Nam Kỳ Địa Phận-Bài VII-TIỂU THUYẾT TRÊN NAM KỲ ĐỊA PHẬN

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Bạn có tể tải chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận gồm 7 bài viết của Bùi Công Thuấn theo link: https://www.mediafire.com/file/w9tthddhwp7gtvi/NAM+KỲ+ĐỊA+PHẬN-Chuyên+luận-7+bài+pdf.rar/file

***

NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài VII

TIỂU THUYẾT TRÊN NAM KỲ ĐỊA PHẬN

Bùi Công Thuấn

***

            Những tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận đã được GS Nguyễn Văn Trung và nữ tu Gió Biển CMR (Đinh Thị Oanh) đọc, tôi xin không nhắc lại ở đây.

GS Nguyễn Văn Trung đã đọc “Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch” của Charles Ngọc Minh, ông nhận xét: “Truyện Gioang Ngô Kim Thạch là một truyện Tàu đượm tinh thần Kitô giáo.” Tác giả Charles Ngọc Minh viết phần “Lược dẫn” nói rõ đây là “tích truyện đời xưa” (không phải truyện sáng tác) như sau: “Tôi thường nghe bên Nho giáo hay nói rằng: ‘Họa vô đơn chí’(cái họa không xảy đến lẻ một mình). Chữ từ chữ thì nghĩa như vậy, mà hiểu cho rõ câu ấy có ý chí làm sao thì tôi chưa hiểu rõ. Nay nhơn lúc rãnh, giở sách tích truyện đời xưa gặp cái cơ hội nhà ông Gioang nầy, thì bây giờ tôi mới thấu đặng ý nghĩa cái câu ‘Họa vô đơn chí’ là gì.”(NKĐP số 403, tr. 652).

Nữ tu Gió Biển CMR (Thị Oanh) đã nhận xét về hai tiểu thuyết Cha giết con và Đôi bước lưu ly của Phêrô Nghĩa như sau:

Mảng văn học trên Nam Kỳ địa phận đã kết trái đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết Công giáo. Phêrô Nghĩa là gương mặt đại diện cho các tiểu thuyết gia có thể nói là xứng đáng nhất.  Nơi Cha giết con và Đôi bước lưu ly, những chân lí đức tin Công giáo nền tảng được bộc lộ ngang qua cuộc hành trình sống đức tin của người Kitô hữu giữa những cơn thử thách của thời cuộc. Tiểu thuyết gia Phêrô Nghĩa đã biết sử dụng những vấn đề đạo lí cương thường của người Việt Nam làm mảnh đất ươm hạt giống đức tin Công giáo nảy mầm cách âm thầm mà vững chãi.[[1]]

***

ĐỌC TÁC PHẨM

1. Năm 1917. Trung và Nịnh – J. L. v. Đ.

2. Năm 1926. Bước đàng gay hiểm – P. L. Bùi Minh Nên

3. Năm 1931. Ôi là tự do – Phê rô Nghĩa

4. Năm 1933. Nhị Độ Mai – Phê rô Nghĩa

5. Năm 1934. Thần công lý – Lưu Thanh

 Việc chọn đọc 5 tác phẩm chỉ là chọn ngẫu nhiên. Dù vậy, các tiểu thuyết và bút pháp của tác giả có thể giúp người đọc nhận ra khuynh hướng tiểu thuyết của Nam Kỳ Địa Phận, bởi Phêrô Nghĩa, Jacques Lê Văn Đức, Lưu Thanh… là những cây bút văn chương chủ lực của Nam Kỳ Địa Phận, họ viết nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại, gắn bó lâu dài với tờ báo.

Chẳng hạn:  Jacques Lê Văn Đức có tuồng giễu Trước cửa Thiên đàng (1923), tiểu thuyết Tìm của báu (1925), du ký: Du lịch bên Xiêm (1926)…[[2]]; Phêrô Nghĩa (Lm Lê Thiện Bá) có các tiểu thuyết: Mưa Mai nắng chiều (1928), Đôi bước lưu ly (1928), Ôi là tự do (1931), Cha giết con (1932), Nhị độ mai (1933), Biết Ai Thượng lưu (1942)[3, đd]; Lưu Thanh (trong 4 năm 1935, 1936, 1937, 1938) đã đăng 63 truyện ngắn trên Nam Kỳ Địa Phận

Bài viết này bước đầu tìm hiểu về tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận. Người viết bỏ qua những tác phẩm dịch, phỏng dịch, hoặc phóng tác từ tác phẩm văn học nước ngoài, cũng không khảo sát những tác phẩm của tác giả vô danh (bút danh viết tắt), mà đặc biệt chú ý đến những sáng tác văn chương thuần Việt của Nam Kỳ Địa Phận. Qua đó, thử xem xét những giá trị văn học mà tiểu thuyết Nam Kỳ Địa Phận đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa văn chương Việt đầu thế kỷ XX, cũng như xem xét trong dòng chảy văn học Công giáo, Nam Kỳ Địa Phận định vị ở được những đỉnh cao văn xuôi nào?

Để giúp độc giả tiếp cận được tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận, tôi tóm tắt tác phẩm (cố gắng giữ nguyên cấu trúc và văn phong), sau đó ghi lại những nhận định (của cá nhân) khi đọc tác phẩm vừa dưới góc độ độc giả trước 1945, vừa quan sát dước góc độ lý luận văn học hôm nay.

Để xác định giá trị văn chương của Tiểu thuyết Nam Kỳ Địa Phận tôi căn cứ vào mục đích truyền giáonâng cao dân trí của tờ báo. Bài Bổn quán kính cáo nói rõ: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”. Bài cám ơn Đức Cha cũng nhắc lại mục đích này: “để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời,..”(xem NKĐP số 1, năm 1908).

***

1917. TRUNG VÀ NỊNH

Tiểu thuyết của J. L. v. Đ (Jacques Lê Văn Đức [[3]])

Đăng trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1917-1918

(Kỳ 1, năm 1917, số 449, tr. 568)

            TÓM TẮT

            Trung và Nịnh là một truyện trinh thám. Nội dung truyện là cuộc điều tra hình sự về cái chết của ông Vẹt-Ly từ đầu cho đến khi tìm ra thủ phạm và xử lý tội phạm.

            Ông Vẹt-ly, sống trong một cái nhà lầu ở Phong-ô-lách cùng với một người giúp việc tên Gioang chừng 40 tuổi, mạnh bạo. Một hôm, Gioang nhận được thư báo tin người em chết, anh ta xin phép chủ về nhà để lo hậu sự cho em. Nhưng khi về đến nhà, người em vẫn đang sống. Quay trở lại nhà ông Vẹt-Ly, Gioanh phát hiện ông Vẹt-Ly đã chết. Hóa ra, lá thư kia là để lừa Gioang ra khỏi nhà, ông Vẹt-Ly ở một mình và kẻ thủ ác dễ ra tay. Gioang bị quan tòa xét hỏi, nhưng không bị kết tội vì có lá thư chứng cớ ngoại phạm. Quan Đốc tờ tìm ra nguyên nhân cái chết của ông Vẹt-Ly là bị chích thuốc độc Chà-và, nhưng không tìm ra thủ phạm, vụ án chìm vào quên lãng. Từ đó Gioăng sang ở  làm công với ông Di Đoa. Căn nhà ông Vẹt-ly bỏ hoang trở nên ghê rợn vì những đồn đoán nhà có ma. Nhưng có một người quyết tìm cho ra thủ phạm.

            Người ấy là Gioang. Gioang bị nghi là kẻ sát nhân. Gioang muốn tự minh oan, và hơn thế, để chống hội kín đang chống phá đạo Thiên Chúa. Trong một đêm, Gioang đã gặp thằng Môrô trong ngôi nhà ma.

            Nhà ông Di-đoa là nơi gặp gỡ của con cháu ông Vẹt-Ly và ông Rốt Ben là bạn ông Vẹt-Ly. Bà Vẹt-ly ở thành Bay-Don, chồng chết sớm. Bà có đứa con gái là Germaine rất thương mẹ; đứa con trai là René, thầy kiện. René được nhận phần gia tài của chú mình là Vẹt-ly. Rốt-Bên có hai con là Rê Mông và Bô Lết. Gặp nhau ở nhà Di-Đoa, René có cảm tình với Bô Lết và có ý định kết hôn. Rốt Bên cũng muốn tìm ra thủ phạm. René tin chắc trong nhà Vẹt-ly còn của quý, một ngày nào đó sẽ tìm ra. Ông trả một vạn quan cho René để mua lại căn nhà của Ông Vẹt-Ly. Ông sẽ đến ở và chờ thủ phạm đến.

            Trong quá trình tìm theo dấu vết thủ phạm, Gioang vào hang núi lần tìm đến chỗ người ăn mày tên là Nết. Đó là “nhân chứng thứ nhất” ở nhà ông Vẹt-Ly trong đêm ông bị giết. Nết cũng bị kẻ sát nhân chích thuốc độc vào cổ, trở thành khùng điên. Gioang đưa tấm ảnh và nhờ Nết nhận dạng kẻ sát nhân. Từ đây Gioang lần tìm đường dây tôi phạm. Khi ấy René bị Rốt Bên thuê thằng Mạt Bai bắt sống đưa đi tù. Thực ra Rốt Bên là tên giả. Tên thực của hắn là Lức Keo. Gioang từng bị thằng Cop Măng, một ngách của hội kín, sai thằng Môrô đập đầu và gìm xuống sông cho chết, nhưng Gioang không chết, trái lại Gioang còn cứu được Môrô khỏi tay Cop Măng. Gioang bày mưu tính kế với Mô rô bắt sống Cop Măng, nhưng rồi Cop Măng chạy thoát. Gioang lấy được cuốn sổ của Cop Măng. Nhờ cuốn sổ, Gioang đã biết kẻ giết ông Vẹt-ly là một tên trong hội kín, chúng muốn cướp của và phá đạo Thiên Chúa.

Sau đó Gioang đi cứu René. Ba ngày sau Gioang vào rừng đào dưới hố lấy lên một các xách da trong đựng của quý (mà Gioang đã lất từ tay Rốt Bên), đưa cho Bô Lết để trả lại cho chủ. Gioang cũng lấy trong túi ra 3 cái thư (Gioang đã lục trong tủ của Rốt Ben) đưa cho Bô Lết và nói: “Còn cái nầy đây là làm chứng tôi là người vô tội”. Hai anh em Rê Mông, Bô lết (con của Rốt Bên) cầu xin Gioang tha tội cho cha.

Di-Đoa cho René biết Rốt Bên là tên giả của Lức Keo. Hắn là một người Giu Dêu chống phá đạo. Lúc ấy, ờ Phong Ô Lách, Rốt Bên cho gọi anh em Rê Mông, Bô Lết đến và cầu xin con tha tội. Rốt Bên đã uồng thuốc độc vì sợ thủ lãnh hội kín là Mên Lốc tìm giết. Ông ta yêu cầu được gặp Linh mục, và gọi René. Linh mục phát hiện ra Rốt Ben chưa rửa tội, ngài đổ nước cho hắn. Rồi Rốt Ben kêu hai con lại và rút trong túi chiếc chìa khóa và nói: “Hai con hãy tha thứ cho cha…Cha không phải là…” Nói tới đó Rốt Ben tắt hơi.

Gioang xuất hiện và nói tất cả sự thật. Gioang lấy cuốn tập của thằng Cop Măng ra đọc: “…Lức Keo có nuôi một người con trai và một người con gái không phải con ruột của nó. Khi nó giết tên Rốt Bên mà đoạt của rồi thì nó bắt hai đứa con của Rốt Bên mà nuôi tới lớn”(tr. 719). Gioang nhìn Lức Keo, khóc mà nói: “Chúa tha thứ cho mầy, tao cũng tha cho mầy”.

Gioang lấy chìa khóa trên tay Lức Keo (tức là Rốt Ben giả) rồi dẫn mọi người vô phòng Lức keo mở các tủ, lấy ra một bao thơ niêm chặt đưa cho Rê Mông. Đó là lời trối của Lức Keo. Lức Keo nói rõ mình theo hội kín, đã giết Rốt Ben rồi nuôi hai con Rốt Ben. Gioang không có tội. Mọi người vui mừng.

`Đoạn sau hết (kỳ 61, năm 1918, số 511, tr.750): Bữa nay, tại nhà ông Di-Đoa có tiệc lớn: đám hỏi cô Bô Lết với René; và cô Ra Mên Vẹt Ly với cựu quan võ Ray Mông Rốt Bên. Mọi người bàn việc gìn giữ đạo Chúa, chẳng hạn, “làm Nhựt trình cho nhiều để chống trả với nhựt trình bọn nghịch đạo và đem cùng nước những lời lành, dạy dỗ con trẻ, khuyên lơn người lớn”.

Gioang trở lại báo tin đã tiêu diệt hết bọn hội kín. Thằng Mên Lốc phải tù 20 năm ở Iphanho, vì nó ra lệnh cho Côp Măng giết Môrô. Mọi người cám ơn Gioang. Gioang hoàn thành nhiệm vụ của một tôi trung. Anh ta xin cho Môrô và anh ta được ở với ông Di-Đoa và “xin một miếng vườn nhỏ trong vòng rào nầy đặng trồng trỉa coi cây trái trỗ chơi thì là vui khoái lạc cho tôi lắm”. (Chung)

GHI NHẬN

            1.Theo GS Nguyễn Văn Trung (xem Lục Châu Học, chương II), “Trung và Nịnh” của Jacques Lê Văn Đức là tác phẩm phỏng dịch từ Pháp văn. Truyện đăng từ số 449 (1917) đến số 511 (1918), cả thảy 62 số báo. Khi đọc Nam Kỳ Địa Phận, tôi không thấy tác giả ghi nguồn, cũng không ghi tên thật của mình. Có lẽ vì là truyện dịch, dịch giả chỉ là người trung gian, nên Jacques Lê Văn Đức chỉ ghi tắt tên mình là J. L. v. Đ.

2. Như vậy, tài năng sáng tạo cốt truyện, cấu trúc tác phẩm, xây dựng nhân vật, bố trí tình huống; sử dụng bút pháp (hiện thực hay lãng mạn), sử dụng kiểu ngôn ngữ (bình dân hay bác học)… là thuộc về tác giả của nguyên tác. Rất tiếc vì không biết nguyên tác, người đọc không thể đối chiếu văn bản dịch của J. L. v. Đ. để có thể đánh giá các giá trị văn chương mà ông có thể đóng góp cho văn học Việt.

Trung và Nịnh là một tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn. Cốt truyện phức tạp, nhưng được kể mạch lạc. Tác giả kiến tạo nhiều tình huống bất ngờ, các bí mật truyện được úp mở, và giấu kín, nên độ căng và sự hấp dẫn của tác phẩm giữ được độc giả đến cuối truyện. Ngôn ngữ của bản dịch nhẹ nhàng giàu chất văn chương (tuy còn gần với văn nói, nhưng trong sáng và hiện đại hơn ngôn ngữ truyện của Phê rô Nghĩa)

            3. Những yếu tố tôn giáo trong tác phẩm:

            Trung và Nịnh có nói đến Hội kín phá đạo Thiên Chúa, nhưng không miêu tả cụ thể; có Linh mục làm phép rửa cứu được linh hồn Lức Keo (là một kẻ Giu Dêu phá đạo, uống thuốc độc tự tử). Nhân vật Gioang có bày tỏ lòng tin đạo, thể hiện là sự tha thứ, bao dung; có cả hình ảnh nhà thờ Phong-ô-lách làm bối cảnh (đoạn Mô rô nhận thách thức vào ngôi nhà ma- Kỳ 2: số 450, tr. 584), song truyện không được viết để loan báo Tin Mừng. Các yếu tố tôn giáo chỉ là yếu tố xã hội, chưa trở thành tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Cốt truyện và nhân vật chính không hướng đến những thông điệp của Tin Mừng, mà là truyện trinh thám, hình sự, điều tra tội phạm. Và người đọc cũng nhận ra tính giải trí của kiểu truyện trinh thám. Đây không phải là một tác phẩm văn học Công giáo, dù có yếu tố tôn giáo.

            Tôi nghĩ nếu để đáp ứng nhu cầu giải trí và để giữ chân độc giả thì Trung và Nịnh là một truyện hấp dẫn. Và như thế, không thể đòi hỏi nhiều hơn những giá trị tôn giáo của một tiểu thuyết đăng báo để giữ độc giả.

***

1926. BƯỚC ĐÀNG GAY HIỂM

P. L. BÙI MINH NÊN

(Kỳ 1, năm 1926, số 890, tr. 252 – Kỳ cuối: kỳ 39, năm 1927, số 940, tr. 238)

            Từ số đầu đến số cuối “Bước đường gay hiểm” đều ghi bút danh là P. L. Chỉ khi kết thúc truyện, tác giả mới ghi rõ tên là P. L. Bùi Minh Nên.

            Trước khi vào truyện, tác giả ghi lời Tiểu Tự như sau:

            “Truyện nầy đặt theo cảnh người đời, lắm lúc hiểm nguy, nắng chiều mưa mai, vui buồn hằng đổi. Cốt ý để hiến riêng cho chư quán báo N.K.Đ.P. Ngoài ra thì tác giả giữ bản quyền. Truyện nầy làm nên một gương rất quý, là ví dầu phải khốn đốn cực lực thế nào, thì con nhà có đạo phải toàn giữ thỉ chung như nhứt, dầu phải vào gay ra hiểm, ta chớ quên có đấng thưởng phạt phân minh; đừng cả lòng quấy theo ý đời mà phải tay Người sửa trị (năm 1926, số 890, tr. 252).

            Lời Tiểu Tự nói rõ mục đích viết truyện là nêu một tấm gương giữ đạo để nhắc nhở “con nhà có đạo phải toàn giữ thỉ chung” đức tin của mình.

            Truyện có  14 chương, đánh số La mã và có nhan đề chương, tôi in nghiêng, để trong ngặc kép. Chương “Mối tội tình bí mật” được ghi 2 số là Chương III (số 903, tr. 463) và IV (số 904, tr. 479).

            TÓM TẮT

  1. Ngày vui không trọn”

Phan Sĩ Thường là anh thợ mộc thông thái, học nhiều, ăn nói vui vẻ, cử chỉ khiêm nhường. Hôm nay nhà Thường có đám cưới. Thường lấy Lucia Lý, con của Lương Hữu Luân, bạn thợ mộc với Thường. Lý đã  28 tuổi. Vợ trước của Thường là Inê Lành. Ba năm trước, Lành chết để lại cho Thường một đứa con trai là thằng Danh.

Ở nhà thờ về, họ hàng nhập tiệc. Mọi người dang vui đám cưới thì Thường đưa con đi trốn. Thường và con nằm trong một một áo quan để trốn ra ngoài. Thằng Danh bị ngộp thở, chết ngất. Ra đến ngoài, phát hiện có lính kín, Thường đã giựt một con ngựa bên đường để chạy trốn. Tới bến đò Phước Hựu, thấy có chiếc tam bản ở bến, Thường lấy chèo qua sông rồi đón xe đi Mỹ, xe của một bà có đạo tốt bụng. Bà ấy còn cho cha con Thường quá giang thuyền để sang sông.

  1. Nỗi thảm trăm chìu”

            Trên sông,Thường quan sát thấy phía sau có 2 ghe của ông cò đang rượt theo. Độ 20 phút, ghe của Thường đã châm mũi vào cầu Lục Tỉnh. Lên bờ, Thường quá giang được xe về Sài gòn. Xe chạy chừng  2 giờ thì qua khỏi châu thành chợ lớn. Thường xuống ở đường Frère Louis. Đã 5 giờ rưỡi. Hai cha con thả lơ thơ vô vườn Bô-rô.

Đang đi thì có tiếng gọi. Thường biết là lính kín, liền bồng con chạy. Lính kín la lên: “Bớ người ta, thằng sát nhơn vượt ngục chạy đó”. Thường chạy trối chết, rồi trốn núp lọt qua đường Roland Garros thì đã khuya. Thường thuê xe đến chỗ bán đồ cũ để mua quần áo đổi dạng.

Lúc Thường trốn đi, ông cò ở Mỹ Tho nghi Thường lên Sài gòn, liền đánh giây thép báo cho Sở Mật thám Sài gòn tập nả tên tù Huỳnh Kim Long, tròng tên là Phan Sĩ Thường vượt ngục Côn-nôn. Đêm ấy cha con Thường ngủ ở chân cầu Khánh Hội. Sáng ra vào ga Cầu ông Lãnh. Đói quá, hai cha con Thường phải lượm đồ thiu thối ở đống rác ăn rồi đi tìm Năm kéo, và bất ngờ gặp hắn. Năm Kéo dẫn Thường đến quán gặp chú Sáu. Chủ quán dẫn Thường đến cầu Chà Và. Thướng đứng chờ ở mống chân cầu.

III&IV. “Mối tội tình bí mật”

Đứng ở chân cầu, Thường làm bộ ghi chép điều gì đó để không bị nghi ngờ. Khi viết: Ngày 27 Septembre, Thường nhớ lại, 20 năm trước, ngày này Thường bị kết án 20 năm tù khổ sai vì tội sát nhơn đoạt tài. Thường có phạm án vậy không, chỉ mình Đức Chúa Trời soi thấu.

          Năm 190…ngày 12 tháng Mai, ông xã trưởng làng Thái Bình là Nguyễn Văn Bổn đi cùng Biện Huỳnh Kim Long lên tỉnh đăng thuế. Trưa họ ghé quán ăn cơm. Ăn xong, hai thầy trò xuống đò qua sông. Trời mưa, cả hai dựa vào cây măng mà đụt mưa.

     Sáng ra người ta thấy ông xã bị đâm chết, còn Biện Long nằm bất tỉnh kế thây ông mà vẫn còn cầm cái mát vót đã đâm thủng ngực ông xã. Lại xét trong người Long có 200 bạc. Còn 2000 đồng, tiền của ông xã,  thì mất. Long bị xử 20 năm tù, đày đi Côn Nôn. Long kêu oan không được.

     Tù được 10 năm, Long cùng hai bạn tù đóng bè trốn. Một bạn bị bắn chết. Bè bị giông bão trôi giạt, được một chiếc thuyền cứu vớt, nhưng người bạn thứ hai rớt xuống biển bị cá mập đớp. Người ta biết Long là tù vượt ngục nên ái ngại. Họ cho Long một ghe nan, một gói cơm khô và một chình nước ngọt. Long lênh đênh, anh chỉ biết cầu Chúa, Mẹ che chở… Long trôi dạt vào bãi biển Ba Tri, hạt Bến Tre, lên ở với bạn biển, đổi danh tánh là Phan sĩ Thường.

     Thằng Năm kéo hẹn Thường chiều đi gặp ộng chủ.

  • “Rủi may một phút”

Hai cha con chờ Năm kéo ở mấu cầu thì bị thầy sếp ở ga phát hiện. Thầy đọc báo thấy đăng tin một tên tù vượt ngục. Nó tên Long, dẫn theo thằng con tên Danh. Ai bắt được thì thưởng 5000 đồng, ai chỉ điểm thì 2000. Thầy xếp nghĩ phen này bắt được tên tù, mình sẽ có nhiều tiền mua nhà lớn, mua xe, sắm quần áo…Thầy quyết theo chân Long.

  •  “Hai bà lão”

Có một cái nhà ngói vách ván ở gần lộ về miệt chợ Bình Đông, chung quanh rào bằng cây keo, trong

có 2 người đàn bà, chắc là chị em. Họ không giao tiếp với ai, trừ cha sở và ông thầy thuốc mà thôi. Một bà là sương phụ Nguyễn Văn Bổn. Cả hai bà đều mặc đồ tang, đã 20 năm.

     Sau khi ăn cơm, hai bà đọc bản tin thì run rẩy, – đúng nó rồi, nó còn sống. Nó trốn, nó vượt ngục, họ mới tìm được và đương rượt nó…Hai bà cầu nguyện … “Lạy Chúa, lạy Mẹ, xin gìn giữ kẻ làm lành cho tôi”. Bỗng có người đập cửa, một nhà báo đến gặp bà sương phụ Nguyễn Văn Bổn để hỏi về vụ Huỳnh Kim Long, nhưng bà già từ chối.

  • Vào địa ngục”

Thường lên thuyền đi theo Năm kéo. Thầy Sếp vẫn đi theo trông chừng. Sau đó Thường bị chụp bao

Lên đầu dẫn đi, quanh co, qua những bậc tam cấp, lại chui qua ngạch. Tới một phòng, Thường được cởi bao trùm đầu. Trong phòng có nhiều người. Một lão chệt tra hỏi tên, biệt danh, dấu xâm của Thường. Lão kể rõ tình cảnh của Thường: Thường muốn hoàn lương, còn 4 ngày nữa thì mãn hạn tù. Nhưng mật thám vẫn truy lùng, không nơi ẩn thân, Thường mới tìm đến chúng. Nhìn bọn chúng ăn uống như chó với heo, toàn bọn cướp của giết người, Thường thấy rùng mình không muốn lộn chung với bọn ấy.

      Tên già nói với Thường, mày ở đây 4 ngày là xong. Nhưng mày phải giúp tao một việc gọi là đền ơn. Thường không biết việc gì, nhưng Bọn Kéo đỏi (xã hội đen) này giết người như giết rệp, Thường không muốn dây vô, nhưng kẹt bây giờ sinh mệnh mình và con đang trong tay chúng, Thường biết tính sao.

      Ngay lúc đó, tin báo có người theo dõi, lão già đứng quan sát. Mụ Trùm Khiêm nói qua loa phát thanh báo tin cho lão:  thằng Chín Dẹp đã giết thằng lính kín. Chúng quay qua hỏi Thường có biết thằng lính kín không.

  • “Ông Bị”.

      Chín Dẹp giao thằng Danh cho mụ Trùm Khiêm. Thằng nhỏ bị mụ hành hạ. Khi mụ Khiêm bắt nó coi cảnh đánh nhau mà mụ gọi là “ tay anh hùng hào kiệt”, thì thằng Danh nói đó là ông Bị. Nó đã nói chuyện với ông Bị này buổi sáng nay (trong khi chạy trốn, thấy mật thám đuổi theo, Thường nói với con đó là ông Bị. Sáng nay thằng Danh nói chuyện với xếp ở nhà ga). Nó bị dẫn xuống lão chủ tra hỏi.

  1. Luật của quân ác”.

Lão già tra hỏi thằng Danh. Thằng Danh nói thật mọi điều. Cha con nó không biết có mật thám (ông

Bị) đi theo. Nhờ đó mà Thường vô tội. Lão bảo Thường, hoặc là giúp lão một việc, hoặc nhập Bọn Kéo đỏi (tổ chức của lão). Thường xin không, anh muốn sống lương thiện. Lão nói, nếu vậy thì sẽ không gặp mặt con.

  • Người lành chống điều ác

Bị dẫn đi và nhốt vào phòng kín, Thường ngồi nhớ mẹ và khóc, không biết giờ nầy mẹ ở đâu. Đã có

lần Thường về Thái Bình tìm mẹ, đã tìm ở nghĩa địa, lại vào hỏi cha sở, ngài không biết…Thường không biết sáng mai lão già ấy bắt Thường làm gì. Thường lại xót thương thằng Danh. Rồi Thường làm xâu chuỗi đọc kinh, mệt quá ngủ thiếp đi. Đến 5 giờ chiều ngày hôm sau Thường mới tỉnh ngủ và bị dẫn lên gặp lão già. Lão già hỏi chuyện, ngày ấy Thường giết lão Bổn lấy 2000, vậy tiền ở đâu? Thường nói không biết, mình bị kết án oan.

Lão già bảo Thường đến nhà hai bà lão, giết vợ Bổn vì mụ có tiền muôn. Xong việc sẽ có xe đưa Thường ra bắc rồi sang Tầu, bọn lính kín không làm gì được. Bí quá, Thường nói mình sẽ đi.

Mụ Trùm Khiên luôn răn đe thằng Danh. Mụ nói, mai đi chợ sẽ dắt thằng Danh theo. Lúc vắng mụ, Thằng Danh tìm được chỗ Thường bị nhốt. Biết ngày mai con ra ngoài, Thường nói kế hoạch với con. Thường còn viết cho nó mảnh giấy và bảo, mai đưa cho chú lính, nếu bị phát hiện thì nuốt đi. Lúc thằng Danh quay đi, Thường úp mặt vô vách tường khóc.

  • Chỗ phải ra tay”

10 giờ khuya Thường trèo vào nhà hai bà già nhưng chần chừ không mở chốt cửa. Bọn ở ngoài hối

 thúc, Thường bảo cổng bị khóa xích, và yêu cầu cho thằng Danh chui vào mở chốt cửa sổ.

  • Bà lão nào đây”

            Hai cha con lọt vào nhà, tối thui, bỗng có một bà già mang đèn tới soi. Thằng Danh ngỡ là ma. Bất ngờ Thường nhận ra bà già ấy là mẹ mình. Thường gọi mẹ, nhưng bà già ấy không nhận thằng con sát nhân. Bà đuổi Thường đi ngay. Thường nói với mẹ, mình vô tội.

            Ở ngoài có tiếng súng nổ, hai bên bắn nhau dữ dội, tiếng xe ù ù.

  • Lộn xộn trong nhà hai bà lão

Lát sau im tiếng súng. Có tiếng đông người, họ dộng cửa. Thường giao thằng Danh cho mẹ và để bọn

lính bắt đi. Bà già ở trong nhà (vợ Nguyễn Văn Bổn) đi ra kêu xin mẹ Long tha thứ và xin cha rửa tội. Cha đến, ngài xin mọi người đừng chộn rộn, nhưng họ vẫn dẫn Thường đi. Chúng bàn tán: bắt được cá lớn, phen này lãnh thưởng tiền xài bết lết.

  • Nơi Tòa Đại hình”

          Cả Bọn Kéo đỏi bị bắt ra tòa lãnh án. Đến phiên xử Huỳnh Kim Long, có một linh mục già xuất hiện, ngài trưng bằng cớ Long vô tội và xin tòa tha bổng Long. Đó là một lá thư nhận tội của kẻ đã giết Nguyễn văn Bổn đưa cho Linh mục. Kẻ đó yêu cầu chỉ công khai thư nầy khi hắn chết. Quan tòa xem thư thì giựt mình dựng đứng như bị rệp chích, mà đây là rệp trong lương tâm. Tòa nói, 20 năm nay chúng ta đã lên án một kẻ vô tôi. Tòa nhờ Linh mục trình bày lại vụ án trước công đường.

Linh mục nói, kẻ giết Nguyễn Văn Bổn 20 năm trước là thằng Lịch, con của Bổn, một đứa ăn chơi hư hỏng. Năm ấy nó 18 tuổi. Hôm trước ngày xảy ra án mạng, nó xin tiền, ông Bổn không cho, còn đánh nó mấy hèo. Nó thù ông. Hôm sau ông Bổn đi với Biện Huỳnh Kim Long lên tỉnh, lúc trời mưa, trú ở truông rậm, nó ra tay giết cha và đánh Long bất tỉnh rồi lấy thuốc mê đổ vào miệng Long, lại lấy tiền của ông Bổn bỏ túi áo Long. Bà vợ ông Bổn biết chuyện này nhưng bao che con. Chừng một năm sau thằng Lịch bị quân du đãng giết chết, bà xã Bổn mới ăn năn đem mẹ Kim Long về nuôi.

Long được tha bổng tại tòa. Vị Linh mục ôm lấy Long và nói: “Ớ con yêu dấu! Nhơn danh Đ. C. T. là vua sự công bình. Nhơn danh cả và người có mặt tại đây, nhơn danh những kẻ đã lầm lạc và cha cũng lấy danh kẻ đã chết rồi mà xin con hãy tha thứ cho kẻ làm khốn mình. Ớ con! Con đã dày công mà vác Thánh giá Chúa đã trao cho con. Cha làm phép lành cho con trước khi con ra khỏi đây mà thấy mặt bằng hữu con.” (Kỳ 39. Năm 1927. Số 940. Tr. 240)

Bà Bảy (mẹ Long) nghe tin thì vui mừng. Bà không ngờ mình ở với người làm khốn con mình.

            Bữa ấy có nhà hát bóng xin quay máy chụp hình cha sở giải oan cho Thường. Ai muốn biết chuyện nầy và mặt mày của mấy vị trên đây xin rước máy hát bóng Bon cinéma của M. Jacques Đức & công ty thì sẽ được mục kiến mấy gương mặt ấy.

Rồi đó thì lo dọn đám cưới lại, vui vẻ trọn lành. Phan sĩ Thường nay là Huỳnh Kim Long thiệt. Thằng Danh từ nay được một má ghẻ lịch lãm vui vẻ (Lucia Lý) và một bà nội hiền hậu. Thường ngày bà cháu nói chuyện tầm ruồng không ăn nhập vào việc chi cả mà cùng nhau vui vẻ lắm. (Chung).

GHI NHẬN

1. “Bước đường gay hiểm” là một tiểu thuyết hấp dẫn. Người đọc bị cuốn hút bởi cốt truyện đầy yếu tố bất ngờ và tràn đầy cảm xúc qua nhiều hoàn cảnh gian nan, tình huống hiểm nguy của nhân vật Phan Sĩ Thường. Ngòi bút của tác giả thật điêu luyện khi giữ được độ căng kịch tính của cốt truyện, từ đó phát triển những mâu thuẫn ngày càng phức tạp, để đến cuối truyện, mọi bí mật được sáng tỏ, lẽ thiện tất thắng, kẻ gian ác phải đền tội, người hàm oan được minh oan, và đức tin được khẳng định.

Lời của vị linh mục giải oan cho Long cũng là chủ đề tư tưởng của tác phẩm, đồng thời cũng là lời tuyên xưng đức tin và cuộc đời của Long là một minh chứng cho đức tin ấy: “Ớ con yêu dấu! Nhơn danh Đ. C. T. là vua sự công bình. Nhơn danh cả và người có mặt tại đây, nhơn danh những kẻ đã lầm lạc và cha cũng lấy danh kẻ đã chết rồi mà xin con hãy tha thứ cho kẻ làm khốn mình. Ớ con! Con đã dày công mà vác Thánh giá Chúa đã trao cho con. Cha làm phép lành cho con trước khi con ra khỏi đây mà thấy mặt bằng hữu con.” (Kỳ 39. Năm 1927. Số 940. Tr. 240)

2. Nhưng “Bước đường gay hiểm”không phải là một tác phẩm văn chương Công giáo mà là một truyện vụ án hình sự.

Nội dung của toàn bộ tác phẩm là vụ án giết người cướp của, và cuộc chạy trốn của một tên tù vượt ngục khi bị mật thám truy đuổi. Tác giả còn đưa chân Phan Sĩ Thường vào hang ổ Bọn Kéo đỏi (tổ chức xã hội đen) để tăng nguy hiểm cho nhân vật, tạo thêm sự hấp dẫn. Thực ra không cần cho Thường vào hang ổ bọn Bọn Kéo đỏi, cốt truyện và ý nghĩa cần chuyển tải cũng không thay đổi bao nhiêu.Chẳng hạn, tác giả để cho Thường bị bắt ngay khi lên Sài gòn rồi ra tòa, và vị linh mục đến cứu. Hoặc quãng thời gian 10 năm Phan Sĩ Thường bị tù ngoài Côn Nôn không được miêu tả cụ thể. 10 năm Phan Sĩ Thường vượt ngục về làm thợ mộc ở Bến Tre cũng không được dựng truyện, và lý do nào khiến cho Thường phải chạy trốn ngay trong ngày đám cưới cũng không được báo trước.

Tác giả chỉ tập trung kể lại “bước đường gay hiểm” của Thường trên đường chạy trốn và một đôi lần để Thường cầu xin Chúa và Đức mẹ che chở. Việc vị linh mục giải cứu Thường chỉ là tình cờ, một yếu tố nằm ngoài logic truyện, như được thêm vào để tác giả cởi nút thắt của truyện. Thử đặt vấn đề. Lúc Long còn ở Thái Bình, vị linh mục này có phải là chánh xứ hay không? Nếu ngài là cha sở, sao Long không biết. Người trực tiếp đưa thư cho vị linh mục này là thủ phạm (thằng Lịch con Nguyễn Văn Bổn) vậy chắc chắn vị linh mục này là cha sở. Nhưng khi Long về Thái Bình để tìm mẹ. Long hỏi cha sở, ngài chỉ nói mẹ Long đã bỏ đi, ngài không biết đi đâu. Và nếu vị linh mục này giữ lá thư làm chứng Long vô tội, thì sau khi kẻ viết lá thư đã chết (Lịch bị du đãng giết chết một năm sau), sao ngài không công bố lá thư giải oan cho Long mà phải chờ đến 20 năm sau? Những chi tiết như thế lộ ra rằng nhân vật Linh mục giải oan cho Long không nằm trong chuỗi những tình tiết logic của vụ án.

3. Tác giả P. L. Bùi Minh Nên có kỹ thuật viết truyện trinh thám khá hiện đại. Ông miêu tả rất cụ thể, sống động nhiều cảnh huống. Truyện phát triển bằng nhiều đoạn đối thoại kịch tính cùng với những hành động nhanh, dữ dội như phim hành động. Tâm lý nhân vật được miêu tả vừa đủ để lý giải hành động. Rất ít những câu, đoạn bình luận ngoại đề. Lời văn đã có dáng dấp văn xuôi hiện đại, không còn những câu văn biền ngẫu, những kiểu diễn đạt ước lệ của văn xuôi trung đại như trong truyện Tầu. Các nhân vật đều gân guốc gây được ấn tượng. Sự hồn nhiên và những câu nói, câu trả lời của thằng Danh vừa thú vị, lại gây ra bao nhiêu nguy hiểm cho Thường, nhưng đồng thời cũng giúp giải cứu Thường, đó là một nhân vật giảu tính tư tưởng. Không phải vô tình mà tác giả kết truyện bằng hình ảnh thằng Danh trong những câu chuyện tầm ruồng vui vẻ của hai bà cháu.

Những truyện như “Bước đường gay hiểm” chắc chắn đem lại sự hấp dẫn cho tờ báo, và ít nhiều thực hiện mục đích của lác giả là nhắc nhở “con nhà có đạo phải toàn giữ thỉ chung như nhứt, dầu phải vào gay ra hiểm, ta chớ quên có đấng thưởng phạt phân minh; đừng cả lòng quấy theo ý đời mà phải tay Người sửa trị” (đã dẫn).

***

1931. ÔI LÀ TỰ DO

Tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa [[4]]

(Đăng trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1931-1932. 26 kỳ báo)

TÓM TẮT

            Trời nóng, Tôi (người kể chuyện-tác giả) và người học trò ngoạn cảnh mấy nơi trong bệnh viện xem thiên hạ đau những bịnh gì. Vừa qua dãy nhà bố thí, chúng tôi thấy một thiếu niên độ 24, 25, gầy guộc bủng beo nhưng có vẻ khôi ngô tuấn nhã. Khi chúng tôi đi ngang qua, chàng ta ngước mặt xin tàn thuốc hút cho đỡ thèm. Tôi đứng lại làm quen và dò hỏi gốc tích con người này. Chàng xin một đôi giờ hầu chuyện để kể cái nỗi đoạn trường  tự mình gây ra mà làm gương cho kẻ hậu lai. Chàng kể:

            Cha tôi là Cai Tổng trong một gia đình danh giá phú hào ở Hà Tịnh. Tôi có 4 chị gái, chết 1. Là con trai út nên tôi rất được yêu quý. Lúc sinh thời cha dạy tôi thương mến chị, giữ lấy thanh danh gia đình. Lúc tôi được 4 tháng thì mẹ mất, tôi lên 6 thì cha chết, nhà còn 4 chị em côi cút. Tôi là đứa trẻ mồ côi được chị nuôi khôn lớn. Chị tôi ở vậy nuôi em. Tôi được ăn học. Nhưng bỏ học đi chơi. Lúc tôi 20, chị tính cuộc trăm năm cho tôi với con ông lý, vì cô ấy giỏi giang đức hạnh, tôi chê cô ta không có nhan sắc. Tôi lấy một đứa khác dù chị can ngăn. Sau đó Tôi và vợ đã xử tệ với chị.

           Một lần tôi bỏ nhà đi chơi ba ngày. Việc nhà, lúa chín, không có người trông nom. Chị đi tìm tôi. Tôi đã gây với chị và đánh chị. Làng phạt tôi 3 tội, phải nộp phạt 10 quan tiền và bị đánh 30 roi. Sau đó chị xin làng để chia gia tài cho tôi. Tôi được căn nhà cha mẹ để lại và nửa phần vườn. Từ đây tôi ở riêng, và không cho chị ở chung nhà nữa. Chị vẫn lo cho tôi, lo cho vận nhà suy bỉ đã sắp tới nay mai.

            Khi ra riêng, tôi được hưởng gia tài hoa lợi, tiền của nên không lo mình nghèo. Tôi tiếp tục “những dập dìu đêm ba ngày bốn, bè bạn cùng những tay phong phú ăn chơi, lúc bàn cờ lá kiệu, lúc tiệc rượu chén trà, khi xí xài là lượt ở nhà, khi vầy hiệp dọc chốn trường ca quán rượu, còn việc làm ăn sinh cơ dựng nghiệp thì hẳn tôi không bao giờ để trí nghĩ lo…” Con vợ tôi trở về đường cũ, “trong dâu trên bộc, bạn bè cùng mấy ả bình khang, vầy đoàn cùng bọn buôn son bán phấn”. Việc nhà nó mặc cho người làm. “Ấy bởi tôi không ai cầm mực cản được tay buông lại lâm phải con vợ quá ư hư lếu, nên một cái gia đình, trong ràn năm sáu con trâu, ngoài đồng 15 mẫu ruộng, giang sơn dãy dọc dãy ngang, vườn tược vung sau vung trước, mà chỉ trong vòng có ba năm chưa đầy mà đã phải bán cầm hầu hết”.

            Chị tôi thấy vậy mới nhờ người chú khuyên can tôi, nhưng tôi không nghe ai hết. Khi tôi tay trắng thì gia đình tôi lục đục, nghĩa tình phai lạt, xem nhau bằng nửa con mắt. Rồi đào mồ mả nhau lên, rồi gậy dùi phang lộp độp. “phện được nó năm bảy roi, thì thế sao nó cũng thoi tôi được một vài cái. Sức gái 17 bẻ gãy sừng trâu, nên bao phen tôi thất thế để nó thắng mà mắc một trận dòn dừ tử”. Chị thương tôi, mua lại nhà cho tôi ở. Con vợ đi làm phu, rồi bỏ tôi đi theo cai hay đứa cu li nào đó. “Hẳn vì bởi tôi tự do quá độ, không chịu để cho ai cản trở tay buông, nên rày kết cuộc mới thấy muôn ngàn đều khốn nạn dồn dập lại như thế nầy”.

           Sau khi vợ bỏ đi, tôi theo bọn cướp và lần lần tôi đã thành một tay trộm bợm. Tôi thật như con chim không có tổ con thú không có hang. Tháng ngày chỉ quanh quẩn trong mấy đám trộm cướp bạc cờ rượu trà sắc dục.

          Trong một vụ trộm, bọn tôi bị bắt, tôi bị 3 tháng tù. Mãn hạn tù, tôi đi biệt xứ để kiếm việc làm ăn. Từ đất Hà Tịnh vào, tôi chẳng tìm được việc, đành phải xin ăn. Tới Quảng Trị, tôi xin làm việc đập đá, mỗi ngày 2 cắc bạc. Làm được ba ngày, cực khổ quá, tôi bỏ đi. Tôi theo đoàn người gánh chum đất, bình chai, đồ sành lên vùng mọi đặng đổi bắp về ăn. Tôi ở lại đó và làm công cho một xan mọi, ngày ngày phát rẫy trỉa bắp trỉa lúa. Ở đó được một năm, tôi đến ở với lão mọi giầu có khác. Không ngờ tôi trở thành nô lệ. Con vợ lão là Thát-kỳ-mủng và con trai là Chằng-bổ-đa đã hành hạ tôi thật khủng khiếp khi tôi định trốn đi. Một lần, nhờ cho trâu đi ăn mà tôi thoát được, tôi theo một đoàn người Annam, đi ba ngày thì đến Lao Bảo. Tôi theo họ về Quảng Trị, rồi theo thầy Xu-vai-giăng đi Bồng Sơn làm việc cho một đồn điền tây ở nơi rừng sâu nước độc. Chưa được 3 tháng tôi đã ngã bịnh. Sốt rét cách nhật, ho, thổ huyết. Họ thải tôi ra ngoài sở.

          Tôi biết đi đâu, ngày ngày xin cơm thừa canh cặn. Tôi đã cùng đường  tuyệt nẻo không phương giải thoát. Một ngày kia, xin ăn ở một xóm đạo, tôi lần vào nhà thờ. Một ông cố bước ra hỏi han. Tôi kể lại tình cảnh của mình. Ông thương xót tôi và cho người đưa tôi ra ga, mua vé đến Huế để tôi đến nhà thương. Ông lại viết một lá thư gửi cho quan Đốc tờ vì thế tôi được vào ở đây.

          Tôi ở đây đã hơn 4 tháng trời, nhà thương đã chê bịnh tôi nan phương trị, chỉ phải đợi chết mà thôi. Tôi nằm suy nghĩ cái kiếp khốn nạn của tôi mà tủi thân ảo não. Tôi là một đứa khốn nạn độc nhất vô nhị trên đời vậy. Tôi được gởi tấm thân vào đây là đã đại phước rồi.

            Nghe câu chuyện của chàng thanh niên bất hạnh, tôi (tác giả) khuyên nhủ chàng và quyết cứu lấy linh hồn chàng, sao cho chàng trở lại chịu phép rửa tội trước giờ chết đến để cho chàng được hưởng nhờ phước lộc đời sau. Lúc ấy quan Đốc tờ khám bịnh, tôi về phòng và hẹn 11 giờ trưa mai gặp lại chàng. Đêm ấy tôi thao thức xót thương. Hôm sau,  lúc 10 giờ tôi đi tìm chàng thì không thấy. Bịnh nhân ở đó nói, đêm qua không biết chàng cảm uất điều gì mà chết lúc 9 giờ đêm.

            “Than ôi! Con đường tự do phóng túng là con đường sâu độc hiểm ác dường bao!…Không những nó đưa ta vào nơi trầm luân vinh khổ, mà nó còn đem ta đi xa biết mấy dặm núi học non tai, cùng nhận vào chẳng biết mấy vòng truân chiên khốn khổ, kìa gương chàng nầy đó, nếu mình không lo sau ắt cũng có như là

      “Ai ơi kíp hãy lo xa

        Hãy ghi mấy chữ: Ôi là tự do!

GHI NHẬN

  1. “Ôi là tự do!” là kiểu truyện đạo đức, kể truyện để nêu gương: “kìa gương chàng nầy đó, nếu

 mình không lo sau ắt cũng có như là”.

  • Tác giả muốn phủ định ý nghĩa của “Tự do”. Chữ “Tự do” trong truyện không phải là một phạm

trù chính trị, mà mang nội hàm đạo đức. “Tự do” là “được quyền sống theo ý mình”, tự do buông thả theo bản năng, bất chấp đạo đức, luân lý, luật pháp, phong tục, bất chấp đạo lý làm người (trong truyện cổ cũ cho đạo đức phong kiến). Lối sống “tự do” ấy đưa đến đường cùng, gây nên bao nỗi thống khổ trầm luân. Không ai cứu được, kể cả ông cố (một Linh mục) muốn cứu lấy phần hồn cho chàng thanh niên cũng không được.

  • Để thực hiện chủ đề, tác giả đã đẩy nhân vật đến đường cùng của sự hủy diệt, mà không mở ra

con đường cứu rỗi. Nếu muốn cứu chàng, tác giả sẽ để cho nhà thương chữa bịnh ho lao cho chàng và nhân vật tôi (tác giả) hướng dẫn chàng nhập đạo, chịu phép rửa. Chàng sẽ sống lại (Phục sinh) một con người mới, trong một trời đất mới. Nhưng tác giả đã không làm vậy. Trong suốt truyện, tác giả tô đậm sự bi thương, nỗi bế tắc, tô đậm ý thức ăn năn hối lỗi của nhân vật chàng thanh niên, nhưng lại không cứu chàng.

  • Về nghệ thuật, có sự pha trộn bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn, pha trộn cảm hứng

nhân đạo với ý thức đạo đức. Tác giả miêu tả cụ thể bước chân của chàng thanh niên từ làng quê ở Hà Tịnh lưu lạc định vào Đồng Nai. Chàng lên vùng “mọi” (người dân tộc tiển số) làm rẫy, rồi vào Bồng Sơn làm phu cho đồn điền Tây, và được một ông cố giúp ra Huế vào chữa bịnh trong bệnh viện. Nhưng khi miêu tả những cảnh đời thực ấy, ngòi bút lại vượt lên hiện thực đẩy nhân vật đi xa hơn vào cuộc trầm luân. Chẳng hạn, sau khi đi ăn trộm, bị tù ba tháng, ra tù được người chị chia nhà chia vườn cho, thì chàng thanh niên ấy đã có cơ hội thức tỉnh làm lại cuộc đời. Hoặc khi vào nhà thương ở Huế, bệnh viện có thể cứu chữa được và ông cố (linh mục) đã có thể đưa chàng trở về, phục sinh, sống cuộc sống mới. Nhưng tác giảm lại để nhân vật chết bi thảm.

            Những tưởng khai thác triệt để sự bi thảm, tác giả sẽ khơi lên cảm xúc nhân đạo cho người đọc và qua đó rao truyền lý tưởng nhân đạo mà căn cốt là sự tự thức tỉnh, sự bao dung tha thứ vào vòng tay yêu thương của mọi người, để sau cùng đạt đến Ơn Cứu Rỗi của đạo Công giáo, như nhận xét của chàng thanh niên: “Ngài ơi, thật không biết ông cố gì mà ngài nhơn đức phúc hậu đến thế, thật bên đạo công giáo họ rộng lượng từ bi bác ái lắm, phải mà mọi người đều có đạo công giáo hết thì chắc cái thân tôi không đến nỗi rốt bực truân chuyên như thế này đâu.”(Kỳ 24, số 1198, tr. 271). Nhưng tác giả đã không phát triển nội dung và tư tưởng của truyện như vậy.

            Rút cục, tác phẩm chỉ muốn đưa ra một bài học làm gương. Cuộc đời “tự do buông thả” của chàng thanh niên là một tấm gương. Tự do buông thả sẽ đưa đến trầm luân, mất cả đời này và mất cả phần hồn đời sau. Ý nghĩa đạo đức (chủ quan này của tác giả) có tính lấn át những giá trị tư tưởng và màu sắc văn chương của tác phẩm. Điều này thật đáng tiếc. Bài học đạo đức lại được diễn đạt bằng lối văn còn nặng chất biền ngẫu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc làm cho tác phẩm trở nên nặng nề.

            “Ôi là tự do” là một truyện dài, không phải một tiểu thuyết. Cả câu truyện chỉ do một nhân vật là chàng thanh niên thuật lại đời mình. Tác giả chỉ hỏi vài ba câu khơi gợi. Sự việc không được dựng lại, không được miêu tả như đang xảy ra (ở thì hiện tại). Tất cả đều ở thì quá khứ (gọi là kể chuyện). Vì thế cấu trúc truyện trở thành quá đơn gian, dù rằng có nhiều tình huống, nhiều hoàn cảnh có thể dựng thành tiểu thuyết sống động. Cấu trúc truyện chỉ là: Tôi (tác giả) hỏi, và tôi (chàng thanh niên) trả lời  trong vài giờ, ở một chỗ trong bệnh viện. Không gian và thời gian thực của truyện chỉ là một góc không gian, thời gian rất nhỏ, đơn tuyến.

 Tuy tác giả có dụng ý miêu tả tâm lý nhân vật, song tâm lý ấy cũng rất đơn giản, và lặp lại nhiều lần. Chàng thanh niên chỉ có một tâm trạng là sự ân hận. Chàng không nghe lời cha, không nghe lời chị. Chính mình phá nát cơ nghiệp của gia tộc, chính mình giày đạp lên đạo lý nhân nghĩa, những điều ấy bây giờ dày vò chàng khôn nguôi… Còn lại, trong nhiều cảnh huống khác, nhân vật này không được miêu tả sự vận động tâm lý, và sự phát triển tính cách. Chẳng hạn, tình cảm gia đình của chàng thế nào, chẳng lẽ chàng được chị nuôi ăn học đến 20 tuổi mà không có chút tình cảm gì, còn đánh chị, đá chị nhiều cái…tình cảm của chàng với vợ? Y thức của chàng về bọn trộm cướp; nỗi nhục làm nô lệ ở nhà Thát-kỳ-mủng, khát vọng tự do khi nhận ra thân phận hèn mọn của một con vật bị hành hạ tưởng chết…Ở những tình huống ấy, ngòi bút của Phê rô Nghĩa chỉ lướt qua sự việc mà không soi thấu vào bên trong nhân vật.

Và nếu so sánh với những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn cùng thời, bạn đọc sẽ nhận ra một khoảng cách về nghệ thuật và tư tưởng tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa.

                                          1933. NHỊ ĐỘ MAI

                                                            Tiểu thuyết của Phê rô Nghĩa

                                                        Đăng trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1933-1934

                                                                                (Kỳ 1, số 1263, tr. 494)

                                                                      ***

Trong văn học Việt Nam có truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai, tác giả khuyết danh. Truyện gồm 2.826 câu thơ lục bát, diễn ca  tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai của Trung Quốc.

Không rõ Phêrô Nghĩa dịch lại tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai, hay diễn thành văn xuôi truyện thơ Nôm Việt Nam?

Xin thử so sánh:

Sau đoạn mở đầu, truyện thơ nôm giới thiệu gia đình Mai Bá Cao như sau (nguồn: thivien.vn)

“Truyện ngoài xem “Nhị Độ Mai”,
Nhà Đường truyền vị đến đời Đức tông.
Thường châu có kẻ thanh trung,
20. Bá Cao là chữ, vốn dòng họ Mai.
Nền trung trực dạ trang đài.
Trời cho văn tử đáng tài trạng nguyên.
Đặt tên Lương Ngọc dõi truyền,
Thông minh rất mực, phượng tiên trong đời.
Nhân duyên số sẵn tự trời,
Hôn nhân đã định vào nơi họ Hầu.
Chỉ vì ngoại lỵ bấy lâu,
Chưa trao lễ nhạn mới đầu thiếp canh.
Mai công tri huyện Lịch thành,
30. Gương trung sáng vặc, túi thanh nhẹ bồng.
Cầm đường ngày tháng thung dung,
Tên ngay là tiết, nước trong ấy lòng.

Nhị Độ Mai của Phê Rô Nghĩa viết: (tr. 495)

              “Nguyên tích đời Túc Tông thuộc nhà Đường bên Tầu, có một ông quan thuộc về họ Mai, tên là Mai Bá Cao, đương chức tri huyện, coi huyện Lịch Thành; ngài là một quan viên rất thanh liêm trung trực, đối với nước nhà, hằng có một mối cảm xúc non sông ưu thời mẫn thế, lòng hằng yêu kẻ trung thần, giận người tà nịnh. Đối với con dân huyện hạt, ngài vẫn có lòng trung hậu khoan hòa, gớm của hối lộ,  ghét thói điêu ngoa, thật là: gương trung sáng vặc, túi thanh nhẹ bỗng; ra việc xử đoán, ngài hằng thử mực công bằng, không bao giờ chịu cái lòng thiên tư vị nể. Thật cái chức vụ làm cha mẹ dân của quan Mai Bá Cao lúc bấy giờ, dẫu ai có kiên chí thổi lông cũng không thể kiếm ra dấu vít gì được. Vậy bởi ngài tánh tình liêm khiết, phẩm tiết ôn lương, nên chi ngài ở huyện Lịch Thành đã mười mấy năm trời mà hằng được trên tín phục dưới mến yêu, không một tiếng gì tỏ dấu phiền trách.

            Quan Mai Bá Cao về phần kế tự thì hiếm hoi, chỉ được một cậu trai mà thôi, đặt tên là Mai Lương Ngọc. Ông bà thường quý hóa như nén vàng mười, nâng niu tợ hòn trứng mỏng; chí công vun quén tu bồi, rèn luyện cái tâm tình tiết hạnh con cho được nên giống như mình hầu sau nối nghiệp tông đàng, duy trì cái hạnh phúc gia đình trong buổi tương lai. Lương Ngọc vừa đến lúc tuổi khôn, thì đã vội kẹp sách theo thầy, dõi nghề nghiên bút, mà bởi Lương Ngọc có sẵn cái thiên tư dĩnh ngộ trí tuệ tinh tường, nghe mau hiểu học mau thông, nên chưa cách mấy năm mà biển thánh rừng nho đã một mình vẫy vùng thong thả, đằng vân giá vũ cũng sẵn sàng đợi bước ngao du. Quan Mai Bá Cao thấy phúc nhà sinh được một con như thế, lòng những mầng túi mầng thầm, trăm mối hy vọng đều trút vào một mình con tất cả. Ông bà thường hay trò truyện với nhau, khen tài con giỏi, mầng phước nhà may, chắc sau nầy họ Mai sẽ càng vẻ vang sự nghiệp vậy”.

            So sánh hai đoạn truyện trên giữa truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai và tiểu thuyết Nhị Độ Mai của Phêrô Nghĩa, người đọc dễ nhận ra: Phêrô Nghĩa không chuyển dịch thơ Nôm thành văn xuôi. Văn phong của Phêrô Nghĩa là văn phong truyện Tầu ngày xưa (kiểu văn biền ngẫu, dùng cách diễn đạt ước lệ của văn chương bác học).

Rất tiếc ta không có văn bản tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai để so sánh, song có thể khẳng định, phần cốt truyện Nhị Độ Mai của Phêrô Nghĩa là truyện Trung quốc. Phần sáng tạo của Phêrô Nghĩa có lẽ chỉ là phần chuyển ngữ tiếng Việt đương thời, giống như J. L. v. Đ phỏng dịch tiểu thuyết Trung và Nịnh từ tiếng Pháp.

***

1934. THẦN CÔNG LÝ-Lưu Thanh

(Kỳ 1, năm 1934, số 1324, tr. 686)

TÓM TẮT

Từ Cửa Tùng đi ra tới Thủy Tú, giữa đám cây sum suê u tịch có một cái lăng xây theo lối xưa. Bia khắc 3 chữ “Song đường thọ”. “Hiếu tử Phùng Tuấn Khải bái”.

            Đó là lăng của một hưu quan tên là Phùng Tuấn Hạnh, quê làng Thủy Tú, tổng Huỳnh Công, huyện Minh Linh, (rày gọi là phủ Vĩnh Linh) tỉnh Quảng Trị. Ngài là quan Thị Lang bộ Hình ở Huế triều Tự Đức, liêm khiết, ôn hòa, được trên yêu dưới chuộng. Từ Tri Phủ, lên Án Sát, thăng chức Thị Lang được 2 năm thì bị bịnh tim, ngài được nhà nước cho về hưu tại quê nhà. Vợ quan là bà Khuê Tú, lịnh ái của một quan lớn trong triều. Hai ông bà ở với nhau 11 năm mà không có con kế tự nên rất buồn. Lúc làm Thị Lang ở Huế, ông cưới thêm người thiếp tên Xuân Cúc. Xuân Cúc sinh một con trai khôi ngô tuấn tú là Phùng Tuấn Khôi.

(Truyện kể lại cuộc đời chìm nổi của Khôi từ sau khi cha mẹ chết).

Khôi được 1 tháng rưỡi thì mẹ bị bịnh chết. Quan Phùng Tuấn Hạnh thuê chị Thâm trông nom con thơ. Lên 7, 8 tuổi Khôi đã được đi học. 14 tuổi Khôi được lưu học ở Hà Tịnh, nhà ông Tống Bửu (là em con cô cậu của ông Hạnh). Ông Hạnh gửi con đi học là để giảm bớt cái tệ mẹ ghẻ con chồng, và quyết chí cho con theo đường khoa cử.

Chỉ vài năm, Khôi đã nên một tay lỗi lạc trong nghiệp văn chương nghiên bút. Năm Khôi 20 tuổi Nhà nước mở khoa tuyển trạch nhơn tài. Khôi quyết chí dùi mài kinh sử, nhưng cha đột ngột đứng tim mà qua đời, Khôi phải về quê chịu tang. Từ đây Khôi phải bỏ dở việc học.

Sau khi ông Hạnh chết, bà Khuê Tú đối xử với Khôi như đứa ở. Bà chiếm đoạt tài sản của ông Hạnh để lại và gạt Khôi ra khỏi nhà. Bà bảo, Khôi giờ là đứa mồ côi, bà cho ở nhờ. Khôi đội mâm trầu và lá đơn lên huyện, lên tỉnh ba lần, kiện bà Tú nhưng các quan đều không xử vì bà Khuê Tú đã hối lộ trước với họ. Khôi còn bị quan huyện bắt giam một đêm.

Lang thang không biết nương nhờ ai, Khôi lên đường vào quê mẹ ở Thừa Thiên, tìm đến cậu ruột là ông Bạch Tôn ở Cồn Cỏ để nương thân cho qua thì.

Đi được nửa ngày đường, lúc trời xế bóng, Khôi thấy ở bến Đò Lai có một thiếu nữ nhìn dáng trâm anh đang trầm ngâm. Nghi ngờ cô gái định trầm mình, Khôi tiến lại hỏi chuyện và an ủi. Cô cho biết mình là Tuyết Nga, con quan án sát Ngô Bình Lương, ở làng Đại Lộc, Quảng Trị. Lúc ấy ông Lương đang làm án sát tại Quảng Nam. Trong triều có quan Trần Phổ Thế, nghe tiếng Tuyết Nga đoan hạnh bèn đi nói cho con mình là Liễu Hải, một đứa con hư bê tha dâm đãng. Trần Phổ Thế cũng là một tên quan bất lương, nhân dân ta thán. Vì thế, Nga bất phục, nhưng không cưỡng chế được ý cha mẹ, cô mới tìm ra bờ sông định trầm mình. Khi nghe Khôi phân giải, cô biết Khôi là người đạo hạnh tối cao, phẩm cách tuyệt đối nên cô nghe theo trở về tìm cách từ hôn.

Ở nhà cậu Bạch Tôn được ba tháng nhưng Khôi không tìm được kế sách gì. Vợ cậu là Yến tỏ ý không bằng lòng. Không thể ăn nhờ cậu mãi, Khôi muốn vào Nam để dạy học. Nhân có chuyến ghe vào Nam, Khôi xin duồng ghe.

 Bốn giờ chiều ghe qua khỏi Quảng Nam, bỗng có giông gió nổi lên. Hoa tiêu phải cho ghe tấp vào bãi, nhưng ghe mắc vào kẹt đá, mấy lần Khôi suýt chết đuối, may có người đưa Khôi lên bờ. Khôi được ông Đặng Văn Thông đưa về nhà cứu giúp.

Ở nhà ông Thông một ngày, Khôi lại ra đi, nhưng khổ nỗi Khôi đã mất sạch, đành phải vào làng xin ăn, người hảo tâm thì ít, người lắc đầu thì nhiều.

Khôi ăn xin từ làng này sang làng khác. Lần ấy, tới một nhà kia, Khôi gọi mấy lần nhưng trong nhà không có ai. Khôi bỏ đi. Khôi đi được một quãng có một người đàn bà chạy đến đòi áo. Mụ ta nói, nhè lúc nhà vắng, Khôi vào lấy áo chồng chị. Sau khi nghe lời mọi người, khám xét Khôi không thấy có gì, mụ đàn bà chửi Khôi rồi để cho đi.

Có lần đến xin nhà lão kia, bị lão chủ xua chó ra cắn, Khôi bị thương rất nặng. Khôi nằm dưới đất rên la, người ta chạy đến đắp lá, rịt thuốc. Vợ chồng lão lúc này mới biết sợ, bèn đem một lượng bạc ra bồi thường cho Khôi. Khôi từ chối nhận bạc nhưng đòi chữa lành chân để về quê. Sau khi nói phải trái với lão, Khôi bỏ đi. Đêm ấy Khôi ở trong một cái miễu. Sáng hôm sau chân Khôi sưng nhức nhối vô cùng. Khôi lết ra đường, bò vào cái hốc cây bên đường tạm nương thân. Ngày ngồi ngoài đường xin ăn, tối chui vào hốc cây.

Ở cái hốc cây ấy chừng 10 ngày, cái chân đỡ đau, Khôi cất gánh đi lên tỉnh kiếm việc. Nghe lời chủ quán cơm hướng dẫn, Khôi ra bờ sông chờ duồng dò lên tỉnh. Khôi chờ mãi mà không có đò. Trời tối, bỗng có người vác cây đến đập trên người Khôi và la lên: “Cướp”. Khôi bị dân làng bắt về nhà quan Trần Lân Ái. Khi biết Khôi bị oan, và hỏi ra, biết Khôi là con quan Phùng Tuấn Hạnh, bạn đồng liêu, quan Trần Lân Ái cho Khôi ở lại nhà và gom học trò cho Khôi dạy, rồi ngài liệu phục hồi cái quyền lợi lại cho Khôi.

Khôi ở nhà quan Trần Lân Ái dạy học đã 2 năm, học trò đông. Một lần đi săn với Lam Giang, mải theo một con nai, cả hai lạc đường. Hôm sau, tìm thấy một am nhỏ của sư bà, Khôi vào hỏi đường. Ở đây, Khôi thấy một sư cô trẻ, trông rất quen. Về nhà Khôi kể chuyện đi lạc. Quan Trần Lân Ái nghe chuyện bèn liên tưởng chuyện cô gái con quan Ngô Bình Lương mất tích. Rồi ngài kể, Lương định gả con gái cho Liễu Hải con quan Trần Phổ Thế. Cô này không chịu nên bỏ nhà đi, có người nói cô đã chết. Sau đó Liễu Hải chết và quan Trần Phổ Thế cũng chết. Nghe chuyện, Khôi tin rằng sư cô mình gặp trong chùa chính là cô gái cách nay hai năm mình gặp ở bến sống. Khôi quyết định lên chùa lần nữa.

Sư cô trẻ trên chùa chính là Tuyết Nga. Quan Trần Lân Ái cho Khôi đi báo tin cho Cha của Tuyết Nga là Ngô Bình Lương rồi Khôi dẫn họ lên am của sư bà đón Nga về. Ít ngày sau nhà quan án Ngô Bình Lương có tiệc mừng. Từ đó, Khôi đến nhà Lương ở, dùi mài kinh sử và giúp việc cho quan án. Nga và Khôi kết giao trong sáng.

Quan Ngô Bình Lương được đổi ra Quảng Bình. Khôi và quan đi đường bộ, nhân tiện qua Quảng Trị về thăm quê và giải quyết vụ án của Khôi. Lương gặp quan tỉnh là Hồ Hữu Chung trình bày sự việc của Khôi và đề nghị Chung về huyện Minh Linh để xử việc của Khôi. Chung đồng ý.

            Bà Khuê Tú yên trí Khôi đã bỏ xứ đi, sẽ chẳng có cơ hội trở về nên càng lộng hành. Bỗng một bữa kia có lính mang trát về bắt bà Khuê Tú và các viên chức lý dịch làng Thủy Tú, điệu lên huyện nha hầu cứu. Giữa công đường huyện Minh Linh, có quan án Quảng Trị, Ngô Bình Lương và quan huyện sở tại. Khôi đứng tuyên cáo. Quan xử: một phần tài sản của ông Hạnh là để Khôi lo hương hỏa, còn lại chia đôi. Lại xử bà Khuê Tú phải bồi thuồng thiệt hại cho Khôi mấy năm qua, thành ra Khôi nhận được ngót 3 phần sự nghiệp của cha. Quan hẹn nội 2 ngày, Huyện nha phải hiệp dự với làng mà giải quyết cho yên.

            Qua năm sau, Khôi đậu Cử nhơn, quan Ngô Bình Lương hết sức vui mừng. Ông bà ngỏ ý gả Tuyết Nga cho Khôi. Nga đồng ý nối lại mối duyên xưa. Mấy ngày sau nhà quan Ngô Bình Lương có tiệc mừng tân khoa và cũng là lễ giao bôi hiệp cẩn của Khôi và Nga. Cuộc vui suốt cả mấy ngày.

            Khôi đưa vợ về quê vinh quy bái tổ, xây mộ cho cha mẹ. “Cái vẻ tưng bừng náo nhiệt ở trong gia đình quan Phùng Tuấn hạnh lúc bấy giờ thật không bút nào tả cho rành được”. Tiệc vui mở suốt ba ngày. Sau đó Khôi nhận giấy bổ Tri huyện trong Bồng Sơn. Tuyết Nga theo chồng. Họ sống hạnh phúc và có 2 gái 4 trai. Tất cả đều nối dõi nghiệp văn chương thành nhơn.

            Bà Khuê Tú phải bán sạch tài sản để chạy án, rồi cháy nhà. Bà bỏ về thừa Thiên, từ đó không ai biết tin.

Cho hay thiên đạo chí công

Đòn cân tạo hóa vốn không sai lầm

(Chung)

            GHI NHẬN

  1. Truyện có dáng dấp những môtip truyện dân gian khi kết hợp nhiều chủ đề, tư tưởng: Chủ đề mẹ

ghẻ con chồng (Tấm Cám), chủ đề ở hiền gặp lành, tư tưởng thiện thắng ác, niềm tin vào mệnh trời, chuyện tình hợp-tan-hợp (Thúy Kiều-Kim Trọng, Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga). Bối cảnh truyện cũng là một gia đình quan tước danh gia vọng tộc. Vì thế, Thần Công Lý nằm trong truyền thống văn chương Việt (không lai Tầu, không bắt chước Tây). Khác với xu hướng văn chương thời ấy, hoặc học theo cách kể chuyện chương hồi của văn học Trung Quốc (Nhị Độ Mai của Phêrô Nghĩa) hoặc phóng tác theo tiểu thuyết phương Tây (Trung và Nịnh của J. L. v. Đ.).

  1. Lưu Thanh đã chú ý nhiều đến kỹ thuật tiểu thuyết. Ông dựng truyện đang diễn ra ở hiện tại,

 khác với cách thuật lại truyện ở thì quá khứ (Thí dụ: trong Ôi là tự do của Phê rô Nghĩa, anh thanh niên kể lại chuyện đời mình). Lưu Thanh cũng chú ý phân tích diễn biến tâm lý nhân vật đang diễn ra trước các biến cố cuộc đời. Chỉ tiếc, những đoạn miêu tả tâm lý ấy trở thành những trang tác giả bình luận về nhân vật với tư cách người đứng bên ngoài, không phải là dòng chảy tâm trạng bên trong nhân vật. Tác giả dùng nhiều yếu tố ngẫu nhiên để giải quyết vấn đề hiện thực, thành ra, truyện không được viết theo một kiểu bút pháp hiện đại nào. Thần công lý là tổng hợp bút pháp hiện thực, cảm hứng lãng mạn, cấu trúc cổ điển và cách kể chuyện cổ tích.

          Chẳng hạn, sau khi Khôi bị quan huyện bắt giam, tác giả viết: “Trời ôi! kim ngân phá luật lệ, hoàng kim hắc thế tâm; việc gì mà quan huyện bảo quân bắt giam Phùng Tuấn Khôi? Tội tình gì mà Phùng Tuấn Khôi phải đem thân vào tù ngục? Đạo tặc sát nhơn ư? Dâm đãng bạc cờ ư? Ôi đồng tiền hối lộ rất có cái mãnh lực ghê gớm biết dường nào!”( Kỳ 11. Năm 1935, số 1334, tr. 32).

  1. Về ngôn ngữ văn chương, tuy truyện kể mạch lạc, hấp dẫn; có nhiều tình huống bất ngờ, ngòi bút

miêu tả sinh động, song lời văn còn chịu ảnh hưởng văn cổ. Nhiều đoạn là văn biền ngẫu, diễn đạt hoa mỹ kiểu ước lệ, văn chương trở thành sáo rỗng. Chẳng hạn: Khôi thức suốt đêm trong nhà giam, “ruột tằm búi banh, gan vàng tan nát, buồn ngán nhơn tình đen bạc, giận trách thế sự đa quai; chứa chan tủi hổ cho chiếc thân khốn bức, não nùng cay đắng với đôi đức sinh thành, trên hai con mắt hằng luôn những suối thảm mạch sầu tuông dầm như máng xối” (tr. 32 đd)

  1. Về giá trị văn chương. Những chủ đề tư tưởng của Thần công lý không có gì mới.Truyện không

phản ánh đời sống hiện thực Việt Nam thời Tự Đức (thí dụ hiện thực cấm đạo) và hình ảnh cuộc sống đầu thế kỷ XX (những vận động dân chủ của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học..). Có chăng chỉ là chút ít đời sống quan trường phong kiến.

          Xét theo mục đích truyền giáo của Nam Kỳ Địa Phận, Thần Công Lý không có yếu tố tôn giáo nào (ngoại trừ am tu của sư bà, nơi Tuyết Nga nương náu).

  1. Tôi ngờ rằng tác giả kể chuyện để gửi các thông điệp đạo đức, và đáp ứng yêu cầu giải trí của độc giả báo chí.

***

NHẬN DẠNG TIỂU THUYẾT TRÊN NAM KỲ ĐỊA PHẬN

1. Khuynh hướng đạo lý là khuynh hướng chung của tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận. Tác giả kể truyện là để nêu cao đạo đức Nho giáo, đạo đức cộng đồng Việt hay đức tin Công giáo.

Mở đầu truyện “Bước đàng gay hiểm”, mục Tiểu Tự, tác giả ghi rõ: Truyện nầy làm nên một gương rất quý, là ví dầu phải khốn đốn cực lực thế nào, thì con nhà có đạo phải toàn giữ thỉ chung như nhứt, dầu phải vào gay ra hiểm, ta chớ quên có đấng thưởng phạt phân minh; đừng cả lòng quấy theo ý đời mà phải tay Người sửa trị (Năm 1926, số 890, tr. 252). Truyện Trung và Nịnh cổ vũ cho những nỗ lực bảo vệ đạo, chống lại Hội kín chống phá đạo.

Truyện Ôi là tự do kể một tấm gương sống “tự do” cá nhân phóng túng trụy lạc (không phải tự do chính trị), dẫn đến kết quả là cái chết thảm của nhân vật anh thanh niên. Bản thân anh thanh niên và nhân vật Tôi (người kể truyện) đều nhấn mạnh đến bài học từ cuộc sống “tự do”. Anh thanh niên kể cái nỗi đoạn trường tự mình gây ra mà làm gương cho kẻ hậu lai (Năm 1931, Kỳ 1-Số 1168, tr.622), còn tác giả thì viết: “Than ôi! Con đường tự do phóng túng là con đường sâu độc hiểm ác dường bao!…Không những nó đưa ta vào nơi trầm luân vinh khổ, mà nó còn đem ta đi xa biết mấy dặm núi học non tai, cùng nhận vào chẳng biết mấy vòng truân chiên khốn khổ, kìa gương chàng nầy đó, nếu mình không lo sau ắt cũng có như là. “Ai ơi kíp hãy lo xa/ Hãy ghi mấy chữ: Ôi là tự do!”(số 1200, tr. 304).

Truyện Thần công lý thì nhấn mạnh chủ đề, tư tưởng đạo lý: ở hiền gặp lành, tin vào lẽ thiện, người thiện, cái thiện thắng cái ác, niềm tin vào mệnh trời, tin vào lẽ biến dịch “tiền hung hậu cát”, có cả niềm tin tâm linh: cha mẹ Phùng Tuấn Khôi đã dẫn dắt con gặp được người bạn tốt của mình là Ngô Bình Lương, để Lương giúp đỡ Khôi đòi lại công lý. Những niềm tin và tư tưởng ấy cũng là niềm tin của cộng đồng Việt trải qua bao nhiêu thế hệ.

            2. Khuynh hướng đạo lý này có khi lấn át ngòi bút tiểu thuyết. Các tác giả vì thực hiện bài học đạo đức đã không tuân thủ những nguyên tắc sáng tạo, vì thế phẩm chất văn chương của tác phẩm bị ảnh hưởng.

Xây dựng cốt truyện Ôi là tự do, Phêrô Nghĩa quá nhấn mạnh đến bài học đạo đức mà bắt nhân vật anh thanh niên, dù đã được chăm sóc trong bệnh viện 4 tháng, vẫn chết thảm. Nhà thương, bác sĩ không cứu được phần xác của anh mà nhân vật Tôi (người kể truyện) dù xót thương và quyết tâm cao cũng không cứu được phần hồn. Cái chết này do tác giả cố y gây ra để tạo sự bi thảm, nhấn mạnh hậu quả của “tự do”. Đó là cái chết “giả”.

Cũng vậy,  trong Bước đàng gay hiểm, P.L. Bùi Minh Nên đã cố ý đẩy Huỳnh Kim Long vào hang ổ Bọn Kéo đỏi. Long từ bến Tre lên Sài gòn đi tìm Năm kéo, người đọc không hề biết Năm kéo là ai, Long tìm Năm kéo để làm gì. Mãi sau mới biết, số tù của Long và Năm kéo, hóa ra Năm kéo là bạn tù. Long nhờ Năm kéo dẫn đến chỗ Bọn Kéo đỏi để ẩn thân, Long không ngờ mình để bị ép phải làm ác. Thực ra, Long có thể để bị bắt, ra tòa và vị linh mục đến cứu cũng không ảnh hưởng đến cốt truyện. Như vậy những chương viết về việc Long lọt vào hang ổ Bọn Kéo đỏi chỉ có mục đích tạo ra thảm cảnh cho Long, tăng sự gian nan có lẽ tác giả muốn Long kiên vững đức tin trong gian nan.

Trong Trung và Nịnh, một mình Gioang có thể tìm ra kẻ thù, tiêu diệt bọn phá đạo. Đó là cách xây dựng nhân vật kiểu lãng mạn, không có trong đời thường. Việc bảo vệ đạo là việc hiện thực, việc của cả giáo hội chống lại cả một thế lực chính trị, một cá nhân không thể hành động một mình.

3. Có những bước tiến bộ nhất định trong kỹ thuật viết tiểu thuyết. Từ cấu trúc đơn giản, kể chuyện 1 nhân vật  (Ôi là tự do) đến cấu trúc phức tạp, truyện của nhiều nhân vật, trong nhiều không gian và thời gian, chồng chéo nhau (Bước đàng gay hiểm); từ việc tác giả trực tiếp nhảy vào trong tác phẩm mà bình luận ngoại đề (truyện Thần công lý) đến kỹ thuật tả sự vận động tâm lý nhân vật; và kiểu truyện tâm lý (Ôi là tự do) chuyển sang kiểu truyện hành động (Bước đàng gay hiểm), tập chú vào xây dựng tình huống, miêu tả hành động và đối thoại của nhân vật, tiết tấu mạch truyện chuyển động nhanh của tiểu thuyết hiện đại.

Đặc biệt là lời văn, có sự chuyển đổi từ kiểu văn biền ngẫu với nhiều hình ảnh ước lệ của văn cổ Trung quốc (Ôi là tự do, Thần công lý) sang lời văn gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, sống động hiện đại (Bước đàng gay hiểm). Tiểu thuyết từ cách viết cổ điển (Nhị Độ Mai, Thần Công lý) chuyển sang hiện đại (Trung và Nịnh; Bước đàng gay hiểm).

  • Những vận động nghệ thuật và tư tưởng ấy là những giá trị tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa

Phận đóng góp vào việc hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX. Dù vậy, phải đến Tự Lực Văn Đoàn mới có một cuộc cách tân thực sự nghệ thuật tiểu thuyết và ngôn ngữ văn chương Việt.

Trong những tác phẩm tôi đọc ở trên, chưa có tác phẩm nào thực sự là tiểu thuyết Công giáo. Tức là tác phẩm có hình tượng trung tâm thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và tác phẩm có sức cảm hóa người đọc về tâm linh. Vì thế Tiểu thuyết công giáo trên Nam Kỳ Địa Phận chưa có đóng góp nào thực sự thúc đẩy văn học Công giáo phát triển. Nghĩa là, sau những tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa, của Jacques Lê Văn Đức, Lưu Thanh, P. L Bùi Minh Nên,…không có một dòng tiểu thuyết Công giáo phát triển nối tiếp. Vì thế những đóng góp của tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận với sự phát triển tiểu thuyết Công giáo vẫn còn đang trên con đường tìm kiếm những lối đi, chưa có được thành tựu có giá trị đặt những cột mốc lịch sử (như Hàn Mạc Tử trong thi ca Việt).

Khi xem xét giá trị hiện thực, giá trị tư tưởng của tiểu thuyết Nam Kỳ Địa Phận đối với thời đại trước 1945 và ngày nay, người đọc không tìm thấy những ảnh hưởng xã hội như tiểu thuyết hiện thực 1930-1945 (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao,…), bởi các tác giả như Phêrô Nghĩa hay Jacques Lê Văn Đức… không viết về thực tại xã hội đang sống, không đặt ra và giải quyết những vấn đề của hiện thực trước 1945, mà thiên về viết giải trí. Chất giải trí đậm đặc trong các truyện “vụ án” như: Bước đàng gay hiểm, Thần Công Lý, Trung và Nịnh.

Và vì thế, người đọc không tìm thấy tên và tác phẩm của các tác giả này trong các công trình lịch sử văn học Việt trước 1945.

Tháng 9/ 2024


[1] Gió Biển CMR (Đinh Thị Oanh)- Tác phẩm tiểu thuyết Công Giáo của Cha Phêrô Nghĩa

https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tac-pham-tieu-thuyet-cong-giao-cua-cha-phero-nghia-932.html

[2] Xem: Nguyễn Vy Khanh- Sơ thảo văn học Công giáo Việt Nam. Nguyễn Publishing, Torin to 2023, tr. 120

[3] Tiểu sử Jacques Lê Văn Đức, xin đọc: Nguyễn Vy Khanh-Sơ thảo văn học Công giáo Việt Nam-Nguyễn Publish, Toronto 2023, tr.120

[4] Tiểu sử Phêrô Nghĩa, xin đọc: Lê Thiện Sỹ-Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1918-1981).

https://tonggiaophanhue.net/tgp-hue/linh-muc/linh-muc-philipphe-le-thien-ba-1891-1918-1981/

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok