TRUYỆN NGẮN KHÔI VŨ
Bùi Công Thuấn
Nhà văn Khôi Vũ và Bùi Công Thuấn (ảnh riêng của BCT)
Tôi đã đọc được khoảng 80 truyện ngắn của Khôi Vũ (*), những truyện đã được in hoặc đăng rải rác, trong các tập: Già lửa, nhà xuất bản Đồng Nai 1988, Tri thiên mệnh, nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 2001, Phù Phiếm Bên Biển, nhà xuất bản Văn nghệ 2010, đây là tuyển tập truyện ngắn của Khôi Vũ do báo Tuổi Trẻ chọn đăng trong khoảng 25 năm (1984-2009), Đàn ống tre bên kia sông, nhà xuất bản Đồng Nai 2013, và Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2014. Dõi theo thời gian ghi ở cuối truyện, 80 câu truyện ấy nằm trong một chặng đường sáng tác hơn 30 năm của Khôi Vũ (truyện Cây buông già. 1981), và đủ khẳng định những đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn của ông.
1.Nhà văn thế sự và những câu chuyện thời sự.
Không phải tình cờ mà báo Tuổi trẻ đăng nhiều truyện ngắn của Khôi Vũ. Là vì những truyện ngắn ấy đề cập đến những vấn đề thời sự. Viết về những chuyện báo chí đã đưa tin là rất khó, bởi tác phẩm văn chương không thể theo kịp dòng thời sự trên báo, và làm thế nào để biến một bản tin thành tác phẩm nghệ thuật có thể đứng được lâu dài. Khôi Vũ đã làm được điều này khi ông tái hiện bản tin tức thời sự dưới cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn. Và vì thế đọc văn chương thời sự của Khôi Vũ rất thú vị.
Khôi Vũ quan tâm đến khá nhiều vấn đề thời sự. Chẳng hạn, chuyện người Việt sang Campuchia đánh bạc bị bắt làm con tin (Vé số quê nhà), chuyện có những cô gái Việt bị an ninh Singapor bắt và trục xuất ở phi trường vì bị nghi sang Singapor làm gái mại dâm (Cào cào tuổi nhớ). Đã có một thời rộ lên chuyện người nông dân bán đất, cầm tiển tỷ trong tay làm ăn, bị lừa mất sạch (Lỗ mọt), chuyện người công nhân làm cho công ty nước ngoài bị chủ ngược đãi (Say nắng). Nhiều “chuyện thường ngày” ở các cơ quan, như nhờ thói ngậm tăm mà “ông” được lên Phó Giám Đốc (Thói ngậm tăm), chuyện họp hành tẻ nhạt (Một cuộc họp), chuyện xin việc, làm sao...”tìm được một nơi làm việc mà không phải làm điều quấy không phải nói dối và hối lộ”(Bản tự truyện thay đơn). Công luận đã lên tiếng nhiều về vấn đề ô nhiễm mội trường. Dòng sông quê, dòng sông chảy qua Cù lao Phố,”dòng sông đang bị giết chết”(Vòng luân hồi của nước). Khôi Vũ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ loài vật (Con sáo nâu biết nói tiếng Việt). Nhà văn cũng phê phán những hiện tượng suy đồi về văn hóa, đạo đức như những chương trình ca nhạc không nghệ thuật (Trái chín giú), lối sống thực dụng của đời sống kinh tế thị trường (Nhà trên ao), chuyện tình cũ không rủ cũng đến (Lần thứ ba), đánh ghen (Ngàn sao), những tình cảnh ngang trái (Trái dưa tây lép) và nhiều câu chuyện trong các chuyến du lịch (Chay ở Chai, Trẻ con không trẻ con, Con sáo nâu biết nói tiếng Việt, và phần tạp văn Ngày tháng trôi như nước sông)…
Từ những chyện thời sự, Khôi Vũ nâng lên thành chuyện thế sự, chuyện đời, những chuyện của mọi thời. Đó là những cảnh đời, những thói đời, những quan hệ giữa phức tạp giữa người với người mà ông chứng kiến, và suy gẫm. Từ đây, nhiều truyện của ông được soi chiếu dưới ánh sáng minh triết. Truyện ngắn Tri thiên mệnh là một thí dụ. Ông viết: “Năm ấy tôi 23 tuổi may mắn đã ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi.”
Khôi Vũ cười những kẻ háo danh (Nhà thơ), những kẻ làm Trò khỉ, ngán ngẩm cái thời đại thời đại ai cũng là Vĩ nhân. Ông ghét những kẻ chuyên làm ma sống rình mò hãm hại người khác (Hội làm ma). Ông đau đớn chỉ ra rằng chữ của nhà văn thời nay toàn là Chữ giả. Nhà văn chẳng khác gì con bồ chao, dù nó đã thoát khỏi lồng, nhưng vẫn chui trở lại và thích hót ở trong lồng, vì trong lồng có đồ ăn thức uống (Con bồ chao đoạt giải). Khôi Vũ kể Tình mèo để nói về thói Sở Khanh: “Thế con người hơn con mèo ở chỗ nào mà người ta lại dám nghĩ xấu về loài mèo khi thường nói: đồ mèo mả gà đồng?”. Ngôi nhà chữ Đinh kể câu chuyện về một thầy giáo có học trò thành đạt, đối xử với thầy trọn tình trọn đạo. Học trò bỏ nhiều tiền sửa ngôi nhà chữ Đinh cho thầy, và thầy mãn nguyện nhắm mắt. Nhưng thầy có biết đâu, ngay sau khi thầy rời xa cõi người, học trò đã phá bỏ ngôi nhà chữ Đinh ấy, nghĩa là phá bỏ tất cả những truyền thống, những giá trị thầy gìn giữ, để thay vào đó cái thực dụng.
Khôi Vũ sống gần với người lao động, ông đứng trên nhân nghĩa của người lao động mà đánh giá các vấn đề xã hội. Ông tận mắt chứng kiến họa sĩ dân gian vẽ những kẻ hai mặt và nhận ra rằng những kẻ tham nhũng thường sợ bị phơi mặt thật (Họa sĩ biếm dân gian). Trên một chuyến xe Đa Lạt về, nhà văn chứng kiến và ngẫm nghĩ bao điều:” …những chiếc xe tranh khách chạy với tốc độ trên trăm cây số biết lúc nào để xảy ra tai nạn. Như cô bé tuổi học trò đã sớm yêu đương. Như chị phụ nữ đếm tiền hàng chục triệu mà xài điện thoại đời cũ anh thanh niên kỳ kèo từng năm ngàn đồng… (Cái vết trắng). Khôi Vũ ca ngợi ông Bành Ky (Hảo hớn), một kẻ phải bú chó mà sống, đã bênh vực kẻ yếu, không tha thứ cái xấu, thông cảm tình cảnh cô gái giang hồ. Khôi Vũ đứng ở vùng trũng cổng chợ (Buổi sáng) để lắng nghe câu chuyện của những cảnh đời dưới đáy. Hoặc chia sẻ của người bán dưa vào 30 tết (Nỗi buồn dưa hấu), chia sẻ cảnh đời công nhân khó khăn (Máng trượt) hoặc ngậm ngùi trước khát vọng của con người bị chà đạp (Hoàng hôn). Ông đã miêu tả thật ấm áp tình người của xóm gầm cầu khi nơi họ ở vị giải tỏa (Đám bông 10 giờ bên mố cầu). Truyện ngắn Tiền sạch là một chút xót xa cho tình cảnh một người về hưu, muốn sống lương thiện nhưng bị lợi dụng mà không biết. Mùi phở là khát vọng của một người ông ăn nhịn để dành mong cho con cháu học hành làm quan. Người đàn bà nhặt bông sứ bị rắn cắn chết để lại trong lòng nhà văn nhiều day dứt: ”Mỗi buổi sáng nhìn qua vườn sứ tôi lại nhớ đến một người nhặt hương cho đời cuối cùng chỉ nhặt lại cho mình có chăng lòng nhớ thương của dăm ba người nào đó như tôi…”.
Tôi thích những câu truyện mà Khôi Vũ dẫn người đọc thâm nhập rất sâu những cảnh đời dõi theo những số phận, để khám phá những vấn đề có ý nghĩa tư tưởng. Ở những truyện này, Khôi Vũ có vốn sống đầy đặn, có bút lực mạnh mẽ, có tình Người ấm nồng, nhờ đó truyện giàu ý nghĩa tư tưởng. Người đập tường đá là sự thăng trầm của kiếp người, hình như có nhân có quả. San hô nỗi buồn đau đáu về phận người xin ăn la liệt ở ngay dưới chân đức Phật (nơi tham quan), nhưng không biết Ngài có quan tâm không! Tìm ngọc là đi tìm cái hạnh phúc đích thực ở đời, tình yêu chân thực đó chính là ngọc. Lời của thác là chọn lựa thái độ trung thực, nương tựa vào chính mình. Mưa biển là một suy nghiệm triết lý, mình không thể giữ được những gì không thuộc về mình. Biển là sự tra vấn lương tâm: ”Tội lỗi của con người có thể che dấu trước mọi người chung quanh, trừ chính y”; “Biển già đến bạc đầu sóng mà vẫn cứ hồn nhiên, cớ sao con người chỉ lo đối phó với cuộc sống, với đồng loại thay vì sống hồn nhiên hơn, để đến nỗi chỉ có trăm năm một đời người, đầu đã bạc” . 72 giờ sau là câu chuyện linh hồn một người đã chết, kể truyện đời mình. Anh ta đã sống rất tốt, rất chuẩn mực và cuộc ra đi cũng được tổ chức tốt đẹp. Nhưng sau đó, chẳng còn ai nhắc tới anh ta nữa vì “cuộc đời anh chẳng có gì để nhắc. Trừ chuyện anh bị chiếc xe tải nhỏ không chịu dừng đèn đỏ tông chết. Nhưng chuyện ấy thì bà bán quán đã nói một lần rồi! Mà ai cũng biết!”. Khôi Vũ đặt vấn đề, đâu là giá trị của đời người? Là cách sống chuẩn mực? Hay là ở những gì mình làm được cho đời?
Trả lời cho vấn đề đó, Khôi Vũ hướng về cuộc đời. Thái độ sống của các nhân vật trong tập truyện ngắn Đàn ống tre bên kia sông là một lời khẳng định. Đây là tập truyện ngắn Khôi Vũ viết riêng về con người Đồng Nai. Cây buông già ca ngợi ông Năm Đán, con người Đồng Nai tiên phong, kiên định, tình nghĩa. Thần nông lên đồi khắc họa con người Đồng Nai kiên cường trong đấu tranh, cũng kiên định trong lao động sản xuất; sống có nghĩa có tình, có lý tưởng. Thầy thuốc búi tó là ông già Hưởng, như thần Dớt nổi giận trước sự suy đồi văn hóa văn hóa. Quán xe thồ viết về Bảy Năng, cán bộ hưu trí, người tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp. Bảy Năng giúp cho Hổ Trâu điên, nguyên là lính Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức đoàn xe thồ làm ăn, vì Bảy nhận định Hổ không là người xấu, hướng cho anh ta đi đúng thì sẽ tốt. Đất sóng là vùng đất làm khó con người. Nhiều mảnh đời người cũng trăn trở như đất, cuối cùng đã hiểu mình hơn Những con người như Sơn, Tuấn đang là con chim B’rling bay lên. Đàn ống tre bên kia sông là bài ca đầy tin yêu về đất nước này, về cuộc sống này, tình yêu Khôi Vũ dành cho quê hương Đồng Nai.
- Sự phong phú nghệ thuật truyện ngắn của Khôi Vũ
Có thể nói Vé số quê nhà là một “kiểu mẫu” về cấu trúc truyện ngắn của Khôi Vũ, những truyện ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ. Cấu trúc ấy có dáng dấp trong các truyện Thói ngậm tăm, Ngủ cùng rắn mối, Nỗi buồn dưa hấu, Họa sĩ Biếm dân gian, Hoàng hôn, Về hưu, Tiền sạch, Ghét học, Mùi phở, Đám bông mười giờ bên mố cầu, Cào cào tuổi nhớ…Truyện thường mở đầu bằng một cảnh ở hiện tại, rồi phát triển bằng những cảnh kể lại lai lịch nhân vật, đầu đuôi câu chuyện. Cách dựng cảnh như trong tiểu thuyết. Có thể xen kẽ những cảnh giữa quá khứ và hiện tại, và sau cùng trở về hiện tại giải quyết vấn đề nêu ra ở cảnh mở đầu. Vé số quê nhà là một kiểu mẫu truyện ngắn Khôi Vũ.
Cùng một cách dựng truyện, nhưng Khôi Vũ tạo được nhiều màu sắc thẩm mỹ riêng. Tìm ngọc có dáng dấp truyện đường rừng. Các cảnh trong Mưa biển được dựng như trong phim hành động. Nhiều truyện mang đặc điểm truyện khôi hài có hàm ý phê phán nhẹ nhàng như Chay ở Chai, Thói ngậm tăm, Mùi phở, Nhận giải thưởng, Nỗi buồn dưa hấu, Vai Phụ, Một cuộc họp, Con bồ chao đoạt giải, Bong võng mạc, Ghét học…Nhiều truyện như những ẩn dụ: Chữ giả, Tình mèo, Trò khỉ, Ngôi nhà chữ Đinh, Hội làm ma, Ngựa ô, 72 giờ sau, Giờ Thiền…Những truyện hiện thực giàu tình cảm nhân đạo có sức hấp dẫn riêng: Người đàn bà nhặt bông sứ, Đám bông mười giờ bên mố cầu, Người đập tường đá, Hoàng hôn, Ngàn sao, Say nắng, Trái dưa tây lép, Đất sóng, Người bệnh cuối ở Long Giao…
Nếu để ý, bạn đọc thể phát hiện Khôi Vũ có những sáng tạo chi tiết rất “độc”, thí dụ tư thế nằm ngồi của ông Phó Bí thư trong Bong võng mạc. Sau phẫu thuật, ông phải ở trong tư thế “nằm thì phải nằm sấp ngồi thì phải cúi gập đầu thẳng góc với mặt đất…một tư thế chẳng giống ai… Nhiều lúc ông chỉ muốn bật cười khi nghĩ rằng mình đang ở thời kỳ phải “cúi đầu sám hối” “không được ngẩng mặt nhìn đời”. Nhưng cái thế nằm úp sấp lại giúp đôi tai ông phát huy được tối đa thính lực nghe rõ từng lời thăm hỏi hoặc trò chuyện với nhau của khách…và… Ông biết được nhiều chuyện của nhân viên mà ông không ngờ tới. Cũng vậy, chi tiết kết truyện bất ngờ trong Hội làm ma làm bật ra chủ đề vừa vừa đau đớn vừa cay đắng, vừa nâng một câu chuyện được tả rất thực thành như là một ẩn dụ. Tôi rất thích sự sáng tạo tình huống giàu tính tư tưởng trong Chữ giả.
Đặc sắc văn Khôi Vũ còn ở bút lực mạnh mẽ trong nhiều truyện như: Người bệnh cuối ở Long Giao, Đất sóng, Hảo hớn, Biển, Người đập tường đá, Mưa biển…Những truyện này thể hiện đúng cái khí cốt dữ dội, khoáng đạt của Khôi Vũ, nhà văn “cầm tinh con hổ”. Ở chiều ngược lại, Khôi Vũ lại có những trang văn miêu tả rất chừng mực những cảnh sex “trần trụi”(Vé số quê nhà, Cào Cào tuổi nhớ, Lần thứ ba… ) Khôi Vũ miêu tả vừa đủ để thể hiện chủ đề, và dù trần trụi thế nào, ông giữ được vẻ đẹp ngòi bút giàu chất nhân văn.
Những đoạn miêu tả bối cảnh, miêu tả chân dung, tả diễn biến tâm lý nhân vật được giản lược đến mức chỉ vừa đủ giúp người đọc hình dung ra nhân vật trong không gian thời gian. Khôi Vũ dành bút lực cho dựng truyện, xây dựng nhân vật, viết lời thoại và đặt vấn đề. Những nhân vật thành công của Khôi Vũ là nhân vật có tính cách Nam Bộ (ông Bành Ky trong Hảo hớn, Chín Tàng trong Biển, nhân vật Ba tôi trong Lời của Thác, Bảy Năng trong Quán xe Thồ…). Nhưng tôi cho rằng tài nằng của nhà văn là ở việc đặt được vấn đề để suy gẫm.
Có lần tôi ở chung phòng khách sạn trong một trại sáng tác với Khôi Vũ. Ông xoay trần ra viết. Lúc thư giãn, ông kể cho tôi nghe chuyện gia đình. Lần ấy ông đang dự trại sáng tác và nhận được tin con trai nhập viện vì sốt xuất huyết, ông phải đón tàu về gấp, và tức tốc vào bệnh viện thăm con. Tôi nghe truyện không mấy hào hứng vì những chuyện như vậy ai cũng có lần gặp phải. Tôi nghĩ, Nhà văn phải kể những chuyện mới lạ, đặt những vấn đề lớn lao, còn chuyện gia đình riêng chẳng có gì đáng nói, vì nó là chuyện thường ngày. Tôi chỉ nghĩ, ông nhà văn này cũng biết thương con như mọi người cha trên đời…Và tôi đọc ngạc nhiên khi đọc truyện Đời thường của ông. Nội dung truyện đúng như những gì ông đã kể cho tôi nghe. Và tôi nhận ra cái tài của Khôi Vũ. Ông đã chuyển hóa một truyện đời thường rất ít tính truyện thành một chuyện văn chương có nhiều điều suy gẫm… rằng trong cuộc sống, còn rất nhiều người tử tế, người tốt. Viet Nam News chọn dịch Đời thường ra tiếng Anh với tựa đề: Such is life không phải là tình cờ…
Nảy ra câu chuyện từ hiện thực, đặt được vấn đề từ những cái đời thường tưởng không có gì đáng quan tâm và cảm nhận được cái đẹp giữa dòng đời xô bồ, cuồn cuộn, đó là tài viết văn của Khôi Vũ, một nhà văn chuyên nghiệp (xin đọc Chữ Giả, Thói ngậm tăm, Hội làm ma, Giờ Thiền, Người thừa kế…).
Nhà văn là người kể chuyện. Có một giọng văn điềm đạm, đằm thắm, khúc chiết trong suốt các truyện ngắn của Khôi Vũ. Giọng văn này cũng chính là giọng nói đời thường khi ông kể chuyện. Khôi Vũ thẳng thắn, mạnh mẽ và khôn ngoan. Ông rất trân trọng người đối thoại. Dù đó là một truyện có tính “phê phán hiện thực” (Thói ngậm tăm, Chữ giả, Nhận giải thưởng…), hay truyện có tính “ngợi ca”, biểu dương cái đẹp (Trạm xá ngoại thành, Già lửa, Trong đêm…), hay những truyện giàu chất suy gẫm (Chữ giả, 72 giờ sau, Ngôi nhà chữ Đinh, Tri thiên mệnh, San hô,…) thì Khôi Vũ vẫn giữ được giọng văn trong sáng nhân hậu đáng quý. Truyện của Khôi Vũ bao giờ cũng ấm áp tình người.
Để truyện diễn ra tự nhiên, Khôi Vũ có cách chuyển ý liền mạch, tinh tế và hợp lý. Ít khi Khôi Vũ xáo trộn làm vỡ cấu trúc để tạo ra cái mới lạ. Ở những truyện mà nội dung hiện thực quá mỏng và cốt truyện đơn gian (Giở Thiền, Ngủ cùng rắn mối, Trẻ con không trẻ con, Điều quên dặn, Quét mạng nhện, Nhận giải thưởng…), Khôi Vũ có cách viết những đoạn liên tưởng để làm đầy trang văn. Cách viết của Khôi Vũ khá “có duyên”, vì những liên tưởng ấy cũng có những điều thú vị, đọc không thấy chán, Truyện Giờ Thiền kể lại việc nhân vật Anh đã đi bộ thể dục buổi sáng gần một năm. Trên đường đi, anh quan sát mọi người hai bên đường và ngẫm nghĩ. Tất cả đều im lặng, chỉ có chị phụ nữ chở rau và trái cây bằng xe đẹp nhờ anh sửa lại giúp cái túi trái cây giữa xe bị chệch qua một bên. Chị đạp xe đi, sau đó chị ta trở lại, ấn vào tay anh trái quýt và nói “Biếu chú trái quýt”. Truyện kết thúc bằng câu:”Gần một năm rồi, anh mới nghe tiếng người nói vào buổi sáng sớm đi bộ tập thể dục…Mà nói đúng ba câu!”. Quả thực, nếu không có chi tiết chị phụ nữ chở rau và trái cây trở lại, giúi vào tay Anh trái quýt và nói câu tình nghĩa, thì Giờ Thiền không thể thành truyện được.
Làm thế nào để Khôi Vũ có thể viết được nhiều truyện ngắn như vậy?
Mỗi nhà văn chuyên nghiệp có cách khai thác chất liệu, khám phá chủ đề và thể hiện cái đẹp riêng. Khôi Vũ khai thác “cái đời thường”, cái thời sự và khám phá vẻ đẹp của người “dưới đáy” xã hội. Đã có lúc Khôi Vũ lăn vào đời, làm nhiều việc, để có trải nghiệm mà viết. Khuynh hướng hiện nay của truyện ngắn Khôi Vũ là sự chiêm nghiệm hiện thực thay cho cách viết “phản ánh hiện thực” vào những năm 1980.
Đọc truyện ngắn Khôi Vũ, tôi thấy ông có ba cách khai thác chất liệu để viết truyện. Trước hết, Nhiều truyện ông khai thác từ nguồn truyện ông có dịp thâm nhập thực tế. Những truyện này, vốn sống của ông đầy ắp. Những vấn đề hiện thực hết sức căng thẳng quyết liệt, các nhân vật đầy cá tính, góc cạnh. Những chi tiết truyện rất lạ, không gian mở rộng nhiều vùng miền. Đây là những truyện rất hay của Khôi Vũ. Ngòi bút của ông tỏ ra rất bản lĩnh trong sáng tạo, trong việc xử lý mâu thuẫn phức tạp, dẫn đến cái kết thuyết phục. Xin đọc: Đất sóng, Quán xe thồ, Lời của Thác, Già lửa, Người bệnh cuối ở Long Giao, Người đập tường đá, Biển, Mưa biển, Tìm ngọc, Say nắng, Hội làm ma,…
Nguồn truyện thứ hai của Khôi Vũ là những gì ông quan sát, ghi nhận trong sinh hoạt “đời thường” xung quanh mình. Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng chính là những gì ông quan sát được khi ở Singapor: Chuyện một gái điếm người Việt bị bắt ở Sing và bị trục xuất về Việt Nam (Cào cào tuổi nhớ). Đời sống ở Chung cư chẳng ai biết ai, ý nghĩa Bụi sả ngoài hành lang trước cửa căn hộ nhà hàng xóm, chuyện bảo vệ loài vật trong Con sáo nâu biết nói tiếng Việt. Nhiều truyện khác trảỉ rộng trong nhiều mặt sinh hoạt: Nhà thơ, Chay ở Chai, Trái chin giú, Buổi sáng, Nhận giải thưởng, Vai phụ, Một cuộc họp, Bản tự truyện thay đơn, Họa sĩ biếm dân gian, Vĩ nhân, Trò khỉ, Hoàng hôn, Nhà trên ao, Lần thứ ba), Ngàn sao, về hưu, người đàn bà nhặt bông sứ, Con bồ chao đoạt giải, Lỗ mọt, Bong võng mạc, Con ngựa ô, Gió biển không thổi tới, Mùi phở, Giờ Thiền, Đám bông mười giờ bên mố cầu…
Nguồn nguyên liệu thứ ba mà Khôi Vũ khai thác thành truyện ngắn là sinh hoạt đời thường của bản thân ông và gia đình. Truyện Đời thường (tôi đề cập đến ở trên) là một thí dụ. Lấy chuyện của bản thân mình làm chất liệu sáng tác trực tiếp là điều rất khó, bởi không tinh tế, ngòi bút rất dễ phóng lên, làm cho “cái tôi” trở nên vênh váo. Khôi Vũ đã dùng cách mã hóa mình như một khách thể, quan sát chính mình như một nhân vật để đặt một vấn đề có ý nghĩa chung. Khôi Vũ thường gọi nhân vật là “ông” một cách phiếm chỉ (không phải nhân vật xưng tôi). Có thể coi đây như một lọai tự truyện: Tri thiên mệnh là sự “giác ngộ” của tác giả lúc 23 tuổi từ lời dạy và cuộc đời của cha. Khôi Vũ tự phê phán ngòi bút của mình khi nhà văn đối diện với nhân vật trong đời thực (Chữ giả). Ngủ cùng rắn mối kể chuyện ông ngủ ở một khách sạn tỉnh Q đầy muỗi và có cả rắn mối. Đôi bàn tay bà xã, Mẹ hay Ôsin là những chuyện sinh hoạt trong gia đình, Ngày không như mọi ngày, là một ngày làm việc của nhà văn Khôi Vũ. Trẻ con không trẻ con là nhận xét có tính người lớn của trẻ con trong một chuyến đi Đà Lạt. Quét mạng nhện, Giờ Thiền, cũng là những việc thường ngày ở nhà của Khôi Vũ. Phù phiếm bên biển là những suy nghĩ về cuộc sống kinh tế về nghề viết khi tác giả cùng gia đình đi tắm biển…
Ở cả ba nguồn truyện, Khôi Vũ đều có những truyện hay, nhưng tôi đánh giá cao những truyện ông khai thác trực tiếp từ đời sống thực tế. Đó là những câu chuyện dữ dội, quyết liệt nhưng cũng đầy tính nhân văn. Khôi Vũ, với tư cách nhà văn, tự ém mình đi để cho nhân vật và sự việc trực tiếp lên tiếng nói. Người bệnh cuối ở Long Giao, Biển, Hảo hớn, Người đập tường đá, Lời của thác, Quán xe thồ, Say nắng, Hội làm ma, Trái dưa tây lép, là những truyện ngắn đặc sắc mang cốt cách Khôi Vũ cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Khôi Vũ gửi gắm những điều gì?
Trong Phù phiếm bên biển, Khôi Vũ cho rằng viết là phù phiếm, chẳng giúp ích gì cho vợ con, chỉ xây những lâu đài cát. Sóng biển, sóng đời dữ dội quá, “nó buộc mình phải lui bước để bảo vệ sự sống, trước hết là bảo vệ miếng ăn”, “…còn lại cái nhu cầu có thực, muốn được giãi bày tâm tư tình cảm của mình về cuộc đời, về con người, với những người đọc văn mình, quen và chưa quen. Thế thôi mà càng lúc càng thấy khó.”
Tôi không nghĩ rằng Khôi Vũ viết là để kiếm sống. Ông thổ lộ: ”Ôi! Nhà văn nổi tiếng nào thì tôi không biết chứ nhà văn cái kiểu tôi thì chắc chắn không thể sống bằng nhuận bút rồi dẫu nó có là hai ba triệu một cái truyện ngắn. Còn sống bằng gì ư? Thì bằng tiền kiếm được từ “trăm” thứ nghề khác chứ sao! Miễn là bỏ công sức lao động của mình ra đổ mồ hôi của mình ra và là việc làm … lương thiện!
(http://khoivudongnai.vnweblogs.com/a32762/nha-van-song-bang-gi.html)
Trong truyện Cây siêng bông, qua nhân vật bác Trương, Khôi Vũ nói rõ, viết không phải vì tiền, không phải đánh bóng tên tuổi. Viết để mình hoàn thiện hơn. Đây là sự chọn lựa từ kinh nghiệm và cuộc đời của thân phụ ông, giữa một bên là làm giàu, một bên là viết văn. Thân phụ nói với ông: ”Thuở nhỏ con mộng làm bác sĩ, bây giờ tuy ra trường là dược sĩ nhưng cậu lại thấy con mê viết hơn nghề làm thuốc. Ở đời không thể làm cùng lúc nhiều việc được đâu. Sức người có hạn. Ham muốn càng nhiều thì thất vọng càng lắm…”, rồi ông nói thêm: “– Ở đời khó nhất là biết mình!”(Tri thiên mệnh)
Vâng, –Ở đời khó nhất là biết mình! Triết gia Socrates (470-399 tr.CN) cũng đã nhắc nhở nhân loại: “Hãy tự biết mình”.
Hãy nghe Khôi Vũ tâm sự: ”Mình trở thành hội viên Hội Nhà Văn từ năm 1990, tính đến nay đã 22 năm rồi. Mình cũng được Hội Nhà Văn cho một cái giải thường niên cũng vào năm 1990. Vậy mà rất nhiều lúc mình phải giật mình tự hỏi: “Mình có xứng đáng là một Nhà Văn chưa?”… Thôi! Mình cứ sáng tác. Nhà xuất bản nào in cho thì cảm ơn. Ai khen thì cảm ơn. Ai chê càng cảm ơn. Ai gọi là “nhà văn” thì cảm ơn (với chút ngượng ngùng). Ai gọi “lều văn” cũng cảm ơn (không giận hờn gì cả). Ai trao giải thì vui vẻ nhận. Tham dự cuộc thi sáng tác nào đó mà bị “rớt” thì cũng vui vẻ nhận là mình viết chưa “đạt” yêu cầu và “gu” của Ban giám khảo…
Ngày cuối năm, gác tay lên trán nghĩ mà buồn. Rồi… cười! Xin thông báo, mình vừa nghĩ xong ý tứ về một cái truyện ngắn. Còn sáng tác được là vui rồi, hỏi sao không cười nhỉ!”
(Nghĩ về hai chữ ‘nhà văn’ – http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/397506)
Đoạn “gác tay lên trán” trên của Khôi Vũ thấm thía lời dạy của thân phụ ông, càng sâu sắc thêm lời nhắc nhở của Socrates. Đó là những lời rất “thành ý-chính tâm” mà không phải nhà văn nào cũng có thể tự biết mình.
Cái khó, và rất khó của nhà văn là viết, “Còn sáng tác được là vui rồi “. Nhưng làm sao viết cho hay, viết có ích cho đời, để rồi 72 giờ sau mọi người còn nhắc đến ông (?). Cái khó là làm sao giữ được ánh sáng lương tri của nhân loại và cốt cách kẻ sĩ, để không bị tha hóa trước cuộc đời (Chữ giả). Nhìn hành trình văn chương Khôi Vũ đã đi, từ Già Lửa (1988), Tri Thiên Mệnh (2001) đến Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng (2014), tôi biết Khôi Vũ không thể đi ngược lại con đường nghệ thuật đã chọn lựa. Đó là cái khó. Lúc đầu, Khôi Vũ lăn lộn vào cuộc sống, dấn thân thâm nhập thực tế để viết chuyện đời. Sau đó, Khôi Vũ không “lăn lộn” nữa, ông đứng bên đời, quan sát, ghi nhận và ngẫm nghĩ. Và bây giờ, ông chiêm nghiệm ngay chính những sự việc của bản thân ông để viết. Ở mỗi chặng đường sáng tác, ông đều có nhiều truyện hay, tuy vậy, có sự khác biệt về giá trị tư tưởng-nghệ thuật (Xin đọc Người bệnh cuối ở Long Giao và Đời thường; Biển và Ngày không như mọi ngày…). Tôi nghĩ rằng Khôi Vũ còn đau đáu khôn nguôi về những giá trị văn chương mà ông đã viết. Lời yêu cầu của nhân vật anh thanh niên tên Tòng nói với nhà văn là một lời cảnh tỉnh? ”–Tôi đâu có trách ông. Tôi chỉ nêu một điều ước với ông: nếu có viết lại chuyện đời tôi, ông hãy thay cái đoạn kết có hậu kia bằng đoạn đời thật của tôi. Đau khổ lắm ông ạ. Ông hứa với tôi nhé?” (Chữ Giả). Tôi cũng hiểu cái khó là, Khôi Vũ làm thế nào để không dính mắc vào những lời “dụ dỗ” của nhân vật Phó Chủ tịch tỉnh khi ông ta yêu cầu nhà văn hãy bịa như thật một truyện, để con vị Phó Chủ tịch tỉnh có cơ hội thăng tiến?
Thực ra Khôi Vũ đã vượt qua những cái khó ấy bằng chính tài năng và nhân cách của ông, cũng như ông đã vượt qua cái khó của thời đại mà không phải nhà văn nào cũng tự giác ngộ được. Truyện ngắn Con ngựa ô có thể là một ẩn dụ về một thực tế mà Khôi Vũ đã “vượt qua”. Con ngựa ô chấp nhận kéo xe cho chủ, nhưng nó chỉ ao ước: “Tôi chỉ có tội là có ước muốn cháy bỏng, ước muốn được gỡ hai miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phía, để được yêu được ghét nhiều hơn, giống như ông vậy. Nhưng ông chẳng hiểu được tôi. Tôi không giận ông đâu. Phần ông, hãy tha thứ cho tôi, ông Út nhé!”. Con bồ chao đoạt giải phải chăng cũng là một ẩn dụ (?): “Nghệ sĩ lớn hay mô típ trẻ chi chi cũng một chủ thôi!”, vì đã quen thức ăn nước uống trong lồng, thì dù có thoát ra, con bồ chao lại cũng chui đầu vào lồng, ăn no, rồi hót. Khôi Vũ bây giờ đã thênh thang trên con đường của riêng mình?
Con đường thênh thang ấy là con đường rộng mở trái tim mình cho quê hương Đồng Nai trong nhiều truyện lấp lánh tâm huyết của ông (tập truyện Đàn ống tre bên kia sông, Vòng luân hồi của nước, thức dậy thôi công chúa Ami…)
Tháng 6. 2016
_________________
(*) Nhà văn Khôi Vũ cho biết: Số truyện ngắn mà ông đã in báo & sách, tính đến nay là trên 160 truyện.
1.Ngoài các tập truyện ngắn nêu trong bài viết, Khôi Vũ còn 1 tập đã in là tập BÊN KIA DÃY ĐIỆP VÀNG viết về công nhân, công nghiệp.
2.Hiện nay, tập truyện MIỀN ĐẤT – PHẬN NGƯỜI đang nằm ở NXB Đồng Nai, gồm tất cả những truyện về đất & người Đồng Nai. Đây là cuốn thứ nhì sau ĐÀN ỐNG TRE BÊN KIA SÔNG với cùng chủ đề.
- Khôi Vũ cho biết: mảng truyện ngắn lấy chính mình & gia đình làm nguyên mẫu thường được bạn đọc chú ý. Như Truyện Tri thiên mệnh, Đời thường… Truyện Phù phiếm bên biển, sau khi in, đã có nhiều bạn đọc hỏi thăm báo Tuổi Trẻ để “giúp đỡ tác giả”! Hiện nay, Khôi Vũ đang tập trung sửa chữa hoàn chỉnh cuốn tiểu thuyết Nguồn mạch, cũng viết về chính gia đình mình. Hy vọng sách “đọc dược”.
Pingback: THÂN PHẬN PHÊ BÌNH – CHÚT TÌNH TRI ÂM