Nhà nghiên cứu văn học Công giáo NGUYỄN VY KHANH

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO

NGUYỄN VY KHANH

Bùi Công Thuấn

***

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh sinh ngày 5/3/1951 (28/1/Tân Mão) tại Vĩnh Phước, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cử nhân Giáo khoa Triết Tây (1973), Cao học Triết Tây (1975) ĐH Văn Khoa Sàigòn, tốt nghiệp Thủ khoa Ban Việt Hán khóa 13 (1971-1974) ĐH Sư phạm Sàigòn. Sau khi định cư ở Canada, tốt nghiệp Cao học Quản trị Thư viện (Master of Library Science, ĐH Montréal (1978). Nghề nghiệp chính: Dạy học (trước 1975) và Chuyên viên Thư viện Quốc hội và Chính phủ Québec từ 1978 ở Montréal và Québec City; chuyên viên nghiên cứu lịch sử và nhân văn liên hệ đến Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại Montréal và Québec City (Canada). Thành viên sáng lập và tổng thư kí Trung tâm Việt Nam học và tạp chí Vietnamologica (Montréal, 1994 – 1997).

 “hơn 27 năm ở ngoài này, tôi đã và đang làm ông biện nhà thờ 3 lần, một lần ở Québec City và 2 lần ở Montréal, hiện tôi làm tổng thư ký hội đồng quản trị Cộng đồng Công giáo vùng Montréal” (trả lời phỏng vấn Cát Biển-Nguyệt san Văn hóa Hồn Quê)

            Tác phẩm đã xuất bản

            1.Khung cửa. Thơ. Tác giả xuất bản. Sài gòn 1972

            2.Lỗ Tấn và truyện xưa viết lại. Biên khảo và dịch thuật. Nxb Xuân Thu 1997

            3.Bốn mươi năm văn học chiến tranh (1957-1997). Nhận định. Nxb Đại Nam 1997.

              Tái bản năm 2000

            4.Văn học và thời gian. Nxb Văn nghệ 2000

            5.Văn học Việt Nam thế kỷ XX, một số hiện tượng và thể loại. Nxb Đại Nam 2004

            6. 33 nhà văn nhà thơ hải ngoại. Tuyển tập nhận định văn học.(ebook, Montréal, tác giả xuất bản 2008; tái bản Toronto, Nguyễn Publishing 2016)

            7. Văn học miền Nam 1954-1975-Nhận định, biên khảo và thư tịch (quyển thượng và quyển hạ). Toronto, Nguyễn Publishings 2016. Tái bản 2018.

            8.Trương Vĩnh Ký tinh hoa nước Việt. Toronto, Nguyễn Publishings 2018

            CÁC TIỂU LUẬN ĐÃ ĐĂNG TRÊN CÁC TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT[[1]]

            1.Bùi Giáng, con đường ngã ba

            2.Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau

            3.Cao Đông Khánh, ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ. (Phê bình)

4.Cái chết trong văn chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám (tiểu luận)

5.Dương Nghiễm Mậu, cuộc đời tình cờ (Tiểu luận)

6. Mai Thảo, hoài niệm của người viễn xứ (Phê bình)

7. Người lính trong truyện Trần Hoài Thư (Tiểu luận)

8. Nguyễn Huy Thiệp: Những chuyện Huyền, Kỳ, Núi, Sông và Nước

9. Nguyên Sa, nhà báo, nhà thơ (Tiểu luận)

10 Nguyễn Vy Khanh viết về Võ Hồng (chân dung)

11. Nhà văn Duyên Anh (Phê bình)

12. Nhân vật tiểu thuyết Thanh Tâm uyền (tiểu luận)

13.Tương lai văn chương Việt Nam (tiểu luận)

14.Tạp chí Bách Khoa và văn học miền Nam (tiểu luận)

15.Tản mạn về dục tính và nữ quyền (Đối thoại)

16.Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)

17.Thơ Tô Thùy Yên, Quán trọ hồn Đông phương (tiểu luận)

18.Thơ Thanh Tâm uyền (Tiểu luận)

19.Thế kỳ tiểu thuyết I&II (tiểu luận)

20.Thế giới nhân bản của Nhật Tiến (Phê bình)

21.Thể loại văn chương: các thể loại ngắn (tiểu luận)

22.Thi ca miền Nam 1954-1975 (phê bình)

23.Thơ hôm nay (Phê bình)

24.Tiểu thuyết hay truyện kể? (tiểu luận)

25.Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dão bên trời (tiểu luận)

26.Trung quốc thế kỷ XXI (tiểu luận).

27.Truyện Hồ Minh Dũng: Huề, Tình, Thực tãi hay Dĩ vãng…(chân dung) (tr.12)

28.Văn học miền Nam tự do 1954-1975 (tiểu luận)

29.Văn học miền Nam qua một bộ “văn học sử” của trong nước (phê bình)

30.Về tiểu thuyết lịch sử: nhân đọc Sông Côn mùa lũ (tiểu luận)

31.Vài ghi nhận về kịch (kịch)

32.Võ Phiến những năm 1960 (tiểu luận)

33.Thảo Trường, nhà văn dấn thân với nỗi ý thức không rời

34.Nguyễn Vy Khanh nói về Duyên Anh

 Trong liệt kê tác phẩm trên [[2]], Nguyễn Vy Khanh không có tác phẩm nào biên khảo riêng về văn học Công giáo. Ông chuyên về biên khảo và viết văn học sử.

Tôi ghi nhận thêm những chuyên luận về văn học Công giáo của ông:

1. Đôi nét về văn học Công giáo (2007)

2. Sơ thảo về văn học Công giáo hải ngoại (2022)

3. Những bài viết về Trương Vĩnh Ký: Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt; Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu‐du (1863‐1864); Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi quốc-ngữ tiền phong; Trương Vĩnh Ký: tinh-hoa nước Việt; Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn…

***

CHUYÊN LUẬN VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO

Nguyễn Vy Khanh là nhà nghiên cứu văn học có khối lượng tác phẩm đồ sộ, đặc biệt là các công trình về văn học sử Việt Nam.

Trong bài viết này, tôi quan tâm đến hai chuyên luận về văn học Công giáo của ông: Đôi nét về văn học Công giáo (2007), và Sơ thảo về văn học Công giáo hải ngoại (2022) cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể về văn học Công giáo, và làm phong phú thêm việc nghiên cứu văn học Công giáo [[3]].

Chuyên luận “Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam”, ông ghi nhận lịch-sử hình thành và vài đặc điểm của văn-học công giáo xét qua sự có mặt và đóng góp cho nền văn-học chữ quốc-ngữ của một số các tác-giả Việt-Nam”.

Theo Nguyễn Vy Khanh, từ thế kỷ XVII trở đi, một nền văn-hóa công giáo đặc tính Việt-Nam đã dần rõ ràng xuất hiện và ngày càng lớn mạnh. Các tu sĩ và giáo dân Lữ-y Đoan, Bento Thiện, Phan Văn Minh, Đặng Đức Tuấn, Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, v.v. đã đi những bước tiên phong góp những viên gạch cho tòa nhà văn-hóa Việt-Nam, người Việt đã tham gia tích cực trong việc sáng chế ra chữ quốc ngữ.

Dẫn tài liệu nghiên cứu LM Georg Schuhammer, giới thiệu ba tác-giả thuộc Dòng Tên, là Girolamo Majorca, João Ketlâm (cũng gọi là João Vuang và Philiphô Rôsariô (cũng gọi là Philipê Bỉnh 1959-1832)

Nửa cuối thế kỷ XIX, các tác giả Thiên Chúa giáo là những người đầu tiên tiếp nhận những hình thức diễn tả văn hóa của Tây phương, họ đi những bước khởi đầu: Philipphê Bỉnh (thể nhật ký); Thể kịch nói với Tuồng Cha Minh (1881), Trương Vĩnh Ký (Thể ký sự: Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi, 1876), Nguyễn Trọng Quản (Thể truyện:Thầy Lazarô Phiền, 1887),          Michel Tình (Thể hồi ký:Chơn Cáo Tự Sự, 1910).

Về sách giáo lý có: sách các truyện thánh bằng chữ Nôm của giáo sĩ Majorica, sách chữ nôm về tuần thánh của thầy giảng Gio-an Thanh Minh (1588-1663), Sấm Truyền Ca (1670, chữ nôm của linh-mục Lữ-y (Louis) Đoan. Các kinh sách, vãn, (I-nê tử đạo vãn) v.v.

Các tác giả: Lm Philipphê Bỉnh, thánh Phi-líp Phan Văn Minh, Lm Đặng Đức Tuấn, Lm Trần Lục, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản,… đã đóng góp những nền móng ngôn-ngữ, văn tự và thể loại gầy dựng nên một nền văn-học chữ quốc-ngữ cho cả nước!

Có hai dòng văn-học Công giáo: một bác học, một đại chúng.

Sang thế kỷ XX, Nguyễn Vy Khanh nhận định: “Nhìn chung, thế kỷ XX đã cung cấp cho văn học Công giáo nhiều tài năng và tác-phẩm đáng kể”.  Ông cho biết, có một khó khăn khi xác định đặc tính nguồn đạo Thiên Chúa qua các tác-phẩm cũng như các tác-giả. Ông giới thiệu một số tên nhóm tác giả đầu thế kỷ XX, sau năm 1954 và miền Nam 1954-1975: Kim Định, Đỗ Quang Chính, Cao Văn Luận, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị, Thanh Lãng, Lê Văn Lý, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Hưng, Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, Lê Hữu Mục, Nguyễn Văn Thọ, vv.

Lưu vong ra hải ngoại, người Công giáo tiếp nối sinh hoạt, đã có những tạp chí và nhóm như Dân Chúa, Tin Nhà, Định Hướng, Đường Sống, Thời Điểm Công Giáo, Sứ Điệp, Triết Đạo, Diễn Đàn Giáo Dân v.v

Những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều mạng lưới quán văn thơ và diễn đàn công giáo sinh hoạt song hành với các phương tiện cổ điển in ấn: Dũng Lạc, Viet Catholic, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, … có thêm những cây viết mới: Lm Nguyễn Tầm Thường, Lm Trần Cao Tường, Lm Nguyễn Trung Tây, Đường Phượng Bay, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, Trần Công Tiến, Nguyễn Văn Thành, Song Thao, Vinh Hồ, Trần Phong Vũ, Nguyễn Ước, v.v.
           Sau khi giới thiệu chung, Nguyễn Vy Khanh giới thiệu từng thể loại:

THƠ.

Thánh Phi-líp Phan Văn Minh (1815-1853) có Phi năng thi tập gồm 35 bài lục bát và 93 bài ngâm vịnh xướng họa.

Lm Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là tác-giả các tập thơ trường thiên Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca, Lâm Nạn Phụng Quốc Hành, cùng các bài văn tế và hịch yêu nước: Sát Tả Bình Tây Hịch, Văn Tế Các Đẳng, Văn Tế Giáo Nhơn Tử Nạn.

Trần Lục (1825-1899), tác-giả của trên 6.000 câu lục bát, song thất lục bát và thơ 4 chữ trong kho ca vè của Cụ Sáu dạy nên người và dạy làm Kitô hữu. Nguyễn Vy Khanh trích thơ giới thiệu: Mừng Bà Thánh Anna, Bản dạy cách lần hạt 15 người, Hiếu tự ca.

Trương Vĩnh Ký, tác-giả Chuyện Đời Xưa (1866), ấn phẩm văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Ông chứng minh người Việt có thể vừa sống đạo vừa giữ được tinh thần dân-tộc – tương quan Đạo-Đời vừa kính Chúa vừa làm người dân yêu nước.

Huình Tịnh Paulus Của: có Quốc âm Tự Vị, giáo khoa và các tuyển tập, ông còn viết Chuyện Giải Buồn cũng như những bài Văn Thánh Minh (628 câu thơ lục bát ) và Văn Lái Gẫm (540 câu thơ lục bát.), v.v. Những bài sau cho thấy  ông là người “đem đạo vào đời” theo đường lối nhà trường, học thuật. Nguyễn Vy Khanh trích dẫn: Bài Phụ Văn Đức Tính Cha Minh,

GM Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948): Thơ văn sáng tác của Ngài đăng tải rải rác khắp các báo đạo đời, như Nam Kỳ Địa Phận, Nam Kỳ tuần báo, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đaminh bán nguyệt san, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Tác-phẩm : Ngạn ngữ kinh thư. (1915), Văn chương thi phú Annam (1919), Thánh giáo thuyết minh (1938), Tuồng bảy mối tội đầu (1922), …Nguyễn Vy Khanh trích dẫn: Ca dao về Đức Mẹ, Bài Ca Tạ Ơn,

Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978), chủ nhiệm sáng lập tờ Vì Chúa (1935, ba tiếng Việt, Hán và Pháp), tác-giả Sảng Đình Thi Tập (1943), Cổ Việt Phong Dao (1968); tập đầu gồm 152 bài thơ Việt, Hán và Pháp với những thể loại vè 4 chữ, lục bát, tứ tuyệt, v.v. Ngài còn dịch vở kịch Polyeucte của Corneille thành “Tuồng Phổ Liệt”. Bài Đức Mẹ Ru Con với phong cách Việt (trích dẫn).

Hàn Mặc Tử lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh, ông đã sử dụng từ ngữ dân gian thông thường, đặt đúng chỗ và biến hóa thành những câu thơ có khi siêu thực, đầy ma lực, khi khác rất kinh nguyện, nhưng nói chung đều làm choáng váng người đọc: lời thơ của ông là những ngọn lửa đức tin, những ánh sáng lúc chói lòa lúc mơ hồ. Nguyễn Vy Khanh trích quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử và ý kiến đánh giá của Đặng Tiến về thơ Hàn Mạc Tử (phần trích khá dài).

Nhà thơ Quách Thoại (1929-1957) bệnh tật, mệnh yểu, hy vọng rồi tuyệt vọng, nhưng đức tin vững mạnh, giúp chống chọi với gian nguy (trích thơ)

Phạm Đình Tân (1913-) thành viên Tinh Việt Văn Đàn, tác-giả tập Tiếng Thầm-Lời Thiêng (tựa của Thế Lữ, 1952, tb 1960). Trích thơ.

Lm Vũ Đức Trinh (1922-1964): Các tập thơ Ánh Vàng 1956, Hương Thiêng 1956, Đuốc Trời Cao, Thục Nữ Thiên Hương, Bảo Tàng Ân Ái, Những Quả Tim Non, Mấy Áng Phong Dao (dịch sang Anh ngữ, 1957). Thơ ông mang âm hưởng thời đại thập niên 1950 là những vần tươi sáng, vui mầng, nhất là những bài “phong dao”.

Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa 1926-) tác-giả Thơ Kinh 1956, Hương Kinh 1957, Trầm Tư, Kinh Trong Thời Gian, .., đã thường xuyên có mặt trên các tạp chí công giáo từ thập niên 1950. Thơ Xuân Ly Băng ca tụng Thiên Chúa, Đức Mẹ, cuộc đời, với lý lẽ của cảm xúc, đức tin và chữ dùng nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Tha thiết như những lời kêu gọi, như một đáp trả ơn trên. Trích thơ.

Trăng Thập Tự (LM Võ Tá Khánh, 1947-) tác-giả Tâm Tình Tu Viện (1969), Điệu Buồn Học Trò (1971), Có Ai Về Cát Minh (tuyển tập Thơ 1963-2004), v.v… Qua thơ, Trăng Thập Tự đã để hồn mình nhập vào Thánh Kinh, cầu nguyện với lời thánh thiện, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm cảm qua lăng kính của Đức Tin. Trích thơ.

Nguyễn Tầm Thường (Lm Giuse Nguyễn Trọng Tước, 1951-): Tình thơ thập giá, Mùa hoa trên thánh giá gỗ, Nước mắt và hạnh phúc, Chúa biết con cần Chúa, Đường về thượng trí, v.v. Trích đoạn về lời tận hiến.

Lệ Khánh (1945-), đã xuất bản 7 tập Em Là Gái Trời Bắt Xấu (1963-), ngoài ra còn những tập Vòng Tay Nào Cho Em 1966, Nói Với Người Yêu 1966. Bà đã có những bài hướng về Thiên Chúa. Trích thơ.

Thơ Trần Vạn Giã có lời dâng, lời cầu, với Thiên Chúa. Trích thơ

Thơ Cao Huy Hoàng (1956-) là thơ của một đức tin vật lộn với thực tế đời thường, thơ của những ơn gọi sống thánh thiện giữa lòng đời ô trọc nhiều thử thách. Trích thơ.

VĂN XUÔI

Nguyễn Vy Khanh nhận định: Về văn xuôi, tính chất đạo nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương, nhưng biểu tỏ hoặc qua nội dung hoặc qua thành quả đóng góp cho văn học, học thuật nói chung. Sau đó giới thiệu:

GM Hồ Ngọc Cẩn qua bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (trích văn).

Nguyễn Trọng Quản là tác-giả đầu tiên theo ảnh hưởng Âu Tây Thầy Lazarô Phiền trong đó ý tưởng đức tin đạo Thiên Chúa cùng những ý niệm sám hối, ăn năn (trích văn và phân tích khá dài)

Giới thiệu tác-giả công giáo thời hiện đại:

Thụy An Hoàng Dân trong Một Linh Hồn (1940).

Nguyễn Thạch Kiên (1926-2007) tên thật Nguyễn Văn Khánh, tác-giả các tiểu-thuyết lý tưởng Hương Lan (1947), Màu Hoa Phượng, Mái Tóc Huyền (1970), và gần đây, ở ngoài nước, tập hồi ức tình cảm xã-hội Búp Xuân Đầu (2004). 

Nguyễn Duy Diễn (1920-1965) ký bút hiệu Phương Khanh (1953), tác-giả Những Ngày Đẫm Máu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Lm Petrus Vũ Đình Trác, là tác-giả của tiểu-thuyết Đời Anh (1959) và tập thơ Đắc Đạo Thi Nhân (1960) trước khi xuất bản những tham luận triết học và văn-hóa.

Phạm Đình Tân ngoài thơ và khảo cứu, còn là tác-giả truyện Duy Đức học-sinh trinh-thám, tiểu thuyết giáo dục (Văn Đàn, 1966).

LM Nguyễn Duy Tôn tác-giả các tiểu-thuyết tôn giáo và tình cảm Trái Cam Máu 1959, Hai Tâm Hồn 1959, v.v.

Bùi Hoàng Thư tác-giả nhiều tiểu-thuyết tình cảm, xã-hội vào thập niên 1960 ở miền Nam : Sống Cho Nhau, Ảo Ảnh, Nàng, v.v

Nhà văn Thảo Trường để các nhân vật của mình dấn thân sống đạo giữa đời, ngay cả trên bãi chiến trường, với những Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Cát (1974) và sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005) và mới nhất, cuốn truyện dài Thềm Đá Xanh Rêu (2007).

Hà Thúc Sinh: ngoài thơ, nhạc, còn là tác-giả Đại Học Máu (1985) và nhiều truyện dài ngắn cũng như tuyển tập truyện, kịch và thơ Tống Biệt Hai Mươi (1999), …

Quyên Di chủ biên tạp chí Tuổi Hoa và tác-giả nhiều truyện và tiểu-thuyết giáo dục, hướng thượng từ trước 1975: Tuổi Trăng Tròn, Cánh Phượng Rơi, Tuổi Ươm Mơ, Chuông Đêm, … cho đến thời hải ngoại Hoa Hồng Nhà Kín (1995).

 Đường Phượng Bay: với các tiểu-thuyết tình cảm xảy ra ở các họ đạo và các nhân vật chính thuộc giới tu hành: Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), Yêu Màu Áo Đen 1989, Qua Cửa Thần Phù 1989, Tạm Biệt Rừng Hoa (1990). Mây Vẫn Nhớ Ngàn còn đựợc biết với tựa đề Vì Tôi Là Linh Mục, là một chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm của Cha Thảo và cô Nga.

Nguyễn Ngọc Ngạn trong Xóm Đạo (Tokyo: Tân Văn, 1998) nêu vấn đề tôn giáo ở xã-hội Việt-Nam.

NGUYỄN VY KHANH NHẬN ĐỊNH

            Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ đã là nguồn mạch văn hóa và văn chương của nhân loại. Các tác-giả Việt Nam về mặt này cũng không ra ngoài nguồn mạch vô tận đó.

            Các thể loại đều được các tác-giả công giáo sử dụng, và đã có những tác-phẩm sáng giá, để đời, nhưng ngược lại, đối với một số thì các hình thức văn-chương được sử dụng như phương tiện sống đạo và giảng đạo (truyện của Lm Nguyễn Tầm Thường, Nguyễn Trung Tây, v.v.)

            Tư tưởng đạo Thiên Chúa, tư duy đạo, đã thật sự thấm nhuần vào văn-hóa và văn-học nghệ thuật nước ta. Và đã sinh ra một truyền thống văn-học có nền nếp và hiển nhiên trong thực tế lịch-sử và đất nước.

            Người Việt-Nam đã theo đạo Chúa trước khi thực dân Pháp đặt chân đến nước Việt, trước khi Hội thừa sai Paris gửi người đến; người Việt đã góp phần “sáng tác” nên thứ chữ Việt alphabet về sau được gọi là chử quốc-ngữ.

“Tóm một chữ, người công giáo Việt-Nam, các giáo dân cũng như các văn-nghệ sĩ, đã và luôn sống đạo với tinh thần dân-tộc; riêng các vị sau đã sáng tác, làm văn-chương và đã thể hiện đức tin một cách chân thành và sâu sắc qua tác-phẩm”.

GHI NHẬN

            1.Đúng như nhan đề của chuyên luận, Nguyễn Vy Khanh trình bày “đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam” theo thứ tự thời gian xuất hiện của các tác giả, tác phẩm, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XXI.

Việc giới thiệu cũng rất sơ sài và không đồng bộ. Có tác giả được giới thiệu năm sinh, năm mất, tên tác phẩm, sơ lược nội dung tác phẩm; nhưng có tác giả chỉ giới thiệu tên. Nhà thơ Lê Đình Bảng không được giới thiệu, tôi nghĩ, đó là một thiếu sót.

Điều băn khoăn là, Nguyễn Vy Khanh không khẳng định thế nào là nhà văn Công giáo và tiêu chuẩn nào để xem xét một tác phẩm văn học Công giáo, nên số tác phẩm được giới thiệu khá nhiều, song đâu là tác phẩm văn học Công giáo thì không được xác định. Thí dụ tác phẩm của nhà văn Thảo Trường và Đường Phượng Bay.

2. Giới thiệu Văn học Công giáo theo dòng lịch sử nhưng Nguyễn Vy Khanh không phân tích mối quan hệ giữa văn học và lịch sử, để từ đó chỉ ra văn học Công giáo có đóng góp gì với văn học dân tộc và với lịch sử dân tộc. Thí dụ, văn học dân tộc có hai dòng chính là Văn học yêu nướcVăn học Nhân đạo chủ nghĩa. Vậy Văn học Công giáo đứng ở đâu giữa hai dòng văn học ấy?

Đồng thời, Nguyễn Vy Khanh không xác lập được những cột mốc (lịch sử và văn học) phân định các thời kỳ văn học, để từ đó chỉ ra những thành tựu, những khác biệt của từng thời kỳ. Chẳng hạn, Văn học Công giáo Hán Nôm (thế kỷ XVII, XVIII), Văn học Công giáo chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu, Văn học Công giáo nửa đầu thế kỷ XX (đến 1945), Văn học Công giáo nửa sau thế kỷ XX, văn học Công giáo từ 1980 đến nay (lấy Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm mốc)…Nếu được hỏi, trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), Văn học Công giáo có những tác giả, tác phẩm nào gắn bó đức tin với dân tộc, thì câu trả lời là rất khó. Dường như ngày nay chỉ còn lưu truyền bài thơ Tha La Xóm đạo của Vũ Anh Khanh (1950).

3. Phần trình bày tác giả, tác phẩm mới chỉ ở dạng giới thiệu tư liệu, chưa có nghiên cứu cụ thể để xác lập những nội dung chính, những thể loại chính, những dòng chảy (trào lưu) chính, những bước phát triển mới trong suốt lịch sử phát triển của văn học Công giáo. Thí dụ, thể Diễn ca, Huấn ca đã có ngay từ thời kỳ đầu, song đến nay (thế kỷ XXI) Diễn ca, Huấn ca vẫn phát triển. Về thơ ca chẳng hạn, thời kỳ đầu, thơ Nôm Công giáo làm theo thể lục bát và Thất ngôn Đường luật, song đến Hàn Mạc Tử, có một bước cách tân về thi pháp (thơ Hàn Mạc Tử là thơ Lãng mạn-Tượng trưng-Siêu thực), và đến nay, thơ Công giáo đã có những bước phát triển mới về thi pháp khác hẳn thơ Hàn Mạc Tử (Thơ Lê Đình Bảng, Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự)…

Điều đáng quý là Nguyễn Vy Khanh cung cấp được cho người đọc “đôi nét về văn học Công giáo”, để từ đó, có cơ sở tìm hiểu sâu hơn về một nền văn học đã có những đóng góp đánh kể vào văn học dân tộc, song chưa được giới nghiên cứu quan tâm đúng mức.

Những đóng góp đáng kể đó là, những tác phẩm văn học chữ quốc ngữ đầu tiên (A. Rhodes, Philipê Bỉnh), tiểu thuyết đầu tiên viết theo kỹ thuật phương tây (Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản 1887), tuồng sân khấu (Tuồng Thương Khó của Nguyễn Bá Tòng. 1912), thơ Hàn Mạc Tử (đóng góp vào phong trào Thơ Mới 1932-1945); Văn chương Công giáo đem đến văn học dân tộc nền văn hóa mới từ Kinh thánh, khác hẳn với văn học dân tộc chịu ảnh hưởng tư tưởng, thể loại, điển ngữ Trung quốc trước đó…

Thánh 4/ 2022

__________________________________


[1] Trên trang Nam ky lục tỉnh, tuyển tập Nguyễn Vy Khanh có trên 70 bài:

https://www.namkyluctinh.org/tuyen-tap/nguyen-vy-khanh/

[2] http://phannguyenartist.blogspot.com/2016/06/nguyen-vy-khanh.html

[3] Nhà nghiên cứu Võ Long Tê đã in Lịch sử văn học Công giáo (1965) và nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng đã in Văn học Công giáo, Những chặng đường (2010).

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok