Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
THƠ TRỊNH BÍCH NGÂN
(Đọc tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau của Trịnh Bích Ngân. Nxb HNV 2024)
Bùi Công Thuấn
Nhà văn Bích Ngân [[1]] quê ở Cà Mau. Chị hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, …Chị đã in 20 tác phẩm gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài hước, tạp văn, kịch bản sân khấu. Tôi đã có dịp viết về tiểu thuyết Thế giới xô lệch [[2]] và tập truyện ngắn Đường đến cây cô đơn [[3]] của chị. Chị in tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau (Nxb HNV 2024) với bút danh Trịnh Bích Ngân. Tập thơ chứa đựng nhiều điều mới mẻ của một cá tính sáng tạo độc đáo.
“Sáng tạo trong sự khác biệt” [[4]]
Trong một bài viết giàu tính tư tưởng và sắc xảo về lý luận, nhà văn Bích Ngân chia sẻ: “nhà văn hôm nay sẽ viết khác hơn. Sáng tạo trong sự khác biệt, có lẽ là con đường, là cái đích mà những nhà văn đương đại hướng tới. Nhà văn luôn có mặt và dự phần vào cái thế giới xô lệch bất trắc này bằng sự cân bằng trong nỗ lực sáng tạo, trình diện cho tha nhân, cho nhân loại chiêm ngưỡng thế giới sáng tạo cá thể, riêng biệt và độc đáo của mình”.[1 đd].
Một quan niệm văn chương như thế đòi hỏi người làm thơ phải hết sức nỗ lực, có khi là sự tìm tòi thể nghiệm của cả một đời người. Nhìn vào hành trình cách tân thơ Việt từ Phan Khôi (bài thơ Tình già. 1932) đến nay, người đọc sẽ thấy con đường sáng tạo là con đường chông gai thế nào. Sáng tạo là làm ra Cái Mới (cái thẩm mỹ) mà trước đó chưa có. Sáng tạo trong sự khác biệt là không đi theo lối mòn, mà dấn thân trên con đường “chưa in dấu chân”. Nhà thơ Trịnh Bích Ngân đã đi con đường sáng tạo ấy trong tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau.
Xin lần theo dấu chân nhà thơ.
Trịnh Bích Ngân không dùng những thể thơ quen thuộc như thơ Lục bát hay kiểu thơ 7, 8 chữ (thơ Lãng mạn). Đa số thơ trong Nghiêng về phía nỗi đau là thơ tự do. Và nếu nhìn kỹ, người đọc sẽ thấy thơ tự do của Trịnh Bích Ngâncó nhiều khác biệt với kiểu thơ tự do làm theo quan niệm của Nguyễn Đình Thi [[5]] từ thời kháng chiến chống Pháp. Xin đọc:
“Tôi có thú vui
lang thang đây đó
chụp những bức ảnh
rồi tỉ mẩn
bố cục lại
từng tấm một
Bỏ bớt chiều cao, kéo dài chiều rộng
xê trái, dịch phải, cắt trên, xén dưới
lại thu chiều rộng, lại mở chiều cao…
những bức ảnh đẹp hơn
nhờ bồ cục…”
(Bố cục. tr.52)
Nhà thơ Trịnh Bích Ngân có một quan niệm độc đáo về thơ: “…Thơ xa lạ với chiêu trò
làm xiếc, ú tim. Thơ mang tố chất của một chiến binh. Gan góc phơi bày. Dũng cảm phơi bày. Chân thành phơi bày. Thơ còn mang phẩm hạnh của Têrêsa. Chia sẻ và lặng lẽ hiến dâng” (Người tình thủy chung. Tr.5)
Vì thế, thơ Trịnh Bích Ngân là câu chuyện, là lời kể mộc, là những quan sát rất thực, là dòng chảy những nghĩ suy rất tự nhiên, tưởng như không cần phải dụng công câu chữ. Thơ là “dòng ý thức” được gọt giũa hết những lớp vỏ bọc của hiện thực để chỉ còn lại sự tinh khôi tư tưởng.
“Cần gì những diễn ngôn
xa lạ với mỹ từ
cách ly với nhộn nhạo
tung hô…”
(Lặng lẽ. tr.144)
Trong thơ Trịnh Bích Ngân, nhân vật Tôi đắm mình trong hiện sinh để “dòng ý thức”vận động trong không-thời gian miên viễn:.
“Tôi chờ từng giọt cà phê
nhỏ xuống lòng chiếc ly sứ
trong tiếng nhạc của trăm năm trước
trong nỗi đau của ngàn năm trước
đặc sánh như giọt đắng tôi uống
mỗi ngày
Mỗi ngày
trong tầm nhìn của tôi
dường như tất cả vẹn nguyên
mỗi sáng của những ngày đã qua
mất còn của năm tháng đã lùi xa
tất cả vẫn vẹn nguyên…”
(Ở cự ly gần. tr.48)
Hình như là bóng dáng ý thức “hữu thể tự quy” trong tư tưởng Hiện sinh của J.Sartre (xin đọc La Nausée).
Thơ ca Việt có một dòng chảy lớn là thơ hiện thực. Cuộc sống ngoài kia dội vào tâm trí
nhà thơ, tra vấn lương tâm, trở thành đối tượng thẩm mỹ. Nhà thơ quan sát những biến cố ấy, nghiền ngẫm những chuyển động lịch sử của thời đại mình và lên tiếng nói. Những nhà thơ lớn của dân tộc đều bày tỏ thái độ minh triết trước thực tại (diễn ngôn). Vì thế thơ có giá trị phản ánh hiện thực (xin đọc Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu…). Thơ hiện thực thường sử dụng chất liệu đời thường.
Trịnh Bích Ngân đi con đường khác. Nhà thơ không hướng ra bên ngoài mà lắng sâu vào nội tâm, một tâm thức đầy ánh sáng trí tuệ, một thế giới mà cảm xúc vượt thoát khỏi cõi “nhân gian bé tẹo” để đến với cảnh giới của “nhân gian không cùng”. Thơ là “dòng ý thức” về hiện sinh và vượt qua hiện sinh.
Căn cứ vào đâu để nhận ra đặc điểm này của tập thơ?
Trong 72 bài của tập thơ, có tới 24 bài tác giả viết vào đêm, lúc giữa khuya tới sáng. Có khi là 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ sáng, 6 giờ sáng, lúc ban mai. Chẳng hạn: đêm 27.10.2018; khuya 27.7.2019; 3 giờ sáng 20.9.2022; khuya 25.9.2022; 4 giờ sáng 15.11.2022; khuya 28.9.2023; 3 giờ sáng 17.8.2023; 4 giờ 20.8.2023; khuya 4.4.2023; khuya 11.3.2024; ban mai 2.4.2023; sắp ban mai 11.4.2024; và nhiều bài viết về đêm: Chuông điện thoại lúc 3 giờ sáng, Ân ái bóng đêm, Thu thức giấc, Chiếc lược trần gian, Người thắp lửa, Cà phê & Máu, Xin lạy tạ nỗi buồn giăng mắc.
Điều này có ý nghĩa gì?
“Đêm/ dòng sông quá đỗi dịu dàng…” (tr. 38). Đêm là khoảng thời gian con người có thể tiếp cận được cảnh giới của tâm thức. Đêm thanh lọc mọi hệ lụy nhân gian, trả lại cho tâm hồn sự tươi mới hồi sinh. Có khi “Đêm dềnh dàng như bóng ma thiên cổ”(tr.118), có khi là đêm đầy ánh sáng, đêm Giáng sinh: “Sự sáng chiếu soi trong u tối” (Ga 1, 4-5). Nhà Phật đọc kệ từng canh giờ từ chập tối đến sáng. Các tôn giáo khác thường có những nghi lễ trước ban mai, bởi đó là khoảng thời gian tâm thức con người có thể vượt thoát khỏi thực tại để giao hòa với vũ trụ.
Trong một thời gian dài (thời gian của tập thơ, từ 2018 đến 2024) và ở nhiều không gian khác nhau: đêm Sài gòn, đêm Thủ Đức, đêm thu, đêm Cửu Long, đêm Giáng sinh, sáng Ramallah (Palestine), người thơ đắm mình trong đêm, để cho dòng ý thức trôi chảy trong không-thời gian bất tận. Ngoài kia, cuộc sống xã hội đã bị bóng đêm che khuất. Nhân loại đã chìm vào giấc ngủ. Mọi quan hệ nhân gian đều đóng lại. Người thơ “đối diện với chính mình” (tr.54), khám phá sự tồn tại của thân xác mình, vươn tới hiện sinh, tự do và siêu việt (tôi mượn chữ của K. Jaspers-triết gia Hiện sinh). Dòng ý thức cứ trôi chảy triền miên, tinh tuyền như dòng suối pha lê. Tôi hoàn toàn tự do (“tự do nội tại”[1 đd]). Và thơ khởi sinh trong những khoảnh khắc tinh khôi ấy. Những khoảnh khắc tự do hiện sinh. Điều này là đặc điểm cá tính sáng tạo độc đáo của Trịnh Bích Ngân.
Cho nên, người đọc không tìm thấy hiện thực xã hội được miêu tả trực diện trong thơ Trịnh Bích Ngân, mà chỉ thấy “ý thức hiện sinh” của Trịnh Bích Ngân về hiện thực ấy thấp thoáng qua những hình ảnh ẩn dụ.
Chẳng hạn, nhà thơ không viết trực tiếp về hành động anh hùng của mười cô gái Đồng Lộc, mà gẫm suy về “Những chiếc gương soi”của họ. Chẳng hạn, cuộc sống xung quanh ta đầy dẫy cái tiêu cực, nhưng tuyệt nhiên người đọc không thấy một sự việc cụ thể nào được nói đến trong thơ Trịnh Bích Ngân. Hiện thực được khái quát, hiện thực luôn là sự bất toàn của hiện sinh. Xin đọc: Sự thật có lúc là ác thú. Chiến tranh ở Palestine không hề được nhắc tới, nhưng dấu ấn hiện sinh về thực tại máu lửa ở Palestine lại hiện lên rất đậm trong ý thức của nhà thơ. Xin đọc: Cà phê & Máu; Di sản Palestin, Không khoảng cách nào có thể chia rẽ…
Như vậy con đường sáng tạo mới trong thơ Trịnh Bích Ngân là thơ của dòng ý thức về thực tại, nằm trong dòng thơ suy tưởng của thơ Việt truyền thống.Trên dòng chảy này đã có những đỉnh thi sơn lẫm liệt một thời như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy… Thơ Trịnh Bích Ngân cũng hội nhập vào dòng thơ nữ Việt với nhiều khuôn mặt rạng rỡ: như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, …Và Trịnh Bích Ngân đã đi một lối riêng…
Lối riêng ấy trước hết là ở thi pháp. Trịnh Bích Ngân có riêng một cách cấu tứ. Cả bài thơ là những miêu tả hiện sinh. Ngôn ngữ trần trụi, câu chữ vỡ vụn. Nhưng khi thơ được đọc, và đọc nhanh (như dòng ý thức trôi chảy), thì hồn thơ kết tụ, tư tưởng và cảm xúc thẩm mỹ trong thơ cuồn cuộn lan tỏa, đến cuối bài, tứ thơ vụt sáng lên. Một sinh mệnh thơ đầy sức lực phát khởi, bài thơ trở thành chùm hoa tư tưởng. Xin đọc:
Khoảng trống dậy nùi hương
Dành trọn buổi dọn dẹp
dành nhiều thời gian hơn
sắp xếp và loại bỏ
Mỗi vật dụng cùng ta
những linh hồn cầm cố
những khoảng lặng tiếc nuối
những giây phút thẫn thờ
Chỗ đọc, nơi thiên đàng
những bộ óc siêu phàm
những trái tim Teresa
những mất còn nhân thế
Chỗ đón nắng ngoài hiên
nắm níu những úa vàng
chồi non đang nhún nhẩy
lá vàng rơi, rơi, rơi…
Tách cà phê đã nguội
khoảng trống dậy mùi hương.
(sáng 11.6.2023)
Cấu trúc đặc biệt ấy của thơ Trịnh Bích Ngân được làm phong phú bởi cung bậc giọng điệu đối thoại của nhân vật trữ tình trong thơ. Đó là giọng tự tình của một hồn thơ “Nhỏ thật nhỏ mà không ngừng lay động” (Chiếc lá nhỏ ven hồ. tr.33), giọng của người thơ độc thoại với mình (Máu vẫn không ngừng chảy. tr.78), người thơ nói lời yêu với anh, giọng nồng nàn gần gũi (Ân sủng thu). Một giọng kể đằm thắm, tĩnh tại nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt (Cà phê & Máu; Di sản Palestine. Tr.130, 132). Có khi là giọng buồn chia sẻ với những phận người (Nỗi buồn. tr.54), giọng day dứt khi phải lìa xa mẹ (Chiếc xuồng con chở khẳm. tr.58). Có khi là những tiếng “mày, tao” bỗ bã của những con người chung nỗi đau bi kịch (Một người đã chết từ lâu. tr.74). Và thơ bỗng vang lên những tiếng kêu hoảng loạn trong đám cháy chung cư (Lối thoát nảo cho nỗi đau. tr.94). Có khi thơ là lời an ủi sâu nặng nghĩa tình với một người đã chết (Rồi ai cũng về chốn ấy. tr 121). Lại có khi là giọng bất cần, bất chấp tất cả, giọng của người đã nắm được chân lý (Lặng lẽ. tr 145). Và đọng lại là giọng của Ta, một chút ngang tàng, tự khẳng định mình trước hiện hữu (Trước vĩnh cửu. tr.150), Ta can ngăn con người đừng đẩy nhân loại tới gần hố tử thần (Chúng ta chỉ là kẻ tạm trú. Tr.158)
Như vậy, Trịnh Bích Ngân đã “sáng tạo trong sự khác biệt”, đã đi một lối riêng trên dòng chảy của thơ ca Việt đương đại, đã trình diện cho tha nhân, cho nhân loại chiêm ngưỡng thế giới sáng tạo cá thể, riêng biệt và độc đáo của mình”. Chỉ với một tập thơ (có lẽ là duy nhất, nhà thơ bảo vậy), Trịnh Bích Ngân có thể để lại trong lòng người đọc khuôn mặt một nhà thơ đằm thắm, sâu nặng tình người, tình đời; một khuôn mặt thơ, hiện sinh, tự do và Siêu việt.
“Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu” [1 đd]
Nhà văn Bích Ngân nói về sứ mệnh của người cầm bút: “Sứ mệnh nhà văn là khám phá vùng đất vừa hoang sơ vừa bí hiểm của tâm hồn.”[1 đd].
Đó là kinh nghiệm nhà văn rút ra được từ Kinh thánh, từ những bộ sử thi đồ sộ của Homer như Iliad và Odyssey và đặc biệt là từ di sản đồ sộ của các nhà văn đạt giải Nobel văn chương:
“…di sản chữ nghĩa đó, riêng lẻ hay tất cả, đều viết từ thân phận của con người bé nhỏ với khát vọng được sống, được yêu thương, được yên bình mà khởi thuỷ Thượng đế chỉ muốn ban cho họ phước lành và hạnh phúc” [1 đd].
Trịnh Bích Ngân “Nghiêng về phía nỗi đau” “thân phận của con người bé nhỏ”:
“Biết người khác đau
và mình cũng cảm thấy đau
bên kia bến, bên này bờ
những nhịp cầu chênh vênh
trên dòng sông
chảy xiết…”
(Khoảng cách đôi bờ. tr. 68)
…Nỗi đau của tôi
Máu đỏ trong tôi
Vẫn không ngừng chảy”
(Máu vẫn không ngừng chảy. tr.79)
Thơ Trịnh Bích đã chạm đến một vấn đề lớn của nhân loại: Nỗi đau. Vâng, nỗi đau của con người bị đuổi khỏi vườn Địa đàng (St 3, 23); nỗi đau mà Nguyễn Du đã từng kêu lên thống thiết trong trường kỳ nhân gian: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Đoạn trường tân thanh, câu 84). Và nhà thơ Trịnh Bích Ngân nâng niu nỗi đau “của những người biết cười biết khóc, những người không véo von nhân nghĩa, những sinh linh bé nhỏ,…”(tr.54), và “Môt cõi riêng của những kiếp đàn bà” (tr.64). Hoặc nỗi đau khi chứng kiến “…Những người lặng lẽ nhặt rác/ lặng lẽ gom rác và phân loại rác”, nhưng không thể nhặt được thứ rác không rõ dáng hình (tr.156); hoặc nỗi đau sám hối trước những tiếng kêu cứu thất thanh của những người chết cháy trong chung cư: lối thoát nào cho những linh hồn vô tội? “Những nỗi đau/ cuồn cuộn/ khói đen// Tôi ngồi đây/ Hít thở ban mai/ Mà thấy mình/ Có tội”(Lối thoát nào cho nỗi đau. tr.94), làm thế nào để vơi bớt nỗi đau chiến tranh của dân tộc Palestine (tr.132). Phải chăng đó là nỗi đau của chính cõi nhân sinh này:
Vũ trụ không bé như một nắm tay
Và hai cộng hai nhiều khi không phải là bốn
Thế giới này trắng trắng đen đen
Và lòng người đen đen trắng trắng
(Những vị thần được nung qua lửa đỏ. Tr. 91
Thực ra, nỗi đau trong thơ Trịnh Bích Ngân không chỉ là nỗi đau nhân sinh kể trên mà là nỗi đau hiện sinh. Bởi thơ không thể “phản ánh hiện thực” rộng lớn ngoài kia. Bởi người thơ thường đắm mình trong đêm, cắt đứt mọi quan hệ với thực tại xã hội, mà đối diện với chính mình, nhìn ngắm quan sát sự tồn tại của thân xác mình ở đây- bây giờ. Hiện hữu lúc này chỉ còn là dòng ý thức tuôn trào tinh khôi của một hồn thơ tự do, “tự do nội tại”, hiện sinh và Siêu việt. Nhà thơ khám phá hiện hữu của chính mình và cũng từ đó, khám phác sự hiện hữu (tâm hồn) của tha nhân, của nhân sinh.
Nỗi đau của lẽ tử sinh.
Sự sống không khởi đầu
cũng không kết thúc
chỉ là một hành trình
mỗi bước chân cũng là đến đích
những bước chân trên lối đi chưa ai đi
Cái chết không kết thúc
cũng không khởi đầu…
(Ánh sáng của sự lịm tắt. tr122)
Trong ý thức về hiện sinh, đời người thật ngắn ngủi. “vũ trụ có sinh có diệt”(tr.91), không thể chống đỡ được quy luật thời gian (tr. 66), không cưỡng lại được sự tàn phai (tr.37). Hiện sinh là hiện sinh quy tử (being toward death-M. Heidegger). Xin đọc: Một nhân gian bé tẹo (tr. 70), Rồi ai cũng về chốn ấy (tr.121), Dẫu nồng nàn (tr.37)…
Hạnh phúc
một thóang nhẹ tênh
vùn vụt thời gian
ngắn ngủi
đời người…
…mỗi phút giây bao nhiêu sinh mạng bị tước đi
cũng sẽ không làm chậm đi sự chuyển dịch của địa cầu…”
(Nghiêng về phía nỗi đau. tr. 96)
Đối mặt với tử sinh, người theo Phật tìm con đường giải thoát (giải thoát khỏi nghiệp), người theo Chúa trông cậy vào Ơn Cứu Độ, nhà triết học hiện sinh vô thần (Nietzsche, Sartre, Heidegger…) nhìn thấy hư vô, triết gia hiện sinh hữu thần (Kierkegaard, Karl Jaspers) thì từ hiện hữu, thực hiện những cú nhảy, vươn tới Siêu việt (tôi mượn chữ của K.Jaspers)
Trong tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau, người đọc không tìm thấy Tứ diệu đế của Phật, Thiên mệnh của Nho giáo, “vô vi” của Lão giáo để lý giải “nỗi đau” nhân sinh (như Nguyễn Du lý giải 15 năm trầm luân của Kiều bằng Thiên Mệnh và hóa giải kiếp nạn của Kiều bằng chữ Tâm của nhà Phật). Nhà thơ Trịnh Bích Ngân có đến hang Belem, nơi Chúa sinh ra, nhưng chỉ thấy hang Belem lạnh lẽo, và “Chúa kẹt giữa hai loại người vô lại”. Đến sông Jordan, nơi Chúa chịu phép rửa, nhà thơ vốc nước sông và quan sát, “không thấy mây, không thấy trời/ chỉ thấy chỗ nước đục đang chảy qua kẽ tay” (tr. 84). Ở cả hai thánh địa ấy, nhà thơ không thấy “thần tính” của Chúa, chỉ thấy một con người giữa mọi người [[6]]. Trịnh Bích Ngân cũng không khám phá những phạm trù tư tưởng của triết học Hiện sinh, nhưng nhà thơ tiếp cận được hiện sinh theo hướng tích cực và vượt qua hiện sinh, tựa như Karl Jaspers thực hiện những cú nhảy từ sinh tồn sang hiện sinh và từ hiện sinh lên Siêu việt. (Xin lưu ý, sự so sánh nào cũng khập khiễng).
Không dựa vào tư tưởng triết học hay tôn giáo nào để truy nguyên và hóa giải nỗi đau, nhưng nhà thơ Trịnh Bích Ngân tin mãnh liệt vào hiện sinh của con người, từ đó vượt qua hữu hạn của tồn sinh, của thời gian, của không gian, của sống và chết, của hạnh phúc và đau khổ.
Không khoảng cách nào có thể chia rẽ
những trái tim có trong nhau
những linh hồn hòa vào máu của đất
những khát vọng tự do được hoài thai…
(Không khoảng cách nào có thể rẽ chia. Tr.136)
Nhà thơ nói về bác sĩ Li Wenliang (tr. 120):
Và cả khi hồn đã rời khỏi xác
cái chết chưa bao giớ chạm được vào anh.
Nỗi đau không hủy diệt được con người, trái lại nỗi đau làm thăng hoa hiện sinh:
Nỗi đau
những cánh hoa
xòe ra từ lồng ngực
những giọt sương thật trong
tan ra từ tinh cầu
khởi sinh
ánh sáng
(Báu vật. tr. 98)
Và con người, vững chãi trước mọi hủy diệt của tồn sinh:
Cơn bão vẫn chưa qua
nỗi đau vẫn chưa qua
chênh vênh
bước thấp bước cao
trên biển vắng cồn cào
người đàn bà nhặt nắng
Trên đôi vai đã trĩu
nhặt đá sỏi trăm năm
nhặt bình minh ngày cũ
ủ trái tim sóng đôi
dẫu âm dương cách trở
dẫu biển xanh bạc đầu.
(Người đàn bà nhặt nắng. tr.116)
Có nỗi đau một mình ủ kín
Lặng lẽ đâm chồi cây trái ngọc ngà
Có trái ngang ngửa mặt lên trời
Hứng lệ rơi từ cao xanh lộng lẫy
(Vùi thật sâu. Tr. 151)
Như vậy Trịnh Bích Ngân đã đi con đường tư tưởng của riêng mình, “soi chiếu và tự soi chiếu” những cái tồn tại hữu hạn để đạt tới cõi nhân sinh không cùng của tự do.
Chiều đã muộn
Hoa lau trắng cúi đầu trước gió
Ta hồn nhiên như hoa cỏ bốn mùa
Dẫu tích tắc nữa hoàng hôn tím rịm
Chiều đã muộn
Chân trời thêm vội vã
Tiếng cuốc gọi bầy tan tác hoa lau
Ta gọi ta đừng lạc mất nẻo về
Ta gọi ta tháng năm tuổi trẻ
Cháy tận cùng củi lửa trong ta
Và còn lại tro tàn rực rỡ
Một chân trời vẫn ánh bình minh
(Chiều đã muộn. tr.140)
Bài thơ có vẻ đẹp của thơ tư tưởng. Cái đẹp của bài thơ lấp lánh sắc màu của nhiều quan điểm mỹ học đông-tây [[7]]. Có bóng chiều trong thơ Thâm Tâm (Tống biệt hành), thơ Hồ Dzếnh (Màu cây trong khói), có hoa lau trắng ở bến Tầm Dương (Tỳ Bà Hành-Bạch Cư Dị), đâu đây tiếng cuốc vang trong thơ Nguyễn Khuyến (bài thơ Cuốc kêu cảm hứng), và có cái Ta thênh thang giữa đất trời trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Lý Bạch…
Sự khác biệt là ở chỗ, Cái Ta trong thơ Trịnh Bích Ngân là Cái Ta vượt qua hiện sinh. Chiều đã muộn (hàm nghĩa thời gian sắp hết và ngọn lửa nhân sinh sắp tàn). Một tích tắc nữa đêm sẽ xuống. Nhưng Ta không thể bị lạc trong đêm. Ta tự ý thức (điệp khúc: “Ta gọi Ta”), và tự thức tỉnh (“Ta gọi ta đừng lạc mất nẻo về”) để tồn tại: “Cháy tận cùng củi lửa”, dẫu “còn lại tro tàn” và vượt qua hiện sinh: “chân trời vẫn rực rỡ ánh bình minh”. Đó là cuộc Vượt qua lẫm liệt của Christ, đó cũng là chứng ngộ phá tan u minh của Phật: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.
Mạo muội chia sẻ
Nhà thơ Trịnh Bích Ngân đã đi con đường sáng tạo riêng, đã đặt thơ mình vào hành trình tư tưởng. Thơ mở ra về phía trước những rực rỡ của bình minh sự sống, và người đọc đã nhìn thấy chân trời long lanh của hiện sinh Siêu Việt.
Tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” đã chạm tới những vấn đề căn cốt của hiện sinh. Nghệ thuật thơ mở ra “những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vừa là cuộc rong ruổi dạo chơi của ngôn từ”(Người tình thủy chung, tr.4). Người đọc cần có cách tiếp cận thơ Trịnh Bích Ngân khác với cách đọc thơ phản ánh hiện thực, có vậy mới cùng với nhà thơ “bước theo lối đi chưa in dấu chân/ lối đi nào cũng có nắng” (tr.45).
Tháng 8/ 2024
_________________
[1] Nhà văn Bích Ngân: https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/bich-ngan
[2] Bùi Công Thuấn: Thế giới xô lệch và những góc tiếp cận
[3] Bùi Công Thuấn: Đọc Đường đến cây cô đơn
https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/doc-duong-den-cay-co-don-1
[4] Bích Ngân: Vượt thoát, sáng tạo, phẩm hạnh-Ánh sáng chiếu soi
[5] Nguyễn Đình Thi: Mấy ý nghĩa về thơ
[6] Kinh thánh ghi lại thần tính của đức Giêsu: khi Chúa sinh ra ở Belem, trên không trung có thiên thần ca hát (Luc, 2. 13-14). Chúa chịu phép rửa trên sông Jordan, Người từ dưới nước bước lên. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.(Mt 3,13)
[7] Sách Sáng Thế: “Ta là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (St 3,19)