GIẢI THƯỞNG VHNT ĐẤT MỚI 2016 CỦA GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

4-hoi-truong-sang-11-11

  1. Thông báo của giáo phận Xuân Lộc xác định mục đích cuộc thi cuộc thi VHNT Đất Mới là: “Với ước muốn xây dựng những giá trị văn hoá nghệ thuật Công Giáo nơi cộng đồng dân Chúa, Ban Văn Hoá Giáo phận Xuân Lộc tổ chức giải Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới “ Giải được tổ chức hàng năm, kể từ 2011.

Thời gian nhận bài từ 12. 11 năm trước đến 31.07 năm sau. Việc trao giải được tổ chức vào ngày 11.11 nhân dịp kỷ niệm tấn phong Giám mục của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh. Đức Cha cũng là người khởi xướng việc tổ chức các hoạt động Mục vụ Văn Hóa Đất Mới và tủ sách Đời dâng hiến.

Tất cả các tác giả trong và ngoài giáo phận Xuân Lộc (cả các tác giả thuộc tôn giáo bạn) có nhiệt tâm với việc xây dựng văn hoá sự sống và tình thương đều có thể tham gia. Thể loại gồm: Thơ, Truyện ngắn, Truyện dài, Kịch và Ảnh nghệ thuật (xin xem thể lệ trên trang giaophanxuanloc.net)

Mùa giải 2016 được tổ chức trong 2 ngày. Ngày 10 11. 2016, các tác giả (70 người từ Long Xuyên, Cần Thơ đến Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội, Hải Phòng) đã họp mặt và chia sẻ những vấn đề sáng tác tại cơ sở Phú Dòng. Ngày.11.2016 lễ trao giải đã được tổ chức tại Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi (Đồng Nai).

2.Quá trình:

Sự phát triển của giải trong 6 năm

Năm 2011 2012 2013 2014 2015 2016
Số tác giả 22 36 45 60 65 92
Truyện dài 01 01 01 02 04 08
Truyện ngắn 06 18 32 23 31 44 truyện

      31tác giả

Thơ 47 247

(08 tập thơ)

218 bài

(17 tập thơ)

279 bài

(05 tập thơ)

1673 bài

(23 tập thơ)

1002 bài

    (26 tập thơ)

41 tác giả

Kịch 0 01 01 03 04 05

04 tác giả

Ca khúc 76 19 37 70 24 105

 

Năm 2016 có sự nổi trội số lượng tác giả tham gia và đặc biệt có 08 truyện dài, trong đó có một truyện thơ (20.504 câu thơ lục bát)

CA KHÚC ĐẤT MỚI 2016

11-giai-ca-khuc

Các tác giả đạt giải ca khúc Đất Mới 2016

 Với 105 tác phẩm, số lượng bài thi năm nay tăng nhiều so với 2 năm trước (năm 2014: 70 tác phẩm; năm 2015: 24 tác phẩm), Về phần nội dung cũng phong phú hơn, các thí sinh đã cố gắng theo sát chủ đề ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa, cũng như tiếp tục chủ đề hướng về Đức Mẹ Núi Cúi và Tạ ơn Hồng ân Kim Khánh Giáo phận, một số bài kêu gọi bảo vệ môi trường sống… Phần nghệ thuật và chuyên môn khá hơn năm trước, vẫn ít tác phẩm đặc sắc,  nhưng dù sao đã có những cố gắng áp dụng dân ca vào tác phẩm của mình, hoặc những nét nhạc mới phù hợp với giới trẻ hôm nay song song với ít bài hòa âm giản đơn.(Đánh giá của Ban Thánh Nhạc giáo phận Xuân Lộc)

VƯỜN THƠ ĐẤT MỚI 2016

1.Vườn thơ:

Trong 6 năm phát triển của giải VHNT Đất Mới, thơ 2016 vẫn giữ được sự sung sức và đặt được những đỉnh mốc đáng nhớ

Năm 2011 2012 2013 2014 2015 2016
Thơ 47bài 247 bài

(08 tập thơ)

218 bài

(17 tập thơ)

279 bài

(05 tập thơ)

1673 bài

(23 tập thơ)

1002 bài

(26 tập thơ)

Có 41 tác giả thơ. 02 tập Kinh ngợi khenSuy niệm lời Chúa các năm A, B, C.(279 bài) của tác giả TG-thơ 28 có thể coi là một “công trình” tâm huyết và tài năng. Không biết tác giả đã mất bao nhiêu thời gian và công sức để hoàn thành một khối lượng thơ “đồ sộ” như vậy. 06 Bài văn tế dưới chân Núi Cúi (TG-thơ 31) cũng là một thành tựu ấn tượng, vì ngày nay rất ít người có thể làm được những bài Văn tế chuẩn mực. Tác giả TG-thơ 19 tham gia với các chùm thơ đủ thể loại như: Lục bát, Thất ngôn Đường luật, Tứ tuyệt, Phú, Thơ mới. Đây là một tác giả “tinh thông” nhiều thể loại thơ cổ có thi luật khó, khác với nhà thơ hôm nay thích làm thơ tự do. Tác giả TG-thơ 17 (tập thơ: Tình cây thập tự, 54 bài), sử dụng thể thơ 7, 8 chữ có âm hưởng Hàn Mặc Tử nhưng rất phong phú về tứ thơ và giàu sức sáng tạo, bộc lộ được một cốt cách thi nhân.

Thơ Đất Mới 2016 chỉ có vài tác giả làm theo phong cách thơ ca dân dã như TG-thơ 01 (tập thơ Dâng Mẹ Núi Cúi, 12 bài), TG-thơ 05 (tập thơ Theo Ngài trên nẻo đường đời 26 bài); TG-thơ 24,(tập thơ Một đời Ki tô hữu, 57 bài), còn lại, hầu hết các tác giả làm thơ nghệ thuật. Các tác giả thơ tỏ ra thực sự chuyên nghiệp trong việc sử dụng các thể thơ, thành thạo niêm luật, giữ được các đặc điểm thi pháp thể loại. So với những năm đầu, thơ dự giải phần nhiều là thơ quần chúng. Năm nay có nhiều tập thơ Lục bát, Song thất Lục bát, thơ 7, 8 chữ – kiểu thơ Lãng mạn (1930-1945), thơ Thất ngônTứ tuyệt Đường luật. Dù đây là những thể thơ đã thành “truyến thống”, là “thơ cũ”, nhưng các tác giả vẫn khám phá được cái mới, đem đến những thú vị.

Tác giả nào cũng có những nỗ lực khám phá cái đẹp của đề tài, tìm kiếm những cách thể hiện riêng, và góp vào vườn thơ Đất Mới những góc nhìn riêng. 26 bài thơ trong tập Thơ Đạo của TG-thơ 10 là góc nhìn đầy thiện cảm của một tác giả bên lương về đời sống của người Công giáo. 26 bài thơ trong tập Theo Ngài trên nẻo đường đời là góc nhìn của người đã trải nghiệm đời sống đạo, muốn chia sẻ những điều chân lý với mọi người. Những bài thơ của TG-thơ 23 lại là góc nhìn từ câu chuyện tình yêu của bản thân và gia đình mà khám phá “Bàn tay Chúa” quan phòng. TG-thơ 24 (tập thơ Một đời Ki tô hữu, 57 bài) là góc nhìn tràn đầy lạc quan và tin yêu của một người làm thơ ở tuổi 75. Ông đã dấn thân trong rất nhiều hoạt động tông đồ và khám phá nhiều vẻ đẹp của đời sống Công giáo: giới trẻ, giới gia trưởng, giới hiền mẫu, giới cao niên về cha sở, về giáo xứ, về vợ con..Có góc nhìn thánh khiết của cả tu sinh và mục tử trong các tập thơ Hoa đồng nội (08 tài) và Ơn gọi của con (28 bài).

2.Những nghệ sĩ tài hoa

Những “đỉnh” thơ Đất Mới 2016 là những tập thơ, những “công trình” công phu và tâm huyết như Kinh ngợi khen, Suy niệm Lời Chúa các năm ABC, Nguyện tâm thơ, Suy niệm 14 chặng đường thánh giá của Chúa Giêsu, Văn tế dưới chân Núi Cúi, Mầu nhiệm Mân Côi, Tình cây thập tự, Một đời KiTô hữu, Diễm ca Lòng Thương Xót (67 bài). Những tập thơ này đòi hỏi người làm thơ không chỉ thông tỏ về niêm luật, thi pháp, mà còn cần tri thức phong phú về đời sống, những hiểu biết sâu sắc về Kinh thánh, về lẽ đạo, và đặc biệt là một lòng xác tin mạnh mẽ đủ đề hồn thơ cất cánh đệt nên những bài thơ cuồn cuộn cảm xúc, đầy ắp những nghĩ suy và mãnh liệt thôi thúc người đọc hướng về lẽ thiện. Nói cách khác, từ cuộc đời sống đạo nhiệt thành, sâu sắc, từ những khao khát cháy bỏng Phúc Ậm hóa môi trường, từ sự cảm nhận hiển hiện Lòng Thương Xót của Chúa mà các tác giả đã viết được những tập thơ giá trị, có thể đóng góp vào đời sống Mục vụ văn hóa của Giáo hội, và làm giàu cho thơ ca Công giáo Việt Nam.

297 bài thơ của Suy niệm về Lời Chúa (TG-thơ 28 ) trong thánh lễ mùa phụng vụ các năm A, B, C vừa là thơ để đọc và cảm nhận sâu sắc Kinh Thánh, vừa có thể dùng cho trẻ trong các lớp giáo lý mỗi Chúa Nhật như những bài chia sẻ bằng thơ, mới lạ, thấm thía và ấn tượng. Tuy là suy niệm Kinh Thánh nhưng trong tập có rất nhiều bài thơ hay. Bài nào cũng cuồn cuộn cảm xúc, và giàu có sự sáng tạo. Tác giả đã vượt qua được sự gò bó về nội dung để nâng cánh thơ cho Lời Chúa. Văn tế dưới chân Núi Cúi (TG-thơ 31) đề cập đến những vấn đề xã hội nóng bỏng, nhưng cũng là tâm nguyện của giáo phận khi xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Núi Cúi, đó là vấn đề trẻ bị nhiễm chất độc Da cam (Văn tế sống em bé da cam), vấn đề thai thi (Văn tế hài nhi quê ta), vấn đề ly dị (Văn tế sống vợ chồng ly dị), các thánh tử đạo Việt Nam (Văn tế Thánh tử đạo Việt Nam), đời dâng hiến (Văn tế Mục tử Xuân Lộc)…Tác giả đã vượt qua sự trói buộc của thể loại văn cổ để vươn lên những áng văn chương lên tiếng nói mạnh mẽ về những vấn để hôm nay. Ngòi bút miêu tả thực trạng sống động (thực trạng trẻ em da cam, thực trạng nạo phá thai, thực trạng ly dị, thực trạng đời sống mục tử ở nhà hư dưỡng…) vì thế việc đặt vấn đề có sức lay động trái tim người đọc. Tình cảm yêu thương của tác giả dành cho nhân vật của mình tràn trên trang giấy tạo nên sức hấp dẫn và vẻ đẹp cho trang văn. Điều đọng lại vẫn là những vấn đề canh cánh khôn nguôi lương tâm người đọc. Tập thơ Tình cây thập tự (TG-thơ 17) có nhiều bài ý tứ lạ (Chúa thế đấy; Giáo đường gầy, buồn cổ kính; Đong đưa cho chin; Huyền kinh chuỗi nhiệm; ), nhiều bày hay (Bài ca tạo vật; Bi hùng sử; Dâng hoa dâng cả hư không một đời; Quê hương thượng đế…) và nhiều bài mang khí thơ Hàn Mặc Tử (Thơ diễm phúc; Mộng Huyền; Người đi thơ để lại). Diễm ca lòng thương xót (67 bài-TG-thơ 25) cũng là tập thơ có hơi thơ Hàn Mặc Tử và được tác giả khám phá công phu đề tài: Đức Giêsu-Dung nhan Lòng Thương Xót (14 bài); Thánh giá- Tình yêu của Lòng Thương Xót (14 bài); Đức Maria-Hiền mẫu của Lòng Thương Xót (18 bài); Hội thánh-Nữ chứng nhân của Lòng Thương Xót (21 bài). Thể thơ được khai thác trong tập là thơ 7, 8 chữ Lãng mạn (1930-1945). Lời thơ trau chuốt, hình ảnh thanh khiết và nhạc điệu du dương, giàu có tứ thơ. Tập thơ: Thơ Đạo (43 bài. TG-thơ 20) có nhiều bài thơ hay về Đức Mẹ. Tuy là thơ Lãng Mạn nhưng nhiều bài chứamđựng tư tưởng sâu sắc. Trong những tác giả đạt đến “đỉnh” thơ lạ và hay của mùa thơ Đất Mới 2016, phải kể đến tác giả TG-thơ 19. Ông có những bài Đường luật đọc thuận-nghịch; những bài Lục bát đọc thuận-nghịch, đặc biệt bài Phú: Ba chuyện dụ ngôn trong Kinh thánh cùng với Tứ tuyệt trường thiên về Lòng Thương Xót của Chúa trong Cựu ước. Quả là một nghệ sĩ đa tài.

3.Ngàn hoa dâng Mẹ

 Từ khi giải thưởng VHNT Đất Mới ra đời đến nay, vườn thơ Đất Mới mỗi ngày một sum suê xanh tốt và rực rỡ sắc hương. Thơ Đất mới 2016 có 26 tập thơ với 1002 bài thơ chứa đựng một nội dung rất rộng của hiện thực đời sống người Công giáo. Nhiều bài nói về công trình Đức Mẹ Núi Cúi. Diễm ca Lòng Thương Xót là 67 bài ca đẹp (Diễm ca) ngợi ca lòng thương xót của Chúa. Tập Thơ Đạo là thơ tình yêu dâng Mẹ. Có tiếng nói tâm tình của người mục tử, người tu sinh (tập thơ Ơn gọi của con, Hoa đồng nội). Một đời Kitô hữu (57 bài) là tập thơ viết chân thực về mọi vui buồn, phó thác, cả cái riêng (Tỉnh ngộ, Gửi các con..) và cái chung của một giáo dân (giới Trẻ, giới Gia trưởng, Hiền mẫu, Cao niên, Nhà mục vụ, Lược sử giáo xứ, Mừng Kim khánh giáo phận, Tiễn cha, khóc cha,…). Suy niệm Lời Chúa cả 3 năm A, B, C bao quát cả bầu trời Kinh thánh, và Nguyện tâm thơ là những lời cầu nguyện của mỗi người trong những hoàn cảnh riêng. Và thơ của tác giả bên lương (TG-thơ 10) nhìn về Công Giáo (Cảnh nhà thờ đêm Giáng sinh, Công đức các cha, Nét đẹp đường đạo của các Sơ, Nhà thờ sắc tháng Ba…)

Những tưởng rằng đề tài tôn giáo gò bó chỉ trong tâm tình ngợi ca và thống hối sẽ trói chặt ngòi bút các tác giả, song không phải vậy. Mỗi tài năng tự tìm lấy con đường sáng tạo của mình. Vì thế, dù là suy niệm theo Kinh thánh, dù là đi theo 14 chặng đường Thánh giá, dù đi theo hành trình cuộc đời xin vâng của Đức Mẹ, và ngay cả việc lên tiếng về những vấn đề thế sự “nhạy cảm”, các tác giả vẫn tìm thấy “cái đẹp” của đời sống Công giáo, vẫn tìm thấy chân lý trong Lời Chúa dạy và tìm thấy tha nhân đau khổ ngay xung quanh mình (Văn tế dưới chân Núi Cúi, Diễm ca Lòng thương xót…). Vì thế, có thể khẳng định Đất Mới là nơi quy tụ được những tài năng làm nên một hình thứcsinh hoạt Mục vụ văn hóa sinh động và khởi sắc. Xin cùng đọc một bài thơ của TG-thơ 28 để cảm nhận hương thơm của một mùa hoa thành tựu.

TRUYỆN NGẮN ĐẤT MỚI 2016

12-giai-truyen-ngan

Các tác giả đạt giải thưởng truyện ngắn Đất Mới 2016

1.Các chủ đề.

Năm nay truyện ngắn Đất Mới vẫn giữ được những chủ đề “truyền thống” như những năm trước, nhưng ít có khám phá những chủ đề mới.

a.Chủ đề  “Đời dâng hiến” có 9 truyện. Các tác giả đều tập trung vào miêu tả những nỗi gian nan của ơn gọi đời tu và khắc họa lòng nhân hậu của người Mục tử. Chính lòng nhân hậu của Chúa thể hiện nơi người Mục tử đã có sức cảm hóa lòng người trong mọi hoàn cảnh.

Ba truyện: Tình người, Tôi đi giúp xứ Phía sau hố thẳm tội lỗi kể về những trở ngại của quý thầy khi đi giúp xứ. Đó là những khó khăn thiếu thốn ở nơi giáo xứ mà quý thầy đến giúp, và đặc biệt là sự cám dỗ của ca viên nữ. Trong Tình người, khi cô ca viên Ngọc Lan không cám dỗ được thầy Chí Hải, cô ta nhờ mẹ kết hợp với xã hội đen đả thương thầy. Thầy Minh Quốc (Nam) trong Phía sau hố thẳm tội lỗi đã bị cô ca viên Thúy Mai đặt chuyện tố cáo với Tòa Giám Mục khiến thầy bị kỷ luật phải bỏ xứ mà đi, may mà thầy vẫn còn giữ được ơn gọi của minh nơi một dòng tu khác. Trong Tôi đi giúp xứ, trước ngày thầy xứ đi nơi khác thực tập năm thứ hai, một nữ huynh trưởng thiếu nhi đã lẻn vào phòng thầy từ lúc chuông hai. Em nói yêu thầy rồi ôm chặt thầy. Em muốn có kỷ niệm thật đẹp với thầy. Thầy xứ nhớ lời cha linh hướng dặn: “Các con chớ dại thử uống thuốc độc coi nó độc đến cỡ nào”. Nhờ thế thầy mới có có hội tiếp tục giúp xứ năm thứ hai.

Linh mục là hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa, hàn gắn được nhiều gia đình (Tình cha). Linh mục cũng là hiện thân cua sự thứ tha và ơn bình an cho mọi người. Người phụ nữ tội lỗi Thùy Mai từng là ca viên sau đó phạm tội đủ 9 điều răn, đã tìm đến cha Thanh để xin ơn tha thứ. Sau khi ban phép hòa giả và dành cho Thùy Mai nhiều điều an ủi, Cha Thanh “đóng cửa nhà thờ và phải về.”(Vì trong nhà thờ chỉ có mình cha và người phụ nữ). Thùy Mai quỳ đọc kinh trước tượng Đức Mẹ và nhìn theo bóng cha:…bóng cha đã chìm khuất trong hoàng hôn của cánh rừng cao su bạt ngàn mênh mông như tình thương bao la vô hạn của Thiên Chúa tình yêu.

Linh mục cũng là Mục tử dấn thân đi trước đoàn chiên và phải đối mặt với nhiều vấn đề của trần gian. Nhờ ơn Thánh Thần, Linh mục đã vượt qua khó khăn đem đến Ơn cứu độ cho mọi người. Truyện Khối lập phương Rubic kể về một Linh mục âm thầm đòi lại công lý cho một cháu gái bị hiếp và giết chết bởi một tên loạn dâm. Một chút xíu nữa ngài đã bị trả thù oan. May mà, khi đến nhà vị linh mục để trả thù, Nhân thấy ngài đi vắng. Hắn lục lọi đồ đạc, và đọc được hồ sơ pháp y về cái chết của em, Nhân mới hiểu ra hắn nghi oan cho vị Linh mục. Chính lão Bá mới là kẻ sát hại Hậu là đứa em thương yêu của hắn.

Người Mục tử sống trong môi trường xã hội phức tạp, ngay cả việc nghĩa, việc thiện cũng khó thực hiện, chưa nói đến việc Mục vụ cứu giúp các linh hồn. Truyện Thánh lễ an táng không có xác là câu truyện Linh mục làm lễ an táng cho một người mới trở về với Chúa. Phần xác, ông ta được các đoàn thể, tổ chức chính quyền chăm lo, còn phần hồn. Linh mục âm thầm dâng thánh lễ an táng để tiễn đưa ông về nước Chúa. Vị Linh mục trên địa ngục trần gian (TN 05) là một Linh mục đã 81 tuổi. Ngài đã nhận nhiệm vụ Mục tử ở Côn Đảo từ khi ngài 35 tuổi. Ở đây ngài đã làm việc giúp đỡ những tù nhân chính trị trong 7 năm coi xứ. Và ngài đã ở lại với họ mà không di tản khi Côn Đảo giải phóng. Sau 1975, ngài từ Côn Đảo trở về. Đã 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Hôm nay là 27 tết, vị Linh mục lại chuẩn bị cho một cuộc thăm viếng và phát gạo cùng với quà tết cho người nghèo ở Côn Đảo. Chúa luôn ở bên mọi người là một truyện hay, có ý nghĩa sâu sắc về phương pháp giáo dục trẻ nhỏ. Một người mẹ dẫn đứa con hư vào nhà xứ gặp cha sở để nhờ ngài giúp. Trước kia cháu chăm ngoan, giờ cháu « Trốn học, nói dối mẹ, tập hút thuốc, tập uống rượu, đi chơi cả ngày không về nhà…”Cha sở đã kể cho cháu nghe một câu truyện về một đứa con hư hỏng. Lúc đầu đó là đứa con ngoan, rồi vì mặc cảm con không cha, bị bạn bè trêu chọc, nó bỏ nhà đi. Người mẹ 5 năm cất công tìm con nhưng không thấy. Bà trở về chòi cũ, mắc bịnh lao và lầm tưởng vị Linh mục đến giúp đỡ mình là con (cha Mân). Cha đã đưa bà trở về với Chúa và tìm được người con đã bỏ nhà đi cho bà. Người con ấy là Linh mục (cha sở) đang nói chuyện với cháu bé. “Chiều hôm ấy – lễ chiều, tôi đã thấy đứa con gái ấy đến thánh đường thật sớm, nó quỳ thật lâu trước Chúa.”

 Các tác giả tỏ ra khá vững vàng khi miêu tả hình ảnh Mục tử trong những hoàn cảnh “nhạy cảm”. Các ngài vừa là hiện thân của Đức Giê su sống đời sống tâm linh, lại vừa là một công dân, một con người xã hội, sống trong một môi trường còn nhiều định kiến, nhiều ngăn trở. Và các ngài đã tỏa sáng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thắp lên niềm tin yêu từ Lòng Thương Xót của Chúa. Dẫu thế nào, nếu độc giả là giáo dân, đọc những câu truyện này, nhất định sẽ thương các ngài hơn và cầu nguyện cho các ngài nhiều hơn. Con đường làm Mục tử của Chúa nhiều khó khăn và cám dỗ lắm. Xin Chúa gìn giữ các ngài.

  1. b. Bi kịch gia đình tiếp tục được mổ xẻ và tìm giải pháp. Gọi là bi kịch bởi các nhân vật trong truyện bị mắc kẹt giữa luật Chúa và hoàn cảnh xã hội họ đang sống, mà vì cuộc sống, họ đã lỗi đạo. Họ muốn trở về với Chúa nhưng mọi cánh cửa đều đã đóng, cánh cửa nào sẽ mở ra cho họ?

Nhân vật “anh” trong truyện Người con của lòng thương xót là một trường hợp như vậy. Anh là một người lính. Chị là người ngoại đạo. Hai người đến với nhau vội vàng: học giáo lý vội vàng, rửa tội vội vàng, hôn phối vội vàng, đám cưới vội vàng, vì đang trong những ngày tháng chiến tranh ly loạn. Ngày đất nước thống nhất, anh đi học cải tạo. Khi anh trở về, vợ anh đã biệt tăm. Anh đi tìm chị bảy tám năm nhưng không có tông tích gì. Và người phụ nữ thứ hai đã đến trong đời anh. Anh biết mình lỗi luật đạo. Nhưng anh còn trẻ, không thể sống như một người tu hành.  Hòa bình đã bốn mươi năm, anh đau đáu nỗi khát mong được làm hòa với Chúa, trở về với Giáo hội. Nhưng ai có thể giúp được anh? Cha sở đến thăm anh, người chỉ khuyên anh nên đến với Chúa.

Truyện Đàn bà đẹp là một hoàn cảnh bi kịch khác. Thùy nhận được điện thoại của Thím Ba hàng xóm gọi báo: ở nhà, chị dâu đã ngoại tình. Chị ta còn đầu độc anh Hai của Thùy, dù hai người đã sống với nhau 10 năm. Khi Thùy về đến nhà, người đàn bà tội lỗi ấy còn đang bị trói bên giường. Thùy nhận ra chị là người đàn bà đẹp. Đầy sức sống. Chắc là không thể cưỡng lại những cơn đói khát xác thịt, nên đã để trai vào nhà ăn nằm. Tội lỗi nặng thêm ở chỗ, chị trộn thuốc độc vào cơm cho chồng. Người chồng bịnh liệt hai năm. Giữa tình cảnh bi kịch ấy, Thùy không sao có thể tha thứ. Thùy bảo chị ta đi đi.  Chị đã khóc nhận lỗi và xin được ở lại chuộc tội. Thùy nói với anh: Anh đừng buồn. Mười năm chồng vợ, hai năm làm trâu làm ngựa chăm sóc anh bệnh tật nặng nề, anh đã mang ơn chị nhiều rồi... Chúng ta hãy tha lỗi cho chị Hai cũng như rồi đây Chúa sẽ tha thứ cho anh em mình.” Người đọc tự hỏi về cái cách lý giải của Thùy: Có thể lấy “Mười năm chồng vợ, hai năm làm trâu làm ngựa chăm sóc anh bệnh tật nặng nề, » của người vợ để cân đong tình nghĩa và đạo lý không, và liệu có thể giữ chân được chị ta bao lâu nữa bên người chồng bại liệt?

Truyện Cha tôi cũng là một bi kịch như thế. Mẹ tôi ngoại tình, bỏ nhà đi, để lại nỗi đau buồn cho cha tôi và gia đình tôi không sao nói thành lời. Cha con tôi ẩn nhẫn chịu đựng và chờ mong mẹ trở lại. Một ngày kia cha tôi nhận được tin mẹ đang cấp cứu trong bệnh viện vì bệnh lao. Cha tôi lại hết lòng hết sức lo cho mẹ. Sau lần ấy, mẹ trở về và trở lại với Chúa. Nhưng rồi một ngày kia, cha tôi đi làm, bị sập dàn giáo. Ông bị chấn thương cột sống phải nằm liệt một chỗ. Chúng tôi thương cha quá. Phải chăng Chúa đã trao những thánh giá quá sức chịu đựng của cha con chúng tôi?

Câu chuyện chiều mưa nơi quán nước nhỏ dưới con dốc hội tụ những hoàn cảnh bi đát: Hai người đàn ông tàn phế gặp nhau. Ông Tư là chủ quán kiêm sửa xe kể: Năm đó trúng cà phê. Ông chở vợ con đi Biên Hòa mua sắm. Trên đường về, qua Dầu Giây, một chiếc xe tải mất thắng tông vào xe của ông. Đứa con gái chết ngay tại chỗ, ông bị cán nát một chân, người vợ bị thương nhẹ. Sau biến cố đó, ông như điên như dại. Ông đã oán trách Chúa, và ông đã bỏ Chúa từ dạo đó…Người khách ngồi xe lăn kể, ông từng có một cơ ngơi và mái ấm hạnh phúc như người ta. Sau 1975, ông theo chân bạn bè đi mua bán phế liệu. Trong nhà xe tải, xe hơi đều có hết. Lần đó, mặc dù ông đã rất cẩn thận khi tháo ngòi nổ trái 105 ly. Nhưng một tiếng nổ làm rung chuyển trời đất. Lúc tỉnh dậy, ông là người duy nhất sống sót sau vụ nổ. Ông mất hẳn 2 chân. Ngay sau đó con vợ đã ẵm của cải ông dành dụm được đi theo người khác. Ông thành kẻ trắng tay. Từ đây, ông phải đi bán vé số kiếm sống qua ngày. Ông cũng đã trách Chúa, và bỏ đạo luôn…Điều gì cứu được những người đã mất tất cả, và nhất là mất đức tin? Truyện đã có một lời giải rất hay.

c.Đề tài phúc âm hóa môi trường.

 Mỹ Duyên (Hạt muối biển) từ quê lên thành phố học. Duyên bị bạn bè chọc ghẹo. Em và mẹ tập trung cầu nguyện. Duyên tích cực giúp đỡ bạn bè, từ đó em đã cảm hóa được các bạn, giúp hàn gắn gia đình bạn. An (Bố An) đang đi tu thì cha bệnh nặng qua đời, An phải ra tu. Rồi anh nhặt được đứa bé trong đêm Giáng Sinh đem về nuôi. Có sự hỗ trợ của mẹ. Cứ vậy, anh đã sống 30 năm trong ơn gọi làm cha nuôi của gần 20 đứa nhỏ bị bỏ rơi. Mỗi Chúa Nhật, anh đưa các con đến nhà thờ tham dự Thánh lễ và học Giáo lý. Tối đến, “đại gia đình” tụ tập nguyện kinh tối. An phó thác cả cuộc đời mình và của các bé cho tình yêu quan phòng của Chúa. Anh thường tự nhủ: Thiên đàng là gì? Thiên đàng ở đâu xa mà người ta cứ lo đi tìm kiếm? Vâng, nó ở rất gần, ngay chính trong cuộc sống thường ngày nếu ta biết sống theo thánh ý Chúa và sống trọn vẹn hai chữ “yêu thương”. Tin Vui mùa đông là tin vui một người trở lại. Bà Hạnh có chồng là một Đảng viên, vì ngăn trở chính trị, bà đã bỏ Chúa. Đến nay chồng bà đã qua đời hơn một năm. Nhờ lời khuyên bảo, bà đã trở lại và xin được ơn của Lòng Chúa Thương Xót.

Tập truyện Cùng Mẹ chúng con đi kể lại 08 câu chuyện có thật của những anh chị Legio

dấn thân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn về tâm linh, và tôn giáo. Nhờ ơn Chúa và lòng nhiệt thành miệt mài, họ đã gặt hái được những hoa trái tuyệt đẹp dâng cho Chúa. Truyện Bà Hai Ớt kể về việc vận động giúp đỡ một bà cụ già đơn độc. Bà bị mọi người xa lánh và gọi là bà Ma. Rộn ràng mùa hoa soan là truyện anh Tư, người có đạo. Anh là con ông trùm, ở bến Tre. Vì giận cha xứ, anh bỏ đạo lên đây. Anh bị tai nạn nằm liệt. Các anh chị Legio đến thăm và chia sẻ với anh. Một năm sau anh xin trở lại, sau đó anh ra đi an lành. Bà Hai Hoa ở dưới đồi 23 cũng bỏ chúa, sau bà trở lại và ơn tha thứ. Bà cũng ra đi an lành. Sau đó cả gia đình bà xin trở lại. Con Mén trong truyện Dã Quỳ hương dù là đứa trẻ mồ côi bán vé số nhưng nó biết giúp đỡ bà cụ già neo đơn. Nó nói với ông Tư, lúc còn sống má dặn Cố gắng nhìn thấy và hầu hạ Chúa trong người anh em”. Những truyện: Để yêu và được yêu, Thánh vật của cha, Người con của Lòng Thương Xót, Hoa hồng nở muộn, đều là những câu truyện đặc sắc của ơn Chúa mà các anh chị Legio là những chứng nhân Phúc âm hóa môi trường. Đọc những truyện này, người đọc nhận ra rằng chung quanh chúng ta còn có bao nhiêu người có những hoàn cảnh cần chúng ta giúp đỡ, và chính đời sống chứng nhân của chúng ta có sức cảm hóa đem họ trở về với Chúa. Trong lời mở đầu tập truyện, tác giả viết: ”Xin được ghi lại Những câu chuyện có thực, là lời tri ân sâu xa đối với Chúa và Mẹ Maria… Ươc gì, với những câu chuyện này… chia sẽ cho nhau những kinh nghiệm sâu sắc với tinh thần nhìn thấy và hầu hạ Chúa Kitô ngự trong mình anh em”

 

Đề tài Phúc âm hóa môi trường năm nay có hai truyện lạ là Hai CàoLời nguyện cầu cho biển. Mở đầu truyện, tác giả viết Hai Cào là truyện “có thật ở các HỌ ĐẠO sông nước miền tây thời Pháp thuộc…”. Truyện được viết…để cho thế hệ sau biết thời cha ông mình có những người rất cương trực, dũng mãnh, ngoan cường như … Hai Cào, mà biết âm thầm sống đạo. Truyện có cách kể thật hấp dẫn. Truyện cũng cho biết ngày xưa các Linh Mục có ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng. Rất tiếc truyện chưa miêu tả sâu sắc tinh thần đạo của Hai Cào. Trái với Hai Cào, truyện Lời nguyện cầu cho biển là truyện thời sự vừa mới xảy ra. Truyện cá chết ở vùng biển miền trung gây hậu quả trầm trọng đến đời sống giáo dân của một xứ đạo. Đó là ngôi làng của nước mắt, của những đứa trẻ, 10 đứa sinh ra hết 9 đứa dị dạng. Làng của những ngôi mộ gió, mộ của những người đi biển không về. Và giờ đây, làng của cá chết, “Dân làng lại đi, không phải ra khơi mà đi làm thuê trong thành phố. “Những thánh lễ chiều trong xóm đạo giờ chỉ cầu nguyện cho cá.”; “cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ cho những gì u ám hôm nay sớm qua đi, ngày mai tươi sáng hơn sẽ tới.”

           2.Về nghệ thuật

 Năm 2016, các tác giả truyện ngắn viết khá đều tay, điêu luyện trong cách kể một truyện ngắn. Hai Cào có cách kể thật hấp dẫn nhờ ở sự hiểu biết sâu sắc điều miêu tả và ở sự thay đổi liên tục góc nhìn tâm lý nhân vật. Cùng Mẹ chúng con đi là truyện “người thật việc thật”, nhưng tác giả có cách dựng truyện sinh động, khách quan. Chất văn chương và tinh thần truyền giáo là thế mạnh của ngòi bút ghi lại những câu chuyện này. Nhiều tác giả đã “bạo tay” miêu tả những trình huống rất khó, như cảnh thầy xứ bị một em nữ trưởng thiếu nhi tỏ tình (Tôi đi giúp xứ), hoặc, cảnh Linh mục đối mặt với các tù nhân chính trị ở Côn Đảo trước 1975 (Vị Linh mục trên địa ngục trần gian). Có những truyện tác giả xử lý khá tốt một cốt truyện phức tạp (Tình đời, Phía sau hố thẳm tội lỗi; Chúa luôn bên mọi người, Câu chuyện chiều mưa, Khối lập phương Rubic). Năm nay truyện ngắn cũng mở rộng biên độ khám phá hiện thực. Có truyện ở một xứ đạo thời Pháp thuộc, có truyện ở Côn Đảo trước 1975, Có truyện nằm trong “vùng cấm” không được nói ra (Phía sau hố thẳm tội lỗi), có truyện lấy bối cảnh miền Tây, sông Hậu (Tiếng tù và trên sông hậu), Có truyện bối cảnh là vùng Tây nguyện, Kontum (Tình cha) và truyện cập nhật thời sự ”nóng” là hiện tượng cá chết gây lao đao đời sống giáo dân (Lời nguyện cầu cho biển). Nhiều tác giả đã khám phá được những tình huống độc đáo có thể gây ấn tượng cho người đọc ngay lần đọc đầu tiên (Người giữ xác, Vị Linh mục trên địa ngục trần gian, Phía sau hố thẳm tội lỗi, Hai Cào, Chúa luôn bên mọi người, Đàn bà đẹp).

 

Sự hơn kém giữa các truyện nằm trong cách dựng truyện, tính văn chương và tư tưởng.

Một vài truyện còn ở dạng ghi chép, chưa thành truyện (Viết về em, Ngày giỗ ba, Ngài ở bên con, Chiều buông, Vấn nạn ô nhiễm, Con về bên Mẹ.).Cũng có truyện nội dung nằm ngoài tiêu chí cuộc thi (Người giữ lung ngày tết, Những người lính lặng thầm, Đất và ngụ ngôn Kinh Thánh). Có truyện viết về những vấn đề “nhạy cảm” chưa thật thuyết phục (Tin vui mùa đông, Thánh lễ an tang không có xác,).Truyện: Khối lập phương Rubic có cốt truyện quá ư rắc rổi khiến cho truyện trở nên khó hiểu, truyện Con khao khát Chúa, Chúa Ơi đã dự thi Đất Mới 2015.

3.Đánh giá chung.

            Truyện ngắn Đất Mới 2016 đã phản ánh được “các mặt đời sống nhân bản và Công Giáo của cá nhân, gia đình, cộng đoàn giáo xứ, và xã hội”như yêu cầu của cuộc thi. Bên cạnh việc đặt ra các vấn đề tâm linh và xã hội, các tác giả còn khám phá vẻ đẹp của đời sống Công giáo ở nhiều góc độ, từ một em bé bán vé xố, đến những người chẳng may bị tai nạn tàn tật, và nhất là vẻ đẹp Chủ chăn. Dù ở nơi đất dữ hay những nơi ngập đầy tội lỗi, ở đâu, ngòi bút các tác giả cũng lan tỏa Lòng Thương Xót của Chúa và ý thức phúc âm hóa môi trường. Rất mừng mùa Đất Mới 2016 đã có được những truyện ngắn hay, và đội ngũ tác giả Công giáo ngày càng đông đảo.

TRUYỆN DÀI ĐẤT MỚI 2016

13-truyen-dai

Các tác giả đạt giải thưởng truyện dài Đất Mới 2016

TT Tên truyện Độ dài Thể loại-nội dung
1 Ngọn nến cuộc đời 20.504 câu thơ Lục bát Truyện thơ
2 Người mẹ một chân 32trang. Đời dâng hiến
3 Thử chết một lần 243 trang Đời dâng hiến
4 Lối về 195 tr Đời dâng hiến
5 Thiên Chúa Cha của tôi 166 tr Truyện thiếu nhi
6 Người hành khất

trước cổng tu viện

202 tr. Đời dâng hiến
7 Lựa chọn, chọn lựa 65 tr. Truyện vừa Đời dâng hiến
8 Ngã lên cỏ thơm 10tr. Truyện vừa Đời thường

1.Truyện dài, tiểu thuyết là thể loại chủ lực của một nền văn học. Rất mừng, mùa giải VHNT Đất Mới 2016 có 6 truyện dài và 2 truyện vừa. Điều này có nhiều ý nghĩa.

Giải VHNT Đất Mới 2016 đã quy tụ được các tác giả tài năng. Những thành quả có được mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển của văn chương Công giáo. Nếu có định hướng và đầu tư đúng mức, chắn chắn chúng ta sẽ có được những tác phẩm giá trị.

Đặc biệt năm nay xuất hiện một truyện thơ Ngọn nến cuộc đời dài 20.504 câu thơ. Quả là một kỳ công trong sáng tạo nghệ thuật. Vì truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ có có 3.254 câu thơ Lục bát. Thiên Nam Ngữ Lục, một tác phẩm lịch sử diễn ca khuyết danh cuối thế kỷ 17 có 8.136 câu thơ Lục bát. Nhiều câu thơ, đoạn thơ trong tác phẩm này hay sánh ngang với những câu thơ truyện Kiều. Rất tiếc, về nội dung, nhiều chỗ tác giả xử lý vấn đề vượt ra ngoài tiêu chí nên không đưa vào xét giải. Những cuốn như Thử chết một lần, Lối về, Người hành khất trước cổng tu viện, Thiên Chúa Cha của tôi đều có độ dày trên 400 trang in. Năng lực viết, khả năng sáng tạo của các tác giả thật sung sức. Những cuốn này nếu được biên tập lại đều có thể in thành tác phổ phổ biến rộng trong công chúng, như những tác phẩm văn chương đích thực.

2.Về nội dung, có 5 cuốn viết về Đời dâng hiến, một cuốn viết cho thiếu nhi, hai cuốn khai thác đời sống thường ngày của người Công giáo.

Năm tác giả viết về Đời dâng hiến đã không ngại khám phá thế giới riêng của đời tu (cả nam tu sĩ và nữ tu). Đặc biệt là miêu tả những thử thách, những cám dỗ và những hy sinh mà người Mục tử phải vượt qua để đạt tới ơn gọi làm môn đệ Chúa. Đó là những cám dỗ của tình yêu nam nữ (Thử chết một lần), những chao đảo, chán nản, mất phương hướng nửa chừng của đời tu trong Lối về. Đó là, chỉ còn 6 tháng nữa là thầy xứ Lâm Tuấn chịu chức Linh mục, vậy mà những tra hỏi về hiện sinh đã kéo thầy rời bỏ Chúa. Truyện Chon lựa, Lựa chọn là trăn trở xót xa khi một Đại chủng sinh quyết định trở về đời trần tục. Thử chết một lần viết về cuộc đời của Sr. Thủy Tiên, Người hành khất trước cổng tu viện viết về cuộc đời của Sr. Loan. Cả hai nữ tu đều dâng hiến đời mình, tính mạng mình cho Chúa khi công tác ở châu Phi. Sr Thủy Tiên bị bọn khủng bố bắn chết, còn Sr Loan lây nhiễm HIV khi chăm sóc người bịnh ở Kenya và ở Việt Nam.

Các truyện cũng miêu tả sự lạ lùng, kỳ diệu của Chúa trong ơn gọi đời tu. Chính Chúa chọn người môn đệ của Người, và bàn tay quan phòng của Chúa dẫn dắt và nâng đỡ bước chân Mục tử. Cha Micae Nguyễn Tiểu Phong (Người mẹ một chân) lúc nhỏ là một đứa trẻ ngoan, rồi theo bè bạn mà hư hỏng. Ngài đã được cha Hạnh dòng Don Bosco hướng dẫn, huấn luyện, nghe được tiếng gọi của Chúa và trở thành Linh mục. Khi trở về nhà thăm người mẹ một chân, cha nói với mẹ: “Mẹ ơi con đã về! Không ai tránh được giông bão của cuộc đời, vì thế đừng mong chờ cuộc sống toàn trải nệm hồng mà hãy can đảm đón nhận thử thách của cuộc sống như một điều tất yếu, đó chính là hành trang theo chân Giesu.” Còn Đức cha Hồng Ân trong Người hành khất trước cổng tu viện lại là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được Sr. Loan và các Sr nhặt về, chăm sóc, nuôi dạy.

Thiên Chúa Cha của tôi là một truyện dài viết cho lứa tuổi cấp 2. Truyện có lối viết sinh động và nội dung hấp hẫn. Tác giả giúp trẻ hiểu Kinh thánh hơn đồng thời khẳng định, dù là trẻ con, vẫn có thể truyền giáo tốt ngay trong môi trường của mình. Nhân vật “Nó” (cái Khuê) là người kể chuyện. Khuê học lớp 5A. Thông qua những trò chơi, những buổi đọc Cựu ước, những buổi đi nhà thờ…, em đã đưa được 4 bạn và 2 gia đình về với Chúa. Sức mạnh của em là sự cầu nguyện, là lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa Cha, và ở sự hiểu biết Kinh thánh thấu đáo. Em vượt qua Thuyết Tiến hóa, thuyết khoa học duy vật và những định kiến trong dân gian để thuyết phục những người chưa biết Chúa.

Hai tác phẩm miêu tả đời thường là Ngọn nến cuộc đờiNgã lên cỏ thơm. Hai truyện đã khai thác được những vấn đề căng thẳng của đời sống xã hội và làm sáng lên vai trò của người con Chúa. Ngã lên cỏ thơm là truyện của cô bé Ngảo ngồi trên xe lăn hai lần ngã trên bãi đất làm lò gạch tranh chấp quyết liệt giữa làng Đại Viên là làng Công giáo với làng Xe Thồ bên lương. Làng Đại Viên mua bãi đất để làm lò gạch. Chuyện bồi thường cho làng Xe Thồ không thỏa đáng đã dẫn đến những trận đánh nhau khốc liệt. Rồi một cơn bão lớn ập đến, cả hai làng cùng chung nhau hộ đê. Họ không còn hận thù. Cô bé Ngảo ngồi xe lăn chứng kiến toàn bộ sự việc đồng thời tích cực hòa giải người của hai làng. Ngảo được thiên thần đưa về trời. Ngọn nến cuộc đời đưa nhân vật trải qua nhiều hoàn cảnh cam go của của lịch sử. Ngày 30.04.1975 thống nhất đất nước, Nguyên Phụ phải đi cải tạo. Gia đình lâm vào khó khăn. Cải tạo về, Nguyên Phụ và gia đình ông phải đi kinh tế mới. Người con cả là nhân vật Cỏ, phải lưu lạc kiếm sống. Ra Huế định vượt biên, rồi vào Nam, lên Daklak mở trại mộc, về Xuân Đông bươn chải. Cái nghèo đeo bám mãi. Cỏ còn bị lừa vàng, bị công an theo dõi, bản thân bị tai nạn giao thông nằm viện 7 tháng, hai tay bị thương. Vợ của Cỏ bị chứng điên, sau đó bị ung thư…Trong hoàn cảnh như vậy, Cỏ sau khi nhập đạo, đã trở thành tông đồ tích cực hoạt động đem các linh hồn về cho Chúa. Chúa hứa cho Cỏ lên thẳng Thiên đàng.

3.Sự khác biệt giữa các tác phẩm nằm ở chất nghệ thuật, đặc biệt là ở tính tư tưởng và thẩm mỹ.

Có truyện nội dung khá hay nhưng tác giả chưa xây dựng thành tác phẩm nghệ thuật (Người mẹ một chân; Lựa chọn, chọn lựa). Truyện còn ở dạng ghi chép, nội dung còn là nguyên liệu thô, chưa được gia công khắc tạc thành hình tượng nghệ thuật. Tác giả chỉ chăm chú kể mà không chú ý trau chuốt câu văn và dụng công diễn đạt. Người hành khất trước cổng tu viện là truyện có cốt truyện hấp dẫn nhưng ngôn ngữ kể truyện hoàn toàn thiếu tính văn chương. Gần như đó là lời kể của người bình dân, dàn trải liên miên từ việc này sang việc khác. Cuối truyện, văn chương có được chú ý hơn. Thử chết một lần có cấu trúc lệch trọng tâm, làm lệch chủ đề. Trong Ngọn nến cuộc đời có 3 câu truyện được viết bằng ba bút pháp khác nhau lồng ghép làm một, khiến cho không truyện nào đạt được giá trị cần có. Đây là một truyện thơ. Phần thơ khá hay, nhưng thơ không kể được truyện, thành ra nếu chỉ đọc phần thơ, người đọc sẽ không hiểu được nội dung truyện. Tác giả đã phải tóm tắt truyện và chủ đề trước mỗi chương để hướng dẫn người đọc.

Về xử lý các tình tiết, các chi tiết và cách thể hiện nội dung, có nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, việc miêu tả những cảm xúc nhục thể (Thử chết một lần) … cần có chừng mực để bảo đảm sự thanh khiết cho dời tu và sự trong sáng của trang văn. Việc sử dụng những yếu tố thần kỳ như phép lạ, ma quỷ (Thiên Chúa Cha của tôi), Đức Mẹ hiện ra cứu chữa và xe duyện, định ngày kết hôn cho bạn trẻ, hoặc Chúa cho thị kiến (Ngọn nến cuộc đời) cần phải đúng với tín lý và lời dạy của giáo hội, nếu không sẽ gây ra sự mê tín dị đoan.

Trong cách thể hiện, có tác giả trực tiếp hiện diện trong tác phẩm để bình luận. Tiểu thuyết hiện đại không cho phép cách viết này. Có tác giả bộc lộ thái độ qua việc miêu tả quá sự thật, hoặc trực tiếp bộc lộ bức xúc về hiện tượng xã hội, khiến cho tác phẩm mất đi tính nghệ thuật. Trong Người hành khất trước cổng tu viện, tác giả bình luận ngoại đề về nhiều vấn đề xã hội như nạn ô nhiễm thực phẩm, người trẻ yêu cuồng sống vội, nạn buôn gỗ lậu, phá rừng… Ngọn nến cuộc đời có những chương thóa mạ Linh mục. Trong Thiên Chúa Cha của tôi, tác giả để một em bé lớp 5, đối thoại lý lẽ, thuyết phục chú công an theo đạo. Điều này vừa quá sức với một dứa trẻ, vừa là không tưởng trong thực tế. Một em học sinh lớp 5 lại thông thuộc Cựu ước, Ezakiel, Êlia…như một chuyên gia thần học, trong khi e còn đang học lớp giáo lý, điều này tác giả giao cho em một nhiệm vụ bất khả thi…

Tám (08) truyện dài của mùa giải VHNT Đất Mới 2016 là sự thành công đáng mong đợi. Giáo phận đã phải đợi suốt từ ngày đầu đến giờ VHNT Đất Mới mới có được những truyện dài giá tri cả về nội dung và nghệ thuật. Chúng ta mong muốn có thêm nhiều tác giả tham gia truyện dài, mong muốn các tác giả nỗ lực hơn nữa trong khám phá sáng tạo để vườn văn chương Công giáo ngày càng có nhiều đóa hoa tươi thắm, ngát hương. Rồi đây giáo phận sẽ chọn những tác phẩm giàu phẩm chất nghệ thuật và tư tưởng để in, để văn chương thực sự trở thành một giá trị trong mục vụ văn hóa của giáo hội, đem niềm tin yêu đến cho mọi người.

KICH ĐẤT MỚI 2016

1.Kịch là nghệ thuật tổng hợp. Kịch bản văn học vừa là tác phầm văn chương (kể truyện) vừa là văn bản thiết kế vở diễn trong đó hướng dẫn đạo diễn, diện viên, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, kể cả âm thanh, ánh sáng, và cả phần họat động của hậu trường.

Đặc trưng của Kịch là mâu thuẫn kịch (cái tạo ra kịch tính) được “thắt nút”, phát triển và “cởi nút”. Ngôn ngữ kịch là yếu tố quan trọng nhất. Ngôn ngữ kịch có chức năng vừa kể truyện, vừa khắc họa bối cảnh thời gian, không gian, vừa khắc họa tính cách nhân vật. Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ hành động, ngôn ngữ mang đặc điểm xã hội của nhân vật. Ngôn ngữ kịch có độc thoại, đối thoại và bàng thoại.

Về thể loại, có hài kịch, bi kịch, chính kịch, kịch lịch sử. Mỗi loại có đặc trưng riêng

2.Viết kịch bản tác giả phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản trên. Tuy nhiên các kịch bản Đất Mới 2016 không kịch bản nào đạt yêu cầu nghệ thuật thể loại.

Các mâu thuẫn kịch không được xây dựng và phát triển để tạo ra độ căng kịch tính. Việc xử lý, hóa giải các mâu thuẫn không thuyết phục. Kịch bản không có một cốt truyện hay. Lời thoại không phải là kiểu lời thoại của kịch. Hầu hết kịch bản không khắc họa bối cảnh, không xây dựng được tính cách nhân vật.

Hạnh phúc gia đình dựng cảnh chồng say xỉn đánh chửi vợ con. Vợ con bỏ về ngoại. Nhờ Gia trưởng và Hiền mẫu giáo xứ khuyên bảo, gia đình đoàn tụ cùng hát (Bài ca yêu thương). Tính kịch rất nhạt, mâu  thuẫn vận động một chiều.

Phiên bản của người con hoang đàng là câu chuyện của nữ tu tên Tươi. Nữ tu này làm ăn với bên ngoài làm lỗ mất của nhà dòng tiền tỷ. Khi bị nghi ngờ, Tươi bỏ nhà dòng, bỏ Chúa, bỏ thánh lễ và bỏ đạo về thành phố giữ trẻ. Vậy mà khi Sr. bề trên tới chia sẻ vài lời thì Tươi trở lại nhà dòng. Cả nhà dòng vui mừng. Kịch bản xây dựng được mâu thuẫn nhưng xử lý mâu thuẫn chưa thành công. Chuyện mất tiền tỷ không được xử lý, Người nữ tu này không tự nhận lỗi còn tự bỏ Chúa, bỏ đạo. Kịch chỉ có ba cảnh đối thoại.

Con xin lỗi baEm có làm gì đâu là hai kịch bản của cùng một tác giả. Cả hai kịch bản chỉ là những tiểu phẩm tuyên truyền cổ động. Con xin lỗi ba có ý khuyên đừng chiều con, cho chúng tiền chỉ làm hư chúng; còn Em có làm gì đâu là lời khuyên đừng lái xe khi uống rựợu. Các kịch bản này chỉ có lời dẫn, chưa dựng được cảnh đúng với yêu cầu đặc trưng kịch. Mỗi cảnh chỉ có vài câu thoại.

Đêm Giáng sinh an lành là kịch bản có tính kịch nhất trong các tác phẩm Kịch Đất Mới 2016. Thảo yêu Quang và theo Quang đi ăn chơi. Khi Thảo có thai, Quang chối bỏ. Mẹ Thảo cũng bắt bỏ thai. Thảo chạy vào nhà thờ đến bên hang đá cầu nguyện. Có 2 giáo lý viên đến an ủi. Rồi bố mẹ Thảo đi tìm Thảo. Tác giả để cho mẹ của Thảo, một bà mẹ Công giáo bắt Thảo hủy thai, điều này không chấp nhận được…

3.Đề nghị các tác giả có niềm đam mê kịch nên tham khảo cách viết kịch bản của các bậc thầy thế giới từ cổ đại đến hiện đại, như: Eschyle và Sophocle, Shakespear, Molière, Eugène Ionesco, A. Camus, Samuel Becket,… và tác giả Việt Nam Lưu Quang Vũ…Có vậy mới nâng cao tay nghề viết kịch để xây dựng những kịch bản có giá trị.

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

bia-4-tp-dat-moi

Các tác phẩm đạt giải đã in

Giải thưởng VHNT Đất Mới 6 năm qua đã quy tụ được một đội ngũ sáng tác đông đảo, giàu sức sáng tạo, nhiệt thành góp phần vào Mục vụ văn hóa của giáo phận Xuân Lộc. Tác phẩm VHNT Đất Mới đã góp phần vào dòng chảy văn chương Công giáo trong hành trình lịch sử của giáo hội. Con đường dặm dài đã mở ra. Nhìn lại thành tựu của Chữ Quốc ngữ và Truyện thầy Lazaro Phiền, truyện quốc ngữ đầu tiên của văn chương Việt Nam (do nhà J. Linage, Libraire-Éditeur đường Catinat Sài Gòn xuất bản năm 1887), cùng với những đóng góp của những người đi trước như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Hàn Mặc Tử,…và những hoạt động sôi nổi của giáo hội Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, những ngưới viết văn Công giáo hôm nay có quyền tin tưởng vào những nỗ lực xây dựng những giá trị văn hóa Công giáo góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc.

Bùi Công Thuấn 11 . 2016

tinh-yeu-cua-chua

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok