ra. Khi về tới trung tâm Biên Hòa, nhìn lá cở giải phóng, ông mừng phát khóc. Ở đoạn kể này, Khôi Vũ đem đến cho người đọc cái thú vị được nhìn thấy Biên Hòa ngày xưa qua sự nhận diện của một người con Biên Hòa đi kháng chiến xa nhà. Câu chuyện thật cảm động.
Con người Đồng Nai trong xây dựng kinh tế những năm đầu giải phóng cũng được Khôi Vũ quan tâm. Đó là ông Năm Đán (Cây Buông Già), người bám trụ sản xuất, ông Tiến sĩ trồng sả, ông già Hưởng (Thầy Thuốc Búi Tó) trồng cây thuốc và bốc thuốc cho dân, người biết nhiều chuyện cổ tích, phong tục, người bảo vệ văn hóa cộng đồng. Những ngày đầu sản xuất rất khó khăn, nhưng họ kiên định con đường phủ xanh đồi trọc khu đồi Ông Thức bằng nhiều loại cây. Thành công có mà thất bại cũng có. Chủ tịch xã Tiên Phong là Sơn, đã thất bại trong việc trồng mít. Họ trăn trở nhiều khi Đồng Nai chuyển sang đời sống công nghiệp, xây thủy điện Trị An. Cái đáng quý là họ sống thẳng thắn, trọng nghĩa tình. Nói và làm đi đôi với nhau. Chuyển được cách làm cách nghĩ của họ rất khó (Cây Buông Già). Họ đối mặt với cái xấu bằng cơn giận dữ của thần Dớt (Thầy Thuốc Búi Tó)
Khôi Vũ cũng khám phá và khẳng định thế hệ thanh niên kế thừa lớp cha anh. Họ có thất bại, nhưng vẫn giữ được truyền thống kiên định, trung thực và vươn lên. Thế hệ này học được nhiều điều từ cha anh, nhưng họ phải đương đầu với những thách thức mới, và những thất bại. Đất Sóng là một truyện hay về mảng nhân vật và đề tài này. Chủ tịch xã Sơn có cha bị giặc giết. Ngay sau Giải phóng, Sơn được bầu làm Bí Thư Chi Đoàn xã Tiên Phong, rồi bầu vào Hội Đồng Nhân Dân, rồi chủ tịch xã. “Anh nghĩ đã đến lúc mình thực hiện dần những ước mơ đẹp nhất về công cuộc xây dựng thôn xã quê hương bằng trái tim nhiệt tình và đôi tay thanh niên rắn khỏe”(tr.75). Thế nhưng anh đã thất bại trong kế hoạch trồng mít, thất bại cả trong chuyện tình cảm với Bạch Lan. Sau cùng Sơn gặp lại Bạch Lan trong một hoàn cảnh bi kịch. Cô vượt biên bị bắt, rồi bị bỏ rơi, nuôi con một mình. Bản thân Sơn cũng gặp nhiều nỗi đau. Có cả Tuấn, anh Bạch Lan, đi học tập cải tạo về, quyết xây dựng lại cuộc đời. Họ nói với nhau về chim B’rling. Khôi Vũ viết về họ “Chim B’rling là chim gì? Với Sơn, Tuấn và Bạch lan đang là hai con chim B’rling bay lên giữa thảo nguyễn đầy gió”(tr.94). Đó là một kết truyện đẹp lãng mạn, nhưng cũng là cái nhìn lạc quan về người trẻ với tấm lòng nâng niu trân trọng của nhà văn
- Những con người “dưới đáy”* xã hội hiện lên trong trang văn Khôi Vũ thế nào?
Tôi tạm gọi những nhân vật sống trong đời thường, bị số phận xô đẩy trôi dạt, lâm vào hoàn cảnh cùng cực là những người “dưới đáy”. Thực ra trong tập truyện còn có những nhân vật thuộc tầng lớp trí thức nữa, nhưng Khôi Vũ miêu tả hấp dẫn hơn những người lao động bình dân. Những người “dưới đáy” đó là Hổ Trâu Điên (Quán Xe Thồ) dẫn đoàn xe thồ. Hổ từng là lính Ngụy trong đơn vị Trâu Điên. Là Tuấn (Đất Sóng), chuẩn úy lính Sài Gòn, đi học tập cải tạo về. Bạch Lan, em Tuấn, một cô gái xinh đẹp, một cô giáo giỏi, vượt biên bị bắt giam, bị bỏ rơi với một đứa con trai. Hai Trước (Qua Bờ Bắc), bị vợ bỏ, chạy xe ôm nuôi con, và những Điểu Muôn, Điểu Minh, già làng Điểu Lý người dân tộc. Nhân vật trí thức có anh sinh viên Dược tên Cẩm, cô Hiền, Việt kiều, đạo diễn về thăm quê, và nhà văn “chú Hai” của Đồng Nai (Tôi đoán là nhà văn Lý Văn Sâm).
Những nhân vật này giúp người đọc nhận ra nhà văn Khôi Vũ là nhà văn của người lao động bình dân trong xã hội. Anh tiếp xúc nhiều, khắc tạc được chân dung và số phận của họ. Anh cảm thông với họ và lên tiếng nói cho họ. Cũng cần lưu ý rằng Khôi Vũ đã khám phá ra chính Cách Mạng đã tạo điều kiện cho họ trở về, hội nhập và thăng tiến. Rõ nhất là Hổ Trâu Điên. Hổ được cán bộ hưu trí Bảy Năng hướng dẫn làm ăn. Bảy Năng có cái nhìn tiến bộ về con người. Ông nghĩ “Hổ Trâu điên không phải là người xấu, nếu hướng anh ta đi trúng đường thì hay lắm.” (tr.61). Ông thường động viên Hổ. Chuẩn úy Tuấn sau khi học tập cải tạo 3 năm về, anh quyết chí làm lại cuộc đời. Anh được chủ tịch xã Sơn hỗ trợ với nhiều thiện cảm. Hai Trước chạy xe ôm, anh cảnh giác cao độ bọn cướp xe. Trước là lính Sài Gòn, người khách đi xe ôm là Sinh, lính Trường Sơn. Hai kẻ đã từng đối địch nhau giờ ngồi chung xe, trên đường rừng ban đêm. Vì lòng đầy nghi ngờ, Trước đã làm khó Sinh. Nhưng chính người lính Trường Sơn đã giúp Trước nhận ra lầm lỗi của mình, khiến cho Trước ân hận mãi. Dù đã về xa, Trước cũng muốn quay lại xin lỗi Sinh.
- Những giá trị của trang văn Khôi Vũ
Tôi tin rằng, ở tập truyện này Khôi Vũ đã dồn bút lực, tâm huyết và thử thách của mình để viết những trang văn giàu chất hiện thực về đất nước con người Đồng Nai. Tôi nhận ra anh sử dụng một vốn sống khá rộng, sử dụng tri thức văn hóa, tri thức lao động sản xuất, tri thức về địa lý Đồng Nai với tầm hiểu biết sâu rộng đáng tin cây (tuy đây là truyện, không phải khảo cứu khoa học). Anh không khai thác đậm nét những truyền thuyết như Lý Văn Sâm, không miểu tả sử thi cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Nai như Hoàng Văn Bổn, song Khôi Vũ sáng tạo được những nhân vật có bóng dáng sử thi riêng như Bảy Năng, Chú Tư (Ba tôi –Lời Của Thác). Khôi Vũ có những đoạn văn khám phá cảnh sắc Đồng Nai đặc sắc (Tr. 98). Ở đặc điểm nghệ thuật này, văn phong của Lý Văn Sâm lãng mạn hơn, còn ngòi bút của Khôi Vũ hiện thực hơn.
Tập truyện phản ánh hiện thực những ngày đầu mới giải phóng, và những vấn đề đời sống được miêu tả trong tác phẩm đến nay đã bị hiện thực vượt qua. Tuy nhiên, những câu truyện Khôi Vũ kể vẫn hay, và nhiều vấn đề vẫn có sức lay động, thức tỉnh người đọc khi đối diện với thực tại. Bởi ngoài câu truyện được kể, Khôi Vũ còn tìm ra ý nghĩa triết lý của nó. Chẳng hạn, sự vấp ngã của Sơn, Tuấn, Bạch Lan (Đất Sóng), Khôi Vũ đã nói đến bài học ở đời. Cu Tèo, con của Bạch Lan chạy bị vấp té, Tuấn nói: “Thôi, nín đi, nín đi cu Tèo. Mày muốn lớn lên thì còn phải vấp ngã nhiều lần nữa đấy, cháu ạ”(tr 93). Câu nói của Tuấn làm Sơn xúc động và suy nghĩ. Triết lý này làm tôi nhớ đến truyện Một Con Người Ra Đời của M.Gorky. Anh sinh viên đỡ đẻ cho chị phụ nữ, rồi đem cháu bé xuống biển tắm cho nó. Nước biển tấp vào người cháu bé làm nó khóc ré lên. Anh sinh viên bảo, chú mày hãy tự khẳng định cho mạnh vào, kẻo đồng loại sẽ vặn cổ chú mày.
Truyện Lời Của Thác đặc biệt để lại ấn tượng về sự tự vấn, lòng tự trọng, về sự chân thực trong đạo đức, nhân cách làm người. Nhân vật Tôi – thằng nhỏ – có một lý lịch tốt nhờ cha là cán bộ Cách Mạng. Vì thế Tôi vào làm trong đội máy ủi, rồi xin sang làm ở khu công nghiệp Biên Hòa. Giám đốc là đàn em ba Tôi, nhờ thế Tôi được ưu tiên sắp xếp công việc, kể cả việc thay thế trưởng phòng kỹ thuật. Tôi che dấu sự thiếu năng lực, Tôi là một “tài năng giả”. Tôi nhận rõ nhược điểm của mình và sống dằn vặt, trăn trở khôn nguôi. Điều phải đến đã đến như một tất yếu. Bản thiết kế máy X5 của Tôi thất bại ngay khi chạy thử. Tôi buộc phải trở về đúng với năng lực thực của mình. Tiếng nói trong thâm tâm hành hạ Tôi mãi:” Tôi đã sống giả. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi đánh mất chính cả lòng dũng cảm kkhông thốt được một câu thực lòng với ba tôi. Tôi chỉ nói dối”(tr 106). Điều đáng quý là nhân vật Tôi đã thức tỉnh và sống thực với chính khả năng cuả mình, không dựa vào uy tín Cách Mạng của cha mà thăng quan tiến chức. Trong cuộc sống nay không biết có còn được một người trung thực, biết tự trọng, biết giữ gìn nhân cách như Tôi không? Ngòi bút Khôi Vũ trong truyện này mổ xẻ những giằn vặt tâm hồn của Tôi thật nặng tình nặng nghĩa, nhờ đó bảo vệ được nhân vật lý tưởng của mình, nhân vật kế thừa những phẩm chất cách mạng của cha anh.
Sự hấp dẫn của ngòi bút Khôi Vũ
Tôi đã suy nghĩ khá lâu về sự hấp dẫn của ngòi bút Khôi Vũ khi theo dõi con đường sáng tác của anh qua nhiều tác phẩm. Và tôi vẫn chưa trả lời được với những chứng lý đủ sức thuyết phục chính mình.
Cái “bí mật” của thi pháp Khôi vũ là câu chuyên được kể rất tự nhiên, cách kể gọn, tốc độ phát triển truyện nhanh, giọng văn điềm tĩnh sáng suốt. Nhưng những yếu tố này chưa là đặc trưng ngòi bút Khôi Vũ. Điều tôi quan sát thấy là, Khôi Vũ nhìn ra vấn đề trong những truyện đời thường, chuyện của anh xe ôm, anh xe thồ; chuyện của cô gái vượt biên bị bắt, bị phụ tình; chuyện của người con cán bộ; chuyện trồng sả, trồng mít; chuyện ông già chặt lá buông bám trụ, chuyện lụt năm Thìn, chuyện bọn buôn lậu tránh kiểm soát, chuyện Điểu Muôn cứu người mà bị nạn. Vâng, nếu không có một chủ đề, tư tưởng tốt thì truyện không thể đứng được. Lời Của Thác là một truyện đặc sắc về tư tưởng, mặc dù cốt truyện không có nhiều biến cố.
Khôi Vũ khá vững tay khi miêu tả những cuộc “đụng độ” giữa người với người, hoặc vì khác chế độ, hoặc vì khác hoàn cảnh, hoặc vì khác cá tính. Chẳng hạn cuộc “đấu tranh” giữa Hổ Trâu Điên, lính Ngụy với cán bộ Cách Mạng hưu trí Bảy Năng, đối mặt giữa Bạch Lan và chủ tịch xã Sơn, sự nổi giận như thần Dớt của ông già Hưởng với Cẩm, của Tôi với chính Tôi trong những giằn vặt nội tâm khi đối mặt với hiện thực. Miêu tả thành công những cuộc đối mặt này, không chỉ là tài năng dựng truyện, tạo sự hấp dẫn, mà còn là bản lĩnh một nhà văn trong việc xử lý những vấn đề gai góc của hiện thực. Nếu ngòi bút Khôi Vũ nghiêng bên này hoặc ngả bên kia, tức khắc sẽ là hữu khuynh hay tả khuynh, thiếu sức thuyết phục. Ở đây, sự trung thực của ngòi bút Khôi Vũ vừa là một đặc điểm thi pháp, vừa là phẩm chất và bản lĩnh đáng quý của nhà văn
Khôi Vũ có cách cấu trúc truyện khéo léo và kín đáo, kết thúc truyện với tình huống bất ngờ, nhờ đó bật ra chủ đề cùng và khơi gợi được nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Kết truyện Lời Của Thác, Đất Sóng đem lại bao nhiêu suy tư, bao nhiêu cảm xúc cho người đọc. Lời của nhân vật má Tôi mở ra một thế giới nghệ thuật đầy cảm động. Cũng vậy, cuộc gặp gỡ giữa Sơn và Bạch Lan ở cuối truyện Đất Sóng là sự sắp xếp của tác giả, để tạo nên một chủ đề sâu sắc và nhân hậu. Sơn có đầy ưu thế về lý lịch và điều kiện nhưng Sơn vẫn thất bại. Bạch Lan là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, cũng thất bại. Tuấn là con người chiến bại, sớm nhận ra con đường tự làm lại cuộc đời của mình. Ba con người trong những hoàn cảnh đối nghịch đã gặp nhau. Họ ngộ ra chân lý này, không phải có ưu thế quyền lực xã hội thì làm gì cũng thành công, điều giúp họ sống được, vươn lên được là tình người. Sơn đã không nhìn Tuấn và Lan với con mắt của người chiến thắng với những người chiến bại. “Sơn lại nhìn ra một hình ảnh khác. Trên vùng đất đồi này, đất lượn sóng, đất làm khó con người, cuối cùng rồi vẫn phải mặc chiếc áo màu xanh ấm áp, từ giã những ngày trần trụi, tự mãn, lầm lạc. Những mảnh đời cũng đã trăn trở như cuộc đời vùng đất cuối cùng đã hiểu mình hơn”(Đất Sóng-tr 94).
Trong tập truyện ngắn này, Khôi Vũ sử dụng thành công kỹ thuật viết tiểu thuyết để dàn dựng một truyện ngắn. Câu truyện đang diễn ra trong hiện tại, hiện thực trùng trùng lớp lớp. Anh cũng sử dụng kỹ thuật hồi tưởng khéo léo. Nếu xâu chung truyện của các nhân vật lại, có thể tập truyện ngắn trở thành một tiểu thuyết viết theo kỹ thuật mới. Đó là câu chuyện về số phận nhiều nhân vật ở cùng đồi Ông Thức từ 1945 đến sau giải phóng. Hiện thực đan xen vào nhau, yếu tố thời gian được làm nhòa để chỉ còn lại vấn đề con người, vấn đề làm sao để vượt lên trên số phận trong những tình cảnh nghiệt ngã. Chất nhân hậu thẫm đẫm trong từng chi tiết của ngòi bút Khôi Vũ (chẳng hạn, tiếng ru của cô gái Bắc – Bạch Lan- làm xốn xang lòng Sơn, hoặc chi tiến ba Tôi lặng im trước lỗi lầm của Tôi).
Tôi tin rằng, đọc tập truyện ngắn Đàn Ống Tre Bên Kia Sông, bạn đọc sẽ yêu quý hơn vùng đất “gian lao mà anh dũng” , và nhận ra Khôi Vũ là nhà văn có dáng nét riêng bên cạnh những nhà văn lớn khác của Đồng Nai. Tác phẩm của anh thực sự góp phần làm giàu thêm nét đẹp của một vùng văn hóa có truyền thống lâu đời.
Tháng 12. 2012
_________________________
(*) Lời của Thác là tên một truyện ngắn trong tập Đàn Ống Tre Bên Kia Sông
(*) Dưới đáy là chữ của M. Gorky