ÔI TỘI HỒNG PHÚC
(Đọc truyện dài Ôi tội hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo)
Bùi Công Thuấn
Ôi tội hồng phúc là truyện dài đạt giải nhất Văn hóa nghệ thuật Đất Mới của Giáo phận Xuân Lộc.
Trong buổi hội thảo do Hiệp hội Bảo vệ Sự sống tại Canada tổ chức cho giới sinh viên tại giảng đường ở tòa nhà SITE, Đại học Ottawa, thầy Tùng đã kể chuyện về sự chào đời của 3 cháu bé Thiện Tâm, Hồng Phúc, Hồng Ân. Nhưng để bảo vệ được sự sống của các cháu, các nhân vật trong truyện đã phải trải qua những hoàn cảnh hết sức khó khăn, đối mặt với rất nhiều bi kịch.
Đó là bi kịch tình yêu của người trẻ trong xã hội Canada. Trong bối cảnh đó, người Việt trẻ bị giằng xét quyết liệt giữa văn hóa truyền thống Việt và văn hóa phương tây; giữa cách nghĩ, cách sống của người trẻ vô thần với bạn bè, người yêu có đức tin Công giáo. Người trẻ phải trả lời câu hỏi đâu là chân lý của tình yêu, hôn nhân, tình dục. Đó cũng là những vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam hiện tại, khi mà chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thế tục và lối sống hưởng thụ của của xã hội tiêu dùng lên ngôi. Gia đình trẻ Việt Nam trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.
Chủ đề bảo vệ tình yêu, bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân phẩm và các giá trị văn hóa Việt được triển khai sâu sắc dưới ánh sáng tư tưởng Nhân văn Công giáo (bé Hồng Ân, Hồng Phúc) và cái nhìn nhân bản Phật giáo (bé Thiện Tâm). Tác giả tỏ ra am tường sâu sắc về tư tưởng triết học của các tôn giáo. Trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa thế tục, các nhân vật đã kiên định bảo vệ đức tin Công giáo, đồng thời cũng khẳng định cái tâm từ bi của Phật có sức cảm hóa (như trường hợp của Angulimala, một sát thủ,“buông đao thành Phật”[1]). Có lẽ đây là một giá trị đặc sắc nhất của tác phẩm này, bởi các tư tưởng nhân bản phương Đông được xây dựng thành những hình tượng nhân vật trong những cảnh đời rất thực, và tính cách, số phận của các nhân vật được chuyển hóa một cách thuyết phục.
Độc giả Công giáo có thể thấy rõ điều này, truyện kiên định giáo luật Công giáo trong hôn nhân như giữ điều răn thứ sáu tiền hôn nhân, hôn nhân bất khả phân ly. Sự thứ tha là thông điệp xuyên suốt tác phẩm (sự thứ tha cho Tuấn như Chúa thứ tha cho người phụ nữ ngoại tình). Tuấn là một người vô thần, nhưng Tuấn là người tình nghĩa và có trách nhiệm. Sự hiểu biết và tôn trọng tha nhân, tôn trọng sự khác biệt là tư tưởng của thời đại toàn cầu hóa cũng được đặt ra như một nguyên tắc sống, nguyên tắc tư tưởng. Tất nhiên bạn đọc ở Việt Nam với cái nhìn văn hóa truyền thống có thể có sự tiếp nhận rất khác nhau về những vấn đề của người trẻ trong xã hội Canada. Điều ấy là bình thường khi đắm mình trong một tác phẩm có bề sâu văn hóa và tư tưởng.
Về nghệ thuật, truyện có cấu trúc phức tạp, song được kể mạch lạc và lý giải sâu sắc mọi vấn đế được đặt ra, giải quyết triệt để những mâu thuẫn bi kịch của các nhân vật, tuy mất mát nhưng có hậu. Văn phong của Nguyễn Phương Thảo rất trẻ trung, sống động. Truyện cuốn người đọc vào những tình huống gay cấn như trong phim hành động. Các nhân vật như Tuấn, Tùng, Kiều Diễm, Công, ông bà Nghị đều góc cạnh và rất cá tính, để lại những ấn tượng sâu sắc và thú vị…
Bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều điều tâm đắc hơn nữa khi đọc tác phẩm này, bởi ở mỗi góc nhìn, người đọc có thể khám phá những sắc màu, những ý nghĩa của tác phẩm mà ở góc nhìn khác không thấy.
Tôi yêu quý tác phẩm này vì đó là tâm huyết và tài năng của tác giả.
Tháng 12. 2017
_______________________________________
[1] https://thuvienhoasen.org/a18562/buong-dao-thanh-phat
Cám ơn bác Thuấn đã viết lời bình luận cho câu chuyện của cháu 🙂
Cám ơn bạn đã không chê bài viết của mình. Nói thật lòng, Ôi tội hồng phúc là một tiểu thuyết mình rất thích. Cách viết trẻ. Tác phẩm có bề dày văn hóa và độ mở rất rộng. Nó có khả năng sống rất lâu trong thế giới toàn cầu hóa. Nó cũng đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học Công giáo. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp.