Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài 4
NHỮNG VẤN ĐỂ PHONG HÓA
Bùi Công Thuấn
***
Nam Kỳ Địa Phận có những bài được đặt trong chủ đề “Phong hóa”, có thể hiểu đó là những bài viết về phong tục tập quán, những vấn đề văn hóa.
NHỮNG VẤN ĐỀ PHONG HÓA
Văn hóa bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần của con người. Những thành tố chính của Văn hóa là ngôn ngữ, tư tưởng, giáo dục, đạo đức, tôn giáo – tín ngưỡng, nghệ thuật (Văn, thơ, nhạc, hội họa, điêu khắc…), phong tục tập quán, lối sống…
Những bài viết trong mục Phong hóa của Nam Kỳ Địa Phận bàn đến những vấn đề gì?
Xin đọc một luận bàn:
PHONG HÓA SUY ĐỒI LẤY GÌ BỔ CỨU?
(Nguồn: NKĐP số 1439, ngày 28 Janvier 1937. Tr.52)
Đây là bài tác giả Loan Tùng đối thoại với những vấn đề trong bài “Phong hóa suy đồi” của một tạp chí (không ghi nguồn).
(Trích)
“Nhưng đến ngày nay tình trạng ấy đã biến đổi cả rồi, những quyền cai trị không được mấy kẻ biết trọng cái danh dự cho mình là bao, những tham tâm nhủng lạm lừa dưới dối trên; còn hạng bình dân ở dưới, phần nhiều chỉ quen thói tự kiêu có khi lại diễn ra lắm tấn tuồng lố lăng xấc láo. Trong gia đình con cái hay quen tánh tự phụ, ỷ mình có chút học thức theo lối văn minh tân tiến, mà khinh bỉ những lời huấn dụ của các bậc phụ huynh, cho rằng những cổ tục lưu truyền đều là đồi hủ cả, mà muốn nhứt đán đánh đổ đi ngay. Còn đến bậc vợ chồng, thời những nề nếp xưa đã không thèm giữ lại, còn muốn tập những mốt tân thời, mấy chữ nam nữ bình quyền, phụ nữ giải phóng, thường nghe rộn rực ở đầu lưỡi của các hạng nữ lưu, ấy xã hội ta phong hóa ngày nay suy đồi là thế vậy”.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi xin tuyên cáo cùng tất cả đồng bào biết rằng: không những đạo Nho mất đi cần phải lấy đạo Thiên Chúa thay thế vào, mà lại cho dầu trăm ngàn cái đạo Nho đương cường thịnh mực mấy nữa, cũng phải lấy đạo Thiên Chúa làm chẩn đích, cũng phải nương theo tôn chỉ đạo Thiên Chúa mới sống nổi, vì đạo Thiên Chúa chính là rường cột, là kỷ luật của các tôn giáo trong thế giới vậy.
Thế thời ở cuối bài “Phong hóa suy đồi” kia phải kết luận rằng: muốn chỉnh tu phong hóa lại cho hoàn mỹ, muốn hoán cải phong hóa lại cho thuần lương, thời không có phương pháp gì hiệu nghiệm cho bằng đem tôn giáo Thiên Chúa mà giáo giảng cho quốc dân, bắt buộc mọi người thực hành cho đúng theo tôn chỉ tinh thần của đạo Thiên Chúa vậy”.
Ở đoạn văn trên, tác giả đã đụng đến nhiều lĩnh vực của văn hóa khi bàn về “Phong hóa suy đồi”. Đó là tôn giáo (đạo Nho, Thiên Chúa giáo), vấn đề tư tưởng (“nam nữ bình quyền, phụ nữ giải phóng”), vấn đề giáo dục (“Trong gia đình, con cái ỷ mình có chút học thức theo lối văn minh tân tiến”), vấn đề phong tục tập quán (muốn đánh đổ những cổ tục lưu truyền), vấn đề đạo đức, lối sống (nhũng lạm lừa dưới dối trên, thói tự kiêu, tánh tự phụ) và các mối quan hệ xã hội (vợ chồng, cha mẹ con cái)…Ngoài ra tác giả còn đề xuất giải pháp chấn hưng phong hóa, bằng cách thay thế văn hóa nho giáo bằng tôn chỉ, kỷ luật của đạo Thiên Chúa. Phải chăng tác giả muốn đưa ra một giải pháp khác với tư tưởng “duy tân” của nhà cách mạng Phan Chu Trinh đương thời là: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
LÝ THUYẾT CÔNG GIÁO
Trong Nam Kỳ Địa Phận có những bài viết có tính “lập thuyết” mà tác giả đặt tên là “Lý thuyết Công giáo”. Tôi không rõ đây có phải là chủ trương của tờ báo hay không, hay chỉ là quan điểm riêng của tác giả bài viết. Đó là các bài: Quốc gia tư tưởng ưu việt (NKĐP năm 1939, số 1571, các tr.534, 565, 647); Chánh trị trong nước của P. Tạo (NKĐP năm 1939, các trang 329, 405, 329, 376, 350)
Bàn về quyền tư nghị, lập pháp, hành pháp, ông P. Tạo viết:
“Tuy nhiên, quốc gia muốn bước đến con đường thạnh trị kia cũng không dễ gì; tua phải có nhờ đến tinh thần của đạo thánh nữa, thì mới phò trợ cho bước đường thạnh trị của quốc gia được vĩnh cửu hoàn toàn, vì đạo lý của hội thánh Công giáo bổ khuyết cho những đều quyền lực quốc gia bất túc…trong nước mà nhân dân tốt, bổn đạo ngoan thì quốc gia sẽ trở nên một nước hoàn toàn tuyệt hảo không sai chạy.”(số 1561, tr. 377)
Về “Quốc gia tư tưởng ưu việt” ông viết:
Ông phê phán phái tôn thờ chủ nghĩa quốc gia (nationalism), phái tôn thờ chủ nghĩa xã hội (socialism), phái tôn thờ chủ nghĩa cộng sản (communism)…rồi viết: “nên xin nương theo lý thuyết chơn chánh để viết bài nầy.
Thứ nhứt nói về quốc gia.
Thứ hai về quốc gia tư tưởng (tr. 565)
Thứ ba nói về quốc gia tư tưởng ưu việt
Thứ bốn tư tưởng quốc gia cách trọn hảo thuần túy.”
“Phải dùng 3 cái trách nhiệm sau đây để làm chuẩn thẳng quy củ hầu giúp mình được thực hành trúng lý là: Thiên Chúa bang giao và nhân quyền. Bằng về lợi ích quốc gia, chớ khá lấy đó làm tiêu chuẩn tối hậu, nghĩa là vô thượng tuyệt đối” (tr. 648)
Nói gọn lại, theo ông P. Tạo, tư tưởng quốc gia ưu việt, tư tưởng canh tân đất nước không phải là các lý thuyết chính trị xã hội, không phải là các cuộc cách mạng, mà là Thiên Chúa giáo: “trong nước mà nhân dân tốt, bổn đạo ngoan thì quốc gia sẽ trở nên một nước hoàn toàn tuyệt hảo không sai chạy.”(số 1561, tr. 377).
Tôi xin không bình luận, vì những ý tưởng ông Tạo trình bày đã là qúa khứ, và lịch sử đã có câu trả lời hoàn toàn khác với ý tưởng của tác giả “Lý thuyết Công giáo”..
Tác giả Phêrô Nghĩa định nghĩa “Thế nào là ái quốc” như sau:
“Ái quốc nghĩa là yêu nước, yêu nước nghĩa là thương mến đồng bào, thương mến đồng bào tức thị phải ở với nhau cho có lòng nhân đạo, phải trọng sự hiếu hòa; ở với bậc trên phải cho có sự lễ nghi tôn trọng, phải có lòng tín nhiệm vâng lời, thế mới gọi là ái quốc chính đáng…bởi đó cho nên có nhiều kẻ tưởng mình mưu động việc ái quốc mà té ra lại dắc thân vào vòng tù tội; tưởng là tìm cái hạnh phúc cho xã hội, mà té ra đã làm việc khuấy rối cuộc trị an; ấy là một sự khốn nạn không biết bao nhiêu vậy”(NKĐP số 1579, tr. 664)
Bằng phương pháp lập luận liên châu, ông Nghĩa khẳng định ái quốc là yêu nước, tức là “ở với bậc trên phải cho có sự lễ nghi tôn trọng, phải có lòng tín nhiệm vâng lời”, không “mưu động việc ái quốc” bằng cách “khuấy rối cuộc trị an” (tức là đấu tranh chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học) để “đem thân vào vòng tù tội”. Rõ ràng là, tư tưởng ái quốc của ông Nghĩa đi ngược với tuyền thống tư tưởng yêu nước của dân tộc.
Những bài viết khác cũng có khuynh hướng lập thuyết:
–Vấn đề tôn giáo – P. Nguyễn Hữu Lượng (NKĐP năm 1935, số 1363, tr.483).
–Đạo Công giáo là đạo nước nhà – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1936, số 1385, tr.18).
-Triết học thiển đàm – P. Tạo (NKĐP năm 1939, các trang: 549, 586, 620, 634).
– Chánh trị trong nước (NKĐP Năm 1939, các tr: 405, 329,376, 350).
–Chủ nghĩa cá nhân – không có tên tác giả (NKĐP năm 1943, số 1787, tr.567).
–Vấn đề gia đình – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1938, các tr: 316, 330, 345, 360).
–Bàn về quốc hồn – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1935, số 1362, tr.471). Tác giả đặt vấn đề:
“Thế là bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 6 năm 1884, nước ta đã được nước Pháp bảo hộ vậy. Nghĩa là ngay từ lúc đó nước Pháp đã đứng ra mặt bảo nhiệm và hộ vệ hết thảy mọi việc cho nước Nam, lúc trị an thời lo mở mang dạy dỗ, lúc rối loạn thời lo cấp dẹp ngăn ngừa; nhưng mặc lòng mà quyền nội trị vẫn còn thuộc về nước Nam tự chủ, nước Pháp chỉ đứng về mặt giám đốc mà thôi, ấy chính ý tờ hòa ước Pháp Nam đã ký nhận tại Huế ngày mồng 6 thánh 6 năm 1884 là như vậy. Nếu cứ sách ấy hồn nước Nam ngày nay lẽ ra đã được đủ sức tự tồn tự lập, nghĩa là đã được hoàn toàn về mọi phương diện, mà dân tộc Việt Nam đã lên tới cao độ văn minh rồi vậy. Nhưng lạ thay! Thấm thoát đã qua khỏi nửa thế kỷ rồi, trải một khoảng thời gian 50 năm không phải lả ít, thế mà hồn nước ta xem chừng cũng chưa tự do phát triển được hẳn…
Than ôi! Hồn nước Việt Nam may mắn được thân mật với hồn nước Pháp, vinh hạnh được đầu sư với hồn nước Pháp, thế mà thấm thoát tới nay chưa thấy được vẻ hoàn toàn, chưa có đủ sức tự lập, thời lỗi ấy tại ai?”
Ngày nay đọc lại những bài lập thuyết ấy, người đọc hiểu rằng tác giả không phải là những triết gia, cũng không phải những nhà khoa học chuyên sâu về chính trị xã hội, lại tự ép mình trong nền chính trị bảo hộ, ý thức đạo đức Nho giáo và kỷ luật Ki tô giáo, chưa rộng mở tri thức về những khuynh hướng tư tưởng tiến bộ của thời đại, thành ra những vấn đề được các tác giả đặt ra trở nên lạc lõng với thời đại. Chẳng hạn, vấn đề cốt lõi của dân tộc trước 1945 là vấn đề độc lập dân tộc, là đánh đổ sự thống trị của thực dân Pháp, song không có tác giả nào bàn đến, mà hầu như các tác giả đều an tâm thực hiện chính sách “Pháp-Việt đề huề” của thực dân Pháp (?).
CHUYỆN CỦA CHÚ TỪ
Trên Nam Kỳ Địa Phận có chuyện của các chú Từ: Chuyện của chú từ Dốt, Chuyện của chú từ Nòi, Chuyện của chú trùm Khù, Câu chuyện ngày thứ năm (tác giả là P. Mười Chỉ). Các câu chuyện này hầu như bao trùm một khoảng thời gian dài của tờ báo. Năm 1919, Chuyện của chú từ Dốt đăng trên 39 số báo, năm 1937 đăng trên 37 số báo. Chuyện của chú từ Nòi năm 1924 đăng trên 36 số báo. Câu chuyện ngày thứ năm đăng 34 số báo năm 1937…Đó là những câu chuyện thiết thực, được viết sinh động gần gũi, dễ cảm hóa.
Chuyện của chú Từ đăng năm 1917, 1920, 1921
Chuyện của chú từ Dốt đăng các năm, 1919, 1923, 1924, 1925, 1934, 1935, 1936, 1937, 1938.
Chuyện của chú từ Nòi đăng các năm:
1918, 1919, 1920, 1921, 1922, 1923, 1924, 1925, 1926.
Chuyện của chú trùm Khù đăng các năm: 1931, 1932.
Câu chuyện ngày thứ năm đăng các năm: 1935, 1936, 1937, 1938, 1939, 1940, 1941, 1942, 1943…
Chú Từ là người giựt chuông nhà thờ sớm chiều, còn phải quét tước nhà thờ, là người trông nom nhà thờ, nhờ thế chú có điều kiện quan sát sinh hoạt của giáo dân, chú kể những câu chuyện để nhắc nhở những việc chưa chuẩn. Đây là những “chuyện người thật việc thật” ở giáo xứ. Có lẽ “Chú Từ” là bút danh của một linh mục nào đó nên những chuyện kể rất cặn kẽ, những phân tích khuyên giải rất thấu tình.
Xin đọc (NKĐP năm 1917, số 437; tr 381)
“Ai biết thương người ấy là phước thật, vì chưng ngày sau Đ.C.T. lại thương mình vậy”. Tôi nói đó không phải là giảng đâu, song bởi thật tôi thương mấy chú từ đương niên và tôi cũng xin anh em thương nữa, dầu làm sự nhỏ mọn mà có ý thương người, thì cũng là một sự nên, sự phước. Mấy chú từ mắc lo rung chuông nhựt một nên phải dậy sớm, mệt lắm, còn phải quét tước nhà thờ, nên nếu anh em chịu phiền một chút thì làm ơn cho mấy chú từ lắm, là đừng nhổ nước miếng dưới đất. Có khi thì cả vũng, coi dơ dáy gớm ghiếc quá. Ta tới nhà quan quyền dám làm vậy không, sao tới nhà Chúa lại thị cách đó. Có kẻ khác lại có thói quen để chơn hay giày trên bàn quỳ cũng dơ quá, người khác lại thì phải chùi phải bụi, bằng không thì lấm quần áo hết. Cái đó cũng tại có người muốn ngồi cách thong thả, ngã bên này, dựa bên kia, xét lại thì vô phép với Chúa quá.
Xin anh em chịu khó một chút thì nhà thờ Chúa sạch sẽ, và làm ơn cho mấy chú từ lắm.”
Dốt, điểm chỉ.
***
Xin đọc: “Chạy đi đâu dữ vậy
Mấy ngày áp lễ lớn tôi làm công việc mệt quá, mà cũng tức cười quá. Ngày đó thường bổn đạo đi xưng tội đông lắm, nên cha ngồi tòa không nghỉ được một chút. Bởi đó nên ai cũng giành mà đi vô Tòa trước. Cái đó coi thật mất cỡ quá, mà coi ra hèn hạ, như đi giựt giàn trong chùa. Tới phiên ai thì nấy đi, có đợi thì quỳ hay là ngồi trong bàn trong ghế. Ai đợi trước thì vô trước, ai tới sau thì vô sau, đừng có giành mà ra đứng ngoài ghế, gần bên Tòa. Rủi có vài người tính nóng nẩy đợi sẵn rồi trong ghế, mà mình lên giành cách đó thì ma quỷ cám dỗ phải sinh ngầy ngà trong nhà thờ, trước Tòa mình sắm sửa mà đi cáo tội mình, thì coi sao được. Chọc giận kẻ khác làm chi, lại lo giành giựt như vậy thì phải lo ra nhau hết. Còn sự dốc lòng chừa mình mới đó đi đâu hết rồi? Chẳng những không chịu nhục, mà lại làm sái phép công bình. Ai lại không gấp việc nhà, song hễ ai tới trước thì vô trước ấy là sự phải lẽ, không ai trách ai được cái gì.
Đều nói mà nghe chớ xét lại nếu mình phải ở lâu trong nhà thờ như vậy mà mất mát gì đâu. Đáng lẽ ta dùng dịp đó mà đọc kinh nhiều thêm nữa mà ăn năn đền tội. Tòa thế gian phạt tù rạc cả năm cả đời, còn Tòa Chúa thì việc đền tội nhẹ nhàn, đọc mấy chuỗi thấm tháp đâu mà còn sợ mất công mất ngày giờ? Lại ngồi trong nhà Chúa chẳng phải là tốt và quý trọng sao mà muốn ra về cho mau. Ở đời có vua nào mà lấy nhà mình mà làm tù rạc cho tội tình ở không?
Vậy đừng chạy đâu, cũng đừng đi xảy lén sau lưng rồi lướt tới mà vô Tòa giải tội, rủi vấp té chúng cười chết, chết tươi…xưng tội chẳng kịp.
Dốt, điểm chỉ.
Câu chuyện ngày thứ năm
(Nguồn: NKĐPNăm 1941, Số 1642, tr.34)
Một ngày nọ, cha sở họ kia, giảng trên tòa rằng: con nít chơi giỡn om sòm bên hè nhà thờ đang khi bổn đạo đọc kinh hay cha đang làm lễ: cha nói cha có đuổi chúng nó một hai lần nhưng rồi tuần nào cái tình tệ ấy vẫn còn hoài mà cha không nỡ đánh đập chúng nó và cha cũng không muốn làm việc ấy nữa. Cha cũng có nói rằng: sắp con nít đó khó dạy quá, mà chẳng biết tại sao vậy.
Trước hết thử kiếm coi lỗi tại ai? Thì là cha mẹ chớ ai. Một lẽ, cha mẹ biểu con cái đi nhà thờ mà mình không đi, thành ra hễ nó đi tới đó thì nó muốn làm gì thì làm. Một lẽ khác là bởi cha mẹ nuông con quá thới, để nó mặc tình làm gì thì làm, không trông chừng xem sóc nó. Một lẽ khác nữa, là nếu có ông biện, ông câu hay một người bổn đạo nào can thiệt lùa con họ vô nhà thờ, thì họ binh con rồi kiếm chuyện gây gỗ với người ta, thành thử có ai dám thày lay đi lùa bọn nó vào nhà thờ…”
Sau khi phân tích như vậy, tác giả P. Mười Chỉ đề ra giải pháp: “đặt ra một ông biện đồng nhi, có đủ nghị lực cương quyết để xem chừng đám trẻ khi nó tới nhà thờ”. Ông than phiền: “Ôi! Mà nói cghi con nít vì chi`1nh những người lớn cũng còn lẩn quẩn góc hè nhà thờ thay…”
Qua những câu chuyện của các chú từ, Nam Kỳ Địa Phận đã góp phần giáo dục văn hóa cho giáo dân trong mọi sinh hoạt sống đạo: từ những chuyện nhỏ nhặt như xếp hàng xưng tội; việc cha mẹ thiếu trách nhiệm để con chơi giỡn ngoài nhà thờ mà đến cha sở bảo chúng cũng không nghe; chuyện các cậu giúp lễ đã mặc áo nhưng chưa chịu vào nhà thờ (NKĐP 1917, số 435- tr.351); đến thái độ của người lớn khi “làm việc lành” (NKĐP số 1691, ngày 01Janvier 1942, tr.10), cả chuyện chú Từ nói chuyện với cha sở về chuẩn bị lễ Giáng sinh. Cha nhắc chú phải lo phần hồn là xưng tôi rước lễ (NKĐP 1917, Số 463, tr. 797)…
Với tổng số hơn 657 bài của các chú từ (số thống kê chưa đầy đủ), rải đều trong gần 30 năm, Nam Kỳ Địa Phận đã bao quát rất nhiều vấn đề văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày của đời sống giáo dân, và chắc chắn góp phần đem đến sự tiến bộ cho bạn đọc.
PHONG HÓA NHO GIÁO KẾT HỢP VỚI KI TÔ GIÁO
Tất cả những bàn luận của Nam Kỳ Địa Phận về “Phong hóa” đều lấy gốc phong hóa Nho giáo kết hợp với văn hóa Việt trên tinh thần Kitô giáo. Các bài viết tập trung vào giáo dục cá nhân và gia đình. Chẳng hạn, bàn về “tu thân”, về đạo của người quân tử, đạo cang thường, đạo hiếu; vấn đề “tề gia” như: đạo vợ chồng phu xướng phụ tùy, đạo làm con, anh em như thủ túc…
Đây là giải thích của tác giả Phêrô Nghĩa về chữ “nhơn” (nhân) trong “Ngũ thường” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) của Nho giáo:
“1. Về đều “nhơn”. – Nhơn là gì? – Chính nghĩa là đức thương yêu, như lời trong sách đã ghi rõ ràng rằng: Nhơn dã thân dã. Vậy nhơn là lòng từ bi bác ái, dạ đại độ khoan hồng; nhơn là một đều hệ trọng quán nhứt trong ngũ thường; loài người chung sống với nhau trên cõi đất, nếu không lấy đều nhơn làm cốt thì không sao hiệp thành đoàn thể nhơn quần được; và nói cho chính lẽ ra, nếu loài người mà không có đều nhơn thì không khác gì loài thú vật. Trong sách Khang Hy tự điển có câu rằng: sở dĩ linh ư vạn vật dã, nhơn dã. Cái đều mà làm cho người ta ra khôn ngoan hơn muôn vật là cái đều nhơn. Thầy Phu Tử nói rằng: Nhơn nhi bất nhơn như lễ hà? Nhơn nhi bất nhơn như nhạc hà?Làm người mà chẳng có đều nhơn thì còn gì là chế độ lễ nghi nữa…
. . . . . . . . . . . . . .
Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thương người ta như mình vậy; giữ trọn hai điều đó ấy là hoàn bị được cả đều nhơn vậy” (NKĐP số 1727, năm 1942, các tr: 472, 558).
Rõ ràng Phêrô Nghĩa mượn chữ Nhơn của Nho giáo để nói về đức yêu thương Công giáo. Hay nói ngược lại, Phêrô Nghĩa dùng đức yêu thương của Công giáo để giải thích chữ “nhơn” (nhân) trong “ngũ thường” của Nho giáo. Bởi vì, trong chữ nhơn của Nho giáo làm gì có nội hàm “Yêu mến Chúa trên hết mọi sự”!
Đây là những bài viết về “Phép lịch sự Annam” đăng trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1914:
Lễ phải giữ với Chúa. Tr.7, 77
Chương thứ III: Lễ phải giữ với ông bà cha mẹ: tr.104, 199. 232
Chương thứ IV: Lễ phải giữ với anh em, chị em. tr.280, 326
Chương thứ VI: Lễ ở với thầy thuốc. tr.344
Chương thứ VII: Lễ phải giữ với kẻ lớn. tr.359
Chương thứ VIII: Lễ phải giữ với bằng hữu. tr.407
Lễ phu phụ phải giữ với nhau. Tr.470
Phụ thêm ít lời về phận gái về nhà chồng. tr.487
Chương thứ X: Lễ ở với kẻ ân nhơn. tr.534
Chương thứ XI: Lễ phải giữ với kẻ tiểu nhơn. tr.551
Phần thứ II: nghi tiết Lạy, Ấp. tr.598
Phép xưng gọi theo đấng bậc. tr.613
Với cha mẹ bà con. Tr.631
Nghi tiết phải giữ khi chào kính. tr.644
Phép nói khi xin, cám ơn. tr.697
Phép nói khi ưng thuận, không ưng, cãi lại. tr.712
Phép nói khi chịu lỗi. tr.793
***
Ngày nay, khi hội nhập toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đã thay đổi nhiều. Văn hóa Nho giáo được thay bằng văn hóa phương tây. Nhiều truyền thống văn hóa Việt tuy vẫn được giữ gìn như là nền tảng văn hóa dân tộc song thế hệ công dân toàn cầu hóa không còn bị trói buộc như thế hệ cha anh.
Xin đọc nhan đề một loạt vấn đề phong hóa sau đây để hiểu được tình hình văn hóa trước 1945:
– Luận về sự cưới vợ lấy chồng (NKĐP năm 1915, tr: 696).
– Luận về cách dạy con trẻ (NKĐP năm 1915, tr: 537).
– Vợ khuyên chồng (NKĐP năm 1915, tr: 555).
– Vâng lời cha mẹ thì đẹp lòng Chúa – P. Của (NKĐP năm 1916, tr.666).
– Đạo làm con thảo hiếu ắt gặp nhiều phước (NKĐP năm 1916, tr.742).
– Triết nhơn tri kỷ – Hồ Ngọc Cẩn (NKĐP năm 1917, đăng 9 số báo, từ số 425)
– Cha mẹ đừng có ngăn trở con theo Chúa (NKĐP năm 1918, tr.328)
– Phu phụ hòa gia đạo thành (NKĐP năm 1921, số 621)
– Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn (NKĐP năm 1923, Tr.733).
– Gái khôn lựa chỗ trai hiền gửi thân (NKĐP năm 1924, tr.138).
– Hữu nhan sắc hữu ác đức (NKĐP năm 1924, tr.650).
– Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. (NKĐP 1925, số 829)
– Phép lịch sự Annam. (NKĐP năm 1925, các tr: số 823, 824, 825, 834, 838, 839, 842, 846,
851, Năm 1926, các tr: 27, 60, 138)
– Huấn tử ca. của Phê rô Nghĩa (đăng 14 số năm 1926)
– Luân lý ca của Phê rô Nghĩa (đăng 11 số năm 1926)
– Hiếu đạo lược biên (đăng 6 số năm 1926, các tr: 156, 207, 268, 302, 330, 477)
– Huynh đệ như thủ túc (NKĐP năm 1927, tr. 219 & 253)
– Phu xướng phụ tùy (NKĐP năm 1927, tr 492)
– Phép để tang theo Annam (NKĐP năm 1927, số 931, tr.93)
– Cổ nhơn chơn bửu tích (NKĐP năm 1927, đăng 9 số báo. Các tr: 282, 668, 696, 714…
– Đi bữa chợ học mớ khôn – Làm khi lành để dành khi đau. – Cách sông nên phải
lụy đò.(NKĐP năm 1928, các tr: 323, 421, 472)
– Học vô hành bất thành quân tử (NKĐP năm 1928, tr. 227)
– Quân tử thái nhi bất kiêu (NKĐP năm 1928, tr.597)
– Học nhi thời tập chi (NKĐP năm 1928, tr.185)
– Cang thường đạo trọng (NKĐP năm 1929, tr.226)
– Một sự nhịn chín sự lành. (NKĐP năm 1929, tr. 393).
– Pháp-Việt lễ nghi phong hóa -tác giả Đông Hải (NKĐP năm 1931 các tr: 475, 489, 540,
635, năm 1932 các tr: 329, 340,427, 457, 474)
– Vấn đề tu thân-Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1932 đăng 8 số báo, các tr: 211, 339, 371, 387,
395, 629, 645)
– Tam thập nhi lập (NKĐP năm 1933, tr.62)
– Gia đình là căn bổn của xã hội– Phêrô Nghĩa (NKĐP năm 1935, tr.661)
– Ngạn ngôn diễn luận – Phê rô Nghĩa (NKĐP năm 1935, đăng 16 số báo. Các tr: 39, 45,
87, 166, 182, 215, 278, 297, 326, 404, 533, 549, 634, 644, 762, 794. Tác giả diễn giải những câu tục ngữ, từ đó hướng đến giáo dục công chúng. Thí dụ: diễn luận câu “Cờ về tay ai nấy phất”; “Đờn ông cắp chà, đờn bà làm tổ”…
– Người quân tử (NKĐP năm 1940, tr.396)
– Vấn đề ngũ thường (NKĐP số 1727, năm 1942, các tr: 472, 558)
– Phụ nữ với thuyết bình quyền – Tác giả: D.L. (NKĐP năm 1936, các tr: 567, 584, 600)
TẠM KẾT
Nam Kỳ Địa Phận còn đề cập đến nhiều lĩnh vực khoa học chuyên môn khác như Chính trị, Luật pháp, Thiên Văn, Kinh tế, Chư nghệ, Bác vật, Tánh dược, Thương mãi, Canh nông…Những lĩnh vực khoa học này không thuộc phạm vi văn hóa nhưng tri thức của các khoa học chuyên môn này vẫn là tri thức văn hóa. Như thế, giá trị văn hóa của Nam Kỳ Địa Phận bao hàm một phạm vi rất rộng. Một tờ báo Công giáo có thể tham gia sâu rộng vào nhiều lĩnh vực xã hội, điều đó thật đáng quý.
Tháng 5/ 2024
_______________________