Nam Kỳ Địa Phận-Bài VI-TRUYỆN NGẮN TRÊN NAM KỲ ĐỊA PHẬN

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bạn có thể tải bản full chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận gồm 6 bài viết của Bùi Công Thuấn theo link:

https://www.mediafire.com/file/b4dxmhwoqehv8vz/NKĐP-Chuyên+luận-6+bài+pdf.rar/file

***

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài VI-TRUYỆN NGẮN TRÊN NAM KỲ ĐỊA PHẬN

Bùi Công Thuấn

***

Trong 37 năm xuất hiện trên văn đàn, tuần báo Nam Kỳ Địa Phận đã đăng khá nhiều truyện ngắn. Tôi chỉ chú ý đến những truyện có ghi rõ thể loại “Truyện ngắn”, trước nhan đề truyện. Điều này giúp  xem xét truyện ngắn trên Nam Kỳ Địa Phận về mặt thể loại, so với truyện ngắn Việt cùng thời kỳ (từ đầu thế kỷ XX đến 1945). Bởi trên Nam Kỳ Địa Phận có nhiều loại truyện (có khi viết là “chuyện”) như: “Chuyện Từ Dốt”,Chuyện đọc chơi giải buồn”, “Nhàn đàm”, “Những chuyện hài đàm”; “Câu chuyện ngày thứ Năm”; “Hạnh thánh gương lành, sự tích, truyện ơn lạ”, “Chuyện du lịch”; “Chuyện nầy kia- kia nọ”…(xem Mục lục năm 1935, 1936).

Việc đăng truyện ngắn có năm nhiều, có năm ít. Năm 1910 có 33 truyện; năm 1911 có 30 truyện; năm 1914 có 24 truyện; năm 1936 có 38 truyện; năm 1937 có 39 truyện; năm 1938 có 33 truyện; nhưng năm 1927, 1928, 1930; 1945 không đăng truyện ngắn…

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

            10 năm đầu (1910, …1919) thường xuyên có truyện của tác tác giả: Bến Gỗ, Nguyễn Hữu Hậu, Ngô Kỳ Ẩn, Lưu Lạc Tiếu.

Riêng tác giả Bến Gỗ (viết tắt là B.G.) có 30 truyện:

Năm 1910: các truyện Cái thùng biết nói (tr. 115); Hài Lòng- B.G. (tr.222); Phép cọng mới (tr.603).

Năm 1911: các truyện Thầy Bù có gan (tr.24); Xóc cho mạnh (tr.60); Bị lắm (tr.122); Già lăm già hổng- B.G. (tr.236); Tham thì thâm (tr.456).

Năm 1912: các truyện Thi nhơn (tr.32); Giấy bạc phận, vợ chồng hiệp- B.G (tr.44). Thầy Dế (tr.61);

                 Ăn cuộc- B.G (tr.769); Điếm mắc điếm- B.G (tr.785); Bịnh khoe của (tr.878).

            Năm 1913: các truyện Nhổ răng khỏi tốn tiền (tr.692); Trèo cao té nặng (tr.696).

            Năm 1914: các truyện Con chồn với gà trống (tr.400); Con trẻ khôn (tr.542); Anh hùng bí nước.

(tr.580); Con khỉ và người bàn mão (tr.636); Chó sói khấn hứa – Ăn vô khó mửa ra (tr.653);

            Năm 1915: các truyện Bánh sữa (tr.16); Nhào mèo – B.G (tr.255). Con trẻ khôn (tr.288); Quỷ dâng

                   chuông- B.G (tr.560); Cái trống xếp – B.G (tr.624).

            Năm 1916: các truyện Địa ngục đâu không thấy – B.G (tr.75); Người ta nhiều quá (tr.686).

            Năm 1918: các truyện Vật trả ơn (tr.57); Thuốc trị bịnh làm biếng (tr.699).

            Năm 1919 và 1920, không có truyện nào của Bến Gỗ

            Truyện ngắn của tác giả Lưu Thanh (xem phụ lục)

            Năm 1935, Mục lục Chuyện giải buồn có 12 truyện, Lưu Thanh đăng 11 truyện.                

Năm 1936, Mục lục Chuyện giải buồn có 38 truyện, Lưu Thanh đăng 23 truyện.

Năm 1937, Mục lục Chuyện giải buồn có 39 truyện, Lưu Thanh đăng 16 truyện.

Năm 1938. Lưu Thanh có 13 truyện.                           

Như vậy, trong 4 năm 1935, 1936, 1937, 1938, Lưu Thanh đăng 63 truyện ngắn.

Năm 1937, tác giả P.K đăng 16 truyện.

Ngoài ra còn có truyện ngắn của Francois Sứ, Thạch Kim, F. Hữu Tâm. Kim Sơn, Pierre Kim

            Chúng ta sẽ đọc các tác giả tiêu biểu là Bến Gỗ, Lưu Thanh, P.K, Thạch Kim

                                                   TRUYỆN NGẮN CỦA BẾN GỖ

                        (Lưu ý: khi tóm tắt truyện, tôi dùng lại một số câu chữ của nguyên tác để độc giả có thể nhận ra văn phong của tác giả và đặc điểm tiếng Việt đầu thế kỷ XX)

            1.Cái thùng biết nói. (Năm 1910, số 66, tr. 115)

                        Tóm tắt:

Hai người Phú lít (lính tuần thành) đi theo một người kéo xe tay, trên xe chở một cái thùng

 lớn. Một chập, họ thấy chú kéo xe nói chuyện với người trong thùng. Họ theo đến nơi chú kéo xe giao hàng ở một nhà chú thợ kia. Khi người kéo xe lui ra, hai người Phú-lít báo cho chú thợ chủ nhà biết sự việc. Họ được chú thợ dọn chỗ ngủ để rình coi sự việc thế nào. Đến đầu canh ba, có một người trong thùng bò ra. Anh ta bỏ các đồ nghề trong thùng ra rồi chui vô thùng trở lại.

6 giờ sáng, chú kéo xe trở lại. Phú lít thộp cổ chú giao cho tuần tra khác, và kéo xe chở

 thùng gỗ về sở tuần thành. Ở sở tuần thành, khui thùng ra, Phú lit thộp còng tay tên gian trong thùng giao cho tòa xử. Họ tịch thu 1700 quan và đồ nghề để ăn trộm. Thằng khốn nạn này không sợ, nó còn nói khí khái rằng: Không hề gì, lâu nay tôi quen ở trong thùng lúng túng, không dè bữa nay đặng phước ra khỏi thùng, phải vào bót (poste), mát mẻ khoảng khoát lắm.

            2. Thầy Dế (năm 1912, số 161,  tr. 61)

                        Tóm tắt:

Xưa có một bà sang trọng, ở một mình trong lâu đài tốt lành. Bà nuôi 3 đứa tớ gái. Bữa kia,

bà làm mất chiếc chiên chiên nhận ngọc xỉ xoàn có giá muôn quan. Bà nghi cho đầy tớ, xong tra hỏi, không đứa nào nhận. Bà liền ra chợ rước thầy Dế về coi bói. Thầy đòi 100 quan và hẹn trong ba ngày sẽ tìm ra vật bị mất.

                        Bà dọn chỗ nghỉ cho thầy. Thầy đòi mỗi ngày phải cấp thị nữ hầu bàn. Ngày đầu, đứa tớ gái thứ nhất ra hầu ba bữa. Thầy ăn no phủ phê, mâm nào cũng ráo bót. Ngày thứ hai, đứa tớ gái thứ hai ra hầu. Ăn no rồi, thầy nằm giữa phản thở dài tính tới tính lui. Ngày thứ ba, đứa tớ thứ ba ra hầu. Nó có tính ăn cắp. Thấy thầy chỉ chỏ, nó tưởng thầy biết chuyện bèn thú tội xin thầy tha. Thầy biểu nó kể hết sự tình. Rồi nó móc túi áo đưa chiên chiên cho thầy. Thầy bèn lấy ruột bánh mì bỏ chiên chiên vào và lén cho gà mái cồ ăn. Thầy làm dấu gà ấy.

                        Đến chiều ngày thứ ba, bà chủ nhà hỏi, thầy làm lễ cúng rồi bắt con gà mái cồ mổ bụng lấy chiên chiên. Bà chủ nhà tuy tiếc con gà song lấy lại được chiên chiên thì trả thầy 100 quan.

Tiếng tăm thầy Dế đồn khắp nơi, rằng thầy thần thông quảng đại.

Ba đứa tớ biết mình bị lừa bèn kể hết câu chuyện cho chủ nghe. Bà gọi thầy Dế đến đòi tiền

lại. Thầy Dế quyết rằng mình tu 9 kiếp không lừa dối ai. Bà bèn bắt con dế giấu đi và đòi thầy Dế bói tìm. Nếu thầy tìm không ra bà sẽ báo quan.

Người ta đến coi rất đông. Thầy Dế than thân trách phận:- Ớ Dế ơi! phen nầy mày chết,

không thoát!!…Bà già nghe vậy thì la lên: –Trúng, con dế! Bói linh quá! Bà già phải thưởng cho thầy 100 quan.

Anh thầy lấy bạc lộn lưng ra về, trong lòng hồi hộp phập phồng, quyết lòng rằng: -Việc

 bói khoa là việc may thầy phước chủ, chẳng phải tổ nào hay là Phật nào độ được, bởi đó tự tư dĩ hậu, tôi hứa có hai bên vai vác làm chứng, tôi không dàm máng lấy nghề nầy nữa!”

            3. Địa ngục đâu không thấy (năm 1916, số 367, tr. 75).

            Tóm tắt:

                        Có hai con cá lội trong cái rạch, một con già, một con trẻ. Cá già nói với cá trẻ: em phải giữ mình, đừng lại gần cục mồi có lưỡi câu bằng thép, nó móc lấy em, nó vụt lên bờ khô ngột hơi tử cưởng da, trên đó có lửa nướng chúng ta, rồi thiên hạ xúm lại ăn với nhau, nếu em muốn sống, thì hãy nghe qua lội đi cho xa kẻo phải khốn.

                        Cá trẻ không tin, lội lại táp mồi, bị bắt đem về nướng trui kho nẩu cho đáng kiếp.

                        “Có nhiều người, nhứt là trai gái đang thì bay nhảy giống như cá trẻ đó, những chơi nhởi mê đắm tửu sắc hằng hà sa số không lo sợ địa ngục đời sau, đến khi chết rồi, linh hồn phải trầm luân đời đời trong biển lửa rác rao khốn nạn, khi ấy mới mở con mắt mới tin, song muộn lắm, ăn năn thì sự đã rồi! Vậy ớ trai lăng loàn, gái trắc nết hãy tin lời cha thầy dạy răn an ủi, kẻo phải sa xuống chốn diêm đài là địa ngục đời đời chăng”.

                        Nhận xét chung truyện của Bến Gỗ:

Truyện được kể như chuyện dân gian. Tác giả dùng lời nói hàng ngày của người bình dân.

 Nhân vật, địa danh thường là phiếm chỉ, cấu trúc truyện thấp thoáng bóng dáng truyện cổ tích (ngày xưa có…). tác giả hiện diện trực tiếp trong truyện để bình luận và dạy dỗ.  Nội dung truyện phê phán thói hư tật xấu trong cộng đồng như truyện cổ tích và hướng đến mục đích giáo huấn đạo đức, giáo huấn đức tin…Phẩm chất tôn giáo của truyện thể hiện trong lời bình trực tiếp của tác giả.

Có lẽ hướng đến đối tượng độc giả bình dân và mục đích giải trí nên Bến Gỗ chọn hình thức

 kể chuyện gần gũi với truyện dân gian chăng.

                                TRUYỆN NGẮN CỦA LƯU THANH

  1. Quả trứng thúi (năm 1935, số 1368, tr. 575)

Tóm tắt:

Bà Tú Kham nhà giàu nhứt làng Nhi Hạ, chồng chết để lại một gia tài lớn lao và đứa con trai ba tuổi tên Lý Hổ. Bà nuôi con và quản xuất trăm việc trong ngoài không sai nếp cũ.

Nghĩ mình có giai tài đồ sộ, tiền của muôn vàn, nhà chỉ có hai mẹ con, ăn đến hai đời chưa hết. Bà yêu quý con mà không hề để trí lo gì đến nghiệp sinh lý của con. Bà thương con chừng nào thì chiều chuộng con chừng nấy. Bà không cho con học hành, sợ con hao tổn tâm trí, lại còn sợ con bị thầy phạt. Lý Hổ cứ ăn chơi thỏa sức. “Cái lòng thương con của bà Tú Kham như thế, ai trông thấy cũng có thể dự đoán được rằng: đó là con đường đưa Lý Hổ, quả trứng quý yêu của bà Tú Kham, và chính cả bà Tú Kham nữa, đến một cái cuộc đời mà tự bình sinh, không bao giờ mẹ con bà để ý đến”.

Ngày tháng cứ qua luôn…Lý Hổ lớn lên, lung thân mất nết, quen thói phóng túng tự do, say mê tửu sắc, cờ bạc…bà Tú Kham khôn phương ngăn cầm nổi.

Sự đời tráo trở, cuộc thế tang thương, bà Tú mắc nệnh thổ huyết nằm liệt trên một cái giường tre trong một căn nhà chật hẹp. Bà muốn uống thêm thang thuốc bổ sức, nhưng mọi thứ trong nhà đã hết. Bà kêu con Tửu là cháu gọi bà bằng cô, lấy cái nồi đồng qua nhà thím Đội cầm đỡ. Giây lâu nó xách nồi đồng trở về. Thím Đội không chịu cầm. Bà thở dài, nước mắt rưng rưng, oán trách đứa con vô phúc.

Nhưng không ai biết Lý Hổ đi đâu. Sau khi phung phá hết gia nghiệp của bà, nó bỏ đi biệt tích.

  • Lựa chỗ trao duyên (năm 1936, số , tr.126)

Trong gian nhà ngói, ở trước bóng ngọn đèn măn-sông, ông Hường Lâm nói chuyện với vợ.

Ông than, con Lê Ba chướng, cứ đòi lấy Hai Tân, là một tay cờ bạc, đàng điếm. Giàu mặc kệ nó nhưng lung thân như thế cũng có ngày mạt. Nó chê thằng Tám Sáu nghèo. Mắc gì, nghèo mà người ta có lòng đạo đức như thế thời biết đâu lại không có buổi thới lai.

            Bà Hường đang ngồi ngoáy trầu nghe ông nói thì thở dài. Thôi, mặc kệ nó, không sống bóng chết.

            Một vài tháng sau, hai họ châu trần hội hiệp khai tiệc yến ẩm vui mầng. Lê Ba với Hai Tân, một cặp tân hôn đã kết liễu.

            Chỉ một thời gian ngắn, nhan sắc Lê Ba phai lợt, Hai Tân trở nên hững hờ. Chàng ta chia sẻ khối tình cho nơi nầy nơi khác và lao vào cờ bạc. Ông Bá bảo con không nghe, lâm bịnh. Cửa nhà ông một phần do Hai Tân phá tán, một phần do thuốc thang nên khánh kiệt. Hai ông bà quá yếu nhược mà khuất bóng.

            Sau khi lo hậu sự cho hai ông bà, Hai Tân và Lê Ba phải bán hết gia nghiệp để trang trải công nợ, rồi vào Nha Trang làm ăn. Thời kinh tế khó khăn, hai vợ chồng Hai Tân phải chịu lãnh một vai lao động đi kiếm công sở để làm việc chi độ tháng ngày.

            Trở lại chuyện Tám Sáu, sau khi bị Lê Ba từ hôn, Tám Sáu lấy cô Bạch Mai, con thầy thông học, nhà rất giàu lại có lòng đạo đức. Từ đó Tám Sáu, Bạch Mai kết tóc xe tơ rất bền chặt.

            Nhờ ông bà thông học giúp vốn, Sáu Tám về tỉnh khai phố bán buôn và làm đại lý cho nhà thuốc Nam Kỳ. Mười năm sau Tám Sáu trở thành một tay cự phú nơi thành thị. Tám Sáu cho mở thêm cửa hàng ở Nha Trang, cho thợ xây nhà.

            Một buổi thơ nhàn, Tám Sáu cùng vợ lên xe vào Nha Trang xem thợ xây nhà. Đương lúc đi dạo, Tám sáu thấy một người đàn bà đương gánh gạch ra dạng người quen, bèn gọi thầy xu-vai-giăng hỏi. Thầy trả lời: người đó là Lê Ba, vợ Hai Tân, người đâu ở ngoài kia vào làm thuê giúp mướn ở đây đã lâu lắm.

Nghe trả lời, Tám Sáu ngạc nhiên và không muốn hỏi thêm nữa.

  • Ma quăng (năm 1937, số 1478, tr. 714).

Tóm tắt:

Chuyện ma quăng ở nhà thầy Phó Xoan gây xôn xao. Tối nào người ta cũng kéo đến nhà thầy

để xem việc gở lạ. Bữa ấy trời tối như mực, có hạt mưa rỉ rả, sấm chớp nhấp nhoáng nổ bốn phương trời, nhưng người ta cũng đến đứng chật mấy căn nhà trên.

            Một cây đèn sáng để giữa bàn, xung quanh bà con chòm xóm bàn chuyện. Bỗng có tiếng “chảng”, một cục đất rơi xuống giữa bàn làm mọi người thất kinh. Mọi người bàn tán, thầy Phó Xoan không biết trù nghĩ phương kế gì mà đối phó. Hai cô con gái khiếp sợ cứ kêu Chúa lia lịa, rồi quay ra trách cha: “con đã nói với cha, một hai là phải đi khấn đi, mà cha không chịu nghe”. Lại một cục đất khô quăng vào cạnh tủ. Hai cô gái khiếp vía rú lên.

Tức mình, ông cửu Phu đi ra ngoài, dò xét khắp nơi nhưng không thấy tăm dạng gì. Ông trở vào nhà, mọi người thôi thúc đọc kinh. Bọn trẻ sợ hãi đọc không ra câu kinh. Làm việc Đức Bà vừa xong, ông cửu Phu đang làm dấu thánh thì một cục đất to lại quăng vào. Thế rồi cứ độ 15 phút lại đất, sỏi, phân trâu quăng vào. Khoảng 10 giờ mới vắng hẳn, ai nấy đem nhau về. Dư luận không đồng nhất tại sao ma quăng, tại sao Chúa phạt thầy.

            Hai hôm sau, trong khi mọi người ở trong nhà thì ông cửu Phu cứ rình ở ngoài, nhưng cũng không thấy gì. Đất, sỏi, phân trâu vẫn quăng vào nhà thầy phó Xoan.

            Một hôm, ông cửu Phu bàn kín với thầy Xoan. Mọi người kéo đến như mọi khi. Ông cửu Phu ra ngoài đóng hết các cổng lại và cử người canh cẩn thận. Ông bảo người trong nhà cũng đóng cửa lại. Rồi ông soát túi áo từng người một. Ông bắt được hai ba đứa có bỏ đất, sỏi, phân trâu trong túi áo. Chúng bị dẫn ra trước mặt mọi người tra xét.

            “Kết cuộc lại, có kẻ muốn mưu phản thầy phó Xoan trong việc lương duyên của thầy, muốn bia cái tiếng nhà thầy có ma để thầy lỡ làng cơ hội, nên đã thuê mấy đứa lục tặc trong làng đến trộm quăng đất nhà thầy như thế. Qua bữa sau, ba con ma quăng đất đã được mời tới đình làng lãnh án. Và từ bữa đó, nhà thầy phó Xoan trừ tuyệt được cái nạn ma quăng đất vậy.”

            Nhận xét chung truyện ngắn của Lưu Thanh:

            Truyện đã có hình thức một truyện ngắn hiện đại. Tác giả đã tập trung khắc họa bối cảnh, nhân vật, miêu tả tâm lý và xây dựng cốt truyện. Nhân vật có số phận, có mối quan hệ với hoàn cảnh và thực hiện được chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm. Truyện cũng quan tâm tới những vấn đề cộng đồng và hé lộ đôi nét tư tưởng. Tuy nhiên ngòi bút Lưu Thanh vẫn thuộc khuynh hướng giảng dạy đạo lý của văn học giai đoạn trước. Chủ đề bị lộ ngay từ nhan đề và từ những tình huống mở đầu. Vì thực hiện bài học đạo lý chủ quan nên tác giả đã không tuân thủ những quy luật khách quan của hiện thực, mà triển khai truyện theo một đường thẳng đã đặt trước, khiến cho truyện mất đi tính thuyết phục. Cả ba truyện của Lưu Thanh, yếu tố tôn giáo mờ nhạt.

TRUYỆN NGẮN CỦA P.K.

1.Bức tranh nghèo (năm 1937, số 1474, tr. 650)

            Tóm tắt:

            Hôm ấy trời mưa rỉ rả suốt ngày, thằng Lẹ lãnh 20 tờ báo Tây và Quốc ngữ mà chỉ bán đặng 3 tờ. Sau khi trả báo dư, nó mua vài xu bánh mì vụn và thịt quay nguội đem về cho mẹ. Người mẹ cảm động vì đứa con chí hiếu, nàng ăn qua loa và nhớ lại thời chồng nàng còn sanh tiền làm nghề sớp-phơ. Tuy không dư giả, chớ cũng đủ xài. Chẳng may chồng nàng chết vì tai nạn xe hơi.

            Từ bấy đến nay hai mẹ con nàng sống nghèo cực vất vả bữa đói bữa no, nàng mắc bịnh đau tim, chỉ còn cậy nhờ thằng con 10 tuổi bán nhựt trình ngày đặng 5 xu đắp đổi qua ngày. “Nàng suy nghĩ đường kia nỗi nọ, rồi lòng nàng tê tái, trí nàng bấn loạn! Nàng không dè đến nay, thời gian đã đem lại cho mẹ con nàng một hoàn cảnh khốn đốn là: bịnh, tật, nghèo, đói!...”

            Khúc đèn cầy đã lụn, ngã ngọn qua một bên sắp tắt. Sau khi ăn ba miếng bánh, thấy mẹ ngồi lặng suy nghĩ, thằng Lẹ không muốn làm phiền mẹ, nó đi ngủ sau một ngày vất vả.

            “Trời vừa bửng tưng…chốn thị thành thiên hạ tấp nập, xe cộ qua lại rộn rịp, đủ các hạng người giàu có, ăn xài huy hoát, bạc tiền tuôn ra như nước, nhưng họ nào có biết đâu chốn quê hẻo lánh, trong mấy gian nhà lá ẩm thấp hôi hám, đang có những gia đình: nghèo, đói, bịnh, tật… thử hỏi ai là người từ tâm giàu lòng bác ái nhân đạo?”…

            Hôm nay Lẹ chỉ kiếm được một cắc rưỡi bạc. Nó mua 5 xu gạo, vài xu mắm muối rồi chạy tốc về nhà. Nó đi và cảm thấy khoan khoái khi nghĩ mẹ nó sẽ có một bữa cơm cao lương mỹ vị. Về nhà, nó gọi mẹ, nhưng không có tiếng trả lời. Tưởng mẹ nằm mê nên nó không dám khinh động. Nó nấu cơm và chờ mẹ dậy ăn. Đến 9, 10 giờ khuya, nó nắm tay mẹ gọi, mẹ nó đã lạnh ngắt như đồng. Lối xóm chạy qua thăm. Người thiếu phụ ấy chết từ chiều, sau một cơn mệt vì trái tim đập mạnh quá, nên đứt mạch máu mà thở hơi cuối cùng trong túp lều bẩn thỉu.

            Lẹ nhào ôm xác mẹ khóc thản thiết.

            Bên ngoài, làn gió khua động lá cây rì rào hòa lẫn tiếng dế tỉ te nhịp nhàng, để chia buồn với thằng nhỏ vô phước kia!

2.Lỡ lầm (năm 1937. Số 1449. Tr. 250)

            Nga là cô gái công dung ngôn hạnh, sinh trưởng trong một gia đình gia giáo. Cha mẹ cô đã ngoài ngũ tuần. Ông bà chỉ mong cô có nơi nào đạo đức tử tế, biết nghề làm ăn, không cần giàu sang cho con trao thân gửi phận. Có con gái “khác nào treo hũ mắm đầu giường”.

            Gặp năm đồ khổ làm chẳng ra tiền, gia đình ngày càng thiếu hụt, Nga phải đi may mướn kiếm mỗi tuần 2 đồng bạc. “Thương hỡi! Thế là cô Nga đã bước chơn vào vòng tội lỗi với anh họ là người bên lương… Tội nghiệp cô Nga, vì con ma vật chất nó ám ảnh nên trí khôn lu mờ, không còn biết gì xấu tốt, danh giá, chẳng kể gì lời biếm nhẽ của người đời, không còn nghĩ đến tương lai, một mối sầu cho cha mẹ cô và cô về sau nữa”.

            Rồi cô có bầu… rồi người đàn ông ấy thôi vợ cũ, đem cô về làm chính thất. Bạn bè anh ta bảo, anh thay vợ như thay áo. “Ôi! Ngán ngẩm cho nhơn tình tráo chác, gớm ghê cho thế sự biến dời!…Cuộc đời ví thể trò chơi…”

            “Cô Nga rày đã nên người ngoại giáo, không còn nhớ đến Chúa Bà, không còn đọc kinh xem lễ nữa. Có người khuyên cô…, cô chỉ đáp lại một cách bơ thờ lạt lẽo:  -Ôi! Lo gì, tới đâu hay đó…chừng gần chết sẽ hay…Thế là xong chuyện!…”

            Thời gian cứ trôi. Cô Nga cứ điềm nhiên không chút gì nhớ đến linh hồn… “Bọn trinh thám của Luxiphe vẫn nom theo rình rập cô Nga…chờ dịp tiện, chúng sẽ nã tróc linh hồn cô mà đưa vào biển lửa đời đời!...”

3.Nhứt nghệ tinh (năm 1937, số 1468, tr. 553)

Khắp đô thành Saigon, không một người đàn bà Pháp nào mà chẳng biết tiệm may y phục và làm

 nón hiệu Marthe Hồng Đăng ở đường Bonard. Kỳ đấu xảo nào, Hồng Đăng cũng chiếm giải nhứt. Nhiều cô thợ may làm ở đây. Hỏi họ thì biết Hồng Đăng là người vui vẻ, tử tế nghiêm nghị. Nhưng lai lịch thì không ai biết.

            Bảy năm trước, ông Đỗ Ngọc Long là cha cô Hồng Đăng, bị bịnh, thần chết đưa ông về miền âm cảnh. Cô phải bỏ Nhà Trắng Saigon, từ giã thầy và bạn về phụng dưỡng mẹ già, nuôi em dại.

            Về nhà đặng một năm, nhan sắc “thiên kiều bá mị dợn sóng khuynh thành của cô làm cho lắm bậc vương tôn công tử để ý.” Nhưng cô từ chối hết. Bà già khuyên cô nên ưng thuận cho rồi, hầu lo lập nghiệp làm ăn.

            Cô rón rén thưa lại với mẹ, “tiền của, quờn tước là miếng mồi của ma quỷ để trêu bẹo câu nhữ loài người cho dễ sa vào cạm bẫy nó”; “Thưa mẹ, đời này là đời tinh ma xảo trá lắm mẹ ạ! Con nhứt quyết, xin Chúa trên soi đàng dẫn lối cho con sau nầy gặp đặng một người chồng đạo đức, lịch duyệt sự đời, biết trọng phẩm giá và tư cách làm người, đồng một tâm lý như con, thì dầu người ấy có nghèo hèn xấu xa đến bậc nào, con cũng vui lòng trao thân gởi phận”…

            Cô nói tiếp với mẹ: “Thưa mẹ, trước hai năm lấy chồng, con hứa sẽ làm cho mẹ đặng toại lòng phỉ chí, là thấy con lập nên sự nghiệp vẻ vang!..Khi ấy cha con ở chốn tuyền đài cũng đặng ngậm cười đôi chút”. Cô hứa lo cho em ăn học để nên một nhân tài trong xã hội. Bà mẹ nghe vậy thì rất vui lòng.

            Bảy năm sau, trên đường Bonard, có ba căn phố lầu chưng bày trang hoàng đẹp đẽ, trước có tấm bảng hiệu: “Marthe Hồng Đăng-Chapeaux et Robes pour dames”.

            Trong gia đình cô đã làm tròn chữ hiếu với mẹ và em. Ngoài xã hội, cô đã xuất tiền cua châu cấp các Hội phước thiện và bố thí người nghèo.

            “Sau, cô đã gặp một người chồng đạo đức đủ tư cách, lại thêm lịch duyệt sự đời, đối với cô rất tâm đầu ý hiệp”.

            “Thế là: Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh, một cái gương cho các bạn quần thoa noi dõi…”

            ***

            Nhận xét chung truyện ngắn của P.K:

            Truyện thuộc khuynh hướng đạo lý. Tác giả kể truyện để “nêu gương” tốt cho người đọc, hoặc cảnh báo những “gương xấu”. Vì chủ đích là giáo dục, nên truyện được cấu trúc theo tuyến tính định trước, phi hiện thực.

            Lời văn (kiểu ngôn ngữ) vẫn chịu ảnh hường văn biền ngẫu và những cách diễn đạt của văn chương trung đại chịu ảnh hưởng truyện Trung quốc.

            Ngòi bút P.K nằm trong dòng văn chương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mặc dù truyện được viết vào năm 1937, thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn đã hiện đại hóa văn chương và ngôn ngữ Việt, nhưng tác giả P.K vẫn không theo kịp sự phát triển của văn học Việt.

            Truyện có những chi tiết đạo Công giáo, song căn cứ vào tư tưởng, chủ đề và bút pháp, các truyện của P.K chưa thực sự là văn chương Công giáo. Khuynh hướng chính của ngòi bút P.K là khuynh hướng đạo lý, có pha trộn tư tưởng phong kiến và tư tưởng tự do, tự lập phương tây. (Kiểu như Nửa chừng xuân của Khái Hưng-1934).

TRUYỆN NGẮN CỦA THẠCH KIM

Truyện Đê tiện (năm 1937, số 1486, tr. 842)

Tóm tắt truyện:

            Trời đã về chiều, đèn đường đã lên. Quang cảnh ở đô thành mai chiều thật là phi thường náo nhiệt.

            Bên vệ đường có một thiếu niên trạc 20 tuổi, vẻ mặt bi ai. Trong đầu thiếu niên cảm thấy: “đời là một trường chiến đấu của nhân loại, đời đầy sự giả dối ích kỷ, hại nhơn, ai khôn thì sống, ai bống thì chết…Đời…Đời rõ thật là khốn nạn”.

            Đồng hồ bưu điện gõ 9 tiếng, thiếu niên bước đến một quán cơm dựa bên đàng. Từ mai tới giờ cậu ta chưa có hột cơm nào bỏ bụng. Rờ trong túi, cậu chỉ con 2 đồng xu và một điếu thuốc cong queo. (Không đủ tiền ăn cơm), cậu uống tô chè Huế, châm điếu thuốc, rồi cậu lủi thủi về xóm Vạn chài…

            Về đến nhà, người chị vội vã hỏi cậu có được việc không mà đi từ mai tới giờ. Cậu gạt đi, bảo chị đừng nghĩ đến chuyện nhờ ông Phán xin một chân thầy ký nữa. Chị em đã bị lão lừa rồi. 5 chục bạc đút lót cho lão để xin việc đã tiêu ma. Lão hứa giúp chị vì tường sẽ chiếm đoạt được chị.

            Mồ cô cha mẹ, lại góa chồng, Ngọc Châu, và nhờ chút vốn chồng để lại, nàng buôn bán nuôi em là Công Minh ăn học. Sau khi thi hỏng Thành Chung, Công Minh không thể đeo đuổi việc học, người chị đã cậy nhờ ông Phán, là người làm việc Nhà nước và là bạn cố giao của song thân, tiến dẫn cho Công Minh một chức thư ký.

            Không chiếm được Ngọc Châu, ông Phán nói phải chạy 50 đồng bạc để xin việc. Cầm tiền rồi, ông ta khất lần lữa. Một hôm Công Minh đến tận nhà, Ông Phán sai đầy tớ đuổi cậu đi và hăm dọa, nếu còn đến nữa ông sẽ bỏ tù. “Đáng khinh bỉ thay!”.

            Công Minh ra về bần gan tím ruột, cậu oán ghét nhân loại và phiền trách xã hội bất công. Cậu không còn ham cái chức thơ ký, thầy thông. Thà làm một anh cu-ly lao động còn hơn cái chức thầy ông như hạng ông Phán kia, thì càng thêm nhớp nhúa cho con cháu Lạc-Hồng.

            Từ đó về sau mỗi khi chị em Công Minh nhắc lại câu chuyện xin chỗ làm, thì không sao quên đặng ông Phán kia là một hạng người hạ lưu đê tiện.

            ***

            Ngòi bút Thạch Kim có khuynh hướng xã hội, nhưng vẫn thiên về chuyển tải đạo đức. Kể chuyện bất công xã hội nhưng Thạch Kim vẫn bảo vệ chị em Công Minh là người tốt. Và họ đã chiến thắng cái xấu. Rất tiếc tác giả không cho biết sau khi không xin được việc thì Công Minh làm gì? (Chắc là làm cu-li lao động). Cách kết truyện bỏ lửng như thế đã đặt câu truyện vào môi trường của tính lý tưởng, thoát ra ngoài cách xây dựng truyện theo bút pháp hiện thực.

            Cấu trúc truyện của Thạch Kim đã hiện đại hơn so với Lưu Thanh, Bến Gỗ và P.K.

            Bạn có thể đọc thêm các truyện của Thạch Kim:

                        – Trụy lạc (năm 1937, số 1485, tr. 826)

Phận bạc mày xanh, (năm 1938, số 1491, tr.81)

Một đời hoa, (năm 1938, số 1497, tr. 178)

Lương duyên túc đế – Chuyện đời xưa (năm 1938, số 1503, tr.274, 289, 322)

Chí nam nhi, (năm 1938, số 1516, tr. 486).

KHÁI QUÁT VÀI ĐẶC ĐIỂM CHUNG

  1. Hầu hết các tác giả đều thuộc khuynh hướng viết truyện đạo lý. Chủ đề truyện là một vấn đề đạo lý (đạo đức, luân lý). Các tác giả thường xuất hiện trực tiếp trong truyện để bình luận, chỉ ra bài học hoặc cảnh báo về hậu quả xấu của hiện tượng. Nội dung truyện có thể là những cảnh ngộ xã hội, song mục đích viết của tác giả không hướng đến giải quyết vấn đề xã hội. Vì thế giá trị hiện thực của văn chương không phải là giá trị chính của tác phẩm. Thí dụ, viết truyện Đê tiện, Thạch Kim không giải quyết vấn đề thất nghiệp của Công Minh, không giải quyết vấn đề tham nhũng của ông Phán, mà chị em Công Minh chỉ rút kinh nghiệm giao tiếp khi gặp hạng người đê tiện. Khuynh hướng đạo lý là  một đặc điểm của văn học Việt thời Phong Kiến (Thí dụ: Nguyễn Công Trứ rao truyền đạo đức trung hiếu. viết Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đưa ra một đạo quân nhân nghĩa để đánh bại bọn bất nhân bất nghĩa). Với chủ đề, nội dung như vậy, truyện ngắn của các tác giả Nam Kỳ Địa Phận đã không theo kịp những bước phát triển của truyện ngắn nửa đầu thế kỷ XX.

2.Về cách viết, có sự chuyển biến nghệ thuật giữa các tác giả đầu thế kỷ XX (Bến Gỗ) với các tác giả sau 1930 (Thạch Kim, P.K). Bến Gỗ kể truyện theo mô tip và ngôn ngữ dân gian; Thạch Kim và P.K, viết những truyện ngắn có đặc điểm hiện đại về cấu trúc truyện, về chọn lựa tình huống, về xây dựng nhân vật có số phận chằng chịt trong các mối quan hệ xã hội, về miêu tả ngoại cảnh và về ý thức xã hội của người cầm bút (ít nhiều có tư tưởng nhân đạo và ý thức phê phán hiện thực bất công).

3.Vì theo khuynh hướng đạo lý, các tác giả đều bỏ qua những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực mà dẫn dắt câu chuyện, điều khiển nhân vật theo hướng đi chủ quan, đã định trước của mình (xin đọc Nhứt nghệ tinh của P.K.), khiến cho truyện trở nên “không thật”, và kém thuyết phục. Người đọc không biết Hồng Đăng đã làm gì và làm thế nào để bảy năm sau có một cơ ngơi lớn trên đường Bonard với bảng hiệu: “Marthe Hồng Đăng-Chapeaux et Robes pour dames”.

4.Xét đến cùng, các tác giả truyện ngắn trên Nam Kỳ Địa Phận không viết vì mục đích văn Chương, mà vì mục đích giáo dục (nói chung), trong đó có giáo dục tôn giáo (truyện Lỡ lầm của P.K.), và vì thế không đặt mục đích khám phá sáng tạo. Không truyện nào sánh được với truyện ngắn của Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… cả về tư tưởng vả nghệ thuật.

Tháng 9/ 2024

_________________

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok