Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
Đôi điều chia sẻ về tập thơ
TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA
của nhà thơ Lm Khắc Đỗ
Bùi Công Thuấn
***
(Lm Khắc Đỗ)
Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua có 36 bài, nhiều bài là trường ca Lục bát (bài Theo Thầydài 214 câu). Ở đầu mỗi bài thơ, tác giả ghi rõ địa điểm, ngày và “tâm sự” của nhân vật (dạng ghi nhật ký). Người đọc có thể đọc tâm sự của Chúa Giê su, của Philatô và phu nhân, của một môn đệ đưa Mẹ về nhà mình của Mai-Đệ-Liên, Mác-cô, Cleopas trên đường Emau của Phêrô của một môn đệ trong nhà-đóng-kín-cửa và “Tâm sự một môn đệ trong bóng tối”. Người môn đệ đó là ai?
“Con là thi sĩ đa đoan
Thầy thương chọn gọi con làm môn sinh.
Viết gì? Chỉ biết lặng thinh
Lui vào bóng tối một mình ngẫm suy.
(Dưới chân thập giá)
SỰ CHỌN LỰA
Trong Lời ngỏ, tác giả cho biết mục đích sáng tác tập thơ:
“Với ước mong chiêm ngắm và cảm nghiệm Tình Yêu tuyệt đối ấy kẻ hèn này đã lần bước theo Thầy Chí Thánh trên từng nẻo xa gần của Đường Thương Khó… nhập cuộc vào những biến cố của Mùa Lễ Vượt Qua năm ấy… đặt mình vào vị trí của những môn đệ, và đôi khi, mạn phép, đặt mình vào vị trí của Thầy Giêsu, mới có thể phần nào rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy. Những xúc cảm ấy được ghi lại qua những vần thơ đơn sơ trong tập “Tâm sự Mùa Vượt Qua” này. Trước là để làm hành trang cho bản thân chuẩn bị bước vào Tuần Thánh của Năm thánh Lòng thương xót thật sốt sắng và trang nghiêm thật nhẹ nhàng và thanh thoát. Sau là xin được chia sẻ với mọi người, như một lời mời gọi cùng nhìn lại Mùa Vượt Qua năm ấy, để sống trọn Mùa Vượt Qua năm nay và hướng đến Mùa Vượt Qua vĩnh cửu mai này”.
Như vậy nội dung của tập thơ là Con đường thương khó của Chúa Giêsu cùng với những biến cố của các môn đệ Chúa. Tác giả nhập thân vào nhân vật để nói lên “tâm sự” của các nhân vật trong cuộc.
Mục đích sáng tác thơ là “ghi lại những cảm xúc” “rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”; để “làm hành trang cho bản thân”vàđể chia sẻ với mọi người”.
Từ mục đích sáng tác ấy, người đọc có thể nhận ra “bút pháp” của tác giả khi xem xét đối tượng sáng tác.
Những bài thơ “để chia sẻ với mọi người” được viết bằng bút pháp của “văn chương bình dân” (thể phú của vè dân gian [[1]]), dễ hiểu, lời thơ, cách diễn đạt là “khẩu ngữ” mộc mạc, tinh thần thơ phóng khoáng, không câu nệ nhiều vào thi luật, chủ yếu là kể chuyện, đưa thông tin. Xin đọc bài Biến loạn vườn khuya
Ngươc lại, những bài “làm hành trang cho bản thân” (những bài “tâm sự một môn đệ trong bóng tối”), hầu hết là thơ trữ tình, lãng mạn với bút pháp tượng trưng. Ngôn ngữ thơ là những hình ảnh tượng trưng, thơ là suy tưởng của tác giả, vắng bóng đời sống hiện thực, kiểu ngôn ngữ của thơ Lãng mạn 1930-1945, đặc biệt là thơ Hàn Mạc Tử. xin đọc các bài: Run như hơi thở chạm tơ vàng, Giờ vượt qua, Thập giá vinh quang, Máu chiều tình sử, Hừng đông, Tìm Người, Gặp Người, Phục sinh, Khách lạ đường quê.
Nhìn tổng thể, bút pháp thơ Khắc Đỗ là bút pháp “truyền thống” (văn học dân gian & Thơ Lãng mạn 30-45). Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua không nằm trong dòng thơ “cách tân”của thơ Việt đương đại.
NHỮNG ĐẶC SẮC THI CA
Một tác giả chỉ có thể được định vị trên văn đàn khi đem đến cho thơ ca những khám phá sáng tạo mới mẻ. Xin đọc thơ Xuân Ly Băng, thơ Lê Đình Bảng, thơ Trăng Thập Tự, thơ Sơn Ca Linh… [[2]]
Riêng về nội dung tập thơ Tâm sự mùa vượt qua, tác giả (viết Lời ngỏ), Hoàng Vũ (người viết Lời tựa) và Đạt Nhân (người viết Lời bạt) đã có những bài viết sâu sắc, tôi xin không nhắc lại.
Vậy tập thơ Tâm sự mùa vượt qua có những đặc sắc gì về tư tưởng-nghệ thuật?
1.Trường ca Lục bát kể chuyện là thế mạnh của ngòi bút Khắc Đỗ. Tôi có cảm giác tác giả có thể viết liền mạch vài trăm câu Lục bát chỉ “trong một nốt nhạc” (theo cách nói dân gian). Làm thơ Lục bát không khó, nhưng khi viết trường ca thì việc tìm vần luôn là một trở ngại, và đặc biệt người làm thơ phải có vốn từ giàu có để không lặp lại từ, để có thể diễn tả mọi tình huống, tái hiện mọi trạng thái tâm hồn và đời sống. Có vậy, đọc Lục bát mới thú vị, mới cảm nhận được hết sự phong phú, tài hoa, tinh tế của tiếng Việt, của hồn Việt.
Tôi tin rằng Khắc Đỗ có khả năng viết những truyện thơ lục bát như những truyện thơ của dân tộc (Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên, Đoạn trường vô thanh…) Văn học Công giáo đương đại chưa có tác giả nào viết truyện thơ để hội nhập với văn học dân tộc.
2. Tuy mỗi bài thơ trong tập Tâm sự mùa vượt qua là “tâm sự” của riêng một nhân vật, nhưng “tâm sự” ấy được khám phá và tái hiện trong một cấu trúc truyện kể. Điều này khiến cho thơ Khắc Đỗ mang tính “truyện” nhiều hơn tính “thơ”. Nghĩa là có hai dòng chảy song song: dòng chảy tâm trạng của nhân vật, và dòng chảy tự sự (mạch truyện kể). Việc kết hợp “hai dòng chảy “ này là tài năng kiến tạo tác phẩm của nhà thơ.
Để phục dựng dòng chảy tự sự (kể lại câu chuyện được Kinh thánh trình thuật), tác giả có khi chỉ khai thác một sự việc, ngược lại, có khi phải tổng hợp nhiều sự việc trong đời của một nhân vật (thí dụ Mai-Đệ-Liên, Phê Rô), nghĩa là phải kết hợp nhiều đoạn Kinh thánh lại với nhau theo logic tâm lý, đặt trong một không gian nghệ thuật liền mạch, tạo một cốt truyện mới, soi rọi vào đó cái nhìn mới, và sáng tạo những cách diễn đạt mới. Điều ấy đòi hỏi một năng lực sáng tạo vượt trội, tức là năng lực “làm thơ” kết hợp với năng lực dựng truyện (kể truyện, tạo bối cảnh, xây dựng tình huống, khắc họa nhân vật, chọn lựa bút pháp và đặt chủ đề…). Vì thế thơ Khắc Đỗ hoàn toàn khác với “Diễn ca”. Tác giả “Diễn ca” chỉ diễn thành thơ nguyên vẹn đoạn Kinh thánh, mà không được phóng bút theo cảm hứng sáng tạo cùa riêng mình.
Xin đọc các bài: Chuyện Bê-ta-ni,Biến loạn vườn khuya, Trước tòa sơ thẩm, Ám muội tòa đêm, Nẻo đường chân lý, Tình chung một mảnh dành riêng (tổng hợp Kinh thánh: Mt 28: 1-8; Mk 16: 1-8; Lc 24: 1-11; Ga 20:1-18
Bài Theo Thầy tổng hợp các biến cố trong đời Phêrô theo Chúa và tậm trạng của ông trong những hoàn cảnh cụ thể: Lúc Chúa sống lại, Phêrô ra mộ (Lc 24,12). Phêrô nhớ ánh mắt Chúa nhìn (Lc 22, 61), nhớ lúc Chúa gọi, vâng lời Thầy thả lưới (Lc 5,5). Nhớ lúc Chúa dẹp yên sóng (Lc 8, 22-25., Chúa cho Phêrô đi trên mặt nước (Mt 14, 27-32). Chúa gọi Phêrô: con là đá (Mt 16, 15-19). Phêrô đáp lời “Bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6, 68). Nhớ lúc được theo Chúa lên núi Tabore (Mc 9, 2-10). Lại nhớ lúc chối Thầy (Mc 14, 66-72). Nhớ lúc Chúa sống lại, hiện ra, Phêrô nghe lời thầy thả lưới (Ga 21, 6-19)…
3.Thơ trữ tình của Khắc Đỗ có những phẩm chất nghệ thuật riêng. Đó là những bài được ghi chú là “Tâm sự một môn đệ trong bóng tối” (chính là tác giả). Đặc điểm “thi pháp” của nhiều bài thơ ở mảng này là kiểu thơ Lãng mạn (1930-1945), thể thơ 7 chữ, 8 chữ, sử dụng ngôn ngữ tượng trưng, thơ thiếu phẩm chất hiện thực (Máu chiều tình sử, Giọt nước mắt Thầy, Thập giá vinh quang, Gặp Người, Khách lạ đường quê, Phục Sinh). Nhiều bài viết theo phong cách thơ Hàn Mạc Tử (Run như hơi thở chạm tơ vàng, Giờ vượt qua, Hừng đồng, Tìm Người.)
Xin đọc:
Thượng Đế chết rồi em biết không
Trần gian đau đáu giấc mơ hồng
Hôm qua khép cửa vùi thân mộ
Giờ tử nạn này chắc chửa xong
Muôn nghìn tinh thể nháo nhào rên
Thanh khí xôn xao lẽ diệu huyền
Thinh lặng nhé em, giờ tưởng lệ
Đức Vua đương nghỉ giấc bình yên
(Giờ vượt qua)
Những bài “tâm sự của Chúa Giêsu” (Yêu đến cùng, Đêm hấp hối, Đường lên
Núi Sọ, Giờ phút lâm chung, Này là Mẹ con) là những bài dù tác giả có nhập thân vào Chúa để cùng “rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”, thì người đọc cũng nhận ra giữa khát vọng sáng tạo và tác phẩm bằng câu chữ có một khoảng cách chưa vượt qua được: tác giả chỉ thuật lại Kinh thánh mà chưa khám phá được nội tâm của Chúa.
Thơ chỉ thuật lại sự việc và gợi ra một vài cảm xúc của Chúa mà chưa đi sâu vào nội tâm của Chúa: “nặng trĩu sầu bi”, “Lệ sầu vò võ trăm điều”, “Lòng Thầy khắc khoải bâng khuâng”, “Hồn con xao xuyến lệ sa hãi hùng”, “Lòng Con khắc khoải não nùng/ Buồn phiền chết được, nghìn trùng đớn đau”, “Ruột gan khổ sở dường bao/ Mồ hôi lã chã như trào máu tươi./ Chứa chan mắt lệ rã rời”; “Nặng sầu ngó lại nhân gian/ Đường lên Núi Sọ quan san một màu./ Xuôi tay… nhắm mắt… gục đầu…”; “Mọi điều hoàn tất xong xuôi/ Gồng mình kêu lớn một hơi cuối cùng”.
Để khám phá “tâm sự của Chúa Giêsu”, có lẽ người làm thơ cần soi chiếu ý thức hiện hữu của Chúa trên đường khổ giá trong nhiều chiều kích hiện sinh, sử dụng Phân tâm Hiện sinh và miêu tả “dòng ý thức”, thay vì thuật truyện và viết cảm nhận như nhiều người quen làm. Những gì thấy bên ngoài mới chỉ là hiện tượng vật lý (“buồn phiền, mồ hôi lã chã, chứa chan mắt lệ, Xuôi tay…nhắm mắt…gục đầu”).
Có khám phá nội tâm của Chúa trong các chiều kích ấy thì mới có thể “rung cảm với nỗi đau của Thầy, nhạy cảm với tâm tư của Thầy và đồng cảm với tấm lòng của Thầy”.
ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI TÁC GIẢ
Tập thơ Tâm sự mùa vượt qua khẳng định nhà thơ Lm Khắc Đỗ là một khuôn mặt thơ ca Công giáo có những đường nét đặc sắc, đặc biệt là những trường ca lục bát có thể phát triển thành những truyện thơ lục bát, một thể loại thơ truyền thống (Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên).
Về thi pháp, Khắc Đỗ đóng góp vào thơ ca Công giáo sự kết hợp dòng chảy tự sự và dòng chảy tâm trạng trong những trường ca giàu chất tự sự. Điều này hoàn toàn khác với thể “Diễn ca” truyền thống. Khả năng kiến tạo tác phẩm thơ của Khắc Đỗ có thể đem đến cho văn học Công giáo những tác phẩm giá trị.
Việc “làm mới” thơ của mình để có thể hội nhập với thơ Việt đương đại có lẽ là một hướng cần được quan tâm (như những đóng góp của thơ Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Cao Gia An, …)
Tháng 1/ 2024
[1] Vè dân gian: hình thức tự sự bằng văn vần, kể chuyện người thật việc thật, mang tính thời sự, tính trào phúng. Một bài vè thường ít được trau chuốt về mặt hình thức mà tập trung thể hiện nội dung được thông báo (Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
[2] Bùi Công Thuấn-Thơ Công giáo Việt Nam đương đại, những sáng tạo mới
Nguồn: Bùi Công Thuấn-Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, 2022
https://www.vanthoconggiao.net/2022/04/tho-ca-cong-giao-viet-nam-uong-ai-nhung.html
THƠ CHỌN
CHUYỆN BÊ-TA-NIA
Bê-ta-ni, ngày … tháng … năm …
(Tâm sự một môn đệ trong bóng tối)
***
Ngày lên hun hút tầng xanh
Ác vàng nhả giọt nắng hanh đã đầy.
Một cơn gió bụi hao gầy
Đường quê bao dấu chân Thầy đã in.
Có người viễn khách đưa tin
Vội vàng tìm Chúa, cầu xin ngậm ngùi.
Thưa rằng: “Khẩn thiết hỡi ôi!
Đường xa lặn lội khắp nơi tìm Thầy.
May sao tương ngộ chốn đây
Như cơn nắng hạn gặp ngay mưa rào!
Sự tình đau xót xiết bao
Người Thầy thương mến đương vào lâm nguy!
Bấy nay mắc bệnh nan y
Dữ nhiều lành ít cực kỳ yếu hơi.
Chạy thầy chạy thuốc khắp nơi
Vô phương cứu chữa Thầy ơi, thôi rồi!”
Hung tin vừa mới dứt lời
Bốn bề im ắng, lòng người hoang mang.
Môn sinh to nhỏ luận bàn:
“Bê-ta-ni chính tên làng thiết thân.
Nhà này là chỗ nghỉ chân
Thầy trò ta đã nhiều lần viếng thăm.
Tình sâu nghĩa nặng tháng năm
Đôi bên tri kỷ tri âm nồng nàn.
Mát-ta chị cả dịu dàng
Ma-ri thứ nữ đoan trang mặn mà.
Út nam tên gọi La-da
Phen này bạo bệnh xót xa lòng Thầy.
Chắc rằng Thầy sẽ đến ngay
Dấy niềm ai cảm, ra tay chữa lành.”
Bất ngờ Chúa bảo chung quanh:
“Bệnh này không dễ chết nhanh sớm chiều!
Nhưng vinh quang Chúa cao siêu
Tỏ nơi Thánh Tử dấu yêu từ rày.”
Án binh bất động hai ngày
Rồi sau Chúa bảo: “Hãy quay trở về!
Nào ta cùng tới Giu-đê.”
Thưa rằng: “Khốn khó mọi bề Thầy ơi!
Dại chi chuốc họa vào người
Kìa dân Do Thái chờ thời đã lâu.
Đòi phen ném đá hại nhau
Oán thù biết rõ, hơi đâu lụy phiền!”
Chúa rằng: “Bạch nhật thanh thiên
Đủ mười hai tiếng, chẳng thêm bớt gì.
Phàm ai ở giữa quang huy
Thấy nguồn ánh sáng, bước đi vững vàng.
Còn như đêm tối lên đàng
Sẽ mau vấp ngã, quáng quàng lăn quay!
La-da yên giấc giờ đây
Thầy đi đánh thức dậy ngay cho người!”
Thưa rằng: “Say giấc ngủ vùi
Qua cơn sẽ tỉnh, phục hồi như xưa!”
Biết câu bóng gió dư thừa
Một đằng thâm ý, hiểu bừa một nơi.
Chúa liền kiến giải tiếp lời:
“Bạn ta chẳng phải ngủ chơi thường tình!
Ý Thầy nói cuộc tử sinh
Anh La-da đã tường minh chết rồi!
Thầy không hiện diện kịp thời
Để anh em biết tin nơi lời Thầy.
Nào ta đến với bạn ngay!”
Tô-ma nghe vậy, khoát tay hùng hồn:
“Đi nào các bạn đồng môn
Theo Thầy sống chết vẹn tròn mới thôi!”
Đường về cảnh cũ chơi vơi
Tâm tư bổi hổi, khúc nôi dạt dào.
Vừa nghe tin Chúa ghé vào
Mát-ta vồn vã ra chào từ xa.
Rằng: “Ôi thảm thiết bao la
Em con đã chết, Thầy đà biết chưa?
Nay thành thiên cổ người xưa
Chôn trong huyệt mộ cũng vừa bốn hôm.
Thầy xem tang quyến sầu tuôn
Thân nhân phúng viếng chia buồn bấy nay.
Ví dù Thầy có ở đây
Em con đã chẳng xuôi tay lìa đời!
Thầy xin Thiên Chúa một lời
Con tin Thầy sẽ được Người ban cho.”
Chúa rằng: “Chị chớ phải lo!
Này đây em chị đến giờ tái sinh.”
Rằng: “Con vẫn cứ đinh ninh
Đến ngày sau hết, em mình sống thôi!”
Chúa rằng: “Nói chuyện xa xôi
Chính Thầy, sự sống đời đời quang uy!
Ai tin, dù có chết đi
Sẽ luôn được sống diệu kỳ vô biên.
Còn ai sống, dạ vững tin
Sẽ không phải chết triền miên ngàn đời.
Riêng phần chị có tin lời?”
Đáp rằng: “Tấc dạ không ngơi tin thờ!
Chính Thầy là Đức Ki-tô,
Là Con Thiên Chúa, Đấng vô gian trần.”
Dứt lời xác tín thành tâm
Mát-ta khấp khởi quày chân trở về.
Tìm cô em gái tỉ tê:
“Kìa Thầy đã đến, còn lề mề chi!
Thầy kêu em đấy, nhanh đi!”
Nghe xong tin báo, Ma-ri điếng người.
Ruột gan dẫu rối bời bời
Nét hoa càng tủi, càng tươi lạ lùng.
Lòng yêu vừa giận vừa mừng
Gạt mau nước mắt lưng tròng xót xa.
Những người phúng viếng ở nhà
Thấy cô đi vội, tưởng ra mộ phần.
Họ liền lũ lượt theo gần
Tìm phương an ủi vơi dần sầu đau.
Không gian ảm đạm một màu
Mong manh liễu yếu, rủ nhàu đào tơ.
Hoa xuân thổn thức dại khờ
Chúa xuân tìm gặp, hết vờ héo hon
Ma-ri mắt lệ nỉ non
Bóng Thầy hiển hiện, lòng son rã rời.
Gieo mình phục dưới chân Người
Rằng: “Ôi, nước chảy hoa trôi bẽ bàng!
Chờ ai ngày cạn tháng tàn
Mong ai cho đến muộn màng vẫn mong!
Tin Thầy biền biệt non sông
Có Thầy, hiền đệ đã không chết rồi!
Nay cơn gia biến tơi bời
Tan hoa nát ngọc, dập vùi cô thân.
Má hồng dám chịu đa truân
Những mong được chết một lần cùng em!
Lá vàng, gốc rễ còn nguyên
Lá xanh ai nỡ vội đem lìa cành!
Ngậm đau nuốt tủi thôi đành
Bại gia lệch nghiệp tan tành, Thầy ơi!
Nỗi lòng bẳn hẳn khôn vơi
Xót người ở lại, tiếc người ra đi!
Nay Thầy ghé đến làm chi
Cho ai vấn vít sầu bi đoạn trường.
Thâm tình nào phải người dưng
Em con cũng chính người thương của Thầy!
Bóng chim tăm cá bao ngày
Ngờ đâu đến cuộc sum vầy trái ngang!
Thầy ơi, châu lụy võ vàng
Giọt mừng, giọt tủi hai hàng song song…”
Mấy lời thẳng dạ ngay lòng
Nghe qua ai chẳng cảm thông sụt sùi?
Nhìn quanh thảm cảnh lệ rơi
Tâm can Chúa cũng bồi hồi xuyến xao.
Hỏi: “Chôn thi thể nơi nào?”
Thưa: “Mời Thầy đến huyệt đào mà xem!”
Bất đồ xúc cảm trào lên
Chạnh lòng Chúa khóc ướt mèm mắt môi.
Đã mang mỏng mảnh phận người
Nhân tình thế thái sao đòi vô ưu
Ngại gì một chút luyến lưu
Giường treo tiếc bạn, đàn ru xót mình!
Đầm đìa châu lụy điêu linh
Nghẹn ngào nghĩa trọng thâm tình còn đâu?
Sinh ly tử biệt mặc dầu
Chia phôi nào chẳng nặng sầu ruột gan!
Dân làng thấy Chúa khóc than
Xầm xì xuôi tính ngược bàn xôn xao:
“Ồ, Ngài thương bạn biết bao!
Nghe đâu trước đó dồi dào quyền năng.
Mắt mù chữa sáng như trăng
Lẽ nào lại để thân bằng chết non?”
Nghe qua, Chúa lại héo mòn
Xót người mệnh yểu phận dòn dở dang!
Bần thần bước tới cửa hang
Truyền đem phiến đá chắn ngang khỏi mồ.
Mát-ta thổn thức tri hô:
“Lạy Thầy tử khí uế ô nặng mùi!
Bốn hôm táng xác xong rồi.”
Chúa rằng: “Chị chẳng tin lời Thầy sao?
Vinh quang Thiên Chúa trên cao
Đến hồi tỏ hiện nhiệm mầu sáng tươi.
Cứ tin sẽ thấy diệu vời!”
Nói xong, Chúa ngước lên trời cầu xin:
“Lạy Cha quyền phép vô biên
Ơn Cha nào biết đáp đền cho cân?
Tin Cha rất mực từ nhân
Hằng nghe, đoái nhận mỗi lần Con kêu.
Lời Con thống thiết bao nhiêu
Trước cho dân chúng thoát điều thị phi.
Sau cho họ hết hoài nghi
Tin rằng Con đến cũng vì Cha sai.”
Đoạn Ngài cất tiếng hùng oai:
“La-da, chỗi dậy! Ra ngoài mau lên!”
Thinh không vừa dứt lệnh truyền
Lạ kỳ kẻ chết nhãn tiền ra ngay.
Vải còn quấn chặt chân tay
Khăn còn phủ kín mặt mày trước sau.
Chúa rằng: “Hãy tháo cởi mau
Vải băng, khăn liệm ngõ hầu anh đi.”
Trông xem phép lạ huyền vi
Người người sửng sốt quyền uy cao vời.
Phen này mục kích hẳn hoi
Phục sinh kẻ chết, chuyện chơi phải nào!
Ngán thay dư luận ồn ào
Khen chê đủ tiếng ra vào vô tư.
Tin đồn đến giới kinh sư
Họ liền bàn cách diệt trừ đối phương.
Quyết tiên hạ thủ vi cường
Khỏi lo hậu họa khôn lường từ nay.
Mưu hèn kế bẩn vạch ngay
Chờ cơ hội tới, ra tay làm liền…
…Bê-ta-ni khắp một miền
Rộn ràng yến ẩm ngày đêm tiệc mừng.
Từ hôm sự việc lạ lùng
La-da, kẻ chết cuối cùng hoàn sanh.
Ngôi làng bỗng chốc nổi danh
Kẻ lui người tới nhiệt thành đông vui
Thơ KHẮC ĐỖ 39
‘Vượt Qua’ đại lễ đến nơi
Nghe đâu Chúa trở lại chơi vài ngày.
Mát-ta bận bịu luôn tay
Cùng hai em thết đãi Thầy tiệc hoa.
Đón mừng nồng hậu thiết tha
Khách quen kéo đến chật nhà chung vui.
Hiếu kỳ lắm kẻ tìm coi
Người làm phép lạ lẫn người hoàn sinh.
Hồi lâu khai tiệc linh đình
Mát-ta bồi yến cảm tình rưng rưng.
Rằng: “Ôi nỗi nhớ niềm thương
Lời phàm sao nói tỏ tường Thầy ơi!
Ơn Thầy bát ngát trùng khơi
Vắng xa mới quý những thời kề bên.
Sự đời như giấc mơ tiên
Vàng son kỷ niệm bình yên hôm nào.
Ơn Thầy bể rộng non cao
Nghĩa tình khắng khít máu đào khác chi!
Có qua những lúc biệt ly
Mới tin yêu phút hồi quy rỡ ràng.
Có qua dâu bể bàng hoàng
Mới mong thấu hiểu thiên đàng tương thân.
Tạ Thầy cải hoán gia ân
Trái sầu tang tóc xoay vần hỷ hoan.
Áo sô cởi bỏ điêu tàn
Khoác lên lễ phục vô vàn thanh cao.
Ơn Thầy ví nặng cù lao
Kể sao cho hết, trả sao cho vừa!”
Lời vàng ý ngọc đón đưa
Ấm lòng thực khách say sưa đồng bàn.
La-da tâm khảm xốn xang
Nghĩ mình, mình lại mênh mang mừng mình!
Kể từ tử nạn tái sinh
Đã mang một món nợ tình tri âm.
Mới nghe đồn đại xa gần
Kinh sư, thượng tế mưu thâm hại Thầy.
Sợ gì vạ gió tai bay
Theo Thầy mất mạng sống này cũng theo!
Rượu trà xôm tụ mừng reo
Ma-ri dáng vẻ diễm kiều bước ra.
Mười phần rạng rỡ nét hoa
Hương xuân trong ngọc trắng ngà hình dung.
Dầu thơm nguyên chất cam tùng
Một cân hảo hạng vui mừng đem ngay.
Quỳ bên chân Chúa tra tay
Xức lên dầu quý đắm say tràn trề.
Hương thơm sực nức bốn bề
Dịu dàng lấy mái tóc thề mà lau.
Rằng: “Ôi tương ái nhiệm mầu
Tóc mai dài vắn dám đâu hững hờ!
Con quỳ đắm đuối niềm mơ
Run run thể xác, sững sờ hồn thiêng.
Tình châu nghĩa báu vô biên
Dám xin một chút dành riêng gọi là
Dầu thơm một lọ đậm đà
Lòng son một tấm mặn mà kém chi!
Lời Thầy, con vẫn ngẫm suy
Trăm muôn dầu tóc sao bì ơn sâu!
Cho con quỳ nép tựa đầu
Tóc mây dù rối, bình dầu có vơi.
Hằng mong quấn quít chẳng rời
Bên chân Thầy, chính nguồn vui kỷ phần!”
Thấy cô hành động lần mần
Giu-đa cay cú xà tâm bất bình:
“Xét cho đạt lý thấu tình
Đúng ra đem bán đứt bình dầu đây!
Ba trăm quan lấy về ngay
Một phen bố thí thẳng tay dân nghèo.
Lời y giả tạo lèo nhèo
Mượn danh bác ái ăn theo dần dần.
Đã quen lấy cắp nhiều lần
Giữ tiền rồi biển thủ phần quỹ chung.
Chúa rằng: “Chớ cản lung tung!
Dầu thơm nàng xức biểu trưng sau này.
Dành cho ngày táng xác Thầy
Đẹp thay nghĩa cử hôm nay nàng làm!
Chung quanh sẵn kẻ bần hàn
Còn Thầy chẳng ở đến ngàn đời đâu!
Việc nàng truyền mãi về sau
Tới khi thiên hạ thắm màu Phúc Âm.
Còn nghe nhắc nhở rần rần
Hương yêu ngào ngạt, đan tâm nồng nàn.
Lưu danh muôn thuở chuyện làng…”
***
NHỜ EM, THIẾU NỮ XI-ON
Nhà Tiệc Ly, ngày … tháng … năm …
(Tâm sự Mác-cô hay người môn đệ bỏ chạy trần truồng trong Vườn Dầu)
Nhờ em, thiếu nữ Xi-on
Đưa tôi rảo bước đường mòn thánh đô.
Về thăm bờ giếng, sông hồ
Băng ngang đồng lúa, ghé vô Đền Thờ.
Lần trong sỏi đá bụi mờ
Dấu Chân Chí Thánh năm xưa vẫn còn.
Nhờ em, thiếu nữ Xi-on
Dắt tôi lai vãng đỉnh non buổi nào.
Để nghe cho thỏa ước ao
Hiến chương Bát Phúc dẫn vào trường sinh
Nhờ em kể lại sự tình
Hôm Thầy lên núi hiển vinh chói lòa.
Hoặc về tiệc cưới Ca-na
Cho xin chút rượu lúc ngà ngà say!
Nhờ em giới thiệu với Thầy
Có người môn đệ chờ ngày Vượt Qua.
Đêm nào hớt hải chạy ra
Vườn Dầu độ ấy lệ nhòa sắt son.
Nhờ em, thiếu nữ Xi-on
Mang theo vò nước hứng nguồn ân thiêng.
Chảy từ thương tích vô biên
Trào dâng phần rỗi triền miên cho đời.
Tôi về lòng bỗng rộn tươi
Còn trông lả lướt rạng ngời dáng thon.
Phải em, thiếu nữ Xi-on
Gót sen thoăn thoắt truyền loan Tin Mừng?
Cho tôi khăn gói đi cùng…
***
Run Như Hơi Thở Chạm Tơ Vàng
Con phủ phục lòng giữa ánh quang
Run như hơi thở chạm tơ vàng (*)
Tâm tư bỡ ngỡ, hồn xao động
Thổn thức, Mẹ ơi, có muộn màng?!
Con dám chi mà ngưỡng vọng cao
Ngửa trông đã thấy lệ tuôn trào
Kìa ơn vũ lộ, ôi chan chứa
Con gửi ngàn thu tiếng ngọt ngào.
Trọn tiếng Xin Vâng, Mẹ dứt lời
Thiên đàng òa vỡ phút reo vui
Không gian dồn nén niềm hoan chúc:
Tỳ nữ khiêm cung của Chúa Trời.
Mẹ là trắc bá núi Xi-on
Tỏa ngát hương thơm tận đỉnh nguồn
Bách thảo Li-băng nào dám sánh
Cung lòng Thánh Mẫu, tự Ngôi Con.
Từng chiều con ngắm Mẹ uy nghi
Miệng lưỡi trần gian biết nói gì:
Vạn mã thiên binh tràn dũng khí
Đôi vầng nhật nguyệt nét phương phi.
Từng chiều con ngắm Mẹ thông công
Thập giá Can-vê trút cạn lòng
Vạn tiễn xuyên tâm nào chẳng phải
Sầu bi lặng chết cõi thinh không
Từng chiều con hát, Mẹ khen hay
Một thuở say sưa trải tháng ngày
Hơi thở còn run, còn phủ phục
Tơ vàng bao sợi đã vương bay…
***