THƠ TRẦN VẠN GIÃ
Bùi Công Thuấn
***
Nhà thơ Trần Vạn Giã (Trần Ngọc Ẩn) sinh năm 1945, tại Vạn Ninh (Vạn Giã), tỉnh Khánh Hòa. Trước 1975, ông viết cho các tạp chí Trình Bày, Đối Diện (Đứng Dậy), Bách Khoa, Phổ Thông, Làm Dân … và một số tờ sinh viên. Ông chủ trương tạp chí Nhân Sinh. Sau năm 1975, ông làm phóng viên báo Khánh Hoà. Trần Vạn Giã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến nay (2021), ông đã in 19 tác phẩm [1]
Đã có nhiều người viết về thơ Trần Vạn Giã, đặc biệt là luận văn Thạc sĩ “THƠ TRẦN VẠN GIÃ TỪ GÓC NHÌN TƯ DUY NGHỆ THUẬT”củaLê Thị Oanh – Đại học Quốc gia Hà Nội –Trường Đại học KHXH-NV năm 2017. Tác giả phân tích khá kỹ nội dung, đặc điểm “tư duy nghệ thuật” và những biểu tượng của thơ Trần Vạn Giã trước và sau 1975. Lê Thị Oanh kết luận: “Tư duy thơ Trần Vạn Giã trước và sau 1975 có sự khác biệt…Trần Vạn Giã xây dựng một hệ thống biểu tượng phong phú và đa dạng. Đồng thời, tư duy thơ cũng vận động theo hướng dân tộc hóa… Ngôn ngữ thơ mộc mạc, chân tình dễ đi vào lòng người… Cũng có lúc ngôn ngữ thơ lại giàu tính chiêm nghiệm – triết lý khiến cho thơ trở nên sâu sắc và giá trị hơn…Thơ Trần Vạn Giã đề cao cái tôi cá nhân gắn bó với hiện thực đời sống… Thành công quan trọng nhất trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ đó là tinh thần giác ngộ và hòa mình vào dòng chảy thơ ca Việt Nam hiện đại”.
Tôi sẽ không nhắc lại những gì người khác đã nói đến mà chỉ ghi nhận những gì mình đọc được ở thơ Trần Vạn Giã.
Tôi đã đọc 258 bài thơ của Trần Vạn Giã. Ở thivien.net có 4 bài. Trên vanchuongviet.org có 6 bài, còn lại là thơ tác giả công bố trên trang Facebook cá nhân. Tuy rằng chưa đầy đủ, song trong một giọt nước chứa cả một đại dương, với 258 bài tôi đã đọc, bước đầu có thể ghi nhận được đôi điều.
HỒN THƠ TRẦN VẠN GIÃ
258 bài thơ tôi đọc, có 135 bài là tiếng nói của Cái Tôi trữ tình (vànghĩ suy của Tôi về tôn giáo), 56 bài thể hiện tình quê hương, 40 bài thơ tình yêu lứa đôi, 16 bài đề tài thế sự, còn lại là những đề tài khác.
Như vậy hồn thơ Trần Vạn Giã đậm đặc ở sự thể hiện tâm trạng riêng, tình yêu quê hương và gia đình, tình yêu lứa đôi. Thấp thoáng có quan tâm đến vấn đề thế sự. Thơ Trần Vạn Giã không luận bàn đến những vấn đề lớn của hiện thực, như chiến tranh vệ quốc (chiến tranh biên giới, Hoàng Sa, Trường Sa), những thay đổi của xã hội trong thời đại toàn cầu hóa, hay những vấn đề tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống thời đại (chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thế tục, tình trạng bị xâm lăng văn hóa, những bất công xã hội, những tiêu cực trong mọi mặt đời sống…). Đề tài thơ Trần Vạn Giã là những sinh hoạt đời thường:
Bình tâm không có gì nghiêm trọng phải không thơ; Ghi ở quán cóc; Về quê; Về quê ăn tết; Về quê nằm võng; Nói chuyện với bạn ở quê; Trưa ngồi nhìn bẹ cau rụng làm thơ; Ngồi bên sông Chò làm thơ; Hớt tóc chiều 30 tết; Khói chiều; Bên mâm cơm chiều; Hoàng hôn; Mặt trời đã lặn; Đêm ở làng nghe hô Bài Chòi; Uống trà khuya nhớ con; Với ngọn cỏ khô; Với cỏ bên đường; Cuối tháng giêng; Hình như trời đang chuyển mưa; Mưa rào chiều nay; Mưa đầu hạ, Hỏi mưa; Mùi cát; Mùi rơm; Mùi tóc; Cái khay trầu của mẹ; Thưa mẹ con đi; Thưa mẹ con về; Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về; Đi Sài gòn khám bệnh, Hành hương phương nam khám bệnh tái khám tim; Khám đau nửa đầu; Bác sĩ cho toa thuốc chữ đọc không được bực mình làm thơ; Tạm biệt Sài gòn hẹn ngày tái khám; Điện thoại hẹn thằng bạn ở bến xe miến đông; Tháng chạp đón bạn Việt kiều về ở lại quê nhà và tiễn người thân đi định cư ở nước ngoài; Thơ tặng vợ khổ thời ở vùng kinh tế mới; Gặp lại bạn thơ trước 1975 ở Sài gòn; Thà làm một cốc bia hơi; Tôi khóc; Tôi buồn; Tôi say; Tôi còn; Tôi mất…
Tên những bài thơ gợi ra hình ảnh một nhà thơ xưa về quê sống ẩn dật, lánh xa thế sự, như Nguyến Khuyến ở Vườn Bùi chốn cũ: “Vườn Bùi chốn cũ!/ Bốn mươi năm, lụ khụ lại về đây./Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây,/ Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế!”. Trần Vạn Giã đã sống những ngày biến động lớn lao của lịch sử năm 1975, đã sống những ngày lo lắng vả gian khổ thiếu thốn ở vùng kinh tế mới Đất Sét, đã lưu lạc tha phương 10 năm (Mười năm) và trở về quê.
Năm bảy mươi lăm con đi biền biệt
Mẹ về trời. Con phiêu bạt nhiều nơi
Sông cứ chảy vào nỗi buồn cố xứ
Con về đau đứt ruột tiếng: à ơi…
(Con về mẹ đã đi xa)
Đó là những năm cùng cực
Cơn sốt rét rừng bám vàng da những đứa con
Thời gian bào mòn cuốc, rựa
Mòn cây chày thọc lổ trỉa bắp trên rẩy cao
(Năm chiếc bánh và hai con cá)
MỘT TÌNH QUÊ THANH KHIẾT
Tình yêu quê hương trong thơ Trần Vạn Giã hiển hiện sâu nặng trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh sống của nhà thơ. Bởi vì:
Tôi là đất của quê nhà
Là than nướng những trái cà dái dê…
(Nhà quê tôi là nhà quê)
Lớn từ gốc rạ nhà quê
Nhớ làng nên phải trở về cố hương
Cánh cò bay trắng bờ mương
Tay cầm cọng lúa mà thương hương đồng…
(Mưa rào chiều nay)
Quê hương hiện lên cụ thể, gắn với hình ảnh người mẹ nghèo, với những địa danh, những kỷ niệm. Hình ảnh quê hương đẹp với những nét truyền thống “Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê”. Dù có bão lụt, có một thời đạn bom, nhưng đó là quê hương thanh bình, thấm đẫm tình người, nơi ấp ủ hồn thơ nồng ấm. Quê hương ấy cũng rất riêng trong thơ Trần Vạn Giã (nhà thơ chỉ chọn những nét tiêu biểu, thí dụ hình ảnh người mẹ, rơm rạ, hàng cau, nắm đất, tiếng dế..), quê hương của riêng nhà thơ (gắn với kỷ niệm tuổi thơ, gắn với tình yêu, với những ngày gian khó…). Không có bóng dáng những hội hè đình đám, không có những sinh hoạt ngày mùa, ngày tết, không có những thảm cảnh xã hội. Quê hương ấy là của “ngày xưa”, không ồn ã đời sống công nghiệp, cũng không có những vết tích lở loét của thời kinh tế thị trường.
Ở xa nhớ bóng cau gầy
Nhớ nồi bánh tét nhớ cây tre làng
Nhớ ai đứng bến đò ngang
Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê
Ở xa náo nức ngày về
(Miếng cơm manh áo nhiêu khê đã đời)
(Ngày 23 ông Táo về trời bếp gas ở lại chịu lời đắng cay)
Tết này con sẽ trở về
Con không quên mẹ và quê hương mình
Dù nghèo nhưng ấm nghĩa tình
Cây cau, bến nước, sân đình…mẹ ơi
Xa quê gần hết một đời
Làm sao quên được một thời tuổi thơ
(Về quê ăn tết)
Về quê nằm võng đong đưa
Thương ơi bóng mát cây dừa cố hương
Mỏi chân phiêu bạt phố phường
Người, xe, bụi, khói… càng thương quê nhà
Luống rau, giàn mướp, hàng cà…
Làm sao quên được tiếng gà gáy khuya
Đứng nhìn lên núi Đá Bia
Tu Bông gió hú không lìa tình nhau
(Về quê nằm võng)
Đêm nay bão đến quê nhà
Luống rau có lụt luống cà có trôi
Hạt mưa rơi ướt chỗ ngồi
Rơi trên ngôi mộ mẹ tôi ngoài đồng…
(Thơ viết trong mưa chờ bão số 6)
Quê hương cũng là hạnh phúc
Ở đây tìm lại thời chân đất
Thấy ngôi sao sáng những đêm rằm
Thấy mẹ ngồi khâu vai áo cũ
Thấy đời dài dẳng tiếng thơ ngâm
Khúc gọi đò xưa anh hát lại
Ngàn năm hồn đất chẳng tàn phai
Anh cứ tắm mình trên sông cũ
Ôm tình xứ sở những ngày mai
(Ở quê nhà)
Xin đọc: Cố hương, Tuổi thơ tôi đã cháy trong cát, Cau ơi, Nhớ ơi rơm rạ, Khói rạ, Nhớ ơi nồi đất bắp rang, Miền Trung, Vào mùa, Như là cổ tích, Ở đây, Thời yêu dại cô nàng bán sách ven đường, Thưa mẹ con đi, Hành trang có nắm đất làng, Ra đứng ngõ sau, Rằng ta sẽ trở về nhà, tết này con sẽ về, Thưa mẹ con về, Con về mẹ đã đi xa, Đoản khúc viết ở quê nhà, Thơ tặng chị, Thơ tặng chị hai Nghệ An, Tiếng đàn tranh chiều 30 tết, Ơi Nha Trang, Tình ca về biển, Trà My, Quảng Ngãi, Cổ tích cát của mẹ, Với cỏ bên đường, Bên mâm cơm chiều, Cái khay trầu của mẹ, Chiều trở về vùng kinh tế mới, Gởi về làng biển và mẹ, Mưa rào chiều nay, Bóng chữ, …
MỘT TÌNH YÊU CHÁY MÃI KHÔN NGUÔI
Đó là một chuyện tình buồn, người yêu bỏ đi lấy chồng, để lại nỗi nhớ thương ngậm ngùi theo mãi với thời gian. Thơ tình Trần Vạn Giã không có những hẹn hò, không có những kỷ niệm, không có những dỗi hờn, không thành câu chuyện tình. Thơ tình Trần Vạn Giã không có cái lãng mạn của Xuân Diệu, Nguyễn Bính thời Thơ Mới, không có những vòng hào quang đỏ của thơ tình chiến tranh (Núi đôi của Vũ Cao, hay Cuộc Chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn…). Thơ tình Trần Vạn Giã là tiếng lòng bộc trực của nhà thơ, là những cảm xúc trực tiếp trong những tình huống đời thường (Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về; Ngồi bến đò Vạn Giã chợt nhớ người con gái ở quê tên Điệp Sơn; Chồm hỗm…). Nhưng đó là một nỗi trăn trở, ngậm ngùi khôn nguôi và hình như có những nỗi niềm không tỏ lộ. Ngôn ngữ thơ đôi khi không kìm nén được cảm xúc.
Xin đọc: Bỗng dưng, Ca dao tình số 4, Ca dao tình số 9, Chuyện đời, Tình khúc Kontum, Lá tương tư, Lửa tắt, Lục bát viết ở Vũng Tàu, Mùi tóc, Mười năm, Người đi chân cứng đá mòn, Tình khúc mùa thu, Gởi Nhi, Tìm nhau, Bây giờ, Điều không bao giờ biết trước, Chồm hỗm, Chiều uống cà phê với người tình cũ ở Mỹ về, Vô tư, Nhớ và quên, Thơ tiễn người tình cũ ra sân ga theo chồng đi Pháp…
Bây giờ em của người ta
Bọt bèo đành phải tan ra bọt bèo
Đời anh rơm rạ quê nghèo
Câu thơ lục bát trong veo nhớ tình
(Nhớ ơi rơm rạ)
Bẹ cau rụng xuống nao lòng
Buồn như em đã có chồng bỏ tôi
(Trưa ngồi nhìn bẹ cau rụng làm thơ)
Yêu là để khổ cho nhau
Thổi lên khúc cuối muôn sau đắng lòng
(Tiếng sáo)
Bỏ tôi em thành đàn bà
Còn tôi thành hạt mưa sa một mình
(Đốt thơ tình trên bờ biển Nha Trang)
Đời anh như đứt dây đờn
Thương con sóng biển cô đơn vào bờ
Cuốn trôi đi những bài thơ
Bến đò thành một bến chờ đời tôi.
(Ngồi bến đò Vạn Giã chợt nhớ người con gái ở quê tên Điệp Sơn)
Gió khuya lành lạnh sân ga
Em đi bỏ lại quê nhà là đây
Đắng lòng nhìn những bóng mây
Hình như Ngã Sáu vòng vây chuyện tình
(Ơi Nha Trang)
Cuối cùng rồi cũng nhạt phai
Tóc mai sợi ngắn sợi dài còn đâu…
(Cuối cùng)
Trái hẳn với những bài nhà thơ viết cho vợ, đó là những bài thơ nặng nghĩa ân tình. Hình như trong tâm hồn nhà thơ, lý trí và tình cảm có sự phân biệt rạch ròi.
Nhớ ơi là nhớ gió rừng
Nhớ em gùi bắp qua bưng biền này
Cùm cum vọng lại tiếng chày
Thương em gian khó những ngày lên non
Thời gian nước chảy đá mòn
Cọng rau, đọt sắn… nuôi con và chồng
Trăng rừng dọi xuống đầu sông
Mười hai bến nước đục trong phận mình
Trời cho còn lại chút tình
Đọng trong quá khứ giật mình câu thơ
(Thơ tặng vợ khổ thời ở vùng kinh tế mới)
NỖI TRĂN TRỞ PHẬN NGƯỜI
Đã có lúc nhà thơ phải tự trấn an mình:
Cũng là cát bụi mà thôi
Chuyện đời xuống chó lên voi lẽ thường
Có gì mà phải giận, thương
Tôi ơi bắt bóng vô thường mà chi
(Bình tâm không có gì nghiêm trọng phải không thơ)
Nói là “bình tâm”, nhưng Trần Vạn Giã đã viết những tự tình buồn: Tôi buồn, Tôi khóc, Tôi say, Tôi còn, Tôi mất nhận thức về thân phận mình, về lẽ tử sinh, về những lúc “lên voi xuống chó”, về thành bại dở dang và day dứt mãi trong lẽ “vô thường” (Trần Vạn Giã nhiều lần dùng từ này trong thơ), trong cõi phù vân, trong đời dâu bể và trong cả mặc cảm “bên thua cuộc”.
Tôi buồn trong chút ảo huyền
Đem thơ đi bán khắp miền dân gian
Đời thơ tôi đã dở dang
Ế thơ nên vợ ngày càng ớn thơ
(Tôi buồn)
Loanh quanh trong cuộc tử sinh
Kiếp người chao động bóng hình cưu mang
(Bên mâm cơm chiều)
Bên vịnh Vân Phong
Và tôi sống không như con tôm lưng còng và cứt ở trên đầu
Để chịu đòn áp bức
Sĩ khí của một nhà thơ cũng có lúc bất cần đời
Như con cua đi hàng ngang thế thủ
Tôi cháy và cháy đến độ chai lỳ từ thời tuổi thơ trên cát
(Tuổi thơ tôi đã cháy trong cát)
Thấy gì trên ngọn cỏ non
Bao nhiêu cái mất cái còn trong ta
Mong manh treo ngọn tre già
Chiến tranh kết thúc mẹ cha không còn
Bóng già ngã phía cháu con
Thời gian sống chết biết còn bao lâu
Như trang sách cũ phai màu
Mờ mờ nhân ảnh cuối cầu thời gian
Đêm nay thèm hạt bắp rang
Răng bên thua cuộc đầu hàng mà thương.
(Cũng có lúc như thế)
Trần Vạn Giã đã sống giữa hai thế kỷ, sống giữa bờ vực chiến tranh và hòa bình, đã trải qua phận người ở vùng kinh tế mới và không ít hệ lụy những ngày đất nước chưa “đổi mới”. Cái mặc cảm “Răng bên thua cuộc đầu hàng mà thương”, không phải chỉ mình nhà thơ phải chịu đựng mà cả người dân miền Nam sau 1975, đặc biệt nó trở thành nỗi thống khổ đối với giới trí thức, với nghệ sĩ trước 1975 ở Miền Nam. Bởi vì “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ”. Tay cầm bút đổi thành tay cầm cuốc. Bế tắc đến cùng cực, không biết rồi sẽ về đâu.
Một đời nhặt bóng nhiêu khê
Tôi đi không biết tôi về hay đi.
(Không biết)
Cơn mưa rơi trên dòng sông cuồng chảy
Ta về đâu?
…
Như trôi đời ta ngụp lặn giữa hư vô
(Đời ai đâu biết trước)
Sông cô lúc như đời tôi có khúc
Đi loanh quanh rồi cạn kiệt lối về
(Lá trầm tư)
Núi sông đã bạc lời thề
Ba nằm ngoảnh cẳng biết về nơi đâu
(Tình ca cuốc đất)
“Sông ơi
Tôi thả thơ buồn biết sông chảy về đâu?”
(Sông ơi)
Không phải vô tình Trần Vạn Giã viết Bài tụng ca Khuất Nguyên.
Và đây là tiếng kêu thương trong cô đơn:
Ngồi nghe dề đất kêu sương
Nghe từ tiếng dế mà thương chính mình
Rừng khuya cây đứng lặng thinh
Cô đơn tiếng dế gọi tình trong sương
Dế ơi cỏ ngủ ven đường
Còn tôi gảy khúc đoạn trường đêm nay
Cuối đời tay trắng bàn tay
Cuối cùng là nắm tro bay ven đường
Tôi là con của biền bưng
Kêu sương dế đất xin đừng quên tôi
(Về rừng nghe tiếng dế đất kêu sương)
Nhà thơ tìm về lẽ an nhiên Lão Trang. Thực ra Trần Vạn Giã dung nạp cả Thiền và “Vô vi” của Lão-Trang để tự cứu rỗi tâm hồn mình, để không phải “như con tôm lưng còng”, “như con cua đi hàng ngang thế thủ”. Phật dạy rằng, cái khổ (Khổ đế) là tồn tại của “Thân, Nghiệp” (Tứ Diệu Đế) “Đã mang lấy nghiệp vào thân” (Nguyễn Du). Trần Vạn Giã không bận tâm nữa, cứ “bình tâm” mà bước đi. Cứ sống hồn nhiên như ớt, tương, cà. Từ nay “Tịnh khầu”. Vì thế, ta hiểu tại sao thơ Trần Vạn Giã rất ít nói đến thế sự.
Bóng tôi
Chạm lá bồ đề rơi
Chạm cơn đau Tứ Diệu Đế…
Giã từ khoảng lặng mình dắt nhau đi tìm dâu bể
(Khoảng lặng)
Thì ra trong cõi người ta
Ví như ngọn khói bay qua cuộc đời
(Khói chiều)
Bình tâm đếm bước ra đi
Bụi trần gian phủi sá gì đâu ta
Hồn nhiên như ớt, tương, cà
Nối vòng tay hát tình ca con người.
(Mặt trời đã lặn)
Nghiêng vai chạm bóng trăng già
Vỡ tan đại mộng nên ta không lời.
(Tịnh khầu)
Nhà thơ vịn câu thơ mà đứng lên (ý của nhà thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”)
Người về gần hết cuộc đời
Câu thơ đứng dậy từ lời mẹ ru
(Người về)
Thực ra Trần Vạn Giã không sống thụ động theo triết lý Lão Trang và cam chịu “thân nghiệp” của một sinh mệnh trong cõi bể dâu này. Đức tin KiTô giáo cho nhà thơ sức mạnh vượt qua cuộc khổ nạn để Phục Sinh:
Đó là những năm cùng cực
Cơn sốt rét rừng bám vàng da những đứa con
Thời gian bào mòn cuốc,rựa
Mòn cây chày thọc lổ trỉa bắp trên rẩy cao
Mồ hôi muối dày áo
Cong lưng người đội nắng và mưa
Cái đói thường trực nằm trong tro tàn bếp lạnh
Chỉ có củ mì nấu với lá giang
Mây trời trên vùng kinh tế mới bay lang thang
Tôi cấy câu thơ xuống đất vùng kinh tế mới
Tôi tin nơi bến đợi sông chờ
Nơi tôi sống ngày mai mặt trời vẫn đến
Tin năm con cá và hai chiếc bánh
Sáng lên trong lời kinh Thánh
Ấm lên bên bếp lửa hoàng hôn
Tôi bắt chước Chúa thổi vào xương sườn vợ tôi
Và nói :
“Đất mới
Trời mới
Em hãy cùng anh tin còn mùa gặt mới.”
(Năm chiếc bánh và hai con cá)
Kinh thánh Tân Ước thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ dùng hai con cá và năm chiếc bánh nuôi đoàn người theo Chúa. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con”(Mt 14,13-21). Tất nhiên là nhà thơ Trần Vạn Giã hiểu rằng không phải lúc ông cùng cự khó khăn và bế tắc thì Chúa sẽ làm phép lạ cho ông như đã làm cho 5000 người theo Chúa khi xưa, mà tự khẳng định “Em hãy cùng anh tin còn mùa gặt mới.”. Bởi Đức Giêsu khi chữa lành người mù đã nói rằng: “Đức tin của anh đã chữa anh”(Mc 10, 52). Vâng, Đức tin của nhà thơ đã giúp ông đứng vững giữa đời bể dâu đạt tới bến bình yên. Thực ra ông cũng trải qua nhiều suy tư trăn trở về Đức tin (Con đã từng bỏ Chúa, Câu hỏi về đức ái, Đọc thánh Stêphanô suy gẫm sự đời, Con đấm ngực ba lần), đã tự hối, và “Vượt qua”.
Hồn nhiên như ớt, tương, cà
Nối vòng tay hát tình ca con người.
(Mặt trời đã lặn)
Tuy “Tịnh khẩu”, song cũng có lúc ông công bố một vài bài thơ thế sự: thơ phản chiến (Bài đồng dao dâng mẹ, Phát rẫy gặp mộ ai đây, Chuyện vùng bất an, Cũng Chuyện vùng bất an, Đếm xác hồi hương, Đợi ngày giải lao từ Lâm Đổng về Khánh Hòa…), Thơ về đại dịch Covid (Đành lòng về quê, Thơ tặng ông bạn lám thơ có con đi đẻ trong mùa ôn dịch Covid 19), thơ về 39 cô gái chết trong container đông lạnh ở Anh (Thương em lạnh xác xứ người). Cũng có thơ về Hoàng Sa, Trường Sa (Mùi rơm), “Thơ gởi thằng bạn đang ở tù”; “Người đàn bá phá thai trên đường đến nhà thờ xưng tội”.
NGHỆ THUẬT THƠ TRUYỀN THỐNG
Về ngồi dưới bóng dừa cao
Ngồi nghe hồn của ca dao êm đềm
Ai ơi máu chảy về tim
Thơ tôi dân dã đi tìm nguồn xưa.
(Với cỏ bên đường)
Thơ dân dã là ca dao truyền thống của dân tộc. Thơ Trần Vạn Giã nằm trong nguồn mạch thơ truyền thống nhưng hiện đại. Thơ của ông hầu hết là thơ Lục bát. Lục bát của ông lấp lánh nét tài hoa. Đề tài, nội dung rất quen thuộc như trong thơ dân tộc (tình quê, tình gia đình, bạn bè, những sự việc xảy ra hàng ngày ở chung quanh) cả tư tưởng Thiền kết hợp với Lão Trang cũng là cốt lõi thơ của các nhà Nho xưa. Ông vận dụng rất tự nhiên thi pháp của ca dao: chất liệu làng quê, ngôn ngữ của người nhà quê, cách diễn đạt tình ý mộc mạc chân thành. Hồn thơ là cái tình quê sâu nặng trong mọi cảm xúc, suy nghĩ. Giản dị nhưng tinh tế, sâu sắc.
Ở xa nhớ bóng cau gầy
Nhớ nồi bánh tét nhớ cây tre làng
Nhớ ai đứng bến đò ngang
Nét quê ngày cũ dịu dàng nét quê
Ở xa náo nức ngày về
(Miếng cơm manh áo nhiêu khê đả đời)
(Ngày 23 ông Táo về trời/ Bếp gas ở lại chịu lời gì đây?)
Qua thời áo rách nón quê
Bạn quê tôi vẫn giữ lề thói quê
Qua sông phải nhớ bến về
Tình người là vậy chớ chê quê mùa
Có làng rồi mới có vua
Bạn quê nửa thật nửa đùa cười vang
(Nói chuyện với bạn ở quê)
Thơ Trần Vạn Giã hiện đại ở những bài thơ tự do, kiểu thơ tự sự có bóng dáng ngôn ngữ Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI. Tôi chỉ gặp một bài viết theo tư duy thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa (Củ mì tôi hát).
Sau 1975 thơ Việt Nam có hai dòng chính: Thơ Cách tân và thơ truyền thống. Trần Vạn Giã nhập vào dòng thơ truyền thống đương đại. Thơ ông viết về sinh hoạt đời thường, về tình quê, về dân quê, cảnh sắc đồng quê. Những bài thơ tình cũng đậm màu sắc quê hương.
Thơ cách tân, đặc biệt thơ trẻ đầu thế kỷ XXI sử dụng bút pháp của chủ nghĩa Siêu thực, hay các thủ pháp của chủ nghĩa Hậu Hiện đại (phá vỡ 4 yếu tố của thi pháp thơ truyền thống là cấu trúc, không gian, thời gian, nhân vật; đưa vào những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng). Trần Vạn Giã không đi theo hướng cách tân này. Ông sử dụng thơ tự do, kể lể liệt kê sự việc và dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ. Tuy nhiên ông có ít bài gây được ấn tượng. Xin đọc: Gió không thổi bên bờ sông chiều, Nhã ca I, Sự cóng lạnh của lửa, Cuối tháng Giêng, và tập thơ Chuông nhà thờ mùa vọng (tập thơ này chỉ có những nghĩ suy thuần lý, gần như vô cảm, thiếu hẳn trải nghiệm tâm linh, thành ra rất ít chất thơ)…
Trong thơ cách tân theo chủ nghĩa Hậu Hiện đại, có cả những người làm “thơ không thơ”. Họ quan niệm rằng, nghệ thuật không phải là sự sáng tạo cái đẹp. Họ cho rằng ngôn ngữ không có từ thanh, từ tục, từ sang từ hèn. Người “làm thơ” là để lật đổ những “đại tự sự”, những truyền thống nghệ thuật đi trước. Nói cho đúng, đó là khuynh hướng suy đồi ẩn chứa dụng ý chính trị. Bài thơ “Dạ thưa đàn bà” [FB 23/02/2020] của Trần Vạn Giã được viết trong cảm thức này. Tính chất phi nghệ thuật và vô văn hóa của nó có thể lật đổ mọi giá trị thơ của ông từ trước tới giờ.
THAY LỜI KẾT
Trần Vạn Giã có nhiều trăn trở về thơ: Trên FB ngày 21/3/2021 ông viết: “Đang tiếp tục viết : Lúa chín đầy đồng. (thơ). Đây là tập thơ thứ 19 nhưng in nhiều thơ đâu phải là thơ hay, bạn đọc chưa chắc gì nhớ một câu. Nhà thơ Quang Dũng chỉ có một tập thơ Mây Đầu Ô mà vang tiếng trên thi đàn. Sáng tác là để trả lại những đam mê, khao khát khi mà thơ cứ cựa quậy trong trái tim mình”.
Thực ra, mỗi nhà thơ, dù ít hay nhiều, đều góp phần làm giàu vốn thi ca dân tộc, đều vẽ nên những đường nét của một khuôn mặt văn hóa thời đại, đều là đại diện tinh thần cho cái đẹp của dân tộc này.
Có lúc ông nhận xét về thơ của mình:
Thơ tôi chẳng có ra gì
Ví như một khúc bánh mì bị thiu
(Không biết)
Đời thơ tôi đã dở dang
Ế thơ nên vợ ngày càng ớn thơ
Tôi buồn Trời cũng làm ngơ
Ôm thơ ngồi dưới trăng mờ buồn ơi
(Tôi buồn)
Người ta đi hái hoa vàng
Còn anh xin nắm đất làng chôn thơ
(Chôn thơ)
Trần Vạn Giã có nhiều bài thơ hay ở thi pháp thơ truyền thống giàu tình tự dân tộc. Rất tiếc thơ ông chưa định hình một phong cách nghệ thuật độc đáo như lục bát của Nguyễn Bính, nhưng ông vẫn có cốt cách riêng. Và ông vẫn “sống chết với thơ” (FB ngày 01/3/2021). Thật đáng quý một tấm lòng với thi ca dân tộc.
Tháng 10 năm 2021
_______________________
[1]Tác phẩm thơ đã in (tính đến năm 2021):
1. Miên ca hòa bình (Tập thơ). Nxb Nhân Sinh (1971).
2.Tình yêu đẹp như bài thơ (Tập thơ). Nxb HNV (1996).
3. Gió đưa khói bếp lên trời (Tập thơ). Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa (2004).
4. Trầm tư với lá (Tập thơ). Nxb HNV(2006).
5. Lục bát Trần Vạn Giã (Tập thơ). Nxb Trẻ (2007).
6. Lục bát nhà quê (Tập thơ). Nxb Văn Nghệ (2008).
7. Đi trong rừng biểu ngữ (Tập thơ). Nxb Văn Nghệ (2009).
8. Mạch nguồn thơ vẫn chảy trong lòng xứ sở (Tập thơ). Nxb HNV (2013).
9. Gió cuối ngày tháng chạp (Tập thơ). Nxb HNV(2015).
10. Hồn chữ (Tập thơ). Nxb Hội nhà văn (2016).
11. Dòng sông không chịu nỗi buồn (Tập thơ). Nxb HNV (2017).
12. Chuông nhà thờ mùa vọng (Tập thơ). Nxb HNV.
13. Tình yêu đẹp như bài thơ (Tập thơ). Nxb HNV.
14. Những bài thơ thời chưa tóc bạc (Tập thơ). Nxb HNV (2020).
15. Hàn Mạc Tử và bóng đêm ở Quy Hòa (Trường ca). Nxb HNV (2020).
16. Sự tái tạo của Đất nâu sau thời ôn dịch (Tập thơ). Nxb HNV (2020).
17. Thơ trên chặng đường thập giá (Tập thơ).
18. Lời cầu nguyện viết bên bờ sông Chò (Tập thơ). Nxb HNV (2021).
19. Bài thơ thời đại dịch (trường ca) Nxb HNV (2021).