VĂN HOÁ CÔNG GIÁO TRONG LÒNG VĂN HOÁ DÂN TỘC Bùi Công Thuấn
(Nhà thờ Phát Diệm-ảnh trên internet)
***
Đã có quá nhiều định nghĩa về “văn hoá”, song mỗi định nghĩa chỉ là một góc nhìn về văn hoá, không thể bao quát chính xác ý nghĩa của thuật ngữ. Theo tôi, Văn hoá là toàn bộ đời sống tinh thần, biểu hiện bằng tất cả những gì con người làm đẹp cuộc sống (hoá là trở thành-Văn là đẹp), tức là sự thể ra bên ngoài, bằng hành động, bằng vật thể, vằng lối sống cái đẹp của đời sống tinh thần. Cái đẹp của văn hoá (khác với mỹ thuật) là cái đẹp nhân văn, là sự tôn trọng con người, là tôn vinh những giá trị Người. Vì thế chiến tranh, xung đột không bao giờ là văn hoá, vì nó tàn sát con người. Những sự đối xử thô bạo với con người đều là vô văn hoá.
Văn hoá giúp phân biệt con người và thú hoang. Phải nhiều ngàn năm con người mới đạt tới trình độ văn hoá hiện nay, trong khi loài vật vẫn sống theo bản năng. Bất cứ hành động nào đem con người trở lại tình trạng bản năng đều là suy đồi. Con người đã nâng hành vi bản năng lên thành ứng xử văn hoá. Chẳng hạn, tính dục là một bản năng, loài vật sinh hoạt tính dục theo mùa, và chúng có thể giao cấu ở bất cứ chỗ nào, lúc nào mà bản năng đòi hỏi.Trái lại, con người có văn hoá, không hành xử như loài vật mà nâng tính dục lên thành giá trị, thành đạo đức, thậm chí thành những điều linh thiêng. Tín ngưỡng phồn thực tôn thờ bộ phận sinh dục nam và nữ và hành vi tính dục nam nữ. Trên trống đồng có những hình ảnh nam nữ đang giao cấu. Trong lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, (còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc”) đêm 11 tháng Giêng âm lịch, người ta vẫn cử hành nghi thức giao hoan. Tùy theo kết quả cuộc giao hoan ấy mà người ta tin rằng làng được mùa hay kém mùa. Ở Nhật cũng có lễ hội thờ “sinh thực khí”.
Dân tộc này khác dân tộc khác ở văn hoá. Văn hoá Việt Nam là văn hoá tình nghĩa cộng đồng, khác biệt với văn hoá Mỹ là văn hoá của cái Tôi cá nhân thực dụng. Bao nhiêu gia đình Việt Nam khi còn ở trong nước thì thuỷ chung, sang Mỹ lại ly dị.
Muốn hội nhập vào cộng đồng, nhất thiết phải hội phập từ văn hoá.
- VẤN ĐỀ VĂN HOÁ
Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á (ECCLESIA IN ASIA của ĐGH J.Paul II) dạy rằng:
“Văn hoá là không gian sống … con người được uốn nắn bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống. Đức Phaolô VI nói, sự chia tách giữa Tin Mừng và văn hoá là thảm trạng của thời đại chúng ta, với một tác động sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng lẫn văn hoá …
…Con đường của những nhà rao giảng Tin Mừng là làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc. Tại Á Châu, Kitô giáo vẫn thường còn bị coi là ngoại lai… Theo ý kiến của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, cái khó là do sự kiện Đức Giêsu thường bị coi xa lạ với Á Châu. Đức Giêsu như là một nhân vật Âu Châu.”
Tông Huấn về việc đào tạo Linh mục trong hoàn cảnh hiện nay (PASTORES DABO VOBIS CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II) cũngdạy rằng:
Trong toàn bộ nền đào tạo trí thức và nhân bản, cần phải đưa việc hội nhập văn hoá lên hàng nhu cầu và yếu tính”
Qua lời dạy của Giáo Hội, chúng ta hiểu rõ việc hội nhập văn hoá là con đường quyết định, mà người Công Giáo Việt Nam phải dấn thân để làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc, để Tin Mừng Mừng thâm nhập một cách sống động vào trong các nền văn hoá
- ĐÓNG GÓP CỦA CÔNG GIÁO CHO VĂN HOÁ DÂN TỘC
Văn hoá có nhiều thành tố, tác động qua lại lẫn nhau. Đó là ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng-tôn giáo, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lối sống…Xem xét sự đóng góp là xem xét cụ thể từng thành tố văn hoá, đồng thời xem xét những yếu tố chi phối sự phát triển văn hoá. Đó là chủng tộc, chính trị, địa lý…
Cho đến nay giới nghiên cứu bước đầu đã ghi nhận đóng góp của Công giáo vào văn hoá dân tộc.(xem bài của TS Phạm Huy Thông* ), tuy vậy những đóng góp ấy còn khiêm tốn.
Văn hoá Việt Nam nhìn chung chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật, Nho, Lão, sau này là phương Tây, văn hoá thực dụng Mỹ
Nho giáo trở thành học thuyết xây dựng các triều đại phong kiến Việt Nam. Người ta tin vào Thiên Mệnh, sống thuận theo Thiên Mệnh (Khổng Tử nói: Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã “ [1]). Trong dân gian người ta tin vào số phận, người ta khi đã 50 tuổi thì có thể biết được mệnh trời (ngũ thập tri Thiên mệnh).
Nho giáo tạo ra một lớp trí thức gọi là Nhà Nho với lý tưởng “kinh bang tế thế”(“cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm – tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Gặp thời thì ra giúp nước, không gặp thời về ở ẩn, giữ nhân cách nhà Nho. Ứng xử thì lấy Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín làm gốc, giản dị gần gũi nhân dân. Lịch sử đã ghi công của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, …
Lối sống của nhà Nho có những nét đẹp riêng: Nguyễn Đình Chiểu dù mù loà vẫn về quê mở trường dạy học, sáng tác văn chương rao truyền đạo lý, được nhân dân yêu mến. Nho giáo trở thành “chính đạo” của nhà Nguyễn.
Lão giáo để lại ảnh hưởng trong lối sống “vô vi”[2], sống an nhiên, sống theo tự tánh, sống nhàn, coi thường lợi danh, tự tại trong mọi hoàn cảnh, đạt tới bậc chí nhân: “Chí nhơn vô kỷ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh “[3], sống chan hoà cùng tạo vật [4]. Tư tưởng nhàn là một trong những tư tưởng chi phối thơ văn trung đại từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…(“trầm tư bách kế bất như nhàn”[5]. Ngày nay thú chơi cây cảnh, du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên chính là tư tưởng đạo Lão.
Phật giáo thâm nhập sâu hơn vào văn hoá dân tộc. Thời Lý -Trần nhiều Thiền sư tham gia chính sự. Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) được coi là Phật hoàng, là người sáng lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thơ Thiền trở thành một bộ phận quan trọng của thơ văn Việt Nam với những tên tuổi lừng lẫy như Pháp Thuận Thiền Sư, Vạn Hạnh Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư…và nhiều Thiền sư khác được ghi trong Thiền Uyển Tập Anh [6]. Sau này, tư tưởng Phật giáo còn thâm nhập vào Cung Oán Ngâm Khúc, Đoạn Trường Tân Thanh (truyện Kiều) và ngày nay trở thành căn cốt sáng tạo trong nhạc Trịnh Công Sơn, thơ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư. Phạm Thiên Thư còn thi hoá Kinh Kim Cang phật giáo thành Kinh Ngọc. Trong dân gian, tư tưởng “đời là bể khổ”(Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế của Phật) và tư tưởng Phật tại tâm, tinh thần từ bi hỷ xả là những tư tưởng chi phối đời sống tinh thần của phần lớn dân tộc, nhất là khi có những hoạn nạn chung, người ta làm việc thiện vì từ tâm
Phật, Nho, Lão tuy có những khác biệt nhưng vào văn hoá Việt Nam trở thành tam giáo đồng nguyên, làm nên diện mạo chính của tinh thần Việt Nam.
Đạo Công Giáo truyền vào Việt Nam và phát triển nhanh là nhờ văn hoá Việt Nam đã có sẵn những yếu tố gần gũi với tín lý Công giáo. Người Việt Nam tin vào Trời như một đấng tuyệt đối công minh (trời cao có mắt, thiên bất dung gian). Trời, Thiên Mệnh và Thiên Chuá là niềm tin có chỗ tương đồng trong tâm thức người Việt.
Chữ quốc ngữ là một đóng góp rất lớn của Công giáo với văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, các giáo sĩ sáng lập ra chữ quốc ngữ và Lm Alexandre de Rhodes là người nước ngoài [7]. Việc sáng tạo chữ quốc ngữ là để giảng đạo, không phải mục đích xây dựng văn hoá Việt Nam. Vì thế, trong một thời gian dài, chữ quốc ngữ không phát triển. Chỉ đến đầu thế kỷ XX, cả thực dân Pháp và các chiến sĩ cách mạng (Đông Kinh Nghiã Thục) mới dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền, lúc ấy chữ Quốc Ngữ mới thâm nhập vào đời sống dân tộc. Từ 1910 chữ Quốc ngữ mới được dùng chính thức trong hành chính Việt Nam.
Thời kỳ đầu văn chương Quốc Ngữ có truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887. Trương Vĩnh Ký là một học giả Công giáo để lại hàng trăm tác phẩm, mở đầu thời kỳ chữ Quốc Ngữ. Thời 1930-1945 có Hàn Mặc Tử sáng tác dưới ánh sáng tư tưởng và nghệ thuật Công giáo, rất tiếc ông bỏ dở con đường này.
Trước 1975 ở miền Nam, đã có một thời người trí thức công giáo dấn thân trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng, tạo được ảnh hưởng nhất định đối với hoàn cảnh xã hội, đó là các Lm Thanh Lãng, Lm Kim Định, GS Nguyễn Văn Trung…
Gần đây Đức Giám mục Bùi Tuần đã in được bộ sách “Thao thức” 5 tập, hơn 2.500 trang. Báo Sài Gòn Giải Phóng đánh giá: “Đây không chỉ là cuốn sách, mà còn là tư duy sâu sắc của nhà hiền triết cùng với những trăn trở suy tư của con người hôm nay” [8].. Đức Giám mục Vũ Duy Thống với bút danh Thông Vi Vu sáng tác nhiều bài hát cho giới trẻ. Ngài tham gia sinh hoạt văn nghệ cộng đồng rất hăng say và được giới trẻ yêu mến
Chỉ riêng lãnh vực Thánh ca thì Thánh ca Công Giáo đã tự khẳng định một nền nhạc riêng trong âm nhạc dân tộc. Năm 2008 Lm nhạc sư Kim Long đã tổ chức nhiều đêm hội diễn kỷ niệm 50 năm sáng tác thánh ca ở cả trong Nam và ngoài Bắc, gây được tiếng vang lớn (Tuy vậy, thánh ca cũng chỉ chỉ được sử dụng trong nhà thờ)
Công Giáo đã xây dựng được nhiều nhà thờ, như là sự đóng góp nghệ thuật kiến trúc vào văn hoá dân tộc. Nhà thờ Phát Diệm là một công trình văn hoá đồ sộ kết hợp được kiến trúc phương Đông và phương Tây, nhà thờ Đức Bà Sài gòn là một công trình kiến trúc và nghệ thuật để lại dấu ấn riêng cho thành phố. Công giáo cũng có những lễ hội góp phần làm phong phú văn hóa Việt (Giáng Sinh, Phục Sinh, tháng các linh hồn để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên…)
Công Giáo cũng đã tạo ra những cộng đồng dân cư, ở đó có nếp sống văn hoá riêng, mà cốt lõi là cùng một đức Tin, tinh thần bác ái, cùng sinh hoạt lễ hội, cùng bảo vệ các giá trị tuyền thống, giá trị nhân bản và “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”…
Dầu vậy, hàng trăm năm qua, đạo Công giáo ở Việt Nam vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Xin đọc Bản góp ý của Caritas Việt Nam với Đại hội Dân Chúa 2010.
“Trong vòng 50 năm qua, số giáo dân tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 6 triệu vào năm 2010. Nhưng số tăng này chỉ tương ứng với số sinh tự nhiên và tỷ lệ dân Công giáo so với dân số cả nước vẫn ở mức 7%. Nếu tính theo số liệu Tổng Điều tra Dân số 2009 thì chỉ có 6, 61%. Con số này đã có từ năm 1885: nghĩa là 125 năm qua GHCG VIỆT NAM chưa truyền giáo có hiệu quả.”[9]
Vì sao có tình trạng đó?
Theo tôi, đạo Công giáo vẫn duy trì tính chất phương Tây trong văn hoá, tách biệt với văn hoá dân tộc. Các nhà truyền giáo người Pháp, người Bồ Đào Nha… đã đem văn hoá phương Tây đến truyền đạo ở Việt Nam, mặc dù các ngài đã nỗ lực hội nhập với văn hóa Việt, song vô tình, hay cố ý, đã gây ra những ngộ nhận đối với người Việt. Alexandre de Rhodes trong Phép Giảng Tám Ngày gọi đạo Phật là đạo Bụt. Ông cho rằng Thích Ca chỉ dạy những điều gian trá. A.Rhodes đưa ra giải pháp: ”Như thể có chém cây nào đúc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cùng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là … hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.” A.Rhodes, cũng công kích kịch liệt việc thờ cúng tổ tiên, điều này đụng chạm đến tâm linh Việt.
Nhà Nguyễn bách hại người theo đạo và coi Công giáo là “tả đạo”.
Năm 1832, Minh Mạng ra dụ: “Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tiên tổ thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết.
Năm 1833 vua Minh Mệnh lại chỉ dụ: “Ta, hoàng đế Minh Mệnh, truyền lệnh như sau: Từ nhiều năm nay, những người Tây phương đến đây truyền bá đạo Giatô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở. Chúng không trọng kính đức Phật cũng không thờ cúng Tổ Tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo… Vậy ta truyền cho tất cả những người theo đạo này, từ quan cho chí đến dân đen phải thực tâm từ bỏ nếu họ nhìn biết quyền uy của ta. Trẫm muốn rằng tất cả các quan hãy tỉ mỉ xem xét có còn người Kitô nào sống trong địa hạt của mình và bắt họ tuân phục mệnh lệnh, bắt họ đạp lên ảnh tượng ngay trước mặt mình. Nếu họ làm theo thì sẽ được ân xá. Đối với các nhà thờ và nhà đạo trưởng các quan phải tịch thu làm kho chung. Từ nay về sau nếu có người nào bị nhận diện hay tố cáo là thực hành những thói tục đáng ghét này sẽ bị trừng trị với hình phạt nghiêm nhặt nhất, ngõ hầu có thể tiêu diệt thứ đạo này tận gốc rễ.”
Ngày nay, trong nhiều sách vở người ta vẫn coi những nhà truyền giáo trong Hội Thừa Sai Paris (Pallu, Lefèbvere, Puginnier, Retord, Pigneau de Béhaine…), đi trước do thám, mở đường cho Pháp xâm lược Việt Nam. Sử gia Pháp Georges Coulet đã viết trong tác phẩm của ông Cultes et Religions de l’Indochine Annamite (Saigon, p. 99) như sau: “Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước này”…
Với những định kiến lịch sử và với vai trò thiểu số trong cộng đồng dân tộc, Công giáo Việt Nam khó có thể phúc âm hoá môi trường nếu không hội nhập văn hoá.
III. THỰC TRẠNG VĂN HOÁ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Từ đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều di sản văn hóa được Unesco công nhận. Sinh hoạt tôn giáo-tín ngưỡng đã trở lại bình thường trong phạm vi luật pháp. Giáo dục đáp ứng cho hơn hai chục triệu người có nhu cầu nâng cao dân trí. Việc xây dựng ấp – khu phố văn hóa, gia đình văn hóa tạo ra bộ mặt đời sống mới. Nhân dân mọi miền, kể cả vùng sâu vùng xa được hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, phong phú hơn. Giao lưu văn hóa với thế giới, Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng hàng ngàn năm văn hóa Trung Hoa, hàng trăm năm văn hóa thực dân Pháp. Khoảng cách văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại thu ngắn lại. Tinh thần dân chủ thay thế cho ý thức phong kiến trong sinh hoạt xã hội. Toàn cầu hóa đem đến ý thức bình đẳng giữa các nền văn hóa, giữa các quốc gia và dân tộc, đồng thời giúp phát huy bản sắc dân tộc, khắc phục cái nhìn hẹp hòi thiển cận, hoặc thái độ mặc cảm tự ty hoặc tự tôn. Sự phát triển những ngành truyền thông đa phương tiện và kết nối Internet tạo ra những cộng đồng xã hội mới, làm cho người gần nhau hơn. Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề trở ngại. Văn hóa làng xã ngày xưa cùng với những tập tục làng xã bị phá vỡ do tình trạng di dân và chuyển đổi công nghiệp hóa. Văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa nông nghiệp (cục bộ, bảo thủ, gia trưởng, chậm chạp, phép vua thua lệ làng) đang chuyển sang văn hóa công nghiệp (tác phong công nghiệp, tinh thần sáng tạo, tinh thần dân chủ, năng động, thích ứng, đổi mới…)
Hội nhập toàn cầu hóa, và phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam đồng thời phải chấp nhận những hệ quả cả tốt lẫn xấu ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Các công ty nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam lợi dụng lao động rẻ và tài nguyên dồi dào của Việt Nam dẫn đến tình trạng bóc lột, bất công. Lấy lợi nhuận làm mục tiêu, người ta bất chấp mọi thủ đoạn phi pháp. Một cuộc xâm lăng văn hóa tràn vào với bao nhiêu rác rưởi làm ô nhiễm môi trường văn hóa.
Trong bối cảnh ấy, người Công Giáo phải chịu đựng những thách đố dữ dội hơn trong hành trình đức tin của mình.
Về tư tưởng, Chủ nghĩa thế tục, Thuyết Darwin, Di truyền học, Khảo cổ học, Nhân chủng học đang làm lung lay đức tin người Công Giáo. Người ta cổ vũ cho một thế giới tại thế không cần có Thượng Đế. Nhân chủng học cho rằng người hiện đại (Homo Sapiens) xuất phát từ đông Phi rồi tỏa đi khắp thế giới, không có vườn địa đàng, không có Adam, Eva. Sáng Thế Ký chỉ là huyền thoại như thần thoại của các dân tộc, như truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Việt. “Tôn giáo học” cho rằng tôn giáo chỉ là một sinh hoạt tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, bởi tôn giáo ra đời rất muộn so với lịch sử xuất hiện của con người. Tôn giáo cổ nhất cũng chỉ mới có lịch sử 10 ngàn năm, trong khi con người hiện đại đã tồn tại 200 ngàn năm. Hộp sọ Homo Georgicus được tìm thấy là của giống người tiền sử cách nay 1,8 triệu năm. Những tư tưởng như thế thâm nhập vào não trạng người trẻ có học, gây ra những khủng hoảng đức tin không tránh khỏi.
Về lối sống,…. chủ nghiã thực dụng, chủ nghiã cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất làm tha hoá con người, phá huỷ mọi nền tảng đạo lý. Người ta theo đạo là vì mục đích xã hội, không phải mục đích tâm linh (thí dụ, chuyện cải đạo để kết hôn, sau đó bỏ đạo). Câu chuyện về một cặp tình nhân trẻ lúc chia tay, anh đòi lại quà; và clip chế “anh không đòi lại quà” làm nóng cộng đồng mạng là một thí dụ. Mode “sống thử” trở thành lối sống của sinh viên, công nhân ở trọ. Một nam sinh viên ở Hải Phòng rao trên mạng rằng, bốn năm nay tớ không tốn tiền thuê ô sin, mà còn có chỗ giải quyết sinh lý không sợ SIDA. Mỗi năm tớ sống thử với một em, chẳng hạp với em nào cả, cuối năm đá đít. Cách sống như thế thật không có gì vô luân và tàn nhẫn hơn.
Sự xâm lăng của văn hoá suy đồi (phim ảnh, ca nhạc, Internet…), đặc biệt là sex núp dưới danh nghĩa văn hóa đang làm hỏng một bộ phận giới trẻ. Lối sống thoải mái, buông thả, sống cơ hội, làm sụp đổ những giá trị văn hoá truyền thống, làm tan vỡ gia đình, mà tình trạng ly dị trong hôn nhân trẻ Công giáo đã đến lúc phải báo động. Nạn nạo phá thai ở Việt Nam thật kinh hoàng. Báo Công an TP HCM ngày 9/11/06 đưa tin, hàng năm ở Việt Nam có 1,4 triệu ca nạo phá thai, trong đó có 5000 ca vị thành niên chưa lập gia đình. Ngày 31.03.2011. Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã công bố mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai trong đó hơn 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Đến năm 2013, trong một cuộc hội thảo ở thành phố HCM, có sự tham gia của hơn 150 nhà khoa học, dược sỹ, bác sĩ sản phụ khoa đến từ của 8 nước châu Á-Thái Bình Dương, Hội Kế hoạch hóa gia đình lại công bố trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Điều ấy phản ánh sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, trong người trẻ, hậu quả của lối sống buông thả theo chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc vật chất.
Nền giáo dục đang bị khủng hoảng trầm trọng khiến cho nhà trường không còn là nơi cha mẹ học sinh yên tâm gửi con mình. Tiêu cực trong giáo dục không chỉ ở phạm vi nhà trường mà ở cấp Bộ giáo dục, cấp tỉnh (thí dụ tiêu cực thi cử 2018). Giáo dục Đại học trở thành môi trường kinh doanh béo bở. Chương trình giáo dục phổ thông thiếu hẳn phần giáo dục nhân bản, lại chạy theo thành tích ảo, khiến cho trẻ nhiễm thói giả dối, thực dụng ngay từ nhỏ. Môn Giáo dục Công dân từ lớp 6 đến 12 không có bài nào dạy về đạo Hiếu, học sinh mất gốc ngay từ trong gia đình. Tình trạng suy đồi đạo đức và nạn bạo hành trong nhà trường ngày càng vô nhân tính. Môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng. Chưa bao giờ người ta chửi bới nhau trên mạng, xúc phạm nhau đến thế, đến nỗi thầy cô giáo ở Hải Phòng lo thom thóp, giờ ra chơi lên facebook xem học trò có chửi mình không.
Văn chương thị trường đầy dẫy sex bẩn : Bóng Đè, Sợi Xích, Dại tình, I’m Đàn Bà, Nháp, Dị Bản… Cũng không thiếu những tác phẩm xuyên tạc tôn giáo như Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa, Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết, Mật mã Da Vinci, phim 2012…Nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc, Cambodia làm nô lệ tình dục là một thảm trạng nhức nhối. Sự lai căng văn hoá ngày càng trầm trọng. Nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu chân dài bị phát hiện trong đường dây bán dâm. Nhà hàng vũ trường đang lôi kéo người trẻ vào lối sống thác loạn. Tội ác giết người man rợ xả ra hàng ngày…
Nhiều vấn đề văn hóa đang thách thức lương tâm Công giáo và đòi buộc người Công giáo phải hành động vì đức tin và vì xã hội.
IV.XÂY DỰNG VĂN HOÁ CÔNG GIÁO TRONG LÒNG VĂN HOÁ DÂN TỘC
Đến nay đời sống tôn giáo đã được bình thường hóa. Nhận thức về tôn giáo đã có nhiều hướng cách tiếp cận.
Sinh hoạt tôn giáo được luật hóa bằng Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng 2016 của quốc hội. Tôn giáo được coi là sinh hoạt văn hoá, và được dùng để xây dựng đời sống tinh thần cho xã hội. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.
Để xây dựng văn hóa Công Giáo trong lòng văn hóa dân tộc thì việc hội nhập văn hóa là yêu cầu cốt tủy. Tông huấn Giáo Hội ở Châu Á ghi rõ:” Trong tiến trình gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau của thế giới, Giáo Hội không những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hóa ấy từ bên trong, mà còn thu dụng những yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hóa ấy. Đây là con đường buộc các nhà truyền giáo phải đi qua khi giới thiệu đức tin Kitô Giáo và biến nó thành một phần trong di sản văn hóa của một dân tộc”( 21§2)
Trong các yếu tố văn hóa thì tư tưởng, đạo đức, lối sống có vai trò đặc biệt. Xây dựng văn hóa Công giáo phải làm triển nở tư tưởng Nhân văn Công Giáo kết hợp với tư tưởng nhân ái và lối sống tình nghĩa truyền thống. Tư tưởng này được trình bày sâu sắc trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Các Kitô hữu làm việc và xả thân phục vụ cho sự phát triển con người, phục vụ sự sống, đặc biệt là người nghèo, trẻ em, phụ nữ, những người bị chà đạp nhân phẩm, “phải chịu sự kỳ thị, bóc lột, nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội”; xây dựng nền văn minh tình thương; phát huy những mặt tốt của đạo lý dân tộc. Thực ra những nhận thức trên có căn gốc từ Kinh Thánh và người Kitô hữu nào cũng biết, vấn đề là thái độ hành động để biến những nhận thức ấy thành hành động, đúng với tinh thần “muối trong đất, men trong bột”
Trong các mặt khác của văn hóa, văn hóa Công giáo phải phát triển trong văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cần phải hội nhập sâu sắc hơn nữa vào văn hóa dân tộc, khắc phục ảnh hưởng phương Tây trong các sinh hoạt tôn giáo. Bởi vì trước đây:” Tin Mừng được loan báo bởi các nhà truyền giáo Tây Phương nên hẳn có bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa tại nơi xuất xứ của họ”(nhận định của Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á). Những ảnh hưởng văn hóa ấy ngày nay vẫn còn ngăn cách người Công Giáo với dân tộc.
Thí dụ, Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), nhưng người Công giáo không tham gia một lễ hội nào. Ngay cả giỗ tổ Hùng Vương, cũng không có nghi thức gì để kính nhớ tổ tiên, mà thực chất là giáo dục lòng yêu nước. Ai cũng biết yêu nước là một truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống đã có suốt mấy ngàn năm lịch sử. Cũng vậy truyền thống nhân ái, nhân nghĩa là một truyền thống làm nên bản sắc dân tộc. Trong năm có nhiều ngày được dành để tôn vinh người lao động như Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, Ngày báo chí, Ngày Phụ nữ, Ngày Người Cao Tuổi, nhưng người Công Giáo nhiều nơi không có bất cứ sự hội nhập nào. Có nơi lại du nhập Ngày của Mẹ, Ngày của Cha từ văn hoá phương Tây làm ngày hội của mình. Rõ ràng người Công Giáo vẫn sống xa lạ với chính cội nguồn của mình.
Văn chương, nghệ thuật Công giáo không phát triển và không hội nhập được với sự phát triển văn chương nghệ thuật dân tộc. Điều này có nguyên do. Giáo hội chỉ tập trung phát triển nghệ thuật thánh dùng trong phụng tự. Và vì thế Giáo hội phải hứng chịu sự thiệt thòi khi văn nghệ thị trường thiên về giải trí và chứa đựng nhiều yếu tố độc hại tấn công làm sói mòn đức tin người trẻ. Một nguyên nhân khác là các tác giả Công giáo cũng tự giới hạn đề tài, cảm hứng sáng tác trong phạm vi phụng tự. Không khai thác tư tưởng Nhân văn Công Giáo trong từng cảnh ngộ cụ thể của đời sống. Ngày xưa trên đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã kể những câu chuyện rất hay về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Có thể nói khó có nhà văn nào có thể sáng tác tại chỗ, trong những hoàn cảnh cụ thể những câu chuyện như thế. Chuyện người Samari tốt lành (Lc 10, 30-37), chuyện người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32), chuyện ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó (Lc 16, 19-31)…là những khuôn mẫu mà các tác giả Công giáo có thể học tập.
Xây dựng nền văn hóa Công Giáo trong lòng văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của mọi thành phần dân Chúa. Họ vừa là Kitô hữu, vừa là công dân Việt Nam, vừa phải thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa phải làm cho đức tin Kitô giáo trở thành một phần trong di sản văn hóa ấy. Con đường còn rất dài ở phía trước.
_______________________________________________
- Luận Ngữ, chương 20, câu 8
- Lão Tử, Đạo Đức Kinh- kinh hạ, chương 26
- Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tiêu Dao Du
- Trang Tử, Nam Hoa Kinh, tề Vật Luận : “Thiên điạ dữ ngã tịnh sanh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất”: Trời đất cùng ta đồng sanh,vạn vật cùng ta là một
- Cao bá Quát :
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy/
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười/
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời/
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
Trầm tư bách kế bất như nhàn…
(Uống Rượu Tiêu Sầu )
- Pháp Thuận Thiền sư, 915-990, bài Quốc Tộ- Không Lộ Thiền sư, 1119 , bài Ngôn Hoài – Vạn Hạnh Thiền sư, 1018, Thị Đệ Tử – Mãn Giác Thiền Sư,1052-1096, Cáo tật Thị Chúng.
Lâm Tế Nghĩa Huyền (? – 867 ): tr.181 “Này, quý ông cầu chân lý! muốn ngộ vào chánh tông (Thiền), chớ để thiên hạ phỉnh mình. Trong cũng như ngoài, gặp chướng ngại nào cứ đạp ngã ngay; gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại: đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình, hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do.
(*) Tiến sĩ Phạm Huy Thông– Đại học Đông Đô- Những đóng góp của đạo Công Giáo với văn hoá Việt. http://nhacthanh.net/diendan/showthread.php?t=8584
- GS Nguyễn Văn Trung: “Chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh do các thừa sai sáng chế ra từ thế kỷ 17 thực ra chỉ nhằm phục vụ các thừa sai trong thời gian họ học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam; vì chữ Nho chữ Nôm đã khó học đối với chính người Việt nam, dĩ nhiên càng khó hơn đối với người ngoại quốc. Khi họ nói viết được tiếng Việt họ buộc phải dùng chữ Nho nhất là chữ Nôm vì đó là chữ viết quốc gia ; Do đó những gì họ viết về đạo Chúa từ thế kỷ 17 đến khi Việt nam thu hồi được độc lập năm 1945 đều được viết ra bằng chữ Nôm; nếu có bằng quốc ngữ phần lớn chỉ là phiên âm chữ Nôm. Sau 1910 các trường tư công giáo, chủng viện vẫn tiếp tục sử dụng chữ Nho chữ Nôm.”( Đưa tư tưởng , văn học truyền thống VIỆT NAM vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới )
- Nhận xét về ĐGM Bùi Tuần :” Ngài là một nhà giáo uyên bác, nhà đạo đức có nền tảng nội tâm sâu sắc, nhà văn với tư tưởng thâm sâu với lối hành văn nhẹ nhàng lôi cuốn không thể lẫn lộn với ai khác, một nhà báo luôn đi sát với thời cuộc, một nhà tiên tri…”SGGP- http://tintuc.xalo. Việt Nam/00-422441557/duc_giam_muc_nha_van_bui_tuan.html
- Lm Anton Nguyễn Ngoc Sơn- daihoidanchua.net
_______________________________________________