THƠ TÔ THÙY YÊN

THƠ TÔ THÙY YÊN

TÔ THÙY YÊN 1

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sanh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định.

Ông sáng tác thơ và có thơ được đăng báo từ năm 16 tuổi! Đến cuối năm 1956, ông đã tham gia nhóm Sáng Tạo (gồm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, và Thái Tuấn)

Trước 1975,  ở miền Nam, ông bị động viên, nhập ngũ từ năm 1964 đến 1975, Chức vụ sau cùng là Thiếu tá trong quân đội VNCH. Sau 1975, ông đi cải tạo 13 năm. Từ năm 1993, ông định cư ở Mĩ. Ông từ trần tại Houston. CA. 21/5/2019

Các nhà thơ Du Tử Lê, Tô Kiều Ngân, Ý Nhi và các nhà nghiên cứu phê bình Thụy Khuê, Đặng Tiến, Nguyễn Vy Khanh, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Hữu thục, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Mạnh Trinh… đã có những bài viết rất hay về thơ Tô Thùy Yên. Nguyễn Hưng Quốc nhận định Tô Thùy Yên “là một trong những nhà thơ lớn nhất của miền Nam trong giai đoạn 1954-75, hơn nữa, cũng là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam nói chung trong cả nửa sau thế kỷ 20

Để có thể xác định Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn và là một “nhà thơ lớn nhất của Việt Nam nói chung trong cả nửa sau thế kỷ 20“như nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc thì cần có những hội thảo, những nghiên cứu sâu rộng trên cả một nền thơ  Việt Nam. Ý kiến của một người chỉ là góc nhìn riêng, và góc nhìn riêng thì thường là rất hẹp.

Theo quan sát của tôi, một nhà thơ lớn phải là nhà thơ có tư tưởng lớn, cũng là người tự đặt được cột mốc nghệ thuật trong tiến trình phát triển của lịch sử văn chương dân tộc và mở ra một trào lưu sáng tác sau đó. Nhà thơ lớn là người nói được tiếng nói của thời đại và tác phẩm của ông ta phải được công chúng rộng rãi biết đến, công nhận và yêu thích.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ như vậy. Tư tưởng yêu nước của ông là tư tưởng tiến bộ vượt không gian thời gian. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Lục Vân Tiên của ông là những cột mốc trong lịch sử văn học. Hình tượng người nông dân dánh giặc anh hùng lần đầu tiên đi vào văn chương Việt Nam qua trang thơ Nguyễn Đình Chiểu và sau đó trở thành hình tượng trung tâm của văn chương kháng chiến. Quan điểm văn chương chiến đấu của Nguyễn Đình Chiểu là quan điểm có nguồn gốc truyền thống, và sau ông vẫn được kế thừa. Ông trở thành nhà văn của nhân dân.

Tôi nghĩ Tô Thùy Yên chưa có được tầm vóc đó, dù khuộn mặt thơ của ông có góc cạnh. Thơ ông có tư tưởng nhưng chưa định hình một tư tưởng của riêng ông, và cũng ở mặt tư tưởng, thơ ông bị hạn chế đối với công chúng trong nước, nghĩa là tư tưởng của ông chưa vượt qua được thời đại. Ông có đóng góp vào sự đổi mới thi ca ở miền Nam những năm 1960 và một số bài thơ của ông được yêu mến ở miền Nam đương thời. Bài thơ Chiều trên phá Tam Giang được Trần Thiện Thanh phổ nhạc một phần có làm thơ ông vang xa. Dù vậy, qua bóng dáng của ông tôi thấy thấp thoáng Bùi Giáng, Phạm thiên Thư, và Trường Sa hành có cái lãng tử của Nguyễn Bính, có cái day dứt của Thâm Tâm…

Vâng, cũng chỉ là cảm nhận chủ quan.

Thơ Tô Thùy Yên là thơ hiện thực vươn lên thơ tư tưởng, là thơ hiện đại nhưng đậm màu sắc cổ điển, là khí chất bi tráng của “Cái Ta thất bại” có bóng dáng từ Cao bá Quát, hoặc xa hơn nữa (Đỗ Phủ). Không phải vô tình, trong trại cải tạo, lúc thèm đọc thơ quá, Tô Thùy Yên từng ghi lại bằng chữ Hán bài  “Đồng Cốc Huyện Chung cư Thất ca” của Đỗ Phủ cho lão nhà thơ Hà Thượng Nhân.

Tôi đọc thơ Tô Thùy Yên với một xúc động sâu xa những gì ông viết về kiếp người. Cái hay của thơ Tô Thùy Yên chỉ có thể cảm nhận mà không cần phân tích. Dù vậy, người đọc cần có vốn tri thức và sự trải nghiệm. Bởi chính cuộc đời trải nghiệm bể dâu của ông đã làm nên thơ ông. Ông đã vượt qua được “Hố thẳm tư tưởng”(chữ của Phạm Công Thiện) để tiếp cận tư tưởng Thiền, bao dung và nhân ái.

Tôi chia sẻ tư tưởng này của ông về thi ca: “…Đặc biệt, trong những tình huống cực kỳ chông chênh, nghiệt ngã, sinh tử mà chính con người bị đọa đày dìm đắm vào đó, bị đặt để trước nguy cơ thường trực của sự trấn lột chính cái nhân phẩm còn sót lại của mình, thơ, hơn bao giờ hết đã chứng tỏ một cách mãnh liệt cái khả năng siêu việt gần như là tôn giáo của thơ. Trong những tình huống đó, rất nhiều người đã nương tựa vào thơ, để mà gìn giữ lấy mình, để mà sống sót với tư cách là con người…”(Bài nói tại Seattle Public  Library 26/7/1997)

Không nhà thơ nào vượt qua được bối cảnh lịch sử chi phối mình, thế nên nói về thơ Tô Thùy Yên lúc này cần đặt mình trong tâm thức dân tộc để trân trọng cả những vinh quang và đau đớn mà dân tộc đã trải qua trong chiến tranh.

Nhiều người đọc cho rằng những bài thơ sau đây là những bày thơ hay của Tô Thùy Yên:

Chiều trên Phá Tam Giang (1972). Hề, Ta Trở Lại Căn Nhà Cỏ (1972). Đêm qua Bắc Vàm Cống. Anh Hùng Tận, Trường Sa hành (1974). Đãng tử. Tưởng tượng ta về nơi bản trạch. Mùa hạn (Nghệ Tĩnh 1979). Ta về (1985). Thắp Tạ…

Xin trích vài câu thơ của Tô Thùy Yên:

CÁNH ĐỒNG CON NGỰA CHUYẾN TÀU

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.
                      (4-1956)
TA VỀ

“Ta về – một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay..

……

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta”

(Ta về 1985)

TẶNG PHẨM

“Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương

Thức cho xong bài thơ
Mai sớm ra đi
Cài hờ lên cửa tặng”

***

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok