BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
“THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM”, Lịch sử và văn học
Bùi Công Thuấn
***
1.LỊCH SỬ HAY VĂN HỌC?
Thuật tích việc nước Nam [[1]] là tác phẩm của Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874). Văn bản chúng tôi khảo sát là văn bản của Nguyễn Văn Thoa trong cuốn Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn [[2]](Nxb tổng hợp Tp HCM. 2017). Nội dung tác phẩm chia làm hai phần. Phần I: Thuật lại lịch sử truyền đạo Công giáo ở từ thời vua Lê Thần Tông (1627), đến chỉ dụ “Phân sáp” năm 1861, Đức cha Cuénot chịu phúc tử đạo [[3]]. Phần II: tác giả tự thuật cuộc đời mình: từ lúc bị bắt ở Nga Mân đến hòa ước Nhâm Tuất (1862). Sau đó vua cho ông về quê. Ông viết “Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai”.
Hai tác giả Vũ Thu Hà và Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng: “cuốn sách thơ Nôm Thuật tích việc nước Nam của ông là tài liệu quý báu cho những người nghiên cứu lịch sử Thiên chúa giáo nước nhà”[[4]].
Tiến sĩ Wynn Wilcox, nhận xét: “Cha Tuấn bắt đầu câu chuyện lịch sử Việt Nam bằng cách kể lại lúc khởi đầu đầy triển vọng của Kitô giáo tại Việt Nam”. (Father Tuấn begins his narrative history of Vietnam with a retelling of the auspicious beginnings of Christianity in Vietnam) [[5]].
Hình như các nhà nghiên cứu mới chỉ chú ý đến tính chất lịch sử mà chưa xem xét những giá trị văn học của tác phẩm. Lm Đặng Đức Tuấn nói rõ mình thuật lại dấu tích việc đạo để lưu truyền mai sau.
“Nghĩ trong thiên vận tuần hoàn,
Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai”.
Thuật lại là kể chuyện (văn học). Tính chất “thuật”(kể chuyện) khác với kể lịch sử ở chỗ, lịch sử phải được kể lại trung thực, khách quan và có tính chuẩn xác khoa học. Ngôn ngữ lịch sử thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học. Thuật truyện (văn học) là dựng lại sự việc như đang diễn ra trong hiện tại. Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ nghệ thuật (có tính đa nghĩa, tính hình tượng, tính biểu cảm và tính cá thể hóa). Truyện tạo ra thế giới tư tưởng và nghệ thuật. Nói cách khác, hiện thực được miêu tả trong tác phẩm văn học lả một hiện thực-tư tưởng-thẩm mỹ (hiện thực được tái tạo qua lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn, chứa đựng thông điệp gửi đến người đọc).
Tôi đọc Thuật tích việc nước Nam dưới góc độ một tác phẩm văn học, không phải đọc một “tài liệu nghiên cứu lịch sử”.
2.LỊCH SỬ TRONG THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM
Xin hãy đọc một đoạn
Lê Chiêu Thống tìm nơi cầu viện (30)
Qua Thanh triều yên hết giá băng (băng hà: chết)
Tây Sơn mặc sức hung hăng
Phân chia cõi đất, xâm lăng ngôi trời.
Bụi bay khắp chốn đòi nơi,
Gió nghiêng thế nước, nực hơi gian hùng.
Thái Đức, Cảnh Thịnh, Quang Trung,
Trăm hai sông núi ngàn trùng phong ba.
Bắc Nam lừng lẫy binh qua
Xây nền tiếm ngụy đốt tòa vương công (1)
Đàng Ngoài nhẫn đến Đàng Trong,
Lê gia thành quách quạnh không tro tàn.(40)
Nguyễn Chúa tị nạn gian quan
Đã qua Phú Quốc lại hoàn trấn Tiên (Hà Tiên trấn)
Tác giả thuật lại (như một bản tin): Vua Lê Chiêu Thống sang Trung quốc cầu viện
nhà Thanh và chết ở bên đó. Quân Tây Sơn mặc sức tung hoành, tiếm quyền, đốt phủ chúa Trịnh ở Thăng Long. Cơ nghiệp nhà Lê chỉ còn là tro tàn. Lúc ấy Nguyễn Ánh trốn tránh ở Phú Quốc rồi Hà Tiên. Ánh được Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) giúp khôi phục cơ nghiệp:
Bá Đa Lộc quyền làm Giám mục
Chăn chiên lành dưỡng dục khi song
…
Ra tay tá quốc an bang
Dực phù Nguyễn chúa đem sang Tiêm Thành. 60
Vua tôi thầy bạn xuất hành
Mấy trùng non nước tấc thành kim lan
Nguyễn Chúa ở lại Tiêm bang
Đức thầy phượng mệnh lại hoàn Tây dương
Mảnh lo khôi phục cố cương,65
Một phen toan tính, một trường phân ly.
Đông cung niên thiếu ra đi (hoàng tử Cảnh)
Thác cô gánh nặng, quyền thì nghĩa thông.
Trèo non vượt biển mấy trùng,
Một lòng kính ái, một lòng nghĩa nhân.70
Về cố quốc thiệt hơn bày tỏ,
Xin viện binh giúp tộ Nguyễn gia.
Chí lăm cả sáng Danh Cha,
Giửa dân ngoại đạo, mở tòa hội công.
Đem sang binh thủy, thuyền đồng,75
Quyết trừ đảng dữ, dẹp xong mối loàn.
Lại từ kinh quốc Pha Lang,
Nghiêm bày đội ngũ trở sang Nam Kỳ
Vua tôi sum hiệp một khi,
Phong vân hội mở, tuần thì thái lai.80
Khi Giám mục Bá Đa Lộc chết, vua vô cùng thương tiếc
Nào hay biến cuộc thương tang
Cõi trần từ tạ thiên đàng nghỉ ngơi.106
Đức vua thương tiếc rụng rời
Sứt tay tả hữu, mất người phúc tâm
(Câu 105-108)
Lm Đặng Đức Tuấn không kể lại lịch sử như sự thật khách quan đã diễn ra. Ông
đứng trên lập trường nhà Nguyễn, coi Quang Trung là “đảng dữ” gây binh đao tan tành. Ông không nhìn thấy sức mạnh dân tộc khi Quang Trung kéo quân ra Bắc, chỉ trong 5 ngày phá tan 20 vạn quân Thanh, thống nhất tổ quốc.
Lm Đặng Đức Tuấn kể khá kỹ việc Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh khôi phục cơ nghiệp (nhưng không kể cụ thể quá trình suy sụp của Quang Trung, quá trình tái chiếm lãnh thổ của Nguyễn Ánh…)
Lm Đặng Đức Tuấn hết lời ca ngợi vua Minh Mạng:
Năm Minh Mạng cửu trùng kế vị,
Đời thái bình tức chỉ binh qua,
An nhàn khắp chốn gần xa,
Biển đông trong lặng, tuyết hoa rực ngời.
Kính vua thờ Chúa nơi nơi
Vui vầy đời trị, vẽ vời đàng ngay.
Giảng rao đạo Chúa cao dày,
Giải dịch kinh sách, vẽ bày khôn ngoan.164
Nước nhà cường thịnh giàu sang,
Ngỏa nguê tứ thú, an nhàn tứ dân.
(Câu 157-166)
Sự thật là, trong 21 năm cai trị của Minh Mạng, đã có tới 234 cuộc nổi dậy chống triều đình trên cả nước, không thể là “đời thái bình”. Minh Mạng duy trì chính sách bế quan toả cảng của Gia Long. Ông thù ghét đạo Công Giáo và thẳng tay thi hành chương trình tiêu diệt đạo Công Giáo. Nguyên năm 1838, đã có 23 thánh tử đạo đã bị giết hại [[6]], không thể là “Kính vua thờ Chúa nơi nơi”…
Những tường thuật như thế của Lm Đặng Đức Tuấn không thể coi là lịch sử. Vậy Lm Đặng Đức Tuấn kể lại lịch sử từ Lê Thần Tông (1627), đến Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức và chỉ dụ “Phân sáp” 1861 để làm gì?
Có thể nhận thấy rõ điều này, trong cấu tứ và lập luận, Lm Đặng Đức Tuấn chứng minh bằng lịch sử rằng, trong 200 năm (1627-1833), những khi có vua nhân hậu (nhơn hoàng) thì đời sống đạo của nhân dân rất tốt đẹp, đạo Chúa được rao giảng khắp nơi, đất nước thái bình thịnh trị. Lm Đặng Đức Tuấn tô đậm hình ảnh Giám mục Bá Đa Lộc giúp Gia Long cũng để chứng minh rằng, các Thừa sai vẫn có thể hợp tác và giúp vua dựng nước. Ngầm nói rằng, thái độ thù nghịch người có đạo, việc bắt bớ giết hại cái Thừa sai, đạo trưởng thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức là không đúng với tầm nhìn và sách lược của Thế tổ Gia Long.
Tiến sĩ Wynn Wilcox(đã dẫn) cho rằng: “Cha Tuấn đã dùng chiến thuật đồng hoá những quan niệm trật tự, thịnh vượng và hoà bình của Khổng Tử với niềm tin về tầm quan trọng của hoà bình và công bình của Kitô giáo. Chiến thuật tìm kiếm những điểm tương đồng giữa nền văn hoá với Kitô giáo đã là một chiến thuật thường được các cha Dòng Tên sử dụng tại Trung Hoa để cải đạo giới trí thức, và được các thừa sai tại Việt Nam dùng để “hội nhập văn hoá” những niềm tin Kitô giáo… Đối với Cha Tuấn, lịch sử trở thành như một phương tiện để ngài có thể giải bày hết mọi nỗi khó khăn” (Lm Phao lô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ)[[7]].
Tôi nghĩ đó là cách lý giải dưới góc nhìn “hội nhập văn hóa” rất đáng quan tâm. Nhưng xin lưu ý, Lm Đặng Đức Tuấn là người Việt Nam, ngài không cần “hội nhập văn hóa”Việt. Nền tảng văn hóa của ngài là lòng thương người (“Thương người như thể thương thân”), lòng tin vào lẽ thiện của trời đất và đức tin Kitô giáo. Về tư tưởng, ngài nhìn hiện thực theo lẽ biến dịch (Kinh dịch), ngài không tìm lời giải đáp cho những vấn đề xã hội bằng Thiên mệnh của Nho giáo. Là con dân trong nước, ngài hiểu lẽ “hiếu-trung”. Tất nhiên “hiếu -trung” cũng theo quan điểm Việt. Người Việt có “đạo hiếu” thờ ông bà, người Việt trung thành với những chân lý của dân tộc như tôn trọng lẽ phải, coi trọng con người, coi trọng tình làng nghĩa xóm, gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước…Tất cả những giá trị ấy đều hiện diện trong Thuật tích việc nước Nam.
3.HÌNH TƯỢNG NGƯỜI GIÁO DÂN trong Thuật tích việc nước Nam.
Nếu Thuật tích việc nước Nam không phải là mộttác phẩm lịch sử, thì những giá trị văn học của tác phẩm thể hiện ở những yếu tố nào?
Hình tượng văn học là yếu tố đặc trưng, yếu tố trung tâm của một tác phẩm văn học. Trong Thuật tích việc nước Nam vãn, hình tượng trung tâm là hình tượng tập thể giáo dân trên nền của bối cảnh lịch sử xã hội đương thời. Tuy lịch sử được nhắc tới dài hơn 2 thế kỷ, song đây không phải là bối cảnh sử thi.
Hình tượng tập thể cũng đã có trong văn học dân tộc. Trong Bình Ngô đại cáo (1428), hình ảnh “Nhân dân bốn cõi một nhà/ dựng cần trúc ngọn cờ phất phới” mang vẻ đẹp của một sức mạnh mới. Những “dân đen con đỏ” giờ đây là những con người làm nên lịch sử. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861) hình ảnh nghĩa quân Cần Giuộc với tư thế “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;…” cũng là tư thế của cả một dân tộc trước họa ngoại xâm... Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu đều nhận ra sức mạnh của dân, “làm lật thuyền mới biết dân như nước”(bài thơ Quan hải [8]của Nguyễn Trãi). Hai nhà thơ lớn của dân tộc thể hiện lòng in vào dân, và qua đó bộc lộ lòng thương dân vô hạn.
Miêu tả người giáo dân khốn khổ trong thời đại cấm đạo, Lm Đặng Đức Tuấn cũng tin yêu dân với tấm lòng ấy.
Đây là tình cảnh giáo dân bị khảo tra. Ngòi bút hiện thực của Lm Đặng Đức Tuấn miêu tả cận cảnh, đường nét sắc xảo như khắc như tạc:
Mật truyền tỉnh, phủ, huyện đường
Đạo nhân tận số tế tường đầu khai.(1)
Bất kỳ già trẻ gái trai,
Mỗi tháng đòi bắt, điểm hoài lao đao.(2)
Những đi lên xuống, ra vào,
Cửa nhà bỏ đó hư hao kể gì.
Đến quan dạy bảo một khi:
“Bay mà xuất giáo tao thì tha cho!
Đứa nào cứng cổ cưỡng co,
Dây roi có, đó nọc vồ có đây!
Bay đừng quen thói dại ngây,
Đạo ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ.
Khá tua cải quá bây giờ,
Bước qua thập tự, ngõ nhờ ơn tha.
Chẳng nghe tao cũng xẻ da,
Phước đâu chưa thấy tội đà nhuốc nha!”
Thảm thương con trẻ, đàn bà,
Phen này mới thấy huyện nha dường nào!
Quan quân roi vọt hùng hào,
Hết hồn, hết phách, hết tao, hết mày!
. . .
Roi to roi nhỏ đánh bừa
Chẳng kiêng lưng cổ, chẳng chừa đầu đuôi.
Kẻ thời bóp cổ, kéo lôi,
Kéo qua thập tự cho rồi phui pha.
Kẻ thời vồ nọc giăng ra,
Đánh thét vừa mắng, kêu la vang trời…
(Câu 309-338)
_____
- tất cả người có đạo phải đến huyện đường khai báo rõ ràng
- Mỗi tháng huyện đường cho gọi, bắt bớ, điểm danh làm cho dân lao đao
Đọc đoạn thơ, người đọc hôm nay không thể tưởng tượng nổi lại có những cảnh man rợ như thế, chà đạp lên nhân quyền đến thế, coi rẻ sinh mệnh dân đến thế! Chỉ vì đức tin, giáo dân phải chịu bao nhiêu cảnh khổ: “Bất kỳ già trẻ gái trai” đều phải đến huyện đường khai báo tỏ tường. Ở đây, họ bị quan đe dọa, bị nhục hình. Roi vọt đánh bừa “Chẳng kiêng lưng cổ, chẳng chừa đầu đuôi”, bị vồ, nọc giăng ra. Dã man là cảnh người bị bóp cổ kéo qua thập tự. Tiếng thét mắng, tiếng kêu la vang trời. “Thảm thương con trẻ, đàn bà”…,
Năm 1861 vua Tự Đức ra lệnh “Phân sáp”[[9]], đối xử với giáo dân còn tàn bạo hơn:
Trát ra cho các xã làng,
Tựu nha lập tức đợi quan mật truyền.
Dạo rày “phân sáp” các miền
Làm vi canh nhặt, giữ gìn chớ tha.
Làng nào để nó trốn ra,
Tội tình chẳng nhỏ oan gia chẳng vừa.
Dữu dân lớn nhỏ bắt bừa
Dẫn ra thích tự chẳng chừa gái trai. (khắc chữ “tả đạo” lên mặt)
…
Thích rồi quan dạy răn răn
Làm tờ giao lãnh vi bằng một khi
Các làng cứ số lãnh đi,
Dỡ nhà lập tức dẫn tùy theo tay.
Ngạt ngào trăm nỗi đắng cay,
Mưa sa hàng lệ, gió day ngọn sầu
. . .
Ra đi khôn xiết nỗi lo,
Lúa thóc để lại, đói no mặc trời!
Lang thang gánh xách nón tơi,
Giã từ quê quán tới nơi giam cẩm.
…
Mịt mù mấy dặm nước non
Phận cha làng nọ, sáp con làng này.
Chông gai hào lũy bủa vây,
Gông cùm ngang dọc đó đây chất đầy.
Ngậm ngùi trời đất cỏ cây,
Núi Nam chất thảm, biển Tây dẫn sầu.
(Câu 417-464)
Lm Đặng Đức Tuấn không ngăn nổi xúc động khi nhìn những con người bị “phân xáp”: “Ngạt ngào trăm nỗi đắng cay,/ Mưa sa hàng lệ, gió day ngọn sầu”; “Ngậm ngùi trời đất cỏ cây,/ Núi Nam chất thảm, biển Tây dẫn sầu”. Nỗi sầu thảm như núi như biển, nước mắt như mưa, nỗi đắng cay, ngậm ngùi mênh mông cả đất trời. Trong nạn “phân sáp”, cha mẹ lìa con, vợ chồng ly tán, nhà bị dỡ, ruộng đất, thóc lúa bỏ lại, ra đi hai bàn tay không để sống đời giam cầm: “Chông gai hào lũy bủa vây,/ Gông cùm ngang dọc đó đây chất đầy”. Cái hình ảnh tơi tả này làm đau nhói tim gan: “Lang thang gánh xách nón tơi,/ Giã từ quê quán tới nơi giam cẩm”.
Đây là những đoạn thơ tuyệt hay có thể sánh với những đoạn Nguyễn Trãi miêu tả giặc Minh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ vùi con đỏ dưới hẩm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo) đối với dân ta… Nhưng trong nạn “phân sáp”, giáo dân là con dân Việt, vua chúa quan quân cũng là con dân Việt, đạo lý dân tộc ở đâu mà họ hành xử với giáo dân như vậy? Ngoài bọn quan quân, giáo dân còn chịu nạn của bọn hôi của (câu 337-350).
“Sáp” lần thứ hai còn ghê gớm hơn:
Sáp lần trước cực đà chết xẻ,
Cải sáp này quá lẽ lao đao…
…
Lại phải bỏ đó mà đi,
Sáp qua làng khác sầu bi bàng hoàng.
Loi ngoi lách ách ngoài đàng,
Kẻ gánh trẻ nhỏ, người mang đồ lề.
Cực sao mà cự gớm ghê!
…Ai ai cũng là người đời,
Bế tệ dường ấy, đất trời hay chăng?
Nghĩ buồn lại biếng nói năng,
Làm thinh ngồi đó biết ăn đí gì!
Sầu bi lại lấp sầu bi,
Thảm thương mấy kẻ ở vi qua đời.
Lâm cơn chếch mếch đòi nơi, (lâm chung-chết)
Không ai tụng sách, không người rước cha…
Cả đoạn thơ là một nỗi đau buồn “ghê gớm” vì cảnh lao đao quá đỗi do phân sáp lần thứ hai gây ra. Phần xác đã mất, người giáo dân còn thiệt thòi cả phần hồn khi qua đời “Không ai tụng sách, không người rước cha…”. Tác giả lên tiếng hỏi trời: “Bế tệ dường ấy, đất trời hay chăng?”. Người Việt, trong mọi tình huống khó khăn, đều kêu trời (đó là văn hóa Việt, niềm tin vào trời đất. Nhà bên lương có bàn thờ Thiên, dưới chân bàn thờ thờ ông Địa).
Hình ảnh được chụp cận cảnh này của giáo dân gây ấn tượng mạnh:
Lại phải bỏ đó mà đi,
Sáp qua làng khác sầu bi bàng hoàng.
Loi ngoi lách ách ngoài đàng,
Kẻ gánh trẻ nhỏ, người mang đồ lề.
Cực sao mà cự gớm ghê!
Người đọc không nhìn rõ chân dung nhân vật bởi họ là những con người trong đám đông, những “dân đen con đỏ”, những “tiểu tốt vô danh”, nhưng hành vi, cử chỉ, số phận của họ thì hiện lên rất rõ. Những người bị phân sáp đã bi thảm nhưng những người lẩn trốn cũng lao đao không kém (câu 508-550).
Trên nền của hình ảnh đám đông giáo dân, Lm Đặng Đức Tuấn ghi lại cụ thể, chi tiết hình ảnh Đức cha Cuénot Thể bị bắt ở Gó Bồi cùng với những người trong gia đình ông Quả, bà Lưu. Tất cả bị đóng cũi giải đi và bị tra tấn (câu 554-608). Đức cha bị bịnh và qua đời. Hình ảnh Đức cha nhân từ, đẹp lẫm liệt.[[10]]
Các cha bắt được lần hồi
Đức thầy bắt tại Gò Bồi thị Lưu
…Đức thầy khát nước thiết tha
Ở trong lẫm lúa bước ra bề ngoài
Quan quân xem thấy kinh oai,
Kêu la truyền báo dậy tai vang làng
…Quan đòi ông Quả vào dinh
Nọc căng, roi tấn, nát mình xỉa da.
Thầy Tuyền cũng bị khảo tra
Đau đớn quá sức kêu la vang trời.
Tất cả những sự khó ấy được nhìn dưới ánh sáng đức tin:
Chúa dùng sự khó thử ta
Gian nan dưới thế, vinh ba trên trời.
Lm Đặng Đức Tuấn gửi gắm điều gì trong hình tượng tập thể người giao dân trong tác phẩm này?
Có một điều ngầm hiểu rằng, viết về việc các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cấm đạo đương thời, khi tác giả đang là con dân dưới quyền của các đấng thiên tử, nếu không khéo sẽ mang tội khi quân. Vì thế Lm Đặng Đức Tuấn đã không truy nguyên các chỉ dụ cấm đạo của Minh Mạng, Tự Đức; không làm rõ lý do tại sao các vị vua này thù ghét và muốn tiêu diệt đạo Công giáo; cũng không kết tội những gì các vị vua này gây ra cho giáo dân.
Dù vậy, ngòi bút hiện thực, và sự trung thực của lương tâm Công giáo của Lm Đặng Đức Tuấn kết tụ trên trang văn, giúp người đọc tin chắc rằng những gì được “thuật” lại là sự thật. Đã có một lịch sử hơn 200 năm kể từ Vĩnh Tộ (1627-1862) người Công giáo cùng với các Thừa sai phương Tây sống “tốt đạo đẹp đời” ở triều đại của các vị vua nhân hậu. Đã có Thừa sai (Pierre Pigneau de Behaine) giúp Thế tổ Gia Long dựng nghiệp. Nhưng giáo dân đã bị bách hại “ghê gớm” do những chỉ dụ của Minh Mạng và chỉ dụ “phân sáp” (1861) của vua Tự Đức, khiến cho cả người sống cũng như người chết “lao đao”.
Dưới cái nhìn của lẽ biến dịch (“Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông”) và đức tin Kitô giáo, Lm Đặng Đức Tuấn nhìn những cơn bách hại ấy, những oan khiên ấy là thử thách của Chúa, để nhiều người được nên thánh.
Đương cơn lụy tiết dưới đời
Đã nhiều người thánh về nơi thiên đàng
(câu 227-228)
_____
(lụy tiết: ý chỉ tội oan)
Vì thế, hình tượng giáo dân trong Thuật tích việc nước Nam được khắc họa không phải “phản ánh hiện thực” để phê phán, mà là để nêu gương nên thánh của giáo dân Việt, cũng là nói rõ về những cách “ứng xử” mà Kinh thánh đã dạy: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế”(Mt 5, 11-12).
Chính mục đích miêu tả này đã tạo nên sự khác biệt căn bản tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn và các tác phẩm đương thời (thí dụ, những trang tố cáo tội ác của chế độ phong kiến trong truyện Kiều, hoặc thơ văn tỏ lòng Trung hiếu của Nguyễn Công Trứ với Nhà Nguyễn…).
Hình tượng người giáo dân trong Thuật tích việc nước Nam mang vẻ đẹp của Mỹ học Kitô giáo, vẻ đẹp của chính Chúa Giêsu chịu nạn và Phục sinh. Họ chịu bách hại vì Đức Kitô và họ sẽ được gặp ngài: “Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy… Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời (Mc.13,24-27).
4. TỰ TRUYỆN CỦA TÁC GIẢ
(Phần II, Thuật tích việc nước Nam)
Đặng Đức Tuấn đương hồi bản đãng
Thuật lại đây chuyện vãn cho cùng.
(Câu 623-624)
Lm Đặng Đức Tuấn thuật lại việc theo phái đoàn Phan Thanh Giản và Lâm Văn Hiệp ký hòa ước Nhâm Tuất 1862. Sự việc được kể chi tiết về ngày giờ, nơi chốn, sự việc diễn ra đối với ngài.
Đang lúc cấm đạo ngặt nghèo, Lm Tuấn bị bắt ở Nga Mân, bị giải đi huyện Mộ Đức. Quan thấy Lm Tuấn có các bản điều trần bèn giải lên tỉnh. Ở tỉnh, quan án sát bắt Lm Tuấn làm tờ khai. Vì những lời Lm Tuấn khai không thể kiểm chứng, quan cho tra tấn hai vòng, 36 roi, Lm Tuấn quá đau. Lúc ấy có quan ngoài kinh vào thám thính tình hình, quan tỉnh trình các bản điều trần của Lm Tuấn. Quan Kinh nói các bản điều trần đắc lực phải dâng lên vua. Năm ngày sau có chỉ giải Lm Tuấn ra kinh đô. Ở Huế, các đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp tra vấn Lm Tuấn 2 điều: Một là, về đạo Da tô. Hai là, hỏi về giặc Tây, chúng đến đây quấy rối là vì cớ gì. Lm Tuấn trả lời thông, được cho về nghỉ. Quan lại dạy Lm Tuấn làm điều trần nữa để dâng vua. Vua cho phái đoàn Phan-Lâm từ Huế vào Gia Định nghị hòa, Lm Tuấn được vua cho đi theo. Trong khi nghị hòa, hai đại thần Phan-Lâm hỏi ý kiến Lm Tuấn rằng, Pháp “Xin bồi ngũ bách vạn nguyên/ Xin giao sáu tỉnh thì yên mọi đàng”. Lm Tuấn nói: “Đòi bồi thì chịu, đừng giao tỉnh thành”. Sau đó phái đoàn đã ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 mà theo Lm Tuấn “Trong 12 khoản ngặt hai ba điều”. Đòan trở về Huế được đón tiếp tưng bừng. Ngày 14/5, Lm Tuấn được vua cho về quê. Ngày 19/5 có chỉ tha phụ nữ, lão ấu. Ngày 14/6 có chỉ tha nam tráng, đầu mục. Vua có chỉ đòi Tuấn vào Huế vài lần. Nghĩ đến ơn Chúa cao sâu, Lm Tuấn viết “Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai”.
Việc viết “tự truyện” trước Lm Đặng Đức Tuấn đã có Lê Hữu Trác viết Thượng kinh ký sự (1783). Lê Hữu Trác kể lại việc lên kinh đô chữa bịnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán.
Trong Thuật tích việc nước Nam Lm Đặng Đức Tuấn tập trung vào việc ông bị bắt, rồi từ một tù nhân, ông trở thành tùy viên phái đoàn Phan-Lâm thương thuyết hòa ước Nhâm Tuất 1862. Thậm chí hai đại thần Phan Lâm còn hỏi ý kiến ông. Những điều như thế làm kinh ngạc quan lại ở kinh đô Huế thời bấy giờ mà còn làm kinh ngạc cả chúng ta hôm nay. Bởi nó chứa đựng những điều “nhạy cảm” trong mối quan hệ giữa triều đình và Công giáo. Lm Tuấn đã trả lời rành rẽ, ngài thuyết phục được hai đại thần Phan-Lâm (cả vua Tự Đức) về Kitô giáo và về sách lược đối phó với giặc Tây (xin xem thêm 6 bản điều trần để rõ thái độ và tư tưởng của ngài). Đó cũng là những vấn đề lớn tồn tại đến hôm nay, đó là những định kiến về người Công giáo trong cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.
Phần tự truyện của Lm Tuấn còn để lại nhiều thông tin quý giá về tình hình quan lại triều đình Huế trước vấn đề nghị hòa, về thái độ nghi ngờ đối với “đạo trưởng” (linh mục), về chuyến đi tàu và cảnh đón tiếp ở Gia Định, ở Huế. Ngòi bút ghi chép của Lm Tuấn sắc xảo, sinh động và rất hiện đại. Tuy kể chuyện mình, song Lm Tuấn quan tâm nhiều hơn đến tình hình xã hội bên ngoài. Có lẽ ở cương vị của ông, ông không được phép phân tích phê phán hòa ước 1862 (ông chỉ nói trong 12 khoản của Hòa ước có hai ba điều ngặt). Cũng có thể, điều ông quan tâm là giải độc những định kiến tôn giáo của thời đại và làm sao để những giáo dân bị bắt vì các chỉ dụ cấm đạo được sớm tha về. Vì thế trong tác phẩm, Lm Tuấn thuật lại rất kỹ những ý kiến của mình về đạo Da Tô, về giáo dân, về thái độ trung với vua chống pháp (câu 769-834).
Và có lẽ Lm Tuấn muốn nói với giáo dân hậu lai về chính cuộc đời mình, đó là sự dấn thân tích cực vào cuộc đời để loan báo Tin Mừng. Dù có bị nghi ngờ, bị bắt tra khảo nhưng lòng đạo cùng với lòng yêu nước thương dân của ngài tỏa sáng đủ sức cảm hóa triều đình thời bấy giờ. Trong Thuật tích việc nước Nam, Lm Tuấn không hề bận tâm gì đối với “công trạng” mình làm được. Ông kết luận, mình là kẻ đầy rẫy tội lỗi, nhưng nhờ lòng Chúa khoan nhân nên vượt qua được gian nan, vì thế xin thuật lại để truyền mai sau, vì “Thiên vận tuần hoàn”:
Ngẫm mình đầy rẫy tội khiên
Chúa chưa kêu gọi gần miền nghỉ an.
Trải qua một trận gian nan,
Nghĩ coi ít kẻ vẹn tròn trước sau
Chúa tôi nhân thứ cao sâu,
Nếu cứ công thẳng, ai hầu dám đương.
Nghĩ trong thiên vận tuần hoàn,
Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai.
(Câu 1021-1028)
5. TÀI NĂNG VÀ SỨC MẠNH VĂN CHƯƠNG
Những bản Điều trần (thuộc thể chính luận) của Lm Đặng Đức Tuấn giúp người đọc hiểu rõ thái độ VÀ tư tưởng yêu nước chống Pháp của một linh mục trước tình hình đất nước. Qua những tác phẩm văn chương (Thuật tích việc nước Nam vãn, Tự tích Đức cha Thể vãn…) Lm Đặng Đức Tuấndựng lại cả thời đại đầy biến động đương thời (Tây Sơn, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thực dân Pháp xâm lược…).
Trên nền bối cảnh ấy, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn đem đến cho văn học Việt nhiều điều mời mẻ cả về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là sự kết hợp lẽ biến dịch với đức tin Ki tô giáo để lý giải hiện thực, là thái độ chống pháp quyết liệt. Ngòi bút của Lm Tuấn cũng khắc tạc được những hình tượng điển hình của thời đại là hình tượng giáo dân trong cơn bách hại, hình tượng Đức cha Cuénot Thể, người mục tử giữa đoàn chiên, lẫm liệt trước bao sự dữ. Bút pháp hiện thực tinh tế sắc xảo, kết hợp với Mỹ học Kitô giáo cùng với lương tâm của một linh mục trước thời đại đã tạo nên những trang văn giàu tính hiện thực, tính lịch sử, tính đối thoại tư tưởng và tính thẩm mỹ. Có thể khẳng định, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn là một thế giới tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc đóng góp cho văn học Việt Nam đương thời, và những giá trị còn mãi đến hôm nay.
Tháng 6/2023
[1] Về nha đề tác phẩm, Nguyễn Văn Thoa gọi là: Thuật tích việc nước Nam vãn.Các tác giả khác như Vũ Thu Hà, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lã Minh Hằng (Viện Hán Nôm) vẫn gọi là Thuật tích việc nước Nam.
[2] Nguyễn Văn Thoa-Thuật tích việc nước Nam vãn, đã hiệu đính từ bản của Viện nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu AB196, MF1848, sao lại năm 1940. Vãn này làm theo thể thơ trường thiên Lục bát biến thể, dài 1028 câu, kèm 11 bài thơ Thất ngôn bát cú và một bài tứ tự dài 88 câu.
[3] Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn (Nxb tổng hợp Tp HCM. 2017), tr.64.
[4] Vũ Thu Hà, Nguyễn Ngọc Quỳnh-Linh mục Đặng Đức Tuấn và cuốn sách Thuật tích việc nước Nam
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=496&Catid=225
[5] Wynn Wilcox, Western Connecticut State University, USA- A Nôm Source on Nineteenth-Century Vietnamese History: Đặng Đức Tuấn’s Thuật tích việc nước nam. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ.https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/ky-niem-160-nam-ban-dieu-tran-cua-cha-dang-duc-tuan-thuat-tich-viec-nuoc-nam-nguon-chu-nom-va-lich-su-viet-nam-the-ky-xix-4530.html
[6] Trần Văn Cảnh-Chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng
[7] Wynn Wilcox: “Father Tuấn takes the time-honored strategy of equating Confucian conceptions of order, prosperity, and peace with similar Christian beliefs about the importance of peace and justice. This strategy of searching for equivalencies between literati culture and Christianity had been one frequently used by Jesuits in converting literati in China, and had been one of the major ways in which missionaries in Vietnam had tried to “inculturate” Christian beliefs as well”
[8] Nguyễn Trãi-Quan hải. “Phúc chu thủy tín dân do thủy”
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Tr%C3%A3i/Quan-h%E1%BA%A3i/poem-o8HaXeEyR21CIUGTUVs8_A
[9] Năm 1861, vua Tự Đức ra chỉ dụ phân sáp toàn diện, nội dung gồm năm khoản: “1- Tất cả già, lớn, bé, nam, nữ Công Giáo phải chia ra phân tán vào các làng lương không Công Giáo. 2- Các làng không Công Giáo phải nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người Công Giáo. 3- Các nhà Công Giáo bị phá hủy, đất đai trao cho các người lương canh tác để nộp thuế. 4- Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ tả đạo ở má trái và nơi lưu đày ở má phải”.
[10] Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn và những đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật (Đọc Tự tích Đức cha Thể vãn). Nguồn: vanthoconggiao.net