“THƠ TRẺ” ĐẦU THẾ KỶ XXI

“THƠ TRẺ” ĐẦU THẾ KỶ XXI LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG GHI ĐƯỢC DẤU ẤN TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN THƠ CA VIỆT NAM. NÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN “THƠ TRUYỀN THỐNG” VÀ LÀ THÁCH THỨC NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ ĐI SAU

***

“THƠ TRẺ” ĐẦU THẾ KỶ XXI
Bùi Công Thuấn

Trẻ Thơ màu new 6

Khoảng thời gian từ 1995 đến 2010 (đỉnh cao là 2005-2006) có môt phong trào người trẻ làm thơ từ Nam ra Bắc. Phong trào này không thuần nhất về nội dung, bút pháp và tư duy nghệ thuật nên không thể định vị một trào lưu nghệ thuật như “Thơ Mới” trước 1945. Tôi tạm  gọi là “Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI” (xin gọi tắt là “Thơ Trẻ”). Thơ Trẻ là một hiện tượng góp phần vảo những nỗ lực cách tân thơ Việt Nam từ sau 1975.

LỰC LƯỢNG “THƠ TRẺ”

            Nếu lấy năm 2005 làm mốc (là 30 tuổi) để xác định “người làm Thơ Trẻ ”, thì thế hệ “Thơ Trẻ ” là thế hệ 7X, 8X. Trong 2 tuyển tập: 26 nhà thơ Việt Nam đương đại (Nxb Tân Thư, California, 2002) và tuyển tập “Có jì dùng jì có nấy dùng nấy” tập hợp 47 người làm thơ (Nxb Giấy Vụn, 2007) tuy có nhiều khuôn mặt trẻ (bên cạnh nhiều người lớn tuổi) song không bao quát đủ phong trào Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI.

Thực ra, chỉ một vài trong số những người làm “Thơ Trẻ ” thực sự có cá tính độc đáo, còn lại là những người “ăn theo” phong trào, họ bắt chước những người tiên phong.  Xin ghi nhận vài khuôn mặt có tên trên diễn đàn thơ lúc ấy (có tên cũng chưa hẳn là một cá tính sáng tạo đủ gây dấu ấn): Vương Văn Quang (1970), Như Huy (1971), Tam Lệ (1971), Nguyễn Hữu Hồng minh (1972), Văn Cầm Hải (1972), Phan Bá Thọ (1972), Huỳnh Lê Nhật Tấn (1973), Vương Huy (1974), Nguyễn Vĩnh Tiến (1974), Ly Hoàng Ly (1975), Khúc Duy (1976), Lý Đợi (1978), Nguyễn Thúy Hằng (1978), Bùi Chát (1979), Nguyễn Vĩnh Nguyên (1979), Vy Thùy Linh (1980) Lynh Bacardi (1981), Nguyệt Phạm (1982), Thanh Xuân, Khương Hà Bùi (1985), Nguyễn Quán, Vũ Thành Sơn,  Trương Quế Chi (1987)…

Một lưu ý đặc biệt là, Thơ Trẻ xuất hiện đồng thời, kế thừa và giao lưu qua lại với thế hệ trước đó, thế hệ 5X, 6X. Những nhà thơ thuộc thế hệ này đã có nhiều nỗ lực cách tân thơ Việt sau 1975. Họ có phong cách riêng, có quan niệm nghệ thuật riêng và đã có những thành tựu.  Do sự xuất hiện đồng loạt của nhiều thế hệ cùng một lúc nên thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XXI hết sức khởi sắc.

Các nhà thơ hải ngoại cùng thời gây được ảnh hưởng với “Thơ Trẻ ” trong nước là:

Khế Iêm (1946, Mỹ), Nguyễn Đức Tùng (Canada), Đỗ Quyên (1955, Canada), Đỗ Kh. (1955, Pháp), Thường Quán (1956, Úc), Trần Tiến Dũng (1958), Lê Thị Thấm Vân (1961, Mỹ), Đinh Linh (1964, Mỹ)… đó là chưa kể ảnh hưởng của những nhà thơ lớn tuổi hơn như: Lê Văn Tài, Nguyễn Tôn Hiệt, Nguyễn Đăng Thường, nhà lý luận Nguyễn Hưng Quốc…

Trong nước, các nhà thơ có ảnh hưởng với “Thơ Trẻ ” là Thanh Thảo (1946), Vũ Trọng Quang (làm thơ trước 1975), Mai Văn Phấn (1955), Trần Quang Quý (1955),  Nguyễn Quang Thiều (1957)…

Có sự khác biệt rất rõ về tư tưởng, nghệ thuật và cách thể hiện giữa những người làm “thơ vỉa hè” Sài Gòn  và người làm thơ trẻ Hà Nội. Phan Bá Thọ làm “thơ rác” vì anh cho rằng Sài Gòn là một “đống rác vô tận”. Vi Thùy Linh thì “cổ điển” hơn: “nghệ sĩ là người sáng tạo cái đẹp. Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống nhưng không phải là bê nguyên cuộc sống. Bây giờ có xu hướng thô ráp, bê nguyên cuộc sống, thậm chí là những câu chửi bậy…Nghệ thuật là phải sáng tạo và đưa ra được cái mới. Bản chất cuối cùng là cái đẹp.”

Tôi không đề cập đến “thơ vỉa hè” Sài Gòn, vì đó là “rác” chữ. Những ngưởi làm thơ “rác, thơ dơ, thơ nghĩa địa” nói rõ họ “không làm thơ”. Lý Đợi khẳng định: “Thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí.”(Talawas ngày 16.4.2004).

Trái lại, những người trẻ làm thơ Hà Nội, được học tập bài bản về nghệ thuật, Họ có những nỗ lực vượt qua thơ chống Mỹ để đem đến cho thơ ca Việt Nam “Cái Mới”. Ly Hoàng Ly chẳng hạn, cô là con của nhà thơ Hoàng Hưng, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật tại TP. HCM, nhận bằng Thạc sỹ tại Học viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ. Ly Hoàng Ly có nhiều cuộc triển lãm gây ấn tượng ở Đức (2004, 2009), Hàn Quốc (2007), Chicago (2012, 2014); Vi Thùy Linh tốt nghiệp cử nhân Đại học Báo chí năm 2001, nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên “Tình tự Hà Nội“. Nguyễn Vĩnh Tiến là Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Anh  Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1996.

HỒN CỐT CỦA “THƠ TRẺ”

Hồn cốt của “Thơ Trẻ ” là “Cái Tôi ” của người làm thơ.

Thơ Trẻ ” là tiếng nói của “Tôi”. Tôi nhìn vào tôi, có khi tôi thấy tôi là con thú trần truồng; Tôi là con vật giống đực bản năng. Có khi Tôi nhận ra mình bị vây kín trong bóng tối. Có khi giữa đường giữa chợ, Tôi lảm nhảm như người tâm thần. Khi Tôi hướng ra bên ngoài, Tôi có thể nhận ra quê hương, đồng loại khốn khổ mà lên tiếng nói yêu thương; nhận ra nó đang sống trong thời đại văn hóa rách nát, vô cảm mà bảy tỏ sự bi phẫn. Nó cũng có thể chỉ nhìn người anh em là địa ngục (“tha nhân ấy là địa ngục”- J.P.Sartre). Có Cái Tôi vô luân đến tận cùng vô luân, có Cái Tôi vì sự bức xúc của hoàn cảnh cá nhân mà lên tiếng “gây sự”, “gây hấn”, “phản kháng”. Có Cái Tôi bệ rạc chợ búa, có Cái Tôi lịch lãm đẳng cấp…

Tất cả những biểu hiện ấy của người làm thơ trẻ chỉ là để giành lấy một chỗ đứng cho mình trong văn chương. Nhiều người sống hai mặt. Khi đăng bài trên các trang web trong nước, họ tỏ ra hiền lành, biết điều phải trái, nhưng bài đăng  ở các trang hải ngoại thì giọng điệu của họ trở nên ngược ngạo, vô văn hóa (được bọc trong vỏ trí thức) một cách hung tợn. Lynh Bacardi viết trên Talawas: “ở các website chính thống thì mấy nàng chơi hàng khác (mềm mại, dẻo dai, chớp mắt đá lông nheo dịu dàng như con mèo nhà hàng xóm của tôi). Còn ở những website phi chính thống, thì mấy nàng đưa toàn hàng… trắng (phùng mang trợn mắt, gồng mình như lực sĩ, và sẵn sàng nhảy bổ vào nồi lẩu đạo đức sôi ùng ục của dân tộc để khám phá tôm mực mà xực trước). Trương Quế Chi nhận xét: “Tuổi trẻ luôn có sự hoang mang và những góc tối trong tâm hồn dù trong cuộc sống, họ là những con người trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Họ viết như thế không có nghĩa là họ cũng sống tối tăm và bi quan như thế. Đơn giản là họ muốn viết về những gì gần gũi nhất, gắn bó nhất với cái tôi của mình…”(1)

Xin đọc: (ghi chú: Tôi không trích những bài rác rưởi, nói tục chửi thề, tác giả nói năng với thái độ vô văn hóa. Bởi, văn chương là sự sáng tạo cái đẹp, mà căn gốc là cái đẹp của lời, của hình tượng, tư tưởng và nhân cách.)

Đỗ Trí Vương, Tôi trốn trong bóng tối.

Tôi trốn sau lưng tôi/

và không thể làm gì

          (Khiêu vũ với chó)

Bóng tối tung hứng tôi trong lòng 

Và nhốt tôi trong xà lim chật hẹp

(Với tôi)

Nguyệt Phạm,một mình lẻ lạc”

Thành phố trên cao

Một mình tôi lẻ lạc..(Cầu vồng mưa)

Khương Hà Bùi, một Cái Tôi “tự thấy mình hèn dần đều một cách đáng kể”:

Haizz thiệt tình là có những ngày vác bầu ra đường nghĩ mà phát ngấy
Chán không buồn nói nhưng nỗi ói cứ trào dâng bất tận
Tự thấy mình hèn dần đều một cách đáng kể khi chỉ dám chửi xéo

                                                                          chứ héo dám chửi thẳng

                                                                                                (Gây sự 2)

Lynh Bacardi, một Cái Tôi bệ rạc dù đã được “phục hồi nhân phẩm”:

“…tôi tru hú vào khoảng không. nuôi loài khuyển dại trong cơ thể. chiếc nịt ngực bỗng khô cằn xiết cứng từng đốt xương. lằn ranh thế hệ thoái hóa vùi trong đất. trợn trừng trơ xác đòi trọng đạo tôn sư. những dương vật nối đuôi nhau ngỏng trường kỳ. tôi 1m6 sau khi phục hồi nhân phẩm. trí thức rao bán chứa vừa quả trứng úng. hai túi cao su cân bằng mệnh giá. tôi trồng chuối ngược bận quần ba ống. chiếc micro buổi mit-ting mọc lông cương cứng. tôi rách chiếc ống thứ ba. tối nay cần vài cái lỗ để đút. sẽ trí thức ngày mai. cuốn kinh thánh chảy máu đen đầu giường. lời phúc âm đi bụi. tôi làm mới bộ não bằng lớp sơn mác chức vị ở chợ trời. cao sang nát nước…” (Rêu rao đời mình)

Huỳnh Lê Nhật Tấn, Tôi-bản năng một con vật giống đực:

Em lại ứng phó chõng mông khoe, khoe cái hàng…

rồi nhìn tôi đắm đuối – mắt ngợ chờ…

Tôi nóng cả mình ở dưới dương vật cũng dài như em. 

Bao cặp mắt mấy thằng đàn ông nhồm ngó.

Tôi lầm lỳ thèm nứng muốn chết mồ luôn.

Tiếng O ó ô cứ huyền (`) muốn đụ bỏ mẹ.

                              (Cộng hưởng nguyên âm)

Nguyễn Hữu Hồng Minh, một Cái Tôi vô luân- biến thái.

Hắn muốn làm tình với Nguyễn Thị Thu Huệ -Hắn tàn bạo điều đó

Hắn muốn hiếp Lê Thị Mỹ Ý – Hắn thèm muốn điều đó 

Hắn không nứng trước Phan Thị Vàng Anh – Hắn khẳng định điều đó 

Hắn yêu Ly Hoàng Ly – Hắn mãi tôn thờ điều đó 

Hắn sợ hãi lỗ nẻ của Vi Thùy Linh –Hắn khiếp hãi điều đó 

Nhân loại chui ra từ háng –Hắn quả quyết điều đó 

Dân tộc Việt là một dân tộc mê lồn – Hắn xác tín điều đó…

                                                                (Lỗ Thủng lịch sử) 

Nguyễn Thúy Hằng, Cái Tôi hướng nội, cô độc.

“ở San Francisco, tôi đã mường tượng mình ngồi đấy, trong một quán cũ nát tôi chờ ai đó sẽ đến và mở toang cửa tối âm u này, nhưng rồi hắn sẽ đứng ngần ngại một chút vì ngoài kia cũng không sáng sủa là bao.(Những thứ xưa kia là tạm bợ)

Tôi không thể nhấc nổi chân tay và sự lười biếng khiến tôi bỗng thấy mình hoà nhập với nhiều vât thể đang bất động quanh đây. Những dây leo đang bám vào hốc đá cũng không lung lay, tôi cũng thế, cũng dính chặt vào chiếc ghế và dường như, những năm sau này người ta sẽ tìm thấy sự im lặng của tôi cùng với khối đá cằn cỗi và dây leo kín mặt kia.

Tôi loay hoay trong nhiều chăn ấm, thức dậy, thấy mình cần giết một ai đó, một cà phê, một cái cống, con ngựa đen, kẻ lạc đường (Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lí)

Như Huy, hướng nội, một con vật bất lực:

Hắn (5)

“Hắn là ai? một con vật xã hội? một con vật đạo đức? một con vật ngôn ngữ? Không, hắn không là ai hết trong số ñó. Thật ra, hắn là một bi kịch ngôn ngữ – nhìn dưới góc độ cuộc đời hắn đang bị căng trành ra đến mức nghịch dị giữa hai xung lực, xung lực thứ nhất: hắn – kẻ vô tình sở hữu một khối lượng khủng khiếp những mảnh ngôn ngữ rời, xung lực thứ hai: hắn – kẻ bao lâu nay, dẫu nỗ lực đến mấy, cũng không tài nào tự chiết xuất ra nổi, thậm chí nửa giọt nước bọt giúp dán liền vào nhau hai vẩy chữ lẻ chứ đừng nói đến việc làm thế nào kiếm được cho đủ hồ dính để  có thể gắn kết lại cả cái đống vĩ đại những mảnh rời ngôn ngữ ấy, đang đè sụp xuống đời hắn.”

Trần Wũ Khang, một Cái Tôi hoang đàng, một đứa con lai căng.

Tôi thằng con lai căng qua đụng độ văn hóa Champa/ Đại Việt,
thằng con hoang của mảnh vụn sách vở Tây/ Tàu
thằng con vô thừa nhận từ giao phối kì quặc của đạn bom Nga/ Mỹ
tôi viết thơ…”
                         (Đời mơ hồ)

Vũ Thành Sơn, như người nói nhảm:’

  1. Bàn tay phải của tôi mất trí nhớ. Có thể nó đã quá già, cần phải nghỉ hưu. Hoặc nó có quá nhiều giấc chiêm bao dữ
  2. Vợ tôi thường hay quan trọng hóa những chuyện nhỏ nhặt. Chẳng hạn nàng nói cần phải diệt trừ kiến, dán, bởi vì chúng làm cho tư duy của chúng ta không thể liên kết thành một hệ thống hợp lý
  3. Tôi đọc thấy câu này trên một tờ báo: Tự tin hơn với làn da sáng khoẻ!
  4. Một con ốc sên đi qua cửa. Tôi không biết nó có phải là con ốc sên trong vườn nhà tôi hay của bà hàng xóm. Ngày hôm qua chúng tôi sang bên nhà bà chơi, bà than phiền về giá xăng và một vài thứ cần thiết khác quá đắt đỏ 

(Lý do tôi không uống cà phê sáng nay)

   Phan Bá Thọ, cái tôi nhập vai để phản kháng.

“… nhưng chúng tôi là nhà văn. ừa, là một lũ những nhà văn việt nam nên chúng tôi chỉ biết ca ngợi con trâu, cánh cò, cây bông, đồng cỏ… chả biết tại sao [như thế]”….(việt nam nó vậy)

 Bùi Chát: Cái tôi mặt đối mặt

Tôi gặp gỡ những người cộng sản

Những người anh em của chúng tôi

Những người làm chúng tôi mất đi ký ức

Mất đi tiếng nói bản thân

Mất đi những cái thuộc về giá trị

Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều

Nỗi sợ…” (Ai?)

Ly Hoàng Ly, một tiếng nói thương yêu những kiếp khổ:

Những con ngựa đêm hí bạt gió
Vọng mầu đêm Bắc Hà
Đoàn ngựa thồ gõ vó đường núi âm âm
Tiếng hí rần rật vỡ đêm
Vỡ lòng…
Ngựa ôi,
một kiếp thồ quẩn quanh …

…Đời này sang đời khác
Ngựa ôi ta hiểu sao mắt mi buồn hơn mầu đêm xứ bắc
Ta nghe ngàn lời gió ngàn lời trăng,
Ngàn lời thiết tha,
Ngàn lời vỡ ra từ mầu mắt đó.
Ngựa đêm hí bạt gió..

(Ngựa đêm Bắc Hà)

Văn Cầm Hải, Một tình yêu quê hương, một nỗi buồn thế hệ:

Chiếc nôi lật ngược
Tiếng khóc rơi xuống
tã lót rách bươm, lời mẹ ru không khâu vá nổi
tôi và em đi xa
sa mạc
con Sphanh buồn bã
khi bọn cướp đục thủng lấy mất quả tim
tôi và em
trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc
theo nhau thành dòng nước lũ
cả căn hầm chữ A
chiếc áo nâu thế hệ
mà nỗi đau vo ve từng hạt máu
đong đầy nghĩa địa.
(Quên Lãng)
.

THƠ TRẺ VÀ SỰ CÁCH TÂN THƠ VIỆT

            So với thơ kháng chiến 1945-1975, “thơ trẻ” có những cách tân đáng kể.

1.Thơ trẻ không còn “phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến mà là hiện

 thực thông qua cảm thức của Tôi khi Việt Nam hội nhập toàn cầu hóa. “Cảm thức của Tôi” được ướp trong đủ mọi thứ tư tưởng phương Tây:  Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, Nữ quyền luận, Hậu hiện đại cùng với văn hóa phương Tây…tất cả góp phần tháo tung truyền thống văn hóa Việt Nam.

(Ghi chú: để chọn một bài thơ trẻ “sạch sẽ”, không dơ, không rác, không tục tĩu, không nói năng lảm nhảm những chuyện tào lao… làm dẫn chứng thật khó)

Âu Cơ

Hoa một loài một bông độc sáng
Giữa những đoá hồng đen dập dìu khắp không gian mịn ướt

Hôm nay lại tiếp tục thói quen cầu ước
Khi ngồi quán trên cao uống nước đu đủ
Để dồn đủ một đêm tình tự
Trong lòng anh, em khai thị thế gian

Phiêu diêu mắt, thấy con đường tơ lụa
Phiêu diêu lưỡi, chạm đáy mềm Âu Cơ

Ly rượu dan díu mùi đàn bà
Nước mắt không thể ngấm thêm được nữa
Ta tạo dị bản ta, chống đỡ
Dan díu men mê man
Mật khẩu nẻ lá môi thâm nhập
Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa
Tây Tạng mê ảo cuồng hoa
Trứng nhộn nhịp thụ thai
Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã
Lại hứng hứng gió thốc
Thôi miên những cánh cửa chồi răng

Hoa Thùy Linh
Đàn đàn mũi tên bay từ giữa hai đùi
Bắn nát sự cam phận

              (Vi Thùy Linh)

Móp đầu

tôi biết nó sẽ ụp xuống tóc
trong tai bịt đầy rác,
đàn ong vo ve mảnh giấy bạc vừa lấp một con cá
điên
biến tôi thành
cái mồm ngậm đầy xi-măng
giãy
đành đạch
trên kiến lửa

nó đến trước khi tôi hình dung sự việc giống miếng thịt tươi bỗng mốc meo, cứng đanh như gỗ
vặn vẹo
xuất hiện vết chích lạ
hơi nóng êm đềm làm não chảy dịch màu vàng
kháng cự và thói hiền lành quấn trong lớp nhầy mưng mủ
cháy

tất cả, là hiện tượng của việc tôi bị đẩy ngoài vùng phủ sóng
để hợp thức hoá mọi chuyện cần phải làm một chuyến bay vào nơi không cần thiết
trở về con dấu mới, đứng trong cái khung ngay ngắn: vật nuôi chờ kiểm duyệt

sự bất ngờ hình thành một cái búa đẹp, lưỡi cắm sắc lẹm, tay cầm mạ vàng
ném mạnh lên cao
để rồi theo vòng xoay của nó

 

rơi thẳng vào đầu-méo đến buồn

T4, 1, 9, 04, chiều

          (Nguyễn Thúy Hằng)

2.Thơ trẻ không viết bằng thi pháp truyền thống mà dùng hình thức tự sự, kiểu thơ

văn xuôi, không vần không nhạc, nhiều bài dùng kiểu ngôn ngữ nói của người bình dân,

Một bộ phận người làm thơ trẻ dùng các thủ pháp Hậu hiện đại, chẳng hạn, dùng cái “tục”, cái “rác”, cái “dơ”, để biến bài thơ thành “rác” (nghĩa là những cái tạp nhạp, tào lao không có gì đáng đọc); dùng “diễu nhại”  để “giải thiêng”,”giải trung tâm”, để “gây hấn”, để “lật đổ” tạo sự chú ý; dùng các ký hiệu, cách làm méo chữ, không viết hoa, đưa tên người thật đương thời vào bài thơ; dùng kiều nói năng không chuẩn mực; dùng hình ảnh, dùng bản tin…để tạo ra sự khác biệt về hình thức văn bản thơ so với thơ truyền thống (thơ Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy…). Tất cả những “thủ thuật” này đều phi nghệ thuật (nghĩa là người đọc không tìm đâu thấy “Cái Đẹp”).

Xin đọc Phan Bá Thọ

 “…bùi chát ăn giấy vụn , xác ướp & cả những cái lồn bỏ đi [tu]                                                 vi thùy linh ăn mặn nên luôn mồm la làng: khát [khát, khát quá mẹ ui] 

nói chung họ, thèm từ cái bình dị cho ñến những thứ ghê rùng rợn [chính đáng] & ăn uống cũng bô la bố láo bạo tàn, đủ các kiểu loại

có đứa ăn mày dĩ vãng [nghiệp dư] & cũng khối em ăn mày văn chương [nghiệp dĩ]

nguyễn huy thiệp ăn: hoa [ thủy tiên ] & trò chuyện với cứt [nghe đồn: tất cả các nhà văn việt nam cả nội lẫn ngoại không phải chỉ là đồ hâm hấp vô học, dốt nát, đồ bỏ đi đâu. mà là đồ cứt. cứt, cứt hết]

trần đăng khoa [cầu kỳ – thi họa, thì] chỉ ăn những thứ mong mỏng [… như là rơi nghiêng ]. chẳng hạn: siêu mỏng có cánh, hoặc có 2 cánh siêu mỏng. ăn tuốt…”                                                            (Phan Bá Thọ)

(Ghi chú của BCT: những chữ in nghiêng là tên tác phẩm: “Khát” là tập thơ của Vi Thùy Linh, “Ăn mày dĩ vãng” tác phẩm của Chu Lai. “Hoa” lấy bài “Trò chuyện với hoa Thủy Tiên” của Nguyễn Huy Thiệp. Trong bài này, Thiệp chửi cả Hội Nhà văn Việt Nam; “Ăn mày văn chương” là tên một trang web văn chương ở Pháp. Hình ảnh thơ “…như là rơi nghiệng” trong bài thơ Đêm Côn Sơn của Trần Đăng Khoa: Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” bị xuyên tạc thành “thứ mong mỏng”. “siêu mỏng có cánh”…tức là băng vệ sinh cho phụ nữ. Phan Bá Thọ cho trần đăng khoa “ăn tuốt”. Tuy nhiên, các tên người (tên riêng) không được viết hoa, nên nó không được quy ước là tên riêng của người, vì thế ”trần đăng khoa” không phải là nhà thơ “Trần Đăng Khoa” Phó chủ tịch Hội Nhà văn. Sự “lật đổ, sự đểu cáng” của Phan Bá Thọ nằm ở chỗ này)

Một bộ phận khác làm kiểu “thơ khó hiểu”. Người làm thơ kể những câu chuyện như  ngụ ngôn, dùng liên tiếp các hình ảnh ẩn dụ, hoặc phá vỡ cấu trúc ngữ pháp của câu, phá vỡ cấu trúc logic liên tưởng của người đọc; hoặc chen vào những chữ không cùng trường nghĩa. Có tác giả làm theo bút pháp Hậu hiện đại, phá vỡ 4 yếu tố cơ bản của một bài thơ truyền thống là cấu trúc, thời gian, không gian, và nhân vật trữ tình. Hình ảnh thơ được bày ra (liệt kê) như những “mảnh vỡ” kết nối phi logic, chen vào đó là những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng để “gây rối”. Những bài thơ như thế không dễ gì có thể hiểu. Thực ra, loại thơ này không cần hiểu theo ý tác giả, thơ chỉ gợi ý cho người đọc (nghĩa của bài thơ là do người đọc tự cảm nhận). Kiều thơ này tiếp cận được với kiểu thơ tư tưởng, và thực sự góp phần cách tân thơ Việt. Xin đọc:

hoe chân lời

Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!

Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy
bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh

                                                 Iowa, 2005

                                               Văn Cầm Hải

Người đọc không thể xác định được cấu trúc bài thơ; không thể nhận ra không gian thực mà tác giả nói đến; không thể lần ra đầu mối thời gian sự việc xảy ra; và không tìm thấy nhân vật trữ tình Tôi như trong thơ truyền thống (thí dụ, Tôi trong Tương tư của Nguyễn Bính). Hình ảnh thơ là những mảnh vỡ của hiện thực, có những quan hệ hết sức lờ mờ với nhau, rất khó để liên tưởng theo một logic quen thuộc. Những bài thơ như thế này thực sự là một nỗ lực cách tân so với thơ truyền thống, và vì thế nó phải được đọc bằng cách đọc khác với đọc thơ truyền thống.

 THỬ LẦN TÌM NHỮNG MANH MỐI

1.Những tư tưởng mở đường

            “Thơ Trẻ”  xuất hiện và phát triển trong xu thế “đổi mới”,Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác”.

            Năm 1998, nghị quyết Trung ương 5 đã mở ra những hướng nhìn mới:                     Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người.
Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.”

Năm 2008, Nghị quyết 23 cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà…”

2.Ngọn gió thời đại

            Trước khi Thơ Trẻ xuất hiện thì dòng văn chương Nhân văn và Dân chủ đã có những thành tựu đáng kể. Xin đơn cử: Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1985- Nguyễn Mạnh Tuấn), Chiếc thuyền ngoài xa (1983-Nguyễn Minh Châu), Thời xa vắng (1984-Lê Lựu), Thiên sứ (1989-Phạm Thị Hoài) truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu-1987), Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu 1987- Giải thưởng Hội Nhà văn 1991-Bảo Ninh), Bên kia bờ ảo vọng (1987) và Những thiên đường mù (1988-Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990-Nguyễn Khắc Trường), Một người Hà Nội (1990-Nguyễn Khải), Chuyện kể năm 2000 (2000- theo lời tác giả, tiểu thuyết này được viết từ tháng 6 năm 1990 đến 30 tháng 11 năm 1991 thì hoàn tất. Bản thảo được xem lại lần cuối vào tháng 8 năm 1998), Cánh đồng bất tận (2005-Nguyễn Ngọc Tư), Ba người khác (2006-Tô Hoài), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường)

Những thành tựu này mở đường cho người làm Thơ Trẻ . “Văn chương phản kháng” Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương tiếp sức cho “Thơ Trẻ”. Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Lynh Bacardy…mạnh mẽ, táo bạo, thực ra chỉ là người đi sau Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương …

3.Internet

            Những người trẻ làm thơ trong nước được cổ vũ, đánh bóng, thổi phồng lên  bởi các trang mạng như Talawas, tienve.org, Hợp Lưu…và thế là, họ nghiễm nhiên trở thành “hiện tượng”, viết lách của họ trở thành “những tập thơ quan trọng nhất của nền thi ca Việt Nam”.

Trên Talawas, Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét: “Với tư cách là một độc giả lâm thời của Bùi Chát, tôi cho rằng “Bài thơ một vần” là một trong những tập thơ quan trọng nhất của nền thi ca Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 này“. Quả là những lời “có cánh” đưa người làm thơ trẻ lên tận mây xanh.

Talawas  chủ nhật giới thiệu: “thơ rác Phan Bá Thọ là một hiện tượng không thể bỏ qua của giai đoạn văn học này. “Đống rác vô tận cũng là một trong những tập thơ hiếm hoi mang đậm phong cách đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay.” Hóa ra những thứ “rác rưởi dơ bẩn” lại là “của hiếm”!

Người làm thơ trẻ Lý Đợi khi trả lời phỏng vấn của Nhã Thuyên thú nhận: thời đó các tạp chí Thơ (do Khế Iêm chủ biên) và Hợp Lưu (do Khánh Trường chủ biên) đã gợi nhiều cảm hứng cho chúng tôi.”

4.và văn chương hải ngoại

            Ở phần trên tôi đã nhắc đến các nhà thơ hải ngoại có ảnh hưởng đến người làm thơ trẻ Sài Gòn. Trong phạm vi một bài viết ngắn, người viết không thể chỉ ra những ảnh hưởng cụ thể trong từng tác phẩm mà chỉ có thể xác định ảnh hưởng của khuynh hướng sáng tác. Xin nêu vài ghi nhận.

Người trẻ làm thơ Tân Hình thức có thể học từ Khế Iêm, Đỗ Quyên (bài: Tay trái thơ tay phải núi, Chúng mình thiệt tình…), hoặc học cách nói lảm nhảm trong thơ Tân Hình thức của Nguyễn Đăng Thường (bài Những nụ hồng của máu)…Xin đọc “Rác & bảng tổng phổ trừu tượng sắc màu” của Trúc Ty.

Người trẻ làm thơ phản kháng có thể học được nhiều điều từ thơ của Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng (Canada). Ông viết nhiều bài về thời sự chính trị Việt Nam với tinh thần phản kháng rất “thâm hiểm”. Ông nhập vai để diễn lại sự việc một cách diễu nhại (theo kiểu “lấy gậy ông đập lưng ông”). Xin đọc Khúc Duy: “Thơ của đồng bào ta ở vỉa hè đấy các chú” và  “I(ai) có thơ dùng thơ”; và xin thử so sánh với thơ Nguyễn Đức Tùng, các bài: “Lệnh miệng” và bài “Tốt lắm!”. Họ cũng có thể học Đỗ Kh. về sử dụng cái tục, cái đểu, cái trịch thượng trong cách phản kháng. Xin đọc bài “Tôi thích ngồi sau em trên yên xe” của Đỗ. Kh.

Người cầm bút nữ làm “thơ Tục” trong nước chắc chắn không thể không biết thơ của Lê Thị Thấm Vân. Nhà thơ nữ (ở Mỹ) này có cá tính mạnh mẽ. Tiếng nói đòi Nữ quyền của cô gây được ấn tượng. Tuy sử dụng Cái Tục, nhưng phẩm chất nghệ thuật và tính tư tưởng của Lê Thị Thấm Vân là nét trội, trong khi Thơ Trẻ trong nước đem cái “tục tĩu bẩn thỉu” vào thơ, làm cho thơ trở thành một đống chữ bốc mùi, không sao chịu nổi! Xin đọc Na Thị Chua, các bài: “Ca dao. tôi & tôi”,  “Đồ đểu”, “Ch. thông cảm”,  “Về bằng cửa sau nghe Ch.”  Và so sánh với bài “Trăng trối” của Lê Thị Thấm Vân.

  1. và sự kế thừa

            Người trẻ làm thơ có khuynh hướng thơ tư tưởng như Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh chắc chắn kế thừa tính nghệ thuật và tính tư ưởng trong thơ Thanh Thảo và Nguyễn Quang Thiều trước đó.

Đây là một bài thơ của Thanh Thảo năm 1992:

Chờ

“vớt những giấc mơ
bằng chiếc vợt bắt dơi
đêm tối
gương mặt bạn một chấm sáng
sau cửa sổ
cầm tay cái lạnh cuối mùa
chúng ta hy vọng
như nhánh phong lan
chờ
những đoá hoa trong suốt”

Thơ Nguyễn Quang Thiều:

Bầy cừu

Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối
Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng
Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức
Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo.
Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó
Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi

Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất
Những mảnh thân xác tản mát đâu đó
Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng
đi từ chân đồi lên đỉnh đồi,
những ngọn đồi…
những ngọn đồi…
những ngọn đồi…
bất tận.

Loại “thơ khó hiểu” của “Thơ Trẻ” có kiểu tư duy nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu    không khác gì thơ Thanh Thảo, thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ Trần Quang Quý.

Thanh Thảo giải thích: “Tư duy thơ hiện đại là kiểu tư duy có bước nhảy cấu tứ thơ đầy khoảng lặng tạo nên rất nhiều “không gian rỗng” trong thơ: “Chính ở khoảng giữa của những câu thơ độc lập tương đối, đã ẩn hiện cái không gian rỗng của bài thơ, là cái thoạt nhìn, mới đọc cứ ngỡ như không thấy gì, không nói lên điều gì. Cái kỳ lạ của thơ là ở đó: chữ nương tựa vào không – chữ, chỗ dày rậm cậy nhờ chỗ trắng trong, không – gian – đặc được cấu trúc lên nhờ không – gian – rỗng“. Thơ hiện đại “không nhằm vào từng câu thơ” mà nhằm vào “từng mảng thơ“, “những mảng tối, mảng sáng trong bài thơ đan xen nhau, những mảng có nghĩa và vô nghĩa đan xen nhau… buộc tiềm thức, vô thức của ta phải làm việc, buộc ta phải ngụp lặn xuống lòng nước tối, ngụp lặn vào chính những giấc mơ của ta” [Tản mạn về thơ, tr. 80-81] (Dẫn theo Mai Bá Ấn) (2)

Xin đọc Ly Hoàng Ly

Người đàn bà trong tranh

Những người đàn bà
Đi đi lại trong bức tranh khổ vuông
Những nhát mầu bết họ vào sơn

Những người đàn bà màu đen
Đi lại trong đêm
Tóc hất ngược ra sau
Trên mặt phẳng bức tranh dang dở

Những người đàn bà khô queo
Vì đi lại quá nhiều
Quẩn quanh bức tranh khổ vuông do người khác vẽ
Đi được đến đâu
Khi xác đã bệt lại bởi những nhát mầu

Cầm chiếc bay
Cạo xác từng người đàn bà ra khỏi tranh
Thấy mình cũng rời ra từng mảnh
Không đau đớn

                   (2001)

Tất nhiên, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải làm mới hơn so với Nguyễn Quang Thiều và Thanh Thảo. Ly Hoàng Ly còn là một họa sỹ – nghệ sỹ nghệ thuật thị giác, cô kết hợp thơ ca với nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thơ và nghệ thuật trình diễn .

Văn Cầm Hải làm thơ theo cảm thức và thủ pháp Hậu hiện đại. Anh phá vỡ cấu trúc bài thơ truyền thống, đập vỡ nhân vật trữ tình chủ thể của thơ, phân mảnh thời gian và không gian. (xin đọc lại bài Hoe chân lời đã dẫn ở trên)

Tuy vậy Thơ Trẻ không theo được kiểu thơ tư tưởng của Nguyễn Quang Thiều. Ông kết hợp cách kể chuyện của Kafka với thi tứ của R. Tagore. Sự khó hiểu của thơ Nguyễn Quang Thiều nằm trong  tư tưởng triết học (thí dụ bài Bầy cừu ở trên). Không hiểu Kafka, không đọc được R. Tagore thì khó thâm nhập thơ Nguyễn Quang Thiều (3). Tuy nhiên, ông cũng có nhiều bài thơ trữ tình làm theo lối thơ truyền thống (Tập: Sự mất ngủ của lửa-1995). Nguyễn Quang Thiểu chỉ thực sực cách tân từ tập Nhịp điệu châu thổ mới (1997) và Dưới cái cây ánh sáng (2003).

NHỮNG GÌ CÒN LẠI

Thơ Việt vẫn tiến về phía trước. Sau cao trào những năm 1995- 2010, thơ Việt lắng xuống để định thần về con đường đã đi.

Con đường cách tân từ nhóm Sáng Tạo (Sài Gòn), các nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, đến Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều và Thơ Trẻ (Hậu hiện đại) vẫn tiếp tục. Nhưng cho đến nay (2020) chưa có có gì mới hơn so với những gì thơ Việt đã đạt được.

Những người làm Thơ Trẻ tôi kể tên ở trên giờ mất tăm (có người vẫn làm thơ, nhưng đã không vượt qua được chiếc bóng của mình). Ly Hoàng Ly đã in 3 tập: Cỏ trắng (1999), Lô Lô (2005), Quà (2008), nhưng chỉ đọng lại tập Lô Lô. Vi Thùy Linh sau 3 tập thơ: Khát (1999) Linh (2000) và Đồng tử (2005) cũng chỉ ghi dấu ấn bằng tập thơ Khát. Nguyễn Hữu Hồng Minh sau 3 tập thơ: Giọng nói mơ hồ (1999), Chất trụ (2002), Vỉa từ (2003), anh chuyển sang viết  Ổ thiên đường (tập truyện- 2011). Nguyễn Vĩnh Tiến chỉ có tập thơ Những bình minh khác (2001). Linh Bacardy trả lời phỏng vấn của Nguyễn Viện, rằng cô đến với văn chương chỉ là ngẫu nhiên, trước kia cô là Ngựa Trời, giờ thì không, cô chuyển sang dịch sách.(4)…

Thơ phong trào (tràn ngập trên các trang báo) vẫn làm theo thi pháp thơ “truyền thống” (thơ chống Mỹ, thơ Lãng mạn) nên rất cũ. Thơ cách tân, kiểu “thơ khó hiểu” sau một thời gian dài bị công chúng từ chối đã dần dần xích lại gần với thơ truyền thống, tuy vẫn giữ  đôi nét đặc trưng về kiểu ngôn ngữ của Thơ Trẻ. Thơ Tân hình thức, thơ Hậu hiện đại, con đường còn ở phía trước (trường ca Lòng hải lý của Đỗ Quyên là một thí dụ). Những nhà thơ lớp trước như Thanh Thảo, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn… vẫn giữ được phong độ cũ. Chẳng hạn, Trần Quang Quý đã in 11 tập thơ. Năm 2012, ông đạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam với tập thơ Màu tự do của đất.  Ông lại vừa được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2019 với tập thơ Nguồn…

Khoảng 10 năm trở lại đây chưa xuất hiện một tài năng mới nào, chưa một tập thơ mới nào như một hiện tượng văn chương vượt lên giai đoạn thơ đầu thế kỷ XXI. Vì thế Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI vẫn ghi được dấu ấn riêng trong tiến trình đổi mới thơ ca Việt và là thách thức nghệ thuật với những người làm thơ đi sau.

Tháng 01. 2020

___________________

 

Ghi chú

http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18902

 

***

 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok