BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
Giới thiệu khuôn mặt văn xuôi Công giáo đương đại
LM. ĐAMINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG
& Những vấn đề của thời đại
Bùi Công Thuấn
***
Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông CSsR. Sinh năm 1957. Chịu chức Linh mục năm 1993; Tiến sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo tại Đại học De la Salle, Manile. Hiện đang là phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giảng dạy tại: Đại Chủng viện Saigon, Học viện Công giáo. Tác phẩm văn học chính:
Nắng chiều tàn tạ. 7 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2003.
Rừng cao su thay lá. 5 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2005.
Hoa tươi trong vùng cát. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2006.
Sỏi đá nở hoa. 3 truyện ngắn. Nxb Đồng Nai, 2011.
Trăng rằm trên phố núi. Tiểu thuyết. Nxb Hồng Đức, 2018.
Bạn đọc sẽ hỏi văn chương Nguyễn Đức Thông có gì đặc sắc? Nguyễn Đức Thông có đóng góp gì cho tiến trình văn học Công giáo Việt Nam, và đọc văn Nguyễn Đức Thông, người đọc sẽ tiếp nhận được gì?
Những câu hỏi ấy là những vấn đề của lý luận văn học về phong cách văn chương, giá trị văn chương và tiếp nhận văn học. Có thể khẳng định tác phẩm văn chương của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông là những câu chuyện hấp dẫn, giàu ý nghĩa tư tưởng, là tiếng nói mạnh mẽ của lương tâm Công giáo trước những vấn đề của thời đại.
NHỮNG CÂU CHUYỆN HẤP DẪN
(Trước hết tôi xin phép chỉ gọi tên tác giả mà không gọi chức danh xã hội Linh mục-Tiến sĩ, bởi chức danh không liên quan gì đến việc sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn là người sáng tạo. Chúng ta nhắc đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu mà không kèm theo chức danh xã hội của các vị ấy là vậy)
Nguyễn Đức Thông kể những câu chuyện hết sức phức tạp, thật khó tóm tắt, bởi văn bản tóm tắt đánh mất sự hấp dẫn của câu chuyện. Truyện chỉ còn lại một bộ xương khô. Cái hay của truyện Nguyễn Đức Thông nằm trong việc miêu tả cảnh sắc, trong việc dựng lại những sinh hoạt đời thường sống động, trong những đối thoại nảy lửa và trong những tình huống kịch tính. Dầu vậy, tôi cũng xin tóm lược một vài truyện để chia sẻ với bạn đọc không có điều kiện tiếp cận với văn bản tác phẩm, để từ đó tìm hiểu giá trị văn chương của Nguyễn Đức Thông. Xin lưu ý, tác giả nói rõ đây là các tác phẩm hư cấu (tưởng tượng, sáng tạo), nên bạn đọc không đối chiếu với bất cứ nhân vật nào trong hiện thực để suy diễn chuyện này chuyện kia, lệch với thông điệp của tác giả.
Nguyễn Đức Thông có một mảng truyện riêng viết về cuộc đời của Linh mục, nữ tu. Ở mảng truyện này, nhà văn gíao dân không thể sánh được.
Trăng rằm trên phố núi (tiểu thuyết) kể lại cuộc đời Lm Giuse Chu Thanh Liêm,Tỉnhdòng thánh Anselmô Việt Nam.
Mở đầu truyện là cảnh nhà dòng Anselmô bầu Giám tỉnh mới là cha Giuse Chu Thanh Liêm, người mới ở Phi về, được hơn một tháng. Giám tỉnh cũ đã làm 3 nhiệm kỳ.
Liêm sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư, dân Hưng Yên, sống bên kia sông Đồng Nai, cách Hố Nai chưa đầy 20km. Thời ông Ngô Đình Diệm, gia đình Liêm phải vào ấp chiến lược. Tròn 12 tuổi, Liêm thi đậu vào chủng viện. Sau 5 năm chủng viện, lên lớp 10, Liêm về nhà vì không hợp ơn gọi Linh mục triều. Cha linh hướng nói Liêm thích hợp tu dòng.
Liêm được giới thiệu vào dòng Anselmô. Đặc sủng của dòng là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Đầu tháng 4/ 1975, Viện Đệ tử giải tán. Liêm về nhà. Khi Long Khánh bị tấn công, trên đường chạy loạn, Liêm bị bắt, rồi được thả.
Trong khi chờ trở lại nhà dòng, học xong 12, theo luật dòng, Liêm phải vào đời 4 năm rồi trở lại tu. Liêm xin làm ở trại heo, được ít bữa thì bị đuổi. Liêm xin làm lơ xe đi Vinh. Chứng kiến cảnh chủ xe gian dối và đám lơ xe sống trụy lạc của, Liêm bỏ việc.
Liêm đậu vào học Đại học Sư phạm. Trong thời gian học tập, Anh chịu nhiều áp lực và có lúc khủng hoảng đức tin. Ra trường, Liêm đi dạy được một năm rồi trở về nhà tập. Khấn xong Liêm lên học viện. Tình hình tôn giáo khó khăn. Liêm được truyền chức Linh mục “chui” ở Nha Trang. Đức Giám mục dặn Liêm: “Đọc Tin Mừng hàng ngày, tin điều con đọc, giảng điều con tin và sống điều con giảng”;“Dâng lễ thì, ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”.
Trở về, Liêm bị an ninh tôn giáo mời làm việc. Họ hỏi Liêm, ai truyền chức, truyền chức ở đâu, đã dâng lễ ở đâu, có đăng ký tạm trú không. An ninh kết luận, việc truyền chức của Liêm là vi phạm nghị định 69 của Chính phủ, vi phạm thông tư của Ban Tôn giáo chính phủ. …họ bắt Liêm bắt cam kết rồi cho về. Để tránh phiền hà, cha Giám tỉnh khuyên Liêm xin học bổng du học. Liêm đi Philippines.
Sau 5 năm học ở Philippine, Liêm trở về Việt Nam, lúc ấy ông Lịch (cha của Liêm) đã qua đời. Liêm lên Pleichoi, một cơ sở dòng có người bạn làm Bề trên. Sau 2 năm, Liêm vẫn không có bài sai chính thức. Người ta tính toán đẩy Liêm đi chỗ khác vì nhà dòng sắp đến kỳ bẩu cử Bề trên mới. Giám tỉnh Thiên giao quyết định cử Liêm đi giúp cộng đoàn Palawan ở Philippines.
Đêm ấy Liêm bay đi Philippines thì sáng hôm sau, ở nhà, công an đến báo cho nhà dòng rằng Liêm đã bị xe container cán chết. Họ đưa cho nhà dòng bằng lái và giấy tờ của Liêm. Nhà dòng đem xác Liêm về và làm lễ tang (xác bị cán nát không thể nhận dạng). Bà Lịch, mẹ của Liêm không tin con mình chết.
Đến Palawan, Liêm được bổ nhiệm làm Tuyên úy làng Việt Nam và là cha sở giáo xứ Các Thánh Tử Đạo. Công việc tiến triển tốt đẹp, Liêm gửi thư về nhà dòng. Giám tỉnh Thiên nhận được thư biết Liêm còn sống thì tìm cách đối phó. Ông ta gửi thư cho Giám mục ở Phi báo Liêm đã chết. Người gọi là Liêm ở giáo xứ Các Thánh Tử Đạo là Linh mục giả. Liêm bị tòa Giám mục ở Phi đình chỉ mọi hoạt động mục vụ. Liêm trở về đời thường như một thầy tu.
Vì rất đẹp trai, Liêm bị nhiều phụ nữ tấn công. Họ xuyên tạc đủ điều. Họ thách thức nhau gài bẫy Liêm. Trong tâm hồn Liêm luôn vang lên lời Chúa: “Con hãy đi lên, đừng dừng lại, trên kia mới có vinh quang vĩnh cửu. Dưới này, chỉ toàn phù vân”. Nhờ đó Liêm chiến thắng được những cơn cám dỗ. Liêm chia sẻ kinh nghiệm: “Cầu nguyện và trung thành với việc cầu nguyện ta sẽ làm được mọi sự vùi lúc ấy không phải ta mà là Chúa làm”.
Ở Phi, Đức Giám mục thấy Liêm chuyên cần cầu nguyện và sống đời tu, ngài tham khảo ý kiến cha Tổng đại diện và giáo dân, rồi cho Liêm học Chủng viện. Liêm chỉ phải học 2 năm Thần học, không phải giúp xứ. Khi có đợt chịu chức, Liêm từ chối vì nói mình đã chịu chức rồi và xin về Việt Nam. Liêm được minh oan vì người chết là Mẫn, em nuôi của Liêm. Lúc ra sân bay đi Phi, Liêm đưa giấy tờ xe cho Mẫn. Trên đường về, Mẫn bị tông xe chết. Người ta tìm thấy giấy tờ của Liêm nơi xác của Mẫn và tưởng người chết là Liêm.
Liêm trở về Việt Nam và được Tuấn đón. Lúc ấy đã khuya. Sáng hôm sau, trong thánh lễ, Tuấn giới thiệu Liêm, người đã chết sống lại. Cả cộng đoàn nhà dòng đón mừng.
Trong tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi, tác giả đặt ra nhiều vần đề của đời sống Linh mục. Trước hết là những khó khăn của hoàn cảnh lịch sử trước và sau 1975, khó khăn do sự tranh giành địa vị, tình trạng phe nhóm và sự tha hóa ngay chính trong dòng tu. Liêm bị loại trừ. Riêng với Liêm, luôn bị cám dỗ bởi các cô gái đẹp từ khi còn học Sư phạm, đi dạy đến khi sang Phi, nhất là lúc bị ngưng các hoạt động mục vụ. Những cám dỗ đến trong lúc Liêm chao đảo bốn bề, đơn độc giữa giông bão, không có đường tiến thoái, tưởng rằng Liêm đã không vượt qua được. Từ đó tác giả gửi thông điệp: “Cầu nguyện và trung thành với việc cầu nguyện ta sẽ làm được mọi sự vùi lúc ấy không phải ta mà là Chúa làm”. “Con hãy đi lên, đừng dừng lại, trên kia mới có vinh quang vĩnh cửu. Dưới này, chỉ toàn phù vân”. Thông điệp này được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm (xin đọc các trang: 177, 241, 205).
Viết về Linh mục, nữ tu Nguyễn Đức Thông còn có các truyện:
Rừng cao su thay lá kể lại cuộc đời cha Trần Đình Sự. Ngày nào cha cũng bị giáo dân ở cạnh nhà thờ chửi vì giáo xứ lấy lại đất họ ở để làm đài Đức Mẹ. Ngài sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu. Mẹ ngài bị bố ngài lừa gạt. Bố đã có vợ, có con, còn gian díu với mẹ ngài. Đến khi biết chân tướng sự việc, mẹ ngài đuổi thẳng. Trước khi chết, bố gửi lời xin lỗi mẹ của ngài. Bố chết, mẹ lớn gửi tiền tuất của bố cho mẹ ngài. Hai bà mẹ thực hiện sự tha thứ. Trùm Phan tới gặp cha Sự nói, nếu nó tiếp tục chử cha, giáo xứ sẽ họp loại nó ra khỏi giáo xứ. Cha Sự nói: “Là Linh mục, tôi chỉ được tìm về chứ không loại bỏ, băng bó chứ không gây thương tích, chữa lành chứ không gây bệnh hoạn, cứu sống chứ không giết chết. Đó là bài học tôi đã học được với người phụ nữ làm nên đời tôi khi rừng cao su thay lá”.
Một mùa đông giá kể chuyện, Yến và Thắng ở ngoài bắc, họ hẹn nhau vào Nam tìm việc và học. Họ tính toán, nếu không có thân nhân thì cứ xin vào một nhà dòng nào đó vờ tu. Học xong thì ra cưới nhau. Không ngờ nhà dòng dã cảm hóa họ. Thắng bỏ Yến đi tu. Lúc đầu Yến không hiểu. Khi nghe cha Thịnh ở dòng Chúa Cứu Thế giảng phòng, ngài kể kinh nghiệm đức tin về Chúa. Yến hiểu ra vấn đề, và tự cảm nghiệm về Chúa.
Những cơn mưa cuối mùakể chuyện Tuyết Lan. Tuyết Lan đang tu thì lượm được một đứa trẻ bị bỏ rơi đem về nhà dòng nuôi. Đứa nhỏ tên Lượm. Nhà dòng không cho phép Lan làm điều này. Lan phải bỏ tu để nuôi Lượm. Lan kiên định sống niềm tin vì tha nhân. Cô giúp đỡ bịnh nhân SIDA, xì ke. Cô chết vì tai nạn xe. Lượm (Thiên An) lớn lên, tiếp tục con đường của cô.
Lúa trổ bông. Cha Vũ trầm tư: “Làm sao để người ta sống Lời Chúa bây giờ”;
Truyện Con bướm vàng chóp cánh đen: là một thầy giáo dạy Phổ thông,vì chán đời sống xã hội, Công gia nhập dòng Chân Lý.Vào dòng, Công lại gặp những người gian dối chẳng khác gì ngoài xã hội. Công tự nhủ: “Có lẽ cũng chính vì thấy được thế nào trong tu viện cũng có những giờ thế này mà Chúa đã kêu gọi mình để mình làm chứng cho Ngài bằng cách sống triệt để tình yêu và sự thật”.
Truyện Cây bằng lăng bật gốclà hoàn cảnh bi đát của gia đình cha Vĩnh. Sau 1975, gia đình khó khăn, Phụng (mẹ của Vĩnh) lại có thai. Thắng (bố của Vĩnh) ép Phụng phá thai. Nếu không, Thắng sẽ bảo cái thai đó là của cha Tân (cha sở). Phụng vào trình cha Tân, cha nói không được phá, ngài sẵn sàng chịu tiếng xấu: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã chết cho cả những kẻ tội lỗi. Là môn đệ của ngài, ta không dám mất một chút danh dự vì những kẻ bé mọn sao?” Phụng lên Đà Lạt ở nhà bà Vinh, và sinh Vĩnh. Phụng đi, Thắng tung tin Phụng quan hệ với cha Tân. Cha bị đổi đi xứ khác. 30 năm sau, cha Vĩnh về quê dâng lễ và tìm gặp bố (Thắng). Ông từ chối vì mình không xứng đáng làm bố của cha.
Truyện Cây thánh giá giả: Cụ Ngữ là người sáng lập Đan viện Thiên Ân. Cụ ở Tokyo muốn về Việt Nam để nghỉ dưỡng. Từ sân bay về Đan viện, cụ chứng kiến bao thứ giả: tai nạn giả, bắt tội phạm giả. Người dẫn đường nói: ở Việt Nam còn có mũi gỉa, cằm giả, ngực giả, lúm đồng tiền giả, mụt ruồi giả nữa. Về tới Đan viện, cụ Ngữ được các cha giới thiệu cảnh quan, chỗ nào cũng giả: cột bê tông giả, hoa giả. Cha Long nói: “Thiên Chúa bây giờ chỉ là một thứ xa xỉ, nếu không muốn nói là một công cụ trong tay người ta”. Thầy Tuyên chở cụ Ngữ đi kiểm tra nhà mồ côi. Dọc đường Cụ Ngữ còn biết thêm bằng lái xe giả, bằng Tiến sĩ giả…tiền giả rải đường (tiền âm phủ), cả những hiện tượng phản văn hóa, tiểu ngoài đường, Sư giả – và nhiều cảnh nhiễu nhương (trại heo bên cạnh tu viện). Tại trại mồ côi, có cả Bề trên giả, các em mồi côi giả (cha mẹ nghèo quá gửi vào), món ăn giả (món ăn để chưng cho đoàn kiểm tra thấy, trẻ không được ăn). Lại một đám cưới giả xin làm lễ, Cụ Ngữ từ chối thẳng. Dự một lễ truyền chức long trọng, cụ phát hiện ra linh mục giả. Bị choáng, cụ ôm lấy cây thánh giá mà cụ đã dựng ngày xưa. Cụ nghĩ chỉ có cây thánh giá này là thật. Thầy Tuyên (người dẫn đường) bảo, cây thánh giá này cũng là giả, cây thánh giá thật bị nhổ đem bán rồi. Cụ Ngữ ngã xuống.
Vầng trăng khuyếtkể chuyện hai sư huynh (Frère) Quang và Tân đi “nói chuyện” với những người trong nhóm Giêhôva. Nhóm này đã quyến rũ bà Hưng bỏ đạo theo họ. Bà Hưng theo họ vì: “Từ lâu lắm rồi, không cha hoạc Frère hoặc Sr nào dạy con đọc Lời Chúa cả, chỉ mấy anh Giêhôva này”. Bà nói, nghe hai bện nói chuyện, bên nào có lý, bà sẽ theo bên ấy. Trong cuộc “đối thoại”, Quang nói rất hùng hồn về đạo, (có vẻ lấn át đối phương). Những vấn đề nhóm Giêhôva đặt ra là chuyện thờ ảnh tượng, chuyện nghỉ ngày Chúa nhật, chuyện theo truyền thống. Nói chuyện xong, Quang hỏi bà Hưng, bà trả lời: bà rất vui khi theo nhóm này, vì chỉ có nhóm này dạy bà đọc Lời Chúa. Quang, Tân, ra về tiu nghỉu. Truyện như một lời cảnh tỉnh đối với các Linh mục về việc ra giảng Lời Chúa cho giáo dân.
Nguyễn Đức Thông còn có những truyện viết về những đề tài khác:
Nắng chiều tàn tạlà tình cảnh một cô gái bị HIV chết do bị lừa tình rồi sống sa đọa.
Hoa phượng trái mùalà tình trạng hôn nhân người vợ Công giáo lấy chồng không có đạo. Gia đình gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng người vợ kiên định sống đức tin nên đã cứu được chồng trở lại.
Chiều sau cơn mưa là cuộc sống vợ chồng khác nhau về quan điểm đức tin.An chủ trương sống chân thật. Có lần anh đã bị đuổi việc. An kiên định sống Đức tin và thấy phép lạ, Anh cứu được vợ bị tai nạn chấn thương sọ não.
Noel trên phố nhỏ kể chuyện thầy Thanh và các cô gái học trò đi dự lễ Noel ở Long Bình. Thanh bị choáng bởi các hình ảnh: “phía giữa sân, ngay lối vào nhà thờ. Đèn từ trên nóc nhà thờ và từ bốn góc sân pha vào một đống hình tượng hỗn loạn. Phía bên phải là một đám đàn ông ăn nhậu, quậy phá, đánh lộn, kẻ cầm chai, kẻ cầm gậy, mã tấu. Bên trái là một nhóm thanh niên nam nữ, kẻ thì chích choác, kẻ thì mồi chài, gạ gẫm người ta. Rồi dìu nhau vào sa đọa. Ở giữa là hình ảnh của một số người ôm bom tự sát và một rổ xác các thai nhi, đứa mất đầu, đứa mất tay, chân, chết rồi mà miệng vẫn há hốc kêu van được cứu sống một cách tuyệt vọng…”. Trong bài giảng lễ, cha Minh (cha sở) nói: “Phải dứt khoát không ma túy, không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”. Cha Minh sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người bị ép phá thai. Thầy trò ra về, họ về nhà Lệ Trang. Chị Lệ Trang là Lệ Trinh bị chồng ép phá thai. Lệ Trang vào nhà trước thì gặp Tuấn Anh chồng Lệ Trinh đang quỳ xin lỗi vợ, vì hôm nay anh đã tìm lại được lương tâm Công giáo
Vũng nước ngập là nơi Bạch Liên sinh ra, lớn lên và bị mẹ bán cho Đài Loan. Liên được Tài, một anh thợ nề, cứu và lấy làm vợ. Khi Bạch Liên có thai, vì quá nghèo, Tài ép Liên phá thai. Cô lén bỏ thai vào bình nước để đem chôn nhưng không ngờ Tài vứt bình nước đó xuống dòng kênh. Đêm nào Liên cũng nghe tiếng trẻ khóc. Văn là thầy dạy cũ của Liên 17 năm trước đã đưa Liên tới gặp cha Tiến. Cha Tiến nói hai người cầu nguyện xin Chúa tha thứ và xin đứa con tha thứ. Họ phải học giáo lý xưng tội, rước lễ và hợp thức hóa hôn nhân. Sáu tháng nay đêm về không còn tiếng khóc trẻ con. Cha sở nói: Từ nay anh chị đã có một người con luôn cầu nguyện cho anh chị trước mặt Chúa. “Chúa luôn biến sự dữ thành sự lành, chết thành sống cho những ai yêu mến ngài”.
Truyện Hoa tươi trong vùng cátkể về thầy giáo Vinh. Thầy giúp Yến Linh, một học sinh côi cút đi học lại và tốt nghiệp Đại học. Vinh cảm hóa Vũ là một học sinh cá biệt con quan huyện. Do ganh tỵ với Vinh nhà trường đưa Vinh ra hội đồng kỷ luật về tội phá vỡ khối đoàn kết, vô tổ chức trong lao động; bị Đoàn trường tố cáo không quan tâm lớp chủ nhiệm trong trại 26/3. Trong hoàn cảnh bị đố kỵ, Vinh tự nhủ: “Phải liên tục gắn kết với cội nguồn của mình là Thiên Chúa, thì may ra mới có thể thành người được”.
Truyện Sỏi đá nở hoa kể chuyện ông Tâm, người tạc tượng Đức Mẹ. 30 năm trước, khi học lớp 2, Tâm biết chuyện: bà Lệ (mẹ Tâm), vì mong có con gái, đã phá thai 2 lần đều là con trai. Đến Tâm, bà phá 4 lần nhưng không được. Sợ bị mẹ giết, Tâm trốn nhà đi tìm trại mồ cô để tá túc. Tâm được các Sr dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi đưa về dòng, sau đó được ông Toàn nhận làm con nuôi. Ông Toàn dạy cho Tâm nghề điêu khắc và chăm sóc Tâm học hành tử tế. Ông Toàn dạy Tâm nhiều bài học: ”Không được làm mất chất người nơi con”; “Con nhớ rằng người tốt đem lại cho ta hạnh phúc, người xấu cho ta kinh nghiệm, và người tồi tệ nhất cũng đem lại cho ta bài học”; “Nghệ thuật chinh phục là làm cho những người trước mắt người ta chỉ là đồ bỏ thành người tốt”.Tâm đậu Đại học và biết làm tượng. Tâm đi dạy, anh nhận nhiệm sở tại trường Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp, và thường theo Sr Bảy thăm các trại cơ nhỡ. Tâm giúp đỡ gia đình Phụng, một cô gái cơ nhỡ, sau lấy Phụng. Một lần Phụng đi Tàpao, gặp một bà cụ nuôi trẻ mồ côi, bà có đứa con bị thất lạc. Phụng nói mắt nó giống ông Tâm. Hôm sau Phụng đưa Tâm đi Tàpao. Tâm gặp lại mẹ (bà Lệ).
Lướt qua nội dung một số truyện của Nguyễn Đức Thông, bạn đọc có thể nhận ra nhà văn quan tâm đến mảng hiện thực nào? Ngòi bút Nguyễn Đức Thông đặt con dao phẫu thuật vào những vấn đề nào? Và, trên hết, tác giả gửi đến người đọc những thông điệp gì?
NHỮNG THÔNG ĐIỆP
Là một Linh mục, đồng thời là một nhà giáo dục, Nguyễn Đức Thông quan tâm trước hết đến vấn đề Đức Tin và vấn đề giáo dục nhân bản. Mỗi truyện của Nguyễn Đức Thông đều chứa đựng ít nhất một thông điệp về giáo dục, và thông điệp ấy được nhắc lại nhiều lần trong truyện trở thành tư tưởng của tác phẩm.
Hiện thực giảng đạo và sống đạo của giáo hội Việt Nam có bao nhiêu vấn đề cấp thiết.
Đây là nhận xét của cha Vũ trong truyện Lúa Trổ bông:
“Chiều lễ xong, cha hỏi cả nhà thờ, từ người lớn tới thiếu nhi, đến cả những người đọc sách thánh không ai nhớ được một câu Lời Chúa nào, có người không còn nhớ bài Phúc âm hôm nay là của thánh sử nào. “Sách thiêng liêng trong xứ hầu như không ai có, sách Tin Mừng nhà có, nhà không, nhà có chẳng mấy ai đọc. Đi lễ lại chẳng quan tâm gì tới Lời Chúa, không hiều người ta sống làm sao”.
Một Cha sở nhận xét: “Cái buồn nhất của người Công giáo Việt Nam là không biết Lời Chúa và cái buồn hơn nữa là các Linh mục không giảng Lời Chúa, không giải thích Lời Chúa cho dân hiểu, dân sống, nên đạo chỉ hời hợt bên ngoài” (Trăng rằm trên Phố Núi,tr.88.)
Đây là ý kiến của giáo dân (Lệ Thu) “Con xin lỗi cha, có cha chẳng đá động gì tới Lời Chúa cả. Có cha, lễ Giao thừa năm con gà giảng toàn về gà. Lễ Giao thừa năm con chó giảng toản về chó. Có cha đọc Tin Mừng xong, kể một câu chuyện nào đó, rồi rút ra bài học từ câu chuyện ấy. Mình là tín đồ Đức Kitô sao không sống như Đức Kitô, mà lại sống như người ta làm gì” (Lúa trổ bông, trong tập Rừng cao su thay lá, tr. 116).
Đây là tình hình ở dòng tu: ở Đan viện Thiên Ân, Viện phụ Hùng cũng hoang mang. “Hơn 30 năm nay, đời sống Đan viện đã mục ruỗng, hệt như một ngôi nhà lá lâu năm, đụng đâu đổ đó. Bây giờ muốn tái thiết Đan viện thì phải làm lại từ đầu. Trong số hơn 100 anh em khấn, những người sống đời đan tu đúng nghĩa chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay”(Cây thánh giá giả, trong tập Sỏi đá nở hoa. tr.166).
Truyện Cây Thánh giá giả đã cực tả tình trạng xuống cấp về Đức Tin đến độ không thể chấp nhận. Viện phụ Đan viện Thiên Ân tự thú với các cha: “Ta đã thành gian dối… Chúa Giêsu chỉ còn là bình phong để ta che đạy những mưu đồ của ta thôi. Chúa sẽ mất chỗ đứng ngay trong nhà của Người và trong lòng những kẻ thuộc về Người”. Cha Long nói: “Thiên Chúa bây giờ chỉ là một thứ xa xỉ, nếu không muốn nói là một công cụ trong tay người ta”.”(Cây thánh giá giả, trong tập Sỏi đá nở hoa, tr.141)
Còn hiện thực sống đạo của giáo dân thế nào?
Trước hết là hậu quả của chiến tranh: người chết, ly tán thương tâm (Cây Bằng lăng bật gốc, Trăng rằm trên phố núi. tr. 59-72). Sau chiến tranh, bao nhiêu là tội lỗi. Chồng ép vợ phá thai (Noel trên phố nhỏ). Chồng ngoại tình, có con riêng (Rừng cao su thay lá). Vợ chồng khác quan điểm đức tin (Chiều sau cơn mưa). Nhà nghèo, vợ bán thân nuôi chồng (Những cơn mưa cuối mùa). Những chuyện loạn luân: bố chiếm đoạt con gái, thầy chiếm đọat trò, cũng là con dâu (Những cơn mưa cuối mùa; Hoa tươi trong vùng cát). Con cái vướng vướng vào ma Túy (Cánh mai vàng nở muộn). Dung la một cô học trò ngoan, một giáo lý viên, trở nên sa đọa bị HIV chết (Nắng chiều tàn tạ). Trang vẫn quyết lấy Minh, không có đạo, dù cha mẹ ngăn cản. (Hoa phượng trái mùa). Bà Hưng bỏ đạo theo nhóm Giêhôva. Vì không có cha, có sr nào dạy bà đọc Kinh thánh (Vầng trăng khuyết). Sau chuyến làm lơ xe đi Vinh, chứng kiến vợ chồng bà Thủy chủ xe say xỉn, buôn gian bán lận, Liêm hỏi cha sở: “Vì sao người có đạo mà vẫn gian tham, chè chén say sưa, vợ nọ con kia?” (Trăng rằm trên Phố Núi). Ông bố của Hai Phú làm Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ, phụ trách tiền thau (tiền giỏ). Ngày Chúa nhật thu tiền thau 8 lễ, ông bị người ta nói ông rút 50 ngàn. Cha xứ không điều tra, tuyên bố cho ông nghỉ việc. Từ đó cả nhà ông Hai Phú bỏ nhà thờ giáo xứ, đi lễ xứ khác. Đến nay 30 năm chưa xưng tội.(Trăng rằm trên Phố Núi.171.
Đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp lòng đạo như thế?:
“Trong một xã hội mà người ta coi quyền lợi cá nhân hơn lợi ích quốc gia, an ninh bản thân hơn an ninh tổ quốc, thì người nghèo kẻ khổ chỉ còn là con số thôi bà ơi. Người ta muốn bôi đi lúc nào thì bôi. Những kẻ nói ngược bị coi là chống đối. Đau nhất là não trạng ấy, tâm thức ấy đang trở thành tâm thức của tôi, của bà, của toàn xã hội. Ta đang đánh mất chính ta. Ta không còn là ta, không còn là người nữa rồi. Và ta chấp nhận chuyện đó không thắc mắc, coi đó là chuyện bình thường” (Sỏi đá nở hoa, tr.15)
Một nguyên nhân của nạn phá thai:
“Phá thai không chỉ là quốc nạn mà là nhân loại nạn…hạn chế số con trong mỗi gia đình chính là thủ phạm của tai họa này”;…”Có bao nhiêu con, đó là quyền của mỗi cặp vợ chồng, không ai được xen vào. Coi mỗi gia đình chỉ được có hai con là tiêu chuẩn đăng ký thi đua, có hơn hai đứa bị cắt thi đua cả đơn vị là vi phạm nhân quyền”(tr.37); “Một chính sách phi nhân, một nền văn hóa sự chết như thế đã len lỏi vào mỗi con người, mỗi gia đỉnh thế mà chẳng hiểu sao, tất cả các hiệu trưởng trong tỉnh đều im lặng”; “Nếu ta không lên tiếng chống lại chính sách phi lý và phi nhân này, xã hội ta chắc chắn sẽ suy thoái, sẽ chỉ còn là một bầy sinh vật mang dáng dấp con người”(Sỏi đá nở hoa, tr.38).
Một nguyên nhân sâu xa hơn:
“Dân muôn đời chỉ là nạn nhân khốn khổ của các chế độ…Ngày xưa thời thực dân người ta bón cao su bằng xương máu con người, còn ngày nay, người ta lấy mồ hôi, nước mắt trộn với xương máu con người làm nền móng cho các cao ốc, các công viên. Tiếng dân kêu chỉ như tiếng ếch nhái, ễnh ương, có chộn rộn lỗ tai thì đó cũng chỉ là tiếng của loài giun dế”.(Vầng trăng khuyết.185).
Trước thực tại đầy bức xúc như thế, tác giả gửi đến bạn đọc những thông điệp:
“Phải xây dựng những con người không tham vọng, biết tôn trọng con người và sự sống con người, biết coi hạnh phúc của người khác hơn hạnh phúc của mình” (Cây bằng lăng bật gốc).
“Người ta hư không phải do gia đình nhiều con, nhưng do thiếu tình yêu, do chương trình giáo dục bất cập, do xã hội, gia đình và học đường không có chung một nấc thang giá trị tinh thần và nhất là coi nhẹ chiều kích tâm linh của con người” (Sỏi đá nở hoa)
“Con người chỉ cao cả khi biết hy sinh cho đồng loại. Hy sinh là chìa khóa thành công cả đời tu lẫn trong đời vợ chống”(Trăng rằm trên Phố Núi.44).
“Chúa Giêsu có làm gì khác đâu ngoài việc khơi lên phẩm giá của những người ngài gặp gỡ. Với Matthêu, Ngài bảo, tôi tới để tìm kiếm những gì đã mất; với Zakêu, Ngài nói, người này cũng là con cái Abraham; với người phụ nữ tội lỗi tại nhà ông Simon, Chúa Giêsu bảo, tội bà nhiều thật nhưng đã được tha, vì bà đã yêu mến nhiều. Chúa cho họ thấy và tôn trọng phẩm giá của họ thì đương nhiên họ phải thay đổi. Còn với những người tự cho mình là công chính, Ngài bảo, các ông chỉ là mồ mả tô vôi, ở ngoài hào nhoáng, ở trong thối hoắc. Các ông chỉ biết bó những bó thật nặng chất lên vai người ta, còn chính các ông lại không khi nào động ngón tay lay thử. Ngài có ghét họ đâu, mà chỉ lột đi những gì đang che khuất họ thôi. Ông thấy không, là môn đệ của Chúa Giêsu, không theo đường lối của Ngài thì theo ai?(Sỏi đá nở hoa.tr.98-99).
Giải pháp căn cơ là sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Thu sống Lời Chúa lúc bịnh ung thư hạch đã nặng, đã hóa trị 2 lần: “Chúa bảo khi những biến cố ấy xảy đến, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát. Thu vừa nói vừa cười: “ Khi những cục hạch ấy nổi lên, con hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì con sắp được cứu thoát…Chúa bảo em vậy đấy…hihi”(Lúa trổ bông, trong tập. Rừng cao su thay lá. Tr.150)
Vinh dạy học, bị ganh tỵ chèn ép đủ điều, anh tự nhủ: “Phải liên tục gắn kết với cội nguồn của mình là Thiên Chúa, thì may ra mới có thể thành người được” (Hoa tươi trong vùng cát).
Công dạy học. Vì chán xã hội có những kẻ cửa quyền, Công mới gia nhập dòng Chân Lý (làm Linh mục 14 năm). Vào dòng lại gặp những người như thế, Công hoang mang xao xuyến. Công cầu xin: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này nhưng cũng chính vì giờ này mà con đến”. Công tự nhủ: “Có lẽ cũng chính vì thấy được thế nào trong tu viện cũng có những giờ thế này mà Chúa đã kêu gọi mình để mình làm chứng cho Ngài bằng cách sống triệt để tình yêu và sự thật”(Con bướm vàng chóp cánh đen).
Thực ra vấn đề nhạt nhòa đức tin, các tệ nạn xã hội gia tăng trong gia đình Công giáo có nhiều nguyên nhân rộng lớn hơn những gì tác giả trình bày trong tác phẩm.
Con người sống trong xã hội, nó chịu sự tác động của hoàn cảnh và môi trường sống (môi trường chính trị, môi trường văn hóa, môi trường kinh tế, môi trường lịch, sử địa lý). Khi Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu hóa thì cũng chịu một cuộc xâm lăng dữ dội về văn hóa. Chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng cùng với các chủ nghĩa duy vật, vô thần chiếm lĩnh não trạng người dân. Đời sống công nghiệp cùng với cuộc cách mạng tin học làm đảo lộn mọi giá trị, đánh phá tư tưởng, nhận thức, lối sống Việt, làm lung lay đến tận gốc rễ những giá trị truyền thống, những giáo lý đức tin căn bản. Trước một tình hình như thế, giáo hội Việt Nam đã không canh tân, không thích ứng kịp với những thay đổi xã hội, đã không đã hành động đủ để ngăn chặn các làn sóng dữ, và xây dựng những thành trì đức tin mới cho người trẻ, và vì thế chúng ta nhận hậu quả.
Thí dụ, việc đào tạo Linh mục ở các Đại Chủng viện đã không đáp ứng yêu cầu thực tiễn truyền giáo. Và việc truyền giáo ở Việt Nam hơn 60 năm qua không có sự tiến bộ (tỷ lệ % người theo đạo giảm). Linh mục là người rao giảng Lời Chúa, nhưng không ít Linh mục giảng được Kinh thánh, hoặc giảng không thuyết phục, hoặc giảng không phù hợp với đối tượng giáo dân trẻ hôm nay, bởi vì trong các Đại Chủng viện, việc giảng dạy tiếng Việt không được coi trọng. Các Chủng sinh hôm nay hầu hết tốt nghiệp Đại học các môn khoa học tự nhiên, họ thiếu hẳn phần khoa học Nhân văn; thế nên việc sử dụng tiếng Việt chỉ đủ giao tiếp, còn việc đọc Kinh thánh và diễn giải Kinh thánh, các vị cứ lên mạng tải xuống mà không có sự chiêm nghiệm sâu sắc nào. Đúng như lời than phiền của nhân vật trong truyện của Nguyễn Đức Thông. “Con xin lỗi cha, có cha chẳng đá động gì tới Lời Chúa cả. Có cha, lễ Giao thừa năm con gà giảng toàn về gà. Lễ Giao thừa năm con chó giảng toản về chó. Có cha đọc Tin Mừng xong, kể một câu chuyện nào đó, rồi rút ra bài học từ câu chuyện ấy. Mình là tín đồ Đức Kitô sao không sống như Đức Kitô, mà lại sống như người ta làm gì” (Lúa trổ bông, trong tập Rừng cao su thay lá, tr. 116). Đấy là chưa nói đến việc thực hiện ba lời khấn của Linh mục là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục…
Xin trở lại truyện Nắng chiều tàn tạ: một cô gái ngoan, học giỏi, một giáo lý viên, con một gia đình thế giá, bỗng trở nên sa đọa và chết vì HIV, nguyên nhân do đâu? Nhân vật Trang trong Hoa phượng trái mùa nhất định lấy chồng không có đạo, mặc dù cha mẹ khuyên can, để rồi gánh lấy hậu quả thảm khốc. Nguyên nhân do đâu? Tình trạng phá thai thật khủng khiếp. Bà Lệ (truyện Sỏi đá nở hoa) vì muốn có con gái đã giết hai đứa con trai. Đến lúc mang thai Tâm, bà phá 4 lần không được. Các cô gái: Bạch Liên (Vũng nước ngập), Lệ Trinh (Noel trên phố nhỏ), Dung 6 năm phá thai ba lần (Nắng chiều tàn tạ)…nguyên nhân do dâu? Trong thánh lễ đêm Noel (truyện Noel trên phố nhỏ), cha sở cho trang trí tranh ảnh gây phản cảm trước sân vào nhà thờ: “Phía bên phải là một đám đàn ông ăn nhậu, quậy phá, đánh lộn, kẻ cầm chai, kẻ cầm gậy, mã tấu. Bên trái là một nhóm thanh niên nam nữ, kẻ thì chích choác, kẻ thì mồi chài, gạ gẫm người ta. Rồi dìu nhau vào sa đọa. Ở giữa là hình ảnh của một số người ôm bom tự sát và một rổ xác các thai nhi, đứa mất đầu, đứa mất tay, chân, chết rồi mà miệng vẫn há hốc kêu van được cứu sống một cách tuyệt vọng”; và trong bài giảng, cha sở hô hào: “Phải dứt khoát không ma túy, không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”. Tôi nghĩ, đó không còn là nhà thờ của Chúa, mà là một nhà văn hóa nào đó đang tuyên truyền chính trị. Nguyên nhân sự sa đọa do chính chúng ta (cha sở) gây ra.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
1.Truyện của Nguyễn Đức Thông có cấu trúc đơn giản, nhưng khó đọc.
Nhiều truyện được kiến tạo theo cấu trúc: Hiện tại-Quá khứ-Hiện tại. Truyện mở đầu bằng một cảnh đang diễn ra trong hiện tại, sau đó nhân vật chính nhớ về quá khứ (15 năm, 30 năm trước), kể xong truyện trong quá khứ, tác giả trở về hiện tại kế tiếp câu truyện cho đến hết.
Trong quá trình kể truyện, tác giả để cho nhân vật kể thêm các câu chuyện khác, tức là kỹ thuật “kể truyện trong kể truyện”, tạo ra một câu truyện khác lồng trong câu truyện chính. Có khi trong một câu truyện chính, có nhiều câu chuyện được kể thêm như vậy, thành ra truyện trở nên hết sức phức tạp, người đọc không chăm chú theo dõi sẽ bị mất dấu ngay. Có nhiều câu chuyện lồng trong nhau, tạo ra những chủ đề kép là phong phú tư tưởng, song có thể người đọc không nhận ra chủ đề chính.
Xin đọc: Những cơn mưa cuối mùa.
Tác giả kể chuyện Tuyết Lan đi tìm người giải tội cho Tứ Lai, một bệnh nhân HIV đang hấp hối. Lan tìm cha Thịnh dòng Chúa Cứu Thế, nhưng ngài không có nhà. Bình và Minh nhận ra Tuyết Lan là cựu tu sĩ dòng Đa Minh. Bình kể chuyện Tuyết Lan lúc còn tu, Lan nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhà dòng không chấp nhận, cô phải xuất tu.
Đưa cha Thịnh đi tìm Tứ Lai, trong khi chờ trời mưa, Lan kể cho cha Thịnh nghe chuyện về lai lịch của Tứ Lai.
Phần sau của truyện kể về Thiên An (Lượm) đứa trẻ bị bỏ rơi được Tuyết Lan nuôi. Thiên An quen với Thúy. Mẹ Thúy kể chuyện 30 năm về trước, về lai lịch của Thúy cho Thiên An nghe…
Sơ lược như thế, độc giả đã thấy có 3 câu chuyện do 3 nhân vật kể lồng trong câu truyện tác giả kể. Truyện trở nên rất phức tạp, bởi chính sự phức tạp của cuộc sống làm nên câu truyện.
Về cấu trúc, Những cơn mưa cuối mùacó hai phần rõ rệt: Phần thứ nhất là truyện Tuyết Lan, phần thứ hai là truyện về Lượm (Thiên An) đứa trẻ bị bỏ rơi do Tuyết Lan nuôi. Tác giả có thể tách 2 phần viết thành 2 truyện để chuyển tải những chủ đề, tư tưởng khác nhau, truyện sẽ ngắn và dễ đọc.
Nhờ việc lồng ghép nhiều câu chuyện trong một truyện nên hiện thực được phản ánh mở rộng, gắn kết được các mối quan hệ xã hội phức tạp, tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng của Nguyễn Đức Thông. Rừng cao su thay lá, Lúa trổ bông, Vũng nước ngập, Hoa tươi trong vùng cát, Cây bằng lăng bật gốc,… là những truyện giàu ý nghĩa tư tưởng như thế.
2. Truyện Nguyễn Đức Thông đặt ra những vấn đề về thể loại:
Đó là truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết?
Trước hết, về dung lượng, các truyện của Nguyễn Đức Thông thường rất dài, không theo dung lượng của truyện ngắn thông thường. Một truyện ngắn đăng báo có thể chỉ 1.200 chữ, hoặc 2.500 chữ có khi dài đến 5.000 chữ, nhưng truyện của Nguyển Đức Thông có độ dài hơn nhiều:
Con bướm vàng chóp cánh đen: 9.120 chữ; Rừng cao su thay lá: 13.920 chữ. Những cơn mưa cuối mùa: 14.400 chữ; Cây thánh giá giả: 16.016 chữ. Hoa tươi trong vùng cát: 17.200 chữ; Cây bằng lăng bật gốc: 22.8000 chữ; Sỏi đá nở hoa: 33.176 chữ.
So sánh với: Hai đứa trẻ (Thạch Lam): 3.124 chữ; Vợ nhặt (Kim Lân): 4 965 chữ; Một người Hà Nội (Nguyễn Khải): 5 000chữ; Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): 5 639 chữ; Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu): 7 186 chữ; và Chí Phèo (Nam Cao): 12.690 chữ.
Về cấu trúc, tuy viết dài, song những truyện của Nguyễn Đức Thông vẫn là những truyện ngắn, bởi vì cấu trúc ba phần: Hiện tại- Quá khứ- Hiện tại, thì phần “nhớ lại, kể lại” quá khứ chiếm phần lớn, phần truyện ở hiện tại ngắn. Thí dụ truyện “Sỏi đá nở hoa” dài33.176 chữ, phần kể chuyện quá khứ là 30.602 chữ.
Về cách dựng truyện, truyện ngắn thường được tác giả với tư cách là người thứ ba, người chứng kiến, người đứng ngoài câu truyện “kể lại”, “thuật lại”. Trái lại, Nguyễn Đức Thông dùng kỹ thuật dựng truyện của tiểu thuyết (miêu tả sự việc đang xảy ra) để viết truyện, thành ra truyện ngắn, truyện vừa của Nguyễn Đức Thông lại có phẩm chất tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi là như vậy. Tiểu thuyết này chỉ có hai phần: Mở đầu ở hiện tại (10 trang), Cha Liêm được bầu làm Giám tỉnh mới của tỉnh dòng Anselmô Việt Nam. Phần còn lại là kể chuyện quá khứ của Liêm (232 trang): Liêm lúc nhỏ, đi học chủng viện, vào dòng, đi du học ở Phi, học xong về Việt Nam, không được bài sai, rồi bị đẩy sang Phi, lại học chủng viện rồi về Việt Nam. Vì thế tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi có cấu trúc của một truyện ngắn nhưng được dựng lại bằng kỹ thuật viết tiểu thuyết.
Sự giao thoa thể loại này làm cho truyện ngắn trở nên dài và tiểu thuyết trở nên ngắn, tạo ra những cảm giác rất khác so với đọc tác phẩm truyền thống.
Thí dụ, trong Trăng rằm trên Phố Núi, phần kể lại quá khứ, nhân vật cha Giám tỉnh đã giúp việc truyền chức Linh mục cho Liêm, sau đó khuyên Liêm kiếm học bổng du học Phi (tr108-119). Đây là một người tốt, có tâm. Có một Giám tỉnh khác là Thiên (phần mở đầu truyện, ở hiện tại), người đã đẩy Liêm đi Phi để tranh chức Giám tỉnh, ông cũng là người viết thư cho Đức Giám mục ở Phi báo rằng Liêm là linh mục giả, làm cho Liêm lao đao ở Phi. Đó là một người xấu và ác. Hai nhân vật cha Giám tỉnh này là hai hay là một người? Theo mạch truyện, Giám tỉnh Thiên đã làm 3 nhiệm kỳ, gần 20 năm (tr.9), chắc chắn là người đã giúp đỡ Liêm trong việc truyền chức và du học và 2 nhân vật Giám tỉnh này là một người. Một nhân vật mà tính cách không thống nhất (vừa là người tốt, vừa là người ác), điều này không phù hợp với yêu cầu xây dựng nhân vật.
3.Một sự chọn lựa riêng các phương thức nghệ thuật.
Nguyễn Đức Thông viết những đoạn đối thoại đời thường rất sống động. Nhà văn phải thâm nhập rất sâu vào đời sống mới có thể viết được những trang văn sắc xảo và hấp dẫn như thế.
Việc miêu tả thiên nhiên làm biểu tượng cũng được Nguyễn Đức Thông triệt để khai thác. Hình ảnh vầng trăng khuyết (truyện Vầng trăng khuyết), hình ảnh cây bằng lăng bị bật gốc (truyện Cây bằng lăng bật gốc), hình ảnh hoa xương rồng (truyện Hoa tươi trong vùng cát), hình ảnh rừng cao su (truyện Rừng cao su thay lá)…đều là những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ chứa đựng tư tưởng và thẩm mỹ, và tạo được ấn tượng với người đọc.
Các nhân vật đều để lại dấu ấn trong tâm tưởng người đọc về những vấn đề tư tưởng và những thông điệp đức tin của tác giả. Đặc biệt là hình ảnh các nhân vật Linh mục, nữ tu, những nạn nhân của xã hội, của chiến tranh, nghèo khổ; những con người bất hạnh, những con người bị trói chặt trong bi kịch. Tác giả lên tiếng nói đòi quyền sống cho họ, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ trước những cái xấu, cái ác, cái giả dối làm tha hóa con người. Đó là tiếng nói của lương tâm trách nhiệm Công giáo trước thực tại. Nhờ vậy, các nhân vật của Nguyễn Đức Thông giàu phẩm chất “người” trong đời thực hơn là nhân vật văn chương. Tôi lấy làm tiếc rằng, nhân vật Liêm trong tiểu thuyết Trăng rằm trên Phố Núi chưa được xây dựng thành nhân vật tư tưởng. Liêm mới chỉ được miêu tả ở phần hiện tượng.
Trong truyện của Nguyễn Đức Thông cũng có những chi tiết không tạo được hiệu quả nghệ thuật. Thí dụ, việc đưa nguyên một bài giảng lễ (ở ngoài đời) dài 5 trang rưỡi vào bài giảng đêm Noel của cha Minh (truyện Noel trên phố nhỏ) và hô khẩu hiệu chính trị: “Phải dứt khoát không ma túy,không mại dâm, không phá thai, không giết chóc, không chiến tranh và phải ngăn chặn tất cả những thứ ấy”, làm hỏng không khí thánh thiêng của đêm Mừng Chúa Giáng sinh. Hoặc có những câu đối thoại của nhân vật dễ gây phản cảm, cần được viết khác đi.
Thí dụ, trong truyện Rừng cao su thay lá, nhân vật ông Cồi gọi con (nhưng là chửi cha Sự): “Minh ơi…ời! Mày chui sang nhà con chó ghẻ ấy làm gì thế! Đất nhà mình nó lấy xây mồ xây mả cho con mẹ nó, sang đấy làm gì” (gọi Linh mục là “con chó ghẻ”, nguyền rủa Linh mục lấy đất của dân “xây mồ mả cha mẹ”) là những lời xúc phạm hết sức nặng nề.
Hoặc, Lan dạy con (cha Sự lúc nhỏ): “Đúng! Nếu người ta chửi đúng thì mình nhận, nếu cần phải xin lỗi thì xin lỗi. Còn nếu người ta chửi sai, thì chó sủa kệ chó, đường ta ta cứ đi”. Câu “chó sủa kệ chó, đường ta ta cứ đi” lại được lặp lại ở miệng một Linh mục khác là cha Lễ trong truyện Sỏi đá nở hoa. Tôi nghĩ, không nên để những lời như thế làm lời giáo huấn vào miệng một Linh mục, bởi nó lộ ra cái tâm của nhân vật không thiện.
Cũng vậy, trong Trăng rằm trên Phố Núi, ông Lãm (là chú ruột) dạy Liêm: “Con Đốm muốn sủa lúc nào thì sủa vì nó là chó. Không ai chấp nó cả. Nhưng đang đêm con la lối như chó sủa, thì con thành chó rồi, con muốn là người hay là chó?”(tr.20). Chú dạy cháu, một đứa trẻ có chí hướng đi tu, lại hỏi cháu: “con muốn là người hay chó” thì thật nặng nề và phản giáo dục.
Đây là chi tiết tả tiếng chuông nhà thờ:
“Trong Đan viện, cuộc họp của Ban quản trị cũng đang đi dần tới hồi kết thúc. Tiếng chuông chiều nỉ non ai oán, ngân nga như tiếng ông lão ăn xin đầu làng, rên rỉ mỗi khi nghe tiếng bước chân người qua lại. Nghe chuông, bốn con chó châu đầu vào nhau tru tréo, mỗi con một giọng, hệt như một bản hợp xướng lạc điệu”(Cây thánh giá giả, trong tập truyện Sỏi đá nở hoa, tr.123).
Không rõ bạn đọc có cảm giác gì, tôi thực sự bị sốc khi đọc đoạn văn này. Còn đâu tiếng chuông nhà thờ thanh thoát vang lên trong chiều như tiếng thiên thần hòa ca trên không trung. Tiếng chuông nhà thờ đưa ta về với Chúa, về với ơn thứ tha và sự bình an. Tại sao tác giả tả tiếng chuông nhà thờ lại đưa vào đây “bốn con chó châu đầu vào nhau tru tréo”? Phải chăng đó là một ám chỉ Ban quản trị Đan Viện? Dẫu thế nào, những chi tiết như thế này có thể làm mất đi thiện cảm của người đọc và làm mất đi vẻ đẹp văn hóa Công giáo vốn có trong tâm thức giáo dân.
4.Hình như nhân vật bị áp đặt thực hiện mục đích của tác giả, bất chấp quy luật hiện thực. Thành ra, việc xây dựng nhân vật vi phạm những quy tắc của chủ nghĩa hiện thực. Vì tất cả các truyện của Nguyễn Đức Thông đều được viết bằng bút pháp hiện thực, nhà văn buộc phải tôn trọng những quy tắc của hiện thực.
Truyện Vũng nước ngập kể rằng: 17 năm trước Văn giúp Bạch Liên, nhưng lại bỏ rơi Liên để Liên bị mẹ bán cho người Đài Loan, rồi bị bán vào nhà Thổ. Liên may mắn gặp Tài, một thợ nề chuộc ra. Vấn đề là: Tác giả không cho biết trong 17 năm ấy, Bạch Liên ở đâu, sống thế nào. Tài gặp Bạch Liên ở đâu? Chỉ là một thợ nề, anh làm sao có tiền để chuộc Bạch Liên ra? Hai người ăn ở với nhau 5 năm mới có con sao Tài lại ép Liên phá thai?
Truyện Rừng cao su thay lá có vấn đề mâu thuẫn tư tưởng: Cha Sự nói: “Là Linh mục, tôi chỉ được tìm về chứ không loại bỏ, băng bó chứ không gây thương tích, chữa lành chứ không gây bệnh hoạn, cứu sống chứ không giết chết. Nhưngtại saoCha Sựkhông giải quyết việc dân chửi mình, mà mặc kệ, “chó sủa mặc chó”?
Truyện Con bướm vàng chóp cánh đen, có sự lắp ghép phi logic.
Cha Công đi giảng tập ở một nhà dòng. Kẻ trộm vào phòng cha lấy đi cái IBM và tiền. Có người báo cho biết chiếc IBM của cha ở tiệm cầm đồ, do một người đàn ông đem cầm. Cha Công ra tiệm cầm đồ gặp người đàn ông ấy. Đó là Tám xỉn. Ngày xưa, khi Công dạy học, Tám xỉn là phó chủ tịch Huyện rồi lên Chủ tịch. Ông ta đã đuổi thầy Công về Sở giáo dục. Oan gia gặp nhau. Hắn nói cái máy IBM là do thằng Nghĩa con hắn lấy và kẹt tiền hắn đem đi cầm. Cha Công cho hắn một phong bì và hẹn gặp lại.
Vấn đề là, tác gỉa không giải thích thằng Nghĩa (con Tám xỉn) lẻn vào nhà dòng rồi vào phòng cha Công thế nào để lấy cắp cái IBM. Việc lắp ghép Tám xỉn ngày xưa (20 năm trước) vào truyện là phi logic. Tám xỉn là chủ tịch huyện thì không thể thân tàn ma dại như vậy. Việc hắn làm học bạ giả và đi tù 10 năm cũng không có trong thực tế. Phải chăng tác giả muốn dùng luật nhân quả với nhân vật và đặt cha Công ở thế chiến thắng?
Trong các chi tiết truyện, chữ “nhạt nhòa” được tác giả sử dụng nhiều lần trong những truyện khác nhau. Hình như chất lãng mạn của chữ ấy có sức ám ảnh tác giả. Xin đọc: Tập Cây Bằng lăng bật gốc: các trang 7, 33, 94, 206, 208; tập Sỏi đá nở hoa, các trang: 11, 26, 37, 90, 93, 103,118; tập Trăng rằm trên Phố Núi các trang: 10, 95, 125, 135, 182, 239…Thực ra không có vấn đề gì trong việc dùng từ “nhạt nhòa”. Tuy nhiên vốn từ của một tác giả cũng bộc lộ nhiều điều về gốc gác (nhân thân) của nhà văn. Thí dụ, nhân vật Lan hậm hực nhìn Liêm hỏi: “Mày lấy giấy ở đâu ra làm tàu bay đây hả, thằng nỡm kia” (Trăng rằm trên phố Núi, tr.26). Chữ “thằng nỡm” là ngôn ngữ Bắc bộ.
MỘT CỐT CÁCH VĂN CHƯƠNG
Nguyễn Đức Thông khẳng định một cốt cách văn chương có chiều sâu và có nội lực. Nội lực ấy là vốn sống rất giàu có đã làm nên các truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Đức Thông. Chiều sâu đó là những thông điệp tư tưởng, vừa có tính triết lý vừa là những bài học đức tin, được chưng cất từ những trải nghiệm kết hợp với vốn tri thức triết học, thần học và những suy tư sâu sắc. Chính vì thế văn chương của Nguyễn Đức Thông vừa đem đến những mỹ cảm cho người đọc, vừa có sức tác động vào nhận thức, tâm hồn của người đọc. Đó là những trăn trở về số phận con người, những lo lắng về sự xuống cấp của lòng tin và ý thức sống đạo; sự tấn công của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng làm tha hóa cả giáo dân và tu sĩ; đặc biệt là sự gian dối, tà tâm, cái ác, những mưu ma chước quỷ đang trở thành lối sống của con người hôm nay, kể cả trong môi trường tôn giáo mà lẽ ra phải là hết sức thánh thiện. Truyện của Nguyễn Đức Thông là tiếng nói mạnh mẽ về yêu cầu Giáo hội phải canh tân để thích ứng với ngàn năm thứ ba này.
Tôi nghe âm vang những lời thiết tha này trong tác phẩm của Nguyễn Đức Thông:
“Muốn làm người con phải đục khoét đi cái tôi ích kỷ nơi mình. Nhớ rằng con vật chỉ biết tự vệ, chỉ có con người mới biết hy sinh”(Sỏi đá nở hoa, tr.44).
“Phải xây dựng những con người không tham vọng, biết tôn trọng con người và sự sống con người, biết coi hạnh phúc của người khác hơn hạnh phúc của mình” (Cây bằng lăng bật gốc, tr. 175).
“Xây dựng chất người, biết coi bản thân và tha nhân hơn tiền bạc, biết cho đi mà không tính toán, chính là điều vô cùng quan trọng cho xã hội hiện nay”(Sỏi đá nở hoa, tr.98).
“Con phải sống cho ra người, xứng danh là Kitô hữu: không ăn gian nói dối, không làm mất tiết hạnh, phải tôn trọng con người và sự sống con người”(Cây bằng lăng bật gốc. tr.137).
“Chúa bảo khi những biến cố ấy xảy đến, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát. ”(Lúa trổ bông. Trong tập Rừng cao su thay lá, tr.150).
“Chúa luôn biến sự dữ thành sự lành, chết thành sống cho những ai yêu mến ngài”(Vùng nước ngập, trong tập Rừng cao su thay lá, tr.204).
Tháng 5/2022
_____________________________