HOÀNG VĂN BỔN & TRUYỆN THIẾU NHI

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bùi Công Thuấn

Năm 1996, Nhà xuất bản Đồng Nai đã xuất bản “Tuyển tập thiếu nhi Hoàng Văn Bổn” gồm 2 tập, độ dày hơn 800 trang. Nhà văn Trần Thu Hằng đã có bài viết rất sâu sắc về tuyển tập này khi đọc những truyện: Tướng Lâm Kỳ Đạt, Ó Ma Lai, Lũ chung tôi [[1]]. Tôi chỉ xin đọc thêm Theo dấu người xưaTuổi thơ ngọt ngào của ông để nhận dạng thêm truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn thế hệ kháng chiến. 

THEO DẤU NGƯỜI XƯA.

Tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn. Nxb Đồng Nai. 1986

Nội dung

Út quê làng Bình Long, 11 tuổi. Ngày ngày Út gánh 2 thúng bún đi bán dọc xóm Lò Heo. Ở đây Út quen với cha con ông Hai xích lô và con Năm bán sinh tố. Anh của con Năm là chuẩn úy Đực Xồm. Trời mưa, Út ghé vào bãi tha ma. Út nhớ lại cảnh cha mình bị Đại úy Chi khu trưởng Tân Phú-Bình Long và 5 tên lính quần áo rằn ri bắt. Chúng nói ông là Bí thư huyện. Sau đó Út được ông Hai xích lô chở lên bán ở xóm Cây Chàm.

Ở xóm Cây Chàm, Út bị băng của công tử Đầu Rìu (4 đứa nhỏ khoảng 12, 13 tuổi) chặn đánh vì xâm phạm lãnh địa. Công tử Đầu Rìu là con Thiếu tá Chi khu trưởng Cây Chàm. Trong cuộc đụng độ với băng Đầu Rìu, Út đánh thắng. Từ đó Út được Đầu Rìu cho vào bán bún trong khu gia binh Chi khu Cây Chàm. Út ghi nhớ mọi chi tiết về những nơi nó đã đi qua. Út chú ý đến câu chuyện Đầu Rìu kể về một tù nhân là Bí thư trốn thoát.

Quen với cha con lão ăn xin Lãng tử và bé Ba (12 tuổi), Út thấy lão quan hệ với nhiều người, trong đó cóngười đàn ông cao lớn mặc đồ đại úy cảnh sát, người này có cái mặt giống Út. Bọn cảnh sát vây bắt ông ta. Chúng bảo ông là Bí thư Việt cộng trốn tù. Nhờ bà con lao động hỗ trợ, ông ta thoát được. Út quyết tìm người đàn ông này và tin rằng có ngày sẽ được gặp cha mình.

Băng Đầu Rìu gây chiến với băng Dốc Sỏi. Đầu Rìu nhờ Út chỉ cách cứu đồng bọn của nó. Út bày cho Đầu Rìu phép luyện linh miu. Đầu Rìu lập chiến dịch“Dạ miêu tàng hình” đi lùng bắt mèo về luyện. Chiến dịch thất bại, Đầu Rìu phải nằm nhà thương vì bị mèo quào.

Nghe lời khuyên của Lãng tử, Út đi bán bún xa hơn. Út đến xóm Vườn, cầu Mương Sao, xóm Đạo. Út quen Hũ Hèm, con trai ông lão sửa xe đạp đối diện trại giam Tân Hiệp. Những lần đi bán về Út đều kể tỉ mỉ cho lão Lãng tử nghe những nơi Út đã đến bán, nhất là Chi khu Cây Chàm và trại cải huấn Tân Hiệp. Lãng tử vẽ bản đồ những nơi ấy và cất giấu trong cái ống chân giả của lão.

Một hôm Thằng Hũ Hèm báo tin chuẩn úy Đực Xồm đã bắt con Năm và đang theo dõi Út. Lão Lãng tử báo động. Lão nói Út phải lánh ra Cồn Gáo. Trước khi lánh đi, Út lẻn vào nhà thương thăm Đầu Rìu và tìm cách cứu con Năm.

Con Năm kể, chuẩn úy Đực Xồm đã bị cách mạng bắt, đêm nay sẽ đánh lớn. Trong trận đánh này, quân cách mạng đã có bản đồ cũa lão Lãng tử. Một cánh quân sẽ đánh chi khu Cây Chảm, còn Út sẽ dẫn cánh quân đánh sân bay Biên Hòa. Người chỉ huy trận đánh có thể là ba của Út.

***

            Ghi nhận

Truyện được viết như truyện trinh thám nên hấp dẫn. Cốt truyện chính là Út đi tìm cha, người là Bí thư huyện bị cảnh sát bắt nhưng trốn thoát. Nhân vật này xuất hiện nhiều lần, vừa qua lời kể của Đầu Rìu, của bé Năm, vừa do chính mắt Út chứng kiến. Người tù này cũng trốn tù nhiều lần và có thể là người chỉ huy trận đánh vào chi khu Cây Chàm và sân bay Biên Hòa như lồi bé Năm nói với Út.

Út chỉ là đứa trẻ bán bún, chưa đứng trong bất cứ tổ chức nào, chưa được giáo dục lý tưởng cách mạng và các phương thức hoạt động. Út sống giữa xóm lao động, được người lao động thương yêu dẫn dắt. Công việc bán bún kiếm sống của Út lại có thể giúp ích lớn cho cách mạng. Thông tin của Út về chi khu Cây Chàm, về trại cải huấn Tân Hiệp, sân bay Biên Hòa đã giúp lão ăn xin Lãng tử vẽ thành bản đồ hành quân cho trận đánh lớn có thể là do cha Út chỉ huy. Thực ra Út đã bộc lộ những phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Út đã khuất phục được băng Đầu Rìu, lại được Đầu Rìu tặng vũ khí. Út không hề sợ chuẩn úy Đực Xồm cũng như thiếu tá Chi khu trưởng Cây Chàm, cha của Đầu Rìu. Hình ảnh người cha bị bắt rồi trốn tù và hình ảnh người thanh trẻ vượt sông Đồng Nai bị cảnh sát bắt tra tấn càng cho Út sự kiên định đối mặt với hiện thực.

            Hiện thực xã hội Biên Hòa, Đồng Nai được Hoàng Văn Bổn miêu tả sinh động làm bối cảnh cho nhân vật hoạt động. Vì là truyện viết cho thiếu nhi, Hoàng Văn Bổn không miêu tả những cảnh máu lửa, không khơi dậy lòng căm thù, không trang bị cho nhân vật những phương châm chính trị để hành động. Út chăm chỉ lao động và hồn nhiên trong giao tiếp với những đứa trẻ cùng lứa tuổi, sống có nghĩa có tình. Chỉ khác ở chỗ Út luôn dõi theo hình bóng và hành động của cha mình. Mọi vui buồn, mọi lo lắng, xúc cảm của Út là dành cho cha. Út tin tưởng có ngày sẽ gặp cha. “Theo dấu người xưa” chính là Út theo gương cha của mình, một cán bộ kiên cường đấu tranh trực diện với kẻ thù, giữa bao nhiêu là nguy hiểm hy sinh.

Nhân vật Út được đặt trong cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân và cách mạng (mà Út chưa hình dung được), vì thế Út khác hẳn với những đứa trẻ khác cùng thời. Hoàng Văn Bổn đã hướng đến giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho trẻ ngay trong cuộc sống hàng ngày.

TUỔI THƠ NGỌT NGÀO

Tiểu thuyết của Hoàng Văn Bổn. Nxb Đồng Nai 1993

            Nội dung

Tuổi thơ ngọt ngào là hồi ký viết ở dạng tiểu thuyết. Nội dung là những hồi ức của tác giả về tuổi thơ của mình và của “lũ trẻ chúng tôi” ở làng Bình Long những năm tháng trước và sau 1945. Truyện khởi đi (chương 1) từ việc lũ trẻ tham gia tiêu thổ kháng chiến đến khi tác giả trở thành người lính trợ chiến trong tiểu đoàn 307, chiến đấu giải phóng vùng ngoại vi Rạch Giá.Tuổi thơ ngọt ngào cũng là hành trình viết văn của tác giả, từ ngày đầu đến khi tiểu thuyết Vỡ đất đoạt giải thưởng Cửu Long và tiểu thuyết Bông hương bông cúc được in.

Trước hết tác giả hồi tưởng về gia đình mình: “Năm 1945 cả gia đình 12 anh chị em, lúc nào cũng sum vầy ồn ào. Thế mà sau ba chục năm chiến đấu, nay chỉ còn năm người…và hàng chục ngôi mộ trước nhà: Mộ cha, mộ anh Năm, mộ anh Tám, mộ mẹ mộ anh Ba, mộ anh Tư, mộ cháu Nhất, mộ cháu Nhì, mộ cháu Bên, mộ cháu Gái, cháu Hữu…” (tr.73). Ngay trong những ngày tiêu thổ kháng chiến anh Năm đã bị Pháp bắt giam và cắt cổ. Các anh Anh Tư, anh Tám cũng bị bắt giam ở Biên Hòa trước đó. Một ngày sau cái chết của anh Năm, người cha cũng qua đời đột ngột (tr.35).

Hoàng Văn Bổn dành một chương cho chị Sáu, người ham đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và là người cổ vũ tác giả viết truyện. Hoàng Văn Bổn cho biết, nhân vật này được xây dựng thành nhân vật Sáu Nở trong tiểu thuyết sử thi Khắc nghiệtNước mắt giã biệt (tr.102).  Con Năm là cháu tác giả, cũng được viết riêng một chương. Nhân vật này đượcxây dựng thànhcô Năm Đồng Naitrong tiểu thuyếtTrên mảnh đất này (1962).

Hoàng Văn Bổn dành nhiều chương viết về những kỷ niệm với bạn học cùng trường Tiểu học kháng chiến Tân Uyên và nhóm bạn cùng công tác tại cơ quan giáo dục Tân Uyên: Thầy Phụng, anh hai Đính, Thanh Hậu, Thanh Tao, Thanh Hóa, Thanh Huyền, Nhị Nguyên, Tươi, Lệ Tâm, Mai Sơn Việt, Ngọc đen, Năm Bình, Đoàn công tử (tr.221). Kháng chiến gian khổ, thiếu đói, hy sinh nhưng vui và thắm thiết nghĩa tình.  Những con người đặc biệt của quê làng bình Long cũng được viết riêng một chương: chú Từ Khâm (chương Người giữ miễu), chú bảy Hơn điên và con Theo khùng (chương Xứ tôi), ông Ba Trợn (hai chương), Cọp ba móng…

Xuyên suốt tác phẩm là tường thuật về hành trình tham gia kháng chiến và quá trình viết văn của mình.

Lúc nhỏ “Chín” học Trường tiểu học kháng chiến huyện Tân Uyên, vui chơi cùng lũ trẻ. 15 tuổi, Chín tham gia tiêu thổ kháng chiến, chứng kiến đội quân của Tám Nghệ. Từ 1946-1953 công tác chung với 4 cô Thanh, anh Nhị Nguyên ở cơ quan giáo dục Tân Uyên, rồi đi học lớp đào tạo cán bộ giáo dục, học bổ túc chương trình trung học kháng chiến do Nha giáo dục Nam bộ mở (tr.200).Đến năm 1953 tôi vào bộ đội xuống miền U Minh, rồi đi tập kết ra Băc 1954” (tr.129). Đi làm phim (tr. 57). Hoàng Văn Bổn dành nhiều chương viết về hành trình 3 tháng từ miền Đông xuống miền rừng U Minh: phải qua sông bạc đầu, qua cầu giảm kỷ, vượt đồng chó ngáp…(tr.247). “Hai năm trước xuống U Minh học trường Sư Phạm Nam Bộ, lần này xuống U Minh học Trung học kháng chiến Lê Công Mỹ (tr.228). Sau đó ông được phân công về trường văn hóa Phân liên khu miền Tây dạy học văn hóa cho bộ đội; vào Tân Bằng Cán Gáo heo hút làm ruộng tự túc cho trường (tr.276). Có lệnh vào tiểu khu thứ ba ở Rạch Giá tăng cường cho tiểu đoàn 307, Chín được ghép vào tiểu đội trợ chiến, tiếp đạn đại liên cho anh Rua (tr.284). Sau chiến thắng An Biên, Chín vẫn theo tiểu đoàn 307 tham gia các trận đánh Bảy Háp, tiếp tục giải phóng vùng ngoại vi Rạch Giá (tr.296). Có chương tác giả mượn lời nhân vật Cúc A để kể về anh Chín (Chương 16: Nước Mắt).

Ngay khi còn đang học ở trường, Chín đã viết truyện. “Tôi vừa theo học trường sơ học Tân Uyên vưà lén viết cuốn gọi là tiểu thuyết đầu tay ‘Hai khẩu súng lục’” (tr.80). Tác giả cho biết, các tác phẩm của ông đểu lấy nguyên mẫu từ trong hiện thực. Ông vừa chiến đấu, vừa viết. Viết xong bản thảo thì đọc cho bạn bè chiến sĩ nghe. Họ rất cảm động và trân trọng. Đó là những tác phẩm: Vỡ đất, Bông hường bông cúc, và sau đó là Tướng Lâm Kỳ Đạt, Miền đất ven sông

Sáng tác của ông chỉ rõ thế nào là “văn hóa văn nghệ phục vụ kháng chiến”. Nội dung truyện là đời sống, sinh hoạt kháng chiến, nhân vật là những con người kháng chiến, từ trẻ em đến người già, từ người dân thường đến những con người đặc biệt; ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ của nhân dân, có chú trọng vùng miền, và mục đích viết: để phản ánh hiện thực nhân dân kháng chiến, đồng cảm, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. cả những đau thương gian khổ hy sinh, để cổ vũ kháng chiến. Ông thổ lộ:

Tất cả con người sự việc quanh mái trường tiểu học kháng chiến huyện Tân Uyên, tôi đã viết thành sáchLũ chúng tôi” (tr.227).

Bao mươi năm sau, tôi gom các sự kiện về chị, về cái làng bị cháy của tôi dựng nên nhân vật Sáu Nở trong tiểu thuyết sử thi Khắc nghiệtNước mắt giã biệt (tr.102).

 “Tôi dựa theo câu chuyện ấy (chuyện Thái và Phương) dựng nên tiểu thuyết Bông hường bông cúc (tr.282).

Trung đội trưởng Dương (đúng là Võ Hải Giang) sau này tôi cũng dựa theo Giang dựng nên nhân vật Hải trong tiểu thuyết “Mùa mưa” (tr.282).

Tôi vừa tập đánh theo chiến lệ, vừa tranh thủ hoàn thành tiểu thuyết Bông hường bông cúc (tr.296). Tình cờ gặp lại anh Huỳnh Văn Gấm. Anh báo tin: “tiểu thuyết Bông hường bông cúc đã sắp chữ, nay mai có sách” (tr.298) Anh dặn nhớ liên lạc để anh gửi sách. Tác giả nói: lỡ hy sinh thì sao? – Hy sinh cũng phải báo, tụi này sẽ gửi theo” (tr.298).

Ghi nhận

Tuy nhan đề tác phẩm là Tuổi thơ ngọt ngào, nhưng phần viết về tuổi thơ chỉ là một phần khiêm tốn. Ngay sau tiêu thổ kháng chiến, tác giả “Giã biệt tuổi thơ” và “Thế là ra đi”. Phần chính của tác phẩm, Hoàng Văn Bổn thuật lại kỷ niệm những năm tháng làm công tác giáo dục ở Tân Uyên, sau đó xuống U Minh học tập và được điều sang tăng cường trợ chiến trong tiểu đoàn 307 ở Rạch Giá.

Ấn tượng sâu đậm được ghi lại trong tác phẩm là đời sống kháng chiến gian khổ, hy sinh cùng với tấm lòng vô bờ bến của nhân dân với kháng chiến.

Hầu hết truyện của Hoàng Văn Bổn là truyện thật của đời sống kháng chiến, được viết sinh động bằng tấm lòng yêu quý trân trọng của tác giả.

Đây là suy gẫm của tác giả về ông Ba Trợn: “Một bếp lửa thôi, ông Ba Trợn ơi. Đôi khi, cần một tiềng chửi của ông xiết bao, cho cuộc kháng chiến này nó bình thường một chút” (tr.167).

– “Trong mấy em nhỏ mà chúng tôi gọi đùa là xây lô cố ấy, Diệp Minh Tuyền có vẻ hiền hơn, thuần tính và chịu khó làm việc. Lâm Kỳ Đạt thì ngổ ngáo, tinh nghịch, chọc phá, đầu têu, ngấm ngầm chỉ huy cả lũ trẻ hàng xóm. Cậu Minh Tâm rụt rè, da đen…/Về sau, tôi dựa theo các cậu ấy, nhất là Lâm Kỳ Đạt, viết thành truyện dài cho thiếu nhiTướng Lâm Kỳ Đạt” (tr.275)

Lại hành quân chiếm lĩnh trận địa, tác giả đụng trận lớn. Lựu đạn đã rút chốt trên tay mà Chín không sao ném được. Tác giả ngây ngất nhìn cánh quân (phối hợp chiến đấu) và lá cờ mờ mờ giữa khói đen đến sặc sụa. Chi tiết ấy được đưa ngay vào tác phẩm đang viết: “Tôi quyết bổ sung trận chiến đấu ấy vào tiểu thuyết Bông hường bông cúc, hầu như có sao viết vậy. 290

Hoàng Văn Bổn có cách kể chuyện mạch lạc, giữ được sự hấp dẫn của cốt truyện từ đầu đến cuối. Ông thay đổi màu sắc thẩm mỹ của từng chương. Ông khéo chọn những tình huống truyện bất ngờ, thú vị. Ông khám phá được cốt cách riêng của nhân vật. Ông quan sát rất tinh tế cảnh sắc thiên nhiên (miền Đông, miền Tây), những tình ý kín đáo của con người và vẻ đẹp của đời sống kháng chiến (nhân dân cưu mang cán bộ, bộ đội…). Hiện thực trên trang văn của ông giàu có tưởng như ông có thể viết được mãi mà không vơi cạn. Văn chương của Hoàng Văn Bổn được viết bằng sự hy sinh, gian khổ và bằng cả tấm lòng với gia đình, với nhân dân và cách mạng. Những trang văn của Hoàng Văn bổn là vô giá đối với đất nước này về một thời “gian lao mà anh dũng”.

***

GHI NHẬN CHUNG VỀ TRUYỆN THIẾU NHI CỦA HOÀNG VĂN BỔN

  1. Nhân vật thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn là trẻ con trong kháng chiến chống

 Pháp và chống Mỹ, trong đó có tuổi thơ của tác giả, những nhân vật thật của gia đình tác giả và nhân vật kháng chiến như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm.

Đây là nhân vật hiện thực (khác với các kiểu nhân vật đồng thoại, thần thoại…). Người đọc thấy trẻ con gần gũi quen thuộc như trong truyện hiện thực trước đó (Hai đứa trẻ-Thạch Lam; Tắt đèn-Ngộ Tất Tố). Bút pháp hiện thực của Hoàng Văn Bổn ghi lại trung thực hình ảnh thiếu nhi của một thời, một thời tuổi thơ ngọt ngào ở làng quê khi đất nước hòa bình:

Nhiều đêm trăng, chúng tôi tụ tập trên ngôi mộ cổ ấy, bẻ trộm dừa, bưởi, mít, mía đám bày trò tiệc tùng. Bưởi trộn dái mít, khế chua và ớt hiểm. Cá nướng trui. Trứng chim luộc. Cả đám xúm nhau ăn uống, nói dóc, kể chuyện đời xưa, hát những bài hát cổ xưa của xứ Đồng Nai. Đôi khi chúng bắt tôi hát bằng tiếng Pháp học ở nhà trường. Hoặc kể những câu chuyện bịa trong tiểu thuyết của tôi. Chúng há miệng, lim dim mắt, say sưa lắng nghe, khi ngoài bàu Mật Cật tiếng chim đa đa ra rả, tiếng chim cúm núm than thở, tiếng vạc quạt cánh bay qua. (Sau này, tôi dựa theo chuyện có thật ấy viết nên truyện vừa Tướng Lâm Kỳ Đạt, do Nxb Kim Đồng ấn hành 1962”) (Tr.88-Tuổi thơ ngọt ngào).

Thiếu nhi cũng chịu nhiều cảnh khổ trong kháng chiến. Khi tàu của Tây chạy đến, dân phải chạy giặc: “Gần nghìn người đàn bà, trẻ con mang gánh, lùa trâu rượt bò bỗng dưng nằm lăn ra giữa cánh đồng

Trẻ con tham gia tiêu thổ kháng chiến: “Lũ trẻ chúng tôi nai nịt gọn gàng bằng dây rơm, trang bị bằng tầm vông vạt nhọn, kéo đàn kéo lũ tiến vào các ngôi nhà gạch khang trang chẳng cần biết nhà ai…phóng lửa”.

Lũ chúng tôi khoái trá mỗi thằng huơ một cây đuốc bằng bã mía khô, phừng phực, kéo giữa đường, hát to bài ‘Thanh niên hành khúc’ vừa hát vừa xông vào những ngôi nhà còn sót lại” (tr.13-Tuổi thơ ngọt ngào.

Út, bé Năm thời chống mỹ trong Tiểu thuyết Theo dấu người xưa cũng là những đứa trẻ trong gia đình bình dân. Chúng chăm chỉ làm việc (bán bún, bán sinh tố), sống sâu nặng nghĩa tình. Và chúng đã phân biệt được người cán bộ cácg mạng so sánh với những cảnh sát Sài Gòn ngày đêm đi truy lùng Việt Cộng. Chúng biết hướng về cách mạng, biết góp phần vào cuộc đấu tranh của cha anh, mặc dù chúng còn rất hồn nhiên.

            2. Địa bàn hoạt động của nhân vật là Đồng Nai, cả thành thị và nông thôn, rừng núi. Đó là những địa danh thật: làng Bình Long, con sông Đồng Nai, Biên Hòa, xóm Cây Chàm, xóm Lò Heo, Dốc Sỏi, Trại cải huấn Tân Hiệp, sân bay Biên Hòa, Cồn Gáo, chiến khu Đ…

            Điều này tạo nên một vùng miền riêng của tiểu thuyết Hoàng Văn Bổn, phân biệt với tiểu thuyết ở những vùng miền khác. Cũng là phương tiện để khắc họa tính cách con người Đồng Nai, dù là những thiếu nhi.

            Xin đọc:

            “Chưa đến ngày hăm ba đưa ông Táo chầu trời, pháo đã nổ lẹt đẹt khắp nơi. Chợ Tân Uyên tấp nập đâu có vài ngày, rồi bắt đầu lộn xộn. Tiếng súng đánh nhau ở Biên Hòa, Thủ Đức ngày đêm vọng đến. Người già lo gom góp đồ đạc, tiền bạc, gói lại, mở ra, chạy ra chạy vô, nhìn chừng khúc quanh con sông Đồng Nai phía bến đò Bình Ninh, cù lao Mỹ Quới.

            Nhiều tài bè đoàn ghe chài kìn kìn gạo, mắm lính Vệ quốc đoàn, chiếc cắm mũi vào bến chợ Tân Uyên chiếc đi thẳng lên hướng Tân Hòa, Lạc An…” (tr. 5-Tuổi thơ ngọt ngào)

            Chỉ một đoạn văn ngắn mà các địa danh Biên Hòa-Đồng Nai hiện lên trải khắp. Người đọc buộc phải “kiểm chứng” những gì tác giả viết về những địa danh ấy. Bạn đọc sống ở nơi ấy thì tự hào về quê hương mình. Bạn đọc ở vùng miến khác thì bị thuyết phục về tính hiện thực của câu chuyện được kể. Và thế hệ thiếu nhi hôm nay đọc truyện Hoàng Văn Bổn sẽ bị thuyết phục bởi tính lịch sử cụ thể những gì tác giả đã ghi lại. Điều này sẽ nâng cao ý nghĩa giáo dục của tác phẩm.

            3.Và ở phạm vi rộng hơn, viết về thiếu nhi Đồng Nai, chọn bối cảnh thiên nhiên Đồng Nai, Hoàng Văn Bổn thể hiện một tình yêu quê hương sâu nặng và một niềm tin son sắt rằng thiếu nhi, tuổi trẻ Đồng Nai sẽ sống, chiến đấu “Theo dấu người xưa”. Những đứa trẻ như Út, bé Năm, Hũ Hèm trong Theo dấu người xưa khi lớn lên, chúng sẽ tiếp bước những người cha, người anh dũng cảm, kiên cường của chúng; giống như chính tác giả, tuổi thơ phải chứng kiến quê hương bị giặc đốt phá, chứng kiến các anh, người thân và dân làng bị giặc giết, cậu học trò có tên là “Chín” ấy đã đi vào kháng chiến, đã đi vào chiến trường chống Pháp, chống Mỹ suốt 30 năm với tất cả lòng nhiệt thành cách mạng, chiến thắng gian khổ hy sinh góp phần vào cuộc toàn thắng của dân tộc..

Tháng 11/2023

***


[1] Trần Thu Hằng-Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Hoàng Văn Bổn

https://vanvn.vn/nhung-tac-pham-viet-cho-thieu-nhi-cua-nha-van-hoang-van-bon/

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok