BẠN CÓ THỂ ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINJK:
buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
MIỀN HOANG TƯỞNG
& Những thử nghiệm của Nguyễn Xuân Khánh
Bùi Công Thuấn
***
Nguyễn Xuân Khánh viết Miền hoang tưởng năm 1973-1974. Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1990. Nhà xuất bản Hội Nhà văn in 2015 với tên Hoang Tưởng Trắng. Như vậy, Miền Hoang tưởng đã được viết cách chúng ta rất xa (48 năm). Người đọc hôm nay (2021) tiếp nhận Miền Hoang tưởng thế nào? Liệu những vấn đề tác phẩm đặt ra còn liên hệ với chúng ta? Và nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh có đóng góp gì cho sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại?
MIỀN HOANG TƯỞNG
Miền hoang tưởng là truyện của Tư, nhân vật xưng “Tôi” tự tường thuật đời mình. Tôi sống và làm việc ở Tây Bắc. Tôi yêu Ngà. Nhưng để thực hiện ước mơ âm nhạc, Tôi đành chia tay Ngà về Hà Nội học nhạc và kiếm sống.
Ở Hà Nội, lúc đầu, Tôi ở với anh chị Trần, sau đó Tôi đến nhà thầy giáo Hưng, rồi sang nhà họa sĩ Minh. Tất cả họ đều khó khăn, tôi không đến nhà ai nữa, lang thang, đến nhà ga Hàng Cỏ. Ở đây Tôi kết bạn với Ngọ, một thương binh, vô gia cư. Ngọ chỉ cho tôi cách bán máu để có tiền.
Nhiều lần Ngà viết thư gọi tôi về Tây Bắc, nhưng Tôi không về vì trong túi không có tiền. Sau đó Ngà đã lấy Mai, đội trưởng của Tôi. Tình yêu ấy làm tôi đau khổ khôn nguôi.
Để có tiền “trả nợ” ân nghĩa với Hưng, Tôi đã bán máu 2 lần. Sau lần bán máu thứ hai, tôi bị ốm rất nặng, nóng sốt mê sảng với nhiều cơn ác mộng.
Tôi hồi tỉnh, gặp lại Ngà. Ngà gầy ốm khổ sở vì Mai nổi cơn điên hành hạ cô. Vợ chồng Ngọ lên rừng sinh sống. Hưng đem cho Tôi bản vẽ về một ngôi nhà tương lai đẹp và tiện lợi. Minh đã vẽ xong sery tranh Nước Mắt. Con anh Trần, thằng Lê đi bộ đội giờ được đi Liên xô. Còn Tôi, “Chỉ ít bữa nữa tôi và Ngà sẽ đến nơi đau buồn nhất”.
Hoang tưởng là những nhận thức, ý nghĩ hoang đường, không thực tế nhưng người hoang tưởng lại tin chắc là thật, và theo đuổi những ý nghĩ ấy như theo đuổi con đường chân lý. Đó là một căn bệnh. Minh nhận xét về Tôi: “Đầu óc cậu toàn là mộng mị. Cậu mắc bệnh hoang tưởng”. Tôi “mắc bệnh” nhưng vẫn tin mình khỏe mạnh và nhận thức đúng bản chất hiện thực, và anh hành động theo “nhận thức đúng” ấy.
Truyện hoang tưởng là truyện của nhân vật Tôi (Tư).
Trước hết Tôi hoang tưởng về tình yêu của Ngà. Tôi tin rằng Ngà yêu tôi, sẽ chờ tôi nên tôi mới bỏ Tây Bắc về Hà Nội đi học nhạc. Tôi tưởng tượng sau khi học xong, Tôi sẽ về làm nhạc và cày ruộng. Mặc dù Ngà khẩn thiết gọi tôi về và chị Trần cũng thúc giục tôi lấy Ngà, nhưng tôi định sau hai năm, khi tôi có tiền tôi sẽ lấy Ngà, vì tôi không muốn Ngà khổ.
Nhưng rồi hoàn cảnh thực tiễn đã xảy ra, khác hoàn toàn với mọi dự định của Tôi. Tôi đã không hành động để giữ lấy tình yêu. Mẹ Ngà ốm nặng, Ngà một thân một mình, Tôi lại vô trách nhiệm với người yêu. Mai đã đến giúp đỡ Ngà. Sau đó Ngà lấy Mai. Đó là một quy luật ai cũng hiều. Tình yêu và tình bạn của Tôi trở thành tình thù. Vết thương tâm của Tôi không sao lành được, nó trở thành một vết thâm thù trong Tôi, hành hạ tôi khôn nguôi và là một trong nhiều nguyên nhân đẩy tôi vào tình trạng “trầm cảm” về sau.
Rời Tây Bắc, tôi lao vào một một con đường hoang tưởng khác. Tôi định về Hà Nội thi vào Đại học âm nhạc, rồi trở thành một tài năng. Nhưng Tây Bắc không cho Tôi đi nên Tôi không thể vào học trường nhạc. Tôi tìm thầy học. Tôi đã đưa thầy coi 100 bài nhạc tôi viết. Ông động viên Tôi và chỉ ra 2 khuynh hướng: hướng “mức độ”, và hướng “phá phách”. Ông khuyên Tôi: “Em hãy tự chế ngự mình. Hãy học hỏi cái tinh thần mức độ của người Pháp. Đừng thái quá. Trương Chi của em có cái giọng bí ẩn của kẻ chán đời. Đừng đi vào Trương chi-Một đề tài khó-Một vực thẳm kề bên núi cao. Khéo thì đứng trên đỉnh núi, không khéo thì sa xuống vực thẳm. Em có thể đứng trên đỉnh núi cao, cô độc như chim đại bàng không? Em có thấy choáng váng khi nhìn xuống vực thẳm không? Hãy chú ý! Sự choáng váng bên bờ vực thẳm cũng có lực hấp dẫn. Một ma lực để tạo nên những kỳ tích, nhưng cũng để làm tan xác. Hãy tự hiểu mình là kẻ bình thường”.
Lời khuyên của ông thầy dạy nhạc rất chân tình và thực tiễn, nhưng Tôi đã không nghe theo. Tôi tiếp tục viết “giao hưởng Trương Chi”, và tự hóa thân vào khổ mệnh của Trương Chi. Tôi vận tình yêu của mình vào thân phận của Trương Chi. Lẽ ra Tôi cần phải hiểu, Tôi chỉ là người bình thường, nhưng tôi đã hoang tưởng mình là một thiên tài trên đỉnh núi cao. và Tôi rơi xuống vực thẳm với những cơn “nhập đồng” vào giao hưởng Trương Chi ma quái.
Tôi cũng hoang tưởng về con đường kiếm sống như hoang tưởng về con đường âm nhạc. Tôi định về Hà Nội kiếm tiền, sau đó trở lại Tây Bắc cưới Mai. Nhưng ở Hà Nội, Tôi là một kẻ không nhà ở, không nghề nghiệp, không hộ khẩu, không tem phiếu. Tôi phải nương nhờ người khác. Ở nhà anh chị Trần, giữa Tôi và anh Trần có một cuộc chiền tranh lạnh, tôi phải ra đi. “Dạo này chẳng có việc làm, thóc gạo lại tăng giá vùn vụt. Cả tháng trời, Tôi đi rửa ảnh thuê cho người bạn chỉ được hơn hai chục, chưa đủ tiền đong 10 cân gạo… tôi không về nhà anh chị, vì thế Tôi phải sống thất thường bữa no bữa đói”. Tôi đến nương nhờ nhà thầy giáo Hưng “với tâm trạng thằng ăn mày”. Vợ chồng Hưng ở trong một cái nhà đồng nát và Hưng là một người đồng nát, Tôi ở được vài ngày thì ra đi. Tôi cảm nhận được “đôi mắt đầy hận thù” của chị Hưng nhìn Tôi. Tôi hiểu: “Chị ấy căm thù mình là phải, tại sao lại đến ăn cướp miếng cơm, miếng thịt của con chị?”. Tôi xấu hổ và buồn phiền bước nhanh ra khỏi nhà Hưng.
Tôi không đến nhà Minh vì biết Minh đã cạn tiền. Minh đã làm đủ nghề kiếm sống: Thợ quét vôi, phu khuân vác, thợ nề, đi theo xe bò kéo, làm người chào hàng, đi đưa thuốc lá và kẹo bánh cho hàng chè chén. Tôi cũng không đến nhà ai khác nữa.
Tôi ra ga Hàng Cỏ.“Tôi ngồi ở thềm ga, vừa nghe vừa ngắm những cảnh đời thê thảm”. Ở đây Tôi gặp Ngọ, một “phó thường dân”, một thằng “ma cà bông kiểu mới”, “không hộ khẩu, không sổ gạo, không gia đình”; một “kẻ lưu manh hiện đại”; “mất hết khả năng kiếm sống”. Nghĩa là cũng giống như Tôi, một kẻ trần trụi, “quyền làm người thường dân tôi cũng chẳng còn”. Tôi trở thành bạn của Ngọ. “Hai chàng cựu bính Trường Sơn chia nhau mẩu bánh mì rồi bẻ đôi điếu thuốc Điện Biên phì phèo hút và tâm sự”.
Sau lần bán máu thứ 2, Tôi ốm nặng, đã kề cận bờ tử sinh. Không rõ sau khi vợ chồng Ngọ được xe Nhà nước chở lên rừng sinh sống thì Tôi sẽ sống thế nào?
Trong nhiều “hoang tưởng” thì hoang tưởng về niềm tin, hoang tưởng về lý tưởng làm cho Tôi suy sụp. Tôi tin vào Anh Trần, thế thệ đàn anh, tin anh những con người Cách mạng chân chính. Anh Trần, một trung đoàn trưởng, tham gia đấu tranh từ 1938, rồi trải qua cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ. Tôi thần tượng hóa anh, tin theo lời kêu gọi của anh và đi theo anh, dấn thân vào con đường chiến đấu. Tôi tin vào thế hệ trẻ mà Lê, con anh Trần, là niềm hy vọng. Lê nói với Tôi: “từ lớp 7 đến giờ cháu đã thấy nhiều điều bất bình khó hiểu. Có nhiều kẻ bỉ ổi, họ sống bằng sự dối trá, bợ đỡ và những kẻ ấy phần động thành công ở đời, cháu đâm ra chán nản. Thú thật, cháu thiếu cả lòng tin vào bố cháu. Cháu chán nhà trường, cháu đi vào cuộc sống để thử nghiệm, học võ, làm thơ, chơi bời với bạn bè lưu manh. Cháu kiên quyết sống theo suy nghĩ riêng của mình…Cháu sẽ đi bộ đội”. Thằng bé có lòng tự trọng, có bản lĩnh, biết phản đối quyết định “không công bằng” của bố. Anh Trần lo cho Lê đi học ở Đức. Lê tự quyết định đi bộ đội, từ chối cái “đặc quyền” con của một người có công với Cách mạng. Nhưng sau cùng Lê vẫn đi Liên xô. Tôi nhận ra, anh Trần đã vận động những đồng đội cấp cao của mình cho thằng con đi học, và nhận ra Lê, một người tuổi trẻ, lại đi con đường quanh co ấy để che giấu sự thực dụng mà lúc đầu anh tưởng Lê là người tuổi trẻ tự do, có bản lĩnh. Niềm tin của Tôi sụp đổ. Nhưng Tôi không nhận ra Thái độ của anh Trần và của Lê là thái độ đã có trong trường kỳ lịch sử, đời cha cống hiến đời con phải được “đặc quyền”. Anh Trần đã nói thế và làm thế.
Tôi cũng hoang tưởng về lý tưởng. Tôi muốn sống công bằng. Tôi nói với anh Trần: “Thực ra khi còn sự hy sinh vì công bằng, người ta còn là người Cách mạng. Khi lòng đã dửng dưng đối với lý tưởng công bằng, người ta hết là người Cách mạng…”. Đấy là cách Tôi phủ định anh Trần (cũng là phủ định lý tưởng). Việc anh lo cho thằng Lê đi Đức bằng sự “đặc quyền” là không công bằng. Nhưng rồi, dù thằng Lê đã đi bộ đội, thì sau cùng anh Trần cũng lo cho nó đi Liên Xô. Cái thực tiễn ấy biến lý tưởng công bằng của Tôi thành hoang tưởng. Trong mắt Tôi, những lý tưởng của anh Trần là giả dối, Những đàn anh như anh Trần, Mai, cũng là những kẻ giả dối. Họ “hết là người Cách mạng” vậy mà tôi cứ nghĩ “họ là người Cách mạng”. Lý tưởng của Tôi trở thành hoang tưởng khi Tôi khám phá ra sự trái ngược giữa bản chất và hiện tượng. Điều này làm Tôi thất vọng và đau khổ, tâm hồn tràn ngập nỗi buồn. Tôi chìm sâu hơn vào trạng thái trầm cảm.
Tôi muốn sống yêu thương. Tôi phản đối con vượn đòi trả thù cho chồng, con bị Mai giết. Tôi tự hào về niềm tin của Tôi gửi trong tiếng đàn: “Ta là đói nghèo, hèn kém, ta là con đò nát. Tiếng hát ta run rẩy trăng vàng. Ta yêu thương. Tình yêu ta chấn động quỷ thần. Những ngôi sao xa nghe giọng hát ta cũng rưng rưng nước mắt…”. Trong suốt tác phẩm, Tôi đã cảm thương con vượn mất chồng mất con. Cảm thương chị Trần bao năm chờ đợi. Cảm thương chị Hưng bị tâm thần khi nghe tin thằng con chết ở chiến trường. Cảm thương cho cô sinh viên y khoa tên Lan, lấy Ngọ, bị gia đình từ bỏ. Họ sống không nhà cửa, phải yêu nhau ở ngoài đồng. Lan khao khát một mái nhà. Tôi cảm thương cho bao cảnh đời ở nhà ga Hàng Cỏ, cảm thương những người bạn nghèo tốt bụng (Hưng, Minh, Ngọ) và cảm thương chính tôi.
Một con người đầy cảm thương như thế nhưng trong thực tế, khi đi chiến đấu, có lần Tôi đã cùng với đội trưởng Mai trực tiếp giết chết hơn hai chục tù binh ngụy bên vũng nước. Tôi bóp cổ tù binh và Mai dùng gậy đập đầu những tù binh như đập đầu con bò, trong đó có cả người lính yếu đuối, có bố là Việt Minh tập kết ra bắc. Việc ấy làm Tôi khủng hoảng và Mai phát điên. Tiếng đàn của Tôi ám ảnh: “Có thấy gì không? Một khúc sông lạnh mênh mông. Những xác chết gục bên bờ nước. Quan quân sang đò. Phải giết nốt những tên tù cho đỡ vướng”. Tôi muốn sống yêu thương nhưng phải đối mặt với sự tàn nhẫn. Trong mảnh giấy Ngọ viết về “Nạn hồng thủy”, Ngọ đã chỉ cho Tôi thực tế này: “Con người chỉ chăm lo dòm ngó đố kỵ đồng loại, dẫm đạp lên xác đồng loại mà tiến. Tâm lý ác được khơi gợi và dung túng dẫn đến chỗ phá tan rường cột đạo lý. Con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng. rồi lường thầy phản bạn…Tâm lý độc ác dã thú thống trị”. Tôi không phủ định được thực tiễn: “Ở nước ta bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi..” Và tôi đã phải thốt lên: “Phải chăng sự tàn nhẫn đã thắng thế?
Và sự hoang tưởng của nhà văn. Những năm 1973-1974, khi Nguyễn Xuân Khánh viết tác phẩm này, hiệp định Paris đã được ký kết. Chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ đã chấm dứt, bao nhiêu đổ nát, bao nhiêu khó khăn chất chồng; lúc ấy miền Nam vẫn đang là chiến trường lửa. Dù vậy, âm vang của “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội, của Hiệp định Paris, của khắp các mặt trận miền Nam vẫn là âm chủ đạo của cuộc sống. Tiểu thuyết Miền hoang tưởng nói gì về thực tại ấy?
Miền hoang tưởng không phản ánh gì không khí và xu thế của thời đại. Không gian Miền hoang tưởng bình lặng, chật chội trong một vòng rất nhỏ, từ nhà anh Trần sang nhà Hưng, sang nhà Minh, ra nhà ga Hàng Cỏ. Đường phố Hà Nội yên tĩnh. Nội dung xã hội cũng chỉ là những sinh hoạt kiếm sống của các gia đình ấy. Hưng muốn làm lại căn nhà đồng nát. Anh Trần lo cho con đi du học. Minh chăm lo vẽ để bán lấy tiền (Minh nghèo, say mê vẽ, bị vợ bỏ). Ngọ ở nhà ga, làm đủ mọi việc, cả việc bán máu. Một vài hình ảnh lam lũ trên sân ga: Một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ gầy gò nhễ nhại khóc, một đoàn nông dân đi mua sắm chống đói từ mạn ngược trở về, một bà cụ già ôm một chú lợn nơi ngực rao bán, người bán gà, người bán dừa Thanh, Ngỗng Sư tử, lợn lai kinh tế, người bán mì bị mời lên đồn Công an…và thu hẹp lại là chính cuộc sống của Tư (nhân vật Tôi) lang thang, vô gia cư, thất nghiệp. Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ nên một xã hội không phản ánh cái thực tại lúc bấy giờ.
Trong xã hội ấy nhà văn tô đậm hình ảnh bộ đội từ chiến trường trở về. Anh Trần -Trung đoàn trưởng thời chống Pháp, hiện là Bí thư Đảng ở một xí nghiệp lớn. Theo nhân vật Tôi, anh đã không còn là “người Cách mạng”, vì anh theo đuổi cái mục đích “đặc quyền” cho con anh. Đội trưởng Mai hiện lên như một điển hình của cái ác và sự bị trừng phạt. Trong chiến đấu, Mai đã dùng gậy đập đầu giết chết hơn hai chục tù binh Ngụy. Sau chuyện đó Mai bị bệnh tâm thần, bệnh khóc. Khi ở Tây Bắc, Mai trở thành kẻ cướp mất tình yêu của Tôi, kẻ phản bội đồng đội, đi thương lượng tình yêu với Tôi, Mai đem theo súng. Ngọ cho biết, anh là lính đi B năm 1965. Năm 1969 bị thương về Bắc. Học Tổng hợp, làm thơ, bị kết tội “tư tưởng phản động bị đưa đi cải tạo” hơn 1 năm. Được thả, anh bị đuổi về Nam Định làm ruộng. Nhưng nhà Ngọ 3 đời ở Hà Nội. Anh ra Hà Nội ở với cha mẹ.“Tôi ở nhà bố mẹ, không được nhập hộ tịch, không có gạo ăn, không có tiền lương rồi tự kiếm sống: lao động, dắt bò thuê, khuân vác… và trở thành “kẻ lưu manh hiện đại”; “mất hết khả năng kiếm sống”phải thường xuyên bán máu. Thầy giáo Hưng ở trong cái “nhà đồng nát” và trở thành “người đồng nát”. Con anh chết ở chiến trường. Vợ anh thương nhớ con mà bị điên, vì suốt đời con chị ao ước một cái quần simili. Hưng bảo, có lẽ anh cũng là một kẻ điên. Cũng cần kể đến người lính liên lạc của anh Trần. Trong chiến hào, khi bom nổ, anh liên lạc đã lấy thân mình che cho anh Trần. Anh liên lạc bị thương mất bàn tay. Ông có 5 người con: 2 là liệt sĩ. Đứa thứ ba 15 tuổi phải đi cải tạo vì tội giết người.
Chúng ta cũng chú ý đến thân phận những người phụ nữ. Trước hết là chị Trần. Chị lấy anh năm 17. Năm chị 19 anh bị Tây bắt. Chị tôi chờ đợi. Sau CM tháng tám, anh Nam tiến. mãi đến 1952 anh chị mới sum họp. Nhân vật “bà hàng xóm”, người đã giúp Chị Trần lúc chị sinh đứa con đầu. Bà cho chị ngô non để nhai. Hôm sau bà lại ra đồng kiếm thức ăn cho chị và 5 đứa con của bà. Một viên đạn đã bắn vào tim bà. Bà chết. Thằng con lớn bò ra ruộng kéo xác bà về. Giờ 3 đứa con lớn đi bộ đội, một người đã hy sinh. Đứa con gái nuôi lợn, thằng con út học nghề thợ tiện ở Hà Nội. Vợ Minh là một diễn viên. Cô chán ngấy những bức tranh quái dị của Minh. Cô cần niềm vui và sự thành thật. Cô chia tay Minh và dẫn con đi. Ba tháng sau lấy chồng. Lan, vợ Ngọ, một cô sinh viên Y khoa năm thứ ba, yêu Ngọ, tự nguyện lấy Ngọ và đi theo anh. Lan bị gia đình từ bỏ. Lan ở nhờ nhà bạn, đan kiếm sống. Một người bạn định dìu dắt Lan đi chợ cua ốc, nhưng không có vốn. Sau Lan đổi sang bán hoa quả, rồi theo Ngọ lên rừng.
Bức tranh xã hội ấy đúng như nhận thức của Tôi (cũng là của nhà văn) về thực tại: “Ở nước ta bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi..”; “Phải chăng sự tàn nhẫn đã thắng thế?
Có thể hiểu được, đó chính là lý do tại sao Miền Hoang tưởng không được xuất bản ở thời điểm tác giả viết xong (1973-1974). Nhà văn không nói gì về nguyên nhân đói nghèo khó khăn của miền Bắc là do chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra. Nhà văn tô đậm cái ác (Mai), cái đau khổ (Hưng), cái “thảm hại” (Ngọ), “đặc quyền” (anh Trần) của chiến tranh cùng với những thiệt thòi của người vợ, người mẹ và người dân trong chiến tranh phải chịu. Những “đại tự sự” của thời đại về chủ nghĩa yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, về lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, về vẻ đẹp của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, về sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội…đều vắng bóng trong tác phẩm này.
Nói cách khác, tác giả miêu tả một xã hội hoang tưởng so với hiện thực. Nó có thể là một góc của hiện thực, nhưng không phải là phần hiện thực chứa đựng những yếu tố của sự phát triển của tương lai. Nó phản ánh chính sự hoang tưởng trong ngòi bút của nhà văn. Lưu ý rằng đây là thời của những tác phẩm như Hàm Rồng (1968) và Sóng Hòn Mê (1971) của Hoàng Văn Bổn; Vầng trăng và những quần lửa (1970) của Phạm Tiến Duật, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu (1972), Những ngôi sao xa xôi (1973) Lê Minh Khuê…
NHỮNG CHIẾN LƯỢC
1.Chiến lược kiến tạo tác phẩm
Nguyễn Xuân Khánh chia tác phẩm làm 2 phần. Phần I là những lá thư tình qua lại giữa Tư (nhân vật trần thuật xưng Tôi) và Ngà. Tư ở Hà Nội, Ngà ở Tây Bắc. Ngoài những lá thư gửi cho Ngà, còn có những lá thư Tư không gửi. Thư gửi cho Ngà nói những điều theo cung cách giao tiếp công khai. “Thư không gửi” là những lời “ tự thú” về sự thật cuộc sống của Tư. Thí dụ, Thư thứ nhất gửi cho Ngà, Tư nói anh đã vào Đại học âm nhạc và có việc làm, vừa học vừa làm. Trong “Thư không gửi”, Tư nói anh không vào Đại học nhạc, hiện nay anh là thằng lang thang. Chúa bảo những ước mơ của anh chỉ là hoang tưởng. Thư thứ hai gửi Ngà, Tư nói Anh đã viết xong bài hát đầu tiên tặng em. Đó là bài hát “Tiếng rừng”. Tư còn dặn Ngà làm thịt gà bồi dưỡng cho mẹ và nói anh gửi mẹ ít thuốc. “Thư không gửi” thứ hai, Tư kể lại việc anh đã mua cây đàn Piano, và im lặng trước những lời anh Trần huênh hoang như: –Mỹ sắp hết máy bay, –Lê ơi con chuẩn bị sang Đức học; –Cách mạng Việt Nam…vĩ đại chẳng kém gì các mạng Pháp 1789 và cách mạng tháng 10 Nga… Phần thứ nhất chấm dứt khi Ngà lấy Mai và Tư làm bạn với Ngọ, lưu lạc ở nhà ga Hàng Cỏ.
Phần thứ hai là tâm trạng ngày càng “trầm cảm” của Tư. Trong vai trần thuật Tôi, Tư kể lại sự việc, tự phân tích tâm lý của mình, của người đối diện. Anh đứng trên lập trường của riêng mình để đánh giá người đối diện và từ đó đưa ra hành động. Chẳng hạn lúc ở nhà anh Trần, nhận ra anh Trần không còn là “người Cách mạng”, Tư bỏ đi. Hoặc, lúc ở nhà Hưng, Tư thấy trong ánh mắt chị Hưng có sự căm thù Tư đã ăn cướp cá thịt của con chị, anh đã xấu hổ bỏ đi. Hoặc, khi hiểu ra bản chất của Mai là một kẻ ác, kẻ cướp tình yêu của anh, phản bội tình bạn, anh coi Mai là kẻ thù. Trong cơn mê sảng hai người đã đánh nhau để tiêu diệt nhau. Những lúc tỉnh và những lúc chìm trong hoang tưởng như vậy của Tư đan xen nhau liên tục. Có cả những trường hợp nhà văn trộn lẫn những cơn mơ hoang tưởng với thực tại. Ấy là lúc Tư sốt cao, lạc vào mê loạn, và có người lay tỉnh Tư dậy. Trạng thái mê và tỉnh của Tư có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lúc nhớ Ngà, lúc nhìn bức tranh “Chúa chơi chim” hay pho tượng Chúa của Minh, hoặc lúc Tư chơi đàn, anh chìm vào tâm trạng của Trương Chi, hát những lời của Trương Chi đầy ẩn dụ.
Việc kiến tạo tác phẩm như thế đem đến hiệu quả gì? Đó là giản lược ngôi vị trần thuật đến mức gọn nhất. Chỉ có một nhân vật Tư, xưng là Tôi, một người trầm cảm, một người hoang tưởng, một nguồi luôn trong “những cơn thoát phàm kỳ dị” kể chuyện từ đầu đến cuối tác phẩm. Con người này không phải chịu trách nhiệm gì về những tư tưởng và hành động của mình, vì anh ta là một dạng tâm thần.
Không gian truyện rất hẹp (Tư chỉ quanh quẩn ở nhà chị Trần, đến nhà thầy giáo Hưng, sang nhà Minh, ra nhà ga Hàng cỏ, vào quán rượu của Râu Xồm), nhờ kết hợp với những cơn mơ hoang tưởng, siêu thực, tạo ra một không gian đa tầng, người đọc khó mà thoát ra bên ngoài để nhận thức về hiện thực cuộc sống đang diễn ra song song với các nhân vật. Thí dụ, hiện thực Tư đang sống (trong tác phẩm) được trộn với tiếng vượn hú, tiếng đàn, tiếng la hét của những “người điên”, sự nhốn nháo ở nhà ga Hàng Cỏ với thế giới siêu hình: sự xuất hiện liên tục của nhiều Chúa (Chúa thương xót, Chúa hiền, Chúa hai mặt…), của con quỷ đầu trâu cầm đinh ba, của con chim sơn ca hát lời tụng ca, của Trương Chi với con đò nát, chén trà, vầng trăng và điệu hát buồn thương u uất…Trong cái không gian nửa hư nửa thực ấy nhà văn đã dùng sương mờ trăng trắng che khuất cái hiện thực miền Bắc vừa sau hiệp định Paris ngoài kia. Để từ đó tô đậm cái “mặt trái” hiện thực Xã hội chủ nghĩa lúc đó.
Miền hoang tưởng có cấu trúc lỏng lẻo, hành động truyện rất nghèo, phần lớn trang văn là đối thoại của nhân vật và tâm trạng của nhân vật Tư (cũng là của tác giả), những suy nghĩ rối rắm, những nhận thức phiến diện bướng bỉnh, những mê tỉnh hỗn độn, khiến cho tác phẩm như một khu rừng um tùm cây cỏ, rất dễ mất dấu, vì thế nó làm nản lòng người đọc khi muốn đi vào khu rừng ấy.
2.Chiến lược dụng binh
Như trên đã trình bày. Lớp nhân vật chính thứ nhất là những người lính, hai thế hệ, kháng chiến chống Pháp (Anh Trần- một Trung đoàn trưởng, một Chính ủy, và người lính liên lạc) và chống Mỹ (Mai, Tư, Ngọ). Tác giả sử dụng “đội quân” này như thế nào và với mục đích gì?
Nhà văn không miêu tả kỳ tích anh hùng của họ mà tập trung khai thác một đăc điểm nào đó. Anh Trần đại diện cho tư tưởng công thần hưởng “đặc quyền”. Cả hai con anh đều được đi học Liên Xô. Mai là hiện thân cho cái “tàn nhẫn”, của cái ác trong chiến tranh. Nhà văn miêu tả rất chi tiết, rất sinh động cảnh Mai đập đầu hơn hai chục người lính ngụy tù binh bằng gậy ở bãi nước, trước khi đơn vị của Mai rời đi nơi khác. Nhà văn cũng miêu tả thêm cảnh Mai giết chó làm tiết canh mà người đọc cũng phải rợn người về sự lạnh lùng tàn ác của Mai. Nhân vật Ngọ, một người lính ở chiến trường B năm 1965, bị thương năm 1969, trở về đi học Đại học Tổng hợp, làm thơ bày tỏ thái độ trước hiện thực, bị bắt cải tạo hơn một năm, ra trại bị đuổi về quê. Ngọ trở về Hà Nội, không nhà ở, không hộ khẩu, không tem phiếu, “mất hết khả năng kiếm sống”, phải bán máu để sống.
Tại sao Nguyễn Xuân Khánh lại chọn người lính và tộ đậm họ lên? Vì người lính là nhân vật trung tâm của thời đại của một đất nước đang chiến tranh, bởi những gì liên quan đến người lính thì người ta đều tin là thật. Và vì người lính là con em nhân dân, nói đến họ là động đến trái tim của nhân dân. Vì thế, khi Nguyễn Xuân Khánh tô đậm nhân vật người lính (nhất là lúc còn đang chiến tranh, đang cần sự dũng cảm hy sinh), thì người đọc có thể hiều điều nhà văn muốn: người lính, những người đã chiến đấu và hy sinh, khi trở về họ được đối xử như thế. “Một thế hệ ngây thơ…và đẹp đẽ”bị lừa dối. Đúng như nhân vật Tư khẳng định: “phần Tôi cũng bị lừa lọc mất hết”.
Lớp nhân vật chính thứ hai là những người phụ nữ. Chị Trần chờ đợi chồng nhiều năm trong kháng chiến chống Pháp. Chị Hưng thương con, hóa điên khi đứa con chết ở chiến trường B. Bà hàng xóm của chị Trần bị một viên đạn trúng tim, thằng con phải bò ra đồng lôi xác mẹ về, bà để lại 5 đứa con. Lan, con một gia đình nề nếp, một cô sinh viên Y khoa, yêu và lấy Ngọ, bị gia định từ bỏ. Để kiếm sống Lan theo bạn bán cua ốc, rồi bán trái cây. Sau cùng, Lan theo Ngọ lên rừng sống vì nơi ấy, Ngọ nói, có cây có thể làm nhà, dù chỉ là một cái vòm mà Lan mơ ước. Ngà đã đánh mất tình yêu, đánh mất cuộc đời khi lấy Mai và bị hành hạ. Trên sân ga, một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ gầy gò nhễ nhại khóc, một bà cụ già ôm một chú lợn nơi ngực rao bán…Tất cả những người phụ nữ ấy đều có những phẩm chất truyền thống, thủy chung, thương chồng thương con cần cù chịu thương chịu khó. Họ sống thực tiễn nhưng đói nghèo và lâm vào những tình cảnh đau thương. Họ cũng tràn đầy khát vọng. Lan khao khát một mái vòm, dù chỉ là một túp lều để Ngọ và Lan trở thành vợ chồng thực sự. Họ không phải yêu nhau ở ngoài đồng. …
Miêu tả như vậy, Nguyễn Xuân Khánh dễ lấy được tình cảm của người đọc. Bởi thân phận người phụ nữ từ xưa đến nay là thân phận khổ và thiệt thòi. Trong chiến tranh và đói nghèo, họ đau khổ và hy sinh nhiều hơn. Dù vậy Miền hoang tưởng chưa cho thấy con đường tương lai của họ.
Nhân vật trung tâm là Tư, người xưng Tôi, đứng ở ngôi thứ nhất trần thuật. Tư là Tiểu đội trưởng trong đơn vị của Mai. Anh đã tham gia vào việc Mai trực tiếp giết chết hơn hai chục người lính ngụy tù binh. Khi về nông trường Tây Bắc, Tư là thầy thuốc và trong một dịp đỡ đẻ cho con bò sừng hươu của Ngà, hai người quen nhau và yêu nhau. Sau đó Tư về Hà Nội với dự định học Đại học nhạc. Nhưng Tây Bắc không cho đi nên anh không thể thực hiện được dự định. Ở Hà Nội, lúc đầu Tư ở nhà chị Trần, nhưng vì xung khắc với anh Trần, Tư bỏ đi. Anh đến nhà thầy giáo Hưng, rồi lại sang nhà họa sĩ Minh, và sau cùng sống lang thang ở ga Hàng Cỏ. Lúc quá cần tiền anh đã phải bán máu. Tư bị ốm nặng sau đợt bán máu lần thứ hai. Anh gặp lại Ngà.
Đến đây câu chuyện về Tư kết thúc. Không rõ nhà văn sẽ cho Tư làm gì để có cơm ăn, có nhà ở mà thực hiện ước mơ là tình yêu với Ngà và khát vọng sáng tác âm nhạc? Hiện tại, Tư không có hộ khẩu, không tem phiếu, không nghề nghiệp, không có cách gì kiếm tiền. Có lẽ đó là điều nhà văn muốn nói: Tư hoang tưởng trước thực tiễn. Anh bỏ cái đang có (ở Tây Bắc, anh là thầy thuốc, cuộc sống ổn, lại có ngưởi yêu), đi tìm cái viển vông là học nhạc và làm nhạc ở Hà Nội. Dù anh chị Trần đã cảnh tỉnh, dù thầy dạy nhạc đã khuyên Tư “Hãy tự hiểu mình là người bình thường”, và Chúa đã can ngăn: “Mi sẽ bị trừng phạt. Mi tưởng âm nhạc sẽ đem đến cho mi hạnh phúc sao? Nó sẽ dẫn mi đến những bến bờ xa lạ, ở đó mi sẽ chìm trong những băn khoăn dày vò”. Lần thứ 5 Chúa hiện ra trong giấc mơ của Tư, Ngài cảnh cáo: “Anh sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng, vì những nét nhạc lông bông, nét nhạc đang bị quỷ ám”. Nói cách khác, đó là những dự cảm của Tư về những tháng ngày lang thang, đói khát, đau khổ ở tương lai khi anh rời khỏi Tây Bắc. Nhưng Tư vẫn bướng bỉnh dấn thân vào con đường trầm luân ấy.
Tại sao Tư quyết tâm thực hiện dự định của mình?Anh dự địnhsau khi học xong sẽ “làm nhạc và cày ruộng”. Khi rời nhà anh Trần, Tư nói: “Tôi chỉ muốn làm người; Tôi sẽ tự nặn ra tôi”, tức là Tư không muốn nghe lời khuyên của bất kỳ ai. Tư tinh tế, sâu sắc. Anh dễ dàng nhận ra thái độ của người đối diện. Anh cũng có lý luận sắc xảo để bảo vệ ý kiến của mình. Tư chống lại tư tưởng “đặc quyền” của anh Trần và đòi hỏi sự công bằng. Anh cũng chống lại sự áp đặt của Chúa: “Con không chịu giã từ những ý nghĩ điên rồ, không chịu noi theo đường ta, nên bây giờ con là kẻ thất bại”. Anh cũng có lòng tự trọng khi sự hiện diện của anh làm anh Trần, chị Hưng khó chịu. Tư cũng biết sống tình nghĩa khi bán máu để có tiền “trả nợ” ân nghĩa cho Hưng. Anh cũng có tài làm nhạc, đã từng đưa cho thầy dạy nhạc 100 bài và viết giao hưởng Trương Chi. Và có lúc phản tỉnh, anh tự hỏi: “Phải chăng căn bệnh tàn nhẫn đã nhập và tôi dưới dạng hình thức: nhìn cảm khắt khe?”. Sau cùng, người đọc nhận ra Tư là người trầm cảm, anh sống nửa mơ nửa thực, anh chìm đắm triền miên trong những “cơn thoát phàm kỳ lạ”, anh tự tra vấnhoang tưởng: “Tại sao người ta cứ muốn nuốt sống ta? Tại sao ta là kẻ bị săn đuổi?; “Hoang tưởng thơ ngây. Tôi vẫn là một kẻ bần cùng. Một thằng vô danh tiểu tốt trên đời như tôi lại muốn đòi hỏi sự bình đẳng và cứ tin như điều ấy có trong đời sống”.
Những vấn đề Tư đặt ra có thấp thoáng bóng dáng xã hội, nhưng chưa cụ thể, chưa mạnh mẽ. Thí dụ vấn đề “đặc quyền” của con em cán bộ, vấn đề thế hệ trẻ không còn tin tưởng thế hệ cha anh (Lê); sự không quan tâm đãi ngộ những người đã chiến đấu, hy sinh (Ngọ, Hùng con chị Hưng chết trận) và, vì Tư là người trầm cảm, một “người điên”, một người hoang tưởng, nên những vấn đề ấy không được quan tâm. Ai lại đi tin một kẻ tâm thần. Cái tâm thần nằm trong tư tưởng “Tôi nặn ra tôi”, mà không quan tâm đến xã hội đang vận động để thích ứng. Anh Trần đã thay đổi. Cháu Lê cũng thay đổi. Minh đã đổi đề tài vẽ liên tục. Hưng đã làm lại các gác xép căn nhà đồng nát. Ngọ đã lên rừng. Còn Tư, vẫn chìm đắm trong những giấc mơ, vẫn sống giữa làn ranh thực và ảo.
Tại sao nhà văn muốn Tư mãi là một người hoang tưởng, mà không tạo cơ hội cho Tư thức tỉnh? Có lẽ những vấn đề của hiện thực vẫn còn đó, không được giải quyết, nên Tư cứ hoang tưởng: Đó là vấn đề “đặc quyền” của con em cán bộ, càng về sau càng trở nên hiển nhiên. Vấn đề người nghệ sĩ (Ngọ khi còn là sinh viên, làm thơ, bị kết tội “tư tưởng phản động”), họ bị theo dõi, xung quanh họ nhìn đâu cũng thấy “mú”, “mú chim”, “mú văn hóa”. Vấn đề sự tha hóa của người trẻ. Lê nói với Tư: “bây giờ con người dễ dàng giết nhau chỉ vì một cớ rất nhỏ nhoi…Cháu để ý hỏi, có đứa trả lời: Máu bốc lên thế là đâm ngay”. Vấn đề đói nghèo, đến bao giờ mới mới hết tình trạng “xóa đói giảm nghèo”? (Tuần qua thiếu gạo, bệnh la hét của Hưng trở nên trầm trọng). Trong thực tế, dân ta đã chịu đói nghèo quá lâu, từ những năm trước 1945 đến những năm 1990. Vấn đề tự do, con người tự định đoạt số phận mình (Tư muốn: “Tôi nặn ra tôi… Tôi không cần theo con đường của Chúa). Vấn đề thực hiện khát vọng(Tư muốn học nhạc, Lan tự do yêu và lấy Ngọ). Vấn đề “nhân nghĩa”. “Nhân nghĩa là gì? Cái gì có lợi cho nhà vua, cái đó là nhân nghĩa”.
Tất cả vấn đề còn đó, có cái ngày càng trầm trọng hơn, nhưng Tư vẫn chờ đợi, “trái tim tôi đang chờ đợi”;“Tôi chờ đợi những điều mới mẻ… đợi chờ một cái gì rất huyền diệu sẽ đến”…thành ra là hoang tưởng. Tất nhiên nhà văn không chỉ nói một mình Tư hoang tưởng, mà cả một thế hệ, một thời đại hoang tưởng. Tư nói với anh Trần, thế hệ đi trước: “Có lẽ anh thuộc một thế hệ khác, một thế hệ ngây thơ… và đẹp đẽ”; Tư nói với Lê, thế hệ đi sau: “Thế hệ trẻ đang trong cơn mê…những bộ óc non dại đang tìm chất kích thích trong cái hoang dại và tàn nhẫn”…Phải chăng nhà văn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh?
3.Những chiến thuật
Nguyễn Xuân Khánh miêu tả nhân vật Chúa thế nào và sử dụng với mục đích gì?
Nhân vật Chúa xuất hiện rất nhiều lần trong những giấc mơ, những cơn mê sảng, những lúc Tư chìm đắm miên man trong suy tư. Đó là “một con người đầy hào quang. Tư cho biết: “Dạo này anh đang đọc Kinh thánh với một niềm say mê kỳ lạ. Anh đang cố nhen nhùm lên trong lòng mình nỗi khát vọng của con người”[Thư thứ nhất Tư gửi cho Ngà]. Chi tiết này khiến người đọc nghĩ ngay đến đức Giêsu trong Kinh thánh. Ở lá thư thứ II (thư không gửi) Tư viết: “Chúa Giêsu với ánh hào quang rực rỡ trên đầu lại hiện về trong giấc chiêm bao”. Minh vẽ Chúa Giêsumặc áo đen, đầu tỏa hào quang. “Chúa đang quỳ gối ngửa mặt lên trời cầu nguyện, vẻ mặt hiền từ, kính cẩn. Sau lưng Chúa một con chim trắng đang bay, con chim bị gắn liền với Chúa bằng một sợi dây. Sợi dây, một đầu buộc vào chân chim, một đầu buộc vào chân Chúa.”[Thư thứ V-thư không gửi]. Như vậy, tác giả xác định rõ nhân vật Chúa trong Miền hoang tưởng là đức Giêsu trong Kinh thánh.
Nhưng theo dõi nhân vật Chúa trong cả tác phẩm, người đọc sẽ nhận ra đó là một nhân vật do tác giả sáng tạo, dù đôi khi có vài chi tiết mượn danh như bức tranh Minh vẽ (ở trên). Bức tranh này lấy lại hình ảnh Chúa trong Vườn dầu, nhưng lại bịa ra Chúa mặc áo màu đen và có con chim buộc ở chân.
Gọi nhân vật Chúa trong Miền hoang tưởng là nhân vật sáng tạo bởi vì, theo truyền thống hai ngàn năm của giáo hội Kitô giáo, Chúa Giêsu không bao giờ hiện ra với bất cứ ai. Vì thế không có chuyện đức Giêsu xuất hiện, dù trong giấc mơ, hay trong cơn mê sảng của Tư (lưu ý, Tư là người không tôn giáo). Trong truyện, Nguyễn Xuân Khánh rất ít khi trích dẫn Kinh thánh. Thấp thoáng cũng đôi khi nhại theo Kinh thánh. Chẳng hạn, ở lá thư thứ 3, khi Tư bảo Chúa: “Ông không phải là Giê su”, thì Chúa nói: “Ta là nẻo đường, ta là hạnh phúc, ta là chân lý. Những ai nói đến điều ấy đều là ta cả”; hoặcNguyễn Xuân Khánh cho con sơn ca hát: “Cảm ơn thượng đế đã cho ta cuộc sống./ Cảm ơn người đã vạch lối ta đi./ Cảm ơn Chúa Trời người là chân lý”[XII]. Những trường hợp này lấy ý từ Kinh thánh: Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6).
Đây là những dòng miêu tả của nhà văn về những lần Chúa xuất hiện nói chuyện với Tư: Mặt Ngài mang dáng nét con người thế kỷ XX. Khi Tư rời Tây Bắc, Chúa cảnh báo anh sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Chúa Giêsu tiên báo số phận của Tư. “Tư là Trương Chi. Gia tài của anh là con đò nát cộng thêm tiếng hát” [Thư thứ 3, thư không gửi]. Một con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba đến nói với Tư: Chúa trừng phạt anh vì anh dám chống lại những khuôn phép của Chúa, dám báng bổ xứ thiên đàng…; nhạc của anh làm cho người ta chỉ nghĩ đến mình.[Thư thứ VI]. Tư cũng thấy Chúa từ trong bức vẽ “Chúa chơi chim” của Minh bước ra. Chúa cũng xuất hiện trong giấc ngủ mơ của Tư ở nhà ga Hàng Cỏ, Người an ủi anh. Người chỉ đường cho anh: “Các con không biết đổi thay những quan niệm cố hữu, cổ xưa” (VIII).
Nguyễn Xuân Khánh miêu tả Chúa có hai mặt[IX]. Hình ảnh con chim bị buộc dây vào chân Chúa giúp Tư hiểu: “…chúng ta đang bị Chúa cầm tù bằng sự ngọt ngào”. Sau một cơn mê sảng toàn những chuyện man rợ, Tư được Chúa hiện về an ủi: “Lòng con đã vơi nhẹ rồi ư? Con đã khôn ngoan hơn. Nếu nỗi buồn cao thượng làm lòng con trong sạch, thì con cứ buồn. Miễn là con đừng bướng bỉnh với ta”[X]. Trong những ngày Tư chờ trích máu, Chúa thường xuyên hiện ra khuyên nhủ: “Con định bán thể xác con đi sao? Tội nghiệp! Tại sao con lại đi theo nẻo ấy? Tại sao cứ cưỡng lại ý của Cha các con? Hãy theo lời khuyên của ta. Đừng cứng, hãy mềm. Hãy làm theo như mọi người. Sự khiêm nhường cam chịu: đó là cội nguồn hạnh phúc, đó là bằng an vĩnh hằng. Nếu con cứ cố ý cưỡng lại mãi linh hồn con sẽ sa hỏa ngục”[XII]. Khi Tư bán máu lần thứ 2, một thiên thần ẩn mặt nói: “ngủ đi con. Hãy cứ mơ màng. Hãy cứ nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoang tưởng…ngây thơ…”[XII].Và trong một cơn mê sảng khi nhìn bức tranh đám ma của Minh, Tư nghe thấy tiếng một ông cố đạo, một vị sư và nhiều tiếng thoang thoảng, đoàn người không đầu, say sưa hát một bài ma quái: “Chúa chết cả rồi!/ Chúa xưa chúa nay!/ Chúa Đông chúa Tây/ Chúa Nam chúa Bắc/ Chúa hiền chúa ác/ Cũng đều chết sạch/ Chúa chết cả rồi/ Ta cười ta hát”. Sau tiếng hát là cơn mưa máu. Có tiếng an ủi: “Tỉnh lại con ơi. Chúa chết ư? Chớ lo. Con người sẽ có những thượng đế mới”. Con chim trong bức tranh của Minh nói trong vũ trụ có nhiều Chúa [XII]. Chương XIV còn có ông chúa sương, ông Chúa lành hiện ra an ủi Tư: “lòng con đã vơi nhẹ. Con hãy vui những ngày vui hiếm có của cuộc đời. Ta hiểu, giận hờn trong lòng con chỉ là những cơn bão ngắn”. Ông Chúa chơi chim ghé về thì thầm trong những phút ân ái của Tư: “Cậu thua Mai rồi. Cậu làm gì có sức mạnh”. Trong một cơn mê sảng, Tư đánh nhau với Mai. Chúa chơi chim lại nói: “Con chẳng nghe lời ta. Con đã thấy chưa? Sự tàn nhẫn đã nổi khùng”…
Tôi dẫn hơi dài về nhân vật Chúa để nhìn rõ “chiến thuật” của Nguyễn Xuân Khánh. Trước hết đó không phải là nhân vật tôn giáo thực hiện những nhiệm vụ tâm linh. Nguyễn Xuân Khánh không thâm nhập thế giới tâm linh. Nhân vật Chúa chỉ là sự phân thân của Tư trước lẽ thiện ác, là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tự do và trói buộc, những dự cảm về tương lai, và là một biện pháp tinh thần để Tư cân bằng tâm trí sau những cơn sốt mê man, quằn quại trong những cơn ác mộng (thí dụ khi xem bức tranh đám ma, Tư đánh nhau với Mai, và cơn mưa máu đầy xác người). Về tư tưởng, phải chăng Nguyễn Xuân Khánh lặp lại những luận điểm của chủ nghĩa Marx, rằng, Tôn giáo là thuốc phiện. Chúa ru ngủ Tư, bảo Tư khiêm nhường cam chịu đi theo con đường Chúa đã định.
Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng nhân vật Chúa thay cho bóng dáng những Bụt, tiên, ma quỷ, chằng tinh trong truyện dân gian (thí dụ con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba), sử dụng lại thủ pháp ngườitừ trong tranh bước ra như trong truyện Bích câu kỳ ngộ (Chúa trong bức tranh của Minh bước ra nói chuyện với Tư). Tất cả những miêu tả như thế là để phù hợp với trạng thái tinh thần hoảng loạn của người bịnh (Tư), và phần nào là biểu tượng mang ý nghĩa ẩn dụ. Chúa biểu tượng cho sự trói buộc tinh thần mà con người cố chống lại. Và Chúa cũng là những thế lực thống trị: “Chúa chết ư? Chớ lo. Con người sẽ có những thượng đế mới”. Tư tưởng “Chúa chết” (Gott ist tot) là của Friedrich Nietzsche. Sự lắp ghép tư tưởng Nietzsche vào bối cảnh này không tạo ra hiệu quả gì.
Bản “giao hưởng Trương Chi” của Tư cũng là một “yếu tố chiến thuật” phụ trợ cho nhân vật Tư. Sau ba tháng xa Ngà, Tư đã viết cho Ngà bài hát “Tiếng rừng” và gửi ông thầy dạy nhạc 100 bài khác [lá thư thứ III]. Đêm ấy anh đọc truyện Trương Chi, và có ý định sẽ viết thành giao hưởng. “Bản giao hưởng” này (thực ra là một trường ca) được viết từng phần theo nhịp điệu cuộc sống của Tư. Trong lá thư thứ 5 gửi cho Ngà, anh dạo khúc mở đầu giao hưởng Trương Chi cho cô nghe. Khi rời nhà anh Trần [Thư thứ V], Tư dạo khúc ly biệt. Tư ở với Hưng. Lúc Hưng có tin con chết, nhà thiếu gạo, Hưng nổi điên, Tư về nhà chị Trần, anh dạo khúc Trương Chi dang dở [IX]. Ở nhà anh Trần, sau khi tranh luận với anh, Tư đã dùng tiếng đàn để kể cho Lê (con anh Trần) nghe về cuộc đời bố mẹ Lê, kể chuyện anh Mai đập đầu hơn hai chục lính ngụy. Cảm giác của Tư sau khi chơi đàn: “Những phiền muộn tích tụ từ lâu hôm nay được giải phóng. Tiếng đàn đã nói hộ tôi phần nào. Tôi vẫn cảm thấy chút buồn, nhưng lòng đã thanh thản phần nào. Cảm giác được trút bỏ một phần gánh nặng”[X]. Ở quán Râu Xồm, Tư gảy khúc giã từ [XIII]. Khi gặp lại Ngà, Tư đánh “toàn bộ khúc Trương Chi”[XIV]. Sống với Ngà một tuần, Tư ngỡ là hạnh phúc, nhưng những “cơn mơ điên” vẫn đến và Tư lại sống trong phập phồng, khắc khoải, lo sợ. Khúc Trương Chi chưa kết thúc, bản nhạc của Tư vẫn còn viết dở…
Có thể “giao hưởng Trương Chi” là sự nhập thân của Tư vào định mệnh đau khổ của Trương Chi. Chính Chúa đã mách bảo điều này. Nó cũng là cách Tư tự giãi bày để cân bằng tinh thần khi không chia sẻ được với ai. Ngoài ra, tiếng đàn của Tư (Piano và Guitar) cũng là cách Tư giao cảm với mọi người, đặc biệt Tư dùng đàn kể lại lịch sử cuộc đời anh chị Trần cho Lê nghe, kể lại việc anh Mai giết hơn hai chục lính ngụy…sau những giãi bày như thế Tư thấy nhẹ lòng một phần. Tại sao Tư dùng tiếng đàn để kể chuyện, bởi vì đó là những chuyện không nên nói thành lời công khai. Nhưng tại sao Chúa lại đuổi Tư khỏi địa đàng vì những nét nhạc lông bông, nét nhạc đang bị quỷ ám? Đó chỉ là những dự cảm về tương lai bấp bên của Tư khi rời Tây Bắc. Nói cho đúng, giao hưởng Trương Chi và tiếng đàn của Tư là cách Nguyễn Xuân Khánh khám phá một phần đời sống tinh thần của Tư. Có thể, Tư dùng Giao hưởng Trương Chi để bộc bạch lòng mình còn dùng tiếng đàn để giao cảm với người.
Những giấc mơ của Tư là công cụ đắc lực được Nguyễn Xuân Khánh sử dụng để khám phá nội tâm của nhân vật Tư. Lúc đầu chỉ là những giấc mơ bình thường, trong giấc ngũ ban đêm. Sau là những “cơn mơ điên” trong trạng thái bịnh hoạn.
Tư mơ thấy một con người đầy hào quang đến cười và bảo anh: “Mi sẽ bị trừng phạt. Mi tưởng âm nhạc sẽ đem đến cho mi hạnh phúc sao? Nó sẽ dẫn mi đến những bế bờ xa lạ, ở đó mi sẽ chìm trong những băn khoăn dày vò”[Thư thứ nhất gửi Ngà]. Tư không tin, anh tự nhận thức mình là người không tôn giáo. Trong những lần mơ sau, “cái con người rạng ánh hào quang vẫn hiện về trong giấc ngủ của anh có thể là Giê su, có thể là Phật Thích Ca. Chúa bảo ước mơ của anh chỉ là hoang tưởng”.”[Thư thứ nhất, thư không gửi]. Từ thư thứ III trở đi, Tư lạc vào những cơn “mơ sảng”, đêm nào Tư cũng mơ thấy Chúa [thư thứ IV], Rồi Tư mơ thấy con quỷ đầu trâu tay cầm đinh ba đến cảnh cáo anh [Thư thứ VI]. Lúc Tư tuyệt vọng, anh ra nhà ga Hàng Cỏ. Trong giấc ngủ anh lại mơ thấy Chúa [Thư thứ VII, thư không gửi]. Chúa bảo: con đang thất vọng. Nhưng anh phản kháng: Ông lầm rồi, Tôi không hề thất vọng, trái tim tôi đang chờ đợi. Mỗi lần thất bại giống như một lần nhỡ tàu.
Từ phần VIII, Tư bắt đầu sốt, bắt đầu “ốm to”. Suốt 2 ngày Tư mê mệt, sau đó anh dưỡng phải bệnh 1 tuần lễ ở nhà Hưng. Ở nhà họa sĩ Minh, Tư nhìn thấy hai con chim biết nói và Chúa từ trong bức tranh của Minh bước ra. Anh tự hỏi, mình ốm chăng hay tại bức tranh của Minh?[IX]. Trong những ngày chờ Trích máu, bệnh khắc khoải của Tư ngày càng trầm trọng, anh có thể hóa điên. Tư thường xuyên mơ thấy Chúa trong giấc ngủ [XII]. Sau lần bán máu thứ nhất, đêm ấy Tư mơ thấy toàn máu, những con người đầm đìa máu me đi vào quán của lão Râu Xồm. Sau lần bán máu thứ hai, Tư ốm rất nặng, anh không còn kiểm soát được ý thức. Trong đầu anh xuất hiện những “cơn mơ điên”, những “cơn mơ thoát phàm kỳ dị”. Đặc biệt khi Tư ngắm bức tranh đám ma Minh đang vẽ. Tư thấy một đám tang đủ mọi giống người: Mễ Tây Cơ, Ý , Cao bồi, sư Tầu, đạo sĩ Bà La Môn, người VN, Pháp, người Phi châu xích xiềng loảng xoảng. Tư hét to lên: Mưa máu! Vô vàn thây người nằm trên những vũng máu đỏ. Tư xỉu đi ngất lặng. Từ đây đến hết tác phẩm,Tư thảng thốt với những giấc mơ điên kinh hoàng.
Có thể nhận thấy, “những giấc mơ”, ban đầu là cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tâm của Tư về quyết định anh rời Tây Bắc về Hà Nội để thực hiện ước mơ âm nhạc. Những giấc mơ này là dự cảm của Tư về tương lai bấp bênh đau khổ, cái giá ban đầu Tư phải trả cho sự hoang tưởng. Từ khi Tư bị “ốm to”, nóng sốt, mê sảng và suy kiệt vì lo nghĩ, vì đói khát vô vọng, bệnh “khắc khoải” trở nên trầm trọng thì những cơn mơ sảng đến bất cứ lúc nào, kể cả ban ngày. Nhìn bức tranh của Minh là anh chìm ngay vào cơn mê sảng. Những cơn mơ bệnh hoạn này có thể là một bức tranh siêu thực vô nghĩa, đó là trạng thái rối loạn ý thức; cũng có thể nó phản ánh cái phần tiềm thức mà Tư che dấu do hoàn cảnh không thể nói ra. Thí dụ cơn mơ về đám ma đủ mọi dân tộc trên thế giới và cơn mưa máu đầy xác người. Nó là ám ảnh việc Mai giết tù bình, Mai cắt cổ chó làm tiết canh, cũng là ám ảnh việc Tư bán máu và gặp nhiều người bán máu ở quán Râu Xồm. Nguyễn Xuân Khánh dùng những cơn mơ này làm biểu tượng cho một thực tại. “Mưa máu đầy xác người” phải chăng là biểu tượng của chiến tranh!
TIỂU THUYẾT MIỀN HOANG TƯỞNG VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Khi phân tích “chiến lược” kiến tạo tác phẩm, “chiến lược” dụng binh và các chiến thuật triển khai “trò chơi” chữ nghĩa của Nguyễn Xuân Khánh, tôi đã đặt tiểu thuyết Miền hoang tưởng trong cái nhìn của Lý thuyết trò chơi (Game Theory).
Nguyễn Xuân Khánh đã bày ra một sân chơi (tác phẩm Miền hoang tưởng) với những binh tướng đặt ở những vị trí then chốt (Tư và Ngà, anh chị Trần, vợ chồng Hưng, Minh, vợ chồng Ngọ, Mai). Khi người đọc dấn thân vào tác phẩm thì cũng là lúc “cuộc chơi” được mở ra và mở ra các nhân vật, giữa tác phẩm với người đọc và giữa tác giả với ngưởi đọc.
Chẳng hạn, người đọc sẽ dự đoán xem cuộc tình của Tư và Ngà sẽ tiến triển thế nào, tại sao Ngà bỏ Tư lấy Mai, tại sao Tư là người thua cuộc, điều ấy chuyên chở thông điệp gì? Chính số phận của Tư cũng là một “cuộc chơi” trong tay nhà văn. Nhà văn muốn Tư chuyên chở những thông điệp gì và tạo mọi phương cách cho Tư hành động để thể hiện thông điệp ấy. Dường như, Tư phải cõng trên lưng quá nhiều thông điệp “hoang tưởng” của nhà văn, nhưng Tư lại đuối sức, thành ra tất cả các thông điệp trong tác phẩm cuộn rối vào nhau, không thông điệp nào đủ sức thuyết phục người đọc.
Giữa Tư còn có “cuộc chơi” ngầm với Chúa, với chị Hưng và với chính mình.
Cũng vậy “cuộc chơi” giữa anh Trần và Tư, rất căng thăng. Tư muốn lật tẩy cái ý thức công thần “đặc quyền” của anh Trần. Theo Tư, đó là không công bằng, và nó bộc lộ sự tha hóa, đánh mất lý tưởng cách mạng của anh Trần. Điểm mạnh của Tư để anh bám vào là, chính anh Trần là thần tượng lý tưởng của Tư để Tư đi theo, vậy mà anh lại phản bội lý tưởng, cho nên khi thua Tư, anh Trần đã tỏ ra căm thù Tư.
“Cuộc chơi” của Ngọ là cuộc chơi ở một sân khác. Ngọ là “một phần tử trí thức sa cơ”[VII]. Anh dấn thân vào thời cuộc, anh bị loại ra, bị tù cải tạo, bị xua đuổi khỏi Hà Nội, bị dồn đến sự cùng cực: không nhà ở, không hộ khầu, không tem phiếu, hết cách kiếm sống phải bán máu, phải tự ăn thịt mình để sống. May mắn cho anh còn có tình yêu của Lan để vượt qua số phận.
Và sau cùng là “cuộc chơi” của tác giả với người đọc. Bạn đọc Miền hoang tường, cảm nhận của bạn thế nào? Thú thực, tôi thấy nản, truyện không hay. Chật chội, tù túng, và xa lạ với hiện thực những năm 1973-1974 ở miền Bắc. Cốt truyện đơn giản, hành động truyện nghèo nàn, kiểu văn “nông dân” cà kê dê ngỗng từ chuyện này kéo sang chuyện kia lê thê rối rắm. Những cơn mơ, những hình ảnh biểu tượng chưa đủ sức thể hiện chủ đề. Trái lại và có quá nhiều vấn đề được nói đến trong tác phẩm mà người đọc ngỡ rằng, tác giả không đủ sức cầm cương con ngựa tư tưởng-nghệ thuật, vì những chủ đề này, gặp chỗ nào, tác giả vung vãi ra chỗ ấy (thí dụ, đọc mảnh “Nhận dạng người”của Ngọ, Tư lại nghĩ đến lý thuyết chính trị của Hàn Phi Tử. Mơ thấy đám ma, nghe tiếng kêu của lũ thây ma không đầu: “Chúa đã chết”, người đọc hiểu tác giả muốn cài vào tác phẩm tư tưởng của Nietzsche. Nhưng Chuyện Hàn Phi Tư hay Nietzsche sau đó lại không được phát triển thành một vấn đề xã hội.
Về văn phong, Nguyễn Xuân Khánh chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Nam Cao (quanh quẩn trong cái đói nghèo, miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm). Nguyễn Xuân Khánh thử nghiệm kiểu viết hai lá thư, một gửi, một không gửi để lộn trái hiện thực; thử nghiệm miêu tả Phân tâm học để Tư tự phân tích tâm hồn mình, nhưng anh lại không tự giải quyết được vấn đề về số phận mình. Khi gặp lại Ngà, anh nghĩ mình sẽ ở đâu, sẽ làm gì để kiếm sống…và Tư không có câu trả lời. Những hình ảnh biểu tượng như nhân vật Chúa, “giao hưởng Trương Chi”, những cơn mơ, con vượn trả thù Mai, những “hoàn cảnh điển hình” của Hưng, của Minh, của Ngọ…chưa bao quát được hiện thực lúc bấy giờ. Nguyễn Xuân Khánh chưa đủ sức xây dựng nhân vật Chúa, hoặc đúng như Chúa trong tôn giáo, hoặc như những nhân vật Bụt, tiên trong văn học dân gian. Nguyễn Xuân Khánh miêu tả Chúa có hai mặt, và Chúa có nhiều mặt. Chúa chỉ dọa nạt và ngọt ngào với Tư là để cầm tù Tư. Chúa lại sử dụng tên quỷ đầu trâu cầm đinh ba cảnh báo Tư… những miêu tả như thế là mất thiện cảm của người đọc truyền thống.
Như vậy, cả chiến lược kiến tạo tác phẩm, chiến lược chinh phục người đọc và việc triển khai “cuộc chơi” chữ nghĩa trong Miền hoang tưởng, Nguyễn Xuân Khánh đều chưa đạt tới cái mục đích mong muốn. Những điều này ông khắc phục được ở tác phẩm viết sau là Chuyện ngõ nghèo. Ở Chuyện ngõ nghèo, những chủ đề-tư tưởng được đẩy cao hơn, có tính thống nhất và triệt để hơn. Hệ thống hình ảnh biểu tượng sinh động và hàm nghĩa hơn, khái quát được một hiện thực khốc liệt hơn. Dù vẫn còn ảnh hưởng Nam Cao, song Nguyễn Xuân Khánh bộc lộ một cốt cách nhà văn tài năng hơn, bản lĩnh hơn.
Tháng 12/ 2021
Pingback: BÀI VIẾT NĂM 2021 CỦA BÙI CÔNG THUẤN – CHÚT TÌNH TRI ÂM
Pingback: CHI HỘI-HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM-ĐỒNG NAI – CHÚT TÌNH TRI ÂM