“Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ”

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

“Hướng đến một Hội thánh hiệp hành:

Hiệp thông, tham gia và sứ vụ”

Bùi Công Thuấn

***

Mở đầu Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng xác lập vấn đề:[1]

 Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội suy tư về một chủ đề mang tính quyết định đối với đời sống và sứ vụ của mình: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. Hành trình này, theo ý hướng “canh tân” Giáo hội được Công đồng Vaticanô II khởi xướng, chính là một ân phúc mà cũng là một nhiệm vụ: bằng cách cùng nhau cất bước hành trình và cùng nhau suy nghĩ về hành trình đã thực hiện…”,

 Để “cùng nhau cất bước hành trình”, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải vốn là điều thiết yếu cho “cuộc đổi mới liên tục mà [Giáo hội] luôn cần đến bao lâu Giáo hội còn là một định chế nhân loại ở trần gian này” (UR, 6; x. EG, 26). ”

I. TẠI SAO GIÁO HỘI ĐẶT VẤN ĐỀ “HIỆP HÀNH”

            Hiệp hành là “cùng nhau cất bước hành trình”, cùng hiệp thông, tham gia thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Thực ra vấn đề không mới.

            Trong Kinh thánh, Đức Giêsu đã dạy điều này: “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5, 13-16). Nước Thiên Chúa như men trong bột (Lc 13, 21). Nghĩa là, Chúa đòi hỏi chúng ta (mọi Kitô hữu) phải dấn thân vào đời và đem Tin Mừng đến cho mọi người.

            Tài liệu chuẩn bị cũng trình bày hình ảnhChúa Giêsu, đám đông đủ mọi hạng người, các Tông đồ: đây là hình ảnh và là mầu nhiệm mà Hội thánh phải không ngừng chiêm ngắm và đào sâu để có thể trở nên chính mình ngày một hơn”(đoạn 20). Nói cách khác, chúng ta cần chiêm ngắm, đào sâu vào mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa, với giáo hội và cộng đồng nhân loại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mối quan hệ này đang diễn ra thế nào?

            Vấn đề là: Tại sao Thượng Hội đồng tiếp tục đặt vấn đề “hiệp hành”?

            Tài liệu chuẩn bị giải thích:

“Toàn thể Hội thánh được mời gọi giải gỡ gánh nặng của nền văn hóa thấm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ trị do lịch sử để lại, cùng với những thói tục thi hành quyền bính để mọi thứ lạm dụng khác (quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục) có cơ hội bám vào.  Không thể có chuyện “hoán cải hoạt động của Hội thánh mà lại không có sự tham gia tích cực của tất cả mọi thành phần Dân Chúa”, vì thế chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa ban “ơn hoán cải và xức dầu bên trong để có thể biểu lộ sự hối lỗi trước tội lạm dụng này, và can đảm quyết tâm chống lại những tội ác đó”.

Như thế, Giáo hội hiệp hành là để hoán cải và canh tân; để chống lại “chủ nghĩa giáo sĩ trị cùng với những thói tục thi hành quyền bính để mọi thứ lạm dụng khác”đã gây ra những tội ác…,

 Và:“chúng ta không thể che dấu một thực tế rằng Hội thánh đang phải đương đầu với sự thiếu đức tin và suy đồi của chính mình.(đoạn 6)… Đã quá lâu, Hội thánh không biết lắng nghe cho đủ tiếng kêu than của các nạn nhân ấy”.

Đó là vấn đề làm nhức nhối Giáo hội trong nhiều năm qua, và “hiệp hành” là con đường để giáo hội hoán cảicanh tân.

Nhà thờ Phát Diệm

 II.CÂU HỎI CĂN BẢN

            Để thỉnh ý dân Chúa về Giáo hội hiệp hành, Tài liệu chuẩn bị đưa ra câu hỏi căn bản: (đoạn 26)

            1.Câu hỏi căn bản:

 “Hội thánh hiệp hành “cùng nhau cất bước hành trình”, khi loan báo Tin Mừng: Việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?”

Tài liệu chuẩn bị cũng hướng dẫn phương pháp tư duy:

 Để trả lời, anh chị em được mời gọi: Hãy tự vấn: về những kinh nghiệm trong Giáo hội địa phương? Để học hỏi? Và  chia sẻ”. (đoạn 26).

 Có thể hiểu việc “cùng nhau cất bước hành trình” từ hai viễn tượng khác nhau: là nhìn vào đời sống nội bộ của Giáo hội địa phương ; mối tương quan giữa các giám mục với Giám mục Rôma. và xem xét cách thức dân Chúa cùng đồng hành với toàn thể gia đình nhân loại.

2. Mười chủ đề chính:

Tài liệu chuẩn bị  đề xuất 10 chủ đề suy nghĩ về các khía cạnh khác nhau của việc “sống tinh thần hiệp hành”(đoạn 30) là:

Đồng hành, Lắng nghe, Phát biểu, Cử hành, Đồng trách nhiệm trong sứ vụ, Đối thoại trong Giáo Hội và xã hội, Đại kết với các hệ phái kitô giáo khác, Thẩm quyền và tham gia, Biện phân và quyết định; và Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hành.”

             Tài liệu lưu ý: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó của cuộc thỉnh ý này, là “để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay”(đoạn 32).

            ***

            Với tư cách một giáo dân, tôi chia sẻ cách tiếp cận riêng về vấn đề hiệp hành (dựa theo hướng dẫn của Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục).

III. CHIA SẺ VẤN ĐỀ I: 

Việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’ hiện đang diễn ra thế nào”?

            Quan sát ở giáo phận Xuân Lộc (nơi tôi sống đạo), việc “cùng nhau cất bước hành trình” giữa các thành phần dân Chúa đang diễn ra rất tốt đẹp. Đó là mối quan hệ đầy thương yêu của Lòng Chúa Thương xót giữa các đấng Giám mục chủ chăn với Linh mục đoàn; giữa các cha sở và Ban Hành giáo, Ban điều hành, các đoàn thể, và giữa các đoàn thể với nhau,… biểu hiện ở sự dấn thân nhiệt thành của Ban Hành giáo, Ban trị sự các giới, sự hoạt động hăng say của các đoàn thể Công giáo tiến hành, các dòng tu, biểu hiện ở các sinh hoạt đức tin sôi nổi: các đợt tĩnh tâm, phong trào Giáo lý hồng ân, các đoàn thể hành hương, việc chung tay làm bác ái, việc chung tay xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, việc xây dựng nhà thờ ở nhiều nơi; việc phát triển nhiều giáo họ và giáo xứ mới, việc chăm sóc ơn gọi sống “đời dâng hiến”, các nề nếp đạo đức và sinh hoạt mục vụ. v.v…Toàn dân Chúa cùng cất bước hành trình, hiệp thông và tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng trong tin yêu và hy vọng. Cuộc họp mặt hàng trăm ngàn giáo dân trong và ngoài giáo phận ngày Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi là biểu hiện cụ thể đời sống hiệp hành của giáo hội ở giáo phận Xuân Lộc, một giáo phận có số giáo dân đống nhất trong các giáo phận ở Việt Nam.

            Nếu quan sát trong phạm vi cả Giáo hội Việt Nam, tình hình “cùng nhau cất bước hành trình” giữa các thành phần dân Chúa cũng diễn ra cũng rất tốt đẹp như vậy, tuy biểu hiện có khác nhau do từng hoàn cảnh địa phương. Đại hội dân Chúa năm 2010 là một dấu chỉ của đời sống Hiệp hành tốt đẹp của Giáo hội Việt Nam.

            Tuy nhiên cũng có những hiện tượng “không cùng nhau cất bước hành trình”,

Trong nội bộ giáo hội: thí dụ những sai lạc về Thần học và Tín lý của “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc” đã gây ra ảnh hưởng rất xấu cho đời sống đức tin của Kitô hữu và gây ra những nghi gại cho người ngoài Kitô giáo. Các trang mạng không phải của Giáo hội cũng đưa những thông tin không trung thực gây ra những hậu quả xấu (để không tổn thương đức ái, tôi không nêu tên cụ thể những trang này). Tất nhiên giáo dân có đủ nhận thức để biết đâu là thực giả.

Với tôn giáo bạn, việc hiệp hành vẫn còn nhiều khó khăn. Thí dụ: hòa thượng Thích Nhật Từ [2] đăng đàn xuyên tạc, nói xấu đạo Công giáo (có thể là do trình độ hiểu biết kém cỏi, hoặc là do những định kiến sai lạc, do cái Tâm còn tham, sân, si quá nặng, dù Thượng tọa Thích Nhật Từ là một Tiến sĩ). Ông ta nói: đạo Công giáo Việt Nam có 180 thánh tử đạo, tất cả những người này đều là tay sai của Pháp [3]. Sự thật giáo hội Việt Nam có 118 vị thánh tử đạo, trong đó có hơn 83 vị tử đạo trước năm 1858 (năm Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam), đa số tử đạo vào các năm 1838, 1839, 1840 … Trong đó, có 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767), 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802), 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),..[4]. Các thánh tử đạo bị các vua chúa phong kiến bắt tù đày, trảm quyết trước khi Pháp xâm lược Việt Nam vậy làm sao kết luận họ là tay sai của Pháp được!

Với Nhà nước: Từ năm 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra đường hướng: Giáo hội Việt Nam “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”:

“Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”(Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam).

            Đường hướng này chính là giáo hội Việt Nam “hiệp hành” dưới ánh sáng Tin Mừng với cộng đồng dân tộc, với môi trường văn hóa, chính trị, xã hội. Đã có những mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo hội và dân tộc. Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp giá trị vào đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị của đất nước.

            Tuy vậy, tình hình “cùng nhau cất bước hành trình” của dân Chúa với môi trường chính trị, văn hóa, xã hội, nơi này nơi kia vẫn còn khó khăn. Trường hợp cha Jos Trần Ngọc Thanh, phó xứ tại Nhà thơ Dăk Mốt, Thị trấn Plei Kan, Huyện Ngọc Hồi, Giáo Phận Kon Tum bị sát hại ngay tại tòa giải tội là một thí dụ.

A, Rhodes-người soạn Phép giảng tám ngày…

IV. CHIA SẺ VẤN ĐỀ 2:

Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?”

1. “Để Hội thánh được lớn lên: xin nhìn vào thực trạng:

Ở VN hơn 60 năm qua, tỷ lệ người Công giáo trong tổng dân số có phần sút giảm, chỉ chừng 7% trong tổng dân số. Nghĩa là việc truyền giáo không hiệu quả. Và thực trạng các gia đình Công giáo đang có nhiều vấn đề về đức tin.

Nguyên nhân những khó khăn do đâu?

Đó cũng là tình trạng chung của châu Á, nơi có nhiều tôn giáo lớn và có những truyền thống văn hóa- chính trị – tư tưởng rất khác biệt với Kitô giáo. Thống kê năm 2020, tại châu Á chỉ có 3,29% người Công giáo (hãng tin Fides).

Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia In Asia) nói rõ điều ấy:

“Mặc dầu hiện diện lâu đời và cố gắng làm việc tông đồ nhiều, Giáo Hội tại nhiều nơi còn bị coi là xa lạ với Á Châu, và quả thật, Giáo Hội thường bị gắn liền với những quyền lực thực dân trong tâm trí quần chúng;

Cái khó là do sự kiện Đức Giêsu thường bị coi xa lạ với Á Châu. Điều nghịch lý là phần lớn người Á Châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu -sinh ra trong phần đất Á Châu- như là một nhân vật Âu Châu hơn là Á Châu. Việc rao giảng Tin Mừng do các nhà truyền giáo Âu Châu chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hoá nơi các Ngài phát xuất là điều không thể tránh được.“(ý nói chịu ảnh hưởng chủ nghĩa thực dân. A.Rhodes là một thí dụ)

Hơn nữa còn do những hoàn cảnh lịch sử để lại.

            Thí dụ ở Việt Nam, trong Phép giảng tám ngày, A Rhodes gọi Phật Thích Ca là kẻ dối trá. Ông viết: “ nói sự truyện dối trá bày đặt vậy, và lấy phép giả bởi quỷ mà làm cho thế gian nên dại vậy, cho nên thế gian thờ bụt”… Như thể có chém cây nào đúc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cùng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.”

            Vì thế, từ thời nhà Nguyễn,  đạo Công giáo bị gọi là “tả đạo”. Nho giáo mới là “chính đạo”… Người Công giáo bị coi là tiếp tay cho Pháp xâm lược. Trong cuốn Thập giá và lưỡi gươm, Lm Trần Tam Tỉnh [5] có nói đến trường hợp cụ Sáu Trần Lục. Dù Lm Trần Lục là người có công xây dựng nhà thờ Phát Diệm và sáng tác nhiều Huấn ca, song người đời không bỏ qua những sai lầm nhất thời của ông (giống như sai lầm của A. Rhodes).

            Những định kiến như thế về đạo Công giáo ở VN sẽ còn tồn tại rất lâu…Điều này khiến cho người Công giáo bị nghi ngại về chính trị, thật khó tìm được sự tin tưởng để hợp tác, đồng hành… Giáo hội cần phải làm nhiều việc để xóa đi những định kiến ấy. Công việc còn rất khó khăn trước mặt.

Hơn nữa còn do toàn cầu hóa: Chủ nghĩa thế tục, Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa sex, sự tôn thờ vật chất, tiền bạc và ảnh hưởng của cách mạng công nghệ tin học làm thay đổi và phá hủy văn hóa truyền thống. Smart phone, khai thác triệt để những thị hiếu cá nhân, làm thay đổi hắn lối sống, suy nghĩ của người trẻ, thậm chí làm tha hóa cả Linh mục.

Thí dụ: Có Linh mục ngày nào cũng viết status về vấn đề chính trị nhạy cảm, không rõ ngài còn thời gian đâu để trò chuyện với Thánh Thể, để soạn bài giảng lễ, đi thăm kẻ liệt, sinh hoạt hướng dẫn các đoàn thể và tổ chức các hoạt động mục vụ và Làm việc bác ái…Có người còn dùng các trang mạng để tự  PR và đưa tin sai lạc về giáo hội. Nhiều giáo dân trẻ ngồi trong nhà thờ nhưng lúc Linh mục giảng thì rút điện thoại ra lướt web…

Giáo hội VN chưa phân tích sâu sắc bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội để có những bước đi phù hợp với thời đại

2.”chúng ta thực hiện những bước đi nào?”

a. Đồng hành với ai? Năm 1980, trong thư chung, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Đường hướng này cho đến nay đã phát huy nhiều kết quả tốt đẹp, song chưa được thấm nhuần sâu trong toàn dân Chúa.

                        Tông huấn Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia) của ĐGH J.Paul II đã dạy:“Con đường của những nhà rao giảng Tin Mừng là làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc”.

                    Thế nhưng Mục vụ văn hóa của giáo hội mới chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà thờ. Hãy chiêm nghiệm bên ngoài nhà thờ, Nhà nước nỗ lực thực hiện các chính sách về văn hóa để các giá trị Cách mạng trở thành văn hóa dân tộc, thí dụ: tổ chức những ngày văn hóa trong năm: Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thầy thuốc, Ngày 8/3, Ngày Thương binh liệt sĩ. Người Công giáo không hề đem tinh thần Phúc âm vào những các hoạt động văn hóa ấy. Số thầy cô Công giáo đang âm thầm thực hiện sứ mạng của mình trong môi trường giáo dục thế tục khá đông, nhưng Ngày Nhà giáo Việt Nam không được nhắc tới dưới ánh sáng Tin Mừng. Chúng ta lại đề cao Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, và hình như chúng ta chỉ nói đến tổ phụ Abraham, đến vua David, vua Salomon mà ngày giỗ tổ Hùng Vương không có trong sinh hoạt của người Công giáo (ai cũng biết cả vua David và vua Salomon đều có những hạn chế. Các vị ấy đâu phải là đấng thánh).

            b. Đối thoại với ai?

            Đồng hành, đối thoại và lắng nghe là những yêu cầu để thực hiện tiến trình hiệp hành. Tất nhiên chúng ta đồng hành, đối thoại với nhiều đối tượng: trước hết là Nhà nước (Xã hội Chủ nghĩa), đối thoại với các tôn giáo bạn (khác nhau về đức tin và văn hóa), với những người không tôn giáo (họ có thể có niềm tin tâm linh, nhưng họ không theo tôn giáo vị sợ bị ràng buộc bởi các giáo luật…), với công chúng bình dân, họ hay tìm đến những linh địa để cầu xin phép lạ, đặc biệt là người trẻ…

            Dù là đối tượng nào, việc đối thoại cũng rất khó khăn vì có những khác biệt không thể vượt qua.

Thí dụ 1: Đại hội dân Chúa 2010 kiến nghị với chính quyền:

Chúng tôi đề nghị chính quyền mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường “là chìa khóa cho tương lai tươi sáng của đất nước”.

Đến nay Nhà nước chưa quan tâm đến đề xuất này.

Thí dụ 2: Thư chung hậu Đại hội dân Chúa đề xuất :

Giáo Hội Việt Nam phải nghiên cứu tường tận bản sắc văn hóa dân tộc, hầu có thể phân định những gì là tốt đẹp,[59] để diễn tả đức tin bằng những nét văn hóa ấy đồng thời đem tinh thần Phúc Âm thấm vào các sinh hoạt văn hóa, cụ thể như các dịp lễ tết và ma chay cưới hỏi.[60] Cũng thế, cần khuyến khích và hướng dẫn các văn nghệ sĩ Công Giáo trong các sáng tác của họ. Ngoài ra, những chương trình huấn luyện ở mọi cấp phải quan tâm đến việc học hỏi về hội nhập văn hóa

Đến nay, việc “khuyến khích và hướng dẫn các văn nghệ sĩ Công Giáo trong các sáng tác của họ” vẫn chưa được Giáo hội quan tâm.

Với các tôn giáo bạn:

Phật giáo không tin có thượng đế, không tin có linh hồn và sự cứu rỗi, họ chỉ dựa vào thuyết Nhân-quả để tìm đạo giải thoát. Phật giáo là một tôn giáo vô thần, chúng ta đối thoại với anh em Phật tử thế nào?

Luận thuyết 95 điểm của Luther năm 1517 còn đó. Làm sao vượt qua câu Kinh thánh mà anh em Tin Lành đã giải thích khác đi để phủ định quyền của Giáo Hoàng: Đức Giê su nói với Phê rô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy“(Mt 16, 18-19), đấy là chưa kể những khác biệt về tín lý.

V. ĐÂU LÀ VẤN ĐỀ CĂN CỐT?

            Nói đến Hiệp hành, chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề rộng lớn với những khác biệt không thể vượt qua (đối thoại với chính quyền, đối thoại với tôn giáo bạn, đối thoại với những xu hướng tư tưởng của thời đại, đối thoại về những vấn đề của thế giới …), nhưng cụ thể trong hoàn cảnh Việt Nam,

            Theo tôi, có những vấn đề căn cốt sau đây:

  1. Giáo hội Việt Nam cần phải lưu tâm đến lời dạy của Hội thánh: “Toàn thể Hội thánh được mời gọi giải gỡ gánh nặng của nền văn hóa thấm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ trị do lịch sử để lại, cùng với những thói tục thi hành quyền bính để mọi thứ lạm dụng khác (quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục) có cơ hội bám vào. Chỉ khi từ bỏ triệt để ảnh hưởng của “chủ nghĩa giáo sĩ trị” thì tiến trình hiệp hành mới đạt đến chiều kích mà Đức Thánh Cha mong đợi.
  2. Mọi Kitô hữu phải được huấn luyện để sống tinh thần hiệp hành. Nếu không, họ  không ý thức được việc hiệp thông, tham gia sứ mệnh truyền giáo, càng không thể tự mình sống hiệp hành mà vẫn chỉ là một “con chiên” ngoan đạo.
  3. Việc đối thoại với Nhà nước: Nhà nước nghiên cứu rất kỹ các tôn giáo, và nhận thức của Nhà nước về tôn giáo ở mỗi giai đoạn cách mạng đều có những bước phát triển. Những nhận thức ấy thể hiện ở các Nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước như:  Pháp lệnh tôn giáo, Luật tôn giáo. Thí dụ, gần đây, Đại Hội Đảng lần thứ XIII đề ra việc khai thác các nguồn lực tôn giáo để góp phần phát triển đất nước: nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần, nguồn lực con người. Giáo hội chưa nghiên cứu kỹ về Nhà nước Xã hội chủ nghĩa để cùng hiệp hành, để Giáo hội có thể “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như đường hướng đề ra trong thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Linh mục thừa sai Leopold’ Cadierè-Nhà Việt Nam học kiệt xuất

4. Tổ chức các hoạt động Mục vụ văn hóa để loan báo Tin Mừng:

Văn hóa bao trùm tất cả mọi lĩnh vực tinh thần của xã hội, từ ngôn ngữ đến tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, phong tục tập quán, lối sống,.. không quan tâm đến văn hóa, việc loan báo Tin Mừng sẽ bị giới hạn. Lưu ý rằng, các thừa sai khi đến Việt Nam, việc đầu tiên là học văn hóa và hội nhập văn hóa, rồi dùng văn hóa để truyền giáo. Hiện nay trong 100 người Việt, chỉ có gần 7 người là Công giáo. Nếu không tổ chức Mục vụ văn hóa, người Công giáo sẽ sống giữa ốc đảo, mà xung quanh là những cơn bão dữ dội và tội ác của các trào lưu tư tưởng văn hóa đương đại (Chủ nghiã cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thế tục, tiền và sex…)

5.Giáo dục đức tin cho giới trẻ

Hiện nay, tại các giáo xứ, Mục vụ giới trẻ hết sức lỏng lẻo và nhạt nhẽo, trong khi truyền thông đa phương tiện hết sức phong phú.

     Trong truyện dàiTiếng Kêu (của Song Nguyễn). Cô gái Thiên Thanh, khi giao tiếp với một nhóm bạn Tin Lành, đã bị khủng hoảng đức tin và lâm vào tình trạng trầm cảm.

                 “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc” (có cả Linh mục, tu sĩ) đang gây ra những ảnh hưởng rất xấu về đức tin đối với người trẻ.

                 Một thí dụ: một học sinh 12 hỏi tôi: – Chúa có thật không? Tôi hiểu em đang có vấn đề về đức tin. Lên Đại học, các em còn học mộn Tôn giáo học nhìn tôn giáo theo quan điểm Duy vật.

                 Người trẻ Công giáo vào đời: tìm việc, di dân, sống chen chúc phức tạp trong nhà trọ; sinh hoạt tôn giáo nhạt phai; vấn đề tình dục trước hôn nhân, vấn đề nạo phá thai, việc kết hôn với người khác tôn giáo…Thí dụ: cuốn Đóa hồng thứ 40 (giải VHNT Đất Mới 2020) trình bày thực trạng người trẻ sống chung với người Tin Lành, tình trạng xuất khẩu lao động, tìm người yêu như thế nào…),

                 Nếu chúng ta không chú ý đến người trẻ thì chỉ một thế hệ nữa (25 năm), đạo Công giáo ở VN cũng không khác gì người Châu Âu sống đạo hiện nay (có nơi phải bán nhà thờ vì không có giáo dân).

                 Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi hình dung về một cách hiệp hành với người trẻ như thế này: Trong một giáo xứ có nhiều giáo họ. Trong mỗi giáo họ có nhiều bạn trẻ dưới 30 tuổi, họ có thể đi học, đi làm xa nhà. Cha sở có thể tổ chức từng nhóm Zalo mỗi giáo họ để sinh hoạt: trước hết là, hiểu được tình hình của người trẻ đang sống; thứ nhì, có thể đối thoại trực tiếp chia sẻ với người trẻ những vấn đề cần quan tâm. Thứ ba, tổ chức những chuyên đề học hỏi về sống đạo, và cứ mỗi tháng, trong thánh lễ giới trẻ, cha sở có thể nêu và giải quyết những vấn đề của giới trẻ trong tháng, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cho người trẻ…

            Vâng: “Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba”(đoạn 10).

Tháng 7/2022

***

Chú thích

Nguồn chính: Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội đồng Giám mục

[1] Tài liệu chuẩn bị Thượng hội đồng: Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ

https://giaophannhatrang.org/vi/news/thuong-hoi-dong-giam-muc/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-23036.html

[2] Xin đọc bài viết: Tiểu sữ thầy Thích Nhật Từ là ai? trên trang

Https://chiasedaophat.com

      Thượng tọa Thích Nhật Từ hiện đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: 

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TPHCM

Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phó Ban Phật giáo quốc tế TW GHPGVN

Phó Ban Hoằng pháp TW GHPGVN

Phó Ban Giáo dục Phật giáo TW GHPGVN

Phó Ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

Ủy viên Thường trực GHPGVN tại TPHCM. 

[3] https://www.youtube.com/watch?v=u7zAGSgKsW0

[4]Danh sách 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam

http://trungtammucvudcct.com/danh-sach-117-vi-thanh-tu-dao-tai-viet-nam/?hpag=3

[5] Lm Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm. Nxb Trẻ 1988

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok