Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài III, “Cho danh Cha cả sáng”.
Bùi Công Thuấn
Bạn có thể tải bản full theo link:
https://www.mediafire.com/file/js0s2wjfdj19v5z/NK%C4%90P-B%C3%A0i+3-CHO+DANH+CHA+C%E1%BA%A2+S%C3%81NG.pdf/file
***
Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận đề ra mục tiêu: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…” (Bổn quán kỉnh cáo, số 01, năm 1908)[[1]]. Nói bằng ngôn ngữ hôm nay, đó là thực hiện nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Tính chuyên nghiệp của tờ báo thể hiện ở việc tập trung bài viết về nhiệm vụ này để đạt mục đích “cho danh Cha cả sáng”.
Nam Kỳ Địa phận đã thực hiện nhiều thể loại báo chí. Bạn có thể đọc: “Châu tri Đức Giám mục địa phận Sài Gòn”-Communication de l’Évêché (thông báo của Tòa Giám mục); “Thơ chung Đức Giáo Tông”, “Thơ chung mùa Chay cả” của các Đức Giám mục, “Thơ mục vụ” (Lettre Pastorale); “Lời Thánh kinh”, “Êvang Chúa nhựt”, “Thánh kinh lược gẫm”, “Tìm đạo chánh là đàng phước thật”, “Sấm ký chơn tích”, “Sự tích Chúa Cứu Thế”, “Đạo lý”, “Hạnh các thánh”, “Sự tích phép lạ”, “Những gương lành”, “Sự tích các cha đã qua đời”, “Sách phần mới”, “Sách phần cho trẻ em”, “Lời an ủi”, “Gốc tích sự đạo nước Nam”; “Hội thánh Việt Nam”, “Việc giảng đạo tiên khởi nước Nam”…
Xin tìm hiểu từng chủ đề.
I. COMMUNICATION DE L’ÉVÊCHÉ
Đây gần như là phần thường xuyên của tờ báo. Có năm, số thông tin khá nhiều. Năm 1924 có 30 bản tin; năm 1929 có 41 bản tin; Năm 1935 có 21 bản tin, năm 1942 có 45 bản tin. Phần này đã đề cập đến trong bài viết: “Nam Kỳ Địa Phận–Bài II: Tân thư, Thời sự”[[2]] (xin chỉ nhắc sơ lược ở đây)
Xin đọc:
COMMUNICATION DE L’ÉVÊCHÉ
(Năm 1914. Số 311, tr. 817)
“Đức cha Luciano đi dưỡng bịnh bên quê nhà, tại nước Langsa, đã gần được một năm. Nay nhơn dịp mãn năm 1914, cùng sang qua năm mới, thì Đức cha gửi lời kính các Linh mục và thăm các bổn đạo Địa phận Nam Kỳ.
Đức cha gửi lời thương nhớ cùng chúc cho các Linh mục và các bổn đạo hết thảy đặng mọi sự lành năm mới.
Đức cha tính chừng ít ngày nữa thì sẽ đi Rôma, mà viếng Tòa thánh. Đức cha hứa khi gặp Đức thánh Phapha mới lên quờn là Đức Giáo Tông Bênêđictô XV, thì sẽ xin Đức Giáo Tông chúc lành cho các Linh mục và các bổn đạo Nam Kỳ.
Đức cha cũng xin các Linh mục và các bổn đạo cầu nguyện cho Đức cha đặng mạnh, mà về cùng đoàn chiên yêu dấu.”
***
THƠ RÔMA
(NKĐP số: 1205, ngày 23 Juin 1932, tr. 369)
S. congregation de la Propagande
Rome le 12 Novembre 1931
A Son Excellence Monseigneur Isodore Dumortier, Vicaire Apostolique de Saigon
Trọng kính Đức cha
Theo tờ Đức cha tỏ bày mọi việc trong năm và theo sổ Đức cha gởi, thì tôi tỏ thấy Đức cha và các đấng sốt sắng phụ giúp Đức cha đã nhờ ơn Chúa phù hộ mà gặt được những trái tốt lành thanh quí trót cả năm và năm mới qua. Có lẽ hẳn mà trông sang năm số bổn đạo trong Địa phận Đức cha sẽ tăng tới 100.000 người.
Nhứt thiết đáng khen đông số các người Nhà Phước và Tây và Nam, vì chăm lo giúp kẻ liệt lào trong các nhà thương, và tận tình cần mẫn trong mấy việc yêu người trong địa phận đã nhiều và lại đang phấn chấn.
Lại tôi cũng mừng vì thấy lập thêm những họ đạo mới, có chỗ là bởi nhờ lòng rộng rãi người quờn quới trong bổn đạo phụ giúp, cho nên Thánh Bộ Tấn Giáo nầy biết ơn kẻ ấy mọi đàng.
Nhứt là đáng khen sự quan Docteur Nguyễn Văn Phát trở lại cách rỡ ràng; tôi gởi ban phép lành riêng cho quan ấy, trông nhờ gương ngài và lời ngài giảng dụ sẽ làm cho nhiều người khác trong anh em đồng bang ngài đặng mà theo Đạo thánh ta.
Tôi đã tâu lại cho Đức Thánh Cha hay: thầy cả bổn quốc Ignatio Thích đã làm lễ chánh tế Ngũ tuần. Đức Thánh Cha đã tỏ lòng phụ từ chính tay Người cầm bút tả câu chúc ban phép lành cho ngài; tôi xin Đức cha trao lại bửu tích ấy cho ngài, và nói Thánh Bộ Tấn Giáo nầy gởi lời chúc mừng ngài.
Tôi ban phép lành cho Đức cha và các kẻ phụ giúp Đức cha cùng bổn đạo Đức cha nữa.
Nay kính
G. M. Card. V. Rossum
Hội trưởng
Côrôlô Salotti
Tổng Giám mục Philippopoli
Thơ ký
II.THƠ CHUNG
“Thơ chung” là thơ của Đức Giám mục gửi cho giáo dân, thường là “Thơ chung mùa Chay cả”.
Hầu như năm nào Nam Kỳ Địa Phận cũng đăng “Thơ chung”. Năm 1924 có 3 Thơ chung đăng trên 6 số báo. Năm 1929 có 5 Thơ chung đăng trên 13 số báo; năm 1931 có 5 Thơ chung (cả thơ Mục vụ) đăng trên 16 số báo; năm 1932 có 3 Thơ chung: Thơ mùa Chay (tr. 67), Thơ chung Đức Giáo Tông Pio XI về phép hôn phối (các trang 83, 99, 115, 131, 147, 163, 179),…
Các “Thơ chung” có giá trị đặc biệt về giáo dục đức tin, dạy dỗ giáo luật, uốn nắn nhận thức tư tưởng cho bổn đạo trước những vấn đề thực tại mà người Công giáo phải đối mặt. Ngôn ngữ “Thơ chung” là ngôn ngữ của “Đấng thẩm quyền” (ngôn ngữ có quyền lực), giáo dân buộc phải lắng nghe và thực hiện. Các vấn đề xã hội được nhận thức và lý giải dưới ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng Thần học và Triết học; đó cũng là quan điểm xã hội của Rôma. Thí dụ, vấn đề hôn nhân, vấn đề chiến tranh, vấn đề lao động, các học thuyết tư tưởng xã hội đương thời…
“Thơ chung” nâng tầm nhận thức của giáo dân đối với những vấn đề lớn của Giáo hội toàn cầu mà người dân quê ngày xưa, sinh hoạt trong cộng đồng là xã, chưa có điều kiện tiếp cận; đồng thời trang bị cho họ cái nhìn Thần học và quan điểm của Giáo hội (thí dụ, xin đọc Thơ chung của Giám mục Cassaigne năm 1945)
Xin đọc: Thơ chung vào mùa chay cả năm 1914. (NKĐP số 266. tr.66): (trích)
“…Nhơn vì những lẽ ấy, Ta nguyện kêu danh Đ.C.T. mà nhắc lại cho anh em những điều sau nầy:
- Luật buộc giáo hữu phải xem lễ mỗi ngày Chúa nhựt và bốn ngày lễ cả sau nầy: Lễ Sinh Nhựt Đ.C.G. Lễ Đ.C.G thăng thiên, Lễ Đ.C. Bà mông triệu thăng thiên và Lễ các thánh Nam Nữ.
- Các giáo hữu nam nữ đã đến tuổi khôn, phải xưng tội một năm ít là một lần. – Lại phải lấy lòng tôn kính sốt sắng mà rước Mình Thánh Chúa một năm ít là một lần, trong mùa Phục sinh. Trong địa phận ta, mùa Phục Sinh kể từ ngày lễ Tro cho đến Lễ Đ.C.T. Ba Ngôi.
- Các bổn đạo đã đến tuổi ăn chay, nghĩa là 21 tuổi trọn, bằng chẳng có lẽ riêng mà được phép cha giải tội hay là thầy bổn sở chuẩn, thì phải ăn chay mỗi ngày thứ sáu trong mùa Chay cả, ngày thứ tư Tuần thánh và ngày áp lễ Sinh nhựt Đ.C.G.
- Các giáo hữu nam nữ đã đến tuổi khôn, phải kiêng thịt các ngày thứ sáu trong năm, mỗi ngày thứ tư và thứ sáu trong mùa Chay cả, ngày áp lễ Đ.C.T.T. hiện xuống và áp Lễ Đ.C. Bà mông triệu.
- Trót cả mùa chay, chẳng nên dùng cá với thịt trong một bữa cơm; các thứ tôm tép, các giống sò ốc cua vọp, cũng chẳng nên ăn lộn với thịt trong mùa Chay.
- Theo phép chuẩn Đ. G. Tông đã ban, thì bổn đạo Địa phận ta khỏi mấy ngày kiệng thịt và chay lòng khác, và khỏi nhiều điệu nhặt nhiệm Hội thánh dạy phải giữ trong mùa Chay cả. Song Tòa thánh khuyên kẻ dùng phép chuẩn ấy, phải bố thí cho vừa sức mình mà thế lại. Của bố thí ấy, các Linh mục bổn sở sẽ gởi cho ta, để giúp việc lành trong Địa phận theo ý Bề trên phân định.
- Những ngày kiêng thịt và chay lòng trong mùa Chay cả, dầu khi lót lòng tối, thì cũng nên dùng trứng gà trứng vịt và các thứ sữa.
Phải đọc Thơ Chung nầy trong các nhà thờ lớn nhỏ Địa phận Ta, từ ngày Chúa nhựt Năm Mươi về sau. Thường phân ra mà đọc, cùng cắt nghĩa nhiều lần trong mủa Chay cả.
Ta đã làm Thơ nầy tại Sài Gòn ngày lễ đặt tên Đ.C.G. mồng 1 Janvier năm 1914, và đã ký tên cùng đồng ấn Ta nữa.
Victo-Carôlô,
Giám mục Laranda ký
***
THƯ CHUNG MÙA CHAY CẢ năm 1945
(NKĐP số 1849, ngày 1er Mars 1945. Tr.58)
***
Đức thầy Gioan Cassaigne
Bởi ơn Đức Chúa Trời và quyền Tòa thánh,
làm Giám mục Gadara và thay mặt Đức Giáo Tông
mà cai trị Địa phận Saigon
gởi lời thăm cùng chúc bình an và sự lành
cho hàng Đạo đức và Giáo hữu địa phận Ta.
Ớ anh em rất yêu dấu,
Nạn chiến tranh hiện thời ngày càng lan rộng, hóa thành một tai họa lớn lao thới quá, bao trùm thế giới trong cảnh tang khó, gieo rắc khắp nơi nỗi hồi hộp âu lo và chất chồng các sự đau thương trên loài người. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, lương tâm người Công giáo chúng tôi bắt nghĩ đến vấn đề sự dữ ở thế gian nầy: Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng sao để dồn dập những tai nạn khốn khó dường ấy?
Khắp hết mọi nơi trên đất, dưới biển, cho đến trên không trung đã thành bãi chiến trường, hằng có tiếng than van của con người kêu đến Thiên Chúa. Hằng triệu chiến sĩ phải sống ghê rợn, chực cấu xé giết hại lẫn nhau chẳng nguôi. Rồi bao nhiêu thành thị, xóm làng phải thiêu hủy vì cơn bão bùng bom đạn khòi lửa rùn rợn nầy. Lương dân phải tàn sát bởi nạn phi cơ dội bom, những đám đông đặc người kéo đi tìm nơi lánh nạn, trong các gia đình phải chịu túng cùng đói khát, biệt tin biệt tức các kẻ thân yêu, áy náy lo sợ những việc xảy ra mà mình chưa rõ, lại thêm một dòng dõi mới những trẻ mồ côi vì chiến tranh.
Giữa những sự khốn nạn cả thể dường ấy, không lạ gì cái tiếng kêu đến Chúa: “Lạy Chúa, nhơn sao Chúa để chúng tôi phải khổ sở đỗi nầy!”. – Có khi tiếng than van thế ấy có giọng lộng ngôn: “Nếu Đức Chúa Trời nhơn lành, ắt Chúa chẳng để có bây nhiêu nỗi khốn nạn thế nầy.”. – Mà nếu hồ nghi về lòng lành Đức Chúa Trời, tất là hồ nghi không có Đức Chúa Trời. Vì chưng nếu Đức Chúa Trời chẳng phải trọn lành, thì chẳng còn phải là Đức Chúa Trời. – Phái vô thần lợi dụng tình cảnh rủn chí nầy mà cao rao rằng: tai nạn chiến tranh làm chứng chẳng có Thiên Chúa bảo tồn vạn vật, vì rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời, ắt Chúa chẳng để loài người tai ương đến thế”.
Phải đáp giải thế nào?
(Xin đọc tiếp ở phần Phụ lục phía dưới)
***
III. LỜI THÁNH KINH, THÁNH KINH LƯỢC GẪM, LỜI EVANG CHÚA NHẬT
Lời Thánh Kinh, Thánh Kinh lược gẫm và Lời Evang Chúa nhật là những bài giảng Kinh thánh các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng quanh năm. Những bài viết ấy, trong thực tế, là bài giảng lễ của Linh mục.
Ngày xưa, Linh mục dâng lễ âm thầm bằng tiếng Latinh. Giáo dân hoàn toàn không hiểu Linh mục đọc những gì, ý nghĩa ra sao. Chỉ khi giảng lễ, Linh mục kể tóm lược đoạn Thánh Kinh của ngày lễ hôm ấy, rồi giảng giải những chỗ cần thiết, từ đó rút ra ý nghĩa nhận thức và hành động cho giáo dân để củng cố đức tin và hướng dẫn sống đạo. Những bài giảng lễ vừa là “loan báo Tin Mừng”, vừa kết nối tín hữu toàn cầu trong một đức tin (Kinh Tin kính), bởi vì trong ngày Chúa nhật hay ngày lễ, các Linh mục cùng dâng lễ và cùng cử hành phụng vụ Lời Chúa thống nhất theo Roma. Sự khác biệt trong các bài giảng lễ chỉ ở phần hướng dẫn sống đạo. Linh mục tùy theo đối tượng giáo dân mà dạy dỗ điều này điều kia.
Ngày nay đọc những bài này của Nam Kỳ Địa Phận, người đọc sẽ thấy tác giả không trích lại nguyên văn đoạn Kinh thánh, mà chỉ thuật lại gián tiếp, rồi rút ra bài học. Nội dung những bài viết này tuy có khác với hôm nay song, những điều căn bản về Thần học, về đức tin, về lời dạy của mẹ Giáo hội thì không khác biệt, bởi đó là chân lý Giáo hội đã khẳng định
Lời Thánh Kinh của Mátthêu Đức kéo dài từ 1909 đến 1915, sau đó tiếp tục 2 năm nữa (1918, 1919). Mỗi năm đều theo sát các Chúa nhật và các ngày lễ lớn. Thánh kinh lược gẫm xuất hiện năm 1929, có 34 bài. Năm 1941 có Lời Evang Chúa nhựt của Lm J. Kiểu (Huế), 47 bài. Năm 1942 có Thánh kinh, Chúa nhựt, lễ cả (cũng của Lm. J.Kiểu) trong cả năm…
Xin đọc:
LỜI KINH THÁNH
Chúa nhựt sáu mươi
(NKĐP năm 1910, số 61, tr. 33)
Khi Đức Chúa Giê su thấy dân sự tụ hội đông đắn mà nghe người giảng dạy, thì người đã phán thí dụ về kẻ gieo giống, mà có phần thì sa xuống dọc đàng, có phần thì sa xuống trên đá sỏi, có phần thì sa xuống trên bụi gai, có phần thì sa xuống trên đất tốt. Môn đệ Người nghe vậy mà chẳng hiểu, nên khi lũ dân đã lui về, thì mới hỏi Người ví dụ ấy là gì, ý chỉ làm sao.
Ta phải noi gương các Môn đệ Chúa, trước là ham nghe lời Chúa phán dạy, sau là suy xét lời ấy cho đặng hiểu tỏ ý chỉ mà ghi tạc vào lòng hầu nắm giữ. Mà khi có đều gì kín nhiệm ta không hiểu rõ thì ta hãy khiêm nhường mà hỏi cho hản: hỏi Hội thánh, hỏi các thánh Sư, hỏi kẻ thay mặt Chúa mà dạy dỗ ta về phần hồn; chớ khá lấy ý riêng mà cắt nghĩa trái theo trí mọn mình, kẻo phải lầm lạc như như các quân lạc đạo bấy lâu nay.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Lạy Đức Chúa Giêgiu, xin Chúa dạy dỗ tôi, xin Chúa giúp tôi cho đặng lòng chăm chỉ mà nghe hiểu lời Chúa và giữ vững, hầu cho Chúa chữa tôi cho lành đã mọi tật linh hồn. Xin Chúa mở con mắt tôi ra, cho tôi đặng tỏ thấy mọi điều tốt lành kín nhiệm trong luật điều Chúa. Tôi đã nắm giữ mọi lời Chúa truyền: xin chớ để tôi phải thẹn. Xin cho hột giống lời Chúa sa vào linh hồn tôi, mà mọc lên mạnh mẽ và trổ sinh đầy dẫy trái trăng cho xứng công ơn Chúa.
Mátthêu Đức
***
Xin đọc:
CHÚA NHỰT THỨ XV SAU LỄ HIỆN XUỐNG
(NKĐP số 498, năm thứ 10 (1918). Tr. 531)
Bài của NKĐP
***
Theo Lời Evang ông thánh Luca – VII, 11
Đ. C. G cho con bà góa ở thành Naim sống lại.
I. Hết thảy ta đều phải chết. Vốn Chúa dựng loài người ta có ý để cho sống đời đời, song bởi tội nên ta phải chết…dầu vậy, Chúa còn lòng lành; ví bằng ta thờ phượng Chúa, nhờ công nghiệp Chúa chuộc tội thì sau ta sẽ đặng phước đời đời. – Chắc ta sẽ chết là sự tỏ tường chẳng ai hồ nghi đặng. – Chắc khi chết ta sẽ bỏ hết mọi sự: của cải, quờn chức, và mọi sự ta yêu chuộng, khi sống chẳng muốn lìa, mà giờ chết phải bỏ hết…
II. Ta ăn ở dường như chẳng khi nào sẽ chết. Ấy là ta chẳng biết lo cho đặng chết lành. – Chẳng muốn nhớ tới, suy tới sự chết, kẻo phải bỏ tội, bỏ sự phù vân sang trọng giả trá. – Biết chết là sự rất cay đắng, vì giờ ấy sẽ thấy cả đời mình những làm sự vô ích hại mình; song bây giờ cũng chẳng lo cải quá. – Biết chết là sẽ qua một kiếp khác rất can hệ, song chẳng khi nào xét cùng lo đến.
III. Mạng số ta có phước hay là vô phước thì một lần mà thôi, chẳng hề đổi đặng. Hễ ta sống lành thì chết đoạn sẽ đặng thưởng. – Khi sống có lo thờ phượng Chúa nên thì chết đoạn sẽ về với Chúa; bằng khi sống theo thế gian tội lỗi, thì chết đoạn phải về tay ma quỷ, sẽ phải sa địa ngục chịu phạt vô cùng. – Có Chúa dựng nên trời đất cùng loài người và mọi sự cho loài người ta dùng, lại thấy phép Chúa dạy mọi người phải chết chẳng ai lánh đặng; lẽ nào chẳng có Chúa mà thưởng phạt ta ngày sau. Vậy ở đời có một sự cần là lo thở phượng Chúa cho ngày sau khi chết đoạn đặng lên thiên đàng hưởng phước vô cùng.
***
IV. SẤM KÝ CHƠN TÍCH, SỰ TÍCH CHÚA CỨU THẾ, GIÊSU KIRIXITÔ LÀ AI
Sấm ký chơn tích thuật lại câu chuyện của Cựu Ước, khởi đăng từ số 330 năm 1915 (Quyển chi nhứt) đến số 1350 năm 1935 (Quyển phụ thêm). Sấm ký chơn tích kéo dài 20 năm. Truyện bắt đầu từ thời Adong, Noe; giai đoạn dân Hêbrêu ở bên Êgyptô: Ông Giacóp và ông Gioseph; giai đọan 40 năm ở trong rừng: ông Moyse. Quyển thứ VIII: Ông Giêđêon và ông Samson; vua Saul, vua thánh Đavit. Quyển thứ X: vua Salomon; Quyển phụ thêm: vua Herode …
Mátthêu Đức không dịch sát từng câu của Cựu Ước. Ông kể chuyện Cựu Ước theo cách tổng hợp: kể chuyện kết hợp bình luận. Ông cũng không ghi nguồn nên không rõ những nội dung ông thuật lại là từ nguốn sách nào của Giáo hội.
Điều đáng ghi nhận là Nam Kỳ Địa Phận tạo cơ hội để giáo dân Việt Nam được tiếp cận với Cựu Ước, trở về cội nguồn loài người, vũ trụ, tiếp cận một nguồn văn chương, văn hóa mới lạ từ phương tây.
Xin đọc một đoạn: (NKĐP Năm 1915, số 330)
Quyển chi nhứt
NGƯƠN THỈ
Ông Adong và ông Noe
I
THIÊN QUỐC THẦN TRIỀU
Thuở đầu hết khi chưa dựng nên vật gì, thì có một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Người là tự hữu hằng có đời đời, vô thỉ vô chung, vô biên, vô lượng, là nguồn gồm cả sự có và sự sống. Người đã đặt cho mình một tên riêng, chẳng hề thông ra cho ai đặng, mà chỉ tỏ bổn chất Người: tên ấy là “Jéhova”, nghĩa là “Tao là đấng tự hữu”.
Tuy rằng có một Đức Chúa Trời mà thôi, song Người có ba ngôi phân biện, là ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Đức Chúa Cha chiêm nghiệm mình thì sinh ra Đức Chúa Con; bởi Cha và Con thương mến nhau, thì ra ngôi Thánh Thần. Ấy là sự mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, ta phải thờ lạy, tôn kính, khen ngợi đời đời.
Vậy từ đời đời Đức Chúa Trời chẳng có độc chiếc một mình, vì Người có ba ngôi, và ba ngôi hưởng sự vui mừng, vinh hiển, phước lộc làm một cùng nhau. Nhưng mà cho đặng tỏ ra phép tắc cùng sự khôn ngoan người và lòng người thương mến, thì người đã định dựng nên bề ngoài cho có trời đất, và trong hai chốn ấy thì dựng nên cho có muôn vàn vàn thú vật khác nhau, mà tò ra những sự trọn lành của người, tùy theo bổn tính mỗi vật, thứ nhiều, thứ ít, mặc đòi vật ấy giống hình ảnh người thế nào.
Trên trời người dựng các Thần, nguyên linh tính như người; các Thần ấy ra một đạo binh vô số, nên Triều vua cả. Các Vì ấy chia ra làm ba phẩm, là những Vì chầu nơi tòa Chúa, những Vì áp tắc nước người, và những Vì khâm sai: hết thảy đều trung tín phụng lịnh Chúa mà làm những việc cao cả người ký cho. Trong phẩm thứ nhứt có ba hội, là các đấng Sêraphim, đặng say mến nơi nguồn thương yêu; các đấng Chêrubim hằng ngưởng vọng trông xem Sự Thật hằng có đời đời; và các đấng Troni, là Thần Ngai, lo truyền lại cho các Thần bề dưới hay mọi lịnh Chúa. Trong phẩm thứ hai cũng có ba hội, là các đấng Dominationes làm quan trên, các đấng Principatus làm quan phó, còn các đấng Potestates làm chức việc lo thi hành lịnh trên, và đuổi xua những đều cản trở. Phẩm thứ ba thọ mạng hai phẩm trên sai khiến. Cũng có ba hội: các đấng Virtutes nhưng luật tự nhiên mà làm những phép lạ; các đấng Archangêlô, là Tổng lãnh Thiên thần, làm thần sứ trong các việc đại sự, và các đấng Angêlô, là thiên thần vưng lịnh sai xuống cùng những vật tạo hóa bề dưới mà truyền rao ý Chúa, hay là giữ gìn những vật Chúa ký thác cho.
Ấy là chín hội linh thần Đức Chúa Trời đã dựng nên từ thuở ban sơ, cho đặng hát lời ca ngợi phong khen: “Thánh tai, Thánh tai, Thánh tai, Chúa là Chúa các đạo binh”…
Mátthêu Đức
***
Loạt bài Sự Tích Chúa Cứu Thếkhởi đi từ năm 1920, số 593 (Phần thứ Nhứt-Chúa Hài nhi – Đoạn thứ nhứt: Sứ thần Gabriel hiện đến cùng Zacharia, tr.419), đến năm 1924 (Đoạn thứ IX: lòng lân mẫn và sự công bình, tr. 787). Tác giả là Antoine Phi(C.L.G.) thuật theo lối tổng hợp, không ghi nguồn.
Xin đọc trích đoạn:
Phần thứ nhứt-Chúa Hài nhi
Đoạn thứ bốn-
Việc xảy ra nơi hang đá Bethlléem
(NKĐP số 608, ngày 21 Octobre 1920, tr.657)
Tháng 12 năm 749 ông Cyrinus là phó quan tổng đốc Sextius Saturninus, đến xứ Palestine, làm đổng lý việc kén sổ nhơn dân. Lịnh troàn cho bất luận nam phụ lão ấu đều phải khai tên, tuổi, gia tộc, sản nghiệp, điền viên. Lại nữa mỗi người, dầu kí ngụ nơi nào, cũng phải về khai danh tại thành tổ quán, vì là chính nơi giữ sổ tông chi, cho con cháu cứ tôn ti đẳng cấp mà đặng kế nghiệp tổ tiên.
Đ C Bà và ông thánh Giude mắc vưng chiếu chỉ sau hết nầy, vì cả hai đều bởi dòng Juda, và là gia tộc vua Đavid, nên phải bỏ Nazareth, sang thành Bethléem là quê sanh quán thổ của ông mình. Bởi vậy hai Đấng Thánh liền thượng lộ đăng trình, mà khi đi tới dãy núi Juda, thì Đ C Bà gần đến ngày mãn nguyệt; Người lấy làm lạ cách Đ C T dìu dắc Người đến chỗ Đấng Cứu Thế phải sanh ra, và sự Chúa khiến cho hoàng đế ra chiếu chỉ cho các sắc nhơn dân chuyển dời, hầu một lời tiên tri dân Israel, phán đã bảy đời trước, được ứng nghiệm như lúc bây giờ.
Hai Đấng Thánh đến thành Bethléem thì mòn sức, vì đã đi xa hai mươi hai dặm đàng. Tới nơi, thì mặt trời hòng chen lặn; ánh mặt trời giọi lại trên thành vua Đavid, thì thấy Bethléem như một vị nữ vương ngự trên đảnh núi, xung quanh có triền đất vui đẹp. đầy những vườn cây nho và cây Oliva. Ấy là thành Bethléem, nghĩa là “Nhà bánh”, là nơi sung thạnh mùa màng; Ephrata, nghĩa là “hay sinh sản”, là xứ dễ nuôi những đoàn chiên dê. Phía trên cao đó là chỗ bà Noémi ở xưa khi lúc cơn cần làm cho người xiêu lưu đến Moab; ruộng nọ là của ông Booz, chỗ xưa bà Ruth về dòng Moab đã mót lúa quân gặt bỏ rơi; cánh đồng gần đó là nơi thuở trước ông Đavid chăn giữ bầy chiên, hồi thánh tiên tri sai kiếm người về mà xức dầu phong vương dân Israel. Khi bước chơn đến quí địa nầy, hai Đấng Thánh nhìn xem phong cảnh tứ phía, bèn nhớ lại dòng dõi gia thất mình. Lại khắp nơi thành thị, cả dãy núi non: nhà nhà đều nghe tiếng nói về tổ tiên xưa, nhứt là về vua thánh David vì chưng nó là miêu dệ người.
Song thương thay! Hai Đấng Thánh cũng là nhành vàng lá bạc, dòng dõi thánh vương; mà đời đó có ai biết Đức Nữ Maria là ai, và ông Giude là người nào? Vào thành rồi, không có một ai là người tri thức, hai Đấng Thánh phải bơ vơ tất tưởi giữa những người bởi tứ phía hiệp đến mà khai danh. Phần thì đêm hôm mộ dạ, phần thì lạ lùng, hai Đấng Thánh gõ các cửa nhà, xin cho đỗ nhờ, mà không ai đoái đến. Những người thành Bethléem mắc tiếp rước bà con bạn hữu, lại thấy hai Đấng Thánh bộ bần hàn, thì cũng đem lòng khinh bỉ, không cho chỗ trú. Vì vậy Đ C Bà và ông thánh Giude đi lên hàng quán, nơi mấy người hàng lộ quen nương ngụ, mà cũng luống công; khách bộ hành cùng vật chở chuyên ở đã chật trong ngoài, không thể cho hai Đấng vào ở được.” (còn tiếp).
***
Loạt bài Giêsu Kirixitô là ai của Jacques Lê Văn Đứckhởi đăng từ năm 1936 (số 1415, ngày 13 Aout, tr. 597), đến năm 1940. Ông đặt vấn đề:
“Giêsu Kirixitô là ai?
“Xem vào mặt sử, khoản biên ký về lai lịch dân Giudêu, khúc nói đến đạo Công giáo thuở đầu tiên, thời ta đặng nhàn lãm một bửu danh rất có cảm giác và lai vận, biệt hiệu Giêsu Kirixitô, là Đấng có phần nhiệm tối đại trong sử dân Giudêu, tắt rằng: chính người là chủ động cùng nền tảng môn đạo Công giáo chúc; song đó chẳng qua là việc lược biên trong sử, đây ta cũng nên quan sát coi Giêsu Kirixitô là ai? Đối với tâm sự riêng; cách thực hành ngoài xã hội; Đuốc triến bộ, nền vĩnh viễn; chủng tộc cùng tiên tri thời người ra thể nào.”
Sau đó Jacques Lê Văn Đức đã “luận” về Giêsu Kirixitô ở các nội dung: Giêsu Kirixitô “Đối với tâm sự riêng; cách thực hành ngoài xã hội; Đuốc triến bộ, nền vĩnh viễn; chủng tộc cùng tiên tri thời người ra thể nào.”
Đây là luận bàn của cá nhân tác giả dựa trên “chứng kiến nơi miệng Giêsu Kirixitô làm bằng mà luận về Người. Đối với các Tông đồ và Môn đệ, với đám dân cùng hạng thượng lưu đầu mục Giêsu Kirixitô tự xưng mình là con Đức Chúa Trời thật” (số 1415, tr. 599).
Xin đọc một đoạn tác giả “luận”:
“Lần nọ người thấy trong các môn đệ có kẻ chưa vững lòng tin Người là Con Đức Chúa Trời, thì Người phán tỏ rằng: “Vì đã quá lòng yêu dấu thế gian nên Đức Chúa Cha đã phú Con một mình cho nó…ai tin Người thì sẽ khỏi khốn, bằng ai chẳng tin vì danh Con Người thì phải án phạt đời đời.” (Gioan III, 16, 8).
Đó là bấy nhiêu lời tuyên thệ cho ta rõ Người thật là Con Đức Chúa Trời. Người ở trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở trong Người, ai thấy Người ấy thật là thấy Đức Chúa Cha chúc.”
Như vậy loạt bài “Giêsu Kirixitô là ai” của Jacques Lê Văn Đức là một hình thức giảng Kinh thánh theo chủ đề, khác với hình thức giảng từng đoạn Kinh thánh trong các bài giảng lễ của linh mục. Phần “luận” của tác giả chưa có gì sâu sắc, nếu không nói có chỗ lập luận, dùng từ diễn đạt còn “chông chênh, không ổn”, nhất là về Thần học.
Xin đọc: “Vậy đây Giêsu Kirixitô tự xưng là Con Đức Chúa Trời, thời việc ấy ý nghĩa rất sâu xa tối đại và công dụng lắm…song đều nói mà nghe, hễ chức càng cao thì gánh càng nặng, mang danh hiệu Đức Chúa Trời, thì nghe oai thật, song oai chừng nào càng thêm khó khăn chừng nấy; toàn mọi việc phải có quy tắc, quyền hiệp oai phép Đấng chí linh vô chung vô thỉ, đến cái chết, cái mộ cũng phải nên triệu chứng rằng mình là Đức Chúa Trời thật nữa. Câu chuyện lằng xằng thế, người phàm nhơn có thực hành đặng không nhỉ?” (NKĐP số 1416, ngày 20.8.1936. tr. 617)
***
V. NHỮNG NỘI DUNG GIÁO DỤC PHONG PHÚ
Trong 37 năm, Nam Kỳ Địa Phận có nhiều chương trình giáo dục tôn giáo phong phú về hình thức. Đó là các loại bài: Hạnh tích các thành, những bài nói đạo lý, sách Giáo lý (sách phần) mới, sách giáo lý cho trẻ con và lịch sử Giáo hội Việt Nam.
- HẠNH TÍCH CÁC THÁNH
Hạnh tích các thánh là các bài nêu gương sống đạo của các thánh tử đạo, các
thánh đạo hạnh, các Giám mục, Linh mục đạo đức có công với Giáo hội. Bài viết là sự biểu dương, nêu gương nhân đức các cá nhân sống đức tin để làm mẫu mực cho giáo dân. Các bài viết như vậy cũng phản ánh sức sống mãnh liệt của Giáo hội ở mọi nơi, mọi thời. Dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, Giáo hội luôn có những Mục tử theo Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng, gắn bó với đoàn chiên.
Xin đơn cử: Năm 1910, Nam Kỳ Địa Phận đăng các bài:
Sự tích cha Clément Tranier (Tân Triều, tr.569)
Phép lạ Đức Chúa Bà tại Lourdes. (tr.603, 651)
Sự tích cha bề trên Janin (J Kinh, tr.664)
Hạnh cha Carôlô Thu (Th Thi, tr.701, 718)
Sự tích cha Giacôbê Bùi Kỷ Lập qua đời (P.N. tr.103)
Năm 1913, loạt bài Tích cụ Sáu (Lm Trần Lục), của Joseph-đăng trong 13 số báo. “Cụ Sáu phò giúp nhà nước Langsa Đại pháp bảo hộ và triều Annam” (Số 216, tr.121)
Các nhân vật được viết nhiều:
Truyện ông thánh Inagtio Giám mục tử đạo (Lagi, năm 1923, tr.139)
Á thánh Têrêsa Giêsu Hài đồng (Mátthêu Đức, đăng 52 số báo 1924)
Hạnh tích Đức Giám mục tiên khởi nước Nam (An Phang, đăng 31 số báo. 1930)
27 vị tử đạo họ Ba Giồng (1932)
Á thánh Catarina Labouré. (Đăng 20 số báo 1933)
Vị Thừa sai cùi (1941)…
2.ĐẠO LÝ
(Các mục: Thánh giáo vấn đáp–Đạo lý-Lời an ủi)
Mục Đạo lý (và Thánh giáo vấn đáp) giải đáp các lẽ đạo. Mục này có từ
những số báo đầu tiên đến số cuối. Nhờ các mục này, Báo Nam Kỳ Địa Phận tương tác trực tiếp với độc giả về những vần đề sống đạo.
Thí dụ:
Năm 1910 có các bài tiêu biểu: Nghĩa ba chữ J H S; Có địa ngục không? Trị tội nói hành; Thiên đàng vui không?
Năm 1914: Thánh giáo vấn đáp có các bài: Lề luật Hội thánh; Bảy mối tội đầu; Hà tiện, tham của; Dâm dục; Ghen ghét, phân bì; Mê ăn uống…
Năm 1924: bài Người giàu có kẻ khó khăn cũng lên thiên đàng; Xem lễ Misa có ích là dường nào…
Năm 1934 có bài: Người có đạo phải giữ đức công bình; Phải năng xét mình…
***
LỜI AN ỦI
Đây là Tiểu dẫn của mục “Lời an ủi” (NKĐP số 1326, 15 Novembre 1934, tr.707):
“Ở đời nhiều nỗi gian nan buồn rầu vì phần xác phần hồn, ai ai cũng cần dùng lời khuyên lơn an ủi cho khỏi ngã lòng. Thứ nhứt là con nhà có đạo, nhờ lời giảng dạy, nhờ các sách gẫm mới được vững bền, mới được lòng mạnh mẽ, có sức mà chống cự với sự nguy hiểm cực khổ thế gian, đặng giữ đạo Chúa bền đỗ.
Nay anh em chúng tôi, dầu chẳng tài năng, không văn chương thông thái, song dám liều mình ra công chịu khó, chung cùng với nhau mà viết ra đây những lời quý báu gặp trong bài giảng và các sách gẫm, chia ra từ khoản.
Chữ nghĩa chúng tôi đơn sơ thô kịch, xin chư vị miễn chấp, miễn là lấy ý nghiã đem vào lòng vào trí, hầu suy đi xét lại, để mà nhớ mà gẫm thiêng liêng, đặng có sự hữu ích cho linh hồn mà thôi.
Chớ chi mỗi ngày chúng ta đọc năm bảy câu, rồi đem vào lòng, rán mà giữ những lời châu báu ấy cho cẩn thận, thì bao nhiêu sự ấy sẽ giúp cho ta có sức mà chống cự với cơn gian nan ở đời tạm nầy, và đặng vững bền mà theo chơn Chúa cho đến cùng”
- M. D. G
Năm 1935 đăng Lời an ủi trong 35 số báo. Xin đọc:
26. – Gẫm Evang: “Lời nói hành bay ra xa tứ phía cũng như lông gà ở trên đảnh núi liện xuống…” (số 1333)
27. – Người ta ghét mình, thì là hữu ích cho mình, hơn là người ta thương. Vì
Chúa dùng người ta mà làm cho ta lập công nghiệp (số 1333)
3. SÁCH PHẦN MỚI – SÁCH PHẦN CHO TRẺ EM
Sách Phần Mới của tác giả Paul Nguyễn Quang Minh, Linh mục địa phận
Saigon. Bài khởi đăng từ năm 1937 (số 1454, ngày 20 Mai 1937. tr. 320) đến năm 1943 (hơn 261 số báo). Ngày nay Sách phần được gọi là sách Giáo lý dành cho trẻ và các tân tòng học đạo.
Tác giả giải thích:
“Sách phần là sách gì? Theo nghĩa rộng Sách phần là sách Thánh kinh, là lời truyền, là sách lý đoán, trong đó gồm đủ hết mọi điều chơn thật phải biết phải tin, mọi việc phải làm phải lánh, các phương pháp phải dùng cho đặng làm lành lánh dữ…
Theo nghĩa hẹp…Sách phần là sách lượm lặt quy góp tóm lại những đều đại cái trong đạo, làm thành ra một bổn, để dạy dỗ chỉ vẽ, cho các trẻ đồng nhi nam nữ, biết đàng thờ phượng Chúa, biết lo việc rỗi linh hồn mình…” (NKĐP số 1455, ngày 27 Mai 1937, tr. 336).
Nội dung Sách phần được sọan theo dạng hỏi đáp
Thí dụ:
“H. – Cha mẹ không lo cho con cái đi học, đi nghe dạy sách phần, thì có tội không?
T. – Nếu nó chưa rước lễ trọng thể, thì phải lo cho nó tới trường học hành nghe dạy nghe dỗ, bằng nó rước lễ trọng thể rồi, ra trường rổi, thì phải lo cho nó đi nghe dạy sách phần mỗi chiều Chúa nhựt. Nếu cha mẹ bỏ trôi việc nầy, thì mắc lỗi và không đặng xưng tội chịu lễ…” (NKĐP số 1456, ngày 3 Juin 1937, tr.352)
SÁCH PHẦN CHO TRẺ CON khởi đi từ số 1720 (năm 1942) được soan như một “giáo án” dạy học cho trẻ con ngày nay, có phần đọc, phần giảng, phần thực hành, phần việc của thầy giảng, việc luyện tập của trẻ (xin đọc NKĐP số 1722 ngày 12 Aout 1942, tr.399)
***
4. GỐC TÍCH SỰ ĐẠO NƯỚC NAM
Loạt bài về lịch sửđạo Công giáo ở Việt Nam gồm: Gốc tích sự đạo nước Nam của Phê rô Nghĩa (Di Loan), khởi đăng từ số 922 (Ngày 9 Décembre 1926, tr. 758); Hội Thánh Việt Nam Toàn Lập (khởi tại Phát Diệm) của Mátthêu Đức, khởi đăng từ năm 1933 (số 1279, tr. 740) đến 1941; Lịch sử địa phận Phát Diệm (năm 1933, tr. 88); các Hội dòng (dòng Anh em hèn mọn, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Phước Sơn); các họ đạo (Gốc tích họ An Hiệp và vinh quy (năm 1935, tr.203, 219), họ Hương Thủy (năm 1935, tr.538), Họ Tân Yên (Cao Lãnh-năm 1935, tr.774) họ Nhơn Mỹ (năm 1935, tr. 88), Nhà thờ Chánh tòa Saigon (năm 1941, tr.528)…
Những bài này vừa cung cấp kiến thức lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam đến lịch sử giáo phận, giáo họ; vừa góp phần giáo dục đức tin, giáo dục truyền thống tôn giáo. Ngày nay, đó là những tài liệu quý để tìm hiểu lịch sử Giáo hội Việt Nam. Các nhà viết lịch sử Giáo hội không thể không tham khảo những thông tin của Nam Kỳ Đụa Phận.
Chẳng hạn trong bài Gốc tích sự đạo nước Nam Phê rô Nghĩa cho rằng cố Busomi là người khai khẩn đạo Đàng Trong. Năm 1615, Busomi từ Mả Cao sang Đàng Trong. Đến năm 1624 có thêm cố Alexandre de Rhodes sang. Busomi đã ở đất Đàng Trong 24 năm. Năm 1639 thì lui về thành Mả Cao. Số giáo dân Đàng Trong lúc đó là 1.200 người. Phêrô Nghĩa cho biết khi kể gốc tích đạo, ông căn cứ vào chính sử Annam: “Song muốn cho rõ ràng dễ hiểu thì tôi phải dựa vào Sử ký Nam triều mà kể lại mọi đều theo các đời vương đế; lại dùng cách nói đơn sơ tầm thường, ý cạn lời quê, xin độc giả vui tình chiếu nghĩ” (NKĐP số 922, ngày 9 De1cembre 1926, tr.758). Rất tiếc ông không ghi nguồn.
Mở đầu loạt bài Hội Thánh Việt Nam Tòan Lập (khởi tại Phát Diệm), tác giả Mátthêu Đức viết: “Có một thầy giảng đạo trong nước Annam, đời thứ XVI chép rằng: Ông thánh Tôma đã sang giảng đạo nước Annam, mà nhà vua giữ đạo bốn đời, đến đời vua thứ năm mới bỏ đạo, song không dám phá thánh giá các tiên đế đã dựng trong đền, thì truyền xây tường cho khuất đi, kẻo còn thấy mà phải áy náy trong lòng. Cha Ordonez de Cevallos cứ theo lời truyền khẩu mà chép vậy, không biết lấy đâu làm bằng được….
Đang đời nầy nhà Lê cai trị Đàng Ngoài. Năm 1523, nước Búttughê sai quan Duarte Coelho sang qua Annam, làm tờ giao kết cùng vua. Song việc không thành. Dầu vậy quan ấy muốn để tích làm chứng, đời ấy đã có người có đạo thấu đến nước Annam, nên đã đậu tàu lại nơi cù lao Chàm, kêu là Poulo Champeilo, mà dựng một bia đá lớn đã chạm hình thánh giá, có khắc bốn chữ I N R I, đề số năm 1523 và sáu chữ tắt chỉ tên ông Duarte Coelho.” (Tác giả không ghi nguồn).
Việc đúng sai thế nào về sử liệu của các bài viết trên xin dành cho các nhà sử học đánh giá. Chúng tôi chỉ ghi nhận rằng, Nam Kỳ Địa Phận đã đi những bước đầu trong việc chép sử về gốc tích đạo ở Việt Nam và lịch sử Giáo hội Việt Nam. Mục đích của tờ báo là giúp giáo dân hiểu biết về lịch sử truyền giáo ở đất nước mình, gia tăng lòng tin đạo, lòng mến các vị mục tử và kết nối hiện tại với truyền thống giữ đạo của cha ông.
TẠM KẾT
Do không có đầy đủ số báo của tất cả các năm, việc nhìn nhận những giá trị của Nam Kỳ Địa Phận không tránh khỏi thiếu sót và phiến diện. Song với chiều dài 37 năm cùng với sự phong phú của các kiểu bài viết, Nam Kỳ Địa Phận đã tự khẳng định là một tờ báo tôn giáo hết sức chuyên nghiệp. Tờ báo đã góp phần phổ biến Kinh thánh (Cựu Ước và Tân Ước), góp phần xây dựng việc sống đạo cho giáo dân qua gương hạnh tích các thánh, qua cuộc đời của các Đấng bậc thánh thiện; qua việc phổ biến “Sách phần” cho trẻ con và người lớn, qua Thánh giáo vấn đáp (Đạo lý); đồng thời giúp giáo dân cùng tham gia vào dòng chảy lịch sử của Giáo hội (các loạt bài về gốc tích đạo và Lịch sử hội thánh).
Tất nhiên ngày nay, việc dịch Kinh thánh (Cựu Ước, Tân Ước), việc biên soạn những cuốn Lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam, việc soạn những sách giáo lý cho trẻ (Sách phần), Giáo lý tân tòng, Giáo lý hôn nhân, các sách Suy niệm Lời Chúa…đã đạt được những thành tựu đáng kể; từ đây, nhìn lại những nỗ lực của Nam Kỳ Địa Phận trong việc loan báo Tin Mừng, trong việc chăm sóc chu tất đời sống tinh thần của giáo dân đầu thế kỷ XX, chúng ta mới thấy được giá trị lịch sử rất quý giá của Nam Kỳ Địa Phận.
Tháng 4/2024
______________________________________________
PHỤ LỤC
THƯ CHUNG MÙA CHAY CẢ năm 1945
(NKĐP số 1849 ngày 1er Mars 1945, tr.58)
***
Đức thầy Gioan Cassaigne
Bởi ơn Đức Chúa Trời và quyền Tòa thánh,
làm Giám mục Gadara và thay mặt Đức Giáo Tông
mà cai trị Địa phận Saigon
gởi lời thăm cùng chúc bình an và sự lành
cho hàng Đạo đức và Giáo hữu địa phận Ta.
Ớ anh em rất yêu dấu,
Nạn chiến tranh hiện thời ngày càng lan rộng, hóa thành một tai họa lớn lao thới quá, bao trùm thế giới trong cảnh tang khó, gieo rắc khắp nơi nỗi hồi hộp âu lo và chất chồng các sự đau thương trên loài người. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, lương tâm người Công giáo chúng tôi bắt nghĩ đến vấn đề sự dữ ở thế gian nầy: Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng sao để dồn dập những tai nạn khốn khó dường ấy?
Khắp hết mọi nơi trên đất, dưới biển, cho đến trên không trung đã thành bãi chiết trường, hằng có tiếng than van của con người kêu đến Thiên Chúa. Hằng triệu chiến sĩ phải sống ghê rợn, chực cấu xé giết hại lẫn nhau chẳng nguôi. Rồi bao nhiêu thành thị, xóm làng phải thiêu hủy vì cơn bão bùng bom đạn khòi lửa rùn rợn nầy. Lương dân phải tàn sát bởi nạn phi cơ dội bom, những đám đông đặc người kéo đi tìm nơi lánh nạn, trong các gia đình phải chịu túng cùng đói khát, biệt tin biệt tức các kẻ thân yêu, áy náy lo sợ những việc xảy ra mà mình chưa rõ, lại thêm một dòng dõi mới những trẻ mồ côi vì chiến tranh.
Giữa những sự khốn nạn cả thể dường ấy, không lạ gì cái tiếng kêu đến Chúa: “Lạy Chúa, nhơn sao Chúa để chúng tôi phải khổ sở đỗi nầy!”. – Có khi tiếng than van thế ấy có giọng lộng ngôn: “Nếu Đức Chúa Trời nhơn lành, ắt Chúa chẳng để có bây nhiêu nỗi khốn nạn thế nầy.”. – Mà nếu hồ nghi về lòng lành Đức Chúa Trời, tất là hồ nghi không có Đức Chúa Trời. Vì chưng nếu Đức Chúa Trời chẳng phải trọn lành, thì chẳng còn phải là Đức Chúa Trời. – Phái vô thần lợi dụng tình cảnh rủn chí nầy mà cao rao rằng: tai nạn chiến tranh làm chứng chẳng có Thiên Chúa bảo tồn vạn vật, vì rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời, ắt Chúa chẳng để loài người tai ương đến thế”.
Phải đáp giải thế nào?
Ta hãy bình tĩnh mà phân giải vấn đề. Cho dầu chúng ta có năn nỉ than van, chúng ta hãy còn nghĩ tưởng theo lẽ đức tin. Nếu gian nan làm cho ta bất bình, nếu đau khổ làm cho ta bối rối là tại vì ta tin thế gian nầy có một Đấng phép tắc lòng lành điều khiển đưa nó đến hạnh phúc, song phải trải qua những nẻo mà trí khôn yếu đuối chúng ta chẳng hiểu đặng và tính cảm xúc chúng ta lấy làm khổ sở.
Chúng ta hãy dò xét các nẻo đàng ấy với những tâm tình xứng đáng; nghĩa là trí khôn phải khiêm nhường trước mặt Đấng cao cả vô cùng, bởi nhìn biết mình không thể hiểu thấu lẽ mầu nhiệm Người, tâm lòng phải sẵng sàng vâng phục, mặc dầu phải hy sinh, cho đặng theo ý định của Chúa cả ta phải chịu lụy mọi đàng.
Ở vào một xó nhỏ mọn trong vũ trụ, những phương thế điều tra rất khiếm khuyết, với một trí khôn luôn luôn có lẽ sai lầm, làm sao ta dám đoán xét việc Đấng khôn ngoan vô cùng an bài sắp đặt?
Người đời không phép cật vấn Thiên Chúa. Ta chớ buộc Chúa cắt nghĩa cho ta. Song người giáo hữu phải gối quỳ thờ lạy thánh ý cao cả Chúa, cho dầu mình chưa hiểu được, và cầu xin Chúa lòng lành ban ơn soi sáng cho mình suy xét việc Chúa làm cách phải lẽ hơn. Đoạn kẻ ấy chỗi dậy, linh hồn đặng bình tĩnh hơn, đặng trông cậy hơn nơi lẽ đức tin soi sáng chỉ dẫn cho mình giữa đêm mịt mờ đáng sợ thế ấy, và cứ một lòng kính mến kêu đến danh thánh Cha cả ngự trên trời là Đấng mình hằng trông cậy chẳng khuây.
Và nếu Đức Chúa Trời phải tranh luận với chúng ta theo thói người đời, ắt Chúa phản đối với thứ người trách móc Chúa, mà rằng: “Bay lấy làm bất bình vì ta không ngăn trở, để cho có chiến tranh. Song tại sao chính mình chúng bay lại để sinh chiến tranh?”.
Trách nhiệm của nạn chiến tranh không phải tại nơi Đức Chúa Trời, mà là tại bởi người đời tham lam chổm ố. Ta chớ tách Đức Chúa Trời bỏ ta; vì chính mình chúng ta bỏ Chúa, chê bỏ luật thánh Người.
Hết thảy mọi người chúng ta có lo cầu xin cho thế gian giữ sự hòa bình hay không? Trước cơn giặc khủng khiếp nầy, chẳng thiếu chi những điềm dữ bảo cho ta hay trước; các nước hồi ấy đã hiểu biết mình bước chơn trên mé vực thẳm. Lẽ thì chính trong thì thế nguy hiểm dường ấy, chúng ta phải kêu xin Đức Chúa Trời cứu chữa chúng ta, mà chúng ta có gắn vó kêu xin hay không? Rày cơn khốn khó đã đổ trên đầu chúng ta, thì chúng ta hãy nhìn lỗi mình, chớ đổ thừa cho Đức Chúa Trời.
Một câu vấn nạn nữa: Tại sao Thiên Chúa ban phép cho nhơn loại tác sinh sự khốn cho mình? – Thưa bởi vì Thiên Chúa đã ban cho chung ta một ơn trọng vọng để là mích cho chúng ta, mà chúng ta lại dung chẳng nên, nên phải khốn: Ấy là quyền tự do.
Đức Chúa Trời tín nhiệm nơi ta nên Người mới giao quyền chủ trương chúng ta trong tay ta. Vậy nếu ta lạc đường sai lối mà thiệt hại cho mình, thì chớ trách Đấng đã ban ơn trọng ấy cho ta. Chiến tranh là một trong những kết quả thảm hại bởi chúng ta dùng quyền tự do cách sai lẽ. Chính loài người tự ý cải lịnh Chúa, gây giặc với nhau chớ chẳng phải Đức Chúa Trời làm cho có gặc đâu. Ấy vậy có lẽ nào ta nên trách móc Đức Chúa Trời, vì danh dự Người đã ban cho chúng ta đặng quyền chủ trương lấy mình từ thuở mới sanh hay sao?
Người phát minh ra phi cơ đã chắp cho người ta một cặp cánh để tang thêm sức mạnh cả thể; song một trật cũng tăng số tai nạn làm cho nhiều người phải chết. Có phải vì đó mà chúng ta không nên biết ơn kẻ đã phát minh ra cái lợi khí ta dùng được mà vượt lên trên không trung vô hạn hay sao?
Lực lượng nào cũng có chỗ nguy hiểm. Quyền tự do là một lực lượng nưng nhắc loài người lên chỗ tối cao, cũng có cái hiểm nghèo. Nhưng mà vì phẩm gía con người, thà có quyền tự do hơn là chẳng có.
Còn một phương pháp khác để ngăn ngừa nạn chiến tranh cách xứng đáng, Đức Chúa Trời và loài người chung ta hơn: là truyền cho loài người một luật phong hóa: nếu thành tâm nắm giữ tất nhiên sẽ đặng cùng nhau thuận hòa và hạnh phúc. Ấy là cách thế Đấng Tạo hóa đã an bài. Chương trình ấy đã thảo ra trong mười giái răn Đức Chúa Trời và Bổn Phúc Âm đã làm cho nên trọn lành.
Chương trình gồm có mấy tiếng: “Mầy chớ giết người”, nghĩa là nếu chẳng có lẽ gì rất trọng, mầy chớ đổ máu anh em mầy. Mầy chẳng nên phạm đến máu những dân tộc cạnh tranh với dân tộc mầy; tay quân lính của mầy chẳng nên dùng gươm sát nhơn, trừ ra khi không còn phương thế nào khác để bắt đền bồi sự thiệt hại.
“Mầy chớ nói dối”, nghĩa là khi mầy đã ký ước trọng thể mà nhìn nhận sự trung lập của một nước nào, hay là biên giới của một dân tộc nào, thì mầy chớ chối chữ ký của mầy, mà đi dùng võ lực băng ngang đất nước, hoặc đem binh vào chiếm nước ấy.
“Mầy chớ lấy của người”, nghĩa là mầy chớ xâm lấn đất đai của lân bang, vì lẽ xứ ấy giàu có, còn mầy thì phải cảnh chật hẹp nơi xứ của mầy. Võ lực của mầy không làm được cho mầy có quyền lợi bao giờ đâu.
Đấng hằng có đời đời, Vua các dân thiên hạ đã phán dạy như vậy.
Đức Chúa Trời chẳng cho phép chiến tranh, Người cấm sự ấy. Giã như các nước thiên hạ vưng giữ giái răn Chúa, thì chẳng bao giờ sinh giặc với nhau.
Một huấn lịnh mới của Thiên Chúa là Tin Lành Phúc âm đã đến dạy loài người phải ăn ở với nhau như an hem để làm cho giái răn Chúa đã ra cho loài người phải kính nễ nhau, càng đặng vững chắc. Trước Đức Chúa Giêsu ra đời, nhân loại không nhìn biết nhau, hềm ghét nhau. Đấng Cứu Thế đã đến giảng dạy cho người đời biết mình là anh em với nhau, cả thẩy đã thọ lãnh linh hồn bởi một cha chung ở trên trời.
Phúc âm Chúa Cứu Thế dạy người đời sự hiền lành, nhơn từ, dong thứ, hy sinh, là những đức tính tốt lành và mạnh mẽ giúp cho nhân loại hòa nhã thảo thuận với nhau. Đời sống và sự chết của Chúa Cứu Thế đã nêu gương rõ ràng khuyến khích người đời bỏ quên sự sỉ nhục kẻ khác làm cho mình, sẵn lòng hy sinh mình vì lợi ích chung. Chúa đã nêu cao Thánh Giá Người giữa những sự bất thuận cãi lẫy của nhân loại, để nên dấu kêu mời ai nấy làm hòa lại với nhau, mà rằng: “Bay hãy thương yêu nhau như Ta đã thương yêu bay. Bay hãy thứ tha cho kẻ làm mất lòng bay, như Cha bay đã thứ tha cho bay”.
Ở giữa những nhân loại đang chia rẽ cạnh tranh. Hội thánh Chúa Kirixitô nên như một quê hương mới, ở đó mọi người đặng sống thuận hòa. Hội thánh là xã hội độc nhứt không phải bao bọc trong biên giới của một xứ nào; vì biên giới của Hội thánh bao gồm cả và thế gian, để nên nơi hội ngộ cho các dân thiên hạ, bất phân bờ cõi đất đai mỗi nước. Trong Hội thánh các kẻ thù nghịch nhớ lại mình cùng chung một căn nguyên, một vận mạng như nhau; cùng nhau đặng giục giã giữ đạo bở một Đấng làm đầu là Đức Giáo Hoàng, ở trên các quê hương riêng của mỗi người, làm trung tâm hành động giữ gìn cho đạo Công-giáo đặng hiệp nhứt, giảng hòa khi trong giáo có đếu cạnh tranh, cùng khuyên bảo ai nấy giữ đức hạnh và bác ái.
Không thể tưởng tượng được một công trình nào hoàn toàn hơn để hãm dẹp lần lần tính ích kỷ hung tợn là nguồn sinh ra chiến tranh.
Song le loài người chẳng biết khôn mà đồng tâm cộng tác với công trình vĩ đại ấy; có những tay ngông cuồng đã bứt đứt giây thân ái giữa các dân thiên hạ. Dầu vậy Thiên Chúa vẫn còn ruổi tìm con người đến tận trong nơi hỗn chiến và liệu cách làm cho sự khồn khó của con người còn được nên ích lợi cho nó. Ấy là triệu chứng tột cùng tỏ ra Đức Chúa Trời nhơn từ vô cùng, chẳng phải trách nhiệm nào về nạn chiến tranh.
Hàng triệu chiến sĩ can đảm phải tử trận. Nhưng cho dầu thảm não đến đâu, vì lòng nhơn lành Đức Chúa Trời, cái chết ấy đem lại cho các kẻ tử trận một sự lành còn cao trọng hơn sự sống. Đối với chúng ta là kẻ đang mến tiếc khóc than những người bạc phận ấy, xem ra câu nói trên cứng cỏi khó nghe, song le đối với các kẻ ấy, rày đã ở vào cõi đời đời, đặng thấy biết tỏ tường buổi sống vắn vỏi người đời còn nơi trần thế sánh chẳng vào đâu với cuộc sống vĩnh viễn an nhàn vô hạn trên thiên quấc, thì các kẻ ấy hiểu câu nói trên rất là chơn thật.
Chết già chẳng qua chết lành, nghĩa là chết sau khi đã làm trọn phận sự mình, sau khi đã lập công cho đáng Chúa cả ban thưởng phước thanh nhàn đời đời còn mãi. Đều can hệ chẳng phải là đặng sống thêm vài năm, song là làm cho mình đặng vững chắc sự sống thật đời sau.
Đức Chúa Giêsu phán rằng: có một sự cần kíp là đặng rỗi linh hồn. Không có chiến tranh, có khi nhiều chiến sĩ trận vong đã sống một cuộc đời vô vị về phong hóa, hư từ về tôn giáo, rồi kết cuộc một cách thậm thường, có lẽ xấu xa hơn nữa, làm cho tương lai đời đời của mình nên khả nghi. Nhờ chiến tranh, các người ấy đặng dịp làm việc hi sinh để bước lên phẩm cấp cao siêu. Mặc dầu các người ấy tự ý hiến thân cho quê hương một phen mà thôi khi lãnh lấy phận sự hiểm nguy, thì cả đời sống của các người ấy đã đặng hóa nên tốt đẹp và tương lai đời đời của các người ấy cũng vì đó mà đặng bảo đảm. Các kẻ ấy đặng liệt vào hạng anh hùng. Nhờ ơn Đức Chúa Trời giúp, các kẻ ấy sẽ đặng nhập tịch gia đình Các Thánh. Và người đời còn biết tán phục kính cẩn phần mộ các chiến sĩ tử trận, ắt là Thiên Chúa hay thương vô cùng càng ân cần ban ơn giúp sức các kẻ ấy, nơi giường chết, trong giây phút hấp hối. Giây phút đau thương mà vinh hiển, giây phút thần chết hành quyền mà sự sống thật cũng sấp sinh.
Chúng ta hãy cảm động mà nhìn nhận rằng: chiến tranh đã làm cho linh hồn người thế nên sang quới; chiến tranh ghê tởn làm cho xác thịt nát tan, mà cũng làm cho linh hồn vượt lên cao thượng: chiến tranh mà các người vợ các người mẹ nguyền rủa vì nó xé tan ái tình âu yếm của các kẻ ấy, nhưng các chiến sĩ tử trận vang hiển rày đã tái sanh chắc đang ca ngợi chiến tranh ấy trong những bài hát cảm tạ ơn Thiên Chúa, vì nhờ chiến tranh mà các người ấy đã vượt lên đến đảnh phước lạc vô biên và thánh thiện tinh toàn.
Phần chúng ta là kẻ còn sống, nào chúng ta chẳng nhờ ích lợi nào bởi cơn khốn khó nầy để giảm bớt những nỗi đau thương nặng nề hay sao?
Chịu khó đã là một ích lợi rồi. Phải thương hại cho con người chẳng hề chịu khó. Kẻ đó còn chỗ yếu nhược, nghĩa là còn phải vấn vương tình ích kỷ, mà chỉ có lưỡi gươm hi sinh chịu khó mới có thể dứt tuyệt những dây ràng buộc thể ấy. Gian nan là một tay thợ nhiệm mầu, một phen làm hoàn thành công việc mới cho ta rõ bí thuyết của nó. Một ngày kia ta sẽ hiểu rõ gian nan làm cho ta đặng sống, có khi ta sẽ nhìn nhận gian nan đã cần kíp cho ta.
Trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng đã định cho máu đổ lụy rơi có giá trị chuộc tội, thì gian nan khốn khó ta chịu càng có công nghiệp hơn nữa. Đức Chúa Trời tỏ thấy chung tôi can đảm chịu khó để đền bồi tội lỗi chung tôi và cũng rõ thấy vô số người hi sinh mình để đền bồi thay kẻ có tội. Bây nhiêu công nghiệp đền bồi phạt tạ thế ấy làm cho Đức Chúa Trời thứ tha cho chúng tôi. Rồi sẽ có ngày phước lạc vui vẻ tiếp đến.
Vậy chúng tôi phải làm đí gì bây giờ. – Chúng tôi không suy nghĩ đã dám phàn nàn rằng: “Nếu có Đức Chúa Trời ắt chúng tôi sẽ chẳng phải khốn khó dường nầy”. Chúng tôi hãy trở ngược câu bất công ấy, mà rằng: “chúng tôi đã phải khốn khó dường nầy là tại chung tôi chẳng vưng theo Thánh ý Đức Chúa Trời.” Đức tin có sống lại trong lòng chúng tôi bao nhiêu thì sự gian nan khốn khó của chúng tôi mới đặng giảm bớt bấy nhiêu.
Nạn chiến tranh hiện thời tỏ ra rõ ràng: xã hội khốn nạn loài người chung tôi muốn cho khỏi phải võ lực áp bức thì phải lập nước Đức Chúa Trời trong lòng con cái mình và trong đời công của xã hội.
Con người thế kỷ XX nầy, tin cậy nơi sự tiến hóa bởi sức người phàm, tưởng mình đủ sức tự lập lấy xã hội cho mình. Học đường lập ra khắp nơi để giáo huấn, xem ra nhờ đó dân chúng đặng một nền phong hóa đủ cho cuộc trị an. Nước nọ giao thiệp về thương mại với nước kia, những ký ước quấc-tế, những hội nghị hòa-bình, một Hội vạn quốc, bấy nhiêu xem ra đã chữa các dân thiên hạ cho khỏi sở thích hãm hãi lẫn nhau. Nhưng bấy nhiêu công cuộc đều sập đổ. Vì chưng một nền văn minh chỉ chuyên lo về vật chất mà thôi, thì làm cho con người càng thêm mơ ước khoái lạc và bày thêm khí cụ cho loài người tranh đấu giết lát nhau mà thôi. Những sự tiến hóa về khoa học đã làm cho nhân loại suy sụp.
Thế gian cần phải có Đức Chúa Trời. Quyền tự do chính thật của các dân là cao rao nhìn nhận quyền phép tuyệt đối của Chúa cả trời đất, là Đấng một mình hủy diệt được những vua chúa thế gian lạm quyền áp chế.
Cho đặng chủ trị loài người, phải có một Chúa cả, Phép công bình chẳng phải là một quan niệm rỗng không, song phải là một ngôi Chúa tể phép tắc hơn loài người, mà loài người phải ràng buộc và suy phục Đấng ấy trong hết mọi việc mình làm, Phép công bình để điều khiển mọi hành vi chúng tôi và gìn giữ cho ai nấy thượng hòa hạ mục thể ấy, chúng tôi biết, chúng tôi gọi đích danh là Đức Chúa Trời hằng sống.
Khi sẽ yên giặc rồi, khi các dân sẽ buông khí giái, thì thiên hạ sẽ phải một hồi sửng sốt. Thấy la liệt bao nhiêu sự sụp đổ, bao nhiêu nấm mộ, thiên hạ sẽ tự hỏi mình lẽ nào có được như thế. Kẻ thắng cũng như kẻ thua, sẽ mau mau tìm nơi nương dựa cho hi vọng hòa-bình của mình xem chừng mỏng mảnh.
Bây giờ các dân thiên hạ phải tìm đến Đức Chúa Trời, xin Người chứng minh các đều mình thề hứa, ngõ nhờ tay phép tắc Người ban phép lành cho lòng ngay thật của mình chỉ mong cho tình huynh đệ đặng tái sanh ở thế giái nầy.
Ngày ấy nhân loại sẽ hết trách móc Thiên Chúa, mà lại sẽ đồng thanh ngợi khen Chúa nhân ái đã ban cho mình đặng hưởng phước Thái bình.
(Rút ở bài: “THIÊN CHÚA và CHIẾN TRANH”
Của cha Thellier de Poncheville)
***
[1] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Bài I: Những định hướng khởi đầu
[2] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Bài II-Tân thư, Thởi sự