MỘT BẢN DỊCH SAI KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC
Bài thơ
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bản dịch cũ
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Bản dịch trong SGK lớp 7:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ
Chữ “tiệt nhiên” dịch là “vằng vặc” thì sai rồi. Tự điển Thiều Chửu ghi rõ : “Tiệt nhiên, (là) phân biệt rõ ràng đâu ra đấy không dính dáng gì với nhau nữa, như lấy dao mà cắt đứt hẳn ra” (tr.264)
Câu thơ “Nam quốc sơn hà.. tiệt nhiên định phận tại thiên thư” có nghĩa là núi sông nước Nam đã được phân định rạch ròi tại sách trời”. Tư tưởng tổng quát cửa bài thơ là ý thức độc lập, tự chủ. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có lãnh thổ, dân tộc, chính quyền. Đó là một chân lý ghi ở sách trời. Dân tộc Việt Nam có quyết tâm, ý chí và sức mạnh bảo vệ chủ quyền đó.
Chữ “vằng vặc” thường chỉ dùng cho ngữ “ánh trăng vằng vặc”, hoàn toàn khác với nghĩa “tiệt nhiên”. Hiểu “sông núi nước Nam chỉ như ánh trăng vằng vặc” thì không chấp nhận được. Không được dạy cho học trò điều sai trái ấy (dịch sai, hiểu sai tư tưởng, tình cảm của bài thơ)
Trong tình hình căng thẳng về chủ quyền biển đảo của đất nước hiện nay, cần phải khẳng định rõ lời dạy của cha ông. Lãnh thổ, sông núi nước Nam là thực thể lịch sử, pháp lý của dân tộc đã được khẳng định từ ngàn xưa. Không chỉ là hình bóng “vằng vặc” được. Hiểu như thế là có dụng ý xấu tiếp tay cho giặc xâm lược.
Bản dịch cũ đã trở thành niềm tin, sức mạnh và tinh thần tự chủ của dân tộc, không thể đánh đổ niềm tin và tinh thần bất diệt ấy.