BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
Các nhà nghiên cứu Văn học Công giáo
PHÊRÔ PHẠM ĐÌNH KHIÊM (1920-2013)
Bùi Công Thuấn
***
Phêrô Phạm Đình Khiêm [[1]] sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm). Ông từng tu học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse – Ba Làng (Thanh Hóa). Năm 1942 (22 tuổi), ông là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Năm 1949, tại Sàigòn, ông viết tác phẩm “Người chứng thứ nhất”. Tác phẩm là “chứng cứ” có giá trị trong việc phong Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên. Ngoài ra Phạm Đình Khiêm còn viết chung với Võ Long Tê cuốn Như hương trầm bay lên nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất Hàng Mạc Tử. Nxb Tôn giáo 2010)
Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước…
ông có các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm.
PHẠM ĐÌNH KHIÊM-NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT
Đã có một cuộc tọa đàm về cuốn sách Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm được tổ chức tại hội trường Hoa Viên Hiệp nhất Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn lúc 19.30 tối ngày 8.9.2006. Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm đã lược tóm cuộc hành trình tìm về lịch sử thầy giảng Anrê Phú Yên. Trong buổi tọa đàm này còn có bài chia sẻ của Lm Giuse Trương Đình Hiền, giáo sư Lê ngọc Bích và của nhà thơ Phạm thị Thái Quí [[2]]
Viết về Anrê Phú Yên, Phạm Đình Khiêm thưa với độc giả:
“Áp dụng phương pháp khoa học trong sự tìm tòi và đường lối nghệ thuật trong cách xây dựng, chúng tôi mong ước vị anh hùng sẽ sống lại trước mắt bạn đọc, trong bối cảnh lịch sử của thời đại người, với những rung động, cảm nghĩ, khát vọng của người, từ chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn phát xuất ra hành động.
Với tất cả lòng thành kính, chúng tôi dâng sách này trước đài kỷ niệm 130.000 vị tử đạo Việt Nam trong ba thế kỷ: Thầy giảng Anrê Phú Yên chẳng những là người đã mở đầu dòng dõi oai hùng ấy (protomartyr), mà còn là vị tử đạo điển hình của Giáo hội Việt Nam”.
Chúng tôi trân trọng cống hiến sách này cho toàn thể đồng bào, không phân lương giáo: Vị tử đạo Anrê, trước khi là tín hữu và tử đạo, đã và vẫn mãi mãi là người Việt, mà tín ngưỡng Công giáo đã đặt lên đài vinh quang, với những nhân đức làm vinh dự chung cho cả giống nòi.
Và bởi vì Anrê Phú Yên là bông hoa hàm tiếu của vườn xuân, làm sao tôi có thể quên không gởi những trang chân thành này đến các bạn thanh niên nam nữ ở giữa dòng đời cũng như nơi tu viện, đang tha thiết sống và yêu?
… Thì đây, cuốn sử của một thanh niên đã sống và đã yêu – yêu tuyệt đối để sống muôn đời!”[[3]]
***
Phạm Đình Khiêm viết Người chứng thứ nhất ở dạng tác phẩm biên khảo. Ông không phục dựng hình tượng Anrê Phú Yên bằng nghệ thuật tiểu thuyết.
TRÍCH TÁC PHẨM “NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT”
Chương X: Ý nghĩa một cái chết
“Năm giờ chiều. Cùng với ngày tàn, ngôi sao của Giáo hội sơ khai sắp rụng! Bốn mươi người lính dưới quyền chỉ huy của một cai đội, được lệnh đưa thầy giảng Anrê đi xử. Họ đến mở cửa tù, song không tháo gông cho thầy, chỉ bảo thầy đi theo. Thầy chẳng đợi kêu đến lần thứ hai, mỉm cười từ giã các giáo hữu đến thăm, dặn họ cầu nguyện cho sự hy sinh thầy sắp chịu, rồi vui vẻ lên đường “không khác nào như được mời đi dự tiệc cưới”, theo lời cha Đắc Lộ.1
Linh mục Bỉnh thuật rằng: Một người lính đi trước thỉnh thoảng ra lệnh “Vì theo đạo Portuguès thì phải phạt”.2 Hai người lính khác khiêng thanh la, một người đánh: tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường. Các lính khác võ trang bằng giáo, đòng và mã đao, nối nhau đi hai hàng nghiêm chỉnh. Thầy giảng Anrê đeo gông đi giữa, do một người lính áp giải, tay trái y nắm đầu gông thầy, tay phải cầm một ngọn giáo hai lưỡi, mỗi lưỡi dài tới hai gang, rộng bằng ba ngón tay.
Dân chúng lương và giáo, đi theo rất đông, như một đám rước, để chứng kiến sự can đảm của thầy. Dĩ nhiên cha Đắc Lộ và nhóm thương gia Bồ Đào Nha cũng có mặt trong cuộc tiễn hành tối hậu này.
Bọn lính đi sau. Thầy Anrê mặc dầu đeo gông nặng cũng đi mau lẹ, khiến người ta nhớ đến câu Kinh thánh: “Curramus ad propositum nobis certamen: Ta hãy xông vào trận chiến đang chờ ta!”3. Muốn theo kịp, cha Đắc Lộ và những người bđn cứ phải chạy 4. Dọc đường thầy giảng Anrê tỏ ra rất bình tĩnh, vui vẻ, vừa đi vừa giảng đạo cho những người lính gần mình, ước mong cho họ được cứu rỗi. Giáo sĩ Đắc Lộ thường đi sát luôn bên cạnh thầy để yên ủi và khuyến khích thầy. Thỉnh thoảng bọn lính xô người ra, nhưng giáo sĩ lại áp tới. Giáo sĩ thuật rằng:
“Chúng tôi đi qua tất cả các phố lớn ở dinh Chiêm rồi đến một cánh đồng cách xa hai ngàn bước, là nơi để thầy giảng Anrê chiến đấu và thắng trận.”5
Lễ phẩm đầu mùa
Tới pháp trường, viên chỉ huy dừng lại, toán lính bao vây lấy thầy giảng Anrê. Thầy tự ý quỳ xuống, mắt nhìn trời, cầu xin Ơn Trên giúp sức.
Lúc ấy, giáo sĩ Đắc Lộ khổ tâm vô cùng, vì bọn lính bắt người ở ngoài vòng vây của họ. Giáo sĩ năn nỉ cùng viên chỉ huy:
“Thanh niên này chẳng khác nào như con tôi, vì tôi đã rửa tội cho anh và đã nuôi nấng anh trong nhà tôi trọn ba năm. Tôi đã chẳng có phương thế để cứu sống anh, thì bây giờ tôi nài xin ông vui lòng cho tôi được giúp đỡ anh ít là trong giờ lâm chung này”.6
Ông ta liền cho phép ngay. Giáo sĩ tiến lại gần thầy Anrê, ôm lấy thầy, khuyến khích thầy.
Giáo sĩ có nhờ người ta mua và mang sẵn mấy cái chiếu rất đẹp, mới tinh. Lúc ấy giáo sĩ trải chiếu ra, muốn cho thầy Anrê quỳ trên đó, để máu trong sạch đổ ra không rơi xuống đất. Thầy khiêm nhường từ chối, xin giáo sĩ bằng lòng cho thầy quỳ yên như trước, để được bắt chước Chúa đã đổ máu xuống đất. Giáo sĩ không dám cưỡng nhân đức khiêm nhường của thầy. Thế là thầy Anrê vẫn quỳ như trước, hai gối sát đất, hai tay chắp lại, mặt bình tĩnh, mắt nhìn trời.
Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra để xuống đất rồi lấy thừng trói ngang người. Biết đã đến giây phút tối hậu, thầy giảng Anrê quay lại phía các giáo hữu để từ giã họ lần sau hết. Ở đây, giáo sĩ Đắc Lộ có thuật bằng tiếng Pháp lời từ biệt của vị tử đạo, dịch như sau:
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.7
Nhưng may mắn hơn, tài liệu tiếng bđn đã phiên âm và ghi chép trực tiếp câu nói tiếng Việt mà vị tử đạo nói ra lúc ấy, chẳng những để từ biệt các giáo hữu có mặt, mà còn như lưu lại chúc thư cho đời sau:
“Junghiao cũ dúe choé Jesu cho den est eoj cho den blen doj”8
Viết theo chính tả ngày nay, và nói trọn câu là: “Hỡi anh em, chúng hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
Đến đây, thầy giảng Anrê phó mình trong tay Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử đạo. Thầy đọc kinh “Kính Mừng” nhiều lần rất sốt sắng9, và kêu tên Chúa Giesu và Đức Mẹ Maria tỏ tường nhiều lần.10
Người lý hình biết rằng đây là kẻ lành, cho nên trước khi hành quyết, y ngửa mặt lên trời, kêu lớn tiếng: “Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này, thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”11. Nói rồi, y tiến đến sau lưng thầy Anrê, đâm một mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên từ sau lưng ra trước ngực, thò ra ngoài tới hai gang tay.
Đến đây, chúng tôi xin nhường lời cho giáo sĩ Đắc Lộ:
“Thầy Anrê từ trước vẫn nhìn trời, lúc ấy quay mặt lại phía tôi, nhìn tôi rất âu yếm để từ biệt. Tôi thú thật rằng cái nhìn ấy là một lưỡi giáo đâm qua trái tim tôi, và làm cho đôi mắt tôi tuôn lệ ròng ròng, miệng tôi nghẹn ngào nói không nên lời.
“Tuy nhiên tôi cũng cố hết sức ngỏ lời cùng thầy: “Hỡi con Anrê, hãy nhìn lên trời, kìa Chúa chúng ta, Giêsu Kitô, Thần nhân từ của con, đang đưa triều thiên ra cho con, chỉ một lát nữa con đã ở bên Người trên thiên đàng, Người đang đứng ở cửa mà chờ con”. Bấy giờ thầy ngửa mặt nhìn trời, và cứ nhìn như vậy mãi, trong mỗi giây phút còn sống, miệng không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria!12
“Người lính lúc này, rút cây giáo lại, rồi đâm một lần nữa, và một lần nữa, như muốn tìm cho trúng trái tim.
“Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ thầy; thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của thầy không mất chút nào vẻ bình thản cũng như về màu sắc. Người ta có thể tưởng như không phải thầy bị đâm, hoặc giả là thân xác thầy có sức tự nhiên bất động. Bấy giờ một người lính khác sốt ruột, hay là động lòng thương hại một con chiên bị khổ hình quá lâu, không nói nửa lời, tuốt gươm ra, chém một nhát mạnh vào cổ bên trái, vì thầy hơi nghiên đầu về phía tay mặt, nhưng người ấy thấy lát thứ tư này, cũng như ba lát trước, không làm cho thầy ngã xuống, họ lại chém một lát nữa ở phía trước, cắt đứt hết cuống họng, làm ngã hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da.
“Có lẽ người ta khó lòng tin điều tôi sắp nói sau đây, nhưng tôi nói quyết, với tất cả một lòng thành thực, rằng tôi không hề nói điều gì mà tôi không biết thật chắc chắn và không đích thân nghe thấy.
“Người thanh niên thánh thiện này (như trên đã nói) vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc.
“Thánh danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên Giêsu được thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi danh Chúa.
“Thầy Anrê muốn được bằng số vết thương của Chúa, thầy chỉ nhượng bộ, và chỉ bỏ mình sau thương tích thứ năm, như vậy là muốn hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự.
“Bấy giờ, xác thầy mới ngã xuống đất, và linh hồn thong dong bay về trời; viên cai đội và quân lính lập tức rút về, chỉ còn chúng tôi và các giáo hữu ở lại, vây quanh thánh cốt. Tôi đã mang sẵn một tấm vải trắng lớn, dùng vải ấy liệm xác thầy; bao nhiêu máu chảy ra tự năm nguồn mạch oai hùng kia, tôi vẫn giữ từ ngày ấy như một thuốc thơm và một linh dược chữa mọi bệnh nạn.
“Tất cả các bổn đạo cùng làm như vậy, nhất là những người Bồ Đào Nha , họ hứng lấy mọi giọt máu đào kia, lấy làm quý hơn hết các kho tàng.
“Một trong những người đó có tên là Francisco de Azevedo Tokera đòi cho kỳ được tấm áo của thanh niên có phước kia mới bằng lòng; ông ta muốn lấy áo ấy và nói rằng ông sẽ giữ mãi trong nhà mình, như một linh dược chữa mọi bệnh nạn hiểm nghèo, vì áo ấy đã được đâm thủng và được nhuốm máu trong một cuộc chiến đấu do đó mà Chúa Giêsu Kitô đã ban triều thiên cho một vị tử đạo mới của Giáo hội.
“Người ấy chẳng lầm trong sự hy vọng của mình vì ít lâu sau, trở về Ao Môn, thấy vợ mắc bệnh cực nguy nan và hầu như không phương cứu chữa, bỗng nhớ đến báu vật của hiền nhân Anrê, ông ta không hề e thẹn với các thầy thuốc, lấy áo kia ra, đắp lên mình người vợ gần hấp hối; xác bà ấy vừa chạm đến áo, cơn rét liền lui ngay, và bà được lại sức khoẻ, khiến cả thành phố ngạc nhiên. Chính ông ta đã kể lại với tôi việc này khi tôi trở lại Ao Môn để lên đường về Au Châu. Đức Chúa Trời đã trọng kẻ trung thành xưng danh người như vậy.”13
__________
Chú thích
(1) A.R Glorieuse mort, tr.50. Có chỗ nói 30 lính (Summarium III, tr.265)
(2) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75. Đạo “Portuguès”: đạo của người bđn” – Lúc giáo sĩ Buzomi mới đến Đàng Trong năm 1615, thấy người trong xứ quen gọi đạo Công giáo là đạo “Hoalaom” (Hoa Long: chỉ người bđn, và nói rộng ra tất cả người Au), giáo sĩ đã cải chính và gọi là đạo “Christian” (đạo Kitô) (Relation Borri, trong B.A.V.H, 1931 tr.340). Đến đời cha Đắc Lộ thì các danh từ Thiên Chúa, Thiên Chúa giáo, Giatô, Giatô hội đã phổ thông ở Việt Nam, phần lớn do các sách chữ Hán của Matteo Ricci. Tuy nhiên, nhiều người theo thói quen chắc vẫn còn gọi đạo “Hoa Long”, cho nên Philipphê Bỉnh chép theo tiếng bđn là đạo “Portuguès”.
Danh từ “Hoa Long” cũng có thể là tiếng chỉ người Hòa Lan.
(3) Thư cho dân Hébreux XII, 1
(4) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.74-75
(5) A.R Glorieuse mort, tr.50. Sau đây sẽ nói rõ địa điểm này
(6) A.R Glorieuse mort, tr.50
(7) A.R Glorieuse mort, tr.53
(8) Relacao, chương 11 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.76, cũng có ghi lời từ biệt tương tự: “xin anh em hãy ở cho vững vàng mà giữ Đạo cho đến blọn đời mình, mà đừng có blo buồn sự mh (viết tắt: mình), são (đọc: song) le cầu xin cũ (đọc: cùng) Đức Chúa Blời cho mình đe (được) giữ nghĩa cũ (cùng) Đức Chúa Jêsu cho đến khi hết hơi, cũ (cùng) đời đời”.
(9) Relacao, chương 11
(10) A.R Glorieuse mort, tr.77
(11) A.R Glorieuse mort, tr.77
(12) Ở đoạn này (Glorieuse mort) cha Đắc Lộ không thấy ghi tên Maria, song trong Relation Progrès Foi, tr.54, người có ghi rõ Maria, nên chúng tôi thêm vào cho đủ. Đối chiếu: Sumarium III, tr.265-266.
(13) A.R Glorieuse mort, tr.54-60. Đối chiếu: Sumarium III, tr.261-281.
***
PHẠM ĐÌNH KHIÊM-NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THI CA CÔNG GIÁO
Trong bài viết: “Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam”(Tọa đàm về văn hóa Công giáo Việt Nam, tại tòa Tổng Giám mục Huế, 10/2000),Phạm Đình Khiêm giới thiệu: “chúng tôi gợi qua những nét nổi bật về mỗi thời kỳ với các thi nhân và các tác phẩm tiêu biểu, thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ “Quốc ngữ” và cả Pháp ngữ”[[4]].
Nội dung bài viết được trình bày như sau:
I.Thời kỳ gieo trồng: (giới thiệu:)
Công nương Catarina, giáo sĩ Majorica, thầy giảng Phan-chi-cô (cựu hòa thượng), thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1663), Lm Lữ – Y Đoan (1613? – 1678), Raphael Đắc Lộ (1611 – 1687),
II.Thời kỳ bồi đắp: (giới thiệu:)
Inê tử đạo vãn,
Lm Philiphê Bỉnh, sinh năm 1759, lưu vong trên 30 năm tại Lisbonne. Kho tàng tác phẩm được bảo tồn ở thư viện Vatican.
Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), (giới thiệu tên tác phẩm)
Thánh Tử đạo Phan văn Minh (1815-1853), tác phẩm Phi Năng thi tập (giới thiệu nội dung tác phẩm).
Lm Trần Lục (1825-1899): “Ba tác phẩm bằng thơ lục bát sau đây của Cụ đã đi sâu vào lòng dân chúng và tồn tại mãi mãi: Hiếu tự ca, 1088 câu; Nữ tắc thường lễ, 1016 câu; Nịch ái vong ân, 440 câu”.
Ông Nguyễn Trường Tộ (1830-1871 ). Phạm Đình Khiêm nhận xét: “Thực ra thơ của Nguyễn Tiên sinh không nhiều, nhưng đủ nói lên tấm lòng của ông đối với đất nước, ưu tư của ông trước thời cuộc”; “Thơ của Nguyễn Tiên sinh không trực tiếp hướng về tôn giáo, nhưng vì ông là người có đức tin mạnh mẽ thì đương nhiên đức tin đó soi dẫn mọi hành vi ngôn ngữ của ông, nhất là thi ca, vì thi ca là tiếng nói của con tim”.
Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). “Đối với thi ca ông là người có công đầu trong buổi giao thời. Ông là người đầu tiên xuất bản quyển Kim Vân Kiều của Nguyễn Du bằng chữ quốc ngữ (1875)…”
III.Thời kỳ nở hoa:
Phạm Đình Khiêm nhận xét:
“Thế kỷ XX đưa thi ca Công Giáo rầm rộ đi vào thời kỳ nở hoa, mặc dù chưa phải là trăm hoa đua nở. Đồng cảm với người đồng thời, các nhà thơ công giáo cũng hăng say với thơ mới, mặc dầu vẫn còn nhiều lưu luyến với thơ truyền thống”
Ông Nguyễn Hữu Bài, tự Phước Môn (1863-1935). Thơ Nôm Phước Môn (1959), gồm 69 bài Đường luật
Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1979), tự Sảng Đình. Tác phẩm: Sảng Đình thi tập (Nguyễn Hữu Bài đề tựa, nguyệt san Vì Chúa ấn hành (Huế,1943).
Hàn Mạc Tử (1912-1940) (giới thiệu tiểu sử và tên tác phẩm): Gái quê, Đau thương (còn có tên Thơ Điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, và hai vở kịch –Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội (đang viết dở).
Ông Phạm Đình Tân (1913-1992), tập thơ Tiếng Thầm (1952).
Xuân Ly Băng (Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa), giới thiệu các hướng sáng tác: Hướng Kinh thánh, hướng tâm linh, hướng vào đời, hướng lịch sử, hướng giáo dục…
Ông Võ Long-Tê, bút hiệu Phương Tùng (sơ lược tiểu sử và tên tác phẩm).
Ông Lê Đình Bảng lúc 12 tuổi đã làm một bài thơ lục hát dài 128 câu. Giới thiệu tên các tác phẩm: Bước chân người Giao Chỉ (1967), Hành hương (1994), Lời lự tình của bến trần gian và Qùy trước đền vàng.
Hồ Dzếnh (1916-1991), tác phẩm Đầu Xuân được nhà nghiên cứu Võ Long Tê coi như một “Tuyên ngôn Văn chương Công giáo Việt Nam”.
Bàng Bá Lân (1912-1988) (giới thiệu tên vài bài thơ đạo của Bàng Bá Lân).
Các tác giả khác:
Tống Viết Toại (Phúc âm diễn ca, 1956),
Mai Lâm (Thánh Vịnh toàn lập, 1958),
Long Giang Tử (cũng Phúc âm diễn ca, 1975),
Lm An Sơn Vị: tác phẩm Ngũ kinh, Thánh vịnh Thánh ca, Tân ước (1993- 1998)
Lm Maria Duce Xuân Văn, tác phẩm: Sứ Diệp Tình Thương (1998)
Lm Giuse Đinh Cao Thuấn, tác phẩm Trường Ca Cứu Dộ – Ca Vang Lời Chúa, Đường Về Đất Hứa (1998-1999).
Linh mục J.B. Cao Vĩnh Phan, tác phẩm Trường Ca Dân Chúa, là liệu giáo lý Thánh Kinh bằng Thơ lục bát viết theo Histoire Sainte des Petits Enfants của văn hào Daniel Rops.
Lm Trăng Thập Tự (Võ Tá Khánh), tác phẩm: Trường Ca An-rê Phú Yên (1994); Chùm thơ vinh quy tặng Chị (1997); và Thơ Thánh Gioan Thánh Giá cuốn Góp nhặt thơ Công giáo Việt Nam (1999).
Nhà thơ Đơn Phương, một người đồng bệnh với Hàn Mạc Tử, tác giả Vườn Xuân Thánh, kịch thơ sáu hồi về khởi nguyên vũ trụ, và Quân Tiên Hội (1991), kịch thơ năm hồi mà ba hồi là bổ sung phần còn thiếu trong tác phẩm Quần Tiên Hội viết dở dang của Hàn Mạc Tử.
Món nợ quá khứ: Vãn, Tuồng của các tác giả vô danh:
Phạm Đình Khiêm giới thiệu: “cả một kho Vãn và Tuồng đạo do các tác giả vô danh để lại mà ta không biết đặt vào thời kỳ nào. Vãn và vè thuộc loại thơ, Tuồng thì kết hợp cả văn xuôi và thơ. Từ hai cuốn Đại Nam Việt Quốc Triều Sử Kỷ và Vãn và Tuồng, cả hai đều do Nhà In Tân Định (Sài gòn) ấn hành, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã rút ra một bảng liệt kê 40 tập Vãn và 20 vở tuồng.
Chỉ lướt qua nhan đề của mấy tập Vãn như sau, đủ hình dung được cái bầu khí trong lành, vui tươi, nhân nghĩa, đạo đức mà mảng văn chương Công giáo bình dân này tạo nên chung quanh lớp quần chúng hưởng thụ nó: Giáng Sinh vãn, Đức Chúa Bà Tự Tích vãn; Vãn Đức Dà (vãn dâng hoa, phải chăng do cụ Cử Thiện?,..); Vãn Mân Côi; Thánh tổ tông Gia-Cóp vãn; Đa-vít vãn; Giu- đa vãn; Tô-bia vãn; Cê-ci-lia đồng trinh tử đạo vãn; Thánh An-tôn vãn; Thánh Vi-tô Tử đạo vãn; Thánh A-lê-xù vãn; Hoàng hậu Sa-ve vãn; Vãn cha Minh và lái Gấm (tập này của Paulus Của), vân vân và vân vân …”
Trường hợp điển hình: Đỗ Đình Thạch
“Ông Phê-rô Đỗ Đình Thạch ( 1907-1970), con một gia đình quan chức bên lương, đi du học Pháp, đậu cử nhân sử học, viết báo, viết sách tiếng Việt và tiếng Pháp, kết thân với nhiều danh sĩ Pháp, như André Clide. Ông chịu phép Thánh tẩy (1932), bút hiệu Pierre Đỗ Đình. Đỗ Đình Thạch nổi tiếng nhất với thi phẩm Pháp ngữ Le Grand Tranquille (Đấng Thái Hòa). Nhà bác học Pháp Maurice Durand khen ngợi: “Trong số những nhà thơ Việt Nam nổi tiếng ở Pháp, có PhạmVăn Ký (1916-1992) và Đỗ Đình Thạch được xem như một trong những thi nhân độc sáng và cầu toàn nhất.”
Đó là điển hình của thi ca Công giáo Việt Nam hiện đại”.
GHI NHẬN
1.Nhà nghiên cứu đã có ý phân chia thời kỳ văn học (thơ ca) và đặt tên cho từng thời kỳ. Tuy vậy, việc phân chia thời kỳ này không được đặt trên tiêu chí phân kỳ lịch sử văn học có tính khoa học cho nên chưa xác lập được đặc điểm thi ca của từng thời kỳ về nội dung, tư tưởng, thi pháp cùng những yều tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thi ca.
2. Mỗi tác giả chỉ được giới thiệu sơ sài về tiểu sử và tên tác phẩm, chưa có một nghiên cứu thấu đáo nào về một tác phẩm hay một tác giả. Kể cả tác giả Pierre Đỗ Đình mà ông ca ngợi là: “điển hình của thi ca Công giáo Việt Nam hiện đại”. Tôi không rõ Pierre Đỗ Đình “ điển hình” cho những mặt nào của thi ca Công giáo hiện đại? Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Bích nhận xét: “Đỗ Đình không được biết đến nhiều. Mấy ai đã nghe đến danh và được bao nhiêu người có dịp đọc tác phẩm”(xin đọc: Lê Ngọc Bích-Đỗ Đình, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo).
3.Khi nghiên cứu thi ca Công giáo dọc theo dòng thời gian từ giáo sĩ Majorica (1591-1656) đến Phê-rô Đỗ Đình Thạch (1907-1970), Phạm Đình Khiêm đã không xem xét bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử truyền giáo ảnh hưởng thế nào đến thi ca, và ngược lại, thi ca Công giáo đáp ứng thế nào yêu cầu của lịch sử dân tộc và lịch sử truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Điều này khiến cho thi ca Công giáo bị tách rời khỏi cuộc sống, không có chỗ đứng trong lòng dân tộc.
4. Phạm Đình Khiêm cũng chưa xác lập thế nào là một “nhà thơ Công giáo”, thế nào là một tác phẩm “thơ Công giáo”, nên đưa các nhà văn hóa Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký vào “nhà thơ Công giáo”, mặc dù ông nhận xét về Nguyễn Trường Tộ rằng: “Thực ra thơ của Nguyễn Tiên sinh không nhiều, nhưng đủ nói lên tấm lòng của ông đối với đất nước, ưu tư của ông trước thời cuộc”; “Thơ của Nguyễn Tiên sinh không trực tiếp hướng về tôn giáo, nhưng vì ông là người có đức tin mạnh mẽ thì đương nhiên đức tin đó soi dẫn mọi hành vi ngôn ngữ của ông, nhất là thi ca, vì thi ca là tiếng nói của con tim”.
Rõ ràng Phạm Đình Khiêm nhận xét thơ Nguyễn Trường Tộ “không trực tiếp hướng về tôn giáo”, nhưng ông vẫn đưa Nguyễn Trường Tộ vào danh sách “nhà thơ Công giáo”, chỉ vì ông là ngưới có đức tin mạnh mẽ.
5. Chưa có sự thống nhất phân kỳ văn học Công giáo giữa các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam, Những chặng đường (Nxb Tự điển Bách Khoa 2010) có sự tương đồng nào đó với việc phân kỳ thơ ca Công giáo của Phạm Đình Khiêm (2000). Dù vậy, việc phân kỳ văn học của cả hai nhà nghiên cứu chưa dựa trên những tiêu chí và phương pháp khoa học.
Lê Đình Bảng phân kỳ như sau:
Chặng đường vỡ đất gieo trồng (Thế kỷ XVI-XVII)
Chặng đường đâm chồi nảy lộc (Thế kỳ XVIII-XIX)
Chặng đường đơm hoa kết trái (Thế kỷ XX)
***
Nhìn tổng thể, bài viết của Phạm Đình Khiêm giới thiệu với người đọc “những nét nổi bật về mỗi thời kỳ với các thi nhân và các tác phẩm tiêu biểu”. Những “nét nổi bật về mỗi thời kỳ” văn học Công giáo này còn cần nhiều công trình nghiên cứu mới có thể thấy hết giá trị của văn học Công giáo đối với việc truyền giáo và những đóng góp của thi ca Công giáo với thi ca dân tộc.
Tháng 4/ 2022
_____________________________________
[1] Trường Sơn: Tưởng nhớ nhà văn Công giáo Phêrô Phạm Đình Khiêm
https://tgpsaigon.net/bai-viet/tuong-nho-nha-van-cong-giao-phero-pham-dinh-khiem-34147
[2] Đêm tọa đàm về văn học Công Giáo Việt Nam với chủ đề: Người Chứng Thứ Nhất
http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/37292.htm
[3] Phạm Đình Khiêm: Lời nói đầu-Người chứng thứ nhất
http://thovanminhson.blogspot.com/2019/07/nguoi-chung-thu-nhat-tac-gia-pham-inh.html
[4] Phạm Đình Khiêm: Nhìn qua những chặng đường thi ca Công giáo:
http://conggiao.info/nhin-qua-nhung-chang-duong-thi-ca-cong-giao-viet-nam-d-8641