LUẬN VĂN “CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG SÁNG TÁC CỦA SONG NGUYỄN”-Giới thiệu

 

Bạn có thể đọc bài viết của Bùi Công Thuấn trên trang:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

_______________________

Giới thiệu

LUẬN VĂN THẠC SĨ VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO

Của Nt ĐẶNG THỊ LĨNH FMI

 

Bùi Công Thuấn

***

(Nt Đặng Thị Lĩnh, tác giả Song Nguyễn và tác giả bài viết- ảnh chụp 11/2024)

Văn học Công giáo là một vùng đất màu mỡ mà giới nghiên cứu học thuật chưa mấy người quan tâm. Trước đây có thể có nhiều lý do. Nhưng cho đến nay, tình hình đã khác. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII đã mở ra con đường rất xa về phía trước: Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng hướng đến “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước “. Vì thế, nghiên cứu sinh làm luận văn về văn học Công giáo là những bước đầu tiên của hành trình khám phá những giá trị của văn học Công giáo trong dòng chảy lịch sử văn học dân tộc.

 

TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Đặng Thị Lĩnh FMI,

Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh.

Chuyên ngành Văn học Việt Nam. Mã số: 8220121. Năm 2024

Luận văn Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam

Đề tài: “Cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn

Người hướng dẫn khoa học: PGS-TS Võ Văn Nhơn & TS Hoàng Thị Thùy Dung

GIỚI THIỆU NỘI DUNG LUẬN VĂN

Lý do chọn đề tài.

“…Đề tài nghiên cứu “Cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn” giúp chúng

tôi có thể khám phá và tìm hiểu một cách tường tận những thành tựu mà tác giả Song Nguyễn đã đóng góp cho dòng văn học Công giáo nói riêng và nền văn học Việt Nam đương đại nói chung. Đồng thời ước mong các tác phẩm của ông có cơ hội đến với người đọc thông qua việc chuyển tải những giá trị nhân văn cao đẹp được khơi nguồn từ cảm hứng tôn giáo trong sáng tác văn học” (bản thảo foto, tr.3)

Mục đích nghiên cứu

            “Trên cơ sở của việc làm sáng rõ bối cảnh cũng như những biểu hiện của cảm hứng tôn giáo trong văn học Việt Nam đương đại, người viết đi sâu tìm hiểu để phát hiện, khám phá và minh định về các khía cạnh của cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của tác giả Song Nguyễn cả về bình diện nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện. Qua đó khái quát thành những kết luận và đánh giá về đóng góp của tác giả trong dòng văn học Việt Nam đương đại nói chung, trong bộ phận sáng tác mang dấu ấn và cảm hứng tôn giáo nói riêng”.(đd, tr 13)

Nhiệm vụ nghiên cứu (đd, tr.13)

  1. Tìm hiểu cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho đề tài, nghiên cứu về tác giả Song Nguyễn.
  2. Khảo sát, phân tích, đánh giá những đặc sắc cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn ở phương diện nội dung: tư tưởng nhân văn Kitô giáo, con người nhân văn Kitô giáo và vẻ đẹp văn hóa truyền thống Kitô giáo.
  3. Khảo sát, phân tích, đánh giá những đặc sắc cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn ở phương diện nghệ thuật, gồm các bình diện: giọng điệu trần thuật, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật liên văn bản.

Phương pháp nghiên cứu (đd, tr. 15)

            Để thực hiện luận văn, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

  1. Phương pháp tiếp cận Thi pháp học.
  2. Phương pháp nghiên cứu liên ngành.
  3. Phương pháp tiểu sử.
  4. Phương pháp cấu trúc hệ thống.

Cấu trúc luận văn (đd, tr. 16)

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảoPhụ lục, luận văn được triển khai thành 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn.

Chương 2: Cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn nhìn từ bình diện nội dung.

Chương 3: Cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn nhìn từ bình diện nghệ thuật thể hiện.

Tác giả  Luận văn kết luận (đd. tr 159-162)

            “1. Cảm hứng sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sáng tác văn học. Nó là nguồn động lực tinh thần thúc đẩy nhà văn, nhà thơ có thể tạo ra những ý tưởng mới, khai thác các vấn đề, tái hiện những cảm nhận tinh tế và chân thực về cuộc sống để tạo ra những tác phẩm độc đáo.

Tôn giáo, với sự kết hợp độc đáo giữa lý trí và cảm xúc, hiện thực và siêu hình, đã từ lâu trở thành nguồn cảm hứng phong phú cho văn học nghệ thuật. Sự hiện diện của tôn giáo trong văn chương không chỉ thể hiện một quan niệm nghệ thuật về thực tại mà còn giúp định hình thế giới sáng tạo của người cầm bút. Trước bối cảnh của xã hội Việt Nam đương đại với nhiều vấn đề mới, cảm hứng tôn giáo trở thành nguồn mạch dồi dào và là nơi bày tỏ niềm tin sự suy tư về các giá trị tâm linh tinh thần. Các tác giả sử dụng tôn giáo không chỉ như một nền tảng đạo đức mà còn là một công cụ để suy gẫm về bản chất con người trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa,  giúp độc giả thấy rõ hơn sự tương tác giữa tôn giáo và đời sống, trong những thời điểm có nhiều biến động xã hội và sự thay đổi của các giá trị.

Cùng với thời gian, cảm hứng tôn giáo trong văn thơ đương đại đã thể hiện sự vận động phong phú qua các giai đoạn lịch sử, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự biến động của xã hội, văn hóa. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đã tạo ra một không gian sáng tạo độc đáo, nơi cảm hứng tôn giáo được thể hiện qua nhiều hình thức và phong cách khác nhau trong nền văn học. Trong đó, văn học Công giáo Việt Nam đương đại, với những nỗ lực không ngừng đã đóng góp quan trọng vào sự đa dạng và phong phú của nền văn học nước nhà. Lấy nguồn cảm hứng từ Kitô giáo và các giá trị nhân văn Tin Mừng, các tác phẩm văn học Công giáo không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, mà còn là tiếng nói của lương tâm, phản ánh những trăn trở, khát vọng và niềm tin của con người. Có thể nói, những ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo đến tư duy và nhận thức con người, cùng với sự kế thừa từ truyền thống văn học dân tộc và sự biến đổi của bối cảnh lịch sử, đã khẳng định rằng cảm hứng tôn giáo trong thơ văn đương đại vẫn đang phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phong phú hơn diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ mới.

  1. Tác giả Song Nguyễn (đd, tr. 160) giữ một vị trí đáng chú ý trong văn học Công giáo đương đại Việt Nam nhờ khả năng kết hợp hài hòa giữa những giá trị tôn giáo với các vấn đề xã hội nhân sinh. Ông đã tạo dựng dấu ấn riêng qua việc thể hiện chiều sâu cảm xúc và tư tưởng tôn giáo qua các nhân vật và cốt truyện gần gũi, dễ đồng cảm. Bắt nguồn từ giáo lý Công giáo, các câu chuyện của Song Nguyễn đi sâu khai thác các chủ đề tư tưởng về hệ thống các giá trị nhân văn Kitô giáo và các thực hành đức tin trong đời trong các cộng đoàn Kitô hữu, trước những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử và xã hội. Trọng tâm trong các tác phẩm của ông trình bày niềm tin vào Thiên Chúa là đấng sáng tạo và chăm sóc cho mọi loài trong vũ trụ này. Do đó các nhân vật của ông thường tìm thấy sự an ủi và mục đích trong mối quan hệ của họ với Đấng Siêu Việt, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cả niềm vui và thử thách của cuộc sống. Hình ảnh Chúa Giêsu đóng vai trò là tia sáng của niềm hy vọng và sự cứu rỗi, là hình mẫu thông truyền cảm hứng cho các nhân vật sống tinh thần bác ái và phục vụ. Song Nguyễn qua các tác phẩm của mình cũng trình bày quan niệm của Công giáo về đời sau, nhấn mạnh bản chất bất tử của linh hồn và kêu gọi con người sống đức hạnh.

Hình tượng con người nhân văn Kitô giáo qua ngòi bút của Song Nguyễn không chỉ là một hình tượng văn học mà còn là một lời nhắn nhủ sâu sắc về tình người và đạo lý. Họ không chỉ đơn thuần chấp nhận thực tại mà còn chủ động tìm kiếm chân lý, nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp nơi con người sống với sự thấu hiểu, yêu thương và lòng trắc ẩn.

Cảm hứng tôn giáo trong các sáng tác của Song Nguyễn cũng  phản ánh một cái nhìn đa chiều. Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách mới, những tình huống mới đòi hỏi con người phải đào luyện bản thân để trở nên kiên vững trong đức tin. Chính niềm tin tôn giáo giúp họ đối diện với những giới hạn, yếu đuối của bản thân, đồng thời tìm thấy sức mạnh để vượt qua khó khăn vàm hoàn thiện nhân cách, tạo nên một hành trình khám phá tâm linh đầy cảm xúc. Thông qua việc khám phá các chủ đề Công giáo, Song Nguyễn mang đến cho độc giả sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình trạng con người và hành trình tìm kiếm chân lý; đồng thời mời gọi sự chiêm nghiệm về vai trò của tâm linh trong việc định hình cuộc sống con người và xã hội.

3.Cảm hứng tôn giáo có vai trò (đd, tr 161) chi phối cách mạnh mẽ lên các phương thức nghệ thuật của Song Nguyễn. Qua việc sử dụng đa dạng các giọng điệu, Song Nguyễn đã tạo ra một thế giới nghệ thuật phong phú, đa chiều, phản ánh chân thực và sâu sắc về cuộc sống con người. Bằng việc đặt ra những cậu hỏi sâu sắc về cuộc sống, con người và ý nghĩa của sự tồn tại, ông tạo nên một không gian văn chương đậm chất triết lý và chiêm nghiệm, nơi mà người đọc không chỉ cảm nhận được câu chuyện mà còn bị cuốn vào những dòng trạng thái nội tâm sâu sắc của nhân vật.

Tác giả cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau, mất mát của con người bằng lời văn giàu cảm xúc, diễn tả lòng thương cảm, xót xa, cùng sự thấu cảm với thân phận con người trong cuộc đời. Nhân vật của ông thường đứng trước những biến động, đau khổ, và sự trống rỗng. Nơi đây họ phải đối mặt với xung đột nội tâm giữa lý trí và tình cảm, giữa cái tôi và cộng đồng, giữa cá nhân và xã hội giữa niềm tin và sự hoài nghi , giữa cái thiện và cái ác, làm nổi bật mồi quan hệ sâu sắc giữa con người hiện sinh và tôn giáo.

Song Nguyễn khéo léo sử dụng các bản văn tôn giáo khác nhau với mức độ đậm đặc, cùng các hình ảnh, biểu tượng và câu chuyện từ Kinh Thánh để tạo nên chiếu sâu cho tác phẩm. Những liên văn bản này giúp nâng cao tầm vóc  tư tưởng, gợi mở cho người đọc một trường liên tưởng rộng lớn về ý nghĩa của tác phẩm. Các thuật ngữ tôn giáo đan xen với việc sử dụng ngôn ngữ sinh họat đời thường giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và đồng cảm với hoàn cảnh nhân vật, tạo nên sự hòa quyện giữa cảm xúc cá nhân và các yếu tố tâm linh, giữa cái thiêng liêng và cái phàm tục. Nhờ đó, những vấn đề cao siêu khó hiểu của tôn giáo cũng có thể trở nên gần gũi, đi thẳng vào trong sự chất phác, suồng sã và cực nhọc của đời sống con người trước bối cảnh lịch sử xã hội nhiều biến động. Sự giao thoa của cảm hứng tôn giáo với các yếu tố lịch sử , xã hội, văn hóa, đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc và phong phú trong thế giới con người và nghệ thuật của Song Nguyễn.

Như vậy, cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn không chỉ đóng góp vào việc làm phong phú thêm cho nội dung văn học Việt Nam đương đại, mà còn tạo ra những phương thức thể hiện nghệ thuật độc đáo, mang lại cho độc giả nhiều trải nghiệm tinh thần sâu sắc và nhân văn. Đậy cũng là một minh chứng cho sức mạnh của cảm hứng tôn giáo trong văn học Việt Nam đương đại, trong việc kết nối con người với những khát vọng và nỗi đau chung của nhân loại. Nó cũng thể hiện sự ảnh hưởng không hề nhỏ của đời sống niềm tin và văn hóa công đồng đối với cảm hứng sáng tạo văn học của các văn nghệ sĩ, góp phần làm nên những thành tố quan trọng trong tư duy nghệ thuật của từng tác giả.”(đd, tr. 162)

CHIA SẺ CỦA NGƯỜI GIỚI THIỆU

            Luận văn “Cảm hứng tôn giáo trong sáng tác của Song Nguyễn” của Nữ tu Đặng Thị Lĩnh FMI có nhiều ưu điểm.

  1. Về văn phong (phong cách ngôn ngữ), văn bản luận văn được viết bằng lối văn chuẩn

mực vừa có tính khoa học vừa đậm dấu ấn cá nhân. Văn phong ấy thể hiện một niềm tin vững chắc vào đề tài mình nghiên cứu, có tính khái quát cao cùng với liên hệ mở rộng. Tác giả sử dụng kiểu câu nghị luận dài, tổng hợp nhiều mệnh đề nhưng mạch lạc, ngôn ngữ chắt lọc, hàm lượng thông tin cao, cùng với hệ thống lập luận hợp lý (logic), vì thế luận văn giàu tính thuyết phục.

  1. Sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận nghiên cứu như Thi pháp học, phương pháp tiểu

sử, phương pháp liên ngành, phương pháp cấu trúc hệ thống, có cả nghiên cứu văn hóa, vì thế luận văn khám phá và khẳng định được nhiều giá trị tác phẩm của Song Nguyễn. Cấu trúc nội dung của luận văn gồm 3 chương như vậy đủ để trình bày khá toàn diện về vấn đề.

  1. Tác giả là một nữ tu nên những tri thức Thần học, Triết học, tri thức về Kinh thánh, về

sống đạo rất sâu rộng. Sử dụng vốn tri thức này, tác giả có ưu điểm khi lý giải những vấn đề tôn giáo do tác phẩm Song Nguyễn đặt ra. Luận văn đạt được sự sâu sắc, chuẩn mực, về tri thức tôn giáo, nhờ thế người đọc hiểu tường tận và cặn kẽ hơn sự việc và con người tôn giáo trong tác phẩm của Song Nguyễn.

  1. Đôi điều chia sẻ thêm về luận văn.

a.Nội hàm của một vài thuật ngữ chưa được xác định cụ thể để làm tiền đề lý luận, chẳng hạn hai thuật ngữ: “Mỹ học Kitô giáo” tư tưởng Nhân văn Tin Mừng”. Tác giả có lý giải, có dẫn giải định nghĩa từ các tự điển, song Mỹ học Kitô giáotư tưởng Nhân văn Tin Mừng là hai thuật ngữ hoàn toàn mới, chưa hề có trong các sách lý luận văn học trước đây. Hai thuật ngữ này mới chỉ được đặt ra lần đầu cuốn Những mùa vàng văn học Công giáoVăn học Công giáo Việt Nam đương đại [[1]] vì thế cần được nghiên cứu sâu hơn, đồng thời cũng cần được so sánh với những phạm trù mỹ học khác để khu biệt. Thí dụ, so sánh với Mỹ học Thiền, Mỹ học Mác – Lênin…

b.Một phương pháp nghiên cứu có ý nghĩa phương pháp luận chưa được vận dụng đó là đặt văn học vào bối cảnh xã hội để xem xét và lý giải, tìm ra những đặc điểm, xác lập những giá trị văn học đối với hiện thực, tức là xem xét mối quan hệ giữa văn học và hiện thực.

Nói cụ thể, tác phẩm của Song Nguyễn viết về đời sống của người Công giáo Việt Nam suốt từ những năm trước 1945 đến thời đổi mới (1986). Trong giai đoạn ấy, lịch sử Việt Nam đã trải qua Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp (1946-1957), đất nước bị chia cắt và kháng chiến chống Mỹ (1955-1975), rồi hòa bình, thống nhất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và “đổi mới”. Tác phẩm của Song Nguyễn là một sử thi về người Công giáo sống đạo trong những biến động lớn lao của lịch sử ấy, là tiếng nói lương tâm và trách nhiệm Công giáo trước thời đại, những giá trị ấy đóng góp thêm điều gì cho văn học Việt đương đại?

Chắc chắn một điều, văn học Việt sáng tác theo Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa mới chỉ quan tâm đến “hiện thực Cách mạng và kháng chiến”, tức lả phần hiện thực nhân dân kháng chiến và hiện thực xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chưa quan tâm đến phần hiện thực không Cách mạng, hiện thực đời sống tôn giáo. Vì thế tác phẩm của Song Nguyễn là một đóng góp mới mẻ vào văn học Việt đương đại. Điều này luận văn chưa quan tâm. Cũng vậy, Song Nguyễn đã góp vào văn học Việt đương đại những kiểu nhân vật của riêng minh, mà tác giả gọi là nhân vật sống “Đời dâng hiến” (các linh mục, tu sĩ…), hoàn toàn khác với những gì văn học Việt đã có trước đó (Bão Biển của Chu Văn)…

c.Tác giả luận văn khái quát nhân vật trong tác phẩm Song Nguyễn là “con người” nói chung, mục đích để khẳng định tác phẩm của Song Nguyễn có tầm phổ quát triết học. Xin đọc: “Thông qua việc khám phá các chủ đề Công giáo, Song Nguyễn mang đến cho độc giả sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình trạng con người và hành trình tìm kiếm chân lý; đồng thời mời gọi sự chiêm nghiệm về vai trò của tâm linh trong việc định hình cuộc sống con người và xã hội(Kết luận, 2).

           Con người” trong nhận thức như vậy là “con người siêu hình”. Song Nguyễn không miêu tả “con người” như thế, mà miêu tả cụ thể. Hãy nhìn một “con người”, ta có thể nhận rõ “con người” ấy có nhiều bình diện: Con người thể lý (thể chất-sinh lý), Con người tâm lý (suy nhĩ tình cảm, cảm xúc), Con người xã hộiCon người tâm linh. Nhân vật chính của Song Nguyễn là linh mục, tu sĩ nên Song Nguyễn khám phá sâu dậm Con người tâm linh. Nhưng các nhân vật ấy lại sống trong một bối cảnh xã hội cụ thể nên Song Nguyễn cũng tập trung khám phá ứng xử của người Công giáo (Con người xã hội) trong những biến động chính trị mà họ trải qua. Điều đặc biệt của ngòi bút Song Nguyễn là lý giải Con người xã hội bằng Con người tâm linh.

Chẳng hạn, truyện dài Đồng Hành  miêu tả một trận càn trong đêm ở một xứ nhỏ vùng Đồng Tháp Mười những năm 1960. Dì Năm bị giết chết bên bờ ruộng, cha sở bị bắt đi…(Chương 9); Truyện dài Vì Sao Sáng kể lại việc Linh mục Trung Tín trên đường lên Đà Lạt nghĩ hè bị quân Giải phóng bắt vào rừng mấy tháng, nhiều lần bị cán bộ Cách mạng thẩm vấn (chương 15, 16). Họ tranh luận về sự chọn lựa lý tưởng sống; Trong truyện dài Đồng Cỏ xanh, linh mục Phương Tín phải quan hệ với cả hai bên để tìm nơi bình an đưa con dân lánh nạn chiến tranh. Song Nguyễn miêu tả cụ thể (chương 4) cảnh linh mục Phương Tín lặn lội vào rừng nhiều lần để liên hệ với Chú Hai (cán bộ Cách Mạng). Bộ truyện dài Đất Mới là hành trình linh mục Nguyễn Phương Toàn đưa đoàn dân đi xây dựng Kinh tế mới sau 1975. Song Nguyễn xây dựng một “Đất mới” tươi đẹp, không còn hận thù, không đố kỵ phân biệt đối xử, không định kiến, “đất mới’ trong lòng người…

Vì thế nếu quá thiên về khám phá ngòi bút Song Nguyễn miêu tả “Con người tâm linh” (Con người siêu hình) thì sẽ không thấy được giá trị hiện thực của tác phẩm Song Nguyễn.

d.Để định vị được giá trị tác phẩm và vị trí của Song Nguyễn đối với văn học Việt đương đại, cần xem xét Song Nguyễn trên hệ quy chiếu: Song Nguyễn với 400 năm văn học Công giáo và Song Nguyễn trong văn học Việt hôm nay (từ những năm 1980 trở đi); đồng thời xem xét riêng tác phẩm Song Nguyễn trong dòng các tác phẩm có yếu tố tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo…). Tôi dùng chữ “có yếu tố tôn giáo”, bởi vì “yếu tố tôn giáo” bao gồm tất cả thành phần kiến tạo tác phẩm (chủ đề, nội dung, nhân vật, bút pháp, phong cách…), còn “cảm hứng tôn giáo” chỉ là một yếu tố khởi đầu của quá trình sáng tác.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi một luận văn phải bàn về mọi vấn đề văn học. Luận văn Thạc sĩ chỉ yêu cầu ngưới viết chứng tỏ năng lực nghiên cứu. Tức là, người viết phải có phương pháp luận, có phương pháp nghiên cứu; có năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh; có tri thức văn học, có khả năng trình bày luận văn và khám phá được những điều mới mẻ từ đề tài, đóng góp vào hành trình nghiên cứu chung. Không đòi hỏi luận văn phải là một công trình bao quát được toàn diện vấn đề.

Xin chúc mừng nữ tu Đặng Thị Lĩnh đã hết sức “can đảm” dấn thân vào một đề tài mà trước đó chưa có người quan tâm. Luận văn đã đạt được nhiều giá trị vượt trội. Đặng Thị Lĩnh đã mở ra một hướng rất rộng cho việc nghiên cứu văn học Công giáo đương đại, và sẽ có nhiều niềm vui nối tiếp niềm vui trong hành trình học thuật của người trẻ tiếp nối theo.

Tháng 11/ 2024

______________________________

[1] Bùi Công Thuấn-Những mùa vàng văn học Công giáo, Nxb HNV. 2020; Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb HNV 2022

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok