Các bài viết chính của Bùi Công Thuấn (đọc theo linh): buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
Bạn có thể tải chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận (bản full 7 bài viết) theo link: https://www.mediafire.com/file/w9tthddhwp7gtvi/NAM+KỲ+ĐỊA+PHẬN-Chuyên+luận-7+bài+pdf.rar/file
***
LÊ ĐĂNG KHÁNG-MỪNG TUỔI DÒNG SÔNG
(Đọc tập thơ Mừng tuổi dòng sông của Lê Đăng Kháng, nxb HNV2024)
Bùi Công Thuấn
***
Nhà thơ Lê Đăng Kháng sinh năm 1947, quê Hà Nam. Ông là hội viên Hội VHNT Đồng Nai (1981), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2002).
- Thế hệ vàng-nhà văn bước ra từ chiến trường.
Ông từng là người lính chống Mỹ từ năm 1966. Đất nước hòa bình thống nhất, ông đi học và tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Tp HCM, khoa Ngữ văn (1980), sau đó ông làm biên tập viên Nhà xuất bản Đồng Nai.
Nhà thơ Lê Đăng Kháng đã in 10 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và trường ca: Vầng trăng nơi thiên đường (tiểu thuyết. 1991), Kẻ đánh thuế đời mình (tập truyện ngắn. 1997), Đến hẹn (thơ. 2004), Sương sớm (Tập truyện ngắn. 2006), Tiếng chim mắc nợ (thơ. 2006), Hoa cúc ổi (tiểu thuyết. 2011), Quả ngọt (thơ và trường ca. 2013), Thiếu phụ cùng băng ghế (tập truyện ngắn. 2016), Vùng sáng trước mặt (tập truyện ngắn. 2022), Mừng tuổi dòng sông (thơ. 2024). Ông cũng đạt nhiều giải thưởng văn học, chẳng hạn: Giải II, Hội Nhà văn và Bộ Lâm nghiệp 1981, Giải Trịnh Hoài Đức lần II & IV, giảỉ thơ hay VNĐN 1991…
Hành trình đời ông là hành trình của một thế hệ thanh niên sống lý tưởng cao đẹp, trực tiếp tham gia và đóng góp tuổi trẻ của mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Ông trưởng thành và viết văn trong bối cảnh lịch sử lớn lao: kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước hòa bình, thống nhất; Đảng tiến hành “đổi mới” mở ra thời đại mới: thời đại công nghiệp hóa, hội nhập toàn cầu hóa.
Bản thân ông là một điển hình cho nỗ lực phấn đấu rèn luyên không ngừng. Rời chiến trường, ông lại lao vào học tập và làm việc. Tất cả những trải nghiệm ấy, bối cảnh ấy đã hun đúc lên cảm hứng sáng tạo ở cả thơ và văn của ông. Vốn sống, tư tưởng, tình cảm của ông trở thành nội dung, ánh lên vẻ đẹp và kết tinh thành những giá trị thơ-văn của ông: thơ văn của người lính, hào hùng nhưng rất mực chân thực, mộc mạc, và giàu cảm xúc. Hạt nhân của vẻ đẹp thơ văn ông là tình người, tình yêu thương với quê hương, đất nước, đồng đội, gia đình và tính yêu thời đại của mình. Viết về tập truyện Sương sớm của ông, tôi nhận ra tập truyện thể hiện “triết lý của người hiền”[[1]]. Lê Đăng Kháng thuộc thế hệ “vàng mười” của văn học Đồng Nai.
Sở dĩ ông có nhiều thành tựu trong sáng tác là do ông trăn trở rất nhiều về việc viết. Ông viết rất cẩn trọng, công phu, với ý thức sâu sắc của một người lính, và với trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút (khác với nhà văn thị trường, viết theo yêu cầu thị hiếu của người đọc). Ông thường chia sẻ với tôi một bài thơ mới làm. Đọc thơ ông (tôi tự nghĩ mình là bạn thân), và dưới góc độ của người đọc, tôi chân thành trình bày cảm nhân riêng của mình về bài thơ. Có khi nhận xét của tôi về một từ, đã làm ông vất vả nhiều ngày để tìm từ thay thế. Đặt từ mới vào bài thơ, thấy chưa ổn, ông lại trăn trở tìm từ khác. Bài Bình Liêu là kết tinh tài năng, tâm huyết và công phu trăn trở như thế của ông.
(Nhà thơ Lê Đăng Kháng dự trại Cà Mau)
- “Mừng tuổi dòng sông”
Tập thơ Mừng tuổi dòng sông có 34 bài, chứa đựng nhiều tín hiệu mới lạ trong thơ Lê
Đăng Kháng.
Lê Đăng Kháng làm thơ ở nhiều nơi: Đồng Nai (Mã Đà 2015, 2019; Đắc Lua 2017, Tân Phú 2017, Biên Hòa 2018), Trại sáng tác Vũng Tàu (2018; 2019), Hà Nam (2021), Hà Nội 2022, Quảng Ninh (2022), Đồng Đăng (2023), Mường Phăng (2024); Cà Mau (2023), Đồi A1, Điện Biên Phủ (2024,)…như vậy cảm hứng sáng tác về quê hương đất nước của ông trải rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Tình yêu quê hương không chỉ dành riêng cho Hà Nam hay Đồng Nai (Mảnh trăng xưa) mà mở rộng đến vùng sâu vùng xa (Đắc Lua), đến vùng đất lịch sử (Đồi A1, Điện Biên Phù-Trong căn hầm De Cas), vùng đất văn hóa (Hà Nội, Đồng Đăng-Con tàu dạo ấy, Cỏ xanh ), đến tận địa đầu đất nước (Cà Mau-Bài hát nơi đất Mũi). Điều này cũng là đặc điểm thơ Đồng Nai. Các nhà thơ sinh ra lớn lên ở nhiều địa phương trong nước, đã đi qua nhiều vùng quê hương và quy tụ về Đồng Nai, vì thế, tình quê hương trong thơ Đồng Nai mở rộng thành tình yêu đất nước, với sắc màu rất phong phú. Thơ Lê Đăng Kháng góp vào sự phong phú ấy của thơ Đồng Nai.
Điều mới mẻ khác trong thơ Lê Đăng Kháng là sự hòa trộn cảm xúc, nghĩ suy về quá khứ với thực tại hôm nay. Hình như ông nghĩ ngợi rất nhiều suốt mấy chục năm qua về thế hệ của ông. Ánh sáng tư tưởng hòa hợp hòa giải dân tộc và tình yêu thương dạt dào của trái tim ngưới lính, cùng với những trải nghiệm tử sinh của ông đã kết tinh thành những giá trị quý báu trong thơ ông. Tâm hồn sáng trong nhưng trĩu nặng bao nỗi niềm. Xin đọc:
Tàu giờ tôi ngồi khoang mềm lạnh
Các cháu nhân viên khẽ mỉm cười
Tuổi họ khéo bằng tôi dạo ấy
Đi qua cuộc chiến chục năm trời
Dạo ấy tôi ngồi khoang tàu chật
Nghe người hát dạo gẩy ghi ta
Nửa khoang dạo ấy là ngô, sắn
Mà người hát dạo vẫn len qua
Có thể họ là thương phế binh
Người của bên kia vì mưu sinh
Đã hát trên con tàu Thống Nhất
Bằng những bài ca yêu nước mình…”
(Con tàu dạo ấy)
Điều thú vị là về nghệ thuật thơ, Lê Đăng Kháng đã vượt lên. Khởi đi từ làm thơ truyền thống, Lê Đăng Kháng làm thơ tự do giàu tính tư tưởng. Thể thơ này đang là dòng chính của thơ Việt hôm nay. Lê Đăng Kháng có những bài thơ tự do rất mới lạ. Mới lạ trong việc chọn lựa chất liệu hiện thực, mới lạ trong cái nhìn và suy gẫm về cuộc sống đầy biến động và phức tạp, mới lạ trong cách quan sát, khám phá và thể hiện, nhưng vẫn giữ những đặc điểm phong cách thơ của ông.
Xin đọc bài Tĩnh vật.
Bắt đầu từ chiếc mâm nhôm
không thể mỏng hơn sự phế thải
với mức giá vừa túi tiền công nhân
trong hạnh phúc mua sắm
ngày nghỉ ca cuối tuần
Lát cà chua như điểm nhân
nét hoa văn trong đĩa cá nục
sang tay ba bốn giá
mấy lần ướp đá
sớm chiều bán ven chơ công nhân
và đĩa rau muống thật xanh
được luộc chín nhờ ngọn lửa ga công nghiệp
Mùi cơm chín lấn át
gợi nhớ đường làng rạ rơm
vợ chồng người công nhân giật mình
nhớ mùi bùn non vụ gặt
Bỗng thằng bé cầm đũa gõ vào mâm
gõ vào đĩa cá
bắt đầu một trật tự khác
nó hát những lời đầu tiên của tư duy
nó vẫn gõ vào mâm như đệm nhạc
vợ chồng người công nhân nhìn nhau
bài hát hay đứa bé
là ước mơ của họ
có thể mãi sau này
thằng bé hiểu thế nào là tư duy
là ước mơ
từ bức tranh tĩnh vật
(Tĩnh vật-Lê Đăng Kháng-)
Nhà thơ vừa quan sát, vừa kể chuyện, vừa suy gẫm. Hình ảnh đời thường, cuộc sống khốn khó của một gia đình công nhân bỗng tỏa ra ánh sáng tư tưởng. Lời thơ, câu chữ, vần, nhạc rất mộc mạc, tự nhiên, như lời nói chuyện, lời cảm thông đầy nghĩa tình. Lê Đăng Kháng không dụng công làm thơ, không tu từ, không óng chuốt cầu kỳ thi tứ…nhưng xin lưu ý, ngôn ngữ thơ Lê Đăng Kháng rất chắt lọc, chứa nhiều năng lượng cảm xúc, đào xới nhiều vỉa tầng hiện thực. Nhưng cái lạ là ở chỗ: đời sống nghèo khó xót xa của người công nhân sao đậm chất thơ đến thế! “Cái nghèo” của người công nhân hôm nay khác với “Cái nghèo” ngày xưa: “Áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá” (Đồng chí- Chính Hữu). “Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non” (Bầm ơi!-Tố Hữu). Gia đình người công nhân có cơm ăn, mâm cơm có đĩa cá nục, đĩa rau xanh, điểm tô thêm màu sắc miếng cà chua, no ấm, sang hơn “ngày xưa” nhiều. Vậy mà đọc bài thơ, trái tim người đọc như bị xát muối! Bởi nhìn vào tình cảnh gia đình công nhân này, người đọc liên tưởng ngay đến những biệt phủ, những nhà lầu xe hơi, đồng hồ triệu đô; đến những vụ hối lộ ngàn tỷ, đến những đại án triệu tỷ đồng. Chênh lệch giàu nghèo trong xã hội hôm nay không sao tưởng tượng nổi. Đó là “một trật tự khác”. Một trật tự không thay đổi, như bức “tranh tĩnh vật” nằm chết trên tường, có chăng “là ước mơ”!
Bây giờ xin đọc Tĩnh Vật của Thanh Tâm Tuyền, một bài thơ miêu tả hiện thực miền Nam những năm 1960. Nỗi chết khốn cùng, nghèo đói, máu và nước mắt đòi quyền sống. Nhà thơ lên tiếng nói đầy phẫn nộ:
“Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp
Thôi
để giấc mơ lên cỏ hoa
Hiện hình nỗi chết
Từ ngón tay
Hết cả niềm hồn hậu
Người đau bằng màu bằng âm thanh
Những ngày nghèo đói
Ăn mày
Cố sức
tiếng cười trên cổ nõn
Tóc mai
Phố nhỏ lên chiều
mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống”.
( Tĩnh vật-Thanh Tâm Tuyền-Sáng Tạo, số Xuân 1957.)
Hai bài thơ bên cạnh nhau bộc lộ sự tương phản về tư tưởng, nghệ thuật và thái độ diễn ngôn. Cùng là thơ tự do, miêu tả hiện thực, một hiện thực không thay đổi, như tranh tĩnh vật nhưng Thanh Tâm Tuyền đầy phẫn nộ trước hiện thực miền Nam đói nghèo, nỗi chết bao trùm, con người quyết liệt đòi quyền sống, còn Lê Đăng Kháng lại chia sẻ cảm thông với gia đình công nhân nghèo., Nhưng hy vọng vào một trật tự khác
Bỗng thằng bé cầm đũa gõ vào mâm
gõ vào đĩa cá
bắt đầu một trật tự khác
nó hát những lời đầu tiên của tư duy
nó vẫn gõ vào mâm như đệm nhạc
Động từ “gõ” được lặp lại nhiều lần có ý nghĩa đánh thức, làm thức tỉnh: “vợ chồng người công nhân nhìn nhau”. Và họ “ước mơ”.Kết thúc bài thơ là một suy tư về tương lai.
“bài hát hay đứa bé
là ước mơ của họ
có thể mãi sau này
thằng bé hiểu thế nào là tư duy
là ước mơ
từ bức tranh tĩnh vật”
Sự so sánh nào cũng khập khiễng, tôi chỉ muốn nói sự mới lạ của thơ Lê Đăng Kháng. Bởi thơ Thanh Tâm Tuyền viết bằng kỹ thuật “dòng ý thức”, là tiếng nói phản kháng thể hiện tư tưởng Hiện sinh. Trái lại, thơ Lê Đăng Kháng là thơ hiện thực, là tiếng nói sẻ chia, viết bằng tấm lòng nhân ái.
Bài Bình Liêu là một vẻ đẹp khác của thơ Lê Đăng Kháng:
Bình Liêu mây trắng lưng đồi
Vén mây tìm lối lên trời là đây
Dịu dàng lất phất mưa bay
` Vui sao tiếng ếch kêu ngay sau nhà
Gà rừng eo óc gần xa
Ruộng bậc thang cứ mượt mà lúa xanh
Ngỡ ngàng ngàn dặm Quảng Ninh
Chưa bao giờ dám nghĩ mình đặt chân
Giữa hè sao ngỡ mùa xuân
` Hoa sim nở tím lòng ngần ngại xa
Mặt trời trắng giữa bao la
Cọn quay chầm chậm thác òa òa reo
Bâng khuâng trời nước Bình Liêu
Bản làng san sát giậu leo tơ hồng
Bước đi một bước lại ngừng
Quê hương trù phú một vùng biên cương
Đi hay ở lại với rừng
Rượu ngô đã ngấm say trong lưng chiều
Lượn sli ai gọi người yêu
Chân đồi từng tốp đã xiêu xiêu lòng
Chiều buông hoa dẻ thơm lừng
Lòng như dợn sóng trùng trùng lúa xanh
(Bình Liêu-Lê Đăng Kháng 2022)
Bài thơ tổng hợp được nhiều vẻ đẹp. Cảnh Bình Liêu đẹp, tình người Bình Liêu say. Thơ Lục bát vừa trang nhã vừa dân gian. Ngòi bút miêu tả sắc nét. Tầm nhìn, sự quan sát rất tinh tế. Người đọc có thể nghe rõ tiếng ếch, tiếng gà, tiếng gọi người yêu và tiếng lòng của nhà thơ. Bóng dáng nhà thơ hiện lên vừa lãng mạn vừa tài hoa.
- “Lời ngỏ” của nhà thơ Lê Đăng Kháng
Trong “Lời ngỏ” tập thơ, ông viết:
“Hiện thực cuộc sống như dòng sông không ngừng chảy về phía trước. Dòng sông luôn
bồi đắp cho sự tốt tươi của đôi bờ.
Nhà thơ chọn lấy đôi bờ tươi tốt ấy như đón nhận cuộc sống với sự biết ơn chân thành…
Mừng tuổi dòng sông là tiếng nói biết ơn cuộc sống, và mừng cho những thành tựu chinh phục bản thân của nhà thơ”
Tôi thích “Lời ngỏ” tập thơ của Lê Đăng Kháng, bởi vì, những lời một mạc chân thành ấy,
chứa đựng tư tưởng nghệ thuật của thơ ông; nó giúp người đọc nhận ra sự mới lạ mà ông khám phá được, nó đánh dấu “độ chín” câu chữ ông viết, nó vang lên nhịp đập trái tim ông trước hiện thực, và toả sáng khuôn mặt thi ca của ông. Điều rất quý của thơ Lê Đăng Kháng là sự đóng góp làm phong phú thơ Đồng Nai, và làm đậm thêm những sắc màu tươi đẹp của thơ Việt hôm nay.
Tháng 11/2024
[1] Bùi Công Thuấn-Khúc gieo trồng ban mai-Đọc tập thơ Quả ngọt của Lê Đăng Kháng
http://buicongthuan.vn102.space/?title=th_le_ng_khang_qu_ng_t&more=1&c=1&tb=1&pb=1
Bùi Công Thuấn-Triết lý người hiền-Đọc Sương Sớm của Lê Đăng Kháng
Nguồn: Bùi Công Thuấn-Nhà văn Đồng Nai, Nxb HNV 2018